Sau khi thông tin về cái chết của Anthony Bourdain được lan truyền rộng rãi, hai vị Tổng thống Mỹ gần nhất đều đã lên tiếng bày tỏ sự tiếc thương.
Với đương kim Tổng thống Donald Trump, sự ra đi của Bourdain đem tới cho ông “nỗi buồn sâu sắc”. Ông khẳng định với báo giới: “Khi tôi thức dậy sáng nay, tôi nhận được thông tin Anthony Bourdain đã vĩnh viễn ra đi. Tôi vốn rất thích chương trình của Anthony, ông ấy là một người có cá tính. Tôi muốn gửi tới gia đình ông ấy những lời chia sẻ từ tận đáy lòng”.
Người tiền nhiệm của Trump là cựu Tổng thống Barack Obama chia sẻ trên Twitter: “Ghế ngồi thấp, bún rẻ nhưng cực ngon, bia Hà Nội ướp lạnh… là những ký ức tôi sẽ nhớ mãi về Tony. Anh ấy đã khai sáng cho chúng ta về ẩm thực, nhưng quan trọng hơn là khả năng gắn kết chúng ta lại với nhau. Tony khiến chúng ta đỡ e sợ hơn trước những thứ mình chưa biết.”

Anthony Bourdain là người đã “khai sáng” cho hàng triệu người về những miền đất ẩm thực và văn hóa mới mẻ…
Trump và Obama có rất nhiều điểm khác biệt, cụ thể là trong mối quan hệ với Anthony Bourdain. Đầu bếp người Mỹ này xem ông Obama như một người bạn và từng cùng ông thưởng thức bún chả Hương Liên trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam năm 2016.
Trái lại, Bourdain thường xuyên mỉa mai Donald Trump và từng tuyên bố “rất muốn mời Trump thử đồ Trung Quốc chỉ để xem ông ta sẽ loay hoay ra sao với những chiếc đũa”. Nhưng trước sự ra đi đột ngột của Bourdain, cả hai đời Tổng thống Mỹ cùng hàng triệu người khác trên toàn thế giới đều bày tỏ sự tiếc nuối.
Bởi Bourdain không phải một đầu bếp, một cây viết, một ngôi sao truyền hình… thông thường. Ông chính là người đã “khai sáng” cho hàng triệu người về những miền đất ẩm thực và văn hóa mới mẻ, thắp lên ngọn lửa cảm hứng ngao du và giúp những con người xa lạ về nguồn gốc, tôn giáo… xích lại gần nhau hơn.
(Nguồn: Vietnam+)
Người truyền cảm hứng
Với những người chưa từng nghe tới cái tên Anthony Michael Bourdain, một chủ đề về người đàn ông sinh năm 1956 này được lập trên trang Reddit sau khi ông qua đời sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích. Trên đó, những người dùng Internet bày tỏ quan điểm của họ về lý do tại sao Bourdain lại nổi tiếng và được nhiều người mến mộ đến vậy.
Lý do phổ biến nhất được đưa ra là: “Bourdain là một đầu bếp và sau đó trở thành một nhà văn và ngôi sao truyền hình với những chương trình như A Cook’s Tour, No Reservations, Parts Unknown… trên những kênh nổi tiếng về ẩm thực, du lịch hay đài CNN. Thứ thú vị nhất là khả năng sử dụng ngôi từ của Bourdain: khi thì sắc bén và thâm sâu, khi thì lại trôi theo dòng cảm xúc với những món ăn ông ấy đã nếm, những địa điểm ông ấy đã đặt chân tới và những con người ông ấy đã tiếp xúc trên hành trình vòng quanh thế giới. Rất nhiều người yêu mến các chương trình và cuốn sách của ông ấy, và dĩ nhiên là cả những món ăn của ông ấy nữa!”
Người dùng Marx0r bổ sung: “Mọi người đừng quên cuốn sách ‘Kitchen Confidential’ được Bourdain viết trên trải nghiệm cá nhân về quãng thời gian làm việc tại các nhà hàng. Ấy là cuốn sách giúp ông ấy nổi tiếng và hoàn toàn thay đổi góc nhìn của công chúng về nhà hàng. Trước nay người ta luôn nghĩ rằng các nhà hàng đắt tiền với những trải nghiệm ‘sang chảnh’ cũng sẽ có những khu bếp ‘năm sao’.
