Khi quyết định giải tán Hạ viện, tiến hành bầu cử cơ quan lập pháp này vào ngày 22/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là đã cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố cần thiết để chọn thời điểm bầu cử thuận lợi nhất cho đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Càng tiến đến gần đến ngày bầu cử, những diễn biến trên chính trường Nhật Bản cho thấy dường như Thủ tướng Abe đã có một nước cờ sáng suốt.
Có thể nói, chiến dịch bầu cử Hạ viện 2017 của Nhật Bản là một chiến dịch có nhiều diễn biến bất ngờ, khiến cho chính trường Nhật Bản liên tiếp có những thay đổi đột ngột ngoài kế hoạch.
Thăng trầm phiên bản của LDP
Đầu tiên những thăng trầm của Đảng Hy vọng, chính đảng khi mới thành lập đã được đánh giá là trở ngại lớn trên con đường của đảng LDP giành đa số quá bán tại Hạ viện. Thế nhưng trải qua vài ngày tranh cử, Đảng Hy vọng đang bộc lộ dần những nhược điểm của mình.
Với uy tín của Thị trưởng Tokyo Yuri Koike đang gia tăng mạnh sau cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo hồi tháng 7/2017, Đảng Hy vọng lúc đó được dự đoán là sẽ trở thành một đối thủ cản trở đáng kể cuộc đua vào Hạ viện của LDP. Tiếp đó, việc đảng Dân chủ, đảng đối lập lớn nhất, tuyên bố để các đảng viên của mình tranh cử dưới tên gọi của Đảng Hy vọng, được đánh giá là một động thái nữa tiếp thêm sức mạnh cho Đảng Hy vọng.
Tuy nhiên, điều tưởng chừng là tạo thêm sức mạnh cho Đảng Hy vọng bất ngờ trở thành chướng ngại. Nguyên nhân là việc bà Koike tuyên bố không chấp nhận các đảng viên Dân chủ mà bà coi là không có quan điểm phù hợp với lập trường trung hữu của đảng. Diễn biến này là một trong những cú hích để các đảng viên Dân chủ không muốn gia nhập Đảng Hy vọng, thành lập đảng Dân chủ lập hiến (CDP). Đó là nốt trầm đầu tiên của Đảng Hy vọng sau những ngày đầu được truyền thông đánh giá lạc quan.
Chiến dịch bầu cử Hạ viện 2017 của Nhật Bản là một chiến dịch có nhiều diễn biến bất ngờ, khiến cho chính trường Nhật Bản liên tiếp có những thay đổi đột ngột ngoài kế hoạch
Trong cuộc thăm dò dư luận được tiến hành sau khi đảng CDP được thành lập, trong vòng một tuần tỷ lệ ủng hộ Đảng Hy vọng đã giảm 6%, xuống còn 13%. Giới phân tích đánh giá một trong những nguyên nhân chính là sự xuất hiện của CDP. Một yếu tố nữa khiến cho uy tín Đảng Hy vọng suy giảm kể từ khi chiến dịch tranh cử bắt đầu là cương lĩnh tranh cử.
Giáo sư Yu Uchiyama của Đại học Tokyo nhận định các chính sách của Đảng Hy vọng không rõ ràng, thậm chí vẫn còn có những điểm thiếu nhất quán. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng chỉ ra những điểm trùng lặp chính sách của Đảng Hy vọng với các đảng khác trong đó đáng chú ý là LDP và đảng Phục hưng Nhật Bản.
Thậm chí, không ít chuyên gia còn đánh giá nguyên nhân của việc số người ủng hộ Đảng Hy vọng đang suy giảm là vì ngày càng có nhiều người quay lưng lại những động thái của bà Koike mà họ gọi đó là “thủ thuật dân túy.”
Các chuyên gia đánh giá cương lĩnh hoạt động của đảng “phủ đầy những mỹ từ” và những “hứa hẹn màu hồng” như bãi bỏ kế hoạch tăng thuế tiêu dùng 2019, thúc đẩy chính sách kinh tế Yurinomics và đạt mục tiêu 12 số 0 (tức là xóa bỏ các vấn đề còn tồn tại tại Nhật Bản như thiếu nhà trẻ, điện hạt nhân, hút thuốc thụ động…). Tuy nhiên, họ cho rằng cương lĩnh này không có sự nổi bật so với cương lĩnh của LDP. Cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, Đảng Hy vọng để xuất thực hiện chính sách Yurinomics theo dó sẽ không dựa quá nhiều vào các biện pháp nới lỏng tiền tệ và kích thích tài chính mà sẽ tập trung cải cách khu vực tư nhân trong đó có việc cho phép bán cổ phần của chính phủ.

