Hộ khẩu 

Đầu tháng 11/2017, Chính Phủ đã chính thức đồng ý với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Đây được coi là bước đột phá trong việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước.

Đại diện Bộ Công an – đơn vị được giao trọng trách tiến hành quản lý dân cư thông qua mã số định danh cá nhân cho hay: Về cơ bản, Bộ này sẽ thực hiện hoàn tất cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên cơ sở trên, cơ quan này sẽ kiến nghị bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy để chuyển sang quản lý bằng công nghệ thông tin, nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho công dân trong quá trình kê khai, thực hiện các hoạt động liên quan đến thủ tịch hành chính. Lộ trình được xác định đến năm 2020, sổ hộ khẩu kiểu cũ sẽ chính thức được “khai tử”, đồng nghĩa với việc người dân và cả các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thuận tiện hơn khi chỉ cần truy nhập vào cơ sở dữ liệu điện tử là có được các thông tin cơ bản.

Trong quá trình hiện thực hóa giấc mơ “số hoá” sổ hộ khẩu, mời bạn đọc cùng VietnamPlus điểm lại những mốc chính của một trong những cuốn sổ “quyền lực” nhất nhì Việt Nam suốt hàng chục năm qua; cùng nghe lại những câu chuyện vui buồn liên quan đến nó.

Hộ khẩu thời bao cấp

Và những câu chuyện cười ra nước mắt

“Nỗi ám ảnh với dân tỉnh lẻ hết rồi!” Nghe người cháu họ hàng xa từ Tuyên Quang về Hà Nội học đại học thốt lên khi biết thông tin, theo lộ trình, tới năm 2020, sổ hộ khẩu giấy hiện nay sẽ được bỏ và thay vào đó, toàn bộ thông tin cá nhân (bao gồm cả nơi cư trú) sẽ được quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ông Phùng Văn Q. (ngõ 464 đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội) tỏ rõ sự đồng cảm.

Ông lắc đầu, phẩy tay và nói: “Cái cuốn sổ giấy mỏng dính mà lại là nỗi ám ảnh của bao con người. Không chỉ dân ngoại tỉnh mới sợ nó đâu nhé! Chính người Hà Nội chúng tôi đây cũng bao phen khốn đốn vì nó đấy, có khi lại thành kẻ sống ‘chui,’ sống ‘lậu’ ngay trên chính nơi mình sinh ra và lớn lên!”

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Nam (nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội), trong lịch sử, việc quản lý hộ tịch được triển khai từ các triều đại phong kiến nhằm thu thuế, bắt đi lính và đi phu. Ở thời kỳ này, sổ đinh (ghi tên những người đàn ông ở độ tuổi đi lính, đóng thuế và lao dịch) được kiểm soát chặt chẽ.

Đến thời Pháp thuộc, nhằm khai thác nhân lực và kiểm soát việc nộp thuế, đi lại giữa các vùng miền, chính quyền thuộc địa thực hiện quản lý thông qua thẻ thuế thân và thẻ căn cước.

Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1954), sản lượng lương thực ở miền Bắc bị suy giảm do ruộng đất bị bỏ hoang (vì bom mìn sau chiến tranh), một bộ phận người dân nông thôn bỏ quê ra thành phố.

Trước “làn sóng” chuyển cư này, ngày 23/10/1957, Chính phủ ban hành Thông tư 495-TTg về việc hạn chế đồng bào ở nông thôn ra thành phố. Tuy nhiên, đến năm 1964, hệ thống hộ khẩu mới được áp dụng chính thức theo Nghị định 104-CP (ngày 27/6/1964) của Hội đồng bộ trưởng về Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu.

Hệ thống hộ khẩu ra đời nhằm tăng cường việc giữ gìn trật tự trị an toàn xã hội, phục vụ lợi ích của nhân dân; giúp việc thống kê dân số các vùng trong nước nhằm phục vụ việc xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch của Nhà nước.

