Chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Nhật Bản từ ngày 15-17/4 được Tokyo nhận định là động thái mang ý nghĩa quan trọng để tiến tới cải thiện quan hệ Nhật-Trung vốn tồn tại quá nhiều bất đồng từ những vấn đề lịch sử.
Những kết quả tích cực trong chuyến công du, trong đó đáng chú ý là xác nhận việc Trung Quốc tham dự cuộc gặp cấp cao ba bên Trung-Nhật-Hàn và lãnh đạo hai bên sẽ tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước lẫn nhau, đã khẳng định cả Bắc Kinh và Tokyo đều có thiện chí này.
Trước đó, quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản bị đánh giá đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm qua sau sự kiện Chính phủ Nhật Bản năm 2012 mua lại quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, từ một chủ sở hữu tư nhân. Diễn biến này đã đẩy quan hệ song phương leo thang căng thẳng với việc hai nước liên tục đưa ra các cáo buộc xâm phạm chủ quyền nhằm vào nhau.
Tuy nhiên, những biến động của tình hình thế giới trong năm 2017 và đặc biệt là những tháng đầu năm 2018 đã trở thành động lực để Bắc Kinh và Tokyo cải thiện quan hệ. Hồi đầu năm nay, phát biểu tại phiên họp Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ Nhật-Trung, coi việc phát triển mối quan hệ hữu hảo ổn định với Trung Quốc, thúc đẩy các chuyến thăm viếng lẫn nhau của nguyên thủ hai nước là một ưu tiên “xuất phát từ đại cục.”

Thủ tướng Abe cũng tuyên bố đưa vào chương trình chính sách năm 2018 của Nhật Bản nội dung hợp tác với Trung Quốc. Theo đó, Tokyo theo đuổi chính sách an ninh ngoại giao mới, triển khai hợp tác với sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, cùng xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng ở châu Á, đồng thời tìm cách phối hợp với Trung Quốc theo phương hướng thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa.” Đây được coi là bước điều chỉnh chính sách mang tính đột phá của Chính phủ Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc.
Yếu tố chính tác động tới bước dịch chuyển trong quan hệ Nhật-Trung là những động thái của Mỹ
Một trong những yếu tố chính tác động tới bước dịch chuyển này trong quan hệ Nhật-Trung phải kể tới những động thái của Mỹ. Chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dựa vào trụ cột đồng minh với Mỹ có vẻ “bị lung lay” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhiều quyết định bị Tokyo coi là làm tổn hại lợi ích của nước này, nhất là trong lĩnh vực thương mại.
Từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tokyo là một trong những thành viên ủng hộ tích cực tới việc áp dụng biện pháp tấn công thương mại với Nhật Bản, bất chấp mối quan hệ đồng minh giữa hai nước-những động thái của Mỹ đang khiến quan hệ giữa hai đồng minh rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt.”

Mặt khác, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đột ngột thay đổi. Trong bối cảnh tiến trình đàm phán sáu bên gồm các nước Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang bị đình trệ và chưa có triển vọng được tái khởi động, việc Bình Nhưỡng chuyển phương thức tiếp cận từ ngoại giao đa phương sang ngoại giao song phương với ba nước Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc đã khiến cho Tokyo quan ngại về nguy cơ trở thành quốc gia “đứng bên lề” một tiến trình ngoại giao có tính chất đặc biệt quan trọng với an ninh Nhật Bản.
Với các chuyển động hiện nay tại bán đảo Triều Tiên, Tokyo muốn có một cuộc gặp song phương với Bình Nhưỡng để trao đổi trực tiếp về những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên. Tuy nhiên, khả năng này không dễ xảy ra vì Triều Tiên có thể mặc định cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chính là cuộc gặp với liên minh quân sự Mỹ-Nhật, trong đó Mỹ sẽ đóng vai trò đại diện.
Cùng lúc, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Bắc Kinh vào cuối tháng Ba, trước thềm hai cuộc gặp cấp cao song phương với các nước Mỹ và Hàn Quốc do Bình Nhưỡng chủ động đề xuất, đã xác định vai trò tối quan trọng của Bắc Kinh trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Chính vì vậy, Tokyo cần thêm sự ủng hộ của Bắc Kinh, vốn được đánh giá có sức ảnh hưởng lớn đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sau khi Washington áp thuế mới vào một loạt hàng hóa của Trung Quốc đang khiến giới đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với tư cách là hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, rõ ràng sự hợp tác giữa Trung Quốc với Nhật Bản sẽ đem lại cho Bắc Kinh những lợi thế cần thiết trước nguy cơ quan hệ thương mại với Mỹ, thị trường xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc, bị xấu đi.
Bên cạnh đó, việc thu hút được Nhật Bản tham gia vào các mô hình hợp tác kinh tế đa phương và tự do thương mại đa phương do Trung Quốc khởi xướng như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và sáng kiến “Vành đai và con đường” sẽ là nhân tố quan trọng để Bắc Kinh có thể thúc đẩy thành công chiến lược kinh tế của mình.
Lợi ích đang trở thành ‘lực hút’ đưa Trung-Nhật xích lại gần nhau, dẫu nhiều bất đồng chưa thể giải quyết
Tuyên bố trong cuộc họp báo với người đồng cấp Nhật Bản tại Tokyo, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rõ “chuyến thăm Nhật Bản là nhằm đáp lại những động thái tích cực mà Tokyo đã dành cho Bắc Kinh.” Ông Vương Nghị cũng khẳng định Bắc Kinh không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Nhật Bản trong kết cấu an ninh và kinh tế của khu vực Đông Bắc Á và muốn đưa quan hệ song phương tới một “khởi đầu mới.” Không phải ngẫu nhiên mà hợp tác kinh tế Trung-Nhật vẫn phát triển khá mạnh mẽ cho dù quan hệ ngoại giao có thời điểm rơi vào căng thẳng.
Rõ ràng cả Tokyo và Bắc Kinh đều nhận thấy cải thiện quan hệ song phương là cần thiết vì một mối quan hệ ấm lên sẽ đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả hai bên. Những lợi ích đang trở thành “lực hút” đưa hai nước xích lại gần nhau, dẫu nhiều bất đồng chưa thể giải quyết. Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Nhật Bản lần này là bước tiếp theo trong “dòng chảy” cải thiện quan hệ mà hai bên sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới./.
