Đột nhập ‘Tử cấm thành’ của Apple

“Sự sống và cái chết tại ‘Tử cấm thành’ của Apple” là một đoạn trích được biên tập từ cuốn ‘The One Device: The Secret History of the iPhone’ (Một thiết bị: Lịch sử bí mật của iPhone) của Brian Merchant.

Trong đoạn trích từ cuốn sách mới của mình trên tờ The Guardian, Brian Merchant đã tiết lộ cách tiếp cận với Longhua, khu tổ hợp rộng lớn nơi sản xuất những chiếc iPhone, và cũng là nơi các công nhân bất hạnh bắt đầu tự sát từ năm 2010.

Khu tổ hợp nhà máy trải rộng, những căn nhà tập thể cho công nhân toàn màu xám và những nhà kho bạc màu gió mưa nối liền một mảnh vào vùng ngoại ô đại đô thị Thâm Quyến.

Nhà máy Longhua khổng lồ của Foxconn là nơi sản xuất sản phẩm của Apple với quy mô lớn. Nó có thể là nhà máy nổi tiếng nhất thế giới, cũng có thể là một trong những nhà máy bí ẩn và khép kín nhất.

Ở mỗi cổng vào nhà máy đều có bảo vệ canh gác. Nhân viên không thể vào nhà máy mà không quẹt thẻ định danh; các tài xế lái xe tải chở hàng không thể ra vào nếu không quét dấu vân tay. Một nhà báo của Reuters đã từng bị lôi ra khỏi ôtô và bị đánh vì dám chụp ảnh từ bên ngoài những bức tường nhà máy.

Những biển cảnh báo cắm bên ngoài có viết: “Khu vực nhà máy được thành lập hợp pháp với sự phê duyệt của nhà nước. Cấm xâm nhập trái phép. Những người vi phạm sẽ bị đưa đến đồn cảnh sát và bị truy tố!” Lời lẽ trên những tấm biển này còn hung hăng hơn cả những biển cảnh cáo bên ngoài các doanh trại quân đội ở Trung Quốc.

Nhà máy Longhua khổng lồ của Foxconn là nơi sản xuất các sản phẩm của Apple với quy mô lớn. Nó có thể là nhà máy nổi tiếng nhất thế giới, cũng có thể là một trong những nhà máy bí ẩn và khép kín nhất.

Nhưng hóa ra có một lối bí mật dẫn thẳng vào trung tâm của khu tổ hợp khét tiếng này: phòng vệ sinh. Tôi không thể tin được điều đó. Nhờ một sự xếp đặt giản đơn của số phận cùng sự kiên trì thông minh của người được tôi lót tay, tôi đã lọt được vào sâu bên trong khu vực được gọi là Thành phố Foxconn này.

Dòng chữ này được in trên lưng của mọi chiếc iPhone: “Thiết kế bởi Apple ở California, lắp ráp tại Trung Quốc.” Luật pháp ở Mỹ quy định rằng những sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc phải được gắn nhãn như vậy, và việc Apple đưa dòng này lên sản phẩm đã minh họa một trong những sự phân chia kinh tế sắc nét nhất thế giới – công nghệ đột phá được thai nghén và thiết kế ở thung lũng Silicon, nhưng lại được lắp rắp bằng tay ở Trung Quốc.

Đại đa số những nhà máy sản xuất các bộ phận của iPhone và thực hiện các công đoạn lắp ráp cuối cùng được đặt ở Trung Quốc, nơi có chi phí nhân công rẻ và một lực lượng lao động hùng hậu với tay nghề cao. Những điều này đã biến Trung Quốc thành địa điểm lý tưởng để sản xuất iPhone (cũng như nhiều thiết bị di động khác).

Khả năng sản xuất quy mô lớn chưa từng có của Trung Quốc – theo ước tính của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, tính tới năm 2009, có 99 triệu công nhân làm việc trong các nhà máy ở đây – đã giúp quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Và từ khi chiếc iPhone đầu tiên được ra mắt, công ty chiếm phần lớn thị phần sản xuất là Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp chính xác Hon Hai của Đài Loan, hay được biết đến nhiều hơn với tên thương mại là Foxconn.

