Hình ảnh một cụ già thều thào nói “Tôi chưa chết, đừng chôn tôi!” cùng tiếng đáp trả của hai thanh niên “Đằng nào cụ chẳng chết! Cụ đi sớm cho… mát mẻ” hay tiếng khóc thảm thiết, bi thương của một cô bé “Các bác ơi, cứu bà cháu với…” trong bộ phim “Sao tháng Tám” đưa người xem trở lại câu chuyện về nạn đói năm Ất Dậu 1945.

Đan xen với những hình ảnh bi thương về nạn đói lịch sử, “cơn bĩ cực” của cả dân tộc là tuyến truyện về khí thế cách mạng sục sôi, cuộc đấu trí căng thẳng giữa Việt Minh với thực dân Pháp, phát xít Nhật và hệ thống mật thám, chỉ điểm, để làm nên mùa Thu lịch sử.
Mặc dù “Sao tháng Tám” đã ra đời từ cách đây hơn bốn thập kỷ nhưng đến nay, tác phẩm của cố đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Trần Đắc vẫn là một tượng đài vững chắc của dòng phim chiến tranh cách mạng nói riêng và của lịch sử điện ảnh Việt Nam nói chung. Phim mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, vừa căm hờn vừa xót xa, thương cảm.
Những phận đời trong “Sao tháng Tám” được khắc họa sinh động (với những chi tiết đắt giá về cảnh ngộ, nỗi ám ảnh về cái đói, cái chết, sự giằng xé, đấu tranh nội tâm…
Những phận đời trong “Sao tháng Tám” được khắc họa sinh động (với những chi tiết đắt giá về cảnh ngộ, nỗi ám ảnh về cái đói, cái chết, sự giằng xé, đấu tranh nội tâm trong việc lựa chọn giữa tình cảm gia đình, cá nhân với việc hòa mình vào làn sóng đấu tranh…), bối cảnh chân thực và tạo hình tỉ mỉ mang đến cho người xem cảm nhận tự nhiên về cuộc sống và cuộc chiến đã lùi xa hơn bảy thập kỷ, làm “mềm” một bộ phim về đề tài cách mạng. Để tới khi phim kết thúc, ấn tượng đọng lại không phải sự hô hào khẩu hiệu đấu tranh, những phân cảnh dàn dựng cứng nhắc, khiên cưỡng để tô đậm khí thế cách mạng mà là sự hân hoan trong niềm vui chung và cảm xúc nhân văn về tình đời, tình người.

“CƠN BĨ CỰC”
Bộ phim “Sao tháng Tám” được ghi hình trong thời gian 1975-1976, gồm hai tập: “Mùa Xuân báo bão” (với câu chuyện về nạn đói lịch sử hoành hành; sự đối lập giữa cuộc sống cơ cực của người dân với lối sống xa hoa của những “ông quan,” “bà huyện” thuộc tầng lớp cai trị; sự kiên cường bám trụ, niềm tin và quyết tâm đi theo lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc của chiến sỹ cách mạng) và “Mùa Thu hồi sinh” (kể về làn sóng đấu tranh của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, làm nên mùa Thu cách mạng).
“Sao tháng Tám” tái hiện nạn đói lịch sử năm Ất Dậu với những con người chỉ còn da bọc xương, đôi mắt hốc hác, bước đi không vững, lay lắt trong cơn đói, vật vờ khắp các hang cùng ngõ hẻm…
“Sao tháng Tám” giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ tư (năm 1977). Nghệ sỹ ưu tú Thanh Tú (vai chiến sỹ cách mạng Nhu) được vinh danh là Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Những dòng chữ chạy trên màn hình trong những phút đầu của tập 1 đã khái quát bối cảnh câu chuyện trong “Sao tháng Tám”: “Năm 1940, phát xít Nhật chiếm đóng các thuộc địa Pháp trên bán đảo Đông Đương, nhân dân Việt Nam bị thêm một tầng áp bức bóc lột nữa. Năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít thì ở Việt Nam, Việt Minh đã trở thành lực lượng hùng hậu nắm vững thời cơ tự chủ, tự lực, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Trước bối cảnh lịch sử vĩ đại đó, những người làm phim ‘Sao Tháng Tám’ chỉ mong muốn thể hiện một số khía cạnh của tình hình xã hội có liên quan đến các nhân vật trong phim, hoạt động trong một phạm vi nhỏ ở nội, ngoại thành Hà Nội từ tháng 2 tới tháng 8/1945.”

