Trần Lực và LucTeam

lucteam3-1524192240-9.jpg

“LucTeam là một đoàn kịch của thầy và trò. Tôi là thầy – Trần Lực và học trò của tôi – những nghệ sỹ trẻ tuổi. Chúng tôi thành lập nên đoàn kịch này vì thầy trò có chung một chí hướng và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao. Phương pháp nghệ thuật của đoàn kịch LucTeam là sân khấu ước lệ,” đạo diễn-nghệ sỹ ưu tú chia sẻ.

Trần Lực quyết định theo đuổi giấc mơ sân khấu khi đã ở tuổi ngoài ngũ tuần. “Vai trò diễn viên hay đạo diễn, nhà sản xuất của những bộ phim truyền hình, điện ảnh đã giúp tôi có vị trí nhất định trong lòng công chúng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian gắn bó với phim ảnh, trong lòng tôi vẫn đau đáu giấc mơ về những vở diễn sân khấu, về nỗi niềm trăn trở của cha mẹ khi gia đình không có người nối nghiệp,” nghệ sỹ trải lòng.

Tuổi thơ của Trần Lực là những ngày tháng bám riết lấy cánh gà sân khấu xem và đợi cha mẹ diễn (nghệ sỹ ưu tú Trần Lực có cha là nhà nghiên cứu chèo-nghệ sỹ nhân dân Trần Bảng, mẹ là nghệ sỹ chèo Trần Thị Xuân).

Hơn nữa, Trần Lực vốn được đào tạo chính quy về đạo diễn sân khấu. Anh kể: “Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi đã cùng một vài người bạn lang thang khắp Hà Nội để tìm địa điểm mở sân khấu tư nhân. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, sân khấu tư nhân chưa được phép hoạt động. Thế rồi, phim trường cứ cuốn tôi đi; đến lúc nhìn lại thì thấy mình đã đi một đoạn đường khá xa và bản thân cũng đã ở ‘sườn dốc’ bên kia của đời người. Nếu lúc này không quyết tâm sắp xếp lại công việc, dành thời gian quay lại với những gì đã gắn bó từ thời thơ bé thì còn đợi đến khi nào? Tôi đã nghẹn lại khi nhìn thấy ánh mắt của cha khi biết tôi sẽ trở lại với sân khấu.

Lặng đi chừng vài phút, Trần Lực bảo, nhiệt huyết của một mình anh không thể đủ để đưa con thuyền LucTeam vượt bão tố: “Bên cạnh việc giải ‘bài toán’ thu hút khán giả, điều khiến tôi đau đáu nhất là làm sao để nuôi lửa đam mê của các học trò, Điều ấy thể hiện ngay từ cái tên LucTeam.”

Đạo diễn Trần Lực. (Ảnh:Nghệ sỹ cung cấp)
Đạo diễn Trần Lực. (Ảnh:Nghệ sỹ cung cấp)

“Liều có cơ sở”

Bên cạnh sự trẻ trung, tên gọi LucTeam còn chứa đựng ý nghĩa về sự gắn kết thầy-trò, đồng đội. “‘Team’ có nghĩa là một đội vừa mang sức mạnh vừa thể hiện tinh thần gắn kết tập thể. LucTeam là một đội với 12 chiến binh và thủ lĩnh là tôi – Trần Lực. Chúng tôi gắn bó, và yêu thương, giúp đỡ nhau cả trong công việc và cuộc sống,” đạo diễn Trần Lực bày tỏ.

Anh bảo, sân khấu vốn là loại hình nghệ thuật tổng hợp. “Nếu chỉ có ông đạo diễn, bà biên kịch hay một vài diễn viên đơn lẻ thì không thể có những vở diễn. Hãy thử tưởng tượng, nếu đứng chung sân khấu mà đạo diễn không gắn kết được diễn viên theo một tinh thần chung, các nghệ sỹ không có sự tương trợ lẫn nhau (xuất hiện theo lối bạn diễn kiểu bạn, tôi diễn kiểu tôi, cốt chỉ để tròn vai hoặc nâng bản thân mình lên) thì sẽ vô cùng nhàm chán,” nghệ sỹ chia sẻ.