“Nhưng Bourdain lại kể những câu chuyện về tình dục, sử dụng chất kích thích và phanh phui sự thật về công việc nặng nhọc mà chỉ những người nhập cư hay bị xã hội xem là đồ bỏ đi mới dám đảm đương. Bourdain cũng không ngần ngại đề cập các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, như việc các nhà hàng sẽ đem tái sử dụng bánh mỳ chưa được ăn hay các món cá đặc biệt được chế biến khi … gần ôi thiu. Không ai biết về những thứ thực sự diễn ra trong bếp cho tới khi Bourdain tung ra cuốn sách ấy.”
Hai bình luận trên trang Reddit gần như tóm gọn được những thành tựu sự nghiệp của Anthony Bourdain. Tình yêu với ẩm thực và du lịch của Bourdain được hình thành từ thời thơ ấu, sau một chuyến đi Pháp. Tại xứ lục lăng, cậu nhóc Bourdain lần đầu được nếm thử mòn hàu tươi trên thuyền của một ngư phủ và không thể quên nổi trải nghiệm ấy Sau khi tốt nghiệp Viện Ẩm thực Hoa Kỳ vào năm 1978, Bourdain trải qua hàng chục năm lăn lộn tại các nhà hàng tại New York như Supper Club, Sullivan’s hay Brasserie Les Halles… Tới năm 2000, cuốn sách “Kitchen Confidental: Adventures in the Culinary Underbelly” của ông trở thành một hiện tượng và lọt vào danh sách bán chạy nhất của tờ The New York Times.

Bourdain đã vực dậy cuộc đời và truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác dù từng có quãng thời gian dài chìm trong nghiện ngập
Chính từ đây, Bourdain có dịp trải nghiệm “công việc tuyệt nhất trần đời” như lời mô tả của người bạn Anderson Cooper: được trả tiền để ngao du khắp thế giới và ăn thử những món ăn mới lạ. Những trải nghiệm của Anthony Bourdain được đưa lên màn ảnh nhỏ thông qua các chương trình “A Cook’s Tour” (2002-2003), “No Reservations” (2005-2012), “The Layover” (2011-2013) và “Anthony Bourdain: Parts Unknown” (2013-nay). Trang điện tử của CNN mô tả chương trình “Part Unknown” là cách “Anthony mang cả thế giới tới với căn nhà của khán giả CNN. Nó cho thấy sự đa dạng tới kỳ vĩ của văn hóa và ẩm thực, đồng thời lại cho thấy con người ở những miền xa lạ có thể tương đồng ra sao… tất cả chỉ qua một việc đơn giản là ăn uống”.
Trong những chương trình của mình, Bourdain không chỉ ăn những món ăn đặc sản truyền thống mà còn dũng cảm nếm thử những món ăn người bình thường nhìn vào đã phải chào thua. Ông từng ăn tinh hoàn cừu ở Morocco, trứng kiến tại Mexico, trực tràng lợn warthog tại Namibia, cá mập lên men tại Iceland và uống tiết, ăn thịt rắn hổ mang tại Việt Nam theo thông tin của tờ Daily Freeman.

Không chỉ giới thiệu ẩm thực, Bourdain còn sử dụng những show truyền hình để đề cập tới các vấn đề xã hội, chính trị tại những mảnh đất mình đặt chân tới.
Hội đồng Ngoại giao Hồi Giáo từng trao giải “Media Award” cho Bourdain về chương trình ông thực hiện xoay quanh đời sống của người dân Israel và Palestine năm 2014.
Khi nhận giải, ông chia sẻ trải nghiệm về những ngày sống tại giải Gaza và chơi cùng trẻ em tại đây: “Chương trình này chẳng khác gì những chương trình khác tôi từng làm: vẫn là những người bình thường làm những công việc thường nhật: nấu và tận hưởng những bữa ăn ngon, chơi đùa cùng các con mình, chuyện trò về cuộc sống, giấc mơ và hy vọng của họ. Thế nhưng những hình ảnh ấy lại gây sốc rất nhiều người, bởi thế giới đã quen thấy những thứ tệ hại xảy ra đối với người Palestine. Thông qua chương trình này, chúng tôi muốn cho thấy rằng họ cũng là con người chứ không phải những con số thương vong vô cảm mà chúng ta thấy hàng ngày trên TV”.
