Tránh 2 khuynh hướng để y tế cơ sở đi đúng đường

Đây là tuyến y tế gần dân, sát dân nhất, giúp cho việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân được thuận tiện, đỡ tốn kém, đặc biệt là khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, y tế cơ sở hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức về chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nói chung và cho người có thẻ bảo hiểm y tế nói riêng.

Việc tăng cường y tế cơ sở, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở, thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ của người tham gia bảo hiểm y tế khi có nhu cầu đã được thể hiện trong các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Xung quanh vấn đề khắc phục những yếu kém, khó khăn của y tế cơ sở, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Minh – Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để có cái nhìn tổng quan hơn.

– Hiện nay, có khoảng 80% người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở (tuyến huyện là 47%, tuyến xã là 33%), 20% đăng ký tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Về vấn đề y tế cơ sở, bà có nhận định ra sao?

Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Chất lượng khám chữa bệnh ở y tế cơ sở là một phạm trù liên quan rộng, không chỉ riêng ngành y tế mà có liên quan tới cơ chế tài chính, thanh toán giám định của bảo hiểm xã hội.

Trước đây ở cơ sở chúng tôi cũng đã thấy có khó khăn, càng ngày khi tình trạng quá tải tuyến trên rất cao, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất lớn thì y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu. Tôi cho rằng cái khó nhất của y tế cơ sở hiện nay là vấn đề con người.

Bởi vì bác sỹ ở cơ sở theo chúng tôi biết, hầu hết đào tạo theo hình thức cử tuyển, thiếu và yếu nên người dân đến khám chữa bệnh họ mong muốn làm sao được hưởng các dịch vụ tốt nhất và yên tâm về chất lượng của bác sỹ.

Hiện nay, khối y tế cơ sở của chúng ta có vẻ như phần nhiều chưa đáp ứng được điều đó và đây chính là vấn đề mấu chốt cần phải cải tiến và khắc phục

– Vậy Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có những hành động gì để khắc phục tình trạng này ra sao?

Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Về chủ trương khắc phục những khó khăn, chúng tôi hoàn toàn đồng thuận và nhất quán. Bộ Y tế đang nỗ lực cố gắng để nâng cao chất lượng dịch vụ của y tế cơ sở, phủ sóng, bao phủ dịch vụ thì phải đầu tư con người nên ngành y tế đang tích cực các dự án tập trung đào tạo, đào tạo lại, tăng cường nhân lực tuyến trên về y tế cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã trao đổi với tôi và chúng tôi cũng đã thống nhất với nhau những sinh viên của ngành y mới ra trường trước hết cho đi cơ sở để rèn luyện, sau đó quay lại tuyến trên. Vừa giúp đỡ cơ sở nhưng đồng thời vừa tự mình đào tạo qua thực tiễn ở cơ sở.

– Thưa bà, bên cạnh yếu tố con người, chúng ta cần khắc phục và đẩy mạnh những gì?

Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Không chỉ vấn đề con người, vấn đề quan trọng tiếp theo là việc đầu tư. Như ngành y tế cũng xác định là sẽ đầu tư tập trung cho y tế cơ sở. Chẳng hạn như các dự án vốn ODA sẽ tăng cường về máy móc trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người sao cho đồng bộ.

Bác sỹ tại một Trạm y tế xã thăm khám cho các bệnh nhân đến điều trị. (Ảnh: TTXVN)
Bác sỹ tại một Trạm y tế xã thăm khám cho các bệnh nhân đến điều trị. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, một cơ chế không thể thiếu, đó là cơ chế phân cấp về mặt tài chính, phân cấp về tuyến khám chữa bệnh. Đơn cử như cần phải có quy định bệnh nào như một số bệnh lây nhiễm hoặc không lây nhiễm nếu các cơ sở đáp ứng được thì mạnh dạn cung cấp. Đi đôi với điều này, chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế tài chính tất cả những gì đã phân cấp cho cơ sở, nếu bệnh nhân muốn lên tuyến trên sẽ không thanh toán và họ chỉ được thanh toán nhà nước cung cấp gói dịch vụ cơ bản, những gì tuyến xã làm được thì sẽ thanh toán qua xã, không thanh toán tuyến trên và người dân sẽ phải bỏ tiền ra.

Những giải pháp đó hướng với việc sau này bệnh nhân nếu muốn vượt tuyến thì phải theo một thỏa thuận của bệnh viện tuyến trên không thì cứ xảy ra tình trạng như thế này thì rất gay. Bởi bệnh nhân hiện nay cứ lên tuyến trên được thanh toán cao hơn. Điều này chúng tôi cũng thấy bất cập và sẽ đề xuất cùng với Bộ Y tế để sửa và có giải pháp thật sự đồng bộ, vì hiện nay chúng ta vẫn nói hướng về cơ sở thì tất cả mọi giải pháp đều phải hướng về cơ sở.

– Có ý kiến phản ánh rằng, nhiều bệnh nhân cứ “ùn ùn” lên tuyến trên để khám chữa bệnh mà bỏ qua tuyến dưới. Nhiều ý kiến cho rằng họ lên tuyến trên để được thanh toán nhiều hơn. Vậy điều này sẽ dẫn đến vỡ nguồn quỹ bảo hiểm y tế. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Tôi nghĩ rằng không liên quan nhiều giữa chuyện đẩy bệnh nhân lên tuyến trên gây vỡ quỹ bảo hiểm y tế mà vấn đề là chúng ta có đảm đương được dịch vụ đó không khi nếu như cấp nào, tuyến nào đảm đương được chất lượng dịch vụ đó và có cơ chế tài chính chỉ thanh toán cho tuyến đó thì sẽ không ảnh hưởng đến cân đối quỹ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có những quy định hết sức cụ thể. Chẳng hạn như đã phân tuyến cho tuyến xã thì phải sử dụng kết quả đó, bệnh nhân lên trên không làm lại kết quả đó nữa. Bộ Y tế đã đồng ý cho cơ sở làm dịch vụ thanh toán thì tuyệt đối không thanh toán những dịch vụ đó ở tuyến trên nữa.

