Donald Trump

Lời tòa soạn:

Nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức chính trị nghiêm trọng, tuy nhiên, về mặt kinh tế, nước này vẫn ở trên một nền tảng vững chắc. Đường lối của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mặt trận kinh tế có thể bù lại những trục trặc về chính trị.

Để làm rõ hơn quan điểm này, VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của ông Koichi Hamada – Giáo sư danh dự Đại học Yale và là cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Đường hướng hoạch định chính sách không thể đoán trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ thêm dầu vào lửa cho mối lo ngại lan rộng về việc nước Mỹ sẽ đi theo hướng nào.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ đã hoạt động tuyệt vời kể từ khi Trump được bầu lên, chỉ đôi chút chuệch choạc khi tương lai chính trị của chính quyền của ông có vẻ gặp vấn đề. Không có chuyện tình cờ ở đây: trên mặt trận kinh tế, đường lối của Trump có thể có những chất lượng bù lại những trục trặc về chính trị.

Ngay từ đầu, chính quyền Trump đã duy trì một thái độ thiên về ủng hộ kinh doanh, mà ví dụ tiêu biểu của điều này là cam kết của ông với việc xóa bỏ những quy định, làm tăng hy vọng của các nhà đầu tư về một sự thúc đẩy mới đối với nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.

Việc chính quyền Trump quyết tìm cách giải thoát thị trường tài chính khỏi những quy định quá đáng cuối cùng có thể lại là điều có lợi cho tất cả mọi người

Một điều chắc chắn là những nỗ lực nhằm xét lại những quy định bảo vệ môi trường chẳng hạn, suy cho cùng sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng cho chính nước Mỹ, mặc dù việc làm này cho phép một số công ty Mỹ cải thiện kết quả kinh doanh của họ trong thời gian trước mắt.

Tuy nhiên, việc chính quyền Trump quyết tìm cách giải thoát những thị trường tài chính khỏi những quy định quá đáng cuối cùng có thể lại là điều có lợi cho tất cả mọi người.

Khi các quy định trở nên hết sức phiền hà thì chúng sẽ gây ra nhiều tác hại hơn là lợi. Đạo luật Cái cách Phố Wall và Bảo vệ Người tiêu dùng Dodd-Frank, được Tổng thống Barack Obama ký thành luật vào năm 2010, là một ví dụ điển hình.

Đạo luật Dodd-Frank bao gồm những quy định cản trở hoạt động của thị trường tiền tệ quốc tế: bằng việc nâng mức phí đánh vào việc tài trợ bằng đồng đôla Mỹ đối với ngân hàng nước ngoài, quy định này đã gây thiệt hại cho cái gọi là cơ chế ngang giá lãi suất có bảo hiểm.

(Nguồn: Brookings Institution)
(Nguồn: Brookings Institution)

Đối với Nhật Bản, điều này làm suy yếu việc truyền dẫn nới lỏng tiền tệ trong các thị trường tài chính quốc tế – một cơ chế hiện vốn đã vô cùng khó khăn bởi các nhà đầu tư lo ngại rủi ro đang dồn vào đồng yen Nhật Bản, coi đây như một đồng tiền cư trú an toàn vào thời điểm hiện tại.

Với việc Trump loại bỏ những quy định gây bất đồng và khơi dậy lòng tin của thị trường chứng khoán, Ngân hàng Nhật Bản cuối cùng đã có thể hạn chế việc định giá quá cao đối với đồng yen, từ đó giúp thúc đẩy lạm phát, công ăn việc làm, và thị trường chứng khoán.

Một lý do nữa cho tâm trạng lạc quan về nền kinh tế Mỹ và thế giới bắt nguồn từ kế hoạch trị giá 1.000 tỷ USD của chính quyền Trump nhằm xây dựng lại cơ sở hạ tầng của nước Mỹ. Điều không may là thái độ mập mờ của Trump về cuộc bạo động do những người chủ trương tính thượng đẳng của người da trắng kích động ở Charlottesville, tiểu bang Virginia, trong tháng này đã xóa sạch những thiện chí cuối cùng mà ông có thể vẫn còn đối với Quốc hội Mỹ.

Với việc 2 hội đồng tư vấn kinh doanh bị giải tán tiếp sau vụ Charlottesville, cùng với việc những CEO chỉ trích cách phản ứng của Trump trong vụ Charlottesville đồng loạt rời bỏ chức vụ, những kế hoạch cho việc lập một hội đồng tư vấn về hạ tầng cơ sở giờ đây đã bị hủy bỏ.

Giáo sư Koichi Hamada.
Giáo sư Koichi Hamada.

Tuy nhiên, sự chuệch choạc về chính trị không phải là một đe dọa tiềm tàng duy nhất đối với thành công về kinh tế của Trump. Chính sách thương mại của chính quyền Trump dựa trên những quan niệm hết sức sai lầm. Trump và các cố vấn của ông dường như tin rằng chỉ có thương mại song phương cân bằng mới là công bằng và, do vậy, là điều đáng mong muốn.

Trên thực tế, khó có thể đạt được một sự cân bằng như vậy trong một hệ thống thương mại mở, và việc theo đuổi mục tiêu này thực sự đang gây tác động xấu, do nó sẽ gây thiệt hại cho lợi ích tổng thể có được thông qua buôn bán.

Sau Chiến tranh Thế giới II, mức lạm phát cao ở Nhật Bản đã gây thiệt hại cho lòng tin vào sự ổn định của đồng yen Nhật Bản, dẫn tới việc người Nhật quay sang phương thức trao đổi hàng lấy hàng.

