Bằng việc lồng ghép các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) vào chương trình, kế hoạch, chính sách ở các cấp, các ngành, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện các MDG. Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam đặc biệt chú ý và phân bổ nguồn lực cho giảm nghèo và phát triển xã hội.
Hoàn thành tốt các mục tiêu thiên nhiên kỷ
Tháng 9-2000 đánh dấu thời khắc lịch sử tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ, 189 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc ký Tuyên bố Thiên niên kỷ thể hiện cam kết về một sự hợp tác toàn cầu mới về xóa nghèo đói, phát triển và bảo vệ môi trường.
Một năm sau, lộ trình của Liên hợp quốc đề ra kế hoạch thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ đã chính thức xác lập 8 Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ với hạn thực hiện là đến hết năm 2015, bao gồm: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; Phổ cập giáo dục tiểu học; Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; Giảm tử vong ở trẻ em; Tăng cường sức khỏe bà mẹ; Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh nguy hiểm khác; Đảm bảo bền vững về môi trường; Thiết lập mối quan hệ toàn cầu vì phát triển.
Kể từ khi ký Tuyên bố Thiên niên kỷ, Việt Nam đã quyết tâm thực hiện những cam kết trên. Trong suốt những năm qua, Việt Nam đã coi các MDG là một ưu tiên quan trọng của quốc gia. Nước ta đã phản ánh tinh thần MDG trong các cam kết quốc tế, các văn bản pháp luật và chính sách quan trọng của đất nước. Việt Nam đã coi trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, kết hợp đào tạo kiến thức lập kế hoạch có lồng ghép và phân tích kết quả MDG; Việt Nam đã quốc gia hóa thành công các MDG thành các mục tiêu phát triển quốc gia dựa trên đặc điểm và điều kiện cụ thể của đất nước, tạo điều kiện tập trung được nguồn lực nhằm giải quyết hiệu quả các mục tiêu về giảm nghèo, giáo dục, y tế…
Bằng việc lồng ghép các MDG vào chương trình, kế hoạch, chính sách ở các cấp, các ngành, Việt Nam đã thực hiện tốt việc đưa những cam kết quốc tế như MDG vào quá trình vận hành thực tế của quốc gia; đồng thời, xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể gắn với việc bố trí ngân sách phù hợp để đạt được kết quả cao. Sự phân công trách nhiệm rõ ràng trong việc triển khai thực hiện các MDG cũng là một trong những yếu tố góp phần đem lại những kết quả tích cực. Chính vì vậy, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản 8 Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Dấu ấn nổi bật trong xóa đói giảm nghèo và phổ cập tiểu học
Việt Nam là một trong các quốc gia thành công về giảm nghèo và đã đạt MDG về giảm nghèo trước thời hạn. Quá trình giảm nghèo ấn tượng trên là kết quả của tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tự do hóa thương mại và các chính sách giảm nghèo nhắm trực tiếp vào các nhóm yếu thế.
Trong thời gian từ 1993-2008, tỷ lệ nghèo tính theo chi tiêu giảm từ 58,1% xuống 14,5%. Trong giai đoạn tiếp theo, tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia 2011-2015 đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7,0% năm 2015 (năm cuối của việc thực hiện MDG). Mức sống chung của người dân được nâng cao, tỷ lệ thiếu đói đã giảm mạnh (7,5 triệu người đã thát khỏi tình trạng đói trong giai đoạn 2008-2013) và tình trạng thiếu đói kinh niên đã được xóa bỏ ở hầu hết các tỉnh, thành phố, khoảng cách nghèo cũng đã được cải thiện. Đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm còn 5,8% theo chuẩn nghèo quốc gia (10% theo chuẩn nghèo đa chiều).
Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn quốc gia năm 2014. Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó có 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; Chất lượng giáo dục tiểu học được cải thiện qua các năm.

Trong suốt những thập kỷ vừa qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã chứng tỏ cam kết và đạt được thành công trong việc kiến thiết lại hệ thống giáo dục quốc gia, giúp tăng cường chất lượng dạy và học cũng như cải thiện cơ sở vật chất nhà trường và môi trường học tập.
Điểm sáng về thực hiện bình đẳng giới
Việt Nam đã thành công ấn tượng với việc đạt được tất cả các chỉ tiêu của mục tiêu bình đẳng giới. Đây là mục tiêu được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các MDG.
Về giáo dục, đến 2014, không còn có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ biết đọc, biết viết và tỷ lệ nhập học ở tất cả các cấp học giữa nam và nữ. Phụ nữ cũng chứng tỏ vai trò ngày càng tăng trong giáo dục. Tỷ lệ giảng viên nam và giảng viên nữ tại các trường đại học và cao đẳng hiện nay tương đương nhau, trong khi vào đầu những năm 2000 giảng viên nam vẫn còn chiếm đại đa số.
Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2016-2021) đạt 26,8%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới
Về việc làm, sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động phi nông nghiệp đã tăng mạnh, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2016-2021) đạt 26,8%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới.
Tăng cường sức khỏe bà mẹ, giảm trẻ em tử vong
MDG này hướng tới giảm 2/3 số lượng trẻ em tử vong trong vòng 24 năm (1990-2014). Các số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em trong 15 năm đầu thực hiện. Cụ thể, trong giai đoạn 1990-2004, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm một nửa và tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh giảm nhanh hơn 2,5 lần.