Những giải pháp như thế không ảnh hưởng đến cân đối quỹ bảo hiểm y tế. quỹ bảo hiểm y tế hiện nay chỉ có thể quản lý chặt chẽ một cách tốt hơn và ngăn tình trạng quá tải ở tuyến trên.

Vấn đề cân đối Quỹ bảo hiểm y tế hiện nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay, mệnh giá bảo hiểm y tế của chúng ta vẫn còn thấp, mức đóng không phải thấp, nhưng quyền lợi được hưởng, tính ưu việt rất cao. Một số quy định về chuyên môn, phân tuyến chưa rõ nên vẫn còn tình trạng khi bệnh nhân chuyển lên tuyến trên lại chiếu chụp, làm các xét nghiệm lại.

Sắp tới ngành y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải phân cho rõ ràng chỉ có một cấp được thanh toán và phải sử dụng liên thông kết quả đó để không phải chi nhiều lần. Như vậy, quỹ bảo hiểm y tế được sử dụng hiệu quả và người bệnh không vất vả phải làm thủ thuật nhiều lần.

– Trong báo cáo mới nhất cho thấy, hiện nay tỷ lệ bội chi quỹ bảo hiểm y tế trên 120%. Theo bà, việc bội chi quỹ nguyên nhân do đâu?

Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Tôi cho rằng, bội chi quỹ có rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân khách quan không bàn tới nữa, chất lượng dịch vụ, giá dịch vụ nâng lên thì chất lượng phục vụ cũng nâng lên, đó là điều rất tốt. Bên cạnh đó có những nguyên nhân chủ quan như một số cơ sở y tế lo lắng về việc nếu tự chủ sẽ có khó khăn về nguồn lực (cái này chỉ số ít, nhưng có) và tìm cách để đưa bệnh nhân vào viện, giữ bệnh nhân lâu hơn trong viện, chỉ định những dịch vụ, điều trị mà có thể chưa cần thiết làm gia tăng chi phí.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh mệnh giá chưa được nâng lên, chất lượng giá dịch vụ cao lên, nguồn quỹ không thay đổi đương nhiên sẽ có tình trạng vượt quỹ sẽ xảy ra. Nếu cộng cả nguyên nhân chủ quan, một số cơ sở y tế lại thực hiện không nghiêm túc, sử dụng nguồn lực không thật sự tiết kiệm, hiệu quả, còn lãng phí… đương nhiên tình trạng vượt quỹ sẽ gia tăng.

Có một số địa phương rơi vào tình trạng vượt quỹ, nhưng chúng tôi khi phát biểu điều này rất thận trọng, phân tích từng nguyên nhân gây ra vượt quỹ, nguyên nhân nào là khách quan, nguyên nhân nào là chủ quan, từ đó có giải pháp tốt hơn.

– Ý kiến như thế nào khi Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ sẽ không khoán định mức bảo hiểm y tế cho tuyến xã mà sẽ thực chi cho thực tế.

Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Tôi cho rằng bước đi của Bộ Y tế là đúng. Y tế cơ sở đã làm được đến đâu thì cấp cho họ cái đó để từ từ từng bước giúp người dân cũng yên tâm, cơ sở cũng hài lòng. Tức là trạm y tế nào thực hiện được cái gì thì đăng ký để ngành y tế sẽ xem xét và sẽ cho phép. Đó là quản lý nhà nước, năng lực của tuyến cơ sở không làm được cái đó thì không thể cho phép họ thực hiện.

Quan điểm của tôi sẽ thống nhất với Bộ Y tế không có mức 20%, tuy nhiên, tùy từng năng lực của tuyến xã đến đâu chúng ta sẽ mở ra đến đó, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không có giới hạn. Giới hạn ở đây không phải 20% kinh phí mà giới hạn về năng lực, như năng lực chuyên môn của họ làm được đến đâu thì phân cấp đến đó và phân cấp đến đó thì sẽ có quỹ tài chính tương ứng thì vẫn có kiểm soát.

Chúng tôi cũng đang đề xuất và Bộ Y tế cũng thống nhất nếu dịch vụ Bộ Y tế thẩm định đồng ý cho tuyến xã làm, như vậy người bệnh đến đó, được thanh toán và thực hiện dịch vụ ở y tế cơ sở. Nếu như người bệnh không muốn ở khu vực đó, địa phương đó không muốn vượt lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương thì quỹ bảo hiểm y tế sẽ không thanh toán nữa. Chúng tôi cũng đã đề xuất điều này và Bộ Y tế cũng đã ủng hộ nguyên tắc này.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta tránh 2 khuynh hướng: Một là giới hạn trần, hai là lại để cho các dịch vụ phát triển một cách không kiểm soát. Tôi cho rằng phải thận trọng, cái gì mà xã làm được thì phân cấp và theo phân cấp đó, tiền đó sẽ là được thanh toán dành cho cơ sở thanh toán.

Các cơ sở y tế chênh lệch khác nhau giữa năng lực trình độ để thực hiện các dịch vụ đó, chính vì vậy phải có lộ trình để từng bước tuyến cơ sở làm được trước phân tuyến trước và cho đi trước. Như vậy, quyền tự chủ sẽ cao hơn. Những đơn vị chưa làm được phải đào tạo để bằng nhiều cách có thể thực hiện dịch vụ đó theo lộ trình./.

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà