Hành trình về nơi in dấu chân Người

ttxvnnguyen-1526637326-60.jpg

Việc hóa thân vào hình tượng vị Cha già của dân tộc, thực hiện cuộc hành trình về những nơi Người đã đi qua mang lại trải nghiệm đặc biệt và cảm xúc khó quên… Đó là cảm nhận chung của nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình và diễn viên trẻ Mạnh Trường khi đóng vai Bác Hồ trong hai bộ phim nổi tiếng: “Người tiên tri” và “Thầu Chín ở Xiêm.”

Dẫu vậy, mỗi nghệ sỹ vẫn chọn cho mình một lối đi riêng để kể câu chuyện về Bác, tái hiện hình ảnh của vị lãnh tụ vĩ đại theo cảm nhận riêng của mình.

Nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình: “Cả ‘làng’ điện ảnh… lao xao!”

Năm 2015, nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng vai diễn Bác Hồ trong bộ phim “Nhà tiên tri” (đạo diễn: nghệ sỹ ưu tú Vương Đức).

“Nhà tiên tri” lấy bối cảnh lịch sử giai đoạn 1947-1954, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sỹ cách mạng trải qua thời kỳ “nếm mật, nằm gai” tại chiến khu Việt Bắc. Ước vọng hòa bình luôn hiện hữu giữa cuộc sống gian khổ, thiếu thốn.

Nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng vai diễn Bác Hồ trong bộ phim “Nhà tiên tri”. (Nguồn: Nghệ sỹ cung cấp)
Nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng vai diễn Bác Hồ trong bộ phim “Nhà tiên tri”. (Nguồn: Nghệ sỹ cung cấp)

“Quả thực, phải đến khi bộ phim chính thức ra mắt và nhận được những phản hồi tích cực, chính bản thân tôi và nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi mới… thở phào nhẹ nhõm. Trước đó, ‘làng’ điện ảnh xôn xao, hoang mang với thông tin tôi sẽ đóng vai Cụ Hồ. Nhiều người cũng can ngăn tôi đừng nhận lời,” nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình chia sẻ.

Cơn “lao xao” ấy đến từ chính những thành công trước đó của nghệ sỹ gạo cội này. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều vai phản diện như vai Tòng (một con người nóng nảy và độc ác trong bộ phim “Ma làng”) hay vai Khuếnh (một nhân vật mang vẻ ngoài thâm trầm nhưng bản chất gian manh, nham hiểm, thâm độc trong “Gió làng Kình”)…

Bởi thế, người ta sợ tôi sẽ ‘phá hỏng’ bộ phim, gây ảnh hưởng không tốt tới hình tượng nhân vật mà mình sẽ hóa thân. Hơn nữa, xét về ngoại hình, tôi cũng không có nhiều điểm tương đồng với Bác,”nghệ sỹ trải lòng.

Tuy vậy, ông đã thể hiện thành công hình tượng vị lãnh tụ vừa vĩ đại vừa gần gũi. Đạo diễn Vương Đức cho hay, khi chọn diễn viên vào vai Bác Hồ trong “Người tiên tri,” yếu tố ngoại hình không quan trọng bằng khả năng diễn xuất, để có thể làm toát lên được thần thái của Bác.

“Bởi thế, người ta sợ tôi sẽ ‘phá hỏng’ bộ phim, gây ảnh hưởng không tốt tới hình tượng nhân vật mà mình sẽ hóa thân. Hơn nữa, xét về ngoại hình, tôi cũng không có nhiều điểm tương đồng với Bác”

Nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình kể, trước khi “Người tiên tri” chính thức bấm máy, ông đã phải nuôi râu và giảm khoảng 6kg để thuận tiện cho việc hóa trang. Ông kể, có một lần, khi đang quay cảnh ngồi đánh máy chữ bên suối ở Định Hóa (Thái Nguyên), có một nhóm khách du lịch đi tới. Nhìn thấy nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình, họ đã hò reo: “Bác Hồ kìa! Bác Hồ kìa!”

“Điều đó khiến tôi rất xúc động và củng cố thêm niềm tin rằng, mình sẽ không thất bại. Dẫu vậy, khi xem lại, ngoại hình vẫn là điều tôi cảm thấy tiếc nuối nhất. Nếu như có thể hóa trang gần với hình ảnh của Bác hơn thì có lẽ, vai diễn đã thành công, tròn trịa hơn.” nghệ sỹ trải lòng.

