Có rất nhiều câu chuyện “ly kỳ” về thành công của các start-up – xu hướng mới của kinh tế Thái Lan và xa hơn đó giấc mơ của các nhà lãnh đạo nước này về một Thailand 4.0 – mô hình kinh tế mới tận dụng các thành tựu từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ để tạo ra giá trị kinh tế vượt trội, giúp Thái Lan thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Hồi năm 2016, GetLinks, một start-up của Thái Lan, đã nhận được 500.000 USD đầu tư lần đầu (seeding) từ quỹ đầu tư CyberAgent Ventures để mở rộng thị trường sang Việt Nam và Singapore – hai thị trường nóng nhất hiện nay ở Đông Nam Á về việc tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ. Đó chỉ là một trong những câu chuyện start-up thành công được báo chí Thái Lan và của khu vực đăng tải.
Tinh thần khởi nghiệp
Nếu GetLinks chính là công ty Thái đầu tiên của chương trình đào tạo của 500 Startups xuất phát từ California, Mỹ thì StockRadars cũng là cái tên sáng giá trong giới start-up tại Thái Lan. Ứng dụng quản lý kinh doanh chứng khoán này trở thành dự án được đầu tư tốt nhất tại Đông Nam Á và đã giành giải thưởng danh giá Asia Pacific ICT Alliance Award năm 2014. Đó là một sản phẩm của Siamsquared Technologies, từng được định giá hơn 15 triệu USD với đồng sáng lập kiêm CEO là Max Kortrakul, người từng có thời gian làm việc cho một công ty IT tại Việt Nam.

Lý giải về quyết định đầu tư một ứng dụng dành riêng cho giới đầu tư chứng khoán, Max Kortrakul đã trả lời báo giới như sau: “Hiện nay nhiều người vẫn tỏ ra ngần ngại khi nhắc đến thị trường chứng khoán. Nào là hàng loạt số liệu – dữ liệu, nào là nguy cơ thất bại rất cao v.v…Chính bản thân tôi cũng từng muốn đầu tư chứng khoán nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Ý tưởng của tôi rất đơn giản: khiến quy trình đầu tư trở nên dễ dàng hơn cho chính mình và mọi người ở Thái Lan. Đó cũng là động lực khiến tôi phát triển ứng dụng StockRadars.”
Kể lại hành trình đi đến thành công, Max cho biết lúc bắt tay vào xây dựng ứng dụng, nhiều lúc anh đã phải thức trắng đêm và dốc toàn bộ tâm trí. Những thử nghiệm mới cho ý tưởng đã khiến anh và các cộng sự hao tổn rất nhiều tâm lực, có lúc tưởng chừng vô vọng. Thế nhưng, với nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng sự bén nhạy và chuyên nghiệp họ đã chứng minh sự nghiêm túc theo đuổi ý tướng và khiến các nhà đầu tử bị thuyết phục rằng ứng dụng này giúp cân bằng rủi ro khi kinh doanh chứng khoán.
“Tôi luôn quan niệm rằng mình không phải là một doanh nghiệp nhỏ, đến từ một quốc gia còn rất thiếu các công ty IT thành công. Những quan điểm tiêu cực như vậy sẽ dễ khiến bạn cảm thấy nản chí mỗi khi đi tìm nguồn vốn đầu tư.” (Max Kortrakul)
Dù đã thu được thành công nhưng Max vẫn tỏ ra khá bình thản: “Tôi luôn quan niệm rằng mình không phải là một doanh nghiệp nhỏ, đến từ một quốc gia còn rất thiếu các công ty IT thành công. Những quan điểm tiêu cực như vậy sẽ dễ khiến bạn cảm thấy nản chí mỗi khi đi tìm nguồn vốn đầu tư. Tất nhiên, tôi cũng không phải người quá ảo tưởng. Nếu thành công, thậm chí bạn có thể được vào Unicorn List (danh sách những công ty tư nhân có giá trị trên 1 tỷ USD). Còn nếu không thành công thì bạn vẫn luôn có thể thử nghiệm một ý tưởng khác.”
Tinh thần khởi nghiệp – sáng tạo và biết chấp nhận thử thách của giới trẻ Thái Lan mà những người Max Kortrakul là một đại diện quả là đáng nể. Đó là điểm khởi đầu và nền tảng để các nhà hoạch định chính sách Thái Lan có thể vạch ra các hướng đi xa hơn cho nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này trong tương lai.
