Đằng sau quyết định của ông Trump về Jerusalem

trumpjerusa-1513433551-31.jpg

Tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chọn thời điểm này để đưa ra quyết định về Jerusalem là điều vẫn đang được phỏng đoán. Nếu như ông Trump lập luận rằng việc công nhận thành phố này là thủ đô của Israel là một “bước quá muộn để thúc đẩy tiến trình hòa bình và để phấn đấu tiến tới một thỏa thuận lâu dài” thì ngày càng có vẻ như hành động của ông sẽ chỉ đem đến hiệu ứng ngược lại.

Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tác giả cuốn sách “Một thế giới hỗn loạn” đã đưa ra những nhận định về lý do đằng sau quyết định của ông Trump về Jerusalem cũng như những hậu quả của quyết định này.

Bản dịch bài viết của chuyên gia Richard N. Haass được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Tròn 50 năm kể từ Cuộc chiến tranh sáu ngày – cuộc xung đột vào tháng 6/1967 mà giống như bất kỳ một sự kiện nào khác, nó tiếp tục xác định tình trạng bế tắc giữa Israel và Palestine hiện nay. Sau khi chiến sự kết thúc, Israel đã kiểm soát toàn bộ Bờ Tây, Dải Gaza, ngoài Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan.

Trở lại thời điểm đó, thế giới coi kết quả quân sự này chỉ là tạm thời. Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bối cảnh cho cái sau này trở thành một giải pháp ngoại giao cho vấn đề người Palestine mất Tổ quốc, đã được thông qua khoảng 5 tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, giống như những gì vẫn thường xảy ra, điều ban đầu chỉ là tạm thời đã kéo dài cho đến nay.

Đây là bối cảnh mà trên đó Tổng thống Donald Trump mới đây tuyên bố Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trump tuyên bố rằng Mỹ không đưa ra lập trường về quy chế cuối cùng của Jerusalem, bao gồm “những đường biên giới cụ thể thuộc chủ quyền của Israel” ở đó. Ông nói rõ rằng Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước nếu cả hai phía đồng ý. Và ông quyết định chưa bắt đầu trên thực tế chuyển đại sứ quán Mỹ khỏi Tel Aviv, thậm chí cho dù ông chỉ cần đơn thuần thay tên cho tòa lãnh sự của Mỹ hiện tại ở Jerusalem.

Vị trí cơ quan của Đại sứ quán Hoa Kỳ có thể đặt ở Jerusalem. (Nguồn: TTXVN)
Vị trí cơ quan của Đại sứ quán Hoa Kỳ có thể đặt ở Jerusalem. (Nguồn: TTXVN)

Ý định thay đổi chính sách của Mỹ trong khi lập luận rằng không thay đổi gì nhiều đã không thuyết phục được nhiều người. Đa số người Israel hài lòng với lập trường mới của Mỹ, còn phần lớn người trong thế giới Arab và những nơi khác thì tỏ ra tức giận.

Tại sao ông Trump lại chọn thời điểm này để đưa ra quyết định này là điều vẫn còn được phỏng đoán. Tổng thống đưa ra ý kiến rằng đây đơn thuần chỉ là sự thừa nhận một thực tế và rằng thất bại về chính sách của những người tiền nhiệm trong vấn đề này đã không đem lại bất kỳ lợi ích ngoại giao nào. Điều này là đúng, mặc dù lý do mà chính sách ngoại giao đã thất bại trong những thập niên qua không liên quan gì đến chính sách của Mỹ đối với Jerusalem, và tất cả chỉ liên quan đến sự chia rẽ giữa người Israel và người Palestine và những hố ngăn cách giữa hai bên.

Những người khác quy cho quyết định này lý do là những vấn đề chính trị nội bộ của nước Mỹ, một kết luận được hỗ trợ bởi việc Mỹ đã đưa ra quyết định đơn phương mà không hề yêu cầu có hành động đáp lại nào từ phía Israel (ví dụ như yêu cầu kiềm chế xây dựng các trại định cư chẳng hạn) cũng như không đưa ra bất kỳ đề nghị ủng hộ nào đối với người Palestine (chẳng hạn, ủng hộ quyền của họ đối với Jerusalem).

Điều làm cho tuyên bố của ông Trump tiềm ẩn nguy cơ phản tác dụng là việc chính quyền của ông đã dành phần lớn thời gian trong năm cầm quyền đầu tiên để hình thành một kế hoạch nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestine

Mặc dù quyết định này đã dẫn đến một số hành động bạo loạn, nó có vẻ giống như mất đi một cơ hội hơn là việc tạo ra một cuộc khủng hoảng. Điều làm cho tuyên bố này không chỉ gây tranh cãi mà còn tiềm ẩn nguy cơ phản tác dụng là việc chính quyền Trump đã dành phần lớn thời gian trong năm cầm quyền đầu tiên để hình thành một kế hoạch nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Tuyên bố của Trump có thể đã làm suy yếu chính những triển vọng vốn đã rất hạn chế của kế hoạch nói trên.

