Những mỏm núi tang thương 

vnpkhaitha-1516766395-64.jpg

Lời mở đầu

Ngay sau khi mũi khoan cuối cùng được rút ra, nhóm người lao động chia nhau vác từng bao tải thuốc nổ lên những triền đá cao trên đỉnh trời, nhồi vào lỗ khoan, rồi châm lửa kích nổ. Tiếng nổ như sấm xé toạc bầu trời chưa dứt, đất đá bắn tung tóe, bụi bay mịt mù, các cỗ máy rầm rầm lao vào bới xúc, “ăn” hàng…

Quy trình nổ mìn, phá núi đá diễn ra “như cơm bữa” tại hơn 50 mỏ đá trên địa bàn tỉnh Hòa Hòa Bình. Không ít lần dưới những khối đá đó đã nhuốm máu của người lao động. Chỉ tính riêng tại huyện Lương Sơn, từ tháng 4/2017 đến nay, đã có ít nhất 6 thợ đá bị tử nạn, thậm chí có mỏ còn liên tiếp “đoạt mạng” 2-3 người.

Tai nạn thương tâm do hoạt động nổ mìn, khai thác đá theo kiểu “ăn xổi” liên tiếp xảy ra, khiến người dân quanh vùng hoang mang. Và, đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về các mỏ đá hoạt động kém an toàn từ lâu nay; những cuộc thương thảo, cò kè giá tiền đền bù cho từng cái chết của người lao động, đã trở thành câu chuyện hết sức phổ biến trong thế giới khai thác đá ngầm ấy.

Xâm nhập vựa đá

lớn nhất tỉnh Hòa Bình

“Nói thật với chú, ở tỉnh Hòa Bình, mỏ đá nào chả làm sai thiết kế, nếu đầu tư bài bản phải mất rất nhiều tỷ đồng, cực kỳ tốn kém. Mà làm như thế thì sao có lãi được…,” chủ một mỏ đá trên địa bàn xã Cao Dương, huyện Lương Sơn tiết lộ. Hoạt động khai thác đá tại huyện này, vốn chiếm tới 98% mỏ đá của toàn tỉnh, gần đây xảy ra hàng loạt tai nạn thương tâm.

Sự sống và cái chết trong gang tấc

Sau một thời gian dài tìm hiểu, chúng tôi đã tiếp cận mỏ đá số 5 trực thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn khoáng sản Lương Sơn, nằm trên địa bàn xã Cao Dương, huyện Lương Sơn.

Tại mỏ này đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm, khiến anh Bùi Văn Tàng (sinh năm 1985) ở xóm Trại, xã Cao Dương thiệt mạng khi đang tham gia công việc nổ mìn khai thác đá, vào giữa tháng 6/2017.

Từ đường mòn Hồ Chí Minh vào điểm mỏ này chỉ dài khoảng 1km, người viết bài chứng kiến hàng loạt cỗ xe chạy điên đảo rồi chìm trong những lớp bụi trắng trời. Hai bên đường, cây cối bị bụi phủ dày, như không còn sự sống.

Trên đỉnh trời, những người thợ thân hình nhỏ bé thay nhau khoan đá, vác từng bao thuốc nổ lên sườn núi để nhồi thuốc rồi kích nổ. Tiếng nổ như sấm xé toạc bầu trời khiến đất đá bắn tung tóe, bụi bay trắng xóa cả vùng. Chỉ có điều, bụi trắng ấy thoạt trông giống như khói đốt đồng, nhưng khi ngửi, sẽ sợ đến buồn nôn.

Theo đúng thiết kế thì các mỏ đá sẽ phải khai thác phân tầng, tạo những con đường đủ mặt bằng cho người và phương tiện làm việc an toàn. Thế nhưng, tại khu mỏ này, đồ bảo hộ mà những người lao động trên đỉnh trời cũng chỉ có cái áo, chiếc mũ và những sợi dây mong manh.

Bà Bùi Thị Nga ngồi lau chiếc mũ được xem là di vật con trai để lại sau vụ tử nạn trong năm 2017. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Bà Bùi Thị Nga ngồi lau chiếc mũ được xem là di vật con trai để lại sau vụ tử nạn trong năm 2017. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Nằm ngay bên cạnh mỏ đá số 5 là mỏ đá số 7 cũng thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn khoáng sản Lương Sơn. Vào thời điểm đầu tháng 5/2017, tại mỏ này cũng đã xảy ra một vụ tai nạn khiến anh Bùi Văn Quyền (sinh năm 1977) ở huyện Đà Bắc chết thảm.

Từ dưới chân mỏ, mắt thường không dễ nhìn thấy những người thợ nhỏ bé đang trèo leo, cong lưng cố sức tời những cỗ máy khoan khổng lồ lên cao. Chỉ bằng cách zoom ống kính, chúng tôi mới có thể nhìn thấy ít nhất 3 thợ khoan đá đang miệt mài “làm xiếc” trên đỉnh núi.

Trên ấy, sau nhiều năm khoan đá nổ mìn, những tảng đá to như căn nhà đã há mồm toang hoác chờ rơi. Từ mỏm núi chênh vênh cheo leo đó, những người thợ điều khiển máy khoan, nhồi thuốc nổ. Tiếng máy hoạt động đinh tai nhức óc, bột đá bay trắng trời. Cả người và những cỗ máy treo lơ lửng… Sự sống và cái chết chỉ cách gang tấc.

Kinh hoàng nhất là mỏ đá số 9 (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thạch Kim Hòa Bình) nằm cách đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 500m. Từ tháng 4/2017 đến nay, tại mỏ này đã liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn khiến 2 thợ đá bị thiệt mạng, trong đó có anh Bùi Văn Khôi (sinh năm 1988) ở làng Đường, xã Cao Dương.

Mỏ đá số 9 này đã được Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình xác nhận là khai thác sai thiết kế, không đúng quy trình, nhưng đến nay mỏ đá này vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức mối lo của người dân và chính quyền cấp xã.