Các kết quả tích cực của chương trình tiêm chủng mở rộng và các chính sách bảo vệ sức khỏe phụ nữ đã đóng góp đáng kể vào tiến bộ này. Tuy nhiên, tiến độ cải thiện các chỉ số này đã chậm lại trong thời gian sau đó và chỉ tiêu về tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi năm 2015 chỉ đạt mức tiệm cận mục tiêu.

Việt Nam đã giảm tỷ số tử vong bà mẹ xuống sát với mục tiêu vào năm 2015, đây là một bước tiến bộ đáng kể. Sức khỏe sinh sản của bà mẹ đã được quan tâm đặc biệt, tỷ lệ tránh thai đạt 75,7% trên toàn quốc, tỷ lệ sinh sản vị thành niên giảm xuống còn 45 ca trên 1.000 phụ nữ vào năm 2014. Đa số phụ nữ trong thời kỳ thai sản được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc tiền sản.
Mặc dù vậy, ở một số vùng nơi người dân tộc thiểu số sinh sống và các điều kiện kinh tế – xã hội còn kém phát triển như vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, kiến thức về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục trong thanh thiếu niên còn hạn chế.
Kết quả đáng khích lệ trong phòng chống HIV/AIDS, sốt rét
Việt Nam đã đạt được các kết quả đáng khích lệ trong việc ngăn chặn HIV/AIDS; Việt Nam đã được giảm tỷ lệ nhiễm HIV thấp hơn mục tiêu chiến lược 0,3% dân số vào năm 2014. Số lượng và chất lượng các dịch vụ điều trị, chăm sóc và hỗ trợ về HIV/AIDS đã được cải thiện.
Việt Nam đã đạt được mục tiêu kiểm soát sốt rét từ năm 2011 với tỷ lệ các ca tử vong liên quan đến sốt rét chỉ ở mức 0,01 trên 100.000 người trong năm 2012.
Việt Nam cũng đã vượt mục tiêu toàn cầu về kiểm soát bệnh lao khi giảm thành công trên 60% số lượng các ca mắc mới và tử vong so với năm 1990.
Đảm bảo phát triển bền vững môi trường
Nhận thức được vai trò của môi trường là một trong các yếu tố chính của phát triển bền vững, Việt Nam đã không ngừng đưa các nguyên tắc bền vững vào các chính sách và chương trình quốc gia, cũng như tôn trọng các cam kết quốc tế. Các kết quả về tăng cường tiếp cận nước sạch, điều kiện vệ sinh cơ bản và nơi ở an toàn là đáng khích lệ, tập trung ở phần đông dân số và các nhóm yếu thế.
Việt Nam cũng đã có các nỗ lực ấn tượng để hoàn thành trách nhiệm trong việc kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính (GHG) và các chất gây hại tầng ôzôn (ODS), và tăng các bể các-bon tự nhiên qua các chương trình trồng rừng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong việc xây dựng mối quan hệ toàn cầu vì phát triển. Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 185 nước trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong ASEAN và nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc.
Chú trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Kết thúc chương trình Mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam vẫn tiếp tục tập trung nỗ lực duy trì và nâng cao các kết quả đạt được, đồng thời tiến tới một mô hình tăng trưởng bền vững. Vì sự phát triển con người gắn với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam tiếp tục huy động những nguồn lực nhằm đem lại những thành công hơn nữa về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo; tập trung nhiều hơn vào khía cạnh tăng năng suất và đổi mới cùng với các công cụ chính sách nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện và công bằng.
Việt Nam đã nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm trong việc kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính (GHG) và các chất gây hại tầng ôzôn (ODS), và tăng các bể các-bon tự nhiên qua các chương trình trồng rừng
Hiện nay, Việt Nam luôn xem phát triển bền vững là mục tiêu chung trong chiến lược phát triển của quốc gia và cam kết thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội sau hơn 3 thập niên đổi mới, trong đó có việc thực hiện thành công nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, tạo nền tảng vững chắc cho việc hiện thực hóa 17 mục tiêu SDG của thế giới như: xóa đói giảm nghèo; đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng; đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh; giáo dục chất lượng, mở rộng và công bằng; đạt được bình đẳng giới; quản lỹ bền vững nguồn nước; tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn; xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc; giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia; xây dựng các đôi thị và khu dân cư; đảm bảo mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững; chống biến đổi khí hậu; bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương – biển; tái tạo và sử dụng bền vững các hệ sinh thái; thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở; thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu.
Tuy nhiên, việc thực hiện SDG tại Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức đáng kể, trong đó có việc thiếu nguồn lực tài chính do luồng vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) sụt giảm và những hạn chế trong việc giám sát và đánh giá khả năng, nhất là các số liệu thống kê. Ở cấp độ toàn cầu, để thực thi thành công Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, cần phải duy trì hòa bình và an ninh dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác phát triển giữa các quốc gia, củng cố quan hệ đối tác toàn cầu, thúc đẩy hợp tác phát triển, hòa bình và thịnh vượng giữa các quốc gia trong khu vực, huy động và chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và tài chính./.
