Những trở ngại

Một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường lao động tiếp tục thắt chặt, tỷ lệ lạm phát gần chạm mức mục tiêu 2% là bức tranh nhiều điểm sáng mà Phó Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida phác họa về nền kinh tế đầu tàu thế giới trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Những nhận xét “có cánh” của ông Clarida được xem là chỉ dấu quan trọng cho thấy ngân hàng quyền lực nhất thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới. Tuy nhiên, tiến trình này đang gặp thách thức khi đối mặt sự chỉ trích mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như những rủi ro nổi cộm khác.

Nền kinh tế Mỹ đang trong năm tăng trưởng kinh tế thứ 10 liên tiếp, đánh dấu giai đoạn tăng trưởng liên tục dài thứ hai trong lịch sử. Thị trường lao động tiếp tục khởi sắc với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7%, mức thấp kỷ lục gần 50 năm.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Fed quyết định tiến hành thêm đợt nâng lãi suất trước cuối năm nay

Ngoài ra, sau một thời gian dài tăng trưởng “ì ạch,” tiền lương đã đi lên đáng kể phù hợp với tăng trưởng sản xuất. Với một thị trường lao động khoẻ mạnh và tỷ lệ lạm phát gần chạm ngưỡng 2%, nền kinh tế Mỹ đang tiến gần tới đáp ứng mục tiêu kép về lạm phát và việc làm mà Fed đã đề ra.

Nếu tình hình tươi sáng này tiếp diễn, ông Clarida cho rằng một sự điều chỉnh lãi suất liên bang từ tốn là hợp lý, song vẫn nhấn mạnh chính sách tiền tệ phải được điều chỉnh phù hợp với thực tế của nền kinh tế. Điều này nhằm đảm bảo việc tăng lãi suất không diễn ra quá nhanh làm kìm hãm tăng trưởng quá mức cần thiết, hoặc quá chậm khiến nền kinh tế phát triển quá nóng, kéo theo nguy cơ lạm phát, giá cả tăng cao.

Những gì mà ông Clarida nêu bật nhìn chung phù hợp với báo cáo tổng quan về tình trạng và triển vọng kinh tế mà Fed công bố trước đó. Dựa trên các số liệu thu thập từ 12 ngân hàng chi nhánh khu vực, Fed đã mô tả một nền kinh tế dù phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động, song vẫn tăng trưởng ổn định. Tốc độ tăng trưởng vừa phải được ghi nhận tại phần lớn các khu vực, song song với đó là tăng trưởng về mức lương và giá cả cũng đi lên dù tốc độ tăng chưa thực sự ấn tượng.

Giao dịch tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ ngày 10/10/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giao dịch tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ ngày 10/10/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dù báo cáo của Fed là một trong những nguyên nhân dẫn tới một phiên “bán tháo” tái diễn trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày 24/10, song những đánh giá tích cực mới nhất của Phó Chủ tịch Fed phản ánh sự tin tưởng của ngân hàng trung ương rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần thoát khỏi “cái bóng” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Fed quyết định tiến hành thêm đợt nâng lãi suất trước cuối năm nay sau 3 đợt điều chỉnh trong 9 tháng năm 2018, nhằm ngăn chặn nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.

Theo dự tính của Fed, việc nâng lãi suất từ tốn lên ngưỡng trên 3%, dù sẽ khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc đôi chút, song sẽ có tác dụng giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. So với những năm trước khi Fed phải “chiến đấu” với cả tỷ lệ thất nghiệp cao và mức lạm phát èo uột, đây đã là một kịch bản tương đối sáng sủa mà hầu hết các nhà phân tích cho là phù hợp với chính sách hiện nay.

Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng Fed đang đi đúng hướng

Ngay cả ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng cho rằng Fed đang đi đúng hướng và việc Fed có thể nâng lãi suất là một tín hiệu tốt về sức khỏe nền kinh tế. Do vậy, ở một góc độ nào đó, việc tăng lãi suất cao hơn không phải là một mối đe dọa mà có thể coi là một tín hiệu về đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Dẫu vậy, tiến trình tăng lãi suất của Fed lại đối mặt với sức ép lớn. Tổng thống Trump đã công khai chỉ trích chính sách của ngân hàng trung ương, cho rằng Fed đang đi ngược lại nỗ lực của ông nhằm kích thích nền kinh tế trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức quá thấp.

Động thái của ông Trump được xem là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ khi tính độc lập của Fed lâu nay vẫn được xem là yếu tố quan trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế. Đỉnh điểm của sự bất mãn trên là sau phiên bán tháo cổ phiếu mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ hôm 10/10, ông chủ Nhà Trắng đã đổ lỗi cho Fed gây ra thảm họa chứng khoán bằng những từ ngữ nặng nề. Gần đây nhất, Tổng thống Trump nói rằng “Fed là mối đe doạ lớn nhất” khi cho rằng Fed nâng lãi suất quá nhanh.

Trụ sở Fed tại Washington DC., Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Fed tại Washington DC., Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Xét ở góc độ chính trị gia, việc Tổng thống Trump chỉ trích tiến trình tăng lãi suất của Fed không phải là không có lý do. Các chính khách luôn muốn nền kinh tế phát triển mạnh, thất nghiệp giảm, công ăn việc làm dồi dào. Đặc biệt, điều này càng trở nên quan trọng khi chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Với việc tăng chi phí vay mượn, Fed đang khiến cho công việc kinh doanh khó khăn hơn, chứng khoán giảm điểm – chẳng khác nào một “gáo nước lạnh” đổ vào nỗ lực ca ngợi thành tựu kinh tế của ông Trump.

Mặt khác, lãi suất cao cũng sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền mua trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều hơn, đẩy giá “đồng bạc xanh” lên cao trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, đã xuất hiện nhiều mối lo ngại rằng với lộ trình tăng lãi suất, Fed cuối cùng sẽ đẩy nước Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng vài năm tới. Điều này được báo hiệu khá rõ thông qua xu hướng đi ngang của đường cong lãi suất trái phiếu Mỹ – đồ thị biểu hiện mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn và dài hạn.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa hạ nhiệt cũng được xem là một yếu tố buộc Fed phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa hạ nhiệt cũng được xem là một yếu tố buộc Fed phải cân nhắc kỹ lưỡng

Ông Ronald Temple, trưởng bộ phận chứng khoán Mỹ của Lazard Asset Management, nhận định sự kết hợp giữa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mối quan hệ kinh tế đi xuống giữa Mỹ với Canada và châu Âu, và việc Fed nâng lãi suất có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào năm 2020.

Các chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump có thể dẫn tới hệ quả là nền kinh tế Mỹ giảm tốc mạnh, nhất là khi xung đột thương mại diễn ra đồng thời với tăng lãi suất.

Dù thị trường chứng khoán Mỹ liên tục chứng kiến những phiên “bán tháo” trong thời gian qua, song không thể phủ nhận nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn đang tăng trưởng tốt và ổn định. Tuy nhiên, để có thể đưa ra quyết định cho những đợt điều chỉnh lãi suất trong tương lai, Fed vẫn  phải dựa trên sự cân nhắc tình hình thực tế của nền kinh tế cũng như những thách thức, rủi ro tiềm ẩn. Đây chắc chắn không phải là một bài toán dễ dàng, khi thể chế tài chính này vừa phải tìm cách cân bằng giữa việc kiểm soát lạm phát trong khi giữ thất nghiệp ở mức thấp nhất để đảm bảo tăng trưởng kinh tế./.

(Nguồn: AFP/TTXVN)
(Nguồn: AFP/TTXVN)