Thành phố thông minh Phuket
Chính phủ Thái Lan đã khẳng định quyết tâm sẽ biến tỉnh đảo Phuket, vốn từ trước tới nay là “thiên đường du lịch,” trở thành trung tâm công nghệ và startup, đồng thời biến nơi này thành một thành phố thông minh (Smart City). Đây là một bước đi đáng chú ý để triển khai mô hình tăng trưởng tập trung vào phát triển công nghệ kỹ thuật làm bàn đạp cho nấc thang tăng trưởng mới.
Hiện Phuket đã có hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như mạng lưới Internet để thu hút các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư. Những dự án cải thiện hệ thống camera an ninh – CCTV cho giao thông, đăng ký lao động thông qua hệ thống điện tử hay nâng cấp mạng Wifi trên toàn thành phố đã được thông qua. Bộ Kinh tế và xã hội số Thái Lan cho biết cùng với Chiangmai, Phuket được Thái Lan chọn là nơi để định hướng phát triển siêu công nghệ kỹ thuật số trong tương lai, nhằm gia tăng số start-up tại đây.

Đích thân Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chủ trì lễ khai mạc Hội chợ startup và công nghệ Thái Lan năm 2016 tại Phuket do Bộ Khoa học Công nghệ Thái Lan và Bộ Kinh tế-Xã hội số tổ chức.
Phát biểu trước các doanh nhân, nhà đầu tư và khởi nghiệp ở Phuket, Thủ tướng Prayuth nhấn mạnh việc các ngành kinh tế mới và cũ hỗ trợ nhau để cùng phát triển và qua đó hỗ trợ cho đời sống xã hội của người dân Thái Lan. Ông kêu gọi những tập đoàn lớn cần chung tay giúp đỡ khoảng 1 triệu công ty vừa và nhỏ, nhằm không để doanh nghiệp nào của nước này bị tụt lại phía sau.
Chính phủ Thái Lan đang xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp với số tiền lên đến 20 tỷ baht,tương đương khoảng 571 triệu USD.
Hiện Bộ Tài chính Thái Lan đã lập Quỹ cạnh tranh để tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở 5 ngành nghề: chăm sóc sức khỏe, công nghệ tài chính, công nghệ nông nghiệp, du lịch và công nghệ kỹ thuật số. Chính phủ Thái Lan cũng đang xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp với số tiền lên đến 20 tỷ baht, tương đương khoảng 571 triệu USD. Quỹ 20 tỷ baht này cũng dự kiến tài trợ cho 2.500 doanh nghiệp start-up nhằm chuyển đổi chiến lược phát triển truyền thống sang mô hình mới hơn để thúc đẩy đổi mới.
Theo một đánh giá Siam Commercial Bank, cộng đồng startup tại Thái Lan vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển và thị trường khởi nghiệp của nước này vẫn còn non trẻ. Năm 2015, đầu tư vào startup tại Thái Lan mới chỉ đạt 32 triệu USD và hầu hết tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử. Năm 2016, nước này có khoảng 2.000 start-up và Chính phủ Thái Lan muốn nâng tổng số startup mới thành lập tại nước này lên ít nhất 10.000 vào cuối năm 2018. Giấc mơ Thailand 4.0 có thể sẽ được xây dựng trên nền tảng của 10.000 start-up này.

Thailand 4.0
Tại Sự kiện Ngày sáng tạo Huawei châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 4 (Huawei Asia – Pacific Innovation Day) hồi tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Thái Lan, ông Somkid Jatusripitak đã có bài phát biểu quan trọng về tầm nhìn “Thailand 4.0- Tiến tới kỹ thuật số” của nước này và làm thế nào để thúc đẩy quá trình chuyển đổi và hiện đại hóa nền kinh tế Thái Lan.
Theo ông Somkid, nếu như Mỹ có khẩu hiệu “Make America Great Again” hay Trung Quốc có chiến lược “Made in China 2025” thì người Thái Lan cũng đang quyết tâm với “Thailand 4.0.”
