Hòa bình cho Afghanistan

Hàng loạt vụ khủng bố, đánh bom, tấn công phá hoại… phủ bóng đen lên cuộc bầu cử hạ viện Afghanistan, diễn ra ngày 20/10 sau hơn 3 năm bị trì hoãn. Sự kiện này được coi là phép thử quan trọng quyết định tương lai của quốc gia Tây Nam Á vốn chìm trong bất ổn bạo lực hơn 10 năm qua. Khoảng 9 triệu cử tri, trong đó có 3 triệu cử tri là nữ giới, đi bỏ phiếu bầu 249 nghị sỹ trong cơ quan lập pháp của quốc gia Tây Nam Á với nhiệm kỳ 5 năm, cũng như bầu chính quyền địa phương.

Chiến tranh và xung đột đã tàn phá đất nước Afghanistan nặng nề suốt nhiều năm. Kể từ khi phương Tây rút phần lớn binh lính khỏi Afghanistan vào năm 2014, sau khi đã phải hao tổn nhiều sinh mạng và tiền của trong cuộc chiến này, Afghanistan vẫn là đất nước của xung đột và nghèo đói. Thậm chí, một cuộc chiến khác ở Afghanistan, giữa lực lượng quân đội quốc gia Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn và đào tạo với các tay sung tàn quân Taliban, đã thực sự bắt đầu.

Kể từ năm 2009 đến nay, đã có hơn 26.500 dân thường ở Afghanistan thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang

Các cuộc giao tranh giữa quân đội nước này và phiến quân Taliban đã đẩy Afghanistan rơi vào tình trạng an ninh bất ổn.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, kể từ năm 2009 đến nay, đã có hơn 26.500 dân thường ở Afghanistan thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang.

Lợi dụng tình trạng rối ren trên, nhiều tổ chức khủng bố khác cũng đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này. Các vụ khủng bố, tấn công liều chết của phiến quân và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở thủ đô Kabul và nhiều thành phố lớn xảy ra thường ngày.

Phiến quân Taliban vẫn đang tiếp tục mở rộng địa bản kiểm soát từ thành trì truyền thống của nhóm này tại miền Nam và miền Đông sang khu vực miền Bắc và tăng cường tuyển mộ thanh thiếu niên.

Trong nửa đầu năm nay, con số dân thường thiệt mạng trong các cuộc xung đột và tấn công khủng bố xảy ra ở Afghanistan là 1.692, trong khi số dân thường bị thương là 3.430 người.

Lực lượng an ninh Afghanistan điều tra tại hiện trường vụ tấn công nhằm vào một địa điểm vận động tranh cử ở Kama, tỉnh Nangarhar ngày 2/10/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
Lực lượng an ninh Afghanistan điều tra tại hiện trường vụ tấn công nhằm vào một địa điểm vận động tranh cử ở Kama, tỉnh Nangarhar ngày 2/10/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tình hình an ninh xấu đi và xung đột tái diễn khiến người dân Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa để tới những nơi an toàn hơn. Kể từ năm 2001, hơn 1 triệu người Afghanistan đã phải đi sơ tán do các cuộc xung đột, trong đó riêng năm ngoái là 445.335 người.

Trong khi đó, việc Mỹ và phương Tây bổ sung lực lượng tới quốc gia này cũng như tăng cường viện trợ, hỗ trợ quân đội và cảnh sát Afghanistan không giúp cải thiện an ninh. Sau 17 năm hiện diện quân sự tại Afghanistan – chiến trường có sự can dự lâu dài nhất của Mỹ từ trước cho tới nay, hòa bình vẫn chưa trở lại mảnh đất này. Một số nỗ lực ngoại giao, bao gồm các việc tổ chức các vòng đàm phán hòa bình giữa chính quyền Kabul và phe Taliban, chưa mang lại kết quả khả quan.

Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử ngày 20/10 là một dấu mốc lớn. Bản thân việc tổ chức được sự kiện này sau nhiều năm trì hoãn đã đánh dấu một bước ngoặt trong đời sống chính trị Afghanistan. Mặc dù vậy, việc tổ chức thành công cuộc bầu cử này cũng đang là thách thức lớn.

Hơn 21.000 trạm bỏ phiếu đã được chuẩn bị cho cuộc bầu cử, dưới sự bảo vệ của 54.000 binh sỹ và cảnh sát

Hơn 21.000 trạm bỏ phiếu đã được chuẩn bị cho cuộc bầu cử, dưới sự bảo vệ của 54.000 binh sỹ và cảnh sát. Tuy nhiên, hiện có 2.000 trạm bỏ phiếu được đánh giá là quá rủi ro nếu mở cửa, khi mà Taliban đang kiểm soát nhiều khu vực nông thôn ở Afghanistan trong khi tổ chức IS tự xưng cũng tỏ ra khá nguy hiểm dù không hiện diện nhiều.

Theo số liệu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), 56% các huyện ở Afghanistan hiện do chính phủ kiểm soát và 30% đang trong tình trạng giao tranh. Khoảng 14% số các huyện còn lại do phiến quân nắm giữ.

