Nông sản Pháp vào Việt Nam

Như thường lệ, cứ vào thứ Bảy, chị Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) và hai đứa con nhỏ lại vào siêu thị BigC để mua đồ ăn cho cả tuần. Đi chợ, từ lâu đã trở thành cuộc đi chơi yêu thích của ba mẹ con chị Liên và thế nào trong giỏ, ngoài rau thịt cho cả tuần, cũng không thể thiếu “táo Tây,” món khoái khẩu của hai đứa trẻ.

“Vì hai đứa nhỏ thích ăn nên đi đâu tôi cũng để ý các quầy bán táo trước tiên. Tuy nhiên, tôi chỉ hay mua ở các siêu thị lớn hoặc trong hệ thống Klever vì ở đó, tôi mới yên tâm là táo sạch. Bọn trẻ nhà tôi thích các loại táo Pháp như Gala, Juliet vì vị ngọt, giòn và thơm,” chị Liên tâm sự.

Khoảng gần 3 năm trở lại đây, các loại nông sản Pháp như táo, nho, kiwi, phomát, thịt nguội… bắt đầu được người tiêu dùng Việt biết đến, bên cạnh các loại nông sản nhập đã quen thuộc từ lâu như thịt bò Úc, nho và thịt gà Mỹ, kiwi New Zealand…

Ông Alexandre Bouchot, Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, táo và thịt bò Pháp được phép “trở lại” Việt Nam từ năm 2015, sau 15 năm bị cấm. Hiện nay, Chính phủ Pháp đang tiếp tục đàm phán để Việt Nam mở cửa thị trường với khoai tây. Dự kiến, khoảng 3.000 tấn khoai tây Pháp sẽ đến Việt Nam trong năm 2018.

“Để đạt được điều đó, chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều rào cản,” ông Bouchot cho biết.

Vườn táo hữu cơ Juliet luôn được bao phủ bởi những tấm lưới chống côn trùng. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)
Vườn táo hữu cơ Juliet luôn được bao phủ bởi những tấm lưới chống côn trùng. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)

Những cánh cửa khép hờ

Có thể nói ngay khi thị trường Việt Nam chính thức mở cửa trở lại với thịt bò và táo, Chính phủ và doanh nghiệp Pháp đã rất nỗ lực để tìm lại chỗ đứng cho hàng nông sản nước này tại Việt Nam.

Cardell Export là một trong những công ty xuất khẩu táo có mặt tại Việt Nam sớm nhất. Ông Pascal Corbel, Giám đốc thương mại nước ngoài của Cardell Export (chuyên xuất khẩu táo hữu cơ Juliet) nhớ lại, ngay khi nhận được giấy phép xuất khẩu, ông đã liên hệ với các doanh nghiệp Việt Nam và xuất những lô hàng thăm dò thị trường đầu tiên vào cuối năm 2015.

Hiện nay, Fruits and Green (Thành phố Hồ Chí Minh) và Klever Fruits là hai nhà nhập khẩu độc quyền táo Juiet tại Việt Nam. Từ tháng 12/2016 đến tháng 5/2017, Cardell Export đã xuất khoảng 32 container, tương đương với 600 tấn táo sang thị trường này.

Ông Pascal Corbel, Giám đốc thương mại nước ngoài của Cardell Export, chuyên xuất khẩu táo hữu cơ Juliet.(Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)
Ông Pascal Corbel, Giám đốc thương mại nước ngoài của Cardell Export, chuyên xuất khẩu táo hữu cơ Juliet.(Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)

Không chỉ có táo hữu cơ Juliet, các loại táo khác của Pháp cũng đã có hai năm bội thu tại thị trường mới này.

Theo Đại sứ quán Pháp, mỗi năm có 3.000 tấn táo được tiêu thụ ở hầu hết các kênh bán lẻ lớn như Big C, Aeon, Lotte Mart, Co.op Mart, Satra, Vinmart… Pháp có khoảng 20 loại táo và hiện có gần chục loại được nhập vào Việt Nam thông qua 4 nhà sản xuất là Blue Whale, Juliet/Cardell Export, FDA International và Harmonie.

Cùng với táo, thịt và các sản phẩm từ thịt của Pháp cũng từng bước xâm nhập thị trường Việt Nam.

Ông Bernard Vallad, Chủ tịch Nghiệp đoàn các nhà công nghiệp chế biến thịt Pháp (Fict) cho biết năm 2016, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt của nước này. Hiện nay, Việt Nam được coi là thị trường tiềm năng mới với mức tăng trưởng khoảng 7%/năm.

Lý giải cho sự phát triển ấn tượng của những mặt hàng trên tại Việt Nam, ông Alexandre Bouchot cho biết người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến thực phẩm sạch, trong khi nước Pháp nổi tiếng “khó tính’ về an toàn thực phẩm.

Các loại nông sản của Pháp đều là sản phẩm chất lượng cao, không sử dụng thuốc trừ sâu đối với rau, củ, quả và hoàn toàn không dùng chất kích thích hay hooc-mon tăng trưởng trong quá trình chăn nuôi.

