Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt trong cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với 16 hiệp định thương mại tự do đã đàm phán, trong đó có 10 hiệp định đang thực thi.
Gần đây nhất, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)đã được 11 nền kinh tế thành viên ký kết thỏa thuận, mở ra một thị trường thương mại tự do có quy mô lớn nhất toàn cầu.
Các hiệp định thương mại tự do được ví như “đường cao tốc” đưa hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn, giúp gia tăng xuất khẩu, đẩy mạnh tăng trưởng GDP.
Thêm vào đó, Việt Nam có điều kiện mở rộng và cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu của mình, theo hướng cân bằng, giảm thiểu phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống như trước.
Tuy nhiên,“miếng bánh hội nhập không dễ xơi,” đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi bên cạnh đó còn có những hàng rào phi thuế quan như “chiếc khiên”che chắn, bảo hộ từ các nước đối tác.
Khối ngoại hái “trái ngọt”?
Hội nhập kinh tế quốc tế đóng vai trò trọng trong chính sách đối ngoại của Chính phủ. So với các nước ASEAN, Việt Nam chủ động và tích cực đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do – FTA nhiều nhất (ký kết với 56 quốc gia).

Theo giới chuyên gia, các FTA thế hệ mới “nuôi tham vọng” xử lý cả những vấn đề thương mại ở sau biên giới (như đầu tư, lao động, môi trường, minh bạch hóa, chống tham nhũng, cải cách thể chế…). Điều này hứa hẹn mở ra “làn sóng” hội nhập lần thứ hai cho Việt Nam.
Song, tiến sỹ Nguyễn Văn Long, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương thẳng thắn, “các FTA có phạm vi toàn diện vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại. Tham gia vào đó, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội song cũng phải đối mặt với không ít thách thức.”
Các FTA thế hệ mới “nuôi tham vọng” xử lý cả những vấn đề thương mại ở sau biên giới
Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kim ngạnh xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao trên 16%/năm (giai đoạn 2009 – 2016). Tuy nhiên xét về cơ cấu, thành quả này chủ yếu đến từ khu vực đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI). Tỷ trọng xuất khẩu của họ lập thành tích “tăng đều và liên tục”, từ mức 47,0% (năm 2000) lên 57,2% (năm 2007) và 76,6% (năm 2017).
“Khu vực đầu tư nước ngoài đã tận dụng được cơ hội từ hội nhập và các hiệp định thương mại.” Bên cạnh đó tiến sỹ, Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra thêm một nghịch lý, trong khi hoạt động nhập khẩu của khối ngoại gắn nhiều hơn với nhu cầu sản xuất gia công – chế biến xuất khẩu, thì khối nội ngược lại nghiêng về nhu cầu tiêu dùng trong nước. Dẫn tới, thâm hụt thương mại của nền kinh tế chủ yếu đến từ khu vực nội địa.

“Khu vực sản xuất trong nước thiếu tính cạnh tranh,” ông Cung chỉ rõ.
Khi sân chơi được san phẳng?
Hiện nay, mức độ tự do hóa thuế quan giữa Việt Nam với những đối tác tham gia các FTA đã ở mức khá cao (cụ thể,Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN_ATIGA trên 90% dòng thuế đã về 0%; ASEAN-Trung Quốc trên 80%; ASEAN-Hàn Quốc khoảng 80%; ASEAN-Nhật Bản hơn 60%).
Tới đây, thời điểm hoàn thành một số FTA sẽ nâng mức độ tự do hóa cao hơn với mức trung bình 90% dòng thuế nhập khẩu, (riêng ATIGA là 98% hoàn thành vào năm 2018; ASEAN – Trung Quốc vào năm 2020, ASEAN – Hàn Quốc vào năm 2021). Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (28 nước thành viên Liên minh Châu Âu) và Hiệp định CPTPP là hai hiệp định có phạm vi và mức độ cam kết cao nhất từ trước tới nay, cũng sớm có hiệu lực trong thời gian tới.
Khi mặt bằng thuế quan được “san phẳng” là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá
Các thành viên ký kết FTA cùng Việt Nam đều là những đối tác thương mại quan trọng (chiếm trên 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam), nên khi mặt bằng thuế quan được “san phẳng” là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng thuận lợi hơn trong việc tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Theo các cam kết, nhiều ngành hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam được hưởng ưu đãi cao tại các FTA, như công nghiệp nhẹ và nông, thủy sản. Đây là những ngành hàng có lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh và không bị giới hạn bởi nguồn cung… sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sẽ sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường FTA.
Tuy nhiên không quá lạc quan, ông Long cũng cảnh báo, nền kinh tế có đến 96% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, nguy cơ cạnh tranh ngay trên sân nhà không phải là nhỏ.

“Việc tự do hóa thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước đối tác FTA vào Việt Nam, khi giá thành của họ rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn. Thêm vào đó, hàng rào kỹ thuật của ta nếu không hiệu quả, Việt Nam còn có thể trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước,” ông Long nói.
Chưa kể đến các hàng rào phi thế quan, các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa… theo các FTA cũng trở thành thách thực sự đối với nền sản xuất cũng như xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn thế nữa, việc quy định các tiêu chuẩn thuộc quyền của nước nhập khẩu, nếu một nước đối tác lạm dụng điều này nhằm tạo ra hàng rào ngăn cản hàng hóa xâm nhập vào thị trường của họ, thì cũng “khó lòng mà ngăn cản.”
Mặc dù vậy, giới chuyên môn trong nước vẫn đặt kỳ vọng rất lớn, các FTA có mức độ cam kết sâu, bao gồm cả những yêu cầu bắt buộc về thể chế kinh tế, sẽ tác động tích cực đến việc xây dựng và vận hành thể chế, hình thành nên những nguồn lực quốc gia đủ mạnh để đảm bảo thực thi đồng bộ và hiệu quả các cam kết trong tương lai./.