Theo đó, Nghị định 104-CP quy địn, mỗi người dân được đăng ký là nhân khẩu thường trú tại một hộ gia đình và việc di chuyển chỉ được phép khi có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Trong giai đoạn trước Đổi mới (1986), hệ thống hộ khẩu gắn chặt với việc phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm.

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện quản lý nhân khẩu bằng sổ hộ khẩu với mục đích hạn chế số người nhập cư khi điều kiện kinh tế-xã hội, nhà ở còn nhiều khó khăn…

Nhớ về thời bao cấp chưa xa ấy, ông Q. bảo: “Chỉ nguyên việc đi lại, hộ khẩu chắc cũng đủ chất liệu dựng thành phim truyền hình dài tập với chuyện ‘cười ra nước mắt’…”

Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, hàng nghìn thanh niên và hộ gia đình đã tình nguyện rời Hà Nội đi khai hoang, làm kinh tế mới ở Tây Bắc. “Dân thành thị vốn không quen cầm cuốc, làm việc tay chân nặng nhọc. Hơn nữa, thời kỳ ấy, Hà Nội được coi là ‘đất thánh’ bởi có điện, có nước máy… Vậy là, nhiệt huyết tuổi trẻ đôi khi cũng gục ngã trước thực tại Tây Bắc với núi rừng hoang vu, thú dữ quẩn quanh rình rập… Nhiều người (trong đó có anh trai tôi) đã không chịu được sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, ốm đau triền miên, xanh xao vì sốt rét… Sau một thời gian, anh đưa vợ con trở về Hà Nội,” ông Q. kể.

Ký ức hiện về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt ông cụ những câu chuyện bi hài của quá khứ. Những nếp nhăn trên gương mặt xô lại như cố chặn hai hàng nước mắt không trào ra nơi khóe mắt.

Lúc này, giọng ông không còn hồ hởi như khi chia vui với cậu thanh niên về nỗi ám ảnh hộ khẩu được xóa bỏ lúc trước. Ông trở nên suy tư.

“Lúc đi hào hứng, say sưa khí thế là vậy mà khi về, anh tôi như kẻ ‘tội đồ,’ trốn tránh mọi ánh nhìn soi mói của những người xung quanh, sống lầm lũi nơi gầm cầu Long Biên, lấy đêm làm ngày, mưu sinh bằng công việc bốc vác nơi ga Hàng Cỏ,” ông lão kể, giọng trầm ngâm.

Khi cả gia đình quyết định đi khai hoang, làm kinh tế mới ở Điện Biên, cha mẹ ông đã bán đi căn nhà ở mạn Cầu Giấy và cắt hộ khẩu. “Bấy giờ, quay lại Hà Nội, những người hàng xóm xưa nhìn anh tôi với vẻ kỳ thị, thái độ dè bỉu và anh tôi thành người vô gia cư, không hộ khẩu, không nhà ở,” ông Q. kể.

Không có hộ khẩu, tem phiếu, những người như anh trai ông Q. bỗng thành kẻ sống “chui,” ngụ cư trên chính mảnh đất quê hương mình – một cuộc sống bấp bênh.

Mạch truyện nối dài, ông nhớ lại, nhờ sự giúp đỡ của những người quen cũ, anh tôi dựng được cái lều tạm ở gầm cầu Long Biên. Những ngày mùa Đông, gió rít bên tai, lạnh buốt.

“Cuộc sống mưu sinh, chạy ăn từng bữa. Anh tôi không thể nhập lại hộ khẩu vì không có đủ các loại giấy tờ chứng nhận, xác thực thông tin theo yêu cầu của chính quyền. Các con anh cũng không thể đến trường vì không có hộ khẩu. Những đứa trẻ thất học nhưng khao khát biết con chữ đã tìm đến lớp học ngoài vỉa hè phố Hàng Cót của một bà giáo tốt bụng. Thế rồi, vào cuối những năm 60, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá, ném bom miền Bắc, lớp học ấy cũng chẳng thể duy trì,” ông lão trầm ngâm nhớ lại.

Đến tận khi qua đời, người đàn ông ấy vẫn chưa thể nhập lại hộ khẩu./.

