Elon Musk

000sw9pv-1518841242-0.jpg

Cái tên Elon Musk hẳn không còn xa lạ với bất cứ ai bởi tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi này rất nổi tiếng với những phát biểu gây chấn động và ý tưởng đầy táo bạo trong giới công nghệ trên thế giới.

Vị doanh nhân này là người đồng sáng lập công ty thanh toán PayPal, CEO của hãng sản xuất ôtô điện Telsa và SpaceX – tập đoàn khai phá không gian, phóng tên lửa và tàu vũ trụ.

Tư duy “nhìn xa trông rộng” của Elon Musk đã gây dấu ấn ngay từ khi ý tưởng về chiếc xe ôtô điện hay các chuyến du lịch ngoài không gian dường như là điều không thể. Giờ đây chúng đã trở nên rất đỗi bình thường.

Trong cuốn tiểu sử về cuộc đời Elon Musk do nhà báo Ashlee Vance chấp bút, hình ảnh của ông gợi người ta nghĩ tới những thiên tài công nghệ khác như Steve Jobs hay Bill Gates, những người nỗ lực làm mọi thứ để đạt được tầm nhìn của họ.

Ăn to nói lớn

Elon Musk đã sớm trở thành triệu phú nhờ bán Zip2, công ty đầu tiên do ông thành lập vào năm 1995, chuyên về phần mềm dạng Yellow Pages cung cấp các bản đồ cũng như địa chỉ doanh nghiệp. Sau đó, ông dành tiền để thực hiện ý tưởng về công nghệ thanh toán mới thông qua email và đã tạo ra hệ thống thanh toán điện tử Paypal.

Khi Paypal được doanh nghiệp điều hành trang web đấu giá và bán hàng trực tuyến eBay mua với giá 1,5 tỷ USD, Musk với vai trò cổ đông lớn nhất đã nhận được 180 triệu USD.

Tên lửa SpaceX Falcon Heavy được phóng từ bãi phóng Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, ngày 6/2. (Nguồn: AFP)
Tên lửa SpaceX Falcon Heavy được phóng từ bãi phóng Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, ngày 6/2. (Nguồn: AFP)

Với thành công trên, Elon Musk tiến thêm một bước xa hơn trên con đường biến những hoài bão “không tưởng” của mình thành hiện thực, đó là thành lập doanh nghiệp công nghệ thám hiểm không gian SpaceX vào năm 2002. Mục tiêu của SpaceX là giảm đáng kể chi phí du hành vũ trụ, và đặc biệt hơn là đưa con người lên sao Hỏa.

Theo ông Musk, việc chinh phục sao Hỏa và đưa con người lên đó sinh sống sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của con người, và sự sống còn của loài người phụ thuộc vào việc “xâm chiếm” một hành tinh khác. Có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là một kế hoạch viển vông của vị doanh nhân thường xuyên “ăn to nói lớn” này, nhưng những đột phát trong công nghệ của SpaceX đã mở ra triển vọng “biến điều không thể thành có thể.”

Du hành vào không gian vốn rất tốn kém song giờ đây SpaceX đã tìm ra cách tiết kiệm đến 90% chi phí đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), từ mức 1 tỷ USD cho mỗi lần bay xuống chỉ còn khoảng 60 triệu USD, và con số này sẽ tiếp tục được thu hẹp. Công ty cũng tuyên bố rằng từ 70 đến 80% các sản phẩm của họ được sản xuất tại Mỹ, bởi nguồn lao động địa phương.

Bằng cách nào “tỷ phú không gian” Elon Musk có thể đạt được kết quả đáng kinh ngạc trên? Nguyên nhân có lẽ là cách mà doanh nhân này sử dụng đồng tiền của mình. Các đối thủ cạnh tranh của SpaceX, như “người khổng lồ” Boeing và Lockheed Martin hưởng lợi từ các hợp đồng “hào phóng” của chính phủ.

Musk khuyến khích nhân viên tìm ra các thiết bị thay thế chỉ với giá 5.000 USD thay cho một sản phẩm được báo giá 100.000 USD, và họ đã thành công. 

Trong khi đó, nạn quan liêu, hiệu suất thấp, và thái độ tự mãn là những yếu tố làm thụt lùi những ý tưởng cải tiến. Cuốn tiểu sử của Elon Musk đã mô tả những lần ông khuyến khích nhân viên tìm ra các thiết bị thay thế chỉ với giá 5.000 USD thay cho một sản phẩm được báo giá 100.000 USD, và họ đã thành công.

