‘Giải cứu’ nông sản bằng lòng nhân ái

“Được mùa mất giá”, “Ách tắc nông sản”… là những cụm từ được nhắc tới nhiều nhất trong những năm gần đây.

Mặc dù đã có nhiều tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại nếu không có một giải pháp căn cơ thì bài toán tiêu thụ nông sản của Việt Nam sẽ không bao giờ được giải quyết.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, xuất khẩu rau quả cả nước năm 2017 ước đạt hơn 3,514 tỷ USD, tăng 43,02% so với cùng kỳ 2016… Trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả đã đem về kim ngạch xuất khẩu 1,32 tỉ USD cho ngành nông nghiệp, tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2018 đạt 451 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 107 triệu USD, tăng 45,6% và mặt hàng quả đạt 328 triệu USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Mặc dù đang xuất siêu ở nhóm hàng này, nhưng một bất cập lâu này vẫn diễn ra đối với ngành nông sản, đó là tình trạng dư cung, người nông dân trồng ra sản phẩm nhưng không biết tiêu thụ ở đâu.

Mới đây nhất, thời điểm giữa tháng 3/2018, cộng đồng xã hội đã rộ lên phong trào giải cứu củ cải trắng cho người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội), khi có tới gần 1.200 tấn củ cải đến thời điểm thu hoạch nhưng không có đầu ra.

Đa số các hộ nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất và bán trực tiếp ngay cho thương lái mà chưa quan tâm đến việc thị trường đang cần gì.

Hỗ trợ tiêu thụ củ cải trắng tại một siêu thị. (Nguồn: TTXVN)
Hỗ trợ tiêu thụ củ cải trắng tại một siêu thị. (Nguồn: TTXVN)

Trả lời câu hỏi vì sao nông sản nội địa thua nông sản nhập khẩu trên “sân nhà” khi có lợi thế về giá thành, chi phí vận chuyển, lợi thế tiếp cận thị trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đa số các hộ nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất và bán trực tiếp ngay cho thương lái mà chưa quan tâm đến việc thị trường đang cần gì và làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm lâu dài.

Đa số các hộ nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất và bán trực tiếp ngay cho thương lái mà chưa quan tâm đến việc thị trường đang cần gì.

Bên cạnh đó, vẫn còn không ít hộ nông dân, hợp tác xã chưa nhận thức được chỉ có sản xuất các sản phẩm an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… mới tồn tại bền vững, nên vẫn còn tình trạng chạy theo lợi nhuận, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng về độ an toàn của các sản phẩm nông sản sạch, chưa bảo đảm chữ tín với các doanh nghiệp phân phối, dẫn đến tình trạng tiêu thụ bấp bênh, không ổn định.

Còn theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc nông dân mở rộng quy mô sản xuất liên tiếp, tràn lan, không theo quy hoạch khiến nguồn cung nội địa vượt nhu cầu thị trường. Từ đó, tạo sức ép lên giá cả trong nước, gây nhiều khó khăn và áp lực cho vấn đề tiêu thụ nông sản. Đơn cử như mặt hàng dưa hấu, theo thống kê năm 2017, sản lượng dưa hấu cả nước đạt 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ giữa thị trường trong nước và quốc tế là hết sức chênh lệch (trong nước 80% và xuất khẩu 20%).

Người dân phân loại dua hấu để mang ra bán. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Người dân phân loại dua hấu để mang ra bán. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Thực tế, câu chuyện được mùa rớt giá đã diễn ra cả chục năm nay, những tấm biểu ngữ “mỗi trái dưa một tấm lòng”, “chung tay hỗ trợ người chăn nuôi”… không phải là câu chuyến hiếm gặp. Từ những cuộc giải cứu trên cho thấy, những tấm lòng giúp đỡ nhau trong hoạn nạn là hết sức đáng quý và đáng trân trọng nhưng rõ ràng, đây không phải là cách tiêu thụ bền vững cho nông sản Việt.