Ví dụ, người dân Tokyo đã trao đổi quần áo quý giá của họ, từ quần áo cưới tới các bộ kimono tinh xảo, với những người nông dân để lấy gạo và rau. Hệ thống này đã hoạt động suôn sẻ, do, vào thời điểm đó, cung và cầu bất ngờ ăn khớp với nhau một cách hoàn toàn.

Tuy nhiên, sự cân bằng đó về cơ bản là một sự trùng hợp ngẫu nhiên; không thể hy vọng nó sẽ tiếp tục tồn tại trước môi trường kinh tế liên tục thay đổi. Đó là lý do tại sao các nền kinh tế hàng đổi hàng là không hiệu quả – và như vậy là lỗi thời.

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các hệ thống hiện đại sử dụng đồng tiền, do giống như một kho chứa giá trị, đồng tiền thực hiện chức năng như kiểu một vật đệm, loại bỏ sự cần thiết phải có sự cân bằng tuyệt vời giữa cung và cầu, và cho phép tất cả những người tham gia có thể có được những gì họ cần từ thương mại.

Do Trump có ý định thương lượng lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico nên ông nên nhớ điều này. Trong hoàn cảnh hiện tại, chính quyền của ông dường như muốn áp đặt những hạn chế lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ các nước NAFTA.

Chỉ có một điều có thể làm thay đổi hành vi của các nước thành viên NAFTA để họ giảm xuất khẩu vào Mỹ và làm lợi cho công nhân Mỹ là việc nông dân và nhà sản xuất Mỹ – bao gồm phần lớn các địa phương là căn cứ bầu cử của chính Trump – phải thực sự trở nên cạnh tranh hơn bên trong thị trường Mỹ.

Trump cho rằng những nước như Trung Quốc hay Đức “đang lấy trộm” của nước Mỹ – lợi dụng thị trường Mỹ, đồng thời gây phương hại cho tính cạnh tranh của các công ty Mỹ

Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra. Thay vào đó, các đối tác của Mỹ trong NAFTA sẽ đối phó về mặt chiến lược đối với việc áp đặt hạn chế đối với hàng xuất khẩu của họ, điều chỉnh lại các quan hệ thương mại của họ với nhau và với các nước khác, nhằm giảm bớt tác động của các biện pháp kiểm soát nhập khẩu của Mỹ.

Hành vi bảo hộ mậu dịch của Mỹ thậm chí có thể còn gây ra một cuộc chiến tranh thương mại, như đã từng xảy ra sau khi áp đặt Luật Thuế quan Smoot-Hawley vào năm 1930 với việc tất cả các bên đều là người thua cuộc.

Để triển khai một chính sách thương mại có hiệu quả hơn, chính quyền Trump phải nhận thức được cán cân tài khoản vãng lai là gì. Trump thường lên án những nước như Trung Quốc và Đức, vì ông coi mức thặng dư buôn bán của các nước này với Mỹ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mức thâm hụt của Mỹ.

Ông cho rằng những nước này “đang lấy trộm” của nước Mỹ – lợi dụng thị trường Mỹ, đồng thời gây phương hại cho tính cạnh tranh của các công ty Mỹ.

(Nguồn: AP)
(Nguồn: AP)

Tuy nhiên, như Martin Feldstein (giáo sư kinh tế Đại học Harvard) và George Shultz (cựu ngoại trưởng Mỹ thời Ronald Reagan) phát biểu gần đây, “nếu một quốc gia tiêu thụ nhiều hơn mức nó sản xuất ra, thì quốc gia đó phải nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Đây không phải là lấy trộm; nó là số học.”

Và, trên thực tế, nếu Mỹ tìm cách thương lượng đạt được một sự cắt giảm trong mức thăng dư buôn bán của Trung Quốc với Mỹ chẳng hạn, thì khi đó Mỹ sẽ đơn thuần phải tăng mức thâm hụt của mình với một số nước khác để bù vào đó.

Cách tốt nhất để hiểu được thặng dư (hay thâm hụt) tài khoản vãng lai là coi đó như một thước đo mức độ tiết kiệm hay giảm tiết kiệm (tiêu dùng vượt mức thu nhập) của một quốc gia đối với tương lai.

Nếu những nhà hoạch định chính sách Mỹ thực tâm muốn củng cố nền kinh tế Mỹ, thì họ hiện đang ở vị trí thuận lợi để làm điều đó

Nói cách khác, tài khoản vãng lai của một quốc gia phản ánh việc quốc gia đó chi tiêu thu nhập của mình giữa hiện tại và tương lai như thế nào. Nếu Mỹ muốn giảm mức thâm hụt của mình, thì nước này nên bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn nữa ngay từ bây giờ.

Không có gì phải nghi ngờ là nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức chính trị nghiêm trọng, bị làm trầm trọng thêm bởi một chính quyền luôn thay đổi quan điểm, phân thành hai cực đối lập, và thường xuyên gây gổ.

Tuy nhiên, về mặt kinh tế, nước này vẫn ở trên một nền tảng vững chắc. Tôi tin là nếu những nhà hoạch định chính sách Mỹ thực tâm muốn củng cố nền kinh tế Mỹ, thì họ hiện đang ở vị trí thuận lợi để làm điều đó, đem lại lợi ích cho không chỉ cho thị trường chứng khoán, mà còn cả người dân Mỹ bình thường nữa./.

Người dịch: Nguyễn Văn Lập

Thị trường lao động Mỹ tăng trưởng vượt dự báo. (Nguồn: TTXVN)
Thị trường lao động Mỹ tăng trưởng vượt dự báo. (Nguồn: TTXVN)