Quyền khởi kiện

ttxvntuvanp-1525153594-25.jpg

Đầu tháng Hai, ban lãnh đạo người Hàn Quốc của Công ty KL Texwell Vina Vina (Khu Công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã rời khỏi Việt Nam để lại hơn 1.900 người lao động lao đao vì nợ lương, mất Tết, trong đó có 140 nữ công nhân đang hưởng chế độ thai sản, 70 nữ công nhân đang mang thai.

Ngày phát hiện ra chủ bỏ trốn, nhiều nữ công nhân đã cùng chồng đến trước trụ sở công ty để yêu cầu giải quyết khoản tiền trợ cấp thai sản, nhưng đều không nhận được câu trả lời. Hồ sơ để hưởng chế độ của họ đều bị “kẹt” vì khoản nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2017 của công ty. Đối diện với những ngày tháng nuôi con nhỏ không có lương, ai cũng thấp thỏm nỗi lo liệu có còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thai sản, bảo hiểm thất nghiệp nữa hay không?

Anh Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai (Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai) vẫn cảm thấy xót xa mỗi khi nhớ lại câu chuyện những người lao động nữ vừa sinh con xong đã phải loay hoay chạy đôn đáo khắp nơi, tìm kiếm từng sự giúp đỡ để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thai sản, thất nghiệp. Những hoàn cảnh như thế càng làm anh Vũ Ngọc Hà và các đồng nghiệp thêm quyết tâm khởi kiện, đòi cho bằng được quyền lợi cho người lao động.

Hành trình đi kiện lắm gian nan

Từ tháng 7/2017 đến nay, Công ty KL Texwell Vina ngừng đóng các khoản bảo hiểm xã hội cho người lao động với số tiền nợ lên tới hơn 17,5 tỷ đồng. Theo quy định của pháp luật, khi doanh nghiệp ngừng hoạt động, công nhân sẽ không còn được thanh toán chi phí bảo hiểm y tế; thời gian nợ bảo hiểm xã hội cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền hưởng các chế độ thai sản, thất nghiệp của người lao động.

Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai được công đoàn cơ sở, người lao động của Công ty KL Texwell Vina uỷ quyền khởi kiện đòi nợ lương, bảo hiểm xã hội. Anh Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai cho biết, đã hai tháng kể từ khi vụ việc xảy ra nhưng hành trình đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho 1.916 người lao động vẫn còn lắm gian nan. Khởi kiện tranh chấp lao động tập thể hay tranh chấp lao động cá nhân đều khó đủ đường, kiện đâu vướng đấy.

Trao tiền hỗ trợ cho công nhân Công ty KL Texwell Vina. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)
Trao tiền hỗ trợ cho công nhân Công ty KL Texwell Vina. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm của doanh nghiệp là nợ lương nhưng một số người lao động đã nghỉ việc ở công ty nên toà án yêu cầu phải xác định đây là tranh chấp lao động cá nhân. Như vậy, vụ việc này sẽ phải khởi kiện 1.916 vụ án tranh chấp riêng rẽ, quá trình đòi quyền lợi cho người lao động sẽ càng khó khăn hơn.

“Nếu trong trường hợp tách riêng ra thì có cử cả Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động cũng chưa có đủ người tham gia hỗ trợ, huống hồ trung tâm chúng tôi chỉ có 6 người thôi. Khó nữa là khởi kiện cá nhân thì 1.916 người sẽ phải làm đơn kiện, giấy uỷ quyền, thủ tục rất phức tạp. Một số người lao động đã ra Bắc tìm việc mới hay về quê thì uỷ quyền, liên hệ được với họ như thế nào là cả một vấn đề,” anh Vũ Ngọc Hà chia sẻ.

Đã hai tháng kể từ khi vụ việc xảy ra nhưng hành trình đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho 1.916 người lao động vẫn còn lắm gian nan…

Anh Vũ Ngọc Hà phân tích: “Nếu xét đây là vụ án tranh chấp lao động tập thể thì mới có thể được giải quyết hết các vấn đề. Ví dụ như khi thi hành án cưỡng chế tài sản sẽ trả được toàn bộ tiền nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu tranh chấp lao động cá nhân thì người nào kiện mới được trả, người nào không kiện không được trả.”

Là người hiểu rõ về luật pháp, có những lúc ông Vũ Ngọc Hà cũng cảm thấy rối vì hệ thống pháp luật với các quy định không thống nhất đang làm khó việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Thế nhưng, chứng kiến hoàn cảnh người lao động bị bỏ rơi, ông Vũ Ngọc Hà lại hiểu càng rõ hơn trách nhiệm đặt lên vai mình là quyền lợi của cả nghìn người lao động.

“Chứng kiến những người lao động vừa sinh con xong thì chủ bỏ trốn, phải chạy khắp nơi làm thủ tục hưởng thai sản, thất nghiệp mà năm lần bảy lượt chưa được giải quyết tôi thấy xót lắm. Mỗi lần như thế chúng tôi lại quyết tâm tập trung giải quyết việc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho tập thể người lao động, để từ quyền lợi tập thể thì các cá nhân đều được hưởng,” ông Vũ Ngọc Hà bồi hồi nói.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, người lao động vì quá bức xúc trách móc tổ chức công đoàn chưa thực sự bảo vệ họ, rồi nghi ngờ những lời nói sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ là “lời hứa xuông”. Thế nhưng bỏ ngoài tai những sự chỉ trích, những cán bộ công đoàn vẫn căng mình tìm mọi cách đi kiện bằng được, quyết đòi lại quyền lợi chính đáng cho người lao động.

“Chúng tôi không ngại khó khăn, vất vả gì cả. Quyền lợi của một người lao động chúng tôi còn đấu tranh thì quyền lợi của 1.916 người lại ngại gì không đòi, không đấu tranh? Dù người lao động quan tâm hay không quan tâm thì chúng tôi cũng sẽ cố gắng tìm mọi biện pháp để đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho tất cả tập thể 1.916 người lao động, nếu thành công thì tất cả họ đều được hưởng quyền lợi,” anh Vũ Ngọc Hà khẳng định.

Người lao động chờ cơ quan chức năng giải quyết vụ việc tại Công ty KL Texwell Vina. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)
Người lao động chờ cơ quan chức năng giải quyết vụ việc tại Công ty KL Texwell Vina. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Đọc nhiều đến thuộc làu mọi quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, tố tụng… để tìm ra hướng giải quyết cho vụ việc. Mỗi lần toà án trả lại hồ sơ là một lần các cán bộ trung tâm vỡ ra thêm kinh nghiệm, họ không nản lòng với quyết tâm thiếu gì thì bổ sung cái đó, chưa đúng thì hoàn thiện cho đúng. Thậm chí toà án cấp huyện, cấp tỉnh không giải quyết được vì các quy định đang “ngáng chân nhau”, anh Vũ Ngọc Hà tìm đến hỏi đại diện lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao trong buổi tập huấn để tìm bằng được cách khởi kiện.

“Từ khi có Bộ Luật Lao động năm 1994 đến nay, chưa có một vụ án tranh chấp lao động tập thể nào được khởi kiện, có lẽ chính vì vậy mà hệ thống pháp luật còn vướng nhiều cho việc giải quyết tranh chấp này. Chúng tôi quyết tâm khởi kiện cho được vụ việc này để ‘mở đường’ cho hành trình đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động về sau này,” ông Vũ Ngọc Hà nói.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai là đơn vị có kinh nghiệm trong khởi kiện đòi quyền lợi cho người lao động vì vậy, vụ việc khởi kiện đòi quyền lợi cho 1.916 người lao động của Công ty KL Texwell Vina được kỳ vọng để làm cơ sở cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị sửa đổi, thống thất các quy định của pháp luật trong việc khởi kiện, đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Công đoàn có thêm “vũ khí” khởi kiện

Những quy định pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội có được doanh nghiệp tuân thủ thực hiện hay không có lẽ chính các cán bộ công đoàn cơ sở là người hiểu rõ nhất. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật đã trao cho tổ chức công đoàn khá nhiều nghĩa vụ và quyền lực với kỳ vọng sẽ bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người lao động. Gần đây nhất, tổ chức công đoàn được trao thêm quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.

Điều 10 của Luật Công đoàn năm 2012 nêu rõ tổ chức công đoàn có quyền, trách nhiệm “đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm.” Tinh thần này cũng đã được quy định cụ thể trong Bộ Luật Lao động năm 2012 khi quy định về trình tự giải quyết tranh chấp lao động với vai trò của tổ chức công đoàn.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng nếu rõ tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền.

“Luật pháp giao cho công đoàn nhiều quyền, nghĩa vụ và kỳ vọng rất lớn ở các cán bộ công đoàn vì họ là người tập hợp sức mạnh của người lao động.”

Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có sự thay đổi mạnh mẽ khi chuyển quyền khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội từ cơ quan bảo hiểm xã hội sang cho tổ chức công đoàn. Trong bối cảnh tình trạng nợ bảo hiểm xã hội đang gây nhiều bức xúc, thiệt hại quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động, việc có quyền khởi kiện được sẽ tăng thêm sức mạnh cho tổ chức công đoàn trong việc đấu tranh bảo vệ người lao động.

Lý giải cho việc trao quyền khởi kiện cho tổ chức công đoàn, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, người đã trực tiếp xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ Luật Lao động năm 2012 cho biết, ngay từ khi thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, một số trường hợp tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội đã có tác dụng nhất định. Điển hình là tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số vụ việc được khởi kiện, từ đó tòa án và tổ chức công đoàn đã tích cực đôn đốc doanh nghiệp nộp lại số tiền bảo hiểm xã hội đã nợ.

“Khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được xây dựng, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Để cơ quan bảo hiểm xã hội không ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’, chức năng khởi kiện được chuyển sang cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người lao động,” ông Phạm Minh Huân nói.

Công nhân Công ty Sang Hun, tỉnh Bình Phước được nhận đầy đủ tiền nợ lương từ cán bộ công đoàn sau khi chủ bỏ trốn. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Công nhân Công ty Sang Hun, tỉnh Bình Phước được nhận đầy đủ tiền nợ lương từ cán bộ công đoàn sau khi chủ bỏ trốn. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Khi bàn về “vũ khí” mới của tổ chức công công đoàn, ông Lê Đình Quảng nhận định quyền khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức công đoàn để làm tốt chức năng đại điện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người lao động, đoàn viên công đoàn.

“Nếu làm tốt việc khởi kiện, vị thế của tổ chức công đoàn sẽ tốt hơn. Đồng thời, việc bảo vệ quyền lợi của người lao động qua tòa án cũng sẽ việc nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động vì phán quyết của tòa án có giá trị thực thi tốt hơn,” ông Lê Đình Quảng nói.

Ông Phạm Minh Huân cũng nhấn mạnh: “Luật pháp giao cho công đoàn nhiều quyền, nghĩa vụ và kỳ vọng rất lớn ở các cán bộ công đoàn vì họ chính là người tập hợp sức mạnh của người lao động.”

Sức mạnh của tổ chức công đoàn

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, kể từ khi Bộ luật Lao động ra đời năm 1994 đã có 6.000 cuộc đình công và ngừng việc tập thể diễn ra trên toàn quốc. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, tranh chấp lao động ngày càng diễn ra gay gắt, chỉ tính riêng năm 2017, đã có 314 cuộc đình công và ngừng việc tập thể diễn ra trong cả nước. Điều này đòi hỏi công đoàn phải có sự biến chuyển để thích nghi với bối cảnh mới để phát huy sứ mệnh bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Kết quả thương lương, đối thoại của tổ chức công đoàn

Luật pháp cho phép công đoàn cơ sở có quyền giám sát việc xây dựng thang lương, bảng lương, tuân thủ pháp luật lao động, bảo hiểm hiểm xã… để đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động. Đặc biệt, trong một số trường hợp tổ chức công đoàn có thể kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền, khởi kiện đòi quyền lợi cho người lao động.

“Người cán bộ công đoàn thiếu am hiểu về pháp luật, không quan tâm đến quyền lợi của người lao động thì dần dần khi phát huy dân chủ trong trong tổ chức công đoàn, những cán bộ này sẽ bị loại ra.”

Ông Phạm Minh Huân cho rằng: “Dù là trong các quy định pháp luật hay trong thực tiễn thì tổ chức công đoàn có vai trò rất lớn trong quan hệ lao động. Họ có quyền yêu cầu chủ sử dụng thực hiện các tiêu chuẩn lao động, xây dựng quan hệ hài hòa. Tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều tổ chức công đoàn đã làm được việc đó chưa?”

Vai trò của tổ chức công đoàn ở nhiều doanh nghiệp hiện còn mang tính hình thức. Nhiều tổ chức công đoàn chưa thực sự đứng về phía người lao động, điều này không khó lý giải bởi cán bộ công đoàn do doanh nghiệp trả lương, đa số làm việc không chuyên trách dưới sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của chủ doanh nghiệp.