Khổ vì không có hộ khẩu

Chấp nhận con đẻ mang tiếng con hoang

Hàng chục năm qua, hộ khẩu dần dần từ quyển sổ xác định địa điểm cư trú đơn thuần của công dân từng bước tiến lên vị thế của một thứ “quyền lực” khiến nhiều người khiếp sợ. Khẩu thành phố, khẩu nông thôn, khẩu địa phương, khẩu Thủ đô… vô hình biến thành một rãnh sâu ngăn cách giữa các công dân, các vùng miền với nhau. Nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười, khó tin nhưng lại nhan nhản ngoài cuộc sống theo đó mà xuất hiện.

Anh T.N có hộ khẩu tại Nam Định, nhưng đã lên Hà Nội mưu sinh từ hơn chục năm nay. Do chưa có đủ điều kiện nên vợ chồng, con cái của anh vẫn sống trong căn nhà trọ nhỏ ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.

Nhắc tới nỗi ám ảnh vì không có khẩu Thủ đô, anh N. vẫn chưa hết ngao ngán.

“Do không có hộ khẩu ở Hà Nội nên mỗi lần mất giấy tờ, hay cần xác minh các thủ tục hành chính liên quan đến nhân thân, hai vợ chồng tôi lại phải xin nghỉ việc, đi hơn trăm cây số về quê để làm. Tốn thời gian, nhiêu khê đã đành nhưng bực nhất là còn phải mất cả tiền để các thủ tục ở địa phương được làm cho nhah chóng,” người đàn ông 38 tuổi nhăn tít mặt nghĩ lại.

Trong suốt hơn chục năm bám trụ với Thủ đô, gia đình anh đã có hàng chục chuyến phải về quê làm giấy tờ như thế: Từ việc xin giấy xác nhận độc thân để lập gia đình, giấy đăng ký kết hôn… đến làm lại chứng minh thư, làm hộ chiếu. Nhưng từng ấy chưa là gì so với việc lo cho cô con gái đầu lòng đi học.

“Lúc ấy, hai vợ chồng tôi đau đầu vì vào thời điểm cháu đến tuổi vào lớp Một thì cả hai vẫn chưa đủ điều kiện để đăng ký KT3. Nếu cho cháu học trường tư lại không kham nổi vì chi phí cao quá mức so với thu nhập của chúng tôi,” anh N. kể.

Đã có lúc, anh chị tính phải đưa cô con gái nhỏ về quê học trường làng cho đúng khẩu, đúng tuyến nhưng lại không đành lòng xa con. Nghĩ tới, nghĩ lui, anh N. phải “muối mặt” sang nhờ bà hàng xóm nhận cháu làm… cháu ngoại.

Oái oăm nhất, là để có thể “hợp thức hóa” và “an vị” cho con vào trong khẩu Hà thành, anh N. phải cắn răng chấp nhận vị hàng xóm tốt bụng khai cô bé là con rơi, con ngoài giá thú không may mắn của gia đình này.

“Nghĩ tới chuyện đó, tôi vẫn thấy nhục nhã. Con mình vất vả đẻ ra, nuôi lớn mà chỉ vì không có khẩu, không có điều kiện mà thành phận con hoang của nhà khác,” anh N. cay đắng.

Đến thời điểm hiện tại, khi khấm khá hơn, anh chị đã chuyển cho cháu đi học trường tư, đồng thời cũng hoàn thiện KT3 để thuận lợi hơn cho cuộc sống sau này. Nhưng, cũng từ đó, “Sổ hộ khẩu” trở thành nỗi ám ảnh không dễ gì quên đối với ông bố gần 40 tuổi quê gốc Nam Định này.

“Tôi chỉ mong, sắp tới khi hủy bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý bằng điện tử mọi thủ tục hành chính sẽ thông thoáng hơn, có thêm nhiều ‘cửa’ hơn cho người dân các địa phương lên thành phố lớn sinh sống và làm việc như chúng tôi đỡ vất vả,” anh N. bày tỏ nguyện vọng./.