Mạng người như… mớ rau?

Tạm rời những mỏ đá được người dân đặt tên là “thung lũng chết,” chúng tôi tìm đến gia đình của Khôi (một trong số 4 thợ khoan đá xấu số đã thiệt mạng trong năm 2017, tại xã Cao Dương). Tại đây, những sự thật đau lòng về cái chết của chàng trai bản, tiếp tục được người mẹ kể trong nước mắt.

Mẹ của Khôi là bà Bùi Thị Nga (62 tuổi), ngồi trong căn nhà xập xệ, trước cổng có vài ngôi mộ rất to. Bà bảo, sau cái chết của con trai, phía chủ mỏ cho người mang hơn 200 triệu đồng đến “thương thuyết” về mức giá đền bù, khiến gia đình rất đau lòng.

‘Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ tai nạn chết người tại các mỏ đá rồi. Nếu người địa bàn chết thì chúng tôi mới nắm được, thông qua việc đi dự tang lễ’

Bà Nga, người phụ nữ dân tộc Mường không có chồng, bà “xin” được đứa con từ người đàn ông mà suốt đời bà phải giấu kín. Một mình tần tảo nuôi con đến năm con 29 tuổi, thì xảy ra tai nạn đau lòng…

“Đêm trước khi cháu chưa bị ngã núi, tôi còn khuyên, con ơi bỏ cái nghề nguy hiểm này đi. Cháu bảo, con lớn rồi, con phải đi làm còn có tiền cưới vợ chứ. Khuyên không được, tôi để cháu đi làm và dặn con phải hết sức cẩn thận. Thế rồi, cháu đi mãi, để lại một mình tôi,” bà Nga khóc nghẹn.

Sau một hồi chia sẻ trong nước mắt, bà Nga đưa tay lấy chiếc mũ nhựa (chiếc mũ Khôi từng đội đi khoan đá) đặt ngay trên đầu giường, ôm vào lòng. Bà kể, ngày Khôi đi làm, phía chủ mỏ chỉ phát cho cái mũ nhựa này và chiếc áo thôi. Không thấy có đồ bảo hộ gì cả.

Xác nhận thực tế chua xót trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cao Dương Bùi Minh Biện thở dài: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ tai nạn chết người tại các mỏ đá rồi. Nếu người địa bàn chết thì chúng tôi mới nắm được, thông qua việc đi dự tang lễ. Còn người nơi khác đến, cán bộ xã có khi không biết đâu. Vì họ giấu hết.”

Thợ khoan đá đứng cheo leo bên vách núi. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Thợ khoan đá đứng cheo leo bên vách núi. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Vẫn theo lời ông Biện, thông thường khi tai nạn xảy ra, phía mỏ đá sẽ đưa nạn nhân ra bệnh viện. Ra đó, nếu chết, họ sẽ đưa xuống nhà xác, rồi “thỏa thuận” gia đình đem về mai táng và nhận tiền đền bù, là coi như xong.

Nằm ngay sát xã Cao Dương, hoạt động khai thác đá tại xã Trung Sơn (huyện Lương Sơn) cũng gây ra những cái chết thương tâm. Xót thương nhất là nạn nhân Bùi Văn Minh, sinh năm 1988, trú tại xóm Mái. Minh vào làm tại việc mỏ đá Hồng Quân mới chỉ vỏn vẹn một ngày rưỡi đã tử nạn. Có người bảo Minh bị điện giật khi khai thác đá, chủ mỏ lại nói Minh bị cảm. Cuối cùng, chủ mỏ tới gia đình “thương thuyết” và đền bù tất thảy 120 triệu đồng.

“Nói thật con tôi mất rồi tôi phải đòi như mớ rau, mớ cá, mặc cả từng đồng. Không đòi sao họ cho? Lúc đầu họ bảo 110 triệu, đến lúc gia đình yêu cầu 150 triệu không được, về sau họ chốt 120 triệu và cho người mang đến một cục,” bà Bùi Thị Tặng, mẹ của Minh nói trong nước mắt.

‘Minh vào làm tại việc mỏ đá Hồng Quân mới chỉ vỏn vẹn một ngày rưỡi đã tử nạn…chủ mỏ tới gia đình ‘thương thuyết’ và đền bù tất thảy 120 triệu đồng’

Theo tìm hiểu của phóng viên, xóm Mái hiện có khoảng 100 thợ đá và trong hai năm gần đây đã có 2 trường hợp bị tử vong khi đang làm việc.

Nằm kề xã Trung Sơn là xã Thành Lập cùng thuộc huyện Lương Sơn, hồi tháng 7/2017 cũng có một công nhân bị đá văng vào người khi đang nổ mìn, nhưng phía công ty không báo với chính quyền mà tự “thương thuyết” với gia đình nạn nhân.

“Gần như các mỏ đá khi xảy ra tai nạn đều không thông báo. Trường hợp gần nhất xảy ra tại mỏ đá của Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn, sau khi trưởng thôn thông tin thì chúng tôi cũng gọi điện cho chủ mỏ để xác minh. Khi đó, phía mỏ mới cho biết đã đưa nạn nhân đi cấp cứu và đưa về quê an táng,” lãnh đạo xã Thành Lập chia sẻ.

Đúng như vị lãnh đạo xã Thành Lập phân trần, hầu hết lao động làm việc tại các mỏ đá khi xảy ra tai nạn sẽ được đưa thẳng đến bệnh viện cấp cứu, nếu không qua khỏi, sẽ được công ty đưa thẳng về nhà và thỏa thuận với gia đình số tiền đền bù.

Thông thường, mỗi lao động bị nạn sẽ được hỗ trợ đền bù từ 100 đến 150 triệu đồng, trường hợp nào gia đình làm “căng” thì con số đền bù có thể nhích lên. Trường hợp của các nạn nhân Bùi Văn Minh, Bùi Văn Khôi là những minh chứng.

