Hoàng Rob

img8504-1518171763-86.jpg

Từ “hiện tượng mạng” với những MV được quay ở những địa danh nổi tiếng Việt Nam như Sơn Đòong, Hoàng Rob từng bước chinh phục khán giả với dự án “Hừng đông” gồm album hòa tấu và concert vionlin đầu tiên ở Việt Nam, trở thành “Nghệ sỹ mới” giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2017 cùng cát-sê dần “leo thang” gấp 200 lần. Gia đình khá giả nhưng chưa bao giờ vung tiền dạo chơi trong âm nhạc, Hoàng bảo, điều kiện kinh tế cho phép Hoàng đầu tư, làm ra những sản phẩm chất lượng, tử tế. Và sau tất cả những điều đó, Hoàng nhận ra nhạc hòa tấu và các nghệ sỹ theo đuổi dòng nhạc này đang dần lộ ra ánh sáng, không còn là thứ nhạc bật trong thang máy nữa.

Ngay từ đầu khi đến với cây đàn violin, được xem nhóm BOND biểu diễn Hoàng đã quyết định con đường của mình là làm ra những sản phẩm thiên về giải trí. Chỉ có làm sản phẩm người nghệ sỹ mới biết công chúng đang nghe thứ nhạc gì. 

Âm nhạc giải trí cũng có đẳng cấp

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Gặt hái được nhiều thành công, cát-sê gấp 200 lần, trở thành “Nghệ sỹ mới của năm” giải thưởng Cống hiến khi là người làm được một album và concert violin đầu tiên ở Việt Nam. Cũng là nhanh đấy chứ bởi chỉ sau một thời gian ngắn tưởng “cố đấm ăn xôi” nhưng Hoàng đã chứng minh “cứ đi sẽ thấy con đường” ?

Trong cuộc sống cũng như âm nhạc thú vị nhất là sự đối thoại. Chúng ta đứng một mình chúng ta vẫn đẹp nhưng sự đối thoại khiến vẻ đẹp đó không đơn điệu. 

Hoàng Rob: Mục tiêu đầu tiên của làm nghệ thuật là làm nên sự khác biệt. Yếu tố thứ hai là sự chăm chỉ và cuối cùng, tiên quyết là sự cầu tiến. Hoàng nghĩ là ở Việt Nam có rất nhiều nghệ sỹ nhạc cụ giỏi, tuy nhiên chúng ta nên phân biệt con đường nghệ thuật của mỗi người. Có người làm nghệ thuật phục vụ cái tôi của họ và có người làm ra những sản phẩm hướng đến đại chúng khán giả.

Hoàng không quá đắn đo và suy nghĩ quá nhiều về đường hướng của mình. Ngay từ đầu khi đến với cây đàn violin, được xem nhóm BOND biểu diễn và hấp dẫn bởi thứ âm nhạc đó Hoàng đã quyết định con đường của mình là làm ra những sản phẩm thiên về giải trí. Chỉ có làm sản phẩm người nghệ sỹ mới biết công chúng đang nghe thứ nhạc gì. Chỉ có làm sản phẩm thì mình mới bắt kịp được xu hướng âm nhạc của quốc tế. Làm hòa tấu cũng như làm món ăn vậy thôi. Chúng ta sẽ không thể bắt công chúng phải ăn món mình vừa mang ra mà phải xem khẩu vị của họ để chế biến, nêm nếm cho phù hợp.

Tôi còn nhớ một vài năm trước khi những nhà tổ chức ở trong nước mời các tên tuổi tầm cỡ như Kenny G, Richard Clayderman về biểu diễn đã gặp vô số dè bỉu của giới mộ điệu và chuyên môn rằng “đó là âm nhạc bật trong thang máy,” “kém sang”…Khi mà trong nước vẫn còn định kiến nặng nề với âm nhạc hòa tấu như vậy cớ sao bạn không chọn cho mình con đường học hành chuyên nghiệp trong trường nhạc?

Hoàng Rob: Năm qua Hoàng làm rất nhiều thử nghiệm âm nhạc và bắt đầu được biết đến, mời tham gia nhiều chương trình. Sau tất cả những điều đó, Hoàng nhận ra nhạc hòa tấu và các nghệ sỹ theo đuổi dòng nhạc này đang dần lộ ra ánh sáng chứ không phải là thứ nhạc bật trong thang máy nữa.