Khi người dân mướt mồ hôi 

vì quyển sổ “hậu khổ”

Nhắc tới hộ khẩu, nhiều người dân trên khắp các địa phương đều méo mặt gọi nó là sổ “hậu khổ.” Câu chuyện dưới đây của hai công dân hiện đang cư trú tại thành phố Vinh (Nghệ An) và Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ rất dễ gặp trong cuộc sống hàng ngày khi người dân phải mướt mồ hôi với cuốn sổ “quyền lực” này.

Trung Kiên, vốn là người gốc Nam Định, vào Sài Gòn cùng vợ con lập nghiệp từ năm 2012. Sau 4 năm vật lộn mưu sinh, ngoài căn nhà trọ nằm cuối hẻm trong quận Bình Tân, Trung Kiên còn “dắt thêm” tài sản là hai cậu con trai kháu khỉnh.

“Đến lúc có con, tôi mới biết hộ khẩu nó ‘to’ đến chừng nào,” Kiên méo xệch mặt kể.

Do công việc không ổn định, nay đây mai đó, nên hai vợ chồng Kiên chưa làm được sổ tạm trú KT3. Khi cậu con trai đầu lòng ra đời, thì cả nhà mới ngớ người ra vì không đủ điều kiện làm khai sinh cho cháu ngay tại địa phương đang cư trú.

“Lúc ấy, vợ tôi đẻ xong, tiền thì cũng cạn rồi. Nhưng nghĩ thương con đẻ ra, không có giấy khai sinh thì cũng tội cho cháu. Nên hai vợ chồng lại phải vay mượn bạn bè được vài triệu cho tôi bắt xe khách từ Sài Gòn về quê vợ khai thủ tục cho con,” anh Kiên nhớ lại.

Hai cậu con trai ra đời cũng là hai lần ông bố trẻ tay xách, tay túi về tận nhà vợ anh ở Phú Xuyên, Hà Nội làm các giấy tờ có liên quan. Mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần, công việc bị gác lại, kéo theo nhiều khoản nợ cho gia đình vốn đã chẳng dư dả mấy.

“Vừa rồi, thấy không có khẩu, không có KT3 nó nhiêu khê quá, chúng tôi cũng chạy chọt để làm cái tạm trú, hy vọng sau này sẽ được thuận tiện hơn. Chứ cứ vài chuyến để làm các giấy tờ lại phải lộn ra Bắc thì thú thật nhà tôi không chịu nổi,” anh Kiên thở dài.

Câu chuyện của Kiên thực ra là chuyện chung của hàng nghìn, hàng vạn lao động nhập cư từ các địa phương vào thành phố lớn. Không có khẩu, họ mặc nhiên bị coi là công dân hạng hai, phải chịu đủ thứ rườm rà, rắc rối do quyển sổ quyền lực mang tới.

Anh Kiên chỉ hy vọng: Thời gian tới, khi tất cả chứng minh thư, hộ khẩu được đưa lên quản lý trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số, các thủ tục cơ bản sẽ bớt nhiêu khê để cho người dân đỡ vất vả.

T. Tâm (trú tại thành phố Vinh, Nghệ An) lại chia sẻ câu chuyện khốn khổ vì chuỗi thủ tục “hành là chính” khi đi làm hộ khẩu.

Tâm cho hay, sau khi lập gia đình, chồng của cô muốn nhập vào khẩu nhà vợ. Tưởng mọi chuyện đơn giản vì cả hai đã đăng ký kết hôn thế nhưng hành trình “tìm khẩu” của vợ chồng Tâm lại gian nan đến không ngờ.

“Ban đầu, chồng tôi lên công an thành phố Vinh để điền tờ khai. Bộ phận này yêu cầu cần phải có xác nhận ở phường nơi hai vợ chồng cư trú nên anh ấy lại lộn về. Về tới phường tưởng là xong thì phường lại yêu cầu phải có xác nhận của trưởng khối,” chị Tâm cười kể lại.

Đi tới, đi lui, rồi chờ đợi người có trách nhiệm xác nhận… không bận, chỉ tính riêng khâu kê khai, anh chị đã mất nguyên vài tuần chờ đợi.