Tuy nhiên, không dễ để phía chủ mỏ chốt ngay con số mà họ thường cử đại diện đến thương thuyết với gia đình và chắc chắn khi chủ mỏ trả tiền thì người thân nạn nhân không kiện tụng gì nữa. “Chuyện đã qua rồi, tôi cũng không muốn nhắc lại, nhưng thâm tâm vẫn còn rất đau,” bà Nga, mẹ của Khôi khóc nghẹn.

Cứ như thế, đến khi sự việc trôi dần vào dĩ vãng, chẳng mấy ai khơi lại quá khứ hoặc quan tâm truy xét xem lỗi do đâu, tại ai bởi giữa người lao động và chủ mỏ làm gì có hợp đồng hay ràng buộc nào về mặt pháp lý.

Chỉ biết, vì nghèo nên những chàng trai bản chấp nhận đi “làm xiếc” trên đỉnh núi. Và, nếu không may xảy ra tai nạn, cái chết của họ sẽ được chủ mỏ tìm cách “thương thuyết” với gia đình, và mặc định bằng những đồng tiền…“bán mạng.”./.

Xã gõ kẻng 

yêu cầu dừng nổ mìn phá đá

Không chỉ bị ám ảnh bởi những vụ tai nạn thương tâm, người dân sinh sống quanh các mỏ đá tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, hàng ngày còn bị “tra tấn” bởi tiếng máy khoan inh tai nhức óc và cả những rung chấn tựa như động đất do vấn nạn nổ mìn “công phá” núi, sử dụng thuốc nổ vượt số lượng và sai vị trí.

Chỉ tính riêng tại xã Cao Dương, hiện có 12 mỏ đá vôi đang được khai thác, trong số đó có những mỏ cách khu dân cư chỉ vài trăm mét hoặc một quả đồi nên khi hàng trăm kg thuốc nổ tại các mỏ đá đồng loạt phát nổ, cả vùng lương dân lại tá hỏa, bất an.

Đang cơm trưa, phải ôm bát tháo chạy

Gần về trưa, bụi bay trắng trời như màn sương. Con đường nhỏ chạy thẳng vào khu mỏ đá Ngọc Thảo tại xã Cao Dương chốc chốc lại nghẽn lại bởi hàng loạt xe tải kéo tới “ăn” đá. Phía trong mỏ, cả một dây chuyền đang ra sức nghiền đá, tiếng máy kêu inh tai, nhức óc.

Trên sườn núi, 3-4 người thợ thay nhau khoan đá, họ vác từng bao thuốc nổ lên mõm đá, nhồi thuốc vào lỗ khoan rồi kích nổ. Tiếng nổ như bom chưa dứt thì đất đá bắn tung tóe, mùi thuốc nổ như khói đốt đồng lẫn bụi trắng xóa tỏa đi khắp nơi.

Sau thời gian nổ mìn là cảnh những xe tải hàng chục tấn ùn ùn kéo vào “ăn” hàng. Điểm đến của những chuyến xe này là các nhà máy nghiền đá, hoặc sản xuất xi măng. Đặc biệt, sau khi qua sơ chế, chúng tiếp tục được chở về khu vực Hà Nội để phục vụ các trạm trộn hoặc công trình xây dựng.

‘Có hôm tôi đang ăn trưa còn phải ôm bát tháo chạy. Cứ thế, ở sát mỏ nên cuộc sống bất an lắm’

Trong khi đó, nằm ngay sát khu mỏ, người dân thôn Quèn Thị cũng phải quen với cảnh “sống chung” với tiếng mìn nổ như sét đánh bên tai. Lo sợ đá bắn vào nhà, nhiều người dân cho biết, cứ gần đến giờ phía mỏ đá nổ mìn, họ lại chạy khỏi nhà.

“Mỗi lần họ nổ mìn, tường nhà rung lên rất mạnh, thậm chí nhiều lần đá còn rơi xuống mái nhà, mẹ con phải rủ nhau đi tránh,” bà V., người dân thôn Quèn Thị, sống cách mỏ đá Ngọc Thảo khoảng vài trăm mét kể.

Ông Đ., nhà đối điện mỏ đá Ngọc Thảo cũng phản ánh, ở đây hàng ngày mìn vẫn cứ nổ to như thế, có khi hàng yến thuốc nổ cùng lúc như động đất, khiến cả nhà rung lắc.

Theo lời ông Đ., hoạt động nổ mìn tại mỏ đá này thường diễn ra vào tầm trưa và chiều. Có hôm thì 11 giờ 30, có hôm 14 giờ, bình quân doanh nghiệp nổ ngày hai lần, khiến người dân xung quang luôn phải sống trong tình cảnh nơm nớp lo sợ.

“Thậm chí, có hôm tôi đang ăn trưa còn phải ôm bát tháo chạy. Cứ thế, ở sát mỏ nên cuộc sống bất an lắm,” ông Đ., thở dài nói.

Xác nhận thực tế trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cao Dương cho biết, Công ty Ngọc Thảo trong quá trình sản xuất đã làm nứt nhà, tường và hỏng mái của hơn 10 hộ dân, hiện phía công ty đã đền bù từ 3 triệu đến 14 triệu đồng/hộ.

Điều đáng nói là, hoạt động nổ mìn để khai thác đá không chỉ khiến người dân sống gần khu mỏ bất an vì tiếng ồn, làm nứt nhà cửa, một số mỏ đá còn gây ra các vụ tai nạn chết người. Cụ thể, từ tháng 4/2017 đến nay, trên địa bàn xã Cao Dương đã xảy ra 4 vụ tai nạn gây chết người tại các mỏ số 5,7 và 9.

“Cứ mỗi khi mỏ đá nổ mìn, nhà tôi lại rung bần bật. Cách đây vài tuần, một tảng đá rất to từ trên núi còn lăn xuống đường nằm ngay sát nhà. Từ hôm ấy đến giờ, lúc nào tôi cũng sợ, phải đóng kín cổng,” chị L, một người dân sống cạnh mỏ đá số 9 thấp thỏm nói.