Một điểm mâu thuẫn là chính Yurinomics lại nhấn mạnh sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thêm một thời gian nữa.
Giới phân tích cho rằng cương lĩnh của Đảng Hy vọng thiếu các chính sách trọng yếu, gần như chỉ là sự lặp lại của LDP vì vậy không thể thuyết phục cử tri rằng đảng này sẽ là một thay thế hợp lý cho LDP. Bên cạnh đó, Yurinomics bị chỉ trích là thiếu biện pháp phù hợp để khôi phục sức mạnh tài chính của Nhật Bản và không đề cập rõ đến việc sẽ trích nguồn ngân sách nào để cải thiện an sinh xã hội nếu như không tăng thuế tiêu dùng.
Một vũ khí nữa để chống lại LDP và Thủ tướng Abe là nêu lên hai vụ bê bối Moritomo và Kake Gakuen mà đương kim thủ tướng bị cho là có sự thiên vị. Tuy nhiên, nếu đòn tấn công này đã phát huy hiệu quả trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo hồi tháng Bảy, giúp bà Koike giành thắng lợi trước LDP thì giờ đây trước thềm cuộc bầu cử cấp quốc gia, các cử tri tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực của từng đảng thông qua các chính sách, cam kết tranh cử, cách tấn công vào uy tín cá nhân đã không thu hiệu quả như bà mong muốn.
Một chuyên gia đã nhận định “đây có thể là một ác mộng bầu cử đối với cử tri Nhật Bản vì đây đơn thuần là cuộc chiến giữa LDP với một đảng tương tự LDP”
Một chuyên gia đã nhận định “đây có thể là một ác mộng bầu cử đối với cử tri Nhật Bản vì đây đơn thuần là cuộc chiến giữa LDP với một đảng tương tự LDP.” Nếu so sánh với LDP, Đảng Hy vọng mới thành lập được vài ngày thiếu hẳn bề dày kinh nghiệm lãnh đạo và nền tảng cơ sở ủng hộ vững chãi trên toàn quốc.
Trong khi đó, nếu xem xét yếu tố đối lập với LDP, rõ ràng CDP hoàn toàn khác biệt Đảng Hy vọng nhờ vào nhiều chính sách kế thừa từ đảng Dân chủ. Đây là chính là một lợi thế để CDP thu hút nhóm cử tri truyền thống của phe đối lập. Trong khi chỉ còn vài ngày nữa đến cuộc bầu cử, uy tín của Đảng Hy vọng lại bị ảnh hưởng khi hơn một nửa số nghị sĩ của Đảng Dân chủ tại Thượng viện tuyên bố sẽ không gia nhập Đảng Hy vọng theo lời kêu gọi của Chủ tịch Đảng Dân chủ, ông Seiji Maehara.
Hãng thông tấn Jiji dự đoán chỉ có 57 ứng cử viên trong số 235 ứng cử viên của Đảng Hy vọng có thể trúng cử. Đây là một tỷ lệ thấp nếu như so với con số dự đoán 40/78 ứng cử viên của CDP sẽ thắng cử. Đảng CDP được dự đoán sẽ trở thành đảng lớn thứ ba tại Hạ viện sau cuộc bầu cử sắp tới.
Theo kết quả thăm dò do Đài truyền hình TBS công bố ngày 17/10, tỷ lệ ủng hộ CDP đã lên đến mức 7,3%, vượt trên tỷ lệ ủng hộ Đảng Hy vọng giảm xuống chỉ còn 5,2%. Thậm chí, trong cuộc thăm dò ngày 18/10 của Kyodo, CDP được dự đoán có khả năng soán ngôi thứ hai tại Quốc hội. Như vậy, đối thủ đáng gờm nhất mà Đảng Hy vọng đối mặt không phải là LDP mà chính là CDP.

Chủ tịch CDP, ông Yukio Edano thừa nhận cơ cấu chính trường Nhật Bản hiện nay hoàn toàn khác với các cuộc bầu cử trước kia. Chính trường hình thành nên một cuộc đối đầu ba bên gồm liên minh cầm quyền của Đảng LDP với Đảng Công minh, liên minh của Đảng Hy vọng với đảng Phục hưng Nhật Bản; và liên minh của Đảng CDP với đảng Cộng sản, đảng Dân chủ xã hội. Tuy nhiên, LDP giờ đây đang ở thế thượng phong không có đối thủ trong khi hai bên còn lại CDP và Đảng Hy vọng đang phải giành giật cử tri trong cùng một nhóm.
Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản, ông Kazuo Shii chỉ trích Đảng Hy vọng đang phá hủy các nỗ lực để đoàn kết các đảng đối lập thành một mặt trận thống nhất đối phó với sức mạnh của LDP. Trước đó, trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2009, trên cơ sở thỏa thuận thống nhất để cản trở LDP, Đảng Cộng sản đã giảm số ứng cử viên của mình để nhường cơ hội cho Đảng Dân chủ chiến thắng LDP.
Như vậy, thay vì đoàn kết để đối phó với đảng LDP của Thủ tướng Abe, lực lượng đối lập rõ ràng đã bị một bước thụt lùi lớn khi bị phân hóa để trở thành đối thủ của nhau tại đợt tổng tuyển cử này.
Thay vì đoàn kết để đối phó với đảng LDP của Thủ tướng Abe, lực lượng đối lập rõ ràng đã bị một bước thụt lùi lớn khi bị phân hóa để trở thành đối thủ của nhau tại đợt tổng tuyển cử này.
Nốt trầm thứ ba mà Đảng Hy vọng vướng phải đó chính là việc bà Koike cho dù là người đứng đầu đảng vẫn phải từ chối ra tranh cử vào Hạ viện. Trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo, bà Koike đã cam kết dành toàn bộ sức lực và tâm trí để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Thị trưởng Tokyo.
Nếu bà tuyên bố ra tranh cử trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này, điều đó đồng nghĩa với việc bà đồng thời phải đảm nhận hai nhiệm vụ cả ở Tokyo lẫn cấp quốc gia và như thế sẽ ảnh hưởng đến công suất làm việc của bà trên cương vị Thị trưởng Tokyo. Nếu điều này xảy ra, bà Koike sẽ đi ngược lại với cam kết mà bà đã gửi đến cử tri Tokyo.
Rõ ràng, bà Koike không thể để hình ảnh một chính trị gia đáng tin cậy mà bà đã dày công xây dựng bị hủy hoại và thậm chí sẽ ảnh hưởng đến con đường chính trị trong tương lai. Tình thế này buộc bà Koike phải từ chối tranh cử vào Hạ viện song chính điều này đã đẩy Đảng Hy vọng vào bài toán khó. Đó là ngoài bà Koike, đảng viên nào của Đảng của Hy vọng đủ uy tín và năng lực để đảm nhận cương vị thủ tướng nếu như đảng này giành thắng lợi. Đây sẽ là một lý do để cử tri ngần ngại khi cân nhắc việc bầu cho Đảng Hy vọng.

Liên minh cầm quyền chiếm lợi thế
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự khủng hoảng của lực lượng đối lập đã trở thành một lợi thế rõ rệt của LDP, một chính đảng lớn, có nền tảng vững chắc, có thực lực và đặc biệt là có một Chủ tịch đảng có kinh nghiệm điều hành đất nước. Mặc dù phe đối lập tiếp tục tấn công Thủ tướng Abe bằng việc chỉ trích Abenomics thất bại và hai vụ bê bối Moritomo, Kake Gakuen song cho đến thời điểm này, phe đối lập chưa có chính khách nổi bật nào có thể cạnh tranh với ông Abe. Sự chói sáng bất ngờ của Thị trưởng Tokyo Koike tại cuộc bầu cử cấp địa phương chưa đủ để thuyết phục cử tri về khả năng trở thành một lãnh đạo quốc gia nếu như chưa đủ thời gian chuẩn bị.
Mặc dù vẫn bày tỏ sự bất bình đối với Thủ tướng Abe liên quan đến hai vụ bê bối Moritomo và Kake Gakuen, song nhiều người dân Nhật Bản vẫn tiếp tục bày tỏ giành sự ủng hộ cho LDP trong cuộc bầu cử sắp tới. Lý do quan trọng nhất mà các cử tri đưa ra là chưa có một chính khách nào đủ tầm thay thế ông Abe lãnh đạo đất nước.
An toàn quốc gia là điều tối quan trọng, chính vì vậy, đối phó với vấn đề Triều Tiên là vấn đề được nêu lên đầu tiên trong cương lĩnh tranh cử của đảng LDP. Với khẩu hiệu “Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc,” được đưa lên đầu cương lĩnh tranh cử của đảng, LDP đang nỗ lực thuyết phục cử tri tin tưởng vào năng lực của đảng này trong việc bảo vệ đất nước, bảo đảm an toàn cho nhân dân, đã được LDP chứng minh trong thời gian qua.
Giáo sư Uchiyama của Đại học Tokyo nhận định chính quyền của Thủ tướng Abe đã xử lý phù hợp vấn đề Triều Tiên.
