1. Giải Cánh Diều – Giải thưởng thường niên do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức đã kết thúc với nhiều ý kiến mâu thuẫn tới mức cực đoan. Còn nhớ trong Liên hoan phim Quốc gia lần thứ 20, khi phim “Em chưa 18” được trao giải Bông sen Vàng, Ban giám khảo cũng chịu nhiều “gạch đá” vì đã trao giải cho một phim giải trí thuần túy. Rồi hôm nay, với giải Cánh Diều 2017, Ban giám khảo cũng lại đương đầu với những ý kiến trái chiều vì sao một phim không thuộc hàng có chất lượng “đỉnh cao” như “Cô Ba Sài Gòn” lại được trao giải?
Trước hết, có lẽ nên khẳng định rằng, với những tiêu chí khác nhau của mỗi giải thưởng, việc một bộ phim được giải ở liên hoan phim này mà không được một giải tương đồng ở liên hoan khác là chuyện tất yếu. Không có một tiêu chí bất biến cho mọi giải thưởng nghệ thuật, cũng như không thể có một tiêu chí chung để đánh giá các bộ phim qua từng năm khi mà cả hiện thực sản xuất phim lẫn tâm lý tiếp nhận của khán giả đã và đang thay đổi từng ngày.
Có “nỗi buồn lớn” của giới nghệ sỹ về việc đã hai năm liền, điện ảnh Việt vắng bóng những phim được làm từ ngân sách nhà nước.
Trở lại với việc xem xét diện mạo chung của điện ảnh nước nhà thông qua hai kỳ trao giải của hai tổ chức khác nhau diễn ra ở cuối năm 2017 và đầu 2018.
Nếu điểm lại từ bộ phim truyện vẫn được coi là mở đầu cho lịch sử điện ảnh cách mạng “Chung một dòng sông” đến bộ phim mới ẵm giải lớn trong Liên hoan phim quốc gia lần thứ 20 “Em chưa 18” và bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” được vinh danh trong giải Cánh Diều hôm 15/4 vừa rồi, có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên vì sự “chuyển dịch” mạnh mẽ về “nhiệm vụ” của các bộ phim Việt.
Tuy nhiên, sự biến động nào cũng có nguyên nhân của nó, và những hiện tượng chuyển dịch cũng sẽ dần định vị trong xu thế phát triển không ngừng nhằm đạt đến sự cân bằng và hợp lý.
Từ góc nhìn cá nhân của một người đã có thâm niên trong nghề điện ảnh, cá nhân tôi tin rằng có “nỗi buồn lớn” của giới nghệ sỹ về việc đã hai năm liền, điện ảnh Việt vắng bóng những phim được làm từ ngân sách nhà nước. Khoan hãy nói đến sự hay dở của dòng phim này trong những năm gần đây. Về mặt lý thuyết, có lẽ phải khẳng định rằng không có chính thể nào muốn tôn vinh thể chế xã hội hiện hành, tôn vinh lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc mà lại từ chối đầu tư cho điện ảnh một cách thích đáng. Nhưng với điện ảnh Việt, rõ ràng khoảng trống này đã hiện diện, và khiến không ít người làm nghề cũng như công chúng yêu điện ảnh phải băn khoăn: Điện ảnh Việt đang đi về đâu?
2. Một chút may mắn trong hiện trạng đáng buồn này, đó là cũng chính ở Liên hoan Phim Quốc gia lần thứ 20 và Giải thưởng Cánh Diều 2017, các phim tư nhân đã thỏa sức tranh tài, và không ít tác phẩm trong số đó, dù còn khá nhiều khiếm khuyết, vẫn bộc lộ cái nỗ lực của các nhà làm phim hướng tới niềm tự hào dân tộc, hướng tới những nội dung nhân văn, có tính giáo dục đáng kể.
