Bước đột phá đầu tiên

brexit2-1512815713-9.jpg

Nước Anh có lẽ đã trải qua một ngày “Thứ Sáu tốt lành” sau khi Thủ tướng Anh Theresa May cuối cùng cũng tháo gỡ được bế tắc nhiều tháng nay trong đàm phán Brexit để đưa “xứ sở sương mù” đi theo đúng lịch trình đã vạch ra trong “cuộc chia tay” với Liên minh châu Âu (Âu). Thỏa thuận về các “điều khoản ly hôn” mà Anh và EU đạt được ngày 8/12 là bước đột phá lịch sử đầu tiên trong tiến trình đàm phán Brexit từng được dự báo sẽ rất gian nan.

Việc giới chức EU khẳng định hai bên đã đạt được những “tiến bộ đầy đủ” trong đàm phán 3 vấn đề mấu chốt, gồm tình trạng đường biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland, một thành viên của EU; quyền lợi của các công dân EU đang sinh sống tại Anh và các cam kết tài chính của Anh đối với 27 thành viên còn lại trong khối, để mở ra giai đoạn hai đàm phán bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại với nước Anh, cho thấy hai bên hài lòng về thỏa thuận này.

Những điểm chính của thỏa thuận đều mang tính “có đi có lại,” trong đó đảm bảo sẽ “không có đường biên giới cứng” giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland và “tính toàn vẹn về kinh tế và pháp luật của Vương quốc Anh” sẽ tiếp tục giữ nguyên; Các công dân EU sinh sống tại Anh và các công dân Anh sinh sống tại EU đều được bảo vệ quyền sinh sống, làm việc và học tập, đồng thời có các quyền đoàn tụ người thân trong tương lai; Vấn đề giải quyết hóa đơn ly hôn, dù không có con số cụ thể nào nêu ra, nhưng Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết số tiền dao động trong khoảng 35 tỷ -39 tỷ bảng Anh, bao gồm cả những đóng góp ngân sách cho EU trong thời kỳ 2 năm chuyển đổi từ sau tháng 3/2019. Ngay sau khi hai bên đạt được thỏa thuận trên, đồng bảng Anh ngay lập tức lên giá mạnh, mức cao nhất trong 6 tháng qua, so với đồng tiền euro, bởi giới kinh doanh cho rằng thỏa thuận cho thấy tình hình thị trường Anh sẽ tiếp tục ổn định trong tương lai ngắn hạn.

Bước đột phá với Brussels ngày 8/12 đã “ghi điểm” cho Thủ tướng May về khả năng lãnh đạo của bà, chứng tỏ được trọng lượng lời nói của người được ví như “Bà đầm thép” thứ hai của nước Anh, khi bà từng tuyên bố “đến cuối tuần này thỏa thuận ly hôn sẽ đạt được” vào hôm 4/12, thời điểm đàm phán Brexit lâm vào bế tắc với việc đảng Dân chủ Liên hiệp (DUP) theo đường lối cứng rắn tại Bắc Ireland, một đồng minh quan trọng của Thủ tướng Theresa May, đột ngột quay lưng lại với thỏa thuận về tương lai đường biên giới giữa Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland. Việc Thủ tướng May “nói được và làm được” cũng khiến những người nghi ngờ khả năng dẫn dắt đàm phán của bà phải im lặng, điều này đồng nghĩa những ý kiến yêu cầu bà từ chức vì “không dẫn dắt được Brexit cho nước Anh” sẽ lắng xuống, khả năng tại vị của bà sẽ còn tiếp tục ít nhất là cho đến khi Anh chính thức rời EU vào tháng 3/2019.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: THX/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thỏa thuận ngày “Thứ Sáu tốt lành” 8/12 có thể coi là “quả ngọt” đầu tiên cho tiến trình “vượt vũ môn” bền bỉ của bà May trong đàm phán Brexit, dự án chính trị và chính sách lớn nhất mà Chính phủ Anh thực hiện trong rất nhiều năm trở lại đây. Thực tế thì người dẫn dắt tiến trình Brexit của Anh được ví như “leo lên mình hổ”, thành hay bại của tiến trình đàm phán sẽ quyết định số phận chính trị của người lãnh đạo. Sau cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6 vừa qua, hiểu rõ sự nghiệp chính trị của mình gắn chặt với kết quả đàm phán Brexit, bà May đã ngày càng rời xa cách tiếp cận “không khoan nhượng” ban đầu đối với vấn đề Brexit để hướng tới một chiến dịch thương lượng mang tính thực dụng hơn. Việc các nhà đàm phán Anh đưa ra một loạt nhượng bộ then chốt đối với EU bất chấp sự phản ứng từ trong nước, cho thấy quyết tâm của bà May trong việc tạo ra đột phá cho đàm phán Brexit trong tháng 12 này, bởi trong trường hợp không đạt được thỏa thuận đúng thời điểm, khó khăn sẽ càng chồng chất đối với chính phủ của bà May. Hơn thế nữa, kịch bản “không đạt được thỏa thuận” xảy ra sẽ là một thảm họa kinh tế tàn khốc cho nước Anh. Đó là lý do vì sao Thủ tướng May đành phải chấp nhận một số yêu cầu của EU như chi trả “hóa đơn ly hôn” với cái giá rất cao, cũng như Anh tiếp tục chịu sự phán quyết của tòa án châu Âu trên đất Anh cho đến ít nhất là cuối năm 2020, một điều được cho là đụng chạm đến “ranh giới đỏ” của bà.