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, khi sảy ra sự cố hay những biến động thì trách nhiệm của nhà nước phải xử lý và trách nhiệm của người dân là phải cứu giúp nhau. Do đó, việc giải cứu nông sản cho bà con nông dân là việc rất nên làm nhưng nếu đứng về khía cạnh nhà nước mà cứ lặp đi lặp lại như vậy thì có một điều gì đó không ổn. Bởi nguyên tắc, chính sách công phải là dài hạn, dễ đoán biết, không tạo ra bất ngờ. Và chính sách công của Chính phủ kiến tạo thì phải tạo ra tính pháp lý ổn định, tạo ra điều kiện cho sự phát triển toàn diện để cho các thành phần kinh tế phát triển chứ nhà nước không can thiệp.

Một câu chuyện được nhắc đi nhắc lại trong thời gian qua đó là nông dân hiện đang đơn độc trong sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như nông dân được liên kết với doanh nghiệp, được định hướng, được đặt hàng sản xuất thì sẽ không rơi vào tình trạng làm ra nông sản và đem đi đổ bỏ như thời gian vừa qua.

Với nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực này, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn cho rằng, một trong những câu chuyện quan trọng nhất của sản xuất đó là phải nắm bắt được thị trường. Ông dẫn chứng, hầu hết các quốc gia như Anh, Mỹ… đều có cơ quan trinh sát thị trường. Hệ thống này của cả tư nhân và Chính phủ và được tiến hành cập nhật thường xuyên. Cụ thể, tại Mỹ, bộ phận này phải thường xuyên công bố thông tin tất cả các thị trường trên thế giới về: tình hình tiêu thụ, thay đổi chính sách, thay đổi tiêu chuẩn…

Chuyển từ việc lo về tăng trưởng sang lo về thu nhập của dân và chuyển từ lo về khối lượng xuất khẩu sang giá trị xuất khẩu.

Tiếp đến, khi đã làm xong công tác thông tin thị trường cần có hệ thống hỗ trợ ra quyết định. Theo đó, nhiều quốc gia hiện nay thậm trí họ còn làm thành bản đồ, số hóa đưa thông tin đến cho người nông dân, doanh nghiệp, từ đó họ có thể biến rõ được thị trường cung cầu như thế nào, nhu cầu thị trường có xu hướng tăng lên hay giảm đi… Thông qua hình thức này, người nông dân có thể tự điều chỉnh xem có thâm canh, mở rộng diện tích hay không, có áp dụng kỹ thuật mới hay không, hoặc doanh nghiệp có thể ra quyết định có mua vào trữ hay không, có chuyển sang chế biến hay không, có nhập hàng về để bổ sung hay không…

Chuyển từ việc lo về tăng trưởng sang lo về thu nhập của dân và chuyển từ lo về khối lượng xuất khẩu sang giá trị xuất khẩu.

“Câu chuyện ở đây không phải là tư duy mà là động lực, phải tạo ra được hệ động lực mới. Chuyển từ việc lo về tăng trưởng sang lo về thu nhập của dân, chuyển từ lo về khối lượng xuất khẩu sang giá trị xuất khẩu, không lo về diện tích sản lượng mà lo về bảo vệ môi trường. Nếu tất cả các tiêu chí thay đổi này được thay đổi sẽ tạo ra được hệ động lực mới, giúp gỡ nút thắt cho điệp khúc giải cứu nông sản diễn ra trong suốt thời gian qua,” Tiến sỹ Đặng Kim Sơn nói.

Đặt lại câu chuyện vì sao sản phẩm sản xuất ra vẫn phải kết nối và tiêu thụ bền vững? bà Trần Thị Phương Lan cũng nêu them quy luật và kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, đó là khi sản xuất hàng hóa phải tìm hiểu thị trường, doanh thu, lợi nhuận ra sao…

Người dân Quảng Nam mất mùa dưa.(Nguồn: TTXVN)
Người dân Quảng Nam mất mùa dưa.(Nguồn: TTXVN)

Từ việc này, đại diện Sở Công Thương Hà Nội tỏ ra lo ngại khi cho rằng, lĩnh vực nông sản trong nước hình như đang đi ngược quy luật thị trường. Theo đó, nông dân cứ sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp cứ sản xuất sau đó đẩy ra thị trường, rồi mới điều chỉnh xem có bán được hay không, số lượng ra sao.

