Hà thành quen mà lạ

Những thước phim đen trắng mở ra trước mắt chúng tôi, kéo người trong cuộc trở về với những câu chuyện, hình ảnh của Hà Nội một thời đã xa.

– Em ở phố nào?

– Dạ, ngõ chợ Khâm Thiên ạ!

– Ở Khâm Thiên à? Lên đi cháu…

– Cháu lên trước đi…

– Đứng trước ông này…

Cứ như vậy, không ai bảo ai, dòng người đứng xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch tự động nhường chỗ, kéo cô bé đầu buộc vành khăn tang trắng lên phía đầu hàng. Để rồi, khi cô mậu dịch viên lật giở cuốn sổ gạo cháy xém các góc hỏi: “Nhà cháu… đong mấy người? Đong hết hả cháu…?”, cô bé bật khóc, bàn tay quệt ngang hàng nước mắt, nức nở van xin trong tiếng nấc nghẹn: “Cô đừng xóa tên mẹ cháu, em cháu! Cô đừng xóa!”

Hình ảnh Lan Hương trong “Em bé Hà Nội.” (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Hình ảnh Lan Hương trong “Em bé Hà Nội.” (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô bé ấy chính là Ngọc Hà (nhân vật chính trong tác phẩm điện ảnh “Em bé Hà Nội” của cố đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Hải Ninh).

Khi xem lại một trong những phân cảnh xúc động nhất của bộ phim, nghệ sỹ nhân dân Lan Hương – người vào vai cô bé Hà thành bị mất mẹ, lạc em sau “cơn mưa” bom đạn của đế quốc Mỹ năm xưa bỗng lặng đi.

“Hà Nội gói trọn ký ức tuổi thơ tôi. Đó cũng là nơi tôi gửi lại những năm tháng thanh xuân với nhiều ngã rẽ trên đường đời. Đến bây giờ, khi ‘lên chức’ bà ngoại đã lâu, hành trình đời tôi vẫn không thôi gắn bó với nơi này. Khi đã trải qua nhiều va đập, thăng trầm của cuộc sống, ngẫm lại, có nhiều chi tiết liên quan đến vai diễn Ngọc Hà sau này đã ‘vận’ vào đời tôi… Bởi thế, tôi tin vào chữ ‘duyên’ và ‘định mệnh’,” nghệ sỹ tâm sự.

Mạch truyện nối dài, “Em bé Hà Nội” năm xưa bảo: “Hoài niệm của tôi về mảnh đất ấy có cả sự dữ dội và vẻ dịu êm, cũng giống như Hà Nội luôn có những phút yên bình xen giữa những ồn ào, gấp gáp”. Từng mảnh ký ức mờ nhòe, vụn vỡ dần được kết nối thành những hình dung về sự đổi thay của Hà Nội theo thời gian.

“Hoài niệm của tôi về mảnh đất ấy có cả sự dữ dội và vẻ dịu êm, cũng giống như Hà Nội luôn có những phút yên bình xen giữa những ồn ào, gấp gáp”

MỘT “EM BÉ HÀ NỘI’ LẠ MÀ… QUEN!

– Ngay từ lần đầu tiên xem “Em bé Hà Nội,” tôi đã rất bất ngờ khi Ngọc Hà xuất hiện với mái tóc ngắn ngang vai. Bởi, trong hình dung của nhiều thế hệ sau này, những cô bé thời chiến luôn xuất hiện với hai bím tóc dài và chiếc mũ rơm đội đầu. Đó như hình ảnh mang tính biểu tượng về trẻ em thời chiến với gương mặt tươi sáng, hồn nhiên nhưng cũng rất rắn rỏi trong lửa đạn chiến tranh. Vậy, có lý do gì đặc biệt này cho sự “lạc nhịp” này không, thưa nghệ sỹ?

Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương: Câu chuyện về mái tóc ngắn của nhân vật Ngọc Hà là một kỷ niệm đặc biệt của tôi. Thuở nhỏ, tóc tôi rất dài và dày, buộc hai bên hay tết thành hai bím tóc lúc lắc trên đầu đều rất đẹp.

