Khói thuốc

Đã ba tháng nay người đàn ông ấy không còn cảm giác rít một hơi thật sâu từ cái điếu cày rồi phì phèo nhả những làn khói thuốc, cũng không còn tiếng khà khà mà trước đây ông vẫn coi đó như một sự sảng khoái sau mỗi một lần cầm cái điếu cày lên.

Thay vào đó, là những cơn ho dồn dập, những tiếng rin rít từ trong lồng ngực, trong phổi khiến ông cảm thấy bứt rứt, đứng ngồi không yên.

Trong căn phòng bệnh nam, người đàn ông thều thào, giọng nói không còn được tròn vành tiếng, thi thoảng giọng nói lại lạc đi, có tiếng rít, hụt hơi trong lời nói…

Người đàn ông 52 tuổi, nhưng trông già hơn hẳn so với tuổi của mình vì sau đợt phẫu thuật cắt bỏ khối u ung thư phổi và những đợt xạ trị…

Ông Đinh Văn Tính (Kim Bảng, Hà Nam) cho biết, chưa bao giờ ông cảm thấy sợ hút và nghĩ về khói thuốc như lúc này. Những hậu quả mà khói thuốc mang lại cho ông sau 25 năm hút giờ thấm thía thì đã muộn.

Ông Đinh Văn Tính cho biết, chưa bao giờ ông cảm thấy sợ hút và nghĩ về khói thuốc như lúc này. Những hậu quả mà khói thuốc mang lại cho ông sau 25 năm hút giờ thấm thía thì đã muộn.

Lời hối hận muộn màng

Đang nằm điều trị tại phòng bệnh của Khoa Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), ông Tính mệt mỏi ngồi trên chiếc giường bệnh. Những đợt xạ trị làm ông mệt mỏi, rệu rã.

Người vợ chăm sóc ông ròng rã suốt mấy tháng nay cản không muốn cho ai tiếp xúc với ông vì sức khỏe ông còn yếu. Mấy ngày nay ông Tính cứ ăn vào rồi lại nôn thốc nôn tháo ra.

Thế nhưng, ông Tính vẫn một mực muốn trả lời báo chí, bởi ông đã thấm nỗi đau mà mình đang phải gánh chịu, ông muốn tâm sự, muốn giãi bày và điều quan trọng hơn cả ông muốn cảnh báo đến những người còn hút thuốc như ông trước kia có thể “tỉnh ngộ” sớm hơn ông.

Vào căn phòng bệnh sau khi ông vừa đi truyền hóa chất về, gương mặt mệt mỏi. Ông Tính vào viện từ ngày 15/3/2018. Đến nay đã hơn 3 tháng đi viện.

Ông Đinh Văn Tính được bác sỹ thăm khám sau xạ trị. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Ông Đinh Văn Tính được bác sỹ thăm khám sau xạ trị. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Tựa lưng vào chiếc thành giường bệnh, ông Tính kể, ông làm nghề mộc. Ông tự mở một xưởng mộc ở nhà. “Hàng ngày, tôi vẫn để thuốc lá và cái điếu cày ở ngoài hiên nhà, để anh em đến làm việc có cái để hút. Điều này dường như đã trở thành một thói quen trong suốt 25 năm qua.”

Trước kia, một ngày ông hút khoảng 10-15 điếu thuốc mỗi ngày. Cho đến nay, ông đã hút thuốc lá và thuốc lào được 25 năm. Thuốc lá ông hút đa phần từ thời còn thanh niên, sau đó chuyển sang hút thuốc lào.

Thời gian gần đây, do ho nhiều, ông đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán u ở phổi. Ông vừa được phẫu thuật cắt khối u được 1 tháng.

“Sau khi nhập viện, các bác sỹ có động viên tôi bỏ thuốc lá. Giờ có bệnh và nằm điều trị ở bệnh viện tôi đã thấy được cái sai của mình, từ giờ tôi bỏ thuốc và không dám hút nữa. Tôi biết, dù sức khỏe bây giờ cũng không lấy lại được như từ đầu, tôi cảm thấy ăn năn và sau đợt này về sẽ khuyên con cháu không hút thuốc nữa,” ông Tính tâm sự.