Một dây chuyền sản xuất iPhone ở Foxconn. (Nguồn: The Guardian)
Một dây chuyền sản xuất iPhone ở Foxconn. (Nguồn: The Guardian)

Foxconn là chủ lao động lớn nhất ở Trung Quốc đại lục: có 1,3 triệu người làm công ăn lương tại công ty này. Trên toàn thế giới, trong số các tập đoàn, chỉ có Walmart và McDonald’s là thuê nhiều nhân viên hơn. Số người làm việc cho Foxconn đông bằng dân số Estonia.

Hiện nay, iPhone đang được sản xuất ở nhiều nhà máy khác nhau trên khắp Trung Quốc, nhưng trong suốt nhiều năm từ khi trở thành sản phẩm bán chạy nhất thế giới, iPhone chủ yếu được lắp ráp tại nhà máy mũi nhọn có diện tích rộng hơn 3,5km2 của Foxconn, đặt ngay vùng ngoại ô Thâm Quyến. Nhà máy rộng lớn này từng là nơi làm việc của khoảng 450.000 công nhân.

Con số đó hiện được cho là đã giảm đi, nhưng đây vẫn là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới. Nếu bạn biết về Foxconn, nhiều khả năng là vì bạn đã nghe về những vụ tự tử ở đây. Năm 2010, những công nhân tại dây chuyền lắp rắp tại Longhua bắt đầu tự sát. Từng người một gieo mình từ những khu nhà ở tập thể xuống đất, đôi khi vào giữa ban ngày, nhằm thể hiện nỗi tuyệt vọng một cách đầy bi kịch – cũng như nhằm phản đối các điều kiện làm việc trong nhà máy.

Chỉ tính riêng trong năm 2010 đã có 18 vụ tự tử với 14 người thiệt mạng. 20 công nhân khác đã được các quan chức của Foxconn thuyết phục từ bỏ ý định tự sát.

Xu hướng như bệnh dịch này đã gây ra một hiện tượng truyền thông – những vụ tự tử và điều kiện làm việc bóc lột tại Nhà của iPhone. Những lá thư tuyệt mệnh và những người sống sót đều kể về nỗi căng thẳng khủng khiếp, những ngày làm việc dài đằng đẵng và những cán bộ quản lý khắc nghiệt luôn nhục mạ công nhân khi họ gây ra lỗi, hay những hình phạt thiếu công bằng và những lời hứa phúc lợi chẳng bao giờ được thực hiện.

Phản ứng của công ty lại càng khuấy động thêm sự bất bình: Terry Gou, giám đốc điều hành của Foxconn đã chăng những tấm lưới lớn phía ngoài nhiều tòa nhà để đỡ những người rơi xuống. Công ty cũng thuê các cố vấn và công nhân bị buộc phải ký cam kết không tìm cách tự tử.

Về phần mình, Steve Jobs từng tuyên bố: “Chúng tôi đã lo liệu xong chuyện đó” khi được hỏi về sự đột biến những vụ tự sát và chỉ ra rằng tỷ lệ tự sát tại Foxconn vẫn nằm trong mức trung bình của cả nước. Các nhà phê bình nói rằng bình luận này thật nhẫn tâm, mặc dù xét về mặt kỹ thuật thì nó không sai.

Những lá thư tuyệt mệnh và những người sống sót đều kể về nỗi căng thẳng khủng khiếp, những ngày làm việc dài đằng đẵng và những quản lý khắc nghiệt luôn nhục mạ công nhân…

Nhà máy Longhua của Foxconn rộng đến nỗi có thể tự mình trở thành đất nước thu nhỏ, và tỷ lệ tự sát được so sánh với tỷ lệ của quốc gia nơi đặt nhà máy. Sự khác biệt là thành phố Foxconn là một quốc gia thu nhỏ chịu sự chi phối hoàn toàn của một công ty và tình cờ làm sao cũng là nơi sản xuất ra một trong những sản phẩm có lợi nhuận nhất hành tinh.

