Trồng nấm bằng công nghệ cao

“Thực ra nghề trồng nấm không tốn nhiều diện tích nhưng giá trị mang lại cao gấp 20 lần so với trồng lúa, nhưng không phải ai cũng thành công được từ nấm.”

Đó là những chia sẻ ban đầu của bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Kinoko Thanh Cao (thôn Đốc Kính, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) về chặng đường đưa công nghệ cao đến với nghề trồng nấm của mình.

Đi lên từ nhiều thất bại với 14 năm gắn bó với nghề trồng nấm, bà Huệ từng gần như… phát khóc khi chứng kiến cây nấm kim châm đầu tiên trồng bằng công nghệ hiện đại của Nhật Bản mọc lên. Bà Huệ cho biết, đó có lẽ là giây phút hạnh phúc nhất đối với bà, bởi bà đã hiện thực hóa được ước mơ đưa công nghệ cao của Nhật Bản vào áp dụng sản xuất nấm tại Việt Nam.

Nấm kim châm được trồng trong nhà lạnh có điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng theo quy trình khép kín sử dụng công nghệ cao của Nhật Bản. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Nấm kim châm được trồng trong nhà lạnh có điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng theo quy trình khép kín sử dụng công nghệ cao của Nhật Bản. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

“Không phải cứ có tiền là có công nghệ”

Gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn cũng như kinh nghiệm khi triển khai dự án trồng nấm theo công nghệ cao của Nhật Bản tại Việt Nam, song bà Dương Thị Thu Huệ đã mạnh dạn tiên phong “dấn thân” vào lĩnh vực mới mẻ này.

Với niềm đam mê cả đời trồng nấm, bà Huệ luôn luôn ấp ủ một mong muốn đó là tạo ra những cây nấm sạch, chất lượng và có giá trị dinh dưỡng phục vụ bữa ăn cho người Việt.

Khơi nguồn từ đam mê và nguyện vọng này, suốt hơn 14 năm gắn bó với cây nấm, cộng với may mắn có một thời gian dài du học ở Nhật Bản (từ năm 2000-2002), bà đã có thời gian nghiên cứu sâu và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia của nước bạn để đưa công nghệ trồng nấm hiện đại nhất về áp dụng tại Việt Nam.

Hiện nay, công suất của nhà máy thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Kinoko Thanh Cao đạt khoảng 700kg nấm/ngày nhưng dự định đến cuối năm công suất nhà máy sẽ đạt khoảng 3 tấn nấm/ngày. Toàn bộ sản phẩm được tạo ra từ một quy trình sản xuất khép kín trong phòng lạnh có sự kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật, ánh sáng và nhiệt độ với tổng vốn đầu tư trên 3 triệu USD, số vốn đầu tư xây dựng ban đầu khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Nghề trồng nấm không tốn nhiều diện tích nhưng giá trị mang lại cao gấp 20 lần so với trồng lúa, nhưng không phải ai cũng thành công được từ nấm.

Tuy nhiên, bà Huệ cũng chia sẻ, để nhập được thiết bị trồng nấm này, đối tác Nhật Bản yêu cầu doanh nghiệp phải có bản khảo sát 10 năm doanh nghiệp đã trồng nấm ở Việt Nam và đưa ra một loạt danh sách các doanh nghiệp đang trồng nấm ở Việt Nam để phân tích về thị trường.

“Không phải cứ có tiền là doanh nghiệp được mua thiết bị và được chuyển giao công nghệ. Chúng tôi phải đưa ra được những phân tích về thị trường nấm, phân tích về môi trường khí hậu tự nhiên trồng nấm và phân tích như thế nào nếu doanh nghiệp có một nhà máy sản xuất nấm quy mô, hiện đại… Nếu không đạt được bài thi này, nhà phân phối của Nhật họ sẽ không chuyển giao công nghệ,” bà Huệ nói.