Không đủ thẩm quyền

Về trách nhiệm xử lý các mỏ đá vi phạm, ông Bùi Minh Biện – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cao Dương cho biết, chính quyền địa phương rất bức xúc, lo lắng trước vấn nạn nổ mìn khai thác đá trên địa bàn. Tuy nhiên, trách nhiệm của xã chỉ có thể nhắc nhở, thông báo lên cấp trên, chứ không đủ thầm quyền đình chỉ.

“Trường hợp, doanh nghiệp nổ mìn đến 2 giờ, chúng tôi sẽ gõ kẻng yêu cầu dừng. Thế nhưng, một số mỏ vẫn cứ nổ mìn quá giờ quy định. Thậm chí, các doanh nghiệp còn sử dụng thuốc nổ vượt số lượng quy định và nổ mìn khai thác vượt ranh giới cho phép,” ông Biện bức xúc nói.

Chứng minh cho thực tế nêu trên, ông Biện cho biết, ngày 10/4/2017, Ủy ban Nhân dân xã Cao Dương phối hợp với ban lãnh đạo thôn Om Làng làm việc với đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thiên Hà Hòa Bình để kiểm tra thực trạng hoạt động của công ty này.

“Tại thời điểm kiểm tra, công ty đã tiến hành nổ mìn vượt ranh giới được Nhà nước cấp phép. Việc nổ mìn khai thác đá trái phép của công ty bắt đầu từ năm 2015, chính quyền xã đã yêu cầu dừng ngay việc vi phạm và đã báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện xử lý theo quy định. Tuy nhiên, thi thoảng công ty lại nổ mìn khai thác đá trái phép,” ông Biện thông tin.

Không chỉ riêng xã Cao Dương, mà tại nhiều mỏ đá nằm trên địa bàn xã Thành Lập cũng diễn ra cảnh nổ mìn “điên đảo,” gây mất an toàn như vậy. Đặc biệt, một số mỏ đá còn nằm gần sát với đường Hồ Chí Minh, như mỏ đá Hồng Quân, Thành Hiếu, nên khi nổ mìn còn gây hoảng loạn cho người tham gia giao thông.

Thế nhưng, điều mà người dân nơi đây lo ngại nhất là việc một số mỏ dồn 3-4 ngày thuốc nổ để nổ một lần nhằm tiết kiệm chi phí nhân công, có khi lượng thuốc nổ lên đến cả tấn, gần như một quả bom. Mỗi khi phía mỏ nổ mìn, bụi bay cuồn cuộn như giông bão.

Theo lời của người dân sinh sống ở gần các khu mỏ, để có thể sử dụng một lượng lớn thuốc nổ như vậy, các chủ mỏ thường tiến hành đặt khoan nhiều mũi rồi nhồi thuốc một thể, vừa tiết kiệm ngày công, vừa phá được nhiều đá.

Thực tế trên đã được lãnh đạo xã Thành Lập xác nhận rằng, chính quyền xã nhận thấy thực trạng bất cập trên nhưng chỉ dừng ở mức nhắc nhở vì thẩm quyền kiểm tra, xử phạt ngoài tầm của xã. Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường có quy định thời gian nổ nhưng hầu như các mỏ không chấp hành.

“Mặc dù giờ nổ mìn được các chủ mỏ ghi trên bảng ở công trường khai thác và thông báo đến chính quyền, nhân dân từ 11-12 giờ và 17-18 giờ, nhưng có khi nổ từ 13-14 giờ, chính quyền nhắc thì họ bảo lỗi kỹ thuật hoặc phải xử lý tình huống khi hòn đá to không vào máng nghiền đươc,” vị lãnh đão xã Thành Lập chia sẻ.

‘Không chỉ riêng xã Cao Dương, tại nhiều mỏ đá nằm trên địa bàn xã Thành Lập cũng diễn ra cảnh nổ mìn điên đảo như vậy’

Tiếp tục đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi được biết, hồi tháng 8/2017, Công an tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ngăn chặn một vụ nổ mìn với khối lượng lớn thuốc nổ tại mỏ đá Lộc Môn thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xi măng Trung Sơn, địa chỉ thôn Lộc Môn, xã Trung Sơn.

Thời điểm trên, lực lượng công an phát hiện, đã có một số lượng lớn thuốc nổ được nạp vào 150 lỗ khoan trên núi đá. Tại hiện trường còn lại 781 kg thuốc chưa kịp nhồi. Công an tỉnh và Bộ chị huy quân sự tỉnh Hòa Bình đã phối hợp hủy toàn bộ vật liệu nổ sau đó.

Vậy nhưng, theo phản ánh của chính quyền xã Trung Sơn, cũng như ghi nhận của chính quyền các xã Cao Dương, Thành Lập, thì vụ nổ mìn với số lượng “khủng” đã bị ngăn chặn trên chỉ là một vụ việc hy hữu đã bị xử lý, bởi thực tế việc các mỏ đá nổ mìn quá số lượng, quá thời gian quy định vẫn liên tiếp xảy ra../.

Bụi đá bủa vây nhà, ruộng vườn bị bỏ hoang

Được đánh giá là một trong những địa phương giàu tài nguyên khoáng sản nhất của tỉnh Hòa Bình, song hoạt động khai thác mỏ tại huyện Lương Sơn lại đang gây ra nhiều mất mát và để lại không ít hệ lụy khó giải quyết.

Đáng nói hơn, trong khi các doanh nghiệp khai thác đá chỉ dồn sức khai thác theo kiểu hàm ếch và “dễ làm, khó bỏ” không có trách nhiệm với nhà nước, cộng đồng thì chính những người dân sở tại lại phải đối mặt với ô nhiễm, đói nghèo triền miên ngay trên những “núi vàng” họ gắn bó, bảo vệ.