Ông Đinh Văn Tính chi sẻ về tình trạng bệnh của mình.

Bác sỹ Nguyễn Thế Thu – Khoa Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, bệnh nhân Tính bị ung thư phổi trái, ở giai đoạn tiến triển tại chỗ, khối u vẫn chưa di căn ra xa. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được hội chẩn cắt một phần thùy phổi. Ông Tính vừa kết thúc chu kỳ thứ nhất của đợt xạ trị hóa chất.

Lý giải mối liên quan giữa hút thuốc và ung thư phổi, bác sỹ Thu nhấn mạnh, ung thư phổi ở người bệnh có nhiều nguyên nhân và yếu tố khác như: yếu tố gia đình, đột biến gen, người hút thuốc có nguy cơ cao gây ra ung thư phổi. Thực tế điều trị cho các bệnh nhân ung thư phổi cho thấy, bệnh nhân bị ung thư phổi do thuốc lá như bác Tính khá phổ biến. Với những bệnh nhân bị ung thư phổi do thuốc lá gây ra, tiên lượng xấu hơn so với những bệnh nhân ung thư phổi do các yếu tố khác.

Với ông Tính, sau phẫu thuật và điều trị hóa chất, các bác sỹ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, hy vọng thời gian sống của bệnh nhân sẽ kéo dài hơn.

Thực tế điều trị cho các bệnh nhân ung thư phổi cho thấy, bệnh nhân bị ung thư phổi do thuốc lá khá phổ biến. Với những bệnh nhân bị ung thư phổi do thuốc lá gây ra, tiên lượng xấu hơn so với những bệnh nhân ung thư phổi do các yếu tố khác.

Cương quyết bỏ hút thuốc

Tại Khoa hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Lê Hồng Khanh, 62 tuổi, ở Giao Thủy, Nam Định nhập viện điều trị do phát hiện tổn thương viêm phổi, tràn dịch màng phổi.

Bác sỹ Phạm Thị Lệ Quyên – Khoa Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc mấy chục năm nay. Đợt này bệnh nhân vào viện vì sốt, ho khạc đờm, bệnh nhân đau ngực phải 2 tuần trước khi vào viện.

Sau khi nhập viện, các bác sỹ phát hiện tổn thương viêm phổi, tràn dịch màng phổi. Nguyên nhân của tình trạng trên là do bệnh nhân hút thuốc.

“Việc bệnh nhân hút thuốc trong thời gian dài đã gây tổn thương hệ thống niêm mạc đường hô hấp, dẫn đến viem, tăng tiết dịch nhầy. Nguyên nhân do liên quan đến thuốc lá và thuốc lào,” bác sỹ Quyên phân tích.

Bệnh nhân nằm viện điều trị 2 tuần, được điều trị kháng sinh mạnh, bệnh đã cải thiện được nhiều và bác Khanh sắp được ra viện.

Bệnh nhân Lê Hồng Khanh cương quyết bỏ thuốc sau khi nhập viện. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Bệnh nhân Lê Hồng Khanh cương quyết bỏ thuốc sau khi nhập viện. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Bác sỹ Quyên cho hay, bới bệnh nhân Khanh nếu tiếp tục hút thuốc, nếu bệnh lý về phổi ổn định và bệnh nhân hút thuốc trở lại gây ra viêm và kích thích niêm mạc đường phổi gây viêm và gây ung thư niêm mạc phổi. Tiềm ẩn có thể gây ra bệnh tim mạch, gây xơ vữa mạch máu.

Ông Khanh kể, ông làm nghề kinh tế ngoài biển, do công việc ngoài biển thời tiết lạnh và thường hay một mình, nên ông hút thuốc cho đỡ buồn, khi hút thuốc ông cảm thấy như ấm người hơn.

“Đợt vừa rồi, tôi bị sốt 3-4 ngày, thấy đau ở lồng ngực, cứ hít sâu là đau. Sau khi hết sốt tôi đi làm và thấy đau bên sườn. Đi khám, tôi được các bác sỹ chẩn đoán viêm phế quản nặng và được giới thiệu chuyển lên tuyến trên. Sau mấy ngày điều trị tôi đã đỡ được 6/10 phần.”