Cũng từng vấp phải nhiều định kiến, dè bỉu nào là tay ngang, nghiệp dư… nhưng chỉ cần cố gắng và quyết tâm, Hoàng đã đường hoàng đứng trên sân khấu riêng biệt của mình một cách kiêu hãnh và đứng ngang bằng với các nghệ sỹ khác, những giọng hát hàng đầu và được trân trọng nhiều hơn. Đó chính là câu trả lời đời sống âm nhạc Việt Nam đang có những khác biệt trước những nỗ lực và liều lĩnh của Hoàng.

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đúng như chị nói, Hoàng cũng nhận thấy công chúng Việt Nam chưa có thói quen đón nhận cái mới và cởi mở. Tuy nhiên, Hoàng thấy một điều rất hay là, khi các nghệ sỹ nổi tiếng về hòa tấu như Clayderman và KennyG về Việt Nam, công chúng rất hào hứng đón nhận đấy nhưng một bộ phận nhạc công, những người học trong trường nhạc thậm chí là nghệ sỹ gạo cội phản ứng rất nhiều, họ dè bỉu đó là thứ âm nhạc trong thang máy. Hoàng nhận ra, sự cực đoan của họ là có cơ sở khi học mất một thời gian dài khổ luyện, gần như cả cuộc đời.

Từ cái hiểu đó, Hoàng có sự đồng cảm nhưng không phải sự đồng tình tuyệt đối. Âm nhạc mênh mông lắm, trăm hoa đua sắc. Thay vì định kiến âm nhạc đó là giải trí, trong thang máy thì nên ứng xử văn minh bằng cách chấp nhận sự khác và công nhận giá trị của người khác. Bởi giải trí hay bác học thì đều có đẳng cấp của nó.

Chúng ta nên nhìn vào thành công của người khác để tìm ra câu hỏi sao họ lại gặt hái được thành tựu như vậy, có tên trong bản đồ, họ bán được hàng triệu bản và âm nhạc của họ được bật mọi nơi, ngay cả trong thang máy. Cũng giống như khi Hoàng nhìn vào các tên tuổi nhạc cổ điển mình có động lực phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Đã đến lúc âm nhạc không chỉ còn là khổ luyện, ở nhà tập đàn mà phải làm sao để tiếng đàn của mình ra ngoài, đến với đại chúng khán giả. Âm nhạc dù có thể nghiệm đến đâu, có đao to búa lớn đến đâu thì việc cuối cùng đến được công chúng.

Khá giả là điều kiện thú vị làm nghệ thuật

Những khoảnh khắc ấn tượng trong live concert ‘Hừng đông’ của Hoàng Rob ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

Là người trẻ nhưng hai năm theo đuổi hòa tấu đương đại người ta thấy Hoàng Rob có những cú “bắt tay” rất đa dạng và táo bạo. Bên cạnh những nhà sản xuất trẻ như Khắc Hưng, Lưu Quang Minh, Hùng Cường bạn còn bắt tay với âm nhạc dân gian như cây nhị Hoàng Văn Sâm, ca nương Kiều Anh đến nghệ sỹ múa Linh Nga và các giọng hát hàng đầu như Hà Trần, Thu Phương và Hoàng Quyên. Mời chắc chắn không dễ và cả tốn nữa nhỉ?

Hoàng Rob: Nhiều người trêu có tấm bằng thạc sỹ kinh tế nên Hoàng giỏi tính toán. Nhưng Hoàng nghiệm ra làm nghệ thuật, nhân tính cũng chẳng bằng chữ duyên. Anh có giỏi tính đến đâu có nhìn xa thế nào mà duyên chưa tới thì cũng chẳng đến đâu. Bên cạnh đó, trong cuộc sống cũng như âm nhạc thú vị nhất là sự đối thoại. Chúng ta đứng một mình chúng ta vẫn đẹp nhưng sự đối thoại khiến vẻ đẹp đó không đơn điệu. Nếu theo dõi, chị sẽ thấy những cuộc đối thoại của Hoàng không kịch tính, cũng giống con người Hoàng, hướng đến sự hài hòa, lịch lãm và có văn hóa. Nên tất cả cuộc bắt tay của Hoàng không chỉ tạo nên giá trị tác phẩm Hoàng còn học được rất là nhiều từ các nét văn hóa dân gian của cây đàn nhị, ngôn ngữ ca trù; học lối xử lý phương tây của Hà Trần, sự đằm thắm của Thu Phương…