Điều đáng khâm phục ở Bourdain là ông đã vực dậy cuộc đời và truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác sau khi từng có quãng thời gian dài chìm trong nghiện ngập.

Ông chưa bao giờ giấu diếm quá khứ này: “Tôi không xem heroin hay cocaine như những thứ bệnh tật. Đó là những lựa chọn rất tồi tệ mà bản thân tôi thừa biết khi dính vào. Tôi đã mắc sai lầm nghiêm trọng và phải rất chăm chỉ để khắc phục hậu quả. Tôi sẽ không ở đây để khuyên bạn phải sống thế nào. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi đã rất may mắn, và vận may không phải một hình mẫu kinh doanh để ai cũng có thể làm theo được”.
Sự tiếc nuối của những người ở lại
Bên cạnh việc truyền cảm hứng, Anthony Bourdain còn nổi tiếng với sự thẳng thắn cương trực. Ông không ngần ngại lên tiếng ủng hộ phong trào #MeToo tố giác những hành động quấy rối, tấn công tình dục.
Nghe cách Bourdain nói về thức ăn, người ta thấy ở đó sự chân thành và không hề có dấu hiệu ngôi sao: “Vào những ngày nghỉ, tôi chỉ ra hàng ăn nếu muốn tìm ý tưởng mới hay định học lỏm các công thức lạ. Thứ tôi thực sự muốn ăn là những món đồ mà các bà, các mẹ nấu ở nhà. Một đĩa pasta ngập tràn tình yêu, một đĩa bò nướng kèm theo pudding Yorkshire… luôn khiến tôi chảy nước miếng, dẫu rằng môi trường làm việc của tôi đầy rẫy những thứ ‘sang chảnh’ như thịt filet mignon, dầu chiên thảo dược… và rất nhiều thứ khác khiến thức ăn nhà hàng khác biệt với đồ nhà nấu. Mẹ vợ của tôi luôn xin lỗi khi mời tôi ăn: ‘Mấy món này chắc quá tầm thường với một đầu bếp như con’. Bà không hiểu rằng món thịt hầm hay khoai nghiền của bà ngon và kỳ diệu đến nhường nào đối với tôi.”

Bourdain có công “mang thế giới tới với các gia đình và truyền cảm hứng du lịch, khám phá văn hóa”
Chính vì lẽ đó, sự ra đi của Bourdain khiến rất nhiều người bị sốc. Nhiều người hâm mộ sống tại New York đã tới nhà hàng Brasserie Les Halles mà Bourdain từng gắn bó nhiều năm để bày tỏ sự tiếc nuối. Kể từ khi cái chết của Bourdain được công bố ngày 8/6, trước cửa nhà hàng đã được đặt nhiều bó hoa hồng kèm những thông điệp tri ân vị đầu bếp nổi tiếng.

“Cảm ơn ông vì những gì ông đã đem tới cho thế giới này, vì những kiến thức về văn hóa và ẩm thực. Ông đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi vĩnh viễn. Mãi yêu ông”, một người hâm mộ viết. Một tờ giấy khác mang thông điệp: “Cảm ơn ông vì đã mang tới những góc nhìn đầy sự tôn trọng về con người tại Palestine, Lybia, Iran và nhiều nơi khác nữa. Ông đã khiến nhân loại xích lại gần nhau hơn”.
Người phát hiện ra thi thể của Bourdain tại Pháp cũng chính là bạn thân của ông: Eric Ripert. Trong thông cáo chính thức gửi tới tờ The New York Times, Ripert viết: “Anthony là một người bạn thân thiết, một người vô cùng hào hiệp, giàu cảm hứng. Anh ấy là một trong những người kể chuyện vĩ đại nhất của thời đại chúng ta và đã chạm tới tâm hồn rất nhiều người”. Một người bạn khác của Bourdain là đầu bếp Jose Andres viết trên Twitter: “Người bạn thân mến của tôi, tôi biết anh đang đi tới một nơi kỳ diệu. Nhưng anh vẫn còn rất nhiều nơi để giới thiệu với chúng tôi, vẫn còn nhiều điều chúng tôi không thể cảm nhận qua mắt trần chờ để anh khai sáng… cơ mà. Anh luôn nhìn thấy những gì đẹp nhất, tích cực nhất ở con người”.