Ở nhiều nơi, cán bộ công đoàn cơ sở đấu tranh cho quyền lợi của công nhân lao động bị chủ doanh nghiệp “xử lý” như trừ lương, mất việc… Do vậy, rất ít hoặc hiếm tổ chức công đoàn cơ sở có đủ dũng khí đấu tranh với doanh nghiệp đòi quyền lợi cho công nhân lao động. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, những cán bộ công đoàn cơ sở có tâm lý ngại “đấu tranh, tránh đâu” đang dần dần bị thay thế.

Công nhân lao động đặt các câu hỏi trong buổi đối thoại về chính sách với đại diện lãnh đạo tỉnh An Giang. (Ảnh: Đặng Công Mạo/TTXVN)
Công nhân lao động đặt các câu hỏi trong buổi đối thoại về chính sách với đại diện lãnh đạo tỉnh An Giang. (Ảnh: Đặng Công Mạo/TTXVN)

Hàng loạt các cuộc đình công diễn ra trong hơn một năm gần đây đã cho thấy phần nào sự hiểu biết pháp luật của người lao động đang tăng lên từng ngày. Nếu như trước kia các cuộc đình công chỉ xoay quanh việc đòi nợ lương, tăng lương, thưởng Tết… thì giờ đây họ đình công ngay khi phát hiện chủ nợ bảo hiểm xã hội hay thậm chí đình công phản đối những quy định vô lý của doanh nghiệp như: Nghỉ ốm bị trừ lương, “nhà có người chết phải xin trước ba ngày”, thay đổi cách tính thang lương, bảng lương…

Ông Lê Đình Quảng cho rằng, việc người lao động hiện nay hiểu biết pháp luật tốt hơn đang đòi hỏi yêu cầu đối với cán bộ công đoàn ngày càng cao hơn. Từ đó, tổng liên đoàn lao động hay người lao động dưới cơ sở khi lựa chọn cán bộ công đoàn phải lựa chọn ra người thực sự đáp ứng yêu cầu của người lao động.

“Người cán bộ công đoàn thiếu am hiểu về pháp luật, không quan tâm đến quyền lợi của người lao động thì dần dần khi phát huy dân chủ trong trong tổ chức công đoàn, những cán bộ này sẽ bị loại ra. Chúng tôi đang rất quan tâm đến việc để cho người lao động lựa chọn thủ lĩnh công đoàn, tránh trường hợp người sử dụng lao động thao túng, can thiệp để cán bộ công đoàn dễ cho người sử dụng lao động sai bảo,” ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

“Sự phát triển hội nhập ngày càng đề cao quyền tự do của người lao động, đây vừa là thách thức với tổ chức công đoàn nhưng cũng là cơ hội để tổ chức công đoàn phát triển.”

Thực tế, người lao động ngày càng quan tâm đến những người đại điện bảo vệ quyền lợi của họ, anh Vũ Ngọc Hà chia sẻ: “Ở những doanh nghiệp mới thành lập tại Đồng Nai, người lao động tự xây dựng tổ chức công đoàn và xin xác nhận của Tổng Liên đoàn Lao động để công nhận. Điều này cho thấy người lao động ngày càng hiểu được quyền của mình, họ tự lựa chọn cán bộ công đoàn là người hiểu biết pháp luật, là thủ lĩnh thực sự của công nhân.”

Ông Phạm Minh Huân dự báo: “Sự phát triển hội nhập ngày càng đề cao quyền tự do của người lao động, đây vừa là thách thức với tổ chức công đoàn nhưng cũng là cơ hội để tổ chức công đoàn phát triển. Đối với những doanh nghiệp sử dụng đông người lao động, vai trò của công đoàn hết sức quan trọng. Nếu tổ chức là đại diện thực sự của người lao động mà chủ sử dụng không nghe công đoàn thì chắc chắn chủ đó sẽ gặp nhiều khó khăn.”

Pháp luật đã có những quy định để bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở nhưng không có chỗ dựa nào vững chắc hơn chính những công đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp. Có lẽ, ở đâu tổ chức công đoàn mạnh, ở đó tiếng nói của người lao động được lắng nghe và ngược lại, niềm tin, sự ủng hộ của người lao động chính là sức mạnh của tổ chức công đoàn./.

Cán bộ công đoàn tư vấn pháp luật lao động cho công nhân. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Cán bộ công đoàn tư vấn pháp luật lao động cho công nhân. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)