Ông kể, suốt 30 năm qua giờ ông mới bị bệnh như thế này. Trước kia ông hút thuốc lá vẫn bình thường và không bị sao.

“Đến giờ này, sau khi nghe các bác sỹ phân tích và thực tế thấy sức khỏe của mình bị ảnh hưởng, bản thân tôi cương quyết bỏ hút thuốc lá.

Khi được hỏi về việc ông có biết tác hại của thuốc lá? Ông Khanh cho hay có biết được những tác hại của thuốc lá có thể gây ra đối với sức khỏe, nhưng do công việc nhiều khi một mình, buồn nên ông vẫn hút.

“Đến giờ này, sau khi nghe các bác sỹ phân tích và thực tế thấy sức khỏe của mình bị ảnh hưởng, bản thân tôi cương quyết bỏ hút thuốc lá. Từ hôm bị ốm nhập viện đến giờ tôi chưa hút điếu nào và cũng không còn cảm giác thèm thuốc nữa,” ông Khanh cương quyết.

18.000 cuộc gọi tư vấn bỏ thuốc lá

Ở Việt Nam, theo điều tra hút thuốc ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%, nữ giới là 1,2%. Trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có 1 người hút thuốc. Theo ước tính, có khoảng trên 20 triệu nam giới ở Việt Nam hút thuốc lá. Đây là một con số rất lớn.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, tương đương mỗi ngày có hơn 110 người chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người một năm vào năm 2030.

 Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch  Mai . (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
 Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch  Mai . (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Giáo sư Ngô Quý Châu – Giám đốc Trung tâm hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) chỉ rõ, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh lý mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn nhịp tim, phình tách động mạch chủ. Các nguy cơ gây bệnh tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc.

Bác sỹ Phan Thu Phương – Phó giám đốc Trung tâm hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trước thực tế, có nhiều người dân nhận biết được tác hại thuốc lá gây ra và có ý định cai thuốc, Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá của Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế và Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá giao nhiệm vụ, triển khai hoạt động từ tháng 4/2015. Trong thời gian qua, chương trình đã thành lập được Trung tâm điều trị cai nghiện thuốc lá gồm: tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí với đầu số 1800 6606, và thành lập phòng tư vấn để điều trị cai nghiện thuốc lá trực tiếp tại bệnh viện.

Trong căn phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch Mai, liên tiếp các cuộc gọi tới để được nghe giải đáp về tác hại của thuốc lá cũng như những yêu cầu để được tư vấn cai nghiện thuốc lá thành công. Tại đây, 15 nhân viên của phòng tư vấn được chia thành 2 kíp trực từ sáng tới tối muộn luôn sẵn sàng bắt máy điện thoại để giải đáp cho nhiều người dân về những vấn đề liên quan tới thuốc lá và cai nghiện thuốc lá.

Bác sỹ Phan Thu Phương  - Phó giám đốc Trung tâm hô hấp (Bệnh viện Bạch  Mai). (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Bác sỹ Phan Thu Phương  – Phó giám đốc Trung tâm hô hấp (Bệnh viện Bạch  Mai). (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Năm 2015, tổng đài đã tư vấn thành công cho 2.401 người cai thuốc lá trong tổng số 8.314 cuộc gọi đến. Năm 2016 có 4.162 cuộc gọi tư vấn thành công và gọi lại được 520 người. Năm 2017, tổng đài tư vấn được 13.743 cuộc. Từ tháng 1-5/2018 tư vấn được 2.846 cuộc điện thoại cho những người muốn cai nghiện thuốc lá.

“Sau gần 4 năm hoạt động, thu được kết quả bước đầu, với tổng đài tư vấn cai nghiên thuốc lá, tính đến tháng 5/2018 đã tư vấn được 18.000 cuộc gọi điện thoại từ những người hút thuốc lá. Đây là những người có nguyện vọng, có mong muốn và có quyết tâm cai nghiện thuốc lá. Với số lượng người cai nghiện thuốc lá gọi đến như vậy, chúng tôi thấy nhu cầu người hút thuốc lá muốn bỏ thuốc, muốn cai nghiện thuốc lá rất cao,” bác sỹ Phương cho hay.