Theo Phó Thủ tướng Thái Lan, Chiến lược Thailand 4.0 ra đời với mục tiêu đưa đất nước này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đạt tăng trưởng bền vững và giảm chênh lệch thu nhập. Ông nói rằng những sáng tạo về công nghệ thông tin các ảnh hưởng của số hóa đang tràn vào các ngành, lĩnh vực, giúp các công ty tăng năng suất, giảm chi phí và tung ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Điều này mở đường cho các mô hình kinh doanh và các thị trường mới, mang lại cơ hội phát triển mới cho tất cả.
Nếu như Mỹ có khẩu hiệu “Make America Great Again” hay Trung Quốc có chiến lược “Made in China 2025” thì người Thái Lan cũng đang quyết tâm với “Thailand 4.0.”
Để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ Thái Lan đã bắt tay vào các dự án quy mô cực lớn để cải thiện hạ tầng như tàu điện, tàu 2 đường ray, sân bay. Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) cũng được xây dựng nhằm tạo ra hệ thống giao thông, hậu cần liên lạc liên kết các tuyến đường huyết mạch.
Về chiến lược phát triển cuộc cách mạng số, Thái Lan có kế hoạch đầu tư mạnh vào Internet băng rộng ở cấp độ làng xã. Hệ thống cáp ngầm nối liền Thái Lan, Hong Kong và Trung Quốc Đại lục cũng sẽ biến Thái Lan trở thành một cổng thông tin cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chính phủ nước này cũng đã thành lập một Học viện Internet of Things (IoT) và trung tâm phân tích dữ liệu lớn cấp chính phủ tại Hành lang kinh tế phía Đông.

Học viện IoT này thành lập dưới hình thức hợp tác với các công ty tư nhân, là một phần trong khu công nghiệp số được xây dựng tại tỉnh Chon Buri, dự án trọng điểm của Hành lang kinh tế phía Đông. Đây được coi là tổng hành dinh của thành phố thông minh trong tương lai, nơi sẽ hỗ trợ các dịch vụ về công nghệ, khởi nghiệp, giúp Chính phủ Thái Lan hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo.
Hồi tháng 1/2018, Thái Lan chính thức cấp visa 4 năm cho các nhà đầu tư, chuyên gia khoa học với tên gọi Smart Visa để thu hút các tài năng nước ngoài. Đại diện chính phủ Thái Lan cũng vừa ký bản cam kết với Huawei, cho phép công ty này chi 81 triệu USD trong 3 năm tới để xây dựng các OpenLab, tạo điều kiện phát triển điện toán đám mây và các tài năng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) của Thái Lan và khu vực Đông Nam châu Á nói chung.
Thái Lan hiện có lượng người tiêu dùng quan tâm kỹ thuật số lớn. Bên cạnh việc có đông người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, nước này hiện là thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba trong ASEAN với trị giá 900 triệu USD và dự kiến sẽ tăng gấp 12 lần, lên 11,1 tỷ USD vào năm 2025.
Mục tiêu của Chính phủ Thái Lan, đến năm 2027, nền kinh tế số sẽ đóng góp 25% GDP cho nước này.
Mục tiêu của Chính phủ Thái Lan, đến năm 2027, nền kinh tế số sẽ đóng góp 25% GDP cho nước này. Để làm được điều đó, Thái Lan đã đầu tư 2,5 tỷ bạt (800 triệu USD) cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số; Thái Lan cũng lên kế hoạch xây dựng thành phố thông minh ở bảy tỉnh; nâng cấp đường truyền Internet tốc độ cao tới hơn 74.000 đơn vị cấp phường ở địa phương; Ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, phát triển ngành nông nghiệp thông minh; Thiết lập cơ chế cấp giấy phép một lần cho khởi nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức như Kết nối doanh nhân toàn cầu hay Liên minh Viễn thông Quốc tế.
Tại sự kiện giới thiệu chính thức về chiến lược Thailand 4.0 hồi tháng 9/2017, tiến sỹ Pichet Durongkaveroj, Bộ trưởng Xã hội và Kinh tế số Thái Lan đã khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi là chứng minh Thái Lan là điểm đến hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN đối với các nhà đầu tư có tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về kỹ thuật số. Thái Lan có năng lực sáng tạo và tinh thần kinh doanh với sự ủng hộ của chính phủ, có hệ sinh thái phù hợp để nuôi dưỡng thành công. Chúng tôi muốn làm cho Thái Lan trở thành trung tâm công nghệ số ở Đông Nam Á. Điều này có lợi cho cả những nhà đầu tư lẫn người dân Thái Lan”./.