Một tài xế taxi đã đưa chúng tôi đến trước cửa nhà máy với hàng chữ Foxconn hình hộp màu xanh dương gắn cạnh lối vào. Những người bảo vệ đưa mắt nhìn chúng tôi, nửa buồn chán, nửa ngờ vực. Tay trong của tôi, một nhà báo tới từ Thượng Hải tên là Wang Yang, cùng tôi quyết định sẽ dạo quanh nhà máy trước rồi nói chuyện với các công nhân để xem có cách nào lọt vào bên trong được không.

Những người đầu tiên chúng tôi gặp hóa ra lại là những cựu công nhân của Foxconn.

“Đó không phải là một chỗ tốt đẹp gì cho con người,” Xu, một trong hai người đàn ông trẻ tuổi nói. Anh ta đã làm việc ở Longhua được khoảng một năm tính đến vài tháng trước, và anh nói rằng điều kiện làm việc trong nhà máy vẫn tồi tệ như từ trước đến giờ.

“Từ lúc được giới truyền thông quan tâm tới, vẫn chẳng có sự cải thiện nào cả,” Xu nói. Áp lực công việc ở đây rất cao, Xu và các đồng nghiệp thường xuyên phải làm tới 12 tiếng một ca. Những người quản lý thì vừa khắc nghiệt vừa xảo trá, thường xuyên công khai mắng chửi công nhân vì làm việc quá chậm chạp hay đưa ra những lời hứa chẳng bao giờ thực hiện.

Những người xin việc xếp hàng chờ đến lượt tại một trung tâm tuyển dụng của Foxconn. (Nguồn: The Guardian)
Những người xin việc xếp hàng chờ đến lượt tại một trung tâm tuyển dụng của Foxconn. (Nguồn: The Guardian)

Bạn của Xu, người đã làm việc tại nhà máy 2 năm và không muốn được nêu tên, cho biết anh đã được hứa hẹn trả công gấp đôi khi làm việc thêm giờ, nhưng cuối cùng vẫn chỉ được nhận lương như bình thường. Họ vẽ nên một bức tranh ảm đạm về một môi trường làm việc áp lực cao, nơi sự lạm dụng là thói quen, và trầm cảm cùng tự sát trở thành chuyện bình thường.

“Foxconn sẽ chẳng còn là Foxconn nếu không có người chết,” Xu nói. “Mỗi năm đều có người tự sát. Họ coi đó là chuyện bình thường.”

Sau vài chuyến thăm các nhà máy lắp ráp iPhone khác nhau ở Thâm Quyến và Thượng Hải, chúng tôi đã phỏng vấn hàng chục công nhân như vậy. Hãy thành thật: để có một ví dụ thực sự mang tính đại diện cho tình hình tại một nhà máy iPhone, sẽ cần đến một nỗ lực cực lớn để tiếp xúc từng người cũng như những cuộc phỏng vấn có hệ thống và bí mật với hàng nghìn nhân viên. Vì thế hãy cứ chấp nhận mọi chuyện như nó vẫn thế: những nỗ lực trò chuyện với những công nhân thường xuyên bất kham, thường xuyên cảnh giác và thường xuyên buồn chán bước ra từ những cánh cổng nhà máy để nghỉ ăn trưa hoặc tụ tập sau ca làm.

Viễn cảnh về cuộc sống bên trong một nhà máy iPhone nổi lên với rất nhiều khía cạnh khác nhau. Một số công nhân có thể chịu đựng được công việc; số khác lại đưa ra những chỉ trích gay gắt; một số đã trải nghiệm nỗi tuyệt vọng nổi tiếng tại Foxconn; số khác đã nhận việc chỉ để tìm được một cô bạn gái.