Nói về quy trình trồng nấm công nghệ cao, Giáo sư-Tiến sỹ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho rằng, nuôi trồng nấm công nghệ cao có nghĩa là người sản xuất phải hoàn toàn có thể kiểm soát được các chế độ như môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và đảm bảo các điều kiện tối ưu để nấm phát triển. Từ đó nấm phát triển đều hơn, năng suất hơn, chất lượng hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Giáo sư Lê Huy Hàm, với phương pháp trồng nấm truyền thống thì chất lượng nấm không đồng đều, khó kiểm soát các yếu tố khác như môi trường, nhiệt độ, ánh sáng, nên sự phát triển không ổn định, từ đó không tạo nên được thương hiệu và không có thị trường. Còn đối với nấm được trồng trong điều kiện tối ưu, tức là áp dụng công nghệ cao thì chất lượng nấm đồng đều, mẫu mã tốt, tạo thương hiệu và uy tín bền vững.

“Trồng nấm công nghệ cao trên thế giới cũng đã có nhiều nước áp dụng, ở Việt Nam cũng có một số mô hình trồng nấm ứng dụng công nghệ của Đài Loan, Hàn Quốc, nhưng trong việc áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản để thực hiện trồng nấm kim châm ở Việt Nam thì công ty xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao là doanh nghiệp tiên phong. Với toàn bộ dây chuyền công nghệ, nguyên liệu từ Nhật Bản vì thế họ có công nghệ hiện đại, cách làm bài bản,” Giáo sư Lê Huy Hàm nói.

Bà Huệ luôn ấp ủ mong muốn tạo ra những cây nấm sạch, chất lượng và có giá trị dinh dưỡng cao phục vụ bữa ăn cho người Việt. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Bà Huệ luôn ấp ủ mong muốn tạo ra những cây nấm sạch, chất lượng và có giá trị dinh dưỡng cao phục vụ bữa ăn cho người Việt. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Bí quyết từ… lõi ngô

Bà Huệ chia sẻ, bà cũng đã từng rất chán nản vì sau khi xây dựng nhà máy, áp dụng toàn bộ kiến thức kinh nghiệm trồng nấm phía Nhật Bản hướng dẫn nhưng vẫn không cho ra sản phẩm như mong muốn. Chạy đi chạy lại phía Nhật Bản tìm hiểu qua các chuyên gia hàng chục lần, bà mới nhận ra lý do vì độ cứng của lõi ngô Việt Nam khác với của Nhật Bản nên bà đã phải kỳ công nhập khẩu các nguyên liệu để đảm bảo được chất lượng.

Vị Giám đốc này cũng cho biết, với cách trồng nấm kim châm truyền thống, kỹ thuật của người dân chủ yếu vẫn đang trồng trong túi nilon sử dụng mùn cưa và bằng phương pháp thủ công là chính. Vì thế nên số lượng làm không được nhiều, thời gian làm sẽ bị kéo dài. Mặt khác, dinh dưỡng cho vào nhiều, thời gian kéo dài thì rất dễ bị nhiễm mốc.

Bà Huệ cũng bật mí, với việc sử dụng công nghệ máy móc thiết bị của Nhật Bản, công ty đã nhập khẩu bình nhựa 100% từ Nhật, vừa thân thiện với môi trường vừa có thể tái sử dụng với độ bền trong vòng 20 năm. Sử dụng công nghệ của Nhật Bản thì mỗi lọ nuôi trồng nấm chỉ cần đưa vào khoảng 35% chất thô, còn lại 65% là các loại cám dinh dưỡng nên thành phẩm nấm cho chất lượng dinh dưỡng cao.