“Chính phủ Pháp thực hiện rất nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu bán sản phẩm. Hàng năm có tới 30.000 cuộc kiểm tra tại các doanh nghiệp hay chi nhánh ở từng tỉnh; 60.000 cuộc kiểm tra đối với các cơ sở giết mổ, các cơ sở bán hàng, quán ăn, các chợ, siêu thị, các trang trại bán sản phẩm,” ông Alain Clergerie thuộc Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Pháp cho biết.

Củ quả ở Pháp luôn được đóng gói cẩn thận cùng nhãn hiệu và mã số truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)
Củ quả ở Pháp luôn được đóng gói cẩn thận cùng nhãn hiệu và mã số truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)

Ngoài việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng, Pháp còn quản lý hàng hoá bằng cách truy nguyên nguồn gốc theo từng cá thể. Ví dụ, mỗi sản phẩm thịt bò đều được gắn mã số. Khách hàng có thể biết rõ sản phẩm đó thuộc con bò nào, trang trại ở đâu.

Tương tự như thế, trên các sản phẩm rau, củ, quả đều có dán mã số để truy xuất được trồng ở trang trại nào.

“Các bạn khi ăn táo Juliet ở Việt Nam, nhớ gửi cho tôi mã số, tôi có thể nói cho các bạn biết quả táo bạn đang ăn được thu hoạch giờ nào, ngày nào tại thửa ruộng nào, chủ trang trại là ai,” ông Cabiel hóm hỉnh nói.

Ưu việt thế nhưng an toàn thực phẩm lại là nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp Pháp khi vào Việt Nam.

Ông Bernard Vallad, Chủ tịch Fict cho rằng mức nhập khẩu 4.000 tấn từ Pháp là không nhiều so với con số nhập khẩu 148.000 tấn thịt và sản phẩm có nguồn gốc từ thịt trong năm 2016 của Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là sản phẩm từ thịt như pate, thịt nguội…, thịt bò Pháp tuy được cấp phép xuất khẩu nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Xúc xích Chambost được lên men tự nhiên. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)
Xúc xích Chambost được lên men tự nhiên. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)

Trước khi bị cấm do ảnh hưởng của dịch bò điên, các doanh nghiệp Pháp được phép xuất khẩu thịt bò tự do sang Việt Nam nhưng từ khi lệnh cấm được dỡ bỏ năm 2015, Chính phủ Pháp phải cung cấp danh sách các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu, phía Việt Nam sẽ xem xét cấp phép cho từng doanh nghiệp và an toàn thực phẩm luôn là rào cản khó vượt qua nhất.

“Bên Việt Nam có đưa ra một hai chất có trong thịt bò Pháp để hạn chế nhập khẩu thế nhưng thịt bò Úc, thịt bò Nhật cũng có những chất ấy thì vẫn được phép vào Việt Nam. Hơn nữa, thịt bò Pháp vẫn được bán tại Pháp và 28 nước châu Âu, là những nước có tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất thế giới nhưng lại không đủ đảm bảo để vào thị trường Việt Nam,” ông Bernard Vallad than thở.

Mức nhập khẩu 4.000 tấn thịt từ Pháp là không nhiều so với con số nhập khẩu 148.000 tấn thịt và sản phẩm có nguồn gốc từ thịt của Việt Nam trong năm 2016

Để hỗ trợ doanh nghiệp, liên tục từ năm 2015 đến nay, Đại sứ quán Pháp phối hợp với các nghiệp đoàn, hiệp hội ngành nghề tại Pháp như Fict (thịt và các sản phẩm từ thịt), Cniel (sữa và các sản phẩm từ sữa), Fruit and Veg from France-Interfel (rau củ quả), Adepta (trang thiết bị trong lĩnh vực nông sản) để tổ chức các lễ hội như Tháng Pháp tại Việt Nam, Balade En France, FoodExpo, Beaujolais Nouveau… nhằm giới thiệu, quảng bá hàng nông sản nước này với các nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Hai ông Alexandre Bouchot và Bernard Vallad đều hy vọng khi tới đây, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào năm 2018, tình hình trên sẽ được cải thiện: thủ tục cấp phép xuất khẩu sẽ đơn giản hơn, Việt Nam sẽ cấp phép theo nhóm doanh nghiệp do Chính phủ Pháp cung cấp thay vì kiểm tra và cấp phép cho từng doanh nghiệp như hiện nay; các rào cản an toàn thực phẩm cũng sẽ được nới lỏng…

Thịt bò Pháp với nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc được bày bán tại chợ đầu mối Rungis, Paris. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)
Thịt bò Pháp với nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc được bày bán tại chợ đầu mối Rungis, Paris. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)

Phía sau “cánh cửa EVFTA”: Cuộc đời có nở hoa?

Trái với vẻ hồ hởi của Tham tán Nông nghiệp Pháp tại Việt Nam và Chủ tịch nghiệp đoàn Fict, các doanh nghiệp Pháp khi được hỏi về hiệu quả của EVFTA đều tỏ ra khá dè dặt.