Đa số họ biết về những báo cáo về các điều kiện làm việc kém cỏi trước khi gia nhập công ty, nhưng họ vẫn vào làm vì họ cần công việc này, hoặc chúng không khiến họ bận tâm. Gần như ở mọi nơi, mọi người đều nói lực lượng lao động ở đây rất trẻ và thu nhập thì cao. “Hầu hết nhân viên chỉ trụ được một năm” là câu trả lời thường thấy. Có lẽ lý do là vì nhịp điệu làm việc ở đây được đồng tình rộng rãi là chẳng bao giờ ngơi nghỉ, và văn hóa quản lý thường xuyên được mô tả là ác độc.

Một công nhân có nhiệm vụ quét một lớp sơn bóng đặc biệt lên màn hình cho biết có tới 1.700 chiếc iPhone qua tay cô mỗi ngày. Con số đó tương ứng với khoảng ba màn hình được quét sơn mỗi phút trong suốt 12 tiếng làm việc.

Do iPhone là một cỗ máy gọn nhẹ và phức tạp, việc lắp ráp chính xác các bộ phận của chiếc điện thoại này đòi hỏi các dây chuyền gồm hàng trăm người tham gia lắp ráp, kiểm tra, thử nghiệm và đóng gói từng chiếc điện thoại.

Một công nhân có nhiệm vụ quét một lớp sơn bóng đặc biệt lên màn hình cho biết có tới 1.700 chiếc iPhone qua tay cô mỗi ngày. Con số đó tương ứng với khoảng ba màn hình được quét sơn mỗi phút trong suốt 12 tiếng làm việc.

Những công việc tỉ mỉ hơn, như gắn chặt các bảng mạch con chip và lắp vỏ lưng điện thoại được thực hiện chậm hơn; những công nhân phụ trách các công đoạn này có một phút để thực hiện công việc cho mỗi chiếc iPhone.

Tính ra, có tới 600-700 chiếc điện thoại qua tay họ mỗi ngày. Không đạt được chỉ tiêu hoặc gây ra lỗi có thể khiến những công nhân này bị cấp trên chỉ trích thậm tệ. Các công nhân thường được kỳ vọng sẽ không nói gì khi làm việc và có thể bị cấp trên quở trách nếu xin phép đi vệ sinh.

Cả Xu và bạn của anh đều chỉ là những nhân công giữ vị trí không mấy quan trọng, mặc dù họ không nhất thiết là những người tự nguyện. “Họ gọi Foxconn là bẫy của con cáo”, anh nói. “Vì công ty đã lừa rất nhiều người.” Anh cho biết Foxconn từng hứa sẽ cho họ chỗ ăn ở miễn phí, nhưng sau đó lại bắt họ trả những hóa đơn điện nước cao ngất ngưởng.

Chỗ ở của công nhân Foxconn. (Nguồn: The Guardian)
Chỗ ở của công nhân Foxconn. (Nguồn: The Guardian)

Khu ký túc cho công nhân hiện xếp 8 người ở cùng một phòng, và Xu nói rằng từng có thời điểm 12 người bị nhồi nhét vào một phòng. Nhưng Foxconn sẽ trốn tránh bảo hiểm xã hội và chậm trả hoặc không trả tiền thưởng. Và nhiều công nhân đã ký hợp đồng với điều khoản trừ một khoản lớn từ lương như hình phạt nếu họ bỏ việc trước khi kết thúc ba tháng thử việc.

Trên hết, công việc này rất mệt mỏi. “Bạn phải chuẩn bị tinh thần, nếu không bạn sẽ bị cấp trên mắng ngay trước mặt mọi người,” Xu nói. Thay vì thảo luận về kết quả công việc một cách riêng tư hoặc mặt đối mặt tại dây chuyền, các quản lý sẽ dồn những phàn nàn lại về sau.

