BRICS

ttxvnbrcis-1532506226-46.jpg

Với chủ đề “BRICS tại châu Phi: Hợp tác vì sự tăng trưởng bao trùm và thịnh vượng chung trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,” Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) diễn ra từ ngày 25-27/7 tại thành phố Johannesburg, Nam Phi sẽ giúp nhóm 5 quốc gia gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi khẳng định lại vai trò và ảnh hưởng của mình như một hình mẫu cho quan hệ hợp tác đối tác cùng phát triển.

Chủ đề năm của Hội nghị thượng đỉnh BRICS được dư luận thế giới đặc biệt chú ý khi đề cập đến vấn đề mang tính xu thế thời đại là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia.

Châu Phi, khu vực giàu tài nguyên song vẫn bị coi là chậm phát triển nhất thế giới, sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0

Trong bối cảnh đó, châu Phi, khu vực giàu tài nguyên song vẫn bị coi là chậm phát triển nhất thế giới, sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt những cơ hội to lớn mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cũng như giải quyết những thách thức phát sinh.

Bởi vậy, Nam Phi, nước Chủ tịch luân phiên BRICS năm nay, đã bày tỏ tham vọng tận dụng vai trò thành viên bình đẳng trong BRICS của mình để giúp thúc đẩy lợi ích và đem lại thịnh vượng cho toàn bộ Lục địa Đen trong thời kỳ kinh tế 4.0.

Với việc tập trung vào vai trò của nhóm 5 nền kinh tế mới nổi đối với sự phát triển của châu Phi trong thời đại công nghiệp 4.0, BRICS đang thể hiện mong muốn hợp lực để thúc đẩy quan hệ hợp tác thiết thực hơn trước những biến động ảnh hưởng trực tiếp tới trật tự thương mại toàn cầu.

(Nguồn: India Today)
(Nguồn: India Today)

Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của BRICS cũng khẳng định vai trò dẫn dắt và đi đầu hỗ trợ của BRICS trong việc hướng châu Phi tập trung vào công nghệ, với sự xuất hiện của máy móc thông minh, trí tuệ nhân tạo… để biến những cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành động lực tăng trưởng cho Lục địa Đen.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy mạnh mẽ cùng với những xung đột thương mại leo thang, đặc biệt là tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất BRICS, với Mỹ, sẽ là vấn đề quan trọng hàng đầu chi phối hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này.

Nhiệm vụ của BRICS là tìm cách thức ứng phó hiệu quả với làn sóng mới của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới, trước hết là ảnh hưởng của căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, một khi “cơn bão” thương mại này không chỉ có nguy cơ cuốn phăng đi những lợi ích kinh tế của các nước nằm trong “tâm bão” mà còn gây thiệt hại đáng kể cho nhiều quốc gia khác.

5 nước BRICS phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi

Quan điểm của BRICS đã được thể hiện tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng G-20 diễn ra tại Argentina cuối tuần trước, theo đó 5 nước phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi, đồng thời ủng hộ chủ nghĩa đa phương mở rộng, thương mại quốc tế và phát triển trật tự thế giới dựa trên luật lệ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, các nước thành viên cũng sẽ bày tỏ tinh thần sát cánh bên nhau nhằm ngăn ngừa những rủi ro đối với các nền kinh tế mới nổi trước nguy cơ chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế đầu tàu của thế giới.

Riêng với Trung Quốc, hội nghị tại Johannesburg sẽ là cơ hội lý tưởng để Bắc Kinh tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại đôi bên cùng có lợi với các đối tác BRICS cũng như các quốc gia ở Lục địa Đen, trong bối cảnh nước này đang phải tính tới những phương án thay thế thị trường Mỹ nếu các mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ phong tỏa.

(Nguồn: Reuters)
(Nguồn: Reuters)

Tiếp nối động lực hợp tác mở rộng của BRICS sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 diễn ra năm ngoái ở Hạ Môn, Trung Quốc, sự kiện năm nay dự kiến thông qua mô hình hợp tác “BRICS+,” mời thêm nhiều đại diện từ các nước đang phát triển tới tham gia đối thoại, đồng thời tổ chức nhiều cuộc thảo luận giữa lãnh đạo các nước BRICS và châu Phi.

Lãnh đạo Argentina, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Ai Cập, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… cùng tổng thống một loạt nước châu Phi như Namibia, Gabon, Angola, Senegal, Togo… là khách mời của hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay.

Ngay chủ đề của hội nghị lần này đã phản ánh những ưu tiên cốt lõi của mỗi thành viên BRICS là nỗ lực hướng tới một xã hội rộng mở, gắn kết với nhau và quan hệ đối tác toàn cầu, từ đó sẽ đem lại sự thịnh vượng chung.

Cơ chế hợp tác “BRICS+” được đánh giá là một nền tảng quan trọng cho hợp tác Nam-Nam, giúp các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn cũng như góp phần bảo đảm trật tự thế giới dựa trên nền tảng đa phương. Việc củng cố hợp tác BRICS cũng như hợp tác Nam-Nam sẽ là động lực thúc đẩy lớn nhất nhằm nâng cao vị thế quản trị toàn cầu của khối. Việc kết nạp thêm những nền kinh tế tăng trưởng mạnh còn giúp tạo một thị trường rộng lớn với mối liên kết mạnh mẽ hơn thay vì phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Việc mở rộng nhóm BRICS có thể giúp “lấp đầy” khoảng trống do chính sách bảo hộ mậu dịch do Mỹ để lại

Nói như nhà phân tích quốc tế Adrián Zelaia, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn Ekai Center, việc mở rộng nhóm BRICS có thể giúp “lấp đầy” khoảng trống do chính sách bảo hộ mậu dịch do Mỹ để lại.

Cơ chế hợp tác BRICS hiện đang bước vào thập niên phát triển thứ hai. Xét trên bình diện quốc tế, nền kinh tế thế giới đang phục hồi ở mức ổn định và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến triển theo cấp số nhân.

Trong khi đó, thế giới đang đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng trong quản trị toàn cầu, với chính sách đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu và hoạt động thương mại quốc tế. Đây là lúc BRICS thể hiện trách nhiệm trong việc góp phần định hình cấu trúc kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu mới, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của khối trên trường quốc tế./.

Hội nghị Ngoại trưởng BRICS ở Pretoria, Nam Phi ngày 4/6. (Nguồn: THX/TTXVN)
Hội nghị Ngoại trưởng BRICS ở Pretoria, Nam Phi ngày 4/6. (Nguồn: THX/TTXVN)