Thế nhưng, trên thực tế, “Sao tháng Tám” đã vượt ngoài kỳ vọng của cố đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Trần Đắc và đoàn làm phim. Từ câu chuyện ở một phạm vi nhỏ, địa phương cụ thể, tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam đã gợi ra bức tranh chung về đời sống xã hội, không khí đấu tranh cách mạng của cả dân tộc trong thời kỳ lịch sử.
“Sao tháng Tám” tái hiện nạn đói lịch sử năm Ất Dậu với những con người chỉ còn da bọc xương, đôi mắt hốc hác, bước đi không vững, lay lắt trong cơn đói, vật vờ khắp các hang cùng ngõ hẻm; những mái nhà liêu xiêu, những con đường đất tiêu điều, phủ đầy lá khô, khu chợ ảm đạm, mặt hồ hiu hắt, những chiếc nón mê tách tươm và những bộ quần áo của người lao động cũ mèm, rách bươm, vá víu chằng đụp… Trong không gian hiu hắt, tiêu điều ấy, sự vang vọng của tiếng khóc bi thương, tiếng rên xiết ai oán càng nhấn sâu ấn tượng về nỗi cùng cực của những kiếp người.
Bộ phim “Sao tháng Tám” có những khuôn hình giàu sức gợi. Máy quay đã dừng lại khá lâu trong cảnh một bà lão héo mòn, cạn khô sức sống xuất hiện đồng thời bên một hình nhân bằng giấy (một thứ đồ mã) đốt cho người đã khuất. Cảnh phim khiến người xem nghẹn đắng.

Đối lập với cảnh tượng trên là hình ảnh về cuộc sống của thực dân, tay sai với những áo gấm, lụa là, những ngôi nhà lộng lẫy và chuỗi tiệc tùng linh đình…
Hiện thực ấy chứa đựng một cơn bão. Các nhân vật của “Sao tháng Tám” (Nhu, Kiên, Mến…) đại diện cho những giai cấp, tầng lớp trong xã hội (công nhân, thanh niên trí thức, nông dân…) cùng hòa chung vào bầu không khí cách mạng sục sôi. Chị Nhu (nghệ sỹ ưu tú Thanh Tú) – một cán bộ Việt Minh cốt cán dù bụng mang dạ chửa, vẫn miệt mài cùng những thanh niên yêu nước như Kiên (diễn viên Dũng Nhi) rải truyền đơn, làm liên lạc, vận động quần chúng tham gia cách mạng, công nhân đình công ở các nhà máy, xí nghiệp… Để từ đó, khi thời cơ tới, cả dân tộc vùng lên lật đổ thực dân, phát xít, tay sai. Phim có nhiều tình huống kịch tính được móc nối chặt chẽ, mạch truyện lớp lang, nhịp nhàng, giúp người xem không bị hẫng trong những bước chuyển.
HÃY NHÌN VÀO NHỮNG ĐÔI MẮT!
Không chỉ giàu chất liệu hiện thực, “Sao tháng Tám” còn ghi điểm nhờ diễn xuất ấn tượng của các diễn viên: Trần Phương, Đức Hoàn, Thanh Tú, Dũng Nhi, Thanh Hiền… Phim không có sự lệch “tông” trong diễn xuất của các diễn viên; thay vào đó là sự hòa điệu nhịp nhàng giữa các vai chính “nặng ký,” đa tính cách với những vai phụ ít “đất diễn” hơn.