Mẹ tôi vốn không thích con gái “dính dáng” đến nghệ thuật. Bởi thế, khi đạo diễn Hải Ninh đề nghị tôi tham gia đóng phim, bà phản đối rất gay gắt. Từ chối miệng không được, bà quyết định bắt tôi cắt tóc ngắn, để có lý do trả lời chú Hải Ninh rằng, tôi không hợp với vai Ngọc Hà. Trẻ em gái thời đó ở tuổi tôi đều để tóc dài. Nếu để một cô bé với mái tóc ngắn cũn cỡn như tôi xuất hiện thì sẽ làm hỏng hình ảnh đặc trưng của những em bé Hà Nội.

Thế nhưng, mẹ tôi lại không hình dung được mức độ kiên trì của đạo diễn. Dù không giấu được vẻ tiếc nuối khi nhìn mái tóc mới của tôi nhưng chú Hải Ninh vẫn nói với mẹ tôi rằng: “Đợi tóc của cô bé dài ra hơn thì mới bắt đầu quay phim.”

Vậy là, trời chẳng chịu đất thì đất phải chịu trời. Hơn nữa, khi nhận được lá thư viết tay của ông Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội khi đó, đề nghị gia đình tạo điều kiện cho tôi tham gia đoàn làm phim vì đây là một tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt, mẹ tôi đành miễn cưỡng đồng ý. Bởi thế, dù là “Em bé Hà Nội” nhưng tạo hình của Ngọc Hà lại khác những “em bé Hà Nội” khi ấy.

Tạo hình của nghệ sỹ Lan Hương khác với những
Tạo hình của nghệ sỹ Lan Hương khác với những “em bé Hà Nội” khi ấy. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

– Khi vào vai Ngọc Hà, Lan Hương mới chỉ là một cô bé 10 tuổi, chưa từng qua bất kỳ một trường, lớp, khóa đào tạo nào về diễn xuất. Vậy, chị làm thế nào để diễn được những cảnh xuất thần như vậy?

Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương: Thực ra, khi ấy, tôi đâu có biết thế nào là kỹ năng diễn xuất. Tôi chỉ cố gắng làm theo lời hướng dẫn của đạo diễn, tưởng tượng mình cũng ở trong hoàn cảnh mất mẹ, lạc em để khóc, để diễn…

“Tôi cố gắng tưởng tượng mình cũng ở trong hoàn cảnh mất mẹ, lạc em như nhân vật Ngọc Hà để khóc, để diễn…”

Qủa thực, khi hình dung mình cũng bị rơi vào tình cảnh đó, tôi thấy rất sợ hãi. Tôi cố gắng nhớ lại cảm giác hoảng hốt khi nghe thấy tiếng còi báo động, tiếng máy bay địch gầm rít trên bầu trời, nhớ lại những lần bà ngoại lao đến ôm, đẩy vào hầm trú bom. Bà dùng thân mình để che chắn cho tôi nhiều nhất có thể. Có lúc tôi nghĩ, bà muốn tôi như cuộn bông hay chú mèo con, để bà có thể ôm trọn, ghì chặt trong lòng.

Rồi tôi lại hình dung lúc mình ở trong lòng bà, he hé mắt nhìn ra xung quanh xem có gì bất thường không. Tôi sợ… Tôi không dám mở to mắt ngay lập tức. Hay có lúc, tôi cũng mường tượng lại gương mặt thất thần, bàng hoàng của bà, của mẹ khi nghe tiếng còi báo động mà nhìn quanh, không thấy tôi đâu… Bởi thế, trong rất nhiều cảnh, tôi diễn bằng chính nỗi sợ hãi thật của mình.

Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương ở hiện tại. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương ở hiện tại. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

– Khi ở vị trí của một khán giả, nghệ sỹ nhân dân Lan Hương cảm thấy thích nhất phân cảnh nào của cô bé Ngọc Hà?

Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương: Thú thực, nhiều năm sau này, khi xem lại “Em bé Hà Nội,” tôi nghĩ, không biết, nếu bây giờ cho diễn lại, chưa chắc tôi đã làm được như vậy.

Một trong những phân cảnh mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất là cảnh Ngọc Hà đầu đội khăn tang trắng đến cửa hàng thực phẩm. Cô bé tha thiết van xin cô mậu dịch viên đừng gạch tên mẹ, tên em trong cuốn sổ đong gạo của gia đình đã bị rách bươm sau những đợt máy bay địch dội bom.

Một cô bé tươi vui như Ngọc Hà không khỏi bàng hoàng trước việc mất mẹ, lạc em. Cô bé rất buồn nhưng vẫn không hy vọng có một phép màu thần kỳ xảy ra, để mẹ và em gái nhỏ trở về bên mình. Việc Ngọc Hà van xin cô mậu dịch viên đừng gạch tên mẹ và em không phải để gia đình có được thêm nhiều gạo; mà là, cô bé nghĩ, việc gạch tên tức là mẹ và em thực sự đã mất. Người chết rồi thì mới bị gạch tên. Khi tên vẫn còn trong sổ, tức là mẹ và em vẫn còn, chỉ tạm thời xa cô bé một thời gian. Rồi mẹ và em sẽ về…

Đặc biệt, khi cuộc sống của tôi trải qua những biến cố lớn, tôi càng thấm thía hơn cảm giác ấy của Ngọc Hà.

– Biến cố ấy phải chăng cũng là sự chia cách, thưa nghệ sỹ?

Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương: Đúng vậy…! Chi tiết về việc gạch tên ấy như vận vào đời tôi…

Sau khi tôi và người chồng đầu tiên chia tay, con gái tôi theo bố ra nước ngoài sinh sống. Tôi đã phải rất khó khăn, tốn không biết bao nhiêu nước mắt mới có thể giữ được tên con trong cuốn sổ hộ khẩu. Vì theo nguyên tắc quản lý nhân khẩu khi ấy, tên con tôi sẽ không còn trong sổ hộ khẩu.

Khi ấy, tôi hoang mang, buồn tủi và sợ hãi. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, tôi đành nuốt nước mắt vào trong để con theo bố ra nước ngoài, hy vọng con có cuộc sống mới tốt hơn. Nhưng tôi không muốn tên con không còn tồn tại trong sổ hộ khẩu. Bởi, tôi cứ có cảm giác, điều đó làm cho con tuột khỏi tay tôi vĩnh viễn…

Cảm giác mất mát, hụt hẫng vô cùng! Tôi tha thiết xin được giữ lại tên con không phải vì những toan tính vật chất sau này; mà đơn giản chỉ bởi, tôi nghĩ, tên con còn ở đó tức là con không tách khỏi tôi. Con vẫn ở bên tôi, chỉ là tạm thời cháu đi xa một thời gian…

“Hà Nội gói trọn ký ức tuổi thơ tôi. Đó cũng là nơi tôi gửi lại những năm tháng thanh xuân với nhiều ngã rẽ trên đường đời. Đến bây giờ, khi ‘lên chức’ bà ngoại đã lâu, hành trình đời tôi vẫn không thôi gắn bó với nơi này,” nghệ sỹ Lan Hương chia sẻ
“Hà Nội gói trọn ký ức tuổi thơ tôi. Đó cũng là nơi tôi gửi lại những năm tháng thanh xuân với nhiều ngã rẽ trên đường đời. Đến bây giờ, khi ‘lên chức’ bà ngoại đã lâu, hành trình đời tôi vẫn không thôi gắn bó với nơi này,” nghệ sỹ Lan Hương chia sẻ

ĐEN-TRẮNG-ĐỎ-XANH

– Hà Nội gắn với nhiều ký ức đau buồn của chị. Vậy đã khi nào, chị muốn “dứt áo ra đi,” đến một miền đất mới để khởi đầu một cuộc sống mới không?

Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương: Không! Tôi chưa từng có ý nghĩ ấy. Không phải bây giờ già rồi thì có tâm lý ngại thay đổi, ngại bắt đầu hành trình mới đâu. Kể cả trong những tháng ngày buồn tủi, tôi cũng chưa hề có ý định rời bỏ thành phố này.

“Với tôi, Hà Nội trở nên đông đúc, ồn ã và thậm chí là xô bồ hơn nhưng vẫn luôn có một sức hút vô hình luôn níu chân tôi lại, chẳng thể dứt áo ra đi…”

Đây là nơi tôi được sống là chính mình với tất cả đam mê, vui thích và cả những nganh ngạnh, bướng bỉnh của mình. Dù rằng, theo thời gian, Hà Nội đã có quá nhiều đổi thay; đến mức, có lúc, tôi thảng thốt không nhận ra những con đường, ngõ phố quen thuộc trước kia.

Khi tôi còn là một cô bé bướng bỉnh với hai bím tóc lúc lắc hai bên vai, Hà Nôi chỉ loanh quanh những khu phố Hàng…, ra đến Ngọc Hà, Thanh Xuân, Cầu Giấy đã là ngoại ô. Tôi còn nhớ, khu đường Bưởi, Hoàng Quốc Việt thuở trước chỉ là những bãi đất hoang. Trên đó có khu chợ, người buôn kẻ bán đủ mặt hàng từ tre nứa đến lợn, gà, trâu, bò… Ấy vậy mà giờ đây, khu ấy chỉ toàn nhà cao tầng san sát, người xe nườm nượp…

Với tôi, Hà Nội trở nên đông đúc, ồn ã và thậm chí là xô bồ hơn nhưng vẫn luôn có một sức hút vô hình luôn níu chân tôi lại, chẳng thể dứt áo ra đi…

Hà Nội của một thời đã xa. (Ảnh: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Vượng)
Hà Nội của một thời đã xa. (Ảnh: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Vượng)

– Những năm gần đây, Lan Hương không chỉ dựng kịch, đóng phim mà còn vẽ tranh. Vậy nếu vẽ về Hà Nội, chị sẽ chọn vẽ gì và sử dụng những màu sắc gì?

Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương: Vẽ Hà Nội bây giờ thì có thể dùng hết các màu cơ bản. Màu gì cũng được. Sẽ chẳng thể có một họa phẩm nào bao trọn được đời sống, ký ức Hà Nội. Nếu có một tác phẩm hiện thực hóa ý đồ đó thì nó sẽ phải là một công trình bề thế với nhiều mảnh ghép, mỗi mảnh ghép lại là một bức tranh độc lập với ý đồ riêng.

Với riêng tôi, trước hết, tôi sẽ chọn màu đen và trắng. Hai màu ấy sang trọng, lịch sự và dễ tạo cảm giác hoài cổ, để người ta nhớ về Hà Nội của một thời đã qua. Hà Nội từng phải trải qua những thời kỳ đau thương, mất mát. Hai màu đen-trắng sẽ nhắc nhớ về quá khứ hào hùng của Thủ đô.

Cũng bởi lẽ ấy, màu đỏ không thể thiếu trong bức tranh về Hà Nội. Màu đỏ tượng trưng cho máu của lớp lớp cha anh đã đổ xuống mảnh đất này, cho những chiến công, vinh quang, kiêu hãnh…

Và, “sau cơn mưa, trời lại sáng.” Sau những ngày đấu tranh gian khó, Hà Nội đang vươn mình, đổi thay từng ngày, thắp lên niềm tin và hy vọng mới. Bởi thế, trong bức tranh về Hà Nội, tôi cho rằng, không thể thiếu màu xanh.

– Trân trọng cảm ơn nghệ sỹ về cuộc trò chuyện!

Hà Nội có nhiều biến đổi theo thời gian. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hà Nội có nhiều biến đổi theo thời gian. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)