Giáo sư Uchiyama của Đại học Tokyo nhận định chính quyền của Thủ tướng Abe đã xử lý phù hợp vấn đề Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng căng thẳng với Triều Tiên có thể coi là một tình huống khủng hoảng và một chính đảng non trẻ, chưa có kinh nghiệm, rất dễ rơi vào bị động khi xử lý.
Cùng với lợi thế về năng lực xử lý an ninh đối ngoại, kinh tế, lĩnh vực vốn đang bị phe đối lập tập trung công kích, giờ đây là đang có những chuyển biến thuận lợi cho LDP. Sau nhiều ngày tăng liên tục, ngày 13/10, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo lần đầu tiên trong vòng 21 năm qua (từ năm 1996) đã leo lên mức kỷ lục 21.000 điểm.
Giới chuyên gia đầu tư nhận định nếu các nhà đầu tư tin tưởng cam kết của LDP hồi năm 2013, đầu tư vào chỉ số Nikkei 225, giờ đây họ đã thu được một khoản lợi nhuận tối thiểu là 37%.

Một số nhà đầu tư Nhật Bản thậm chí còn khẳng định “cuối cùng thì Abenomics đã bắt đầu phát huy hiệu quả.” Kinh tế tăng trưởng trong sáu quý liên tiếp. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4% xuống còn 2,8%. LDP tuyên bố những số liệu thống kê khả quan trên là kết quả của nhiều năm thực hiện Abenomics. Mặc dù vẫn còn những băn khoăn về việc kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi giảm phát, mục tiêu tỷ lệ lạm phát 2% tiếp tục bị gia hạn, song không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực đó.
Cuộc bầu cử lần này còn đánh dấu lần đầu tiên các cử tri 18 tuổi tham gia bầu cử Hạ viện. Giới phân tích cho rằng đây có thể là một lợi thế nữa cho LDP vì đây là nhóm cử tri được lợi nhất khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, cơ hội việc làm gia tăng.
Càng gần đến thời điểm quyết định, tình hình càng xoay theo chiều hướng có lợi cho LDP. Thiếu thời gian chuẩn bị khiến cho Đảng Hy vọng lúng túng trong việc tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử bài bản, có sức thuyết phục; sự phân hóa, đối đầu lẫn nhau giữa các đảng trong phe đối lập và cuối cùng là các chỉ số kinh tế tích cực trong những ngày cận kề thời điểm bầu cử…, tất cả đang hỗ trợ hiệu quả cho chiến dịch vận động tranh cử của LDP.
Do cuộc bầu cử được quyết định bất ngờ nên ngoài LDP, không có đảng nào đưa ra số ứng cử viên đủ để tranh cử đa số tại Hạ viện, tức là 233/465 ghế.
Bên cạnh đó, do cuộc bầu cử được quyết định bất ngờ nên ngoài LDP, không có đảng nào đưa ra số ứng cử viên đủ để tranh cử đa số tại Hạ viện, tức là 233/465 ghế.
Theo Kyodo, LDP và đối tác trong liên minh cầm quyền là đảng Công Minh có thể giành được 310 ghế trên tổng số 465 ghế tại Hạ viện, trong đó, chỉ riêng LDP có thể dành được 280 ghế, mức đa số tuyệt đối, tức là cao hơn nhiều so với mục tiêu mà Thủ tướng Abe đề ra là 233 ghế. Đảng Công Minh có thể giành được 35 ghế. Đảng Hy vọng có thể giành được khoảng 60 ghế và đảng Dân chủ lập hiến có thể dành được trên 30 ghế.
Nếu như các dự đoán trên thành kết quả thực tế, LDP dù không liên minh với đảng Công Minh mà vẫn chiếm đa số quá bán tại Hạ viện. Truyền thông và các chuyên gia Nhật Bản hầu hết đều nghiêng về khả năng LDP sẽ có một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới.
Tại Nhật Bản, công cụ chính trị quyền lực nhất của đương kim Thủ tướng là giải tán Hạ viện, tiến hành bầu cử sớm. Ông Abe đã sử dụng công cụ quyền lực này để giải vây cho mình khỏi sự tấn công của phe đối lập, đồng thời tận dụng yếu tố bất ngờ để mở một ván bài chính trị mới với phe đối lập trong bối cảnh LDP đang chiếm thế thượng phong.
Chưa thể loại bỏ yếu tố bất ngờ vì vẫn khoảng 40% người được hỏi trong cuộc thăm dò ngày 18/10 của Kyodo vẫn chưa trả lời sẽ bầu cho đảng nào. Tuy nhiên, căn cứ vào những diễn biến trên chính trường Nhật Bản, chiến thắng của liên minh cầm quyền là điều có thể dự báo trước./.