“Đến nhà khối trưởng thì có khi họ bận không ở nhà nên lại phải đợi ngày hôm sau. Lên phường thì vướng lịch họp nên cũng lui lại. Đấy còn là chưa kể đến việc khi khai thông tin, chúng tôi không được hướng dẫn cụ thể nên sai lên sai xuống. Phải mất cả tháng trời, ông xã mới có thể nhập khẩu được. Đấy là chúng tôi còn là người địa phương, có quen biết, chứ không biết người từ nơi khác về làm hộ khẩu còn rắc rối tới mức độ nào,” chị Tâm thắc mắc.

Trước thông tin thời gian tới, hộ khẩu giấy cũ sẽ được huỷ bỏ và chuyển sang quản lý thông qua hệ thống dữ liệu điện tử, chị Tâm tỏ ra rất mong chờ.

“Chuyển sang quản lý thống nhất dữ liệu công dân qua hệ thống điện tử sẽ giúp cho công dân đỡ gặp phiền toái, rắc rối khi phải đi qua quá nhiều thủ tục hành chính như hiện nay. Cá nhân tôi ủng hộ quyết định này,” chị Tâm chia sẻ.

Lộ trình số hoá 

dữ liệu công dân tương lai

Liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân kiểu cũ, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết: Về cơ bản, đây là chuyển từ quản lý kiểu cũ sang quản lý thông qua hệ thống dữ liệu quốc gia thống nhất. Toàn bộ các thông tin cơ bản của công dân sẽ được số hóa một cách đồng nhất, góp phần làm giảm thủ tục, giảm nhân lực khi côg dân thực hiện các giao dịch liên quan đến hành chính.

VietnamPlus đã có cuộc trao đổi nhanh với Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 – Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an) về lộ trình số hoá dữ liệu công dân trong tương lai.

Theo Thượng tá Phú, công tác quản lý Nhà nước về cư trú có vai trò hết sức quan trọng, không thể bỏ được. Tất cả các ngành, các cấp và ngay cả bản thân công dân cũng đều cần đến sự quản lý này. Tuy nhiên, trong tương lai, khi xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời các ngành cũng làm xong dữ liệu chuyên ngành của mình và kết nối lại với nhau thì có thể tính tới việc bỏ sổ hộ khẩu kiểu cũ.

Trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2020, tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu và chứng minh dân dân vấn sẽ được tiến hành bình thường như cũ.

– PV: Sau khi Chính Phủ ban hành Nghị quyết 112, Bộ Công an có đánh giá thế nào về tình trạng người dân phản ánh bị “hành” khi được cơ quan Nhà nước yêu cầu xuất trình giấy tờ liên quan tới sổ hộ khẩu?

Thượng tá Trần Hồng Phú: Qua theo dõi, tôi thấy có hai chiều hướng: Công dân sợ phiền hà, và công dân sợ bị ảnh hưởng tới quyền lợi của mình lại chiếm phần đa. Bản thân sổ hộ khẩu chỉ để quản lý nơi cư trú của công dân, công an cấp ra sổ đó chỉ để xác định nơi cư trú, còn các ngành đang dựa vào đó thực hiện thủ tục hành chính của mình.

Luật Cư trú và các Nghị quyết của Chính Phủ cũng nghiêm cấm lạm dụng sổ hộ khẩu để hạn chế quyền của công dân.

Trước đó, Thủ tướng Chính Phủ cũng đã ban hành Đề án 896 do Phó Thủ tướng thường trực Chính Phủ làm trưởng ban, có lãnh đạo các Bộ ngành tham gia. Ban Chỉ đạo 896 đã yêu cầu các Bộ, ngành tự rà soát thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu và tự đề xuất các thủ tục không liên quan. Bộ Công an là cơ quan thường trực, có trách nhiệm tham mưu cho Ban chỉ đạo tiến hành đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bản thân quyển sổ hộ khẩu không có lỗi gì cả. Nếu lạm dụng để ngăn cấm công dân là vi phạm pháp luật.