Năm ngoái, SpaceX công bố kế hoạch sẽ đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2018, đồng thời tiết lộ rằng đã có hai hành khách sẵn sàng “dốc hầu bao” chi cho chuyến du hành không gian đặc biệt này, song danh tính của họ không được tiết lộ.

Ông Musk cho biết tổng chiều dài hành trình dự kiến khoảng 482.000-643.000km và đây sẽ là chuyến bay đưa con người vào không gian xa nhất từ trước đến nay, vượt xa kỷ lục 400.000km của chuyến bay được các phi hành gia trên tàu Apollo 13 thực hiện hồi năm 1970.

Nhìn xa trông rộng

Tesla Motors cũng là một dấu ấn nổi bật khác trong bức tranh đầy tham vọng của vị tỷ phú trẻ tuổi này. 14 năm là con số quá ít để nói về các đế chế trong giới kinh doanh, song vẫn đủ để Tesla đi từ con số 0 thành công ty tiên phong trong ngành ôtô điện thế giới.

Tesla chính thức ra đời vào năm 2003 với mục tiêu phát minh ôtô chạy bằng điện có ngoại hình đẹp, động cơ mạnh, đặc biệt là không khí thải.

Các nhà sản xuất ôtô truyền thống khi đó đã không thèm để mắt tới Tesla. Thậm chí vào bốn năm sau đó, khi hãng trình làng Model S – dòng xe sedan chạy bằng điện cao cấp đầu tiên của thế giới, người ta vẫn coi Tesla là ngôi sao tỏa sáng nhất thời.

Elon Musk với chiếc xe ôtô điện của hãng Tesla. (Nguồn: AFP)
Elon Musk với chiếc xe ôtô điện của hãng Tesla. (Nguồn: AFP)

Mãi đến năm 2009, Tesla mới thực sự khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường xe ôtô điện khi tung ra Roadster – một trong những ôtô mạnh nhất, theo đánh giá của Car&Driver. Mặc dù đã trải qua những giai đoạn tiến sát bờ vực phá sản, Tesla đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục và khiến ngành công nghiệp ôtô “choáng váng.” Giờ đây, các tên tuổi lớn trong ngành như General Motors, Ford, Toyota, BMW, Porches đều đang đua nhau “điện khí hóa” các sản phẩm của họ.

Một điều không thể phủ nhận là may mắn đã mỉm cười với Tesla. Bên cạnh khoản vay của chính phủ trị giá 465 triệu USD, Elon Musk đã mua được nhà máy chế tạo ôtô ở Fremont (California, Mỹ) với giá rất rẻ. Cơ sở này trước đây có giá trị 1 tỷ USD, là trụ sở của New United Motor Manufacturing Inc. (liên doanh giữa Toyota và General Motors), song đã đóng cửa trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra.

Tesla đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục và khiến ngành công nghiệp ôtô “choáng váng.” 

Nhà máy của Tesla đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho khu vực này, có công suất sản xuất lên tới 2.000 xe ôtô/tuần. Hiện Tesla còn mở rộng cơ sở chế tạo xe sang các địa bàn khác, trong đó có Tilburg (Hà Lan) và Lathrop (California).

Việc trở thành Chủ tịch SlolarCity, hãng lắp đặt pin Mặt trời mà gần đây Tesla đã mua lại, đã minh chứng cho tầm nhìn của Elon Musk – một người đam mê công nghệ và tập trung vào việc đổi mới năng lượng. SolarCity thiết kế và lắp đặt hệ thống năng lượng Mặt Trời, đồng thời xây dựng các trạm sạc điện cho Tesla. Vào tháng 4/2015, SolarCity hợp tác với Tesla và một hệ thống xe điện hoàn hảo được hình thành.

Tesla đầu năm ngoái cũng đã chính thức khởi động dây chuyền sản xuất pin lithium-ion trên quy mô lớn tại nhà máy trị giá 5 tỷ USD đặt ở Nevada – cột mốc đánh dấu sự chuyển đổi của Tesla từ công ty sản xuất ôtô sang công ty năng lượng bền vững.

(Nguồn: Tesla)

Có thể nói, sự kiên trì theo đuổi mục tiêu và niềm tin “thay đổi thế giới” của Elon Musk đã truyền cảm hứng cho những doanh nhân khởi nghiệp trẻ tuổi trên toàn thế giới.

Từ những ý tưởng từng được cho là “điên rồ,” SpaceX giờ đã trở thành đối tác của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và quân đội Mỹ, còn dòng xe điện Model S của Tesla được tạp chí Moto Trend (Mỹ) vinh danh là Xe ôtô của năm 2013 và nhận được đánh giá 5 sao về độ an toàn từ Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA)./.