Chambost – một hãng thịt nguội truyền thống nổi tiếng ở Lyon, một thành viên của Fict cũng có mặt tại Food Expor 2017 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 11 cho biết họ không kỳ vọng nhiều vào Hiệp định EVFTA giúp Chambost có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam, bởi lẽ, người tiêu dùng địa phương vẫn chưa có thói quen sử dụng jambon, xúc xích trong bữa ăn hàng ngày nên trước mắt, Chambost chỉ hy vọng tìm được đầu mối xuất khẩu với sản lượng khiêm tốn 100-200kg trong những năm đầu tiên.

Tương tự thịt nguội, khoai tây Pháp, “lính mới” sẽ xuất hiện ở Việt Nam trong năm 2018 được đánh giá là không gây áp lực gì nhiều cho thị trường.

Xưởng xúc xích của hãng Chambost. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)
Xưởng xúc xích của hãng Chambost. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)

Ông Hà Văn Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Tân Nông (Bắc Giang), một trong những doanh nghiệp đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoai tây có tên tuổi ở khu vực miền Bắc trao đổi: Người Việt Nam thích giống khoai ta, củ màu vàng óng, nhiều tinh bột và vị đậm đà. “Nếu Pháp xuất khẩu vào Việt Nam thì chỉ có xuất trái vụ chứ chính vụ khoai tây sẽ không thể cạnh tranh được với khoai của Việt Nam. Hiện giá thành sản xuất khoai của Việt Nam quy mô công nghiệp cũng chỉ ở mức 4.000–5.000 đồng/kg, bán ra ở mức 350 USD/tấn là nông dân đã có lãi 150 USD/tấn”, ông Hiền khẳng định.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nhập khoai từ Úc với giá khoảng 1.000 USD/tấn, còn Hà Lan, Đức là khoảng 650–700 euro/tấn. Do đó, khoai Pháp nếu vào Việt Nam thì cũng còn phải cộng thêm phí vận chuyển, khó có thể cạnh tranh với khoai của Việt Nam.

Viễn cảnh lượng xuất khẩu tăng đột biến cũng không diễn ra với táo Juliet. Ông Cobiel cho rằng EVFTA sẽ giúp mở cánh cửa thị trường rộng hơn nhưng điều đó đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh tăng mạnh, Cardell Export sẽ gặp nhiều đối thủ hơn tại thị trường Việt Nam.

Đó chính là lý do thay vì đón đầu cơ hội thị trường, Cardell Export vẫn giữ nguyên diện tích trồng táo Juliet trong năm nay đồng nghĩa với việc sản lượng sẽ không tăng đột biến.

Táo hữu cơ Juliet có vỏ dày, màu đỏ đậm, vị ngọt, giòn và thơm. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)
Táo hữu cơ Juliet có vỏ dày, màu đỏ đậm, vị ngọt, giòn và thơm. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam+)

Đại diện của Klever Fruits tại Hà Nội cho biết táo Juliet rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Đây là sản phẩm táo hữu cơ hiếm hoi và mặc dù là táo hữu cơ nhưng lại rất thơm, giòn, màu đỏ-vàng rất đẹp, tuy size quả hơi nhỏ hơn so với các loại táo khác. Năm 2016, Klever tiêu thụ 200 tấn táo này và năm 2017, lượng táo tiêu thụ dự kiến tăng khoảng 50% so với năm trước. Nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam rất ưa thích sản phẩm này, tiềm năng thị trường lớn, Klever đã đàm phán với Cardell Export để tăng thêm lượng hàng nhập khẩu nhưng chưa có kết quả do hãng chưa có kế hoạch tăng diện tích trồng.

“Chúng tôi hiện mới trồng Juliet trên 350ha, còn khoảng 200ha nữa đang chờ, nhưng do tín hiệu thị trường không rõ ràng nên chúng tôi chưa có ý định mở rộng sản xuất,” ông Corbiel cho biết.

Cùng chung nhận định với Cardell Export, ông chủ Vin Descombe, một hãng rượu vang lâu đời nổi tiếng của Pháp và đã có mặt tại Việt Nam cũng cho rằng thị trường mở rộng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh tăng lên do có nhiều đối thủ hơn.

“Chúng tôi vừa mất hợp đồng lâu năm với Hãng hàng không Vietnam Airlines do hãng này thay đổi chính sách thị trường. Mở cửa là chấp nhận cạnh tranh nhiều hơn,” bà Descombe tâm sự.

Thực tế trên cho thấy, việc mở cánh cửa thị trường Việt Nam đối với hàng nông sản Pháp đã là một câu chuyện dài và khó. Nhưng mở được rồi và trụ lại, lại là một câu chuyện dài và khó khác, mà sự thành công nhiều khi không phải cứ nỗ lực là đạt./.

Thùng chứa rượu vang 'khổng lồ' của hãng Vin Descombe. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam)
Thùng chứa rượu vang ‘khổng lồ’ của hãng Vin Descombe. (Ảnh: Hữu Công/Vietnam)