Taliban xem phá hoại bầu cử là một công cụ hữu hiệu để phơi bày sự yếu kém của chính phủ cũng như sự hỗ trợ đang suy giảm của quốc tế. Phiến quân Taliban đã kêu gọi người dân Afghanistan tẩy chay cuộc bầu cử, cho rằng Mỹ sử dụng cuộc bầu cử nhằm mục đích hợp pháp hóa sự cai trị của Washington cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia này.

Tính đến nay, hơn 10 chính trị gia đã bị sát hại trong quá trình tiếp xúc cử tri, chưa kể hàng loạt các vụ tấn công bạo lực do Taliban thực hiện thời gian qua khiến hàng trăm người thương vong, trong đó có nhiều cảnh sát và binh lính Afghanistan. Taliban cũng đe dọa sẽ gia tăng tấn công trong thời gian bỏ phiếu.

Binh sỹ Afghanistan kiểm tra an ninh tại một trạm kiểm soát ở thành phố Jalalabad, tỉnh Nangarhar ngày 1/8/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Afghanistan kiểm tra an ninh tại một trạm kiểm soát ở thành phố Jalalabad, tỉnh Nangarhar ngày 1/8/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bạo lực và gian lận trong bầu cử có nguy cơ làm chia rẽ hoặc thậm chí làm sụp đổ chính quyền đương nhiệm. Điều này sẽ làm phức tạp đáng kể bất cứ nỗ lực xúc tiến hòa bình nào trong tương lai. Ngược lại, cuộc bầu cử suôn sẻ có thể mang đến một thế hệ chính trị gia trẻ trung, đẩy mạnh chống tham nhũng, vốn vẫn là một trở ngại nghiêm trọng đối với nền hòa bình tại Afghanistan. Trong số hơn 2.500 ứng cử viên chạy đua vào 249 ghế nghị viện lần này có khá nhiều gương mặt trẻ. Nhiều người trong số họ có học vấn cao và trưởng thành trong giai đoạn từ sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan năm 2001.

Tuy nhiên, không ít các thành viên trong giới tinh hoa cầm quyền đang hậu thuẫn cho một số ứng cử viên tiềm tàng, đe dọa gây phương hại đến thỏa thuận hòa bình giữa các nhóm vốn tạo ra Chính phủ đoàn kết dân tộc, cũng như làm đổ vỡ liên minh này nếu tiến trình bầu cử không diễn ra êm thấm. Vị trí trong quốc hội giúp các nghị sĩ tiếp cận được các nguồn tài chính của cả chính phủ lẫn quốc tế. Và đa số các thành viên nghị viện hiện nay đã xây dựng được những mạng lưới bảo trợ cho việc tiếp cận chính quyền. Điều này có nghĩa sẽ có một cuộc tranh giành khốc liệt để giữ ghế.

Người dân Afghanistan vẫn ấp ủ hy vọng về một nền hòa bình dù mong manh và về tiến trình dân chủ hóa của đất nước mình

Hơn 20 đảng phái đã đề cử tổng cộng khoảng 200 ứng cử viên. Tuy nhiên, người Afghanistan không đặt niềm tin lớn vào các chính đảng. Hiện nay, các đảng phái ở Afghanistan vẫn bị chi phối bởi nền chính trị sắc tộc và tìm kiếm sự đỡ đầu từ nhóm sắc tộc của mình.

Theo thăm dò của Viện nghiên cứu chiến lược Afghanistan, chỉ có 21% số người được hỏi ủng hộ sự hiện diện lớn hơn của các chính đảng trong quốc hội (trong số 249 ghế hạ viện Afghanistan hiện nay có tới 165 ghế là thuộc về các nghị sỹ độc lập), ngược lại đa số (63%) muốn bỏ phiếu cho các ứng cử viên độc lập.

Một tín hiệu khá lạc quan là có tới 69% số người được hỏi trả lời sẽ đi bỏ phiếu, tức là người dân Afghanistan vẫn ấp ủ hy vọng về một nền hòa bình dù mong manh và về tiến trình dân chủ hóa của đất nước mình, bởi đây là cách tốt nhất để mang lại sự ổn định lâu dài và cho phép cộng đồng quốc tế giảm dần sự hiện diện tại đây.

Tuy nhiên, thất bại trong tiến trình ấy sẽ khiến Afghanistan tiếp tục lún sâu vào vòng xoáy xung đột và bất ổn, về dài hạn thậm chí còn cần tới nhiều binh sỹ và viện trợ hơn từ nước ngoài, đồng nghĩa với đất nước Tây Nam Á này chưa thể “tự đứng trên đôi chân mình”./.

Lực lượng an ninh Afghanistan gác tại hiện trường vụ tấn công nhằm vào một địa điểm vận động tranh cử ở Kama, tỉnh Nangarhar ngày 2/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lực lượng an ninh Afghanistan gác tại hiện trường vụ tấn công nhằm vào một địa điểm vận động tranh cử ở Kama, tỉnh Nangarhar ngày 2/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)