Những gì mà chính quyền Trump dường như ghi nhớ trong đầu là trao cho những người đứng ngoài cuộc, và đặc biệt là Saudi Arabia, một vai trò trung tâm trong việc kiến tạo hòa bình. Đường hướng này được làm rõ bởi quan điểm cho rằng Saudi Arabia và các chính phủ Arab khác hiện lo ngại với mối đe dọa rõ ràng từ Iran hơn là với bất kỳ điều gì liên quan đến Israel. Do vậy, người ta giả định rằng các nước Arab này hiện sẵn sàng gạt sang một bên tình trạng thù địch lâu đời của họ đối với Israel, là nước cũng có chung phần lớn quan điểm của họ đối với Iran.

Người biểu tình Palestine ném đá vào  binh sỹ Israel  tại Dải Gaza ngày 8/12. (Nguồn: THX/TTXVN)
Người biểu tình Palestine ném đá vào binh sỹ Israel tại Dải Gaza ngày 8/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tiến bộ đạt được trong vấn đề Israel-Palestine sẽ tạo ra một môi trường chính trị trong thế giới Arab mà nó cho phép họ làm chính điều này. Hy vọng trong chính quyền Trump là Saudi Arabia sẽ sử dụng các nguồn tài chính của họ để thuyết phục người Palestine đồng ý hòa giải với Israel theo những điều kiện mà Israel chấp nhận.

Vấn đề rắc rối ở chỗ kế hoạch duy nhất mà chính quyền Israel hiện này có khả năng chấp nhận sẽ chỉ đem lại cho người Palestine ít hơn rất nhiều những gì mà họ đòi hỏi trong quá khứ. Nếu đúng như vậy, bản thân các nhà lãnh đạo Palestine có thể nhận thấy an toàn hơn nếu họ từ chối thay vì ký tên vào một kế hoạch mà nó chắc chắn sẽ làm nhiều người dân của họ thất vọng và đẩy họ vào vị trí dễ bị tấn công bởi Hamas và các nhóm cấp tiến khác.

Người Saudi Arabia, tương tự như vậy, có thể cũng không muốn dính líu gì đến một kế hoạch mà nó sẽ có thể được cho là một sự phản bội. Ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo Saudi Arabia mới dưới thời Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman là củng cố quyền lực, một công việc mà vị Thái tử này hiện đang làm bằng việc gắn ông với nỗ lực tấn công vào nạn tham nhũng trong vương quốc của ông cũng như theo đuổi một chính sách đối ngoại theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, chống lại Iran.

Toàn cảnh khu thành cổ Jerusalem. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh khu thành cổ Jerusalem. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, cả hai nỗ lực trên hiện không hoàn toàn diễn ra theo đúng kế hoạch. Nỗ lực chống tham nhũng, trong khi rất được lòng dân, hiện có nguy cơ bị mất cái đà quyết liệt ban đầu của nó do việc thực hiện việc trừng phạt những kẻ vi phạm một cách có chọn lựa (điều này cho thấy nó liên quan đến quyền lực hơn là đến cải cách) và những thông tin về lối sống của chính Hoàng Thái tử.

Còn những nỗ lực chống lại Iran lại được gắn liền với cái đã trở thành một cuộc chiến tranh không được lòng dân ở Yemen cũng như những rắc rối về ngoại giao ở Lebanon và Qatar. Trong khi đó, những kế hoạch cải cách đất nước đầy tham vọng đang tỏ ra nói dễ hơn làm, và chắc chắn sẽ làm cho thêm nhiều phần tử bảo thủ xa lánh.

Vấn đề rắc rối đối với ông Trump và Jared Kushner, con rể của ông và là người đang lãnh đạo chính sách của Mỹ trong lĩnh vực này, là Saudi Arabia có khả năng sẽ không phải là một đối tác ngoại giao như những gì mà Nhà Trắng hy vọng. Nếu vị Hoàng Thái tử mới lo ngại về vị trí chính trị của ông ở trong nước, ông sẽ không muốn đứng cùng hàng ngũ với một vị Tổng thống Mỹ được coi là quá gần gũi với một nước Israel hiện không sẵn sàng đáp ứng thậm chí những đòi hỏi tối thiểu của người Palestine về Tổ quốc của họ.

Tất cả những điều này đưa chúng ta trở lại Jerusalem. Ông Trump lập luận rằng việc công nhận thành phố này là thủ đô của Israel là một “bước quá muộn để thúc đẩy tiến trình hòa bình và để phấn đấu tiến tới một thỏa thuận lâu dài.” Ngày càng có vẻ như hành động của ông Trump sẽ chỉ đem lại một hiệu ứng ngược lại./.

Người  dân tham gia biểu tình phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công  nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tại Amman, Jordan ngày 8/12.  (Nguồn: THX/TTXVN)
Người dân tham gia biểu tình phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tại Amman, Jordan ngày 8/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập