Dồn sức

Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế cũng như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý chính là truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện về vấn đề này với ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4.

Nhận thức “chưa sâu sắc”

– Thưa ông, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế, xin ông cho biết những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc nâng cao nhận thức người dân về vấn đề này?

Ông Đinh Hữu Phí: Đúng là sở hữu trí tuệ đang ngày càng quan trọng trong tiến trình hội nhập, nó tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên nhận thức về vấn đề này của người dân nói chung vẫn còn chưa sâu sắc dẫn tới sở hữu trí tuệ chưa trở thành một công cụ hữu ích để phát triển kinh tế – xã hội.

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này Cục Sở hữu trí tuệ đã, đang và sẽ tiếp tục chủ động trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức về sở hữu trí tuệ cho người dân thông qua việc chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các hoạt động đào tạo, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú.

Cụ thể, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi tuyên truyền về các khía cạnh của sở hữu trí tuệ tới người dân dưới hình thức bản tin, phóng sự, gameshow truyền hình. Đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, nhiều dự án tuyên truyền về sở hữu trí tuệ trên sóng phát thanh, truyền hình đã được thực hiện ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.

Nhận thức về sở hữu trí tuệ của người dân nói chung vẫn còn chưa sâu sắc dẫn tới sở hữu trí tuệ chưa trở thành một công cụ hữu ích để phát triển kinh tế – xã hội.

Vào các dịp kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day), Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5, Cục cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị hữu quan và cơ quan truyền thông triển khai các hoạt động tuyên truyền với quy mô lớn để vấn đề sở hữu trí tuệ có thể lan tỏa ra toàn xã hội.

Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên có những hoạt động tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ theo nhóm chủ thể. Ví dụ như như phối hợp với các trường đại học tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ. Ba năm trở lại đây, hàng năm Cục triển khai các khóa học trang bị kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ cho sinh viên năm cuối một số trường đại học mà chưa có bộ môn này để các em có cách tiếp cận đúng và biết cách sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ khi bắt đầu chặng đường lập nghiệp.

Đối với khối doanh nghiệp và các nhóm đối tượng khác, chúng tôi chủ động hoặc phối hợp với các ban ngành ở trung ương, địa phương tổ chức các khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo chuyên môn về từng lĩnh vực của sở hữu trí tuệ trên khắp cả nước.

Dù vậy, cũng phải nhìn nhận rằng những việc nói trên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội bởi một phần do hạn chế về nguồn lực dành cho hoạt động này.

Nghi thức thả bóng bay xanh trắng tượng trưng cho niềm mong mỏi, ý chí quyết tâm về một sự giải phóng, chắp cánh ngày một mạnh mẽ hơn nữa cho khát vọng, năng lực sáng tạo của Việt Nam tại IP Day 2017. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nghi thức thả bóng bay xanh trắng tượng trưng cho niềm mong mỏi, ý chí quyết tâm về một sự giải phóng, chắp cánh ngày một mạnh mẽ hơn nữa cho khát vọng, năng lực sáng tạo của Việt Nam tại IP Day 2017. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng các đơn vị truyền thông sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng và tích cực đồng hành cùng chúng tôi trong việc nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng.

– Một trong những sự kiện rất nổi bật trong vài năm qua là IP Day. Ông có thể điểm qua những kết quả đã đạt được sau sự kiện này?

Ông Đinh Hữu Phí: Các hoạt động kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới được diễn ra vào tháng 4 hàng năm mà chúng tôi thường đặt ra là Tháng hành động kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ. Dựa trên các hoạt động mà Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) gợi ý kết hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra danh mục các hoạt động cho Tháng hành động này.

Các hoạt động mang tính truyền thống mà Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện nhiều năm qua là tổ chức các tọa đàm, hội nghị khoa học, cuộc thi viết tìm hiểu về sở hữu trí tuệ dành cho sinh viên, các gameshow trong các trường đại học… Nổi bật nhất trong các hoạt động dành cho sinh viên là Gameshow IP Challenge được Cục Sở hữu trí tuệ và Trường Đại học Ngoại thương tổ chức nhiều năm nay cho sinh viên đại học mong muốn được tìm hiểu, trải nghiệm hoạt động sở hữu trí tuệ từ thực tiễn, đã thu hút được rất nhiều sinh viên ưu tú của các trường đại học tham gia.

Một hoạt động ngoài trời với khẩu hiệu “Đi bộ bằng đầu, sáng tạo dài lâu” mang tính cộng đồng bắt đầu được triển khai từ năm 2015. Năm 2016, hoạt động này được phát triển rộng hơn với sự phối hợp của Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2017, sự kiện cộng đồng được Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp và chỉ đạo tổ chức với quy mô rộng hơn, thu hút được hơn 2.000 người tham dự. Trong đó, có các nhà quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, sinh viên các trường đại học trên địa bàn Thủ đô.

Có thể nói, trong mấy năm gần đây các hoạt động chào mừng, kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới đã được triển khai với nhiều hình thức phong phú và quy mô lớn đã bước đầu lan tỏa sâu rộng tới công chúng. Thông qua sự kiện này có thể mở ra một hướng đi hiệu quả hơn cho các hoạt động tuyên truyền để đến gần hơn với công chúng, góp phần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ nói riêng, khoa học và công nghệ nói chung.

Tôn vinh phụ nữ sáng tạo

– IP Day năm nay có chủ đề là “Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo.” Xin ông nói rõ hơn về ý nghĩa của chủ đề này?

Ông Đinh Hữu Phí: Mỗi năm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới đều có một chủ đề riêng xoay quanh hoạt động sáng tạo và đổi mới.