-PV: Lộ trình thu thập 15 trường thông tin cơ bản của công dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Thượng tá Trần Hồng Phú: Có 15 trường thông tin của con người tích hợp trong hệ thống, đây là 15 trường thông tin cơ bản nhất của 1 con người, chuyên dùng sử dụng trong tất cả các thủ tục hành chính.

Dự kiến từ ngày 14/11 tới đây, Bộ Công an sẽ tổ chức tập huấn tại các địa phương về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thu thập, sau đó tiến hành phát phiếu cho các địa phương để công an phường xã thị trấn phát đến từng hộ gia đình, để công dân kê khai, ký xác nhận. Sau đó công an đối chiếu xác minh, xác thực rồi tiến hành nhập dữ liệu.

Về cơ sở hạ tầng, tới năm 2018 sẽ được triển khai. Hiện Chính Phủ đã giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel ứng vốn ra để thực hiện, triển khai hạ tầng, đường truyền, phầm mềm. Có chủ trương của Chính Phủ, có vốn rồi thì triên khai hạ tầng nhanh thôi vì họ có hệ thống chi nhánh đến tận cấp huyện, cấp xã.

– PV: Vấn đề đặt ra là liệu cơ sở hạ tầng trên có đủ mạnh để chống lại sự tấn công của tin tặc, hacker không thưa ông?

Thượng tá Trần Hồng Phú: Trong dự án có quy định rõ về vấn đề bảo mật thông tin. Đây cũng là vấn đề được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Luật căn cước công dân cũng quy định thu thập thông tin công dân nhưng phải đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an ninh an toàn về thông tin. Bọ Công an, hay Tập đoàn Viễn thông quân đội và các đơn vị chức năng phải cùng tham gia để đảm bảo an ninh an toàn thông tin, vì đây là tài sản quốc gia, được tập trung để bảo vệ, tránh sự truy cập, khai thác thông tin trái phép. Việc chia sẻ, khai thác phải đảm bảo không làm ảnh hưởng bí mật cá nhân, bí mật đời tư.

– PV: Hiện tại nguồn kinh phí để thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bao nhiêu thưa ông?

Thượng tá Trần Hồng Phú: Kinh phí của dự án này khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng, thực hiện bằng ngân sách Nhà nước. Quốc hội, Chính Phủ sẽ ưu tiên kinh phí triển khai. Nhưng vấn đề là hiện nay dự án này chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nên vướng vào vấn đề bố trí vốn. Hiện Chính Phủ đã giao Bộ Công an ứng tiền thực hiện trước một số dịch vụ trong năm nay. Đầu năm tới, Chính Phủ sẽ báo cáo Quốc hội bổ sung dự án này vào, sau khi có kế hoạch sẽ giao Viettel ứng vốn thực hiện dự án, rồi Nhà nước sẽ hoàn trả theo kế hoạch vốn dc phê duyệt.

Hệ thống kỹ thuật sẽ được đầu tư từ Trung ướng đến cấp tỉnh, huỵện và hơn 11.000 xã phường thị trấn, bao gồm nhiều hệ thống phần mềm, quản trị đào tạo. Bộ Công an sẽ huy động toàn bộ lực lượng quản lý hành chính đang trực tiếp thực hiện công tác quản lý cư trú, cấp chứng minh thư nhân dân để thu thập trước. Lực lượng này sẽ là người tổ chức phát triển, hướng dẫn kê khai, thu phiếu và xác thực.

Chính Phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ ngành địa phương phối hợp với Bộ Công an tổ chức triển khai. Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân các địa phương cũng sẽ chỉ đạo các ban ngành đoàn thể cùng tham gia hỗ trợ. Đây là cơ sở dữ liệu chung chứ không phải chỉ là cơ sở dữ liệu của Bộ Công an.

– PV: Tương lai, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thiện, người dân và cán bộ cơ quan Nhà nước sẽ được hưởng những thuận tiện nào thưa ông?