Nấm được trồng trong điều kiện tối ưu, áp dụng công nghệ cao thì chất lượng nấm đồng đều, mẫu mã tốt, tạo thương hiệu và uy tín bền vững. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Nấm được trồng trong điều kiện tối ưu, áp dụng công nghệ cao thì chất lượng nấm đồng đều, mẫu mã tốt, tạo thương hiệu và uy tín bền vững. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

“Tính từ ngày bắt đầu ủ giống đến ngày thu hoạch nấm khoảng 42 ngày và các quy trình phải tuân thủ chặt chẽ từ khâu trộn nguyên liệu, xử lý nhiệt, đến khâu cấy giống, đóng gói và bảo quản không được phép bỏ qua một công đoạn nào. Nếu có vấn đề ở một khâu thì toàn bộ lô hàng coi như vứt đi,” bà Huệ nhấn mạnh.

Với quy trình nghiêm ngặt không thể để những sai sót ngoài ý muốn nên trước khi nhà máy đi vào hoạt động, bà Huệ cũng đã đưa các công nhân của mình sang Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm các nhà máy sản xuất nấm ở bên Nhật Bản, sau đó về truyền đạt lại cho nhiều người khác để áp dụng thực hiện.

Ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu chung của nông nghiệp Việt Nam chứ không chỉ riêng đối với cây nấm.

“Không phải ai cũng trồng được nấm và thành công từ cây nấm lại là một vấn đề đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, có đam mê, công nghệ và đặc biệt là có thị trường, cũng như một cách quản trị hiệu quả,” bà Huệ nói.

Chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp Lê Huy Hàm cũng khẳng định, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu chung của nông nghiệp Việt Nam chứ không chỉ riêng đối với cây nấm để giảm sự phụ thuộc vào thời tiết, giảm các yếu tố không kiểm soát được đồng thời nhằm tăng chất lượng, mẫu mã, tăng sự đồng đều của sản phẩm.

“Không chỉ có quy mô lớn về vốn, bà Huệ còn là một người rất tâm huyết và quyết tâm với dự án trồng nấm công nghệ cao của mình. Vì thế, với đà sản xuất như hiện nay của công ty Kinoko Thanh Cao thì một thời gian nữa nó sẽ được nhân rộng ra,” giáo sư Lê Huy Hàm nhận xét.

Đóng gói các sản phẩm nấm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)  
Đóng gói các sản phẩm nấm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)  

Chuỗi cung ứng nấm sạch

“Bàn về chuyện nấm có lẽ nói cả năm cũng chưa hết chuyện. Song ở góc độ là một doanh nghiệp, nói gì thì nói, câu chuyện thị trường, lợi nhuận kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng. Không ai có thể bỏ một đống vốn ra để rồi vỡ nợ cả.” Đó là tâm sự rất thật người phụ nữ đam mê với cây nấm.

Phải thế chấp đến những bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sở hữu đất) cuối cùng để có vốn cho dự án trồng nấm, nhưng bà Huệ vẫn luôn lạc quan tin tưởng vào hướng đầu tư của mình.

Bà Huệ cũng cho hay, thời gian qua, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội không chỉ khoa học kỹ thuật mà còn cả về kinh phí thông qua việc tiếp nhận, thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ các loại nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại Thành phố Hà Nội.”

Đây là dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015 đã được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc thì các đơn vị tham gia đều không mấy mặn mà với cây nấm, do vậy bà đã tìm hiểu và sang Nhật Bản để học hỏi về quy trình trồng nấm công nghệ cao với máy móc hiện đại. Cho đến thời điểm này, dù mới khánh thành nhà máy sản xuất nấm công nghệ cao được hơn 3 tháng (khánh thành ngày 30/4/2017) nhưng lượng đơn đặt hàng của công ty liên tục tăng mạnh.

Tham quan mô hình trồng nấm công nghệ cao sản xuất theo dây chuyền Nhật Bản. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Tham quan mô hình trồng nấm công nghệ cao sản xuất theo dây chuyền Nhật Bản. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Tránh những “vết xe đổ” từ nhiều câu chuyện nông sản “được mùa mất giá” của Việt Nam, bà Huệ đã áp dụng chính sách chỉ sản xuất theo các đơn đặt hàng sẵn và hiện bà cũng tạo ra một chuỗi sản xuất và cung cấp nấm sạch trên toàn quốc với 2 nhà phân phối chính ở miền Bắc và miền Nam.