“Khi cấp trên xuống kiểm tra công việc, nếu họ phát hiện ra vấn đề gì, họ sẽ không mắng bạn ngay lúc đó,” bạn của Xu chia sẻ. Họ sẽ để dành việc đó lại cho một buổi họp sau này và mắng mỏ bạn trước mặt mọi người.”

“Hành động đó lúc nào cũng khiến mọi người thấy bị xúc phạm và nhục nhã,” người bạn nói. “Trừng phạt ai đó để làm gương cho mọi người. Điều đó đã trở thành một hoạt động có hệ thống,” anh nói thêm. Trong những trường hợp nhất định, nếu một quản lý quyết định rằng một công nhân đã gây ra một lỗi đặc biệt gây tổn thất, công nhân đó sẽ phải chuẩn bị một lời xin lỗi chính thức. “Họ sẽ phải đọc thật to một tờ cam kết – ‘Tôi sẽ không lặp lại sai lầm này’- trước mặt mọi người.”

Văn hóa làm việc đầy căng thẳng, lo âu và bẽ mặt này đã góp phần khiến bệnh trầm cảm lan rộng. Xu nói rằng vài tháng trước lại có thêm một vụ tự tử nữa. Chính mắt anh đã trông thấy. Người tự sát là một sinh viên làm việc tại dây chuyền lắp ráp iPhone. “Một người mà tôi biết, một người mà tôi đã thấy ở căngtin,” anh nói. Sau khi bị quản lý công khai mắng mỏ, cậu ta đã lao vào cãi vã. Các quan chức công ty đã gọi cảnh sát, dù cậu ta không có hành vi bạo lực nào mà chỉ bày tỏ sự tức giận.

“Cậu ấy xem đó là chuyện rất cá nhân, và cậu ấy không vượt qua được,” Xu nói. Ba ngày sau, công nhân này đã nhảy xuống từ cửa sổ tầng 9.

“Ở đây khi có người chết thì chỉ một ngày sau là chuyện đó coi như chưa từng tồn tại,” người bạn của Xu cho biết

Vậy tại sao vụ việc này không được truyền thông biết đến? Tôi hỏi. Xu và bạn anh nhìn nhau rồi nhún vai. “Ở đây khi có người chết thì chỉ một ngày sau là chuyện đó coi như chưa từng tồn tại,” người bạn nói. “Anh sẽ quên mất nó luôn.”

“Chúng tôi đã xem xét mọi thứ tại những công ty này,” Steve Jobs từng nói vậy sau khi tin tức về các vụ tự tử được công bố. “Foxconn không bóc lột. Đó là một nhà máy – nhưng trời ơi, ở đó họ có cả nhà hàng và rạp chiếu phim… nhưng đó là một nhà máy. Họ đã có vài vụ tự sát và toan tự sát – và họ có tới 400.000 nhân công ở đó. Tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ ở Mỹ, nhưng vẫn đáng lo ngại.”

Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, đã tới thăm Longhua hồi năm 2011 và đã gặp mặt các chuyên gia phòng chống tự tử cùng ban quản trị cấp cao để thảo luận về “dịch bệnh” này.

Năm 2012, 150 công nhân đã tụ tập trên một mái nhà và đe dọa sẽ nhảy xuống. Họ đã được hứa hẹn về những cải thiện trong công việc và được ban quản trị thuyết phục từ bỏ ý định; nhưng điều cốt lõi là họ đã dùng cách đe dọa tự sát như một công cụ mặc cả.

Năm 2016, một nhóm công nhân nhỏ hơn cũng đã làm điều tương tự. Xu cho biết chỉ một tháng trước khi có cuộc trò chuyện này, khoảng 7-8 công nhân đã leo lên mái nhà và đe dọa nhảy xuống nếu không được trả lương đúng hạn, mà có vẻ như số lương này đã bị giữ lại không lý do. Cuối cùng, Xu nói, Foxconn đã đồng ý trả tiền lương cho họ và các công nhân đã được thuyết phục.

