Tái thiết Marawi

Sự có mặt ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc ở Philippines là kết quả của việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xoay trục sang phía Trung Quốc vào tháng 10/2017. Viện cớ đất nước cần có một “chính sách đối ngoại độc lập,” ông Duterte đã lên tiếng đe dọa hủy bỏ thỏa thuận quân sự với đồng minh lâu đời là Mỹ, và thề sẽ làm việc với Trung Quốc như một sự lựa chọn thay thế.

Kể từ đó, tiền và các công ty của Trung Quốc đã đổ vào Philippines. Tuy nhiên, dự án tái thiết Marawi, do liên doanh gồm 5 công ty Trung Quốc và 4 công ty đối tác Philippines đã đệ trình, không bắt được “hồn” của nền văn hóa, truyền thống, hay bản sắc của người dân nơi đây. Họ coi sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào việc xây dựng lại Marawi là một sự xâm nhập, nếu không nói thẳng thừng là một cuộc xâm lăng.

Anne-Marie Slaughter, Chủ tịch kiêm CEO tổ chức New America, Viện nghiên cứu chuyên về chính sách công của Mỹ và Purple Romero, nhà báo đa phương tiện gốc Philippines chuyên viết các đề tài chính trị, giới tính, môi trường và quan hệ quốc tế, nhận định như vậy.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Thật là mỉa mai. Đó là cách mà Vua Abdul Hamidullah Atar mô tả dự án tái thiết Marawi, thủ phủ tỉnh Lanao del Sur trên đảo Mindanao của Philippines, một năm sau khi Nhóm Maute, còn được biết dưới cái tên Nhà nước Hồi giáo Lanao, phát động một cuộc tấn công vào thành phố ngày 23/5/2017. Cuộc chiến kéo dài 5 tháng tiếp sau đó đã dẫn đến kết quả là hơn 1.000 người chết và 360.000 người khác mất nhà cửa.

Người dân Marawi, còn được gọi là người Maranao, có tinh thần độc lập hết sức mạnh mẽ

Người dân Marawi, còn được gọi là người Maranao, có tinh thần độc lập hết sức mạnh mẽ. Giống như phần còn lại của người Moro (chỉ người Hồi giáo Mindanao), người Maranao (hay “Người dân Hồ nước” do họ sinh sống và xây dựng nhà cửa bên cạnh Hồ Lanao) chưa bao giờ bị chinh phục hay bị thực dân hóa bởi người Tây Ban Nha, người Mỹ, hay người Nhật, trái ngược với người Philippines khác ở các khu vực Luzon và Vasayas. Nhưng giờ đây, như ghi nhận của Atar, họ coi sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào việc xây dựng lại Marawi là một sự xâm nhập, nếu không nói thẳng thừng là một cuộc xâm lăng.

(Nguồn: SCMP)
(Nguồn: SCMP)

Một liên doanh gồm 5 công ty Trung Quốc và 4 công ty đối tác Philippines đã đệ trình một dự án tổng thể cho việc xây dựng lại thành phố bị chiến tranh tàn phá này. Dự án tổng thể trù tính biến bãi chiến trường chính tại thành phố Marawi – địa điểm, mà trước khi bị vây hãm, nổi tiếng là điểm thương mại bùng nổ, với các nhà thờ Hồi giáo tráng lệ, và các trường Hồi giáo năng động – thành một điểm du lịch. Dự án trị giá 328 triệu USD, bao trùm lên diện tích 250 ha, nhằm xây dựng một quần thể hiện đại và hào nhoáng, với những tuyến đường đi bộ rộng rãi, những resort tráng lệ nằm bên cạnh hồ, những công viên và quảng trường xứng đáng xuất hiện trên Instagram, một tuyến du lịch sinh thái, và một trung tâm tổ chức sự kiện.

Tuy nhiên, người Maranao nói đó không phải là Marawi. Nó không hoàn toàn bắt được “hồn” của nền văn hóa, truyền thống, hay bản sắc của họ với tư cách là những người dệt vải và thương gia có lịch sử lâu đời, những Người dân Hồ nước.

Những gì người Maranao muốn là được phép xây dựng lại nhà cửa của họ

Một phụ nữ Maranao, chủ một gia đình bị mất nhà cửa, nói: “Chúng tôi không muốn kiểu tô điểm làm đẹp này.” Những gì mà người Maranao muốn là được phép có cơ hội xây dựng lại nhà cửa của họ. Họ có cách nhìn của riêng họ; họ có những người lên kế hoạch, những kiến trúc sư, và kỹ sư của riêng họ; và họ có nguồn nhân lực của chính họ.

Theo các nhóm xã hội dân sự, vấn đề rắc rối với dự án tổng thể là có thông tin cho rằng bản quy hoạch này đã được triển khai mà không hề tiến hành tham khảo thực chất với các bên có liên quan khác. Ngày 30/3 vừa qua, hàng trăm người Maranao đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối hòa bình đòi được tham gia vào việc lập quy hoạch dự án.

Nếu các công ty Trung Quốc được phép tham gia việc tái thiết trên quy mô lớn đối với thành phố Marawi thì đây là dự án làm ăn lớn mới nhất của Trung Quốc ở Philippines. Chỉ trong tháng Tư vừa qua, các công ty Trung Quốc như Tập đoàn Shanghai GeoHarbour, và Tập đoàn Zhongfa đã ký những thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với Chính phủ Philippines liên quan đến các dự án cải tạo đất, xây dựng các kho chứa khí hóa lỏng (LNG), và các dự án nhiệt năng.