Việc các nhà đàm phán Anh đưa ra một loạt nhượng bộ then chốt đối với EU bất chấp sự phản ứng từ trong nước, cho thấy quyết tâm của bà May trong việc tạo ra đột phá cho đàm phán Brexit trong tháng 12 này.

Trong khi đó, dù được xem là ở “thế thượng phong,” lãnh đạo các nước EU cũng không muốn dồn bà May vào thế bí, bởi nếu EU quá căng, thất bại trong đàm phán Brexit cùng sự rạn nứt trong nội các, trong nội bộ đảng Bảo thủ và quốc hội Anh lên cao sẽ khiến bà May có thể bị mất chức. Đối với EU, bà May hiện giờ đang là đối tác đàm phán đáp ứng được hầu hết các yêu cầu mà EU đặt ra. EU lo ngại nếu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hay người nào thuộc phe ủng hộ rời EU lên nắm quyền, những người này sẽ không thiết tha mặc cả hay nhượng bộ EU như bà May. Do vậy, EU cũng đã “mềm dẻo” để giúp bà May vượt qua khó khăn do tình hình chính trị nội bộ ở Anh gây ra. Kết quả thỏa thuận ngày 8/12 chứng tỏ thuyết đàm phán “cả hai cùng chiến thắng” tỏ ra là con đường khôn ngoan nhất bảo đảm lợi ích cho cả EU và Anh.

Ít nhất, sau 6 tháng đàm phán gian nan, cuối cùng thì cả Chính phủ Anh và EU đều đã đạt được mục tiêu quan trọng trong ngắn hạn, hoàn tất đàm phán giai đoạn một trước khi bước sang giai đoạn cam go hơn: đó là đàm phán về quan hệ thương mại. Chặng đường sắp tới sẽ còn khó khăn hơn nhiều, vì EU đã nêu 4 lĩnh vực “sẽ không có chuyện có thể thương thuyết, đàm phán” là tự do hàng hóa, dịch vụ, con người và vốn tư bản. Ủy ban châu Âu cũng đã “gợi ý” Anh về một “lựa chọn duy nhất,” là một thỏa thuận tự do thương mại theo mô hình như EU vừa ký với Canada hồi năm 2016, trong đó sẽ không bao gồm lĩnh vực dịch vụ tài chính, một lĩnh vực chủ chốt đối với nền kinh tế Anh. Như vậy, cuộc thảo luận chính về vấn đề gai góc căn bản nhất, là tương lai mối quan hệ Anh-EU thời hậu Brexit, sau tháng 3/2019 không thể bắt đầu sớm hơn tháng 2/2018, mối quan hệ mà Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từng khẳng định “chia tay nhau là một việc làm khó khăn, nhưng để xây dựng một mối quan hệ mới sau khi chia tay còn khó khăn hơn nhiều.”

Dẫu sao, “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt,” bước đột phá đầu tiên trong đàm phán Brexit có thể giúp cả Anh lẫn EU định hình rõ hơn tương lai mối quan hệ hai bên, bởi dù muốn hay không thì cả hai bên đều cần có nhau, hợp lực vì vị thế kinh tế và chính trị của cả châu Âu./.