Đói nghèo vì…bụi đá

Là một trong những gia đình phải sống trong tình cảnh ô nhiễm do hoạt động khai thác đá từ mỏ đá Ngọc Thảo, bà H., người dân thôn Quèn Thị, xã Cao Dương cho biết, từ ngày doanh nghiệp đến khai thác đá, cuộc sống của gia đình bà đã bị đảo lộn, ảnh hưởng tới mọi sinh hoạt của gia đình.

“Cái ảnh hưởng rõ nhất là bụi. Cứ mỗi khi doanh nghiệp nổ mìn, nghiền đá, bụi trắng xóa lại bay dồn về phía nhà tôi như cơn mưa trắng trời. Bụi nhiều đến nỗi, mỗi ngày quét sân, quét nhà tới 15-20 lần vẫn không hết,” bà H., buồn rầu.

Để chứng minh cho nỗi khổ phải “sống chung với bụi,” bà H., dẫn chúng tôi vào thăm căn nhà đang tràn ngập bụi mịn. Từ sân, cây cối, mái ngói, giường, bàn tủ, tivi, bàn thờ, nồi niêu trong nhà, đâu đâu cũng bị bụi phủ một lớp dày, trắng xóa.

“Hôm nay, máy nghiền của doanh nghiệp đang bị hỏng nên bụi mới ít hơn đấy, chứ bình thường bụi cứ như mưa phùn rơi cả ngày. Có đêm ngủ, sáng mai dậy, bụi phủ ngoài sân, có chỗ còn dày đến gần nửa lóng tay.,” bà H., chia sẻ thêm.

Không chỉ bị bụi đá bủa vây nhà cửa, mà cây cối trong vườn nhà bà H., cũng khô héo, phải bỏ hoang. Cuộc sống nghèo đói, buộc vợ chồng bà H., phải đi làm thuê, làm mướn, kiếm tiền trang trải từng bữa ăn, nuôi con ăn học, mong cho con sớm thoát cảnh ô nhiễm, đói nghèo.

Đáng lo ngại nhất là nhà bà N., nằm giáp ranh với tường bao công ty và cách khu vực máy nghiền của mỏ đá Ngọc Thảo, dưới 100m. Do phải “hứng” lượng bụi đá quá lớn cùng với tiếng mìn nổ như sét đánh bên tai mỗi ngày, không thể chịu được nên bà N., đành phải đi ở nhờ tại nhà chị dâu cùng xóm.

Cùng nằm trong vùng bị ảnh hưởng bụi đá nặng nề, ông Đ., người dân thôn Quèn Thị bức xúc nói: “Doanh nghiệp khai thác đá, họ chỉ nghĩ chuyện khai thác làm sao được nhiều đá, bán lấy tiền thôi, họ có quan tâm gì tới chuyện ô nhiễm, chúng tôi phải sống chung với tiếng ồn, bụi bẩn kinh khủng thế nào đâu.”

Ông Đ., năm nay 63 tuổi, sống một mình trong căn nhà cấp 4 dột nát. Căn nhà này đã từng bị đá từ mỏ đá Ngọc Thảo bắn sang tới 3 lần. Ông bảo, ở cạnh mỏ đá rất nguy hiểm, tiếng ồn và “mưa bụi” không thể nào ngủ được, nhưng ông vẫn phải sống tại căn nhà này, vì không biết đi đâu khi không có đất để di dời.

Ngoài ô nhiễm bụi, người dân xã Cao Dương còn phản ánh tình trạng nguồn nước ở hồ, suối bị ô nhiễm nghiêm trọng do một số mỏ đá thải nước rửa cát. Do gần đây cát tự nhiên khan hiếm nên nhiều mỏ đầu tư dây chuyền nghiền đá thành cát nhân tạo rồi dùng một khối lượng nước lớn để rửa loại cát này và xả thẳng môi trường.

Bụi đá phủ trắng bàn, tủ của người dân. (Ảnh: H.V/Vietnam+) 
Bụi đá phủ trắng bàn, tủ của người dân. (Ảnh: H.V/Vietnam+) 

Bất lực trước ô nhiễm?

Xác nhận thực tế chua xót trên, ông Bùi Minh Biện – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Cao Dương cho biết, trên địa bàn hiện có 12 mỏ đá “khổng lồ” đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cấp phép khai thác. Phần lớn các mỏ đá đều gây hại tới môi trường, trong đó mỏ đá Ngọc Thảo gây ô nhiễm bụi nặng nề nhất.

“Lý do là, vị trí khu vực nghiền đá của công ty ở ngay sát khu dân cư và ở đầu hướng gió, nên trong quá trình sản xuất đã phát tán lượng bụi rất lớn ra môi trường xung quanh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh,” ông Biện nói.

Vị Chủ tịch xã Cao Dương cũng cho biết, để chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm trên, chính quyền xã đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện và cơ quan chức năng của tỉnh có các biện pháp xử lý vi phạm; đề nghị công ty có phương án di dời đối với các hộ dân bị ảnh hưởng đến vị trí khác để ổn định cuộc sống, sinh hoạt, nhưng đến nay, phía công ty vẫn không chấp hành.

Không chỉ riêng xã Cao Dương, tại khu vực khai thác đá của mỏ đá Hồng Quân, Thành Hiếu và nhà máy xi măng Vĩnh Sơn (nằm trên địa bàn xã Thành Lập), tình cảnh ô nhiễm bụi đá cũng diễn ra tương tự. Nơi đây, bầu không khí lúc nào cũng u ám bởi bụi mịn, tiếng máy khoan, máy xúc, máy nghiền inh ỏi khắp vùng.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã Thành Lập và Cao Dương cũng thừa nhận sự “bất lực” trước tình trạng ô nhiễm bụi và tiếng ồn từ các mỏ đá. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần hối thúc doanh nghiệp nhưng không ăn thua, nên chỉ biết báo cáo lên huyện, lên tỉnh để cấp trên cử đoàn xuống kiểm tra.

Trong khi đó, nguồn tin từ Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình tiết lộ, mỏ đá Ngọc Thảo đang có dây chuyền cắt nghiền mạt đá, phát tán bùn thải và lượng bụi rất lớn đã gây ô nhiễm môi trường. Dây chuyền cắt nghiền đá này không nằm trong dự án, chỗ khai trường cũng không có thủ tục gì.

“Tóm lại là hoạt động cắt nghiền mạt đá tại mỏ này làm trái phép. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã lập biên bản xử phạt rồi nhưng hiện tại ở đây vẫn khai thác, dù không có giám đốc điều hành tại mỏ,” nguồn tin cho biết thêm.

Nước thải tại mỏ đá Ngọc Thảo. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Nước thải tại mỏ đá Ngọc Thảo. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Kinh phí bảo vệ môi trường ở đâu?

Theo tìm hiểu của phóng viên, với gần 100 trăm mỏ đá thuộc 67 doanh nghiệp được cấp phép trên địa bàn, năm 2016, tỉnh Hòa Bình thu ngân sách gần 180 tỷ đồng trên tổng sản lượng 6,7 triệu m3 đá, trong đó thuế tài nguyên chiếm trên 41 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường khoảng 23 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 35 tỷ đồng, cùng một số loại thuế phí khác.

Theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Một số xã lại tỏ ra khá bất ngờ khi được hỏi về việc sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường, vì họ chưa bao giờ được tiếp cận.

Cụ thể, tiền phí môi trường này giúp phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Đặc biệt, Điều 8 có nhấn mạnh “nơi có hoạt động khai thác khoáng sản là nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản theo địa bàn quản lý của cấp xã và cấp huyện.”

Quy định là vậy, nhưng một số xã lại tỏ ra khá bất ngờ khi được hỏi về việc sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường, vì họ chưa bao giờ được tiếp cận. Điển hình như xã Thành Lập, hiện có 6 mỏ đá đang hoạt động nhưng tuyệt nhiên không nhận được bất cứ khoản kinh phí nào liên quan đến phí bảo vệ môi trường.

“Nếu phí bảo vệ môi trường chỉ phân chia cho tỉnh và huyện thì không phù hợp, số tiền đó phải được quay trở lại các vùng bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác đá để khắc phục đường sá, bảo vệ môi trường không khí, mua bảo hiểm y tế cho người dân địa phương mới phải,” ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thành Lập phân trần.

Ông Lập cũng cho biết, chính quyền xã Thành Lập đã có ý kiến rất nhiều lần với cấp trên, kể cả với đại biểu quốc hội khi xuống tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ khoản kinh phí nào liên quan đến phí bảo vệ môi trường.

Không riêng Thành Lập, mà xã Trung Sơn ở kề bên, tuy có gần chục mỏ đá đang khai thác nhưng cũng chưa hề nhận được phí bảo vệ môi trường.

Phí bảo vệ môi trường chuyển hết lên ‘trên’

Phản ánh với phóng viên, một cán bộ xã Trung Sơn cho hay: “Phí bảo vệ môi trường chuyển hết lên trên, qua tiếp xúc cử tri, bà con muốn có khoản kinh phí để giúp cải tạo môi trường nhưng xã không có, huyện thì có nhưng phân bổ cho các xã khác chứ xã này không được.”

Riêng với huyện Lương Sơn, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện cho biết, trong năm qua, huyện được tỉnh phân bổ khoảng 4 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường và số tiền này được giao cho Ban quản lý Dự án của huyện quản lý.

Dù có tới 19 xã và một thị trấn nhưng chỉ có hai xã được ưu tiên nhận khoản tiền này để sửa chữa đường giao thông. Cụ thể, xã Cao Dương được phân bổ 1 tỷ đồng để làm đường tại thôn Quèn Thị, còn xã Hòa Sơn được nhận 3 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường vận chuyển cho chính mỏ đá trên địa bàn./.

Vì sao các mỏ đá 

sai thiết kế, gây chết người vẫn tồn tại?

Theo quy định, cơ quan quản lý có thể tính đến việc đề nghị rút giấy phép của các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn lao động, quy cách khai thác. Nhưng nguy cơ dẫn đến những cái chết oan uổng tại các mỏ đá ở Hòa Bình vẫn hiện hữu bởi một lý do: Việc khai thác hàm ếch ấy đã mang lại lợi nhuận quá lớn mà chủ đầu tư không phải mở đường, tạo mặt bằng thiết kế cơ sở. Nếu xảy ra tai nạn, gây chết người, họ sẵn sàng đền bù 1 đến 2 trăm triệu đồng, là xong.

Lợi nhuận “đè chết” người lao động

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay đã có ít nhất 6 người thiệt mạng tại các mỏ đá này. Trong khi đó, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình lại tỏ ra không hay biết và cho rằng các mỏ đá vẫn khai thác an toàn.

Ông Nguyễn Minh Biện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cao Dương cho biết, trên địa bàn có 10 công ty khai thác đá vôi, nhưng chỉ có 2 công ty khai thác đúng thiết kế. Tám công ty còn lại khai thác không đúng theo quy định, đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, gây ra mất an toàn lao động.

“Chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 9/2017, trên địa bàn xã đã xảy ra 4 vụ tai nạn khiến 4 người thiệt mạng. Trong đó, mỏ số 9 liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn khiến 2 người thiệt mạng,” ông Biện dẫn chứng.

Vị Chủ tịch xã Cao Dương cũng cho biết, sau các vụ tai nạn chết người đã xảy ra, hoạt động nổ mìn, khai thác đá sai thiết kế, không đảm bảo an toàn lao động tại các mỏ trên vẫn ngang nhiên diễn ra, khiến người dân và chính quyền cấp xã rất bức xúc, lo lắng.