Ngay từ đầu phim, khán giả đã gặp hình ảnh Bác gầy guộc, kham khổ, da sạm đi vì thường xuyên phải ăn rau rừng, ngủ trong hang và bị sốt rét. Dẫu vậy, thần thái của một vị lãnh tụ, nhà cầm quân vẫn được nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình thể hiện ấn tượng qua đôi mắt và cử chỉ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại ATK (Định Hóa, Thái Nguyên) trong cuộc kháng chiến chống Pháp. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại ATK (Định Hóa, Thái Nguyên) trong cuộc kháng chiến chống Pháp. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình chia sẻ, việc đóng vai Bác Hồ là một vinh dự lớn nhưng cũng là một thách thức không nhỏ đối với diễn viên. Áp lực lắm bởi Người là vị Cha già kính yêu của cả dân tộc. Nếu mình hóa thân không tốt sẽ là có lỗi với tất cả những người yêu kính Bác. Trước khi bước vào quá trình quay khoảng sáu tháng, ông phải đọc lại nhiều tài liệu, xem lại nhiều ảnh, phim tư liệu để hiểu hơn về Người, tập các động tác, dáng đi, biểu cảm gương mặt, ánh mắt giống Bác.

“Để đóng ‘Người tiên tri,’ tôi đã phải đi học ngoại ngữ (tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc); để khi nói lời thoại, khẩu hình của mình tương đối chuẩn, khớp với việc lồng tiếng sau này. Một ông lão U60 mà bắt đầu học ngoại ngữ, học cách phát âm thì đúng là một cuộc ‘đánh vật.’ Thế nhưng, sự thành kính đối với Bác đã giúp tôi có quyết tâm để thực hiện. Bởi, những chi tiết ấy nhỏ thôi nhưng nếu không chú ý, cẩn thận thì sẽ gây ra sự khập khiễng, cứng nhắc, ảnh hưởng đến cả bộ phim. Khán giả yêu kính Bác nên sẽ xem rất kỹ, kể cả những chi tiết nhỏ,” nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình nhớ lại.

Nghệ sỹ cuốn hút khán giả khi thể hiện ấn tượng dáng vẻ uy nghi của Bác (trong lúc ngồi thảo thư từ ở các lán trại), sự dẻo dai, bền bỉ của Người (khi chống gậy vượt đèo, leo dốc), sự khéo léo của Bác khi dong ngựa xuyên rừng và dáng vẻ điềm tĩnh (khi câu cá bên suối)… Đặc biệt, trong cảnh đối đáp với nhà báo Pháp ở giữa lán trại giữa rừng Việt Bắc, nghệ sỹ Bùi Bài Bình đã thể hiện sinh động bản lĩnh, trí tuệ của vị lãnh tụ khi chắp tay đi lại, đưa ra những câu trả lời sắc bén, đanh thép và quyết đoán của một nhà ngoại giao kiệt xuất.

Bên cạnh đó, nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình còn khiến hình tượng Bác Hồ hiện lên rất đời thường khi đan lồng vào những lời thoại tự nhiên, có phần hài hước. Câu nói của vị lãnh tụ (“Hồ Chí Minh muốn nằm” thay cho dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm”) với những người đi cùng đã tạo ra sự gần gũi, thân mật giữa vị lãnh tụ và các chiến sỹ.

Một phân cảnh trong phim
Một phân cảnh trong phim “Nhà tiên tri”. (Nguồn: Nghệ sỹ cung cấp)

Lặng đi chừng vài phút, nghệ sỹ bảo: “Thay cho việc bị ám ảnh bởi vai diễn sau khi bộ phim đóng máy, tôi lại cảm thấy lòng mình thanh thản và như được truyền đến một nguồn năng lượng tích cực. Sau quá trình quay phim, tôi thấm thía hơn những gian khổ, hy sinh và bản lĩnh của Bác cùng những chiến sỹ, đồng bào năm xưa để có được tự do hôm nay; từ đó, cũng để trân trọng hơn những giá trị của hiện tại.”

Diễn viên Mạnh Trường: Lối riêng đi vào thế giới nội tâm

“Tôi xa quê hương đã 17 năm! Kỳ này về Xiêm, việc công, tư đan chéo. Ngoài củng cố cơ sở cách mệnh, tôi chỉ ước mình vượt núi băng rừng đặt chân về Đất Mẹ, dù chỉ một giờ, một khắc rồi biệt xứ cũng cam lòng!”