Binh sỹ Philippines tuần tra tại Marawi sau khi thành phố này được giải phóng ngày 17/10/2017. (Nguồn: THX/TTXVN)
Binh sỹ Philippines tuần tra tại Marawi sau khi thành phố này được giải phóng ngày 17/10/2017. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sự có mặt ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc ở Philippines là kết quả của việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xoay trục sang phía Trung Quốc vào tháng 10/2017. Viện cớ đất nước cần có một “chính sách đối ngoại độc lập,” ông này đã lên tiếng đe dọa hủy bỏ thỏa thuận quân sự với đồng minh lâu đời là Mỹ, và thề sẽ làm việc với Trung Quốc như một sự lựa chọn thay thế.

Kể từ đó, tiền và các công ty của Trung Quốc đã đổ vào nước này, vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở. Trong năm 2017, đầu tư từ Trung Quốc đạt 31 triệu USD, và tính đến tháng 4/2018, dự kiến có thêm 9,5 tỷ USD đầu tư, tạo ra 10.800 công ăn việc làm cho người Philippines trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, và thương mại điện tử.

Công ty Hữu hạn Xây dựng Công trình Nhà nước Trung Quốc, công ty thuộc quyền quản lý của Chính phủ Trung Quốc đang tìm kiếm hợp đồng tái thiết thành phố Marawi, nằm trong số 100 công ty đại chúng lớn nhất thế giới, có số vốn hóa trên thị trường lên đến 43,2 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, công ty này cũng bị Ngân hàng Thế giới liệt vào danh sách đen trong năm 2009 do có hành vi thông đồng với 3 công ty Trung Quốc khác trong một dự án xây dựng đường sá trị giá 33 triệu USD ở Philippines.

Nếu các công ty Trung Quốc được phép tham gia việc tái thiết trên quy mô lớn đối với thành phố Marawi thì đây là dự án làm ăn lớn mới nhất của Trung Quốc ở Philippines

Duterte lập luận rằng ông có thể làm nhiều hơn cho người Philippines – ít nhất là cho những cử tri của ông – bằng việc hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp đất nước. Ông cũng kết luận rằng chống lại đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn khu vực Biển Đông là việc không đáng làm, cho dù một tòa án quốc tế năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ những đòi hỏi này. Ông công khai nói rằng Philippines không địch nổi sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Cho đến nay, canh bạc của Duterte có vẻ đang thành công. Tỷ lệ người Philippines ủng hộ ông vẫn cao, với tỷ lệ hài lòng đối với ông đạt 56% trong quý 1/2018. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình phản đối ở thành phố Marawi đang đánh đi tín hiệu về một động lực phức tạp hơn về lâu dài, điều đang diễn ra ở nhiều nơi tại châu Phi và Mỹ Latinh, nơi Trung Quốc đã đạt được những thỏa thuận với các chính phủ trong khu vực.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chuyện trò trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc tới Philippines hồi tháng 11/2017. (Nguồn: Reuters) 
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chuyện trò trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc tới Philippines hồi tháng 11/2017. (Nguồn: Reuters) 

Tiền Trung Quốc đổ vào đang củng cố thế lực của giới lãnh đạo địa phương và thường là nguồn nhiên liệu tiếp cho nạn tham nhũng. Các công ty Trung Quốc thuê phần lớn nhân công là người Trung Quốc. Các dự án của Trung Quốc được triển khai không đếm xỉa gì đến văn hóa và sự hội nhập địa phương. Cùng với thời gian, những người dân địa phương bị gạt ra ngoài lề ngày càng trở nên hết kiên nhẫn.

Lịch sử gần đây của Marawi là một câu chuyện đáng lưu ý. Nhóm Maute – nằm dưới sự lãnh đạo của Isnilon Hapilon, chỉ huy chi nhánh ISIS ở Đông Nam Á, và Abdullah và Omar, các thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro – đã khai thác tâm trạng oán giận lâu đời đối với kẻ đến từ bên ngoài cũng như tình trạng phân biệt đối xử đối với người Moro trong các tài liệu tuyển mộ của nhóm này. Việc không cho người Maranao ôn hòa tham gia việc tái thiết thành phố của họ có thể thổi bùng ngọn lửa cực đoan một lần nữa.

Việc không cho người Maranao ôn hòa tham gia việc tái thiết thành phố của họ có thể thổi bùng ngọn lửa cực đoan một lần nữa

Nhìn nhận trên bình diện rộng lớn hơn, việc chấp nhận tiền của Trung Quốc theo những điều kiện của Trung Quốc đang làm tăng tâm trạng bất bình chống lại mô hình chủ nghĩa đế quốc kinh tế rất quen thuộc với mô hình mà chính phủ Mỹ và các công ty Mỹ đã áp dụng ở thế giới đang phát triển trong thế kỷ 20. Sớm hay muộn, các phong trào phản đối sẽ hình thành dưới ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc, tiếp theo sẽ là quốc hữu hóa. Và trong kỷ nguyên mà dữ liệu mở và các phong trào chống tham nhũng toàn cầu đang lấy được đà của chúng, thì những thỏa thuận mờ ám sẽ rất sớm bị bóc trần.

Đối với Người dân Hồ nước, Marawi không chỉ là thêm một hành động nhượng bộ trước Trung Quốc. Đây là nhà của họ. Những điều phải cân nhắc thêm vào này đang tạo ra những cảm xúc và nguồn năng lượng mà Chính phủ Philippines đang không thèm đếm xỉa đến một cách nguy hiểm./.

Cảnh đổ nát ở Marawi. (Nguồn: AFP)
Cảnh đổ nát ở Marawi. (Nguồn: AFP)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập