Robot sẽ thay thế con người

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo rằng 56% lực lượng lao động ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam “có nguy cơ cao bị thay thế bởi công nghệ vào một hay hai thập kỷ tới.”

Theo lẽ thường được mọi người chấp nhận, robot cuối cùng sẽ thay thế con người trong ngành dệt may và các ngành công nghiệp khác.

Do vậy, Stephen Groff, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á phụ trách khu vực Đông Á, Đông Nam Á, và Thái Bình Dương cho rằng để chống lại robot, nên đầu tư vào con người.

Bài viết của ông Stephen Groff được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus thông qua dự án Project Syndicate.

Tại một nhà máy dệt kim ở Bangladesh, người ta thấy sự hiện diện của cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở tầng một của nhà máy, công nhân dệt vải bằng tay. Ở tầng hai, con người và máy móc cùng làm việc bên nhau. Còn ở tầng thứ ba, chỉ thấy sự hiện diện của robot.

Nhà máy này dường như ở vào sai niên đại, mặc dù theo lẽ phải thông thường được mọi người chấp nhận, robot cuối cùng sẽ thay thế con người trong ngành dệt may và các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, trên thực tế đây là một phản ứng thông minh đối với việc cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư sẽ có khả năng sẽ đóng vai trò như thế nào ở châu Á.

Phần lớn châu Á hiện chưa sẵn sàng cho robot, vì những lý do vượt ra ngoài những nỗi lo ngại về nạn thất nghiệp lan tràn

Giống như những trường hợp ở những nơi khác, những tiến bộ của công nghệ đang nhanh chóng biến đổi các ngành công nghiệp và các ngành kinh tế, bằng cách xóa mờ các đường biên giới giữa các thế giới vật lý, số, và sinh học.

Tuy nhiên, phần lớn châu Á hiện chưa sẵn sàng cho robot, vì những lý do vượt ra ngoài những nỗi lo ngại về nạn thất nghiệp lan tràn. Vào năm 2014, Trung Quốc mới chỉ có 11 robot trên 10.000 công nhân trong các ngành công nghiệp không tự động hóa, và chỉ có 213 robot trên 10.000 công nhân làm việc trong các dây chuyền lắp ráp máy móc tự động. Con số này ít hơn hàng trăm lần so với ở Nhật Bản, Mỹ hay Đức.

Công nhân và robot cùng làm việc tại một nhà máy ở Trung Quốc. (Nguồn: Huffingtonpost)
Công nhân và robot cùng làm việc tại một nhà máy ở Trung Quốc. (Nguồn: Huffingtonpost)

Mặc dù Trung Quốc đang thu hẹp mức chênh lệch này bằng việc tăng chi phí cho ngành công nghiệp robot, các nước nghèo hơn đang đối mặt với những hàng rào to lớn đối với việc áp dụng những công nghệ mới. Hơn nữa, mức lương thấp của khu vực đã khuyến khích các công ty tiếp tục giữ lại người lao động.

Tại nhà máy dệt ở Bangladesh, người lao động vẫn có ích khi gặp phải tình trạng mất điện hoặc khi thiết bị gặp lỗi làm máy móc ngừng hoạt động. Đồng thời, trong trường hợp công nhân đình công thì việc có một khu vực hoàn toàn tự động sẽ cho phép việc sản xuất không bị gián đoạn.

Theo dự báo, vào những thập kỷ tới, 47% toàn bộ lực lượng lao động của Mỹ sẽ có nguy cơ được tự động hóa

Theo hiểu biết thông thường, cách hoạt động kép này là không bền vững, và rằng những công nhân có tay nghề thấp đến trung bình cuối cùng cũng sẽ phải nhường chỗ cho robot. Một nghiên cứu mang tính dấu mốc do Carl Frey và Michael Osborne, thuộc Đại học Oxford, thực hiện năm 2013 đã gợi ý rằng vào những thập kỷ tới, 47% toàn bộ lực lượng lao động của Mỹ sẽ có nguy cơ được tự động hóa.

Tương tự như vậy, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã cảnh báo rằng 56% lực lượng lao động ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam “có nguy cơ cao bị thay thế bởi công nghệ vào một hay hai thập kỷ tới.”

Tuy nhiên, những dự đoán ảm đạm này lại bỏ qua thực tế rằng phần lớn công việc bao hàm trong nó rất nhiều phần việc, mà một số trong đó không thể tự động hóa. Theo một nghiên cứu của OECD vào năm 2016, phân loại nghề nghiệp theo phần việc, chỉ có 9% công việc ở 21 quốc gia thuộc OECD là thực sự gặp nguy cơ.

Hệ thống khâu tự động trong một nhà máy ở Mỹ. (Nguồn: Bloomberg)
Hệ thống khâu tự động trong một nhà máy ở Mỹ. (Nguồn: Bloomberg)

Logic tương tự như vậy cũng có thể áp dụng đối với châu Á. Ví dụ ở Việt Nam, phần công việc gặp nguy cơ từ con số dự đoán 70% của ILO đã giảm xuống còn 15%. Những người làm nghề buôn bán rong trên phố ở những nước đang phát triển có thể được cho là ít bị đe dọa bởi tự động hóa hơn là những người cùng cảnh với họ ở các nước phát triển, do các công việc của họ ít bị cơ khí hóa hơn và nhận được lương thấp hơn.

