Bước ngoặt lịch sử

ttxvnkyhie-1520417494-22.jpg

Việc Australia và Timor Leste vừa chính thức ký Hiệp ước phân định ranh giới trên biển và Thỏa thuận chia sẻ nguồn lợi khai thác tại mỏ khí đốt Greater Sunrise đã khép lại tranh chấp kéo dài một thập kỷ qua giữa 2 nước và đưa hai quốc gia láng giềng ở Nam Thái Bình Dương đến sự hòa giải.

Phát biểu với báo giới sau lễ ký tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, có sự chứng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tuyên bố thỏa thuận lịch sử này mở ra chương mới trong quan hệ song phương. Hiệp ước vạch rõ đường ranh giới lãnh hải lâu dài giữa hai nước cũng như cho phép cùng phát triển và quản lý mỏ khí đốt Greater Sunrise vốn hứa hẹn đem lại nguồn thu hàng tỷ USD cho hai bên.

Về phần mình, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề phân định biên giới của Timor Leste Agio Pereira ca ngợi đây một bước ngoặt lịch sử đối với Timor Leste cũng như đối với tình hữu nghị Timor Leste-Australia.

Ngoài phân định biên giới trên biển, theo thỏa thuận chung, Australia đồng ý để Timor Leste nhận được mức phân chia cao hơn từ nguồn lợi khai thác mỏ khí đốt Greater Sunrise, được phát hiện năm 1974, nằm ở ngoài khơi cách bờ biển Timor Leste khoảng 150 km về phía Đông Nam và cách bờ biển Darwin, Tây Bắc Australia, khoảng 450 km. Cụ thể, Timor Leste sẽ nhận 70% doanh thu nếu khí đốt khai thác được đưa đến một nhà máy chế suất ở quốc gia này và 80% nếu khí đốt được khai thác chuyển tới Australia để xử lý.t

Đường ranh giới lãnh hải giữa hai nước Australia và Timor Leste. (Nguồn: Chính phủ Australia)
Đường ranh giới lãnh hải giữa hai nước Australia và Timor Leste. (Nguồn: Chính phủ Australia)

Theo các chuyên gia, mỏ này có trữ lượng gần 190 tỷ mét khối khí tự nhiên và 226 triệu thùng khí ngưng tụ (condensates), với tổng trị giá khoảng 40-50 tỷ USD. Khu mỏ vốn do liên danh các tập đoàn Woodside Petroleum, ConocoPhillips, Royal Dutch Shell và Osaka Gas khai thác, tuy nhiên, đã phải tạm ngừng khai thác do tranh chấp giữa Timor Leste và Australia.

Cũng như các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải của các nước khác trên thế giới, đây từng là vấn đề hóc búa khó giải quyết, nhưng nhờ thiện chí của lãnh đạo hai nước, tranh chấp đã được giải quyết một cách thỏa đáng và đây có thể xem như kinh nghiệm tốt cho các nước đang có tranh chấp chủ quyền trên biển.

Timor Leste là quốc gia non trẻ nhất ở khu vực Đông Nam Á, có vùng biển tiếp giáp Australia và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí. Sau khi tách ra khỏi Indonesia năm 2002, Timor Leste đã đàm phán với Australia để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa hai nước nhưng không đạt kết quả. Chính phủ Timor Leste hồi tháng 8/2016 đã quyết định đưa tranh chấp này lên Tòa trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở La Hay (Hà Lan) để phân giải.

Timor Leste là quốc gia non trẻ nhất ở khu vực Đông Nam Á, có vùng biển tiếp giáp Australia và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí 

Ngày 26/9/2016, PCA cho biết tòa này có đủ thẩm quyền giải quyết và tiến hành giai đoạn hòa giải trong năm 2017 để hai bên thương lượng trước khi tòa phân xử.

Theo các luật sư của Australia, Canberra đã bắt đầu trao đổi thư từ với Dili ngay từ năm 2003 để giải quyết tranh chấp, và vấn đề đã có kết quả thỏa đáng với Hiệp định mang tên “Một số thỏa thuận trên biển ở biển Timor” (CMATS) ký năm 2006, bao trùm vùng mỏ khí đốt rất rộng Greater Sunrise, nằm giữa hai nước. Hiệp định này khi đó ấn định mức phân chia 50-50 nguồn lợi khai thác các mỏ năng lượng nằm giữa Australia và Timor-Leste.