Khi tôi hỏi Xu về Apple và iPhone, anh đáp ngay: “Chúng tôi không đổ lỗi cho Apple. Chúng tôi trách Foxconn.” Khi tôi hỏi liệu họ có cân nhắc quay lại Foxconn làm việc nếu các điều kiện được cải thiện không, họ thẳng thừng: “Chẳng thay đổi được gì đâu,” Xu nói. “Sẽ chẳng có gì thay đổi.”

Công nhân Foxconn trong giờ ăn trưa. (Nguồn: The Guardian)
Công nhân Foxconn trong giờ ăn trưa. (Nguồn: The Guardian)

Wang và tôi nhắm tới lối vào chính dành cho công nhân. Chúng tôi lượn quanh vành đai bên ngoài, cứ trải dài mãi – khi đó chúng tôi không biết đây chỉ là một phần nhỏ của nhà máy.

Sau khi đi dọc vành đai khoảng 20 phút, chúng tôi đến một lối vào khác, một trạm kiểm soát an ninh khác. Đúng lúc đó tôi cảm thấy một điều. Tôi cần vào nhà vệ sinh. Cần đến chết đi được. Và điều đó cho tôi một ý tưởng.

Có một nhà vệ sinh ở đó, chỉ cách vài chục mét phía dưới cầu thang cạnh chốt bảo vệ. Tôi nhìn thấy biển phòng vệ sinh nam và tôi ra dấu chỉ vào đó. Trạm kiểm soát này nhỏ hơn và dễ dãi hơn nhiều. Chỉ có một bảo vệ, một thanh niên trẻ trông có vẻ chán chường. Wang nói gì đó với giọng hơi có vẻ cầu xin bằng tiếng Trung. Người bảo vệ chậm rãi lắc đầu và nhìn tôi. Sự căng thẳng trên khuôn mặt tôi rất, rất thật. Wang hỏi lại – anh ta băn khoăn lần nữa, rồi vẫn nói không.

“Chúng tôi sẽ quay ra ngay,” cô nài nỉ, và lúc này thì chúng tôi rõ ràng đang làm cho anh ta thấy không thoải mái. Chủ yếu là tôi thì đúng hơn. Anh ta không muốn phải xử lý chuyện này. “Quay ra ngay đấy nhé,” anh ta nói. Tất nhiên là chúng tôi không quay ra ngay rồi.

Chưa nhà báo Mỹ nào lọt được vào một nhà máy của Foxconn mà không được cấp phép và không có người hướng dẫn, cùng một chuyến thăm được lên kế hoạch kỹ càng tới những địa điểm được chọn sẵn.

Theo những gì tôi biết, chưa nhà báo Mỹ nào lọt được vào một nhà máy của Foxconn mà không được cấp phép và không có người hướng dẫn, cùng một chuyến thăm được lên kế hoạch kỹ càng tới những địa điểm được chọn sẵn trong nhà máy để chứng minh mọi chuyện thực sự vẫn ổn.

Có lẽ điều đáng kinh ngạc nhất, bên cạnh quy mô khổng lồ – chúng ta sẽ mất gần một tiếng đồng hồ để đi lướt qua Longhua – là sự khác biệt hoàn toàn giữa đầu này với đầu kia nhà máy. Nói theo cách đó thì nơi này cũng giống như một thành phố lớn vậy. Ở vùng ngoại ô, cứ gọi là thế đi, có hóa chất bị đổ, những cơ sở tồi tàn và những lao động công nghiệp ít bị giám sát. Càng tiến gần vào trung tâm thành phố – hãy nhớ, chỗ này là một nhà máy – chất lượng cuộc sống, hay ít nhất là những tiện nghi và cơ sở hạ tầng lại càng được cải thiện.

Khi tiến sâu hơn vào bên trong, xung quanh càng lúc càng có nhiều người hơn, chúng tôi cảm thấy mình càng ít bị để ý hơn. Những cái nhìn chằm chằm chuyển thành những cái liếc mắt thờ ơ.