Và điều quan trọng nhất là Hoàng đã thuyết phục được tất cả các nghệ sỹ đồng hành cùng Hoàng. Hoàng nghĩ người nghệ sỹ luôn có điểm chung là sự nhạy cảm và hướng đến sáng tạo, trước những cái mới, thách thức thì ai cũng hào hứng và cảm thấy được kích hoạt. Đó là lý do Hoàng mời được những nghệ sỹ nổi tiếng và rất đắt khách hiện nay.

Tôi thấy xung quanh bạn người ta hay bàn tán về điều kiện gia đình của bạn. Tuy không là con nhà có gốc gác âm nhạc nhưng bạn là con nhà khá giả. Đó là điều kiện cần hay đủ giúp bạn nhanh chóng làm được sản phẩm cá nhân?

Hoàng Rob: Hoàng cho rằng đó là điều kiện thú vị. Đã qua rồi thời phải kham khổ mới có nốt nhạc hay ra đời. Bây giờ Hoàng ủng hộ nếu ai có điều kiện kinh tế lại đầu tư làm ra những tác phẩm nghệ thuật tử tế, chất lượng. Đó là điều đáng trân trọng. Nhiều người nhìn nhận Hoàng ở câu chuyện bên lề, Hoàng không quá bận tâm đến những điều tiếng đó nữa. Hoàng chỉ nao núng và xao động trước những lời chê Hoàng kéo chưa hay, nốt nhạc còn phô. Phải lăn lộn với tác phẩm, thai nghén ra sản phẩm mới thấm thía rằng dù có rất nhiều tiền vẫn không cho ra đời sản phẩm tốt.

Trong buổi họp báo vừa qua, Hoàng nhận câu hỏi rất hay, rằng có ý kiến “Hoàng Rob chính là Hồ Ngọc Hà của khí nhạc.” Hoàng cảm thấy rất thú vị và vui trước nhận xét đó. Tiền rất quan trọng nhưng tiền không mua được những nốt nhạc tốt. Chúng ta có tiền để tô vẽ những thứ xung quanh nhưng bản lĩnh, cá tính và tâm hồn mới dệt nên những nốt nhạc. Cái đó không che đậy được. Điều may mắn là gì mình cũng có và tất nhiên còn những thứ chưa cao siêu thì mình sẽ nỗ lực và cố gắng nhiều hơn.

Nhiều người hay hiểu nhầm rằng, những người có tiền thì thường vung ra. Thực ra hơn nhau là biết sử dụng đồng tiền một cách hợp lý. Hoàng chưa phải mua bài hay trả cho bất cứ ai trong làng nhạc cao hơn các đồng nghiệp, tất nhiên cũng không cò kè ít hơn. Từ một MV trong hang đá, từ biệt danh “hot boy Sơn Đòong” đến ngày hôm nay không chỉ có tiền làm nên mà là sự cố gắng của Hoàng. Và sau những cố gắng đến thời điểm này Hoàng đã kiếm được tiền từ các lời mời các show diễn, cát-sê gấp 200 lần để tái đầu tư cho âm nhạc.

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sướng nhất là thỏa mãn chính mình

Trong con đường đi của bạn tôi cũng nhận thấy bạn một tay làm hết mọi việc từ lên concept nhạc, hình ảnh, truyền thông, sản xuất và cả phát hành. Do bạn cầu toàn hay những cái “bắt tay” từ giới chuyên môn chưa thuận?

Hoàng Rob: Trong môi trường làm nghệ thuật khắc nghiệt như Việt Nam, người nghệ sỹ phải nỗ lực và biết làm mọi thứ mới có thể tồn tại. Đúng là Hoàng rất cầu toàn. Đó cũng là mặt tốt là cho phép mình được quyết định mọi thứ. Nhưng đó cũng không phải là điều hay, thậm chí là thiệt thòi cho nghệ sỹ khi họ không được chuyên tâm vào công việc chính của mình. Hoàng học được từ truyền thống gia đình là không làm gì thôi, đã làm là nghiêm túc đến nơi đến chốn.