“Chúng tôi cũng đã nhiều lần báo cáo sự việc bằng điện thoại và văn bản lên các cấp có thẩm quyền của huyện, tỉnh để giải quyết. Thế nhưng, cán bộ cấp trên đi kiểm tra cứ phát đề cương, kế hoạch trước, rồi đi như kiểu cưỡi ngựa xem hoa, rồi đâu lại vào đấy. Chỉ có dân thiệt hại,” ông Biện nói thêm.

Để thẩm định thông tin trên, chúng tôi đã thâm nhập vào khu vực các mỏ đá khai thác sai thiết kế, không đảm bảo an toàn lao động.

Tại đây, chúng tôi cũng đã được Dũng, một thợ khoan đá, tại xóm Om Trại, xã Cao Dương, chia sẻ về cái nghề “bán mạng mưu sinh” trên đỉnh trời. Dũng kể, ngày vào mỏ, công ty phát cho cậu và em trai là Bùi Văn Tùng, mỗi người một cái mũ nhựa, không có đến cả một sợi dây an toàn.

Ngày ngày, hai anh em Dũng cứ tay trần leo lên đỉnh trời đá xám, rồi cắm cúi khoan nổ mìn. Thế rồi, một ngày giữa tháng 6/2017, Tùng đã bị tử nạn sau trận ngã núi ở mỏ đá số 5. Chứng kiến em trai bị tử nạn, Dũng cũng bỏ luôn nghề.

Thẳng thắn chia sẻ về nghề, chủ một mỏ đá được đánh giá là khai thác đá đúng thiết kế tại xã Cao Dương tiết lộ rằng, phần lớn mỏ đá trên địa bàn đều khai thác sai thiết kế để giảm chi phí đầu tư. Tất nhiên, vì khai thác kiểu “ăn xổi” nên không ít người lao động đã phải bỏ mạng.

Còn nếu không may xảy ra tai nạn, đó là do lỗi người lao động.

“Người ta chạy theo lợi nhuận. Tất nhiên đây không phải là vấn đề của một mỏ mà là tổng thể của toàn xã hội, rất phổ biến, nhiều ngành nghề khác nhau, chứ không chỉ nói riêng khai thác đá,” chủ mỏ đá trên chia sẻ thêm.

Như lời chủ mỏ này chia sẻ, rõ ràng, những quy định khắt khe về an toàn và thiết kế cơ sở vốn được coi như điều kiện tiên quyết để một mỏ đá được phép hoạt động kia đã bị phớt lờ trên hầu khắp các mỏ. Chủ mỏ chỉ quan tâm tới việc, khai thác sao cho ít chi phí đầu tư, bới được nhiều đá và bán ra được nhiều tiền nhất.

Còn nếu không may xảy ra tai nạn, đó là do lỗi người lao động. Dĩ nhiên, khi xảy ra chết người, chủ mỏ sẽ tìm cách thương thuyết, đền bù cho thân nhân ít tiền là xong.

Buông lỏng quản lý, hay phớt lờ sai phạm?

Ngày 5/10, trao đổi với nhóm phóng viên, Phó Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình – bà Trần Tố Chinh cho biết, từ đầu năm 2016, Bộ Xây dựng phối hợp với cơ quan chức trách tỉnh Hòa Bình tổ chức thanh kiểm tra tổng thể gần 100 mỏ đá trên địa bàn. Ngót nửa số mỏ bị chỉ ra các vi phạm về thiết kế cơ sở, tức là khoét hàm ếch và “dễ làm, khó bỏ.”

Tuy nhiên từ thời điểm thanh kiểm tra đó đến nay, bà Chinh cho biết, chưa có một bản báo cáo nào nữa đồng thời khẳng định, những năm gần đây không có tai nạn do mất an toàn lao động nghiêm trọng xảy ra ở các mỏ đá trên địa bàn.

Liên quan tới vấn đề này, chiều 16/1/2018, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình về thực trạng mất an toàn lao động tại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh.

Bày tỏ sự lo lắng, ông Dũng thẳng thắn cho biết, tình trang mất an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản (chủ yếu là khai thác đá) trên địa bàn trong năm 2017 chiếm tỷ lệ khá cao, tới 6-7%. Riêng tại huyện Lương Sơn, tỷ lệ mất an toàn lao động, tai nạn lao động trong khai thác đá chiếm cao nhất toàn tỉnh, với khoảng 2,3%.

Ông Dũng cũng thừa nhận, mặc dù Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình đã tuyên truyền vận động nhiều lần, nhưng việc kiểm soát an toàn lao động cho các công nhân, thợ khai thác đá trên địa bàn còn khó khăn. Tỉnh cũng chưa có chế tài để xử lý được, bởi lý do nhận thức của doanh nghiệp và người lao động còn hạn chế. Giữa người lao động và chủ mỏ cũng không có ràng buộc về mặt pháp lý.

Vì thế, “hiện tại, chúng tôi cũng chỉ có thể áp dụng biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở chứ không có chế tài gì để ép người lao động vào làm việc tại các mỏ đá phải chấp quy định về an toàn lao động được. Hơn nữa, thanh tra lao động cấp tỉnh chỉ có 3-4 người phải làm nhiều thứ việc, nên không thể đi kiểm tra thường xuyên được. Chưa kể, đi nhiều, doanh nghiệp cũng sẽ thắc mắc, nên rất khó quản lý,” ông Dũng nói thêm./.

Thảm họa  

‘bán mạng mưu sinh’ ở Hòa Bình

Tại xã Cao Dương, nơi có ít nhất 4 người dân đã bị thiệt mạng tại các mỏ đá, lãnh đạo địa phương cho rằng sự tồn tại của các mỏ đá “nhuốm máu người” trên là do sự “nhập nhèm” trong cách xử lý.