Giả thuyết của tôi là nhà máy này quá lớn, an ninh quá nghiêm ngặt, nên nếu chúng tôi ở bên trong này và đi lại vòng quanh, thì chắc chẳn chúng tôi phải được phép làm như vậy. Là như thế, hoặc chẳng ai ở đây thèm quan tâm.

Chúng tôi bắt đầu tìm đường đến khối nhà máy G2, nơi chúng tôi được biết là nơi sản xuất iPhone. Sau khi rời “khu trung tâm,” chúng tôi bắt đầu nhìn thấy những khối nhà máy khổng lồ cao ngất – C16, E7, vân vân và vân vân, xung quanh là những đám đông công nhân.

Công nhân tại Foxconn. (Nguồn: AP)
Công nhân tại Foxconn. (Nguồn: AP)

Tôi bỗng lo lắng về việc trở nên quá ung dung và tự nhắc mình đừng có đi quá xa; chúng tôi đã lọt vào bên trong Foxconn được gần một tiếng rồi. Càng cách xa trung tâm, đám đông lại càng thưa thớt dần đi. Rồi chúng tôi thấy nó: G2. Nó giống hệt như các khối nhà máy xung quanh, cho cảm giác như thể sẽ tan biến vào nền trời tĩnh lặng đầy khói bụi phía sau.

Dù vậy, trông G2 có vẻ hoang vắng. Một hàng tủ có khóa bị rỉ sét đến khó tin nằm dọc bên ngoài tòa nhà. Chẳng có ai ở quanh. Cửa mở, vì thế chúng tôi bước vào. Ở bên trái, có một lối đi dẫn vào một khoảng không rộng lớn và tối tăm.

Chúng tôi đang đi về phía đó thì bỗng có người cất tiếng gọi. Một người quản lý vừa bước xuống cầu thang, và anh ta hỏi chúng tôi đang làm gì ở đây. Người phiên dịch của tôi liến thoắng gì đó về một buổi họp và người đàn ông trông có vẻ bối rối; thế rồi anh ta chỉ cho chúng tôi hệ thống máy tính giám sát mà anh ta dùng để giám sát hoạt động sản xuất ở tầng này. Bây giờ không có ca làm việc, nhưng họ quan sát công nhân bằng cách đó.

Cũng chẳng có dấu hiệu nào của iPhone. Chúng tôi lại đi tiếp. Bên ngoài G3, những chồng thiết bị màu đen bọc nilông nằm nghiêng ngả trước một khu vực giống như một khu chất hàng khác. Một vài công nhân đang cầm điện thoại thông minh lướt qua chúng tôi. Chúng tôi tiến đến đủ gần để nhìn kỹ những đồ vật qua lớp nilông và, không, vẫn không phải là iPhone. Trông chúng giống như Apple TV, chỉ không có logo của công ty. Phải có đến hàng nghìn thiết bị như vậy xếp đống ở đây, chờ sang bước tiếp theo trong dây chuyền lắp ráp.

Nếu đây chính là nơi iPhone và Apple TV được sản xuất, thì quả thực đây là một nơi tồi tệ để trải qua những ngày dài, trừ khi bạn thích những bức tường bêtông ẩm mốc và rỉ sét. Những khối nhà vẫn tiếp tục chạy dài, và chúng tôi vẫn tiếp tục bước đi. Không khí ở Longhua bắt đầu cho cảm giác như đang ở đoạn giữa lờ đờ của một cuốn tiểu thuyết không tưởng, nơi nỗi sợ hãi được duy trì nhưng cốt truyện thì không tiếp diễn.

Chúng tôi tiếp tục đi, nhưng ở phía bên trái, chúng tôi nhìn thấy thứ gì đó trông như những tổ hợp nhà ở lớn, có thể là khu ký túc, hoàn thiện với những hàng rào chuồng hổ xây bên ngoài phần mái và cửa sổ, và thế là chúng tôi đi về hướng đó. Càng đến gần khu ký túc, đám đông càng đông hơn và chúng tôi nhìn thấy càng nhiều thẻ nhân viên có dây đeo cùng những cặp kính đen, quần bò và giày thể thao bạc phếch hơn. Những thanh niên ở độ tuổi đi học đại học đang tụ tập, hút thuốc lá, vây quanh các bàn ăn picnic hay ngồi trên các vỉa hè.