Hoàng chưa bao giờ dạo chơi trong âm nhạc. Thậm chí với xuất phát điểm của mình, Hoàng đã nỗ lực 200% để đi qua những thử thách và được ghi nhận như hôm nay. Hoàng không ủng hộ nghệ sỹ làm hết mọi thứ. Bây giờ đã là năm 2018, nghệ sỹ phải hướng đến sự chuyên nghiệp hóa bằng việc thiết lập cho mình một êkíp từ làm nhạc, hỗ trợ hình ảnh, truyền thông… Bây giờ Hoàng rất tự tin tập trung vào âm nhạc, tập luyện, kéo đàn.

Chọn hòa tấu đương đại có tính giải trí cao để hướng đến đại chúng khán giả nhưng về sản phẩm bạn rất đầu tư về chất lượng âm nhạc, ngoài những sản phẩm bắt mắt, bắt tai còn là dự án phòng thu, concert. Việc đi cả hai chân như vậy để sướng nghề hay sướng mình, trong khi xu hướng của nghệ sỹ trẻ bây giờ là ra những sản phẩm ngắn hạn như MV, tạo “hit”… ?

Vì sao có những câu chuyện người đi xe đạp vòng quanh thế giới thay vì máy bay? Bởi vì đôi khi đích đến không thú vị bằng con đường mình đi. Làm nghệ thuật sướng nhất là thoãn mãn bản thân mình. 

Hoàng Rob: Đó là sự cân bằng điều mình muốn và khán giả muốn. Vì sao có những câu chuyện người đi xe đạp vòng quanh thế giới thay vì máy bay? Bởi vì đôi khi đích đến không thú vị bằng con đường mình đi. Làm nghệ thuật sướng nhất là thoãn mãn bản thân mình. Còn đích đến thì phải cân bằng cả giới chuyên môn và khán giả.

Khi Hoàng là nghệ sỹ mạng, được biết đến MV “Tự nguyện,” “Cầu vồng đêm mưa” thì người ta sẽ thắc mắc không biết mình thế nào thì Hoàng đã chứng minh bằng một liveconert hai tiếng ở Nhà hát Lớn. Hoàng có sự tự tin của một người trẻ, dù đường vòng hay đường thẳng thì rốt cuộc chơi nhạc cũng chỉ để chạm tới bản nguyên của chính mình. Bạn có thể đi đường vòng hoặc đường thẳng nhưng làm nghệ thuật không có đường tắt hay dùng tiền mua được. Mặc dù với một người trẻ như Hoàng hoàn toàn có thể bằng lòng với những MV triệu view nhưng Hoàng vẫn muốn đào sâu vào nghệ thuật. Hát có rất cách tiệm cận khán giả. Violin khó khăn hơn rất nhiều nếu không phải một cú nổ, không dám làm những điều chưa ai làm thì rất khó gây chú ý. Với thị trường Việt Nam trông chờ “hit” từ hòa tấu là rất khó, phải là sự án dài hơi, nghiêm túc. Đó là sự tử tế trong làm nghệ thuật chứ không thể đi bôi nhọ, kệch cỡm, tầm thường.

Tương lai Hoàng hướng tới hình ảnh nghệ sỹ chỉn chu, lịch lãm, được nhìn nhận là nghệ sỹ chuyên nghiệp hơn là những xì xào về điều kiện, kinh phí. Đó là những thứ thuộc về phi nghệ thuật. Nghệ sỹ và giới làm nghề chỉ có nói được với nhau bằng sản phẩm mà thôi. Hoàng vẫn có ước muốn chia sẻ với các nhạc công khác vì với những gì đạt được, hay sự ghi nhận của giải Cống hiến vài năm trở lại đây khiến Hoàng tin tưởng rằng nhạc hòa tấu, khí nhạc, thính phòng đang dần lộ diện ra ánh sáng và đây chính là thời điểm để bắt đầu./.

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)