Việt Nam-Canada

Hơn nửa năm sau khi Việt Nam và Canada nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Thủ tướng Canada Canada Justin Trudeau tới Việt Nam tháng 11 năm ngoái, từ ngày 8-10/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Canada và dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) mở rộng tại vùng Chalervoix, thuộc tỉnh Quebec, Canada.

Chuyến thăm không chỉ đặt thêm cột mốc mới trong quan hệ Canada-Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (8/1973–8/2018), mà còn thể hiện vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại một trong những diễn đàn quan trọng nhất của thế giới.

Đây là lần đầu tiên đoàn lãnh đạo cấp cao Chính phủ Việt Nam sang thăm Canada trong 13 năm qua, lần thứ 2 Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng nhưng là lần đầu tiên với tư cách quốc gia độc lập, không đại diện cho một tổ chức hay một nhóm nước trong khu vực.

Trong số 11 quốc gia được nước chủ nhà Canada mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay, Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á. Điều này cho thấy Canada coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ tốt hơn với Việt Nam, đồng thời thể hiện Canada và các nước G7 đánh giá cao vai trò, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Đoàn đại biểu Việt Nam, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, tham dự Hội nghị G7 năm 2016. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đoàn đại biểu Việt Nam, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, tham dự Hội nghị G7 năm 2016. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Canada diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đã có nhiều bước phát triển tích cực. Từ “viên gạch” đầu tiên đặt cho nền móng quan hệ song phương ngày 21/8/1973, đến nay hai nước đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, tạo khuôn khổ cho quan hệ song phương phát triển ổn định, hiệu quả, lâu dài và cùng có lợi.

Trên bình diện khu vực và quốc tế, tình hình thế giới đang có nhiều biến động sâu sắc. Hai nước đứng trước nhiều cơ hội mở rộng hợp tác, đặc biệt khi cùng là thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Từ “viên gạch” đầu tiên đặt cho nền móng quan hệ song phương ngày 21/8/1973, đến nay hai nước đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện

Bên cạnh đó, hai nước cũng phải đối mặt với những thách thức rất gay gắt, cần chung tay góp sức để hoá giải và ứng phó. Như chia sẻ của ông Donald Bobiash, Trợ lý Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Canada phụ trách quan hệ với khu vực châu Á–Thái Bình Dương, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước sẽ luôn mang lại kết quả cùng có lợi, bởi quan hệ giữa Canada và Việt Nam ngoài tiềm năng to lớn để tăng cường hợp tác, còn được mở rộng ra ngoài các lợi ích song phương.

Vì thế, trong chuyến thăm, hai thủ tướng sẽ trao đổi các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ song phương phát triển tương xứng với tiềm năng của mỗi bên trong những lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, như tăng kim ngạch thương mại; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước kết nối, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng đầu tư; tạo thuận lợi giao thương xuất khẩu hàng hoá; hợp tác ứng phó các thách thức chung toàn cầu, nhất là về môi trường, biến đổi khí hậu… và nhiều lĩnh vực khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Canada Justin Trudeau hội đàm hẹp chiều 8/11/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Canada Justin Trudeau hội đàm hẹp chiều 8/11/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đề cập về chuyến thăm với phóng viên TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Canada Nguyễn Đức Hòa tin tưởng với những nền tảng vững chắc và sự phát triển tích cực của quan hệ song phương, cộng thêm hai chuyến thăm cấp cao liên tiếp của lãnh đạo hai nước chỉ trong hơn nửa năm, Việt Nam và Canada sẽ có nhiều triển vọng thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Đại sứ, có nhiều cơ sở cho niềm tin đó, như là nền tảng quan hệ chính trị được xây đắp trong 45 năm qua; là khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện với những nội hàm hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực; là nền tảng quan hệ xã hội ngày càng được củng cố thông qua hợp tác giáo dục, văn hoá, du lịch, trao đổi sinh viên, giao lưu nhân dân; là mối quan hệ kinh tế-thương mại mang tính bổ sung cho nhau; và hiện hai nước đều là thành viên của CPTPP.

Chuyến thăm sẽ giúp hai nước nâng cao hơn nữa sự tin cậy chính trị, từ đó thúc đẩy hợp tác theo hướng ngày càng thiết thực và hiệu quả.

Việc Việt Nam được Canada – trên cương vị nước Chủ tịch G7 năm 2018 – mời dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng với chủ đề chính về đại dương, môi trường, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển và thúc đẩy năng lượng sạch, một lần nữa cho thấy sự ghi nhận của Canada và các nước G7 đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cũng là sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với năng lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Sự kiện này cũng tạo cơ hội quan trọng để Việt Nam thể hiện rõ chính sách đối ngoại cũng như tiếng nói của mình tại một diễn đàn quan trọng của các nước lớn trên thế giới.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng các nhà lãnh đạo G7 và các nước khách mời tiến hành trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời thảo luận các biện pháp, đề xuất hành động phối hợp để ứng phó và xử lý các thách thức toàn cầu đang nổi lên ngày càng gay gắt.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp phần làm sâu sắc thêm nội hàm hợp tác song phương Việt Nam-Canada trên tất cả các lĩnh vực 

Việt Nam đã, đang và sẽ có những đóng góp thiết thực vào những vấn đề mà thế giới đang quan tâm, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, đồng thời góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030. Tất cả những đóng góp đó sẽ càng khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thể hiện rõ Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Với ý nghĩa đặc biệt như vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp phần làm sâu sắc thêm nội hàm hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực tiềm năng trong khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada. Đồng thời, Việt Nam cũng thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, cam kết và hành động cụ thể trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu, trong bối cảnh vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế./.