Đó là những câu thoại mà diễn viên Mạnh Trường nhớ và cảm thấy xúc động nhất mỗi khi nhắc đến bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng). Trong bộ phim ấy, diễn viên Mạnh Trường đóng vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Một cảnh trong bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng). ((Nguồn: Nghệ sĩ cung cấp)
Một cảnh trong bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng). ((Nguồn: Nghệ sĩ cung cấp)

“Thầu Chín ở Xiêm” tái hiện thời kỳ hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Thái Lan với bí danh Thầu Chín (từ tháng 7/1928-11/1929). Trong thời gian này, cùng với những cộng sự của mình, Người xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).

“Trước đó, nhiều nghệ sỹ thành danh (Trần Lực, Tiến Hợi…) đã hóa thân vào hình tượng Bác rất thành công. Hơn nữa, tôi cũng tự nhận thấy, ngoại hình của mình rất khác với ngoại hình của Bác khi còn trẻ,” diễn viên Mạnh Trường bày tỏ.

Bởi thế, ban đầu, Mạnh Trường đã từ chối lời mời tham gia đóng vai Bác. “Tuy nhiên, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng có nói với tôi rằng, anh cần một người khắc họa được thần thái của Bác hơn là một diễn viên có hình giống Bác và anh tin tôi sẽ làm được! Nhiều người theo nghiệp diễn xuất nhưng lại rất ít người có vinh dự được hóa thân vào hình tượng Bác. Tự hào lắm chứ! Vậy là tôi đồng ý! Đến bây giờ, nghĩ lại, đôi lúc vẫn thấy đó là một quyết định táo bạo,” Mạnh Trường chia sẻ.

Với “Thầu Chín ở Xiêm,” anh chọn cho mình một lối đi riêng – cách diễn thiên về cảm xúc, diễn tả những suy tư, giằng xé trong sâu thẳm trái tim nhân vật.

Mạnh Trường không thể “bê” nguyên cách diễn của những thế hệ đi trước. Với “Thầu Chín ở Xiêm,” anh chọn cho mình một lối đi riêng – cách diễn thiên về cảm xúc, diễn tả những suy tư, giằng xé trong sâu thẳm trái tim nhân vật. Nói khác đi, anh và êkíp “Thầu Chín ở Xiêm” chọn cách khai thác và thể hiện nhân vật ở góc độ tâm tư tình cảm.

Vì nghiệp lớn, Người phải chôn chặt trong lòng những tình cảm cá nhân. Mạnh Trường kể, anh cố gắng kết nối những cảm xúc đan xen, chồng chéo trong một mạch truyện thống nhất; để “Thầu Chín ở Xiêm” đảm bảo sự chân thực, tôn trọng lịch sử mà vẫn nhẹ nhàng, sâu lắng, tránh được sự hô hào, cứng nhắc của dòng phim tuyên truyền.

Sau 17 năm bôn ba, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc có mặt ở Thái Lan. Nơi ấy đã rất gần quê hương nhưng Người vẫn chưa thể trở về. Phim có nhiều cảnh quay thể hiện tâm trạng bồn chồn, khắc khoải nhớ quê hương, đôi chân rất muốn cất bước nhưng phải dằn lòng…

Mạnh Trường bảo, khó nhất là việc phải tiết chế để nước mắt chỉ ầng ậc nơi khóe mắt mà không bật trào ra, thể hiện sự dồn nén của cảm xúc. Một chút xao nhãng thôi cũng có thể đẩy mình khỏi mạch cảm xúc, đời sống nội tâm của nhân vật. Với “Thầu Chín ở Xiêm,” Mạnh Trường tạo được dấu ấn riêng khi hóa thân vào vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với đôi mắt sáng và ánh nhìn mạnh mẽ, quyết đoán.

“Tôi vẫn nhớ mãi cảnh quay Bác đứng bên bờ sông, ánh mắt đau đáu nhìn về hướng quê mẹ với nỗi nhớ nhà quay quắt. Đúng lúc ấy, trời mưa lất phất. Tôi rất sợ sẽ bị phân tâm. Tuy nhiên, nước mưa vương trên gương mặt và thấm nhẹ vào áo. Cả đoàn làm phim thật không ngờ, vào khuôn hình, nước mưa tạo hiệu ứng giúp cho cảnh phim xúc động đến thế,” Mạnh Trường kể.

Trailer phim Thầu Chín ở Xiêm ủa đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. (Nguồn: Nghệ sỹ cung cấp)

Tác giả: Phạm Phương Mai

Đồ họa: Thanh Trà