Khi xảy ra tai nạn chết người tại các mỏ đá, chính quyền xã cũng “không được biết” cho đến khi người dân đi làm giấy báo tử, tổ chức tang lễ. Đó cũng là lúc chủ mỏ đã “thương thuyết” xong với gia đình bằng những đồng tiền…“bán mạng.”

“Họ làm tắt,” xã không được biết

Không giấu nổi nỗi bức xúc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cao Dương, cho rằng hoạt động nổ mìn, khai thác đá trên địa bàn bấy lâu nay diễn ra rất phức tạp, nhưng vai trò của chính quyền cấp xã trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý doanh nghiệp vi phạm lại bị hạn chế do không đủ thẩm quyền.

Cụ thể, khi xin ý kiến cấp phép mỏ cho doanh nghiệp thì xã được mời tham gia cho ý kiến, còn khi quyết định cấp phép, điều chỉnh hoạt động của mỏ đá thì xã lại không được tham gia nên rất khó nắm bắt tình hình hoạt động của các mỏ đá.

Tuy nhiên, qua thực tế khai thác, chính quyền xã Cao Dương nhận thấy, phần lớn các mỏ đá trên địa bàn đều làm sai, từ việc gây ô nhiễm, nổ mìn quá thời gian và số lượng, khai thác sai thiết kế, không đảm bảo an toàn cho người lao động.

Một trong những vụ việc đã được chính quyền xã Cao Dương “bắt tận tay” là hoạt động nổ mìn tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thiên Hà Hòa Bình, vào ngày 10/4/2017. Tại thời điểm kiểm tra, công ty đã tiến hành nổ mìn vượt ranh giới được Nhà nước cấp phép.

Theo lãnh đạo xã Cao Dương, việc nổ mìn khai thác đá trái phép của công ty này bắt đầu từ năm 2015, chính quyền xã đã yêu cầu dừng ngay việc vi phạm và đã báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện xử lý theo quy định. Tuy nhiên, thi thoảng công ty lại nổ mìn khai thác đá trái phép.

‘Khi xảy ra tai nạn chết người, cơ quan chức trách của huyện, tỉnh về làm việc riêng với chủ mỏ, chứ xã có được tham gia đâu, xong kết quả cũng không thấy công bố’

“Đó cũng là lý do, từ tháng 4/2017 đến nay, trên địa bàn đã liên tiếp xảy ra 4 vụ tai nạn, khiến 4 người lao động bị thiệt mạng,” ông Hùng khẳng định những vụ tai nạn này xã cũng không hề hay biết, cho đến khi người dân đi làm giấy báo tử…

Điều đáng nói là, không chỉ bị “ém” thông tin khi xảy ra các vụ tai nạn chết người, chính quyền xã Cao Dương còn “không được tham gia” vào việc tiếp cận, xác minh nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn.

“Khi xảy ra tai nạn chết người, cơ quan chức trách của huyện, tỉnh về làm việc riêng với chủ mỏ, chứ xã có được tham gia đâu, xong kết quả cũng không thấy công bố. Nói thật, việc nay, họ làm tắt, ‘ăn giơ’ với nhau rồi thôi,” một cán bộ xã Cao Dương chia sẻ thêm.

Đừng dửng dưng với “cái chết”

Sau nhiều lần liên hệ, phóng viên VietnamPlus đã gặp được ông H., đại diện mỏ đá số 9 (mỏ đá liên tiếp để xảy ra 2 vụ tai nạn khiến 2 người lao động bị thiệt mạng trong năm 2017). Trong câu chuyện với phóng viên, ông H., cho biết, mỏ đá số 9 vừa khai thác được một năm. Hai vụ tai nạn vừa xảy ra, là điều đáng tiếc, và công ty đã tự “chấn chỉnh lại mình.”

Khi được hỏi nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn, ông H., cho rằng, hai vụ tai nạn gây chết người xảy ra trong năm 2017 là do sự chủ quan của người lao động, do họ “coi thường cái chết.” Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn, thì trách nhiệm vẫn là ở công ty, và công ty đã đền bù thỏa đáng cho các gia đình.

Tiếp tục đặt câu hỏi, vậy sau khi để xảy ra liên tiếp 2 tai nạn chết người do khai thác sai thiết kế, không đảm bảo an toàn lao động, cơ quan chức năng có về kiểm tra, và mỏ có bị đình chỉ hoạt động?. Ông H., thừa nhận, mỏ đá này không bị đình chỉ, nhưng công ty đã tự ngừng hoạt động một thời gian để khắc phục sự cố.

Không thể phủ nhận một thực tế, trong khi cơ quan chức trách chưa làm rõ trách nhiệm giám sát, xử phạt các mỏ đá khai thác sai thiết kế, không đảm bảo an toàn lao động, thì những người thợ khoan nổ mìn cũng phải bất chấp nguy hiểm để làm cái nghề “bán mạng,” dù trong thâm tâm họ vẫn luôn ám ảnh nỗi lo sợ.

‘Trong quá trình khoan nổ mìn, khai thác đá, nhiều người đã phải nằm lại ở vùng mỏ khi tuổi đời còn quá trẻ’

Khi tiếp xúc với một số thợ đá để hỏi thêm về điều kiện làm việc và các vấn đề an toàn lao động tại mỏ thì hầu hết đều e dè và từ chối chia sẻ với phóng viên với lý do sợ… mất việc, nhất là khi mỗi tháng họ nhận được 8-10 triệu đồng tiền lương. Số tiền này tuy không nhiều nhưng tạm đủ trang trải mưu sinh cho cả gia đình.

Cứ như thế, dù hiểm nguy nhưng vì thiếu việc làm, thiếu kế sinh nhai, cần tiền để trang trải cho cuốc sống gia đình, nên nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động vẫn dấn thân và lựa chọn mạo hiểm. Tiếc rằng, trong quá trình khoan nổ mìn, khai thác đá, nhiều người đã phải nằm lại ở vùng mỏ khi tuổi đời còn quá trẻ../.