Tuy nhiên, robot cũng đang giành được một chỗ đứng trong khu vực, đặc biệt trong các nền kinh tế như Trung Quốc và Hàn Quốc. Vào năm 2015, số lượng robot bán ra ở châu Á tăng 19% – năm thư tư tăng liên tiếp phá vỡ kỷ lục. Khi các nước kém phát triển hơn cuối cùng phải tham gia vào đoàn quân công nghệ này, thì việc sa thải công nhân là không thể tránh khỏi và chắc chắn sẽ diễn ra sau đó.

Khi các nước kém phát triển hơn cuối cùng phải tham gia vào đoàn quân công nghệ thì việc sa thải công nhân là không thể tránh khỏi  

Để giảm nhẹ đòn gây choáng váng này, các chính phủ phải gấp rút theo đuổi những cải cách đối với thị trường lao động và tiến hành đại tu các hệ thống giáo dục của họ, bắt đầu bằng việc giáo dục đào tạo kỹ thuật và hướng nghiệp (TVET). Mặc dù TVET đang ngày càng trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển ở châu Á, chất lượng của nó vẫn rất nghèo nàn. Các chính phủ cần đảm bảo rằng các khóa đào tạo TVET nên tập trung hơn vào các kỹ năng thích hợp, đồng thời tiếp tục linh hoạt để người theo học có thể tham gia mà không phải hy sinh thu nhập của mình.

Một sự lựa chọn khác là mở rộng các khóa học ngắn gồm những môn riêng biệt mà người học có thể chọn theo ý mình, những khóa học tốn ít thời gian hơn, được đào tạo về những phần việc cụ thể hơn là toàn bộ công việc, và dễ dàng theo học cho những người mới bước vào nghề đang rất cần kiếm tiền. Ví dụ ở Myanmar, chính phủ đã phát động một chương trình thí điểm nhằm vào hàng “triệu sinh viên mất tích” – những người bỏ học hàng năm. Chương trình đưa ra những khóa học ngắn về kỹ năng hàn xì và những kỹ năng khác cần đến cho việc sửa chữa máy móc nông nghiệp.

Những hệ thống đánh giá dựa vào năng lực cũng có thể đặc biệt có ích, do châu Á có lực lượng lao động không chính thức khổng lồ. Các chương trình đem lại cho những công nhân lành nghề cơ hội có được bằng chứng nhận dựa trên kinh nghiệm nghề nghiệp của họ sẽ khả thi, ví dụ, những thợ điện không có giấy chứng nhận tìm được công ăn việc làm chính thức trong lĩnh vực máy tự động.

Công nhân dệt may ở Bangladesh. (Nguồn: Financial Times)
Công nhân dệt may ở Bangladesh. (Nguồn: Financial Times)

Khu vực tư nhân cũng có thể giúp đào tạo những công nhân sẵn sàng cho nhiều loại công việc. Các nước châu Á có thể học tập từ Công ty Phát triển Kỹ năng Quốc gia của Ấn Độ – công ty đã làm việc với các công ty đào tạo tư nhân nhằm đáp ứng những đòi hỏi về chuyên môn theo nhu cầu của các ngành công nghiệp. Cho đến nay, chương trình này của Ấn Độ đã giúp đào tạo hơn 63.000 công nhân lành nghề.

Ngoài ra, các chính phủ cũng nên trợ cấp hay có những khuyến khích về thuế đối với những công ty đầu tư vào những kỹ năng do con người làm chủ hơn là vào máy móc, trong các lĩnh vực như thông tin liên lạc và thương lượng buôn bán. Các chính phủ cũng sẽ phải áp dụng những quy định lao động linh hoạt hơn, do các công ty sẽ không thuê mướn những công nhân lành nghề với mức lương cao.

Cuối cùng, các nước đang phát triển ở châu Á cần có những chính sách hỗ trợ người lao động, hơn là hỗ trợ công việc. Tất cả các bên đều có thể có lợi từ các hợp đồng linh hoạt cũng như từ các cơ hội được học nghề và đào tạo lại.

Tự động hóa sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng về năng suất toàn cầu lên từ 0,8-1,4% hằng năm, giúp tạo ra những khoản tiết kiệm và thu nhập lớn

Việc đào tạo lại nghề nghiệp cũng đặc biệt quan trọng, do việc tự động hóa sẽ tạo ra các ngành công nghiệp và các ngành nghề hoàn toàn mới.

Viện McKinsey Global ước tính rằng tự động hóa sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng về năng suất toàn cầu lên từ 0,8-1,4% hằng năm, giúp tạo ra những khoản tiết kiệm và thu nhập lớn do hiệu quả công việc cho các doanh nghiệp. Cải thiện cơ hội tiếp cận với công tác đào tạo và việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ giúp các nước tận dụng những tiến bộ này và đảm bảo đạt được tốc độ tăng trưởng hợp lý hơn, thông qua việc đem lại cho người lao động những kỹ năng cần đến cho những công việc mới xuất hiện.

Một kết quả như vậy là điều tốt lành cho người lao động và cho các nền kinh tế châu Á. Điều này sẽ có nghĩa là các doanh nghiệp như nhà máy dệt ở Bangladesh nói trên có thể hoạt động với chỉ với các robot, trong khi những công nhân cũ của nhà máy sẽ có công ăn việc làm toàn thời ở một nơi khác, có khả năng là những công việc mà cho đến nay thậm chí chưa hề tồn tại./.

(Nguồn: FT)
(Nguồn: FT)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập