Những mảnh đời bất hạnh trong đêm

vnplaodong-1525760471-98.jpg

Hà Nội.

Một giờ sáng.

Không gian trở nên tĩnh mịch, dòng người qua lại hầu như không có. Phố xá lúc này chỉ có hai gam màu ảm đạm, màu vàng của ánh đèn đường và màu đen của những tán cây hay góc khuất.

Ở góc nhỏ, bà lão đang nằm co ro ngủ trên nền vỉa hè trước một cửa hàng đã đóng cửa trên phố Triệu Quốc Đạt.

Túi đồ đạc lỉnh kỉnh quần áo trong đó trở thành chiếc gối đầu, trên người không có lấy một mảnh chăn.

Hai giờ sáng, trên con phố Trần Nhân Tông, một góc khuất ánh đèn đường không rọi tới, người đàn ông không chăn không chiếu đang nằm ngủ trước cửa hàng. Chỗ người đàn ông ấy nằm chỉ vẻn vẹn bằng đúng chiều rộng của thân người, phía trên đầu ông là một chai nước được đặt ngay ngắn.

Và, Hà Nội ban ngày nhộn nhịp, tấp nập là thế mà đêm xuống, ở nhiều các khu phố, từ khu vực phố cổ, gầm cầu, công viên… chìm trong màn đêm trở nên lặng lẽ, tĩnh mịch hơn.

Chiếc giường vỉa hè

Cô đơn, lẻ loi dưới những tán cây, ánh đèn đường và hè phố trong từng đêm vắng là tình cảnh của những người vô gia cư tại Hà Nội. Họ không nhà cửa, không tiền bạc và không nơi nương tựa.

Ông Hải đã 83 tuổi vẫn lang thang đi nhặt phế liệu kiếm sống. (Ảnh: Thu Hà - Hoài Thu)
Ông Hải đã 83 tuổi vẫn lang thang đi nhặt phế liệu kiếm sống. (Ảnh: Thu Hà – Hoài Thu)

Hà Nội…. sau khoảng 11 giờ đêm, không khó để bắt gặp những hình ảnh nhiều người vô gia cư tất tả ôm quần áo, chăn, chiếu… đi về phía hướng vỉa hè để ngủ.

Đã gần về đêm, nhưng người đàn ông có bộ râu trắng cước như tiên vẫn loay hoay chưa ngủ.

Cụ tên Hải, năm nay đã 83 tuổi – độ tuổi đáng ra đã phải được nghỉ ngơi trong vòng tay chăm sóc của con cháu – nhưng vẫn đang phải đương đầu với cuộc sống mưu sinh.

Không nhà cửa. Không con cái. Ông cụ đã quá tuổi lao động hàng ngày vẫn lang thang đi nhặt phế liệu kiếm sống, chỗ nghỉ ngơi duy nhất mỗi đêm cũng lại là vỉa hè. Hàng ngày, cụ sống nhờ những bữa cơm tình thương của người qua đường, họ cho gì thì nhận.

Không nhà cửa. Không con cái. Ông cụ đã quá tuổi lao động hàng ngày vẫn lang thang đi nhặt phế liệu kiếm sống. Chỗ nghỉ ngơi duy nhất mỗi đêm cũng lại là vỉa hè.

Đôi tay chai sạn, nhăn nheo còn nhem nhuốc những vết bẩn đón lấy hộp đồ ăn, tay ông run run, rồi ông cất hộp thức ăn vào bọc quần áo.

Ông cười, đây là phần cho bữa sáng mai, vì hôm nay ông đã được ăn tối rồi.

Giọng nói chầm chậm và có phần hơi yếu, ông tâm sự: “Tôi sống như này lâu rồi, cũng không nhớ rõ là từ năm nào nữa. Tôi là người ở đây. Không có con cháu gì cả, ban ngày tôi đi nhặt vỏ chai vỏ lon bán, đến tối lại ngồi đây, ai đi qua họ cho cơm thì tôi ăn.”

Tài sản của ông cũng chỉ có vài bộ quần áo, vài chai nước đựng trong túi nilon, ban ngày đi đâu thì ông lại xách theo đấy.

Ông Hải kể, mỗi ngày ông dậy sớm trước khi nhà người ta mở cửa, sau đó đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng. Cả ngày lang thang kiếm ăn, tối đến, chờ khi các cửa hàng tắt đèn, ông lại trở về đúng chỗ cũ, nghỉ ngơi trên “chiếc giường vỉa hè.”

Xung quanh ông Hải có đến 3, 4 người đàn ông cũng lấy vỉa hè làm giường ngủ. Già có, trung tuổi có, cả thanh niên cũng có. Đôi giày vải cũ sờn của một người lao động cũng nằm nghỉ ngay ngắn sau một ngày bôn ba khắp các nẻo đường kiếm kế sinh nhai.

Những người đàn ông này trò chuyện, chia sẻ đồ ăn với nhau như những người hàng xóm. Sống trong cảnh bơ vơ như vậy, dường như sự sẻ chia đó là cách cộng cư tốt nhất. Họ cho đi và nhận lại.