Tuy nhiên, PCA cho rằng việc trao đổi thư từ giữa Canberra và Dili không cấu thành một thỏa thuận vì những thư từ này không có tính ràng buộc về pháp lý. Ngoài ra, theo thẩm phán của PCA trong Ủy ban trọng tài, tranh chấp phải được đặt trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, chứ không phải Hiệp định năm 2006.

Năm 2012, chính Timor Leste cũng từng đòi hủy bỏ Hiệp định CMATS, sau khi cáo buộc Australia sử dụng gián điệp để giành lợi thế thương mại trong các cuộc đàm phán về Hiệp ước khí đốt ở biển Timor. Tuy nhiên, đến tháng 6/2015, Dili đã rút lại những cáo buộc này, sau khi Australia trả lại một số tài liệu nhạy cảm.

(Nguồn: Renova-timor)
(Nguồn: Renova-timor)

Sau nhiều vòng thương lượng, đến tháng 8 năm ngoái, sau các cuộc đàm phán giữa hai nước do Đan Mạch làm trung gian chủ trì, Australia và Timor Leste đã đạt được thỏa thuận mang tính đột phá về đường biên giới lãnh hải.

PCA cho biết hai nước láng giềng ở Nam Thái Bình Dương đã đạt thỏa thuận về “những yếu tố quyết định trong phân định ranh giới lãnh hải giữa 2 nước tại biển Timor.” Australia và Timor Leste nhất trí thiết lập cơ chế đặc biệt cho khu mỏ Greater Sunrise, mở đường cho việc phát triển và phân chia thu nhập từ khu vực này.

Chính phủ 2 nước cũng nhất trí rằng thỏa thuận này đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương, cũng như tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân 2 nước. Việc hai nước tự dàn xếp thỏa thuận đã giúp PCA tránh phải đưa ra một phán quyết bất lợi cho một trong hai bên.

Cựu Thủ hiến bang Victoria, miền Nam Australia, ông Steve Bracks cho rằng đòi hỏi của Timor-Leste là hoàn toàn hợp lý. Trong khi đó, giáo sư Damien Kingsbury đến từ Đại học Deakin (Australia) lập luận tranh chấp lấy đi quyền lợi kinh tế của các nước nhỏ yếu hơn và họ có thể mất nhiều quyền lợi hơn, nếu tòa án không giải quyết theo hướng họ yêu cầu. Theo ông, những quyền lợi trong các lĩnh vực dầu khí bị ảnh hưởng bởi vụ kiện của Timor-Leste là một ví dụ điển hình. Điều này quan trọng đối với Timor-Leste, vì nếu tòa không ra phán quyết có lợi cho họ, Dili sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Phát ngôn viên của liên doanh điều hành mỏ khí Greater Sunrise cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng việc ký kết hiệp ước sẽ giúp đem lại cơ sở pháp lý và tài chính chắc chắn để phát triển mỏ Greater Sunrise vì lợi ích của tất cả các bên.”

Rõ ràng, việc Australia và Timor Leste ký kết hiệp ước phân định biên giới và phân chia nguồn lợi khai thác khí đốt đã thể hiện tinh thần thiện chí, hòa giải, nỗ lực khôi phục quan hệ gần gũi và tiếp tục hợp tác vì sự phát triển và lợi ích kinh tế của hai bên cũng như lợi ích chung của khu vực./.  

Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề phân định biên giới của Timor Leste Agio Pereira (trái) cho rằng 'Hiệp ước là một bước ngoặt lịch sử đối với Timor Leste cũng như đối với tình hữu nghị Timor Leste-Australia.' (Nguồn: THX/TTXVN)
Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề phân định biên giới của Timor Leste Agio Pereira (trái) cho rằng ‘Hiệp ước là một bước ngoặt lịch sử đối với Timor Leste cũng như đối với tình hữu nghị Timor Leste-Australia.’ (Nguồn: THX/TTXVN)