Nếu như khán giả miền Nam đã quen với sự tồn tại của những sân khấu kịch tư nhân (như sân khấu kịch Phú Nhuận của nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân, sân khấu kịch IDECAF của “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn…) thì với sự ra đời của LucTeam, lần đầu tiên, sân khấu miền Bắc có một đoàn kịch tư nhân.

Với sự ra đời của LucTeam, lần đầu tiên, sân khấu miền Bắc có một đoàn kịch tư nhân.

Hơn nữa, các thành viên của LucTeam hoàn toàn không phải những “ngôi sao,” nghệ sỹ đã thành danh. “Thay vào đó, đạo diễn Trần Lực đang là thủ lĩnh của một nhóm diễn viên trẻ giàu triển vọng – những học trò của anh tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Tôi nhìn thấy ở các bạn không chỉ là nhiệt huyết, sức trẻ mà còn cả sự táo bạo, dám phá cách,” nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh cho hay.

Giữa bối cảnh sân khấu kịch phía Bắc rơi vào tình trạng “ngủ đông” từ nhiều năm qua (thậm chí, nghệ sỹ gạo cội Lê Khanh còn dùng cụm từ “chết lâm sàng” để nói về hiện trạng này), đạo diễn Trần Lực lại thành lập LucTeam (chính thức ra mắt khán giả từ cuối năm 2017).

“Không ít người bảo tôi gàn dở, liều lĩnh nhưng tôi ‘liều’ có sơ sở,” Trần Lực quả quyết. Trong khi các nhà hát, đơn vị nghệ thuật phía Bắc chủ yếu theo đuổi phương pháp hiện thực tâm lý khi dựng vở thì LucTeam đi theo một con đường khác: kết hợp sáng tạo các ngôn ngữ trình diễn hiện đại, mới mẻ của sân khấu thế giới để tạo ra những vở diễn theo lối biểu hiện ước lệ.

Con đường mà LucTeam theo đuổi là sân khấu ước lệ biểu hiện. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)
Con đường mà LucTeam theo đuổi là sân khấu ước lệ biểu hiện. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Quyết định bởi sự khác biệt

Mỗi vở diễn theo phương pháp biểu hiện-ước lệ thường hội tụ ba yếu tố: câu chuyện đơn giản; bối cảnh sân khấu và đạo cụ tối giản; diễn viên có khả năng biểu đạt và tương tác cao (sử dụng nét mặt, ánh mắt, giải phóng cơ thể và tự kiểm soát quỹ đạo di chuyển trong từng phân cảnh để khơi gợi trí tưởng tượng của người xem, cuốn họ vào dòng chảy chung của câu chuyện).

Với cách thức này, các vở kịch sẽ không phụ thuộc không gian diễn. Chúng vừa có thể được đưa lên những sân khấu lớn, trang trọng vừa có thể được diễn ở những sân khấu quy mô nhỏ, tối giản hay tại sân khấu ngoài trời. Phương pháp biểu hiện ước lệ chú trọng đến sự tương tác giữa diễn viên với khán giả, kéo người xem cùng tưởng tượng, hòa mình vào diễn biến vở kịch chứ không thụ động xem diễn viên diễn và chờ đợi cái kết. “Nói khác đi, sự hồn nhiên, ngây thơ và tươi trẻ là ba yếu tố tạo nên sự khác biệt cho những tác phẩm của LucTeam,” đạo diễn Trần Lực cho biết.

Sự hồn nhiên, ngây thơ và tươi trẻ là ba yếu tố tạo nên sự khác biệt cho những tác phẩm của LucTeam.

Vở bi-hài kịch “Quẫn” là một minh chứng cho hướng đi mới của LucTeam. “Quẫn” xoay quanh câu chuyện về gia đình ông bà Đại Cát – một gia đình giàu có với nhiều toan tính trước chính sách công tư hợp doanh của nhà nước trong thời kỳ quá độ của công cuộc cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lo sợ bị mất khối tài sản lớn, vợ chồng Đại Cát tìm mọi cách cất giấu, tẩu tán: chia gia tài, tổ chức đám cưới linh đình cho con, thậm chí còn tính cả khoản tiền ma chay cho chính mình và cho người mẹ già vẫn đang còn sống…

Sân khấu được mở ra tối giản, nội dung cốt truyện cũng được giản lược hơn, lời thoại có sự cách tân theo hướng hiện đại, “thêm nếm” vào những câu chữ, ngôn từ mà giới trẻ thường sử dụng để tạo ra màu sắc đương đại cho kịch bản ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước.