Trái tim người mẹ cô độc

Trên phố Nguyễn Đình Chiểu, chiếc xe đạp đã cũ mèm được dựng trên vỉa hè, ngồi sát cửa cuốn của một cửa hàng, bà Trang (Vĩnh Tuy – Hà Nội) kể đã 1 giờ đêm, bà vẫn chưa ăn gì vì hôm nay chưa có ai đến làm từ thiện. Đôi mắt khẩn khoản đợi sự trợ giúp, gương mặt xanh xao núp dưới chiếc mũ sụp xuống sát mắt khiến người phụ nữ này trông càng tội nghiệp.

Bà Trang bên chiếc xe đạp đã cũ mèm. (Ảnh: Thu Hà - Hoài Thu)
Bà Trang bên chiếc xe đạp đã cũ mèm. (Ảnh: Thu Hà – Hoài Thu)

Bà Trang cho hay, trước đây, bà cùng với con trai của mình sinh sống rất yên ổn. Nhưng khi lớn lên, cậu con trai ham chơi và nợ nần khiến bà phải bán đi căn nhà để trả nợ. Từ đó đến nay, bà sống cảnh lang thang ngoài đường để kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai, đồng nát.

Bà bùi ngùi tâm sự: “Bây giờ tôi không còn nhà cửa, không còn chỗ nào để đi nữa. Nhà cửa bán hết rồi, mất hết rồi. Thằng con trai đi rửa bát thuê ở ngay Hà Nội mà mấy năm nay nó chưa một lần nhìn đến mẹ. Có lần nhìn thấy tôi ngồi đây, nó cũng làm ngơ. Có con cũng như không, bệnh tật ốm đau cũng chỉ có một mình…”

Bà Trang đang ngồi nghỉ sau một ngày lao động đầy mệt nhọc. Con phố Nguyễn Đình Chiểu là nơi mà bà thường đến ngủ mỗi đêm.

Chiếc xe đạp cũ chất đầy những bọc ni lông là tài sản duy nhất của bà. Một bên chân đau cả năm trời nhưng không có tiền chữa ngày càng sưng to khiến việc di chuyển càng khó khăn.

Giống như bà Trang, dọc trên con phố này vẫn còn rất nhiều những mảnh đời bếp bênh và trớ trêu.

Một hàng rong bước đi vội vã trong đêm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một hàng rong bước đi vội vã trong đêm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhọc nhằn kiếp sống mưu sinh

Nhọc nhằn kiếp sống mưu sinh tạm bợ có lẽ là những khó khăn lớn nhất mà những người lao động nghèo và những vô gia cư đang phải trải qua.

Những người vô gia cư chủ yếu là những người già và những người trung tuổi đang trong độ tuổi lao động, người nhập cư cũng có, mà người gốc Hà Nội cũng có. Ban ngày họ đi làm thuê, tối đến trở lại vỉa hè để ngủ tạm bợ qua đêm.

Tài sản mưu sinh cũng chỉ có những bọc quần áo đã cũ và rách, có người khấm khá hơn thì có một chiếc xe đạp để đi lại. Thỉnh thoảng, họ vui vẻ và ấm lòng hơn khi nhận được những xuất cơm từ thiện hay những món quà nho nhỏ của những người đi đường.

Bà Trang bùi ngùi: “Bây giờ tôi không còn nhà cửa, không còn chỗ nào để đi nữa. Nhà cửa bán hết rồi, mất hết rồi. Thằng con trai đi rửa bát thuê ở ngay Hà Nội mà mấy năm nay nó chưa một lần nhìn đến mẹ. 

Những giấc ngủ chập chờn do tiếng còi của xe cộ qua đường và cả những khi thời tiết thất thường càng khiến cho họ cảm thấy bất an và lo lắng. Ngay cả kể những tối đi làm về sớm, sau một ngày lao động mệt nhoài, họ lại phải thở dài chờ đợi các cửa hàng đóng cửa thì mới có chỗ ngủ.

Trong đêm vắng, mặc cho những dòng người đang tất bật di chuyển để trở về nhà của mình, duy chỉ có những người lao động nghèo, những người vô gia cư vẫn còn lang thang khắp các nẻo đường khu phố.

Mỗi người mỗi cảnh, có những người cứ đều đặn sống một cuộc sống như vậy suốt nhiều năm nay.

Rời những con phố ấy, hình ảnh và những tâm sự của bà Trang – người đàn bà trạc tuổi ngũ tuần đã nếm trải rất nhiều những vị đắng của cuộc đời vẫn day dứt theo chúng tôi mãi.

Cho dù là những đêm đông rét buốt, những cơn mưa phùn tạt lạnh tê tái cũng không lạnh bằng trái tim của một người mẹ bị bỏ rơi, bà chỉ mong một ngày nào đó đứa con trai của mình “hồi tỉnh” rồi sống cùng với bà, có khó khăn, vất vả đến mấy bà cũng cam lòng và bớt cô quạnh./.

Đâu đó trên những hè phố cổ có những người vô gia cư, mặc giá rét của mùa đông mà nằm ngủ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đâu đó trên những hè phố cổ có những người vô gia cư, mặc giá rét của mùa đông mà nằm ngủ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)