Chính vì vậy, hệ lụy này sẽ càng dẫn tới nhiều khó khăn cho các sản phẩm nông nghiệp, bởi thực tế là sản xuất vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, chưa quan tâm đến thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Chia sẻ thêm câu chuyện này, bà Lan cho rằng, không phải sản phẩm nông nghiệp cứ trồng xuống là bán được mà hàng hóa đó cần phải đạt chất lượng, có kiểm soát theo các điều kiện và quy chuẩn của trong nước và thế giới. Đặc biệt, cần phải tính kênh tiêu thụ bền vững, chứ không phải chờ thương lái được giá thì đến mua không thì “chạy” làm cho vấn đề dư cung hết sức nóng.

Trong khi đó, hiện còn quá ít nhà máy sơ chế, chế biến để giúp nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm, hơn nữa là chưa có nhiều doanh nghiệp đủ mạnh đứng ra làm cầu nối, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Chính những lý do này đã khiến tình trạng dư cung và điệp khúc “được mùa mất giá” với nông sản liên tục diễn ra.

Giải bài toán cho vấn đề tiêu thụ nông sản cũng là chủ đề làm nóng trên nghị trường quốc hội. Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang), khâu dự báo thị trường còn yếu và việc giải cứu hiện nay vẫn chủ yếu là giải pháp tình thế.

“Từ ớt, dưa hấu, củ cải… tình trạng khó tiêu thụ cứ lặp đi lặp lại và cần phải nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này. Mặc dù không phải là sản phẩm chiến lược, nhưng đây là sản phẩm của nông dân, đây là nền kinh tế thị trường, với cách làm như hiện này thì còn giải cứu này,” đại biểu Nguyễn Minh Sơn lưu ý.

Khâu dự báo thị trường còn yếu và việc giải cứu hiện nay vẫn chủ yếu là giải pháp tình thế.

Cũng nhấn mạnh đến bất cập của khâu dự báo thị trường nhưng đại biểu Tống Thanh Bình (đoàn Lai Châu) cho rằng, các khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn rất yếu kém.

Khâu dự báo thị trường còn yếu và việc giải cứu hiện nay vẫn chủ yếu là giải pháp tình thế.

“Sản xuất thì đánh giá là đúng quy hoạch, đúng yêu cầu tổ chức sản xuất nhưng mỗi khi xảy ra tình trạng được mùa mất giá, hoặc dư thừa nông sản lại nói đã có khuyến cáo, đổ lỗi cho người dân nuôi trồng ồ ạt. Tư duy điều hành của chúng ta vẫn nặng về sản xuất, chưa đầu tư đúng mức cho khâu thị trường, chế biến sau thu hoạch,” đại biểu Tống Thanh Bình nói.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2017, đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016, đưa tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lên 5.700 doanh nghiệp.

Thu mua dưa hấu tại Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN)
Thu mua dưa hấu tại Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN)

Để tạo ra động lực lớn hơn, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Nhà nước sẽ ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng…

Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cũng đang tích cực đàm phán để tiến tới ký kết 2 hiệp định thương mại tự do quan trọng là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra cơ hội lớn hơn về thị trường, giúp ổn định đầu ra cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Dù vậy, để nông sản của Việt Nam có thể đứng vững trên thị trường và có nguồn tiêu thụ ổn định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng lưu ý tới vấn đề chất lượng, năng lực cạnh tranh, thương hiệu của nông sản Việt Nam.

“Chỉ khi nào chúng ta có được sự cạnh tranh về giá của sản phẩm, cũng như đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, kể cả vệ sinh an toàn thực phẩm thì lúc đó chúng ta sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói./.

Dưa hấu 1.000 đồng/kg đổ đống cũng không ai hỏi, chờ ‘giải cứu’. (Nguồn: Vnews)

Tác giả: Xuân Quảng

Đồ họa: Thanh Trà