Điều đó cho công chúng yêu điện ảnh một hy vọng. Dường như một “dòng chủ lưu” mới đang manh nha xuất hiện với những tác phẩm được đầu tư bởi các nhà sản xuất kiên định như Ngô Thanh Vân, Mai Thu Huyền, Phạm Thị Hồng Ánh… Họ đổ tâm sức và tiền bạc cho một dòng phim khai thác sâu vào tâm tư tình cảm con người, với mục tiêu tôn vinh văn hóa dân tộc, tôn vinh con người Việt Nam.
Tuy nhiên, sẽ là vui mừng quá sớm khi các cơ quan quản lý ngành dù đứng trước một hiện thực là không tìm được nguồn ngân sách để duy trì dòng chủ lưu cho điện ảnh nước nhà, thì cũng chưa bao giờ tự đặt ra cho mình cái nhiệm vụ nâng đỡ một dòng phim có giá trị văn hóa đang nổi lên, manh nha hình thành một dòng chủ lưu mới cho điện ảnh Việt.
Dường như một “dòng chủ lưu” mới đang manh nha xuất hiện với những tác phẩm được đầu tư bởi các nhà sản xuất kiên định như Ngô Thanh Vân, Mai Thu Huyền, Phạm Thị Hồng Ánh… Họ đổ tâm sức và tiền bạc cho một dòng phim khai thác sâu vào tâm tư tình cảm con người, với mục tiêu tôn vinh văn hóa dân tộc, tôn vinh con người Việt Nam.
Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng ít nhất, với giải Cánh Diều Vàng cho phim “Cô Ba Sài Gòn” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, tiêu chí tôn vinh bản sắc dân tộc lần đầu tiên được thấy rõ nét, được khẳng định trong một giải thưởng nghề nghiệp quan trọng.
Trong 13 phim điện ảnh tranh giải năm nay, có thể nói không ít phim đã có được chiều sâu về cảm xúc, và độ chín về nghề nghiệp của các tác giả phim. Sự trẻ trung mạch lạc trong “Em chưa 18” và những vật vã âm thầm trong “Đảo của dân ngụ cư” hay nỗi thảng thốt trên đường kiếm tìm hạnh phúc trong “Giấc mơ Mỹ”… đều là những tín hiệu sáng cho một nền điện ảnh trẻ đang trỗi dậy.

Tuy nhiên, tiêu chí tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc đã được đặt ra, và chúng tôi cho rằng đây là tín hiệu đẹp nhất cho những người làm nghề muốn kiếm tìm, muốn hồi sinh cái “căn cước” văn hóa dân tộc trong các tác phẩm của mình.
3. Trong giải Cánh Diều năm nay, một hạng mục khác cũng đã gây chú ý cho công chúng. Đó là phim truyện Truyền hình dài tập. Tuy không phải là hạng mục giải thưởng quan trọng nhất trong khuôn khổ Giải Cánh Diều thường niên do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, nhưng nó luôn gây chú ý bởi tính phổ biến của tác phẩm trong đời sống xã hội. Các tác phẩm tham dự hạng mục giải thưởng này luôn có giá trị phản ánh một xu hướng quan tâm của công chúng, và là sự định hướng thẩm mỹ của xã hội trong từng giai đoạn cụ thể.
Khảo sát trên 11 phim Truyền hình dài tập dự giải Cánh Diều 2017, có thể thấy một hiện tượng đặc biệt. Đó là bên cạnh các phim được làm từ kịch bản trong nước, thì các phim Việt hóa cũng lừng lững xuất hiện với sức hút không hề nhỏ. Tuy nhiên, ở chính những phim này cũng đã có những tiếc nuối khi cả hai bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” khép lại với những cái kết thiếu nhân văn, cũng là nguyên nhân khiến có nhiều ý kiến trái chiều trong công chúng.
Bên cạnh các phim được làm từ kịch bản trong nước, thì các phim Việt hóa cũng lừng lững xuất hiện với sức hút không hề nhỏ. Tuy nhiên, ở chính những phim này cũng đã có những tiếc nuối khi cả hai bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” khép lại với những cái kết thiếu nhân văn, cũng là nguyên nhân khiến có nhiều ý kiến trái chiều trong công chúng.