Thượng tá Trần Hồng Phú: Đến năm 2020, khi cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thành thì khi tham gia các thủ tục hành chính, công dân sẽ không phải kê khai quá nhiều lần, không phải đi chứng thực giấy tờ nữa mà chỉ cần lấy dữ liệu cơ sở sang.

Cán bộ Nhà nước cũng nhàn hơn, giải quyết nhanh hơn, giảm được lượng hồ sơ bằng giấy tờ phải lưu và bảo quản. Việc truy tìm, khai thác thông tin cũng rất nhanh. Tới đây, khi cơ sở dữ liệu được hoàn thiện thì sẽ chỉ mất mấy giây để truy cập dữ liệu, đẩy nhanh tốc độ giải quyết thủ tục hành chính cho dân.

Xin cám ơn ông.

Chính thức bỏ sổ hộ khẩu

Chính phủ đồng ý với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

23/10/1957

Thông tư 495-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hạn chế đồng bào ở nông thôn ra thành phố

27/6/1964

Nghị định 104-CP của Hội đồng bộ trưởng ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu. Hệ thống hộ khẩu chính thức được áp dụng

1/7/1988

Nghị định 4-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu

5/10/1997

Nghị định 51-CP của Chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ khẩu

29/11/2006

Luật số 81/2006/QH11 Luật Cư trú

21/11/2012

Luật số: 25/2012/QH13 Luật Thủ đô quy định mới về quản lý dân cư trên địa bàn Hà Nội

20/6/2013

Luật 36/2013/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú

18/4/2014

Nghị định 31/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

30/10/2017

Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Theo đó, Chính phủ đồng ý với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Trước đổi mới

Hệ thống hộ khẩu gắn chặt với

việc phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm.

Sau đổi mới

Hộ khẩu vẫn còn là bắt buộc nhưng việc không đăng ký cư trú không còn là vấn đề ảnh hưởng đến sinh kế người dân một cách đáng kể.

Trước khi có Luật Cư trú 20064 loại đăng ký hộ khẩu

– KT1 dành cho những người thường trú (được mua quyền sử dụng đất, tiếp cận các dịch vụ xã hội khác ở nơi cư trú)

– KT2 dành cho những người vẫn ở trong tỉnh đăng ký nhưng ở quận khác (được mua quyền sử dụng đất, tiếp cận các dịch vụ xã hội)

– KT3 dành cho những người tạm trú dài hạn (được mua quyền sử dụng đất, hạn chế tiếp cận các dịch vụ xã hội)

– KT4 dành cho những người cư trú tạm thời (không có quyền mua đất đai, hạn chế tiếp cận các dịch vụ xã hội)

Điều kiện đăng ký hộ khẩu ở các thành phố trực thuộc trung ương

Sống liên tục 3 năm

Sau khi có Luật Cư trú 20062 loại đăng ký hộ khẩu

– Tạm trú

– Thường trú

Điều kiện đăng ký hộ khẩu ở các thành phố lớn

Sống liên tục trong 1 năm (Luật Cư trú 2006)

Sống liên tiếp hai năm (Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú 2013)

Nguồn: Chính phủ, Báo cáo “Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam” của Nhóm Ngân hàng Thế giới và Viện Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Bỏ sổ hộ khẩu, giao dịch hành chính sẽ chỉ cần 3 thông tin

Khi sổ hộ khẩu được bỏ, người dân thực hiện các giao dịch hành chính chỉ cần cung cấp 3 thông tin chính: họ tên, mã số định danh cá nhân và chỗ ở.

Đăng ký thường trú

Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) bằng một biểu mẫu mới.

Bỏ “Giấy chuyển hộ khẩu (HK07)

Bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh với trẻ em đăng ký thường trú

Đăng ký tạm trú

Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Thủ tục hành chính khác

Tách, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu

Xóa đăng ký thường trú, xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú, hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật.

Cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú

Gia hạn tạm trú, hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật.

Nguồn: Nghị quyết 112/NQ-CP

Nội dung: Sơn Bách, Phương Mai Ảnh: Minh Sơn, Tư liệu TTXVN, Charles Peyrin Dàn trang: Thi Uyên