Liên hợp quốc

ttxvnlhq1-1540431097-56.jpg

“Đừng bao giờ đầu hàng với những thách thức mà bạn phải đối diện” – thông điệp ngắn gọn nhưng vô cùng ý nghĩa trên được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gửi đến tất cả những người đang phụng sự Liên hợp quốc và những người được Liên hợp quốc phụng sự trên toàn thế giới để đánh dấu ngày tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh tròn 73 tuổi.

Ở một nghĩa rộng hơn, thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc như một lời cam kết: dù còn nhiều bất cập, khó khăn, trở ngại và bất bình đẳng gia tăng, tổ chức do ông đứng đầu sẽ không đầu hàng, đơn giản bởi vì những nỗ lực mà Liên hợp quốc đang cố gắng thực hiện sẽ “tăng thêm hy vọng, cơ hội và hòa bình cho toàn thế giới.”

“Đừng bao giờ đầu hàng với những thách thức mà bạn phải đối diện” (Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres)

Có thể hiểu tuyên bố của ông Antonio Guterres là cách thể hiện và khẳng định quyết tâm của Liên hợp quốc, đồng thời cũng chính là cam kết của 193 nước thành viên sẽ hành động tích cực để thực hiện những mục tiêu tham vọng, từ phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường tới đấu tranh vì quyền con người, vì cuộc sống bình yên mà tất cả mọi người trên Trái Đất này đáng được hưởng, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.

Ông cũng tái khẳng định cam kết của Liên hợp quốc sẽ nỗ lực “hàn gắn thế giới, hàn gắn những niềm tin bị đổ vỡ và không bỏ lại ai lại phía sau.”

Không phải ngẫu nhiên mà thông điệp kỷ niệm ngày thành lập Liên hợp quốc năm nay lại mang tinh thần vượt qua thách thức. Phải nói rằng trong 73 năm kể từ khi được thành lập ngày 24/10/1945, Liên hợp quốc đã có những đóng góp đáng kể cho hòa bình và an ninh trên thế giới, thực sự là một diễn đàn uy tín để các nước có thể đưa ra và giải quyết các xung đột một cách hòa bình trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động phức tạp với những nguy cơ và mối đe dọa mới mang tính toàn cầu.

Toàn cảnh Lễ ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ngày 22/4/2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh Lễ ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ngày 22/4/2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, Liên hợp quốc cũng đối mặt với rất nhiều thử thách, đặc biệt để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững mà tổ chức này đặt ra vào năm 2015, với nội dung cơ bản là đến năm 2030, Liên hợp quốc sẽ đạt đươc 3 thành tựu quan trọng: chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Như vậy, trong 12 năm tới, các chính phủ cần phải đặt lợi ích của quốc gia mình trong lợi ích chung của thế giới và hành động trên tinh thần đoàn kết mới có thể tiến dần đến những mục tiêu rất tham vọng này.

Giảm nghèo hoàn toàn vào năm 2030 là một mục tiêu đầy thử thách khi mà thế giới vẫn còn tới 783 triệu người sống ở mức nghèo dưới 1,9 USD/ngày, phần lớn tập trung ở Nam Á và châu Phi. Thêm vào đó là gánh nặng kinh tế do thảm họa thiên tai gây ra. Chỉ riêng 2017, thảm họa thiên tai trên toàn thế giới đã gây thiệt hại ước tính 300 tỷ USD.

Mục tiêu là đến năm 2030, Liên hợp quốc sẽ đạt đươc 3 thành tựu quan trọng: chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Mục tiêu xóa đói cũng cam go không kém. Hiện khoảng 815 triệu người, tức cứ 9 người thì có 1 người suy dinh dưỡng vì đói. Châu Á hiện là châu lục có số người bị đói nhiều nhất, đặc biệt ở Nam Á và Tây Á, chiếm tới 2/3 tổng số người bị đói trên toàn cầu.

Liên hợp quốc cũng chú trọng mục tiêu đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho người dân; nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em; chấm dứt các đại dịch HIV/AIDS, lao phổi, sốt rét và các bệnh nhiệt đới.