Với bản dựng “Quẫn” của đạo diễn Trần Lực, sân khấu được mở ra tối giản, nội dung cốt truyện cũng được giản lược hơn, lời thoại có sự cách tân theo hướng hiện đại. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)
Với bản dựng “Quẫn” của đạo diễn Trần Lực, sân khấu được mở ra tối giản, nội dung cốt truyện cũng được giản lược hơn, lời thoại có sự cách tân theo hướng hiện đại. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Lựa chọn một kịch bản cũ, ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước để dàn dựng, đạo diễn cho hay, với anh, kịch bản cũ hay mới không quan trọng bằng việc sẽ dàn dựng nó như thế nào: “Chúng ta vẫn kêu ca rằng, khán giả quay lưng với sân khấu. Thế nhưng, với những kịch bản mới mà vẫn cứ dàn dựng theo phong cách cũ (cách đây vài ba thập kỷ) thì làm sao mà khán giả không thờ ơ cho được!? Quan trọng là cách tiếp cận và góc nhìn.”

Trần Lực tiếp cận vấn đề theo góc nhìn khác. Thay cho việc đả phá tầng lớp tư sản phong kiến (như trong các bản dựng “Quẫn” trước đây), đạo diễn nhìn nhận và thể hiện các nhân vật ở góc độ: họ cũng là những con người bình thường với những toan tính thiệt hơn. Tiếng cười cất lên từ các tình huống bộc lộ rõ nhất bản chất người với những lo lắng, phản ứng về việc tài sản tích cóp bỗng chốc không còn là của riêng mình.

“Trải qua hơn 1 năm, từ khi còn là sinh viên năm cuối đến nay, các em đã có sự trưởng thành rõ rệt. Bên cạnh những tri thức, kỹ năng được đào tạo ở trường đại học, các thành viên của LucTeam phải tham gia khóa học giải phóng hình thể. Trước những bài tập giãn cơ, gập người hay những yêu cầu về việc phát huy tối đa những kỹ năng ngoài diễn xuất (như nhảy, múa, hát ca…) không ít bạn khóc thét và đã có những bạn bỏ cuộc,” nghệ sỹ Trần Lực kể.

Sự xuất hiện của các nghệ sỹ gạo cội, “ngôi sao” vẫn luôn là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự thành công của vở diễn, chương trình. “Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ giữ mãi tư duy vở diễn phải có ‘ngôi sao’ thì lấy đâu ra đất diễn, cơ hội làm nghề cho các bạn trẻ. Nghệ thuật không thể chỉ học chay! Học trò đã đặt trọn niềm tin vào tôi và tôi cũng luôn tin tưởng các em,” đạo diễn Trần Lực nói.

“Nếu chúng ta cứ giữ mãi tư duy vở diễn phải có ‘ngôi sao’ thì lấy đâu ra đất diễn, cơ hội làm nghề cho các bạn trẻ. Nghệ thuật không thể chỉ học chay!”

Từ khi ra mắt, các đêm diễn của LucTeam không phải hôm nào khán giả cũng kín rạp.“Tuy nhiên, càng về sau, khán giả ngày càng đông hơn. Ví dụ như đêm diễn ‘Quẫn’ (tối 14/4) vừa qua, khán giả ngồi kín hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp; trong đó, khán giả trẻ chiếm số lượng lớn. Thực tế ấy khiến tôi tin rằng, con đường của mình đi là đúng đắn và kịch không chỉ dành cho khán giả trung niên, cao tuổi. Nếu có cách làm cuốn hút thì khán giả vẫn rất thích xem kịch và khi đã có khán gỉả thì vấn đề ‘kinh phí’ tồn tại không còn là ‘bài toán’ chưa có lời giải. Quan trọng là sự khác biệt!”./.

LucTeam không có những nghệ sỹ gạo cội. Thay vào đó, thành viên của LucTeam là những diễn viên trẻ giàu năng lượng. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)
LucTeam không có những nghệ sỹ gạo cội. Thay vào đó, thành viên của LucTeam là những diễn viên trẻ giàu năng lượng. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)