Ông Đinh Hữu Phí.

Với chủ đề năm nay, WIPO muốn hướng tới tôn vinh tài năng, sự khéo léo, ham học hỏi và sự can đảm của phụ nữ – những người bằng lao động sáng tạo của mình đang thay đổi thế giới và định hình tương lai chung của chúng ta. Những sáng chế mới lạ và những sáng tạo mà những người phụ nữ tạo ra từ hoạt động nghiên cứu cũng như xuất phát từ việc thực hiện những thiên chức hàng ngày của họ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong mọi lĩnh vực. Những đóng góp đầy cảm hứng và quan trọng của vô vàn phụ nữ trên khắp thế giới đang tạo ra thay đổi trong thế giới của chúng ta. Thái độ “có thể làm được” của phụ nữ là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta.

Và, những thành tựu đáng ghi nhận của họ là di sản vô giá cho các em gái hôm nay đến với khát vọng trở thành các nhà sáng chế và chủ thể sáng tạo trong tương lai. Phụ nữ trên khắp thế giới đã, đang và sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo, có tiếng nói quyết định trong giới khoa học, công nghệ, kinh doanh và nghệ thuật.

Với sự chung tay của phụ nữ và nam giới, chúng ta sẽ củng cố tiềm năng của nhân loại và nâng cao năng lực của chúng ta để làm phong phú nền văn hóa chung và tạo ra các giải pháp hiệu quả để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao sức khoẻ toàn cầu và bảo vệ môi trường.

Chủ đề kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là cơ hội để nêu bật cách thức mà hệ thống sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ những phụ nữ vốn luôn có tố chất đổi mới và sáng tạo trong nỗ lực tìm kiếm nhằm đưa những ý tưởng mới lạ của họ ra thị trường.

– Việt Nam sẽ tổ chức sự kiện IP Day năm nay như thế nào?

Ông Đinh Hữu Phí: Cục Sở hữu trí tuệ đã có kế hoạch và phối hợp với nhiều đơn vị cùng đồng hành như Hội nữ trí thức Việt Nam (thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), Ban Thanh niên công nhân và đô thị (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Báo điện tử VietnamPlus – Thông tấn xã Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo… tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như mít tinh, hội thảo…

Trong đó, sự kiện cộng đồng chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2018 được tổ chức vào ngày 21/4 tại Hà Nội. Đây là sự kiện lớn nhất nhằm tôn vinh sở hữu trí tuệ, đổi mới và sáng tạo, đặc biệt là những đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động như hội thảo, tọa đàm, phỏng vấn các nhân vật về chủ đề đổi mới và sáng tạo, về các gương phụ nữ điển hình trong đổi mới sáng tạo, hoạt động biểu diễn âm nhạc, đi bộ vì đổi mới và sở hữu trí tuệ cũng sẽ diễn ra…

Chủ đề kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2018 là cơ hội để nêu bật cách thức mà hệ thống sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ những phụ nữ vốn luôn có tố chất đổi mới và sáng tạo.

– Ở những lần trước, IPDay thu hút rất đông đảo giới trẻ tham gia tuy nhiên có vẻ như sự kiện vắng bóng những doanh nghiệp – những người đang trực tiếp sáng tạo và có nhu cầu về sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thu hút đối tượng này thế nào?

Ông Đinh Hữu Phí: Năm 2015 là năm đầu tiên sự kiện kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới được tổ chức mở rộng với quy mô lớn trong giới sinh viên. Với khẩu hiệu “Đi bộ bằng đầu, sáng tạo dài lâu,” sự kiện đã thu hút hơn 1.000 người tham gia, đa số là sinh viên đại học và bắt đầu tạo được ảnh hưởng trong một số trường đại học.

Để phát huy tinh thần nhiệt huyết của sinh viên, năm 2016, 2017 hưởng ứng các khẩu hiệu mà Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đưa ra, Việt Nam tiếp tục mở rộng quy mô của hoạt động này với các hoạt động mít tinh, đi bộ.

Tiếp nối sự thành công và tiếng vang của hoạt động cộng đồng được tổ chức ba năm liền với quy mô ngày càng mở rộng. Năm nay, hoạt động này diễn ra tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) vào ngày 21/4 với lực lượng tham gia nòng cốt vẫn là giới trẻ và sinh viên bởi đây là một sân chơi sôi động phù hợp hơn đối với các bạn trẻ mặc dù hoạt động cộng đồng này cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của một số doanh nghiệp.

Với chủ đề “Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo,” IP Day 2018 sẽ không chỉ có các bạn sinh viên trẻ tuổi, mà sẽ có sự tham gia rất nhiệt tình của các bác, các cô và các chị – đội ngũ nữ trí thức của Việt Nam, họ vừa là các nhà khoa học vừa là các nhà doanh nghiệp có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đối với doanh nghiệp, chúng tôi luôn khuyến khích và kêu gọi họ tham gia vào nhiều các hoạt động sở hữu trí tuệ khác diễn ra trong suốt cả năm chứ không chỉ là hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới.

Do đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp tham gia công tác tổ chức, hỗ trợ, xã hội hóa thực hiện những sự kiện cộng đồng như thế này để IP Day thực sự trở nên có ý nghĩa hơn nữa và trở thành ngày hội của tất cả mọi người, đặc biệt là với các doanh nghiệp đã và đang ngày càng được hưởng nhiều thành quả của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ.

– Xin cảm ơn ông./.

Dây chuyền lắp ráp điện thoại của Viettel. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Dây chuyền lắp ráp điện thoại của Viettel. (Ảnh: T.H/Vietnam+)