Nếu đây chính là nơi iPhone và Apple TV được sản xuất, thì quả thực đây là một nơi tồi tệ để trải qua những ngày dài, trừ khi bạn thích những bức tường bêtông ẩm mốc và rỉ sét.

Và, vâng, cái lưới đỡ người vẫn còn ở đó. Trông tơi tả và võng xuống, chúng tạo ấn tượng về những tấm bạt đã thổi bay một nửa những thứ đáng ra chúng phải che chắn. Tôi nghĩ về Xu và câu nói của anh: “Những tấm lưới chẳng có tác dụng gì. Nếu ai đó muốn tự sát, họ sẽ làm điều đó.”

Chúng tôi một lần nữa thu hút những ánh nhìn chằm chằm – bên ngoài nhà máy, dường như mọi người có nhiều thời gian và lý do để tò mò hơn. Dù sao đi nữa, chúng tôi đã ở bên trong nhà máy của Foxconn được một tiếng đồng hồ. Tôi không biết liệu bảo vệ đã phát cảnh báo ra chưa khi không thấy chúng tôi quay ra từ nhà vệ sinh, hay có ai đang đi tìm chúng tôi hay không. Cảm giác có lẽ tốt nhất không nên liều quá lại nổi lên, mặc dù chúng tôi còn chưa đến được một dây chuyền lắp ráp đang làm việc nào.

Chúng tôi quay trở lại theo hướng mình đã tới. Chẳng mấy chốc, chúng tôi tìm thấy một lối ra. Trời đã tối dần khi chúng tôi hòa vào một dòng hàng nghìn người, cúi thấp đầu và lặn ngụp qua cổng bảo vệ. Chẳng ai nói một lời. Thật nhẹ nhõm khi được ra khỏi nhà máy khổng lồ u ám đó, nhưng cảm xúc thì vẫn còn đây. Không, ở đó không có lao động trẻ em với hai bàn tay rướm máu cầu xin bên cửa sổ. Có rất nhiều điều chắc chắn sẽ vi phạm bộ luật An toàn lao động và Quản lý sức khỏe của Mỹ – những công nhân xây dựng không mang bảo hộ, hóa chất đổ tràn công khai, những tòa nhà tàn tạ rỉ sét, vân vân – nhưng có lẽ cũng có rất nhiều điều tại các nhà máy ở Mỹ cũng sẽ vi phạm bộ luật này.

Apple có lẽ đã đúng khi nói rằng những cơ sở này vẫn còn tốt chán so với những nhà máy khác. Foxconn không phải là khái niệm khuôn mẫu của chúng tôi về bóc lột lao động. Nhưng có một kiểu hiện thực xấu xí khác ở đây. Dù lý do là gì đi nữa – những quy tắc áp đặt sự im lặng trong các tầng nhà máy, danh tiếng lan rộng về những bi kịch hay cảm nhận chung về sự không thoải mái mà môi trường này tỏa ra – Longhua tạo cảm giác nặng nề, thậm chí là ngột ngạt và nặng trĩu.

Khi tôi nhìn lại những bức ảnh mình chụp, tôi chẳng tìm thấy một ai nở nụ cười trong đó. Không có gì ngạc nhiên khi những người phải làm những công việc lặp đi lặp lại suốt nhiều giờ và chịu đựng sự quản lý khắc nghiệt có thể gặp phải những vấn đề về tâm lý. Sự khó chịu đó rất rõ ràng – nó đã hòa vào chính môi trường ở đó. Như Xu đã nói: “Đó không phải là một chỗ tốt đẹp gì cho con người”./.

(Nguồn: Reuters)
(Nguồn: Reuters)