Bà Vũ Hoài Thu, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam-đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm thương hiệu “Nấm lý tưởng” trên kênh siêu thị toàn miền Bắc cũng cho biết, hiện sản phẩm nấm Kinoko có mặt trên toàn hệ thống các siêu thị lớn ở miền Bắc và bước đầu được người tiêu dùng lựa chọn.

“Sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng, vừa có nguồn cung ổn định và sản xuất với công nghệ hiện đại của Nhật Bản nhưng lại được bán với mức giá cạnh tranh như nấm bình dân nên ‘bán chạy.’” bà Hoài Thu nói.

Đồng quan điểm, đại diện hệ thống siêu thị Aeon Citimart, bà Nguyễn Thị Lương, cũng cho biết, trước khi tiến hành nhập bán sản phẩm nấm Kinoko thì bên hệ thống siêu thị cũng đã đi khảo sát để đánh giá chất lượng thì thấy nấm này có sự khác biệt so với những dòng nấm cũ.

“Về quy trình sản xuất áp dụng hoàn toàn theo dây chuyền công nghệ cao của Nhật Bản, với quy trình khép kín, với môi trường vô trùng tuyệt đối, nghiêm ngặt về các chỉ tiêu từ khâu khử trùng, xử lý nhiệt, phun sương cho nấm cũng sử dụng nước đã được xử lý ozon nên rất đảm bảo. Thậm chí nhà sản xuất họ còn khuyến cáo, người tiêu dùng về nhà chỉ cần mở túi bóng và chế biến nấm luôn chứ không cần phải rửa, vì đôi khi nước máy dùng để rửa hằng ngày của chúng ta chưa chắc đã đảm bảo và vô tình lại làm mất cái tính khử trùng có sẵn trong túi nấm khi tiếp xúc với điều kiện môi trường khác,” bà Lương phân tích.

Bà Dương Thị Thu Huệ giới thiệu về quy trình trồng nấm áp dụng công nghệ cao.

Đại diện hệ thống siêu thị Aeon Citimart cũng cho hay, hiện người tiêu dùng cũng rất thích sản phẩm nấm này. Với công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất chặt chẽ, và sản phẩm đạt tiêu chuẩn hai bên đã cam kết thu mua và tiêu thụ dài hạn.

Về giá sản phẩm, bà Lương cũng đánh giá, giá sản phẩm cũng rất hợp lý, mức giá đến tay người tiêu dùng là khoảng 120.000 đồng/kg, phù hợp với túi tiền của người mua. Mức giá này cũng tương tự như nấm kim châm nhập khẩu của Hàn Quốc, tuy nhiên, nếu so sánh thì chất lượng sẽ tốt hơn, do không chịu các mức thuế vận chuyển, mặt khác sản phẩm cũng sẽ tươi ngon hơn vì sản xuất và tiêu thụ theo đơn đặt hàng, vì thế không có chuyện hàng tồn.

Ngoài ra, bà Huệ cũng cho hay, khi ra sản phẩm, ngoài việc được Bộ Y tế, các cơ quan quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ở Việt Nam kiểm định nấm 6 tháng một lần thì công ty còn gửi mẫu nấm sản xuất sang Nhật Bản để kiểm định.

“Mặc dù chi phí rất lớn, mỗi một lần tương đương với khoảng 1.000USD/mẫu, nhưng qua đó để mình tự tin về chất lượng sản phẩm và khẳng định đó là nấm sạch và an toàn, giàu dưỡng chất,” bà Huệ khẳng định./.

Chuyên gia người Nhật giới thiệu về công nghệ trồng nấm hiện đại được áp dụng tại nhà máy. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Chuyên gia người Nhật giới thiệu về công nghệ trồng nấm hiện đại được áp dụng tại nhà máy. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)