Điều này cho thấy, dù kịch bản đầy ắp những tình tiết gay cấn, nhưng cái mong muốn được nhìn thấy sự tha thứ, hay một lối thoát nhân văn cho nhân vật luôn là điều khán giả Việt mong được thấy. Ở khía cạnh này, có thể đánh giá quá trình Việt hóa của hai bộ phim đã không thực sự hoàn hảo.
Ở một góc nhìn khác, sự đầu tư chỉn chu cả về nội dung lẫn công nghệ sản xuất đã mang đến chất lượng cao cho các tác phẩm dự thi. Có những phim như “Thương nhớ ở ai” bộc lộ cái nhìn sâu sắc về số phận người Việt trong một quá khứ nhiều buồn đau bởi chiến tranh và những sai lầm thiển cận. Hoặc như “Lặng yên dưới vực sâu” của VFC, “Lẩn khuất một tên người” của TFS, “Sống trong bóng đêm” của Truyền hình Vĩnh Long… lại đào sâu tâm lý nhân vật ở nhiều chiều kích, có phim đã đạt được sự phân tích tâm lý ở cấp độ tiềm thức, bộc lộ niềm khao khát vượt lên số phận của những con người nhỏ bé và nhiều uẩn ức.
Với những phim do các nhà sản xuất tư nhân thực hiện thì có thể thấy dù có xu hướng giải trí khá rõ rệt, nhưng các ê kíp thực hiện đã thực sự đầu tư tâm sức để có được những tác phẩm đạt được giá trị nhân văn đáng kể.
Nhã Phương xúc động chia sẻ giải thưởng Cánh Diều như ‘chiếc phao cứu sinh’
Một điều đáng chú ý trong các tác phẩm dự thi năm nay, là tỷ lệ các phim làm về đề tài hình sự khá cao: 5/11 phim. Những lắt léo của câu chuyện điều tra được chú ý cho thấy sự dụng công đáng kể của người sáng tác. Tuy không phải phim nào cũng thành công xuất sắc, nhưng đã xuất hiện những phim đạt chuẩn của thể loại này như “Tử thi lên tiếng” của công ty Việt My. Đây là một điều đáng mừng, bởi từ rất lâu rồi, các phim về đề tài cảnh sát hình sự của chúng ta không thực sự đáp ứng đúng thể loại. Thay vì mô tả quá trình điều tra tội phạm với nhân vật điều tra là trung tâm mâu thuẫn kịch, thì các phim đều sa vào phân tích tâm lý tội phạm, hoặc lấy việc mô tả hiện thực giới tội phạm làm tiêu chí hấp dẫn cho phim.
“Tử thi lên tiếng” đã lấy nhân vật cảnh sát điều tra, mà cụ thể là nhân viên pháp y làm nhân vật trung tâm, để rồi cho thấy chính tham vọng và những hận thù cá nhân có thể khiến một người có danh vị nghề nghiệp, có vị trí quan trọng trong lực lượng cảnh sát bị sa ngã dẫn đến tự hủy diệt chính mình. Vượt lên sự hấp dẫn thông thường của một câu chuyện tâm lý lắt léo, bộ phim thực sự là lời cảnh tỉnh đối với những người đang mang trọng trách bảo vệ xã hội, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Và vì thế, nó mang giá trị thời sự rõ rệt.
Vỹ thanh
Một tác phẩm điện ảnh – truyền hình phản ánh được vấn đề của hiện thực xã hội luôn là điều mà cả người làm nghề và công chúng đều mong ước, bất kể bộ phim được làm bằng nguồn kinh phí nào. Những giải thưởng không chỉ mang đến không khí hội hè. Mỗi mùa giải chắc chắn còn là cơ hội để người làm điện ảnh trên toàn quốc nhìn nhận lại năng lực và định hướng sáng tác của bản thân. Và vì thế, giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ luôn là một điểm nhấn thu hút quan tâm của cả xã hội.