Hiện tại, hằng năm vẫn có tới hơn 5 triệu trẻ em chết khi chưa được 5 tuổi vì nhiều lý do, chủ yếu là nghèo đói và bệnh dịch. Số liệu đến năm 2017 cho thấy trên thế giới vẫn còn 36,9 triệu người sống chung với HIV.

Đảm bảo giáo dục cũng là mục tiêu Liên hợp quốc hướng tới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tới 57 triệu trẻ em không được đến trường, trong đó khoảng 50% trẻ em cấp 1 không được đến trường là ở các vùng có chiến sự, tranh chấp.

Nữ sinh Iraq trong một giờ học ở thủ đô Baghdad. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nữ sinh Iraq trong một giờ học ở thủ đô Baghdad. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những con số nhức nhối, tới 750 triệu phụ nữ và trẻ em kết hôn trước 18 tuổi và cứ 1 trong 5 phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm 19% phụ nữ trẻ em gái  trong độ tuổi 15-49 phải trải qua bạo lực tình dục hoặc bạo lực thân thể ngay chính trong gia đình mình…, cho thấy tính cấp bách của việc xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái là mục tiêu không kém phần quan trọng, song vẫn còn quá nhiều rào cản khiến quá trình thực hiện không hề dễ dàng.

Đó là chưa kể những yếu tố bất lợi trên trường quốc tế tác động và làm chệch hướng, ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc. Sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại leo thang cản trở mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay các nước chậm trễ đóng góp cho quỹ hỗ trợ khiến các biện pháp khẩn cấp của Liên hợp quốc  ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đạt hiệu quả.

Tình trạng thiếu lòng tin giữa các thành viên Liên hợp quốc khiến cơ hội phối hợp để giải quyết những thách thức chung bị giảm sút. Xung đột vẫn xảy ra ở nhiều nơi, tình hình di cư, nghèo đói, bất bình đẳng chưa chấm dứt, quyền cơ bản của con người vẫn chưa được tôn trọng… đặt ra cho Liên hợp quốc những nhiệm vụ vô cùng nặng nề trước mắt.

Bên cạnh đó, thiếu hụt ngân sách hoạt động luôn là vấn đề lớn, mà nguyên nhân chủ yếu là do các quốc gia thành viên không đóng ngân sách thường niên đúng hạn.

Tình trạng thiếu lòng tin giữa các thành viên Liên hợp quốc khiến cơ hội phối hợp để giải quyết những thách thức chung bị giảm sút

Tháng 12/2017, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua khoản ngân sách cho 2 năm 2018-2019 là 5,4 tỷ USD. Tính đến cuối tháng Sáu vừa qua, Liên hợp quốc mới thu được gần 1,5 tỷ USD khi có hơn 80 nước chưa thực hiện nghĩa vụ ngân sách, trong đó có Mỹ – quốc gia chịu trách nhiệm đóng góp 22% ngân sách của Liên hợp quốc.

Dù vậy, Liên hợp quốc vẫn là nơi gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thể gặp gỡ, đối thoại và thúc đẩy hòa bình đa phương. Đặc biệt, phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hằng năm là sự kiện duy nhất trên thế giới mà  tất cả các nước, bất kể lớn-nhỏ, giàu-nghèo, đều có tiếng nói và quyền bỏ phiếu bình đẳng. Đây cũng là  nơi các nguyên thủ quốc gia cùng nhau thảo luận, hoạch định, đưa ra hàng trăm nghị quyết về các vấn đề quan trọng toàn cầu.

Trong bối cảnh những thách thức mà thế giới phải đối mặt không chỉ tăng về số lượng, mà còn thay đổi về bản chất và ngày càng phức tạp, Liên hợp quốc đang tiếp tục thể hiện vai trò hàng đầu, phối hợp các nỗ lực toàn cầu xử lý những thách thức chung để đạt được các mục tiêu hòa bình và phát triển./.

Toàn cảnh Khóa họp 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 27/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh Khóa họp 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 27/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)