Trong cuộc sống bình thường, Bourdain không bao giờ tỏ ra kênh kiệu bất chấp danh tiếng. Cây viết Jordana Rothman của tạp chí “Food & Magazine” hồi tưởng: “Tôi từng có lúc trải qua cảnh thấy những người khác nhìn quanh mình trong những bữa tiệc để xem có ai nổi tiếng, quan trọng hơn để họ bắt chuyện hay không. Thế rồi một ngày, Bourdain chủ động tới bắt tay tôi và hỏi xem tôi quan tâm điều gì. Tôi đã làm điều tương tự trong cả ngàn cái bắt tay sau đó.”
Giống như Jordana, cây viết ẩm thực John Hodgman cũng có kỷ niệm khó quên với Bourdain: “Vào năm 2004, tôi từng có dịp ăn trưa với Bourdain. Khi ấy ông ấy đã nổi tiếng rồi nhưng vẫn dành thời gian để cùng tôi tới Chinatown và đàm đạo về những món ăn ‘kỳ quặc’ cho một bài viết mà tôi đang hoàn thiện. Nhờ ông ấy, tôi đã hiểu rằng thứ ‘kỳ quặc’ với mình có thể là đặc sản với người khác. Ngày hôm ấy, chúng tôi đã nếm thử món chân gà”.
Với bếp nổi tiếng trên truyền hình Gordon Ramsay, Bourdain là người đã có công “mang thế giới tới với các gia đình và truyền cảm hứng du lịch, khám phá văn hóa”. Tầm ảnh hưởng của ông không chỉ bị giới hạn trong Trái Đất mà thậm chí còn vươn ra ngoài vũ trụ. Phi hành gia Scott Kelly của NASA chia sẻ trên Twitter: “Tôi đã xem chương trình của ông ấy khi ở ngoài không gian. Nó khiến tôi cảm thấy gần gũi với hành tinh Mẹ, với loài người, với những nền văn hóa và khiến quãng thời gian trên vũ trụ của tôi dễ chịu hơn”.
Tình yêu với Việt Nam
Với nhiều người Việt Nam, cái tên Anthony Bourdain gắn liền với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam năm 2016. Ông đã đưa ông Obama đi thưởng thức bún chả và bia hơi Hà Nội, giúp quán ăn Hương Liên được nhiều người biết tới với biệt danh “Bún chả Obama”. Về sau, tập phim về món bún chả này đã được phát trên chương trình “Parts Unknown” mùa thứ tám vào ngày 25/9/2016.
Nhưng không phải tới khi “Parts Unknown” lên sóng, Bourdain mới có dịp tới Việt Nam. Ngay từ khi còn làm chương trình “No Reservations”, mảnh đất hình chữ S đã được Bourdain giới thiệu trong các tập “Vietnam: The Island of Mr. Sang” (2005), “Vietnam: There’s No Place Like Home” (2009) và “Vietnam: Central Highlands” (2010). Trong các chương trình, Bourdain luôn dành những từ ngữ tốt đẹp để nói về Việt Nam, nơi ông xem là “ một trong những nước có ẩm thực đường phố xuất sắc nhất hành tinh”.
(Nguồn: CNN)
Trong một clip mang tên “Anthony Bourdain: Love for Vietnam”, ông khẳng định: “Tôi đã đem lòng yêu Việt Nam ngay từ lần đầu ghé thăm. Một mảnh đất đẹp như trong phim, ngập tràn những hàng quán ngon, những người bạn thân thiện… Nhưng lần thứ hai trở lại đây cùng ê-kíp, tôi mới nhận ra mình đã yêu mảnh đất này tới nhường nào. Trên đường tới Hà Nội, chúng tôi bỗng bật khóc: một đất nước kỳ diệu và thật sự hạnh phúc khi được trở lại. Tại sao tôi lại yêu Việt Nam ư? Nó giống như tìm hiểu lý do vì sao bạn lại yêu mối tình đầu. Vì nàng đẹp, vì nàng thông mình, vì nàng xuất chúng… ư? Nhưng thực sự không phải, nó là một thứ gì đó như ma thuật diệu kỳ mà có lẽ tốt nhất không nên cố định nghĩa làm gì”.