Đặc biệt, các nghệ sỹ đã để lại ấn tượng đậm nét với những biểu cảm qua đôi mắt, ánh nhìn. Điều này góp phần quan trọng để tạo ra những thước phim có chiều sâu và giá trị nghệ thuật cho “Sao tháng Tám.”
Nếu đã từng xem “Sao tháng Tám,” khán giả sẽ rất khó để quên ánh mắt của Kiên (diễn viên Dũng Nhi) hướng về người chị gái Kiều Trinh (cố nghệ sỹ Đức Hoàn thủ vai) trước lúc trút hơi thở cuối cùng. Trong khi Kiên là một thanh niên trí thức yêu nước, sớm hòa mình vào phong trào để đòi lại độc lập, tự do cho dân tộc thì Kiều Trinh lại thuộc thành phần Việt gian, kẻ chỉ điểm cho thực dân Pháp, phát xít Nhật truy đuổi lực lượng cách mạng.
“Ánh mắt Kiên khi ấy dồn nén nhiều thứ cảm xúc, vừa xót xa, đau đớn cho tình chị em, tuyệt vọng cho thế đối đầu giữa anh và chị gái – người đã gián tiếp khiến quân Nhật nổ súng bắn vào anh, vừa căm phẫn trước kẻ chỉ điểm giúp kẻ thù cướp nước tàn sát đồng bào. Khi diễn cảnh ấy, tôi đã khóc thật, không cần đến một kỹ xảo, kỹ năng diễn xuất nào. Sự dồn nén cảm xúc đã khiến nước mắt ứa lên, trào ra một cách tự nhiên,” nghệ sỹ Dũng Nhi nhớ lại.
Đặc biệt, vai Nhu – một nữ chiến sỹ cách mạng can trường ở “Sao tháng Tám” đã trở thành một vai diễn để đời trong sự nghiệp của nghệ sỹ Thanh Tú, giúp nữ diễn viên vượt ra ngoài “cái bóng” của một “thiếu nữ phố cổ” đài các được định hình từ những vai diễn trước đó. Với vai Nhu, nghệ sỹ Thanh Tú thể hiện lối diễn xuất đầy biến hóa.
Để qua mặt kẻ địch, Nhu phải thay đổi thân phận liên tục: từ một cô nữ sinh Đồng Khánh thanh lịch tới một nữ công nhân bụng mang dạ chửa làm việc đầy mệt nhọc, hay một cô gái làm nghề khâu vá thuê với dáng vẻ bình thản. Cũng có lúc, khán giả thấy cô xuất hiện trong diện mạo vị nữ tu khổ hạnh niệm kinh cầu siêu thoát cho những người chết đói, tha hương hay người bán hàng “ngọt giọng” để tìm cách liên lạc, gây dựng cơ sở cách mạng…

Đặc biệt, đôi mắt của cô với những biểu cảm ấn tượng đã góp phần không nhỏ tạo nên hình ảnh Nhu – một chiến sỹ cách mạng can trường, một người phụ nữ đầy ắp yêu thương. Đôi mắt Nhu đau đớn tột độ, rực lửa căm hờn khi nghe tin chồng bị quân địch sát hại; nhưng Nhu đã nén nỗi đau vào trong để thể hiện ánh mắt cương nghị, ý chí và niềm tin sắt đá khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới. Trong một phân cảnh khác, người xem cũng cảm thấy cay cay nơi sống mũi khi đôi mắt Nhu ngấn nước với cái nhìn yêu thương của người mẹ khi từ biệt con trong bệnh viện, tạm gác lại tình riêng để tiếp tục hoạt động cách mạng.
Ở tuyến nhân vật phản diện, cố nghệ sỹ Đức Hoàn cũng đã rất thành công khi xây dựng hình ảnh Kiều Trinh – một cô gái tân thời, sắc sảo, một tên chỉ điểm mưu mô của thực dân Pháp và phát xít Nhật qua ánh nhìn dò xét, sắc lạnh. Có thể nói, vai Kiều Trinh lanh lợi, đài các là cú “lột xác” ấn tượng của nghệ sỹ Đức Hoàn từ vai Mỵ yếu đuối, cam chịu trong phim “Vợ chồng A Phủ.”
Giai điệu “Quốc tế ca” cùng những khúc ca cách mạng của cố nhạc sỹ Văn Cao, Nguyễn Đình Thi được sử dụng trong “Sao tháng Tám” đã làm sống dậy không khí cách mạng sục sôi của mùa Thu lịch sử 1945.
Giai điệu “Quốc tế ca” cùng những khúc ca cách mạng của cố nhạc sỹ Văn Cao, Nguyễn Đình Thi được sử dụng trong “Sao tháng Tám” đã làm sống dậy không khí cách mạng sục sôi của mùa Thu lịch sử 1945. Hình ảnh những đoàn người cầm cờ đỏ sao vàng, ca vang trên đường phố Thủ đô, các nhân vật (Nhu, Mến) hòa cùng niềm vui chiến thắng với ánh mắt rạng ngời khép lại “Sao tháng Tám” trong niềm hân hoan. Đặc biệt, hình ảnh Nhu len giữa dòng người để được ôm đứa con bé bỏng vào lòng sau bao ngày xa cách mang đến cảm giác bùi ngùi xúc động về tình mẫu tử, sự hy sinh, bền chí và sự hòa nhịp những tình cảm riêng-chung./.
Bộ phim “Sao Tháng Tám”