Khi nhận cuộc gọi như vậy, bệnh viện cũng có thu thập thông tin của người muốn cai nghiện về tiền sử hút thuốc, lý do nào hút thuốc, lý do và động lực nào để họ cai nghiện thuốc lá, để có thông tin chung của người bệnh. Với thông tin chung của người bệnh như vậy, bệnh viện lập bệnh án online, trong vòng 4 năm gần đây, tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá ngoài việc nhận cuộc gọi chủ động của người muốn cai nghiện thuốc lá, bệnh viện cũng tiến hành chương trình tư vấn cai nghiện chủ động. Tổng đài sẽ gọi lại cho những người gọi đến tổng đài và mời họ tham gia chương trình, sau đó nhân viên tư vấn có số lần gọi lại cho những người hút thuốc lá muốn cai nghiện ở các thời điểm khác nhau.

Sau gần 4 năm hoạt động, thu được kết quả bước đầu, với tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá, tính đến tháng 5/2018 đã tư vấn được 18.000 cuộc gọi điện thoại từ những người hút thuốc lá.

Theo bác sỹ Phương, trung bình mỗi một người gọi điện tới trung tâm khi tham gia vào chương trình tư vấn cai thuốc lá sẽ được gọi điện lại từ 7-11 lần tại thời điểm trước khi cai, đúng ngày cai, sau đó 1-2 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 5 tháng, 9 tháng, 1 năm. Với tiêu chuẩn cai nghiện thuốc lá sau 1 năm họ hoàn toàn không hút thuốc lá thì họ đã điều trị cai nghiện thành công.

“Hiện tại, tại bệnh viện với những người gọi đến tổng đài, chúng tôi theo dõi được chúng tôi đã ghi nhận 120 người gọi điện đến tổng đài và cai nghiện thuốc lá thành công,” bác sỹ Phương cho biết.

Cùng với thuốc lá thông thường, những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử ở người lớn và thanh thiếu niên đã tăng lên kể. Hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử cũng là những người hút thuốc lá.

Đa số người dùng thuốc lá điện tử đều coi đây là công cụ để bỏ thuốc lá hoặc giảm hút thuốc. Tuy vậy, thực tế cho thấy, trên tất cả các thương hiệu của thuốc lá điện tử, các thành phần chính trong chất lỏng đều là nicotine, propylene glycol hoặc glycerol và hương liệu. Các báo cáo của WHO khẳng định, hiện nay chưa có bằng chứng quốc tế chứng minh tính an toàn của thuốc lá điện tử.

Kết quả từ cuộc Điều tra tình hình hút thuốc lá ở thanh thiếu niên (GYTS) Việt Nam năm 2015 cho thấy, có tới 60% học sinh bắt đầu hút thuốc lá ở lứa tuổi khá sớm (7-13 tuổi).

Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch  Mai . (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch  Mai . (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh niên, thiếu niên của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong thanh niên, thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ. Có tới 21% nam thanh niên (từ 16-24 tuổi) hút thuốc. Nghiên cứu tình trạng sử dụng thuốc lá trong học sinh ở độ tuổi 13 – 15 cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh nam hút thuốc trước 10 tuổi là 17%; có 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ độ tuổi 13-15 trả lời có ý định sẽ hút thuốc trong tương lai.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, trong khói thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hoá chất. Trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khoẻ, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Quả thực, với những bệnh nhân như ông Tính, ông Khanh, khi tác hại của thuốc lá đã hiển hiện rõ trên cơ thể cũng là lúc sức khỏe của họ bị giảm sút rất nhiều.

“Tôi biết, dù sức khỏe bây giờ cũng không lấy lại được như từ đầu, tôi cảm thấy ăn năn và sau đợt này về sẽ khuyên con cháu không hút thuốc nữa,” ông Tính ngậm ngùi. Lời nhắn nhủ của người đàn ông khi đang đau yếu ấy chỉ mong sao cho hàng triệu người đàn ông khác không lặp lại những “vết xe đổ” mà mình đã trải qua./.

Các hoạt động hưởng ứng phòng chống tác hại của thuốc lá. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các hoạt động hưởng ứng phòng chống tác hại của thuốc lá. (Ảnh: PV/Vietnam+)