Bourdain không hề nói xã giao khi nói về Việt Nam, bởi ông từng có lúc định gác lại mọi kế hoạch để tới Việt Nam định cư. Và khi không thể thực hiện dự định ấy, Bourdain chọn cách thể hiện tình yêu của mình với Việt Nam bằng cách giới thiệu mảnh đất hình chữ S với bạn bè bốn phương. Trong những chương trình của mình, ông giúp khán giả quốc tế được biết tới đủ những đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, rằng Việt Nam không chỉ có phở là món “phải ăn một lần trước khi chết”.

Ông từng chia sẻ trên CNN: “Chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi, có lẽ bởi mọi thứ quá mới mẻ và khác biệt so với những gì tôi đã biết, so với thế giới tôi lớn lên. Món ăn, văn hóa, phong cảnh và hương vị hòa quyện đến không thể tách rời. Việt Nam như một hành tinh khác, một hành tinh có rất nhiều món ngon, hút tôi vào và không bao giờ thả ra.” Người dân Việt Nam thích thú thấy một “ông Tây” cao to, bắp tay xăm trổ thản nhiên ngồi ăn vỉa hè như bao người địa phương khác.
Bourdain không ngại xếp hàng để nếm bánh mỳ Phượng nổi tiếng tại Hội An, ngồi ghế bệt ăn bún ốc Lương Ngọc Quyến, ngồi vỉa hè chờ được ăn cơm hến Huế hay thử trải nghiệm “bún chửi” nổi tiếng tại Hà Nội. “Nhập gia tùy tục”, Bourdain không chỉ ăn những đặc sản Việt Nam mà còn hòa mình vào nếp sống của con người nơi đây và để lại ấn tượng tốt đẹp với bất kỳ ai từng có dịp tiếp xúc.
“Việt Nam như một hành tinh khác, một hành tinh có rất nhiều món ngon, hút tôi vào và không bao giờ thả ra.”
Nhưng thật đáng tiếc, Anthony Bourdain đã chọn cách ra đi vĩnh viễn khi trước mắt còn rất nhiều hành trình dang dở. Ông từng một lần phát biểu: “Tôi đáng lẽ đã chết những năm 20 tuổi. Tới ngoài 40, tôi bắt đầu thành công. Khi bước qua tuổi 50, tôi được làm cha. Tôi luôn có cảm giác như mình đã đánh cắp một chiếc xe rất xịn và luôn phải nhìn vào gương chiếu hậu để xem cảnh sát có bám đuôi không.”
(Nguồn: Discovery)
Có lẽ Bourdain chưa bao giờ dứt khỏi cảm giác bất an ấy, để rồi quyết định dừng xe ở tuổi 61. Nhưng di sản của ông là những chương trình ý nghĩa và đặc biệt là niềm cảm hứng sẽ không thể bị lụi tàn. Nhờ Anthony Bourdain, rất nhiều miền đất mới đã được lên sóng truyền hình quốc tế, khoảng cách địa lý và văn hóa được thu hẹp lại. Nhờ ông, nhiều người đã bắt đầu xách ba-lô lên và đi.
Khi nói về du lịch, Bourdain từng đúc kết: “Du lịch không phải lúc nào cũng thoải mái và dễ chịu. Đôi khi nó gây đau đớn đến mức khiến tim bạn muốn vụn tan. Nhưng điều đó cũng ổn thôi, bởi quan trọng là du lịch tới những miền đất mới sẽ thay đổi bạn. Hành trình ấy sẽ để lại dấu ấn lên ký ức, lên tâm thức, khắc sâu vào tim và cơ thể bạn. Khi rời một vùng đất, bạn sẽ mang theo một thứ gì đó mới mẻ và tôi hy vọng bạn cũng để lại đó một thứ gì tốt đẹp”.
Những gì Bourdain để lại thế gian này, trong ký ức bạn bè và những người hâm mộ, đều là những kỷ niệm đẹp./.
