Việt Nam-Ai Cập

Chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-7/9 của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, theo lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ song phương.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1963.

Tiểu sử Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi. (Nguồn: TTXVN)
Tiểu sử Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi. (Nguồn: TTXVN)

Cùng nhìn lại những dấu ấn trong quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ai Cập:

Quan hệ chính trị

Ai Cập là một trong những nước Arab đầu tiên có quan hệ với Việt Nam. Từ năm 1958, Việt Nam đã có cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập.

Ngày 1/9/1963, Việt Nam và Ai Cập chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Cairo. Năm 1964, Ai Cập mở Đại sứ quán tại Hà Nội.

Ai Cập đánh giá cao lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề của thế giới Arab, đặc biệt là Tiến trình hòa bình Trung Đông. Sau khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ (2/2011), các chính quyền mới tại Ai Cập tiếp tục khẳng định coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt với Việt Nam.

Chính quyền Ai Cập tích cực hỗ trợ Việt Nam trong 2 đợt sơ tán lao động tại Libya (2011 và 2014).

Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Ai Cập ủng hộ Việt Nam ứng cử vào: Hội đồng Bảo an (2020-2021), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), ECOSOC (2016-2018), Ủy ban Luật pháp Quốc tế (2017-2021), Hội đồng Điều hành UPU (2017-2020).

Nhật báo Al Messa – một trong những tờ báo hàng đầu của Ai Cập – đánh giá  chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống El-Sisi có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra nhiều cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế…

Việt Nam ủng hộ Ai Cập vào Hội đồng Bảo an (2016-2017), Hội đồng Nhân quyền (2017-2019), ECOSOC (2016-2018), Ủy ban Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR), Ủy ban công ước về quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

Ai Cập đang đề nghị Việt Nam ủng hộ vào Hội đồng Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) nhiệm kỳ 2018-2019.

Việt Nam và Ai Cập chia sẻ quan điểm trên nhiều vấn đề cùng quan tâm tại Liên hợp quốc.

Tháng 5/2015, hai nước họp Tham vấn chính trị lần 8 cấp Thứ trưởng Ngoại giao tại Cairo. Tại kỳ họp, Ai Cập cam kết hỗ trợ ta về kỹ thuật để đạt chứng chỉ Halal về thực phẩm cho các thị trường Hồi giáo.

Tháng 9/2016, Ai Cập chính thức tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) với ASEAN.

Cuộc họp tham vấn chính trị Việt Nam-Ai Cập lần thứ 8 tại Cairo. Thứ trưởng  Ngoại giao Việt Nam Vũ Hồng Nam và Thứ trưởng phụ trách các vấn đề châu Á của Ai  Cập Yeser Morad đồng chủ trì cuộc họp. (Nguồn: TTXVN)
Cuộc họp tham vấn chính trị Việt Nam-Ai Cập lần thứ 8 tại Cairo. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Vũ Hồng Nam và Thứ trưởng phụ trách các vấn đề châu Á của Ai Cập Yeser Morad đồng chủ trì cuộc họp. (Nguồn: TTXVN)

Quan hệ kinh tế

Ai Cập là đối tác thương mại lớn 2 của ta tại châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 316 triệu USD (ta xuất 295 triệu USD) giảm so với năm 2015 (380 triệu USD) và 2014 (395 triệu USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là hải sản, linh kiện phụ tùng ôtô, vải sợi, hạt tiêu đen, càphê, cao su và hàng tiêu dùng khác.

Các mặt hàng nhập khẩu chính là: hóa chất, mật các loại thuộc nhóm 1703, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa và các sản phẩm từ sữa, sợi các loại và hàng tiêu dùng khác…

Ủy ban Liên Chính phủ hai nước đã họp lần thứ 4 tại Cairo tháng 11/2008 (Bộ Công Thương chủ trì). Kỳ họp lần 5 họp cấp kỹ thuật từ ngày 21-22/8/2017 để hoàn thiện Biên bản kỳ họp chờ ký kết vào thời điểm thích hợp (Bộ Công Thương đề nghị hoãn kỳ họp đến tháng 10/2017. Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ (11/2013). Ai Cập hiện có 2 dự án đầu tư tại Tây Ninh và Khánh Hòa với trị giá 750.000 USD.

Quang cảnh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ai Cập từng được tổ chức tại  Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)
Quang cảnh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ai Cập từng được tổ chức tại  Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Hợp tác trên các lĩnh vực khác

Hằng năm, Ai Cập cấp cho Việt Nam 12 suất học bổng đào tạo sinh viên tiếng Arab.

Hai nước thường xuyên trao đổi thông tin, hợp tác qua kênh đảng, kênh địa phương và trong các lĩnh vực thanh tra, văn hóa… Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Ai Cập đã được thành lập gồm 8 thành viên do một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng làm Chủ tịch.

Trao đổi đoàn

Các đoàn Việt Nam thăm Ai Cập: Bộ trưởng Thủy lợi (5/1993); Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (7/1993); Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (5/1994); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (7/1999); Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự (5/2002); Bộ trưởng Thủy sản (2/2004); Thứ trưởng Quốc phòng (3/2004); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Cấp cao Không liên kết tại Sharm El Sheik (7/2009); Bộ trưởng Xây dựng (11/2009); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội (12/2010).

Các đoàn Việt Nam thăm Ai Cập còn có: Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng (6/2011); Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương (6/2014), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (3/2015); Tổng Thanh tra Chính phủ (4/2015), Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam (5/2015), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (8/2015), Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (12/2015), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương (12/2015), Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (12/2016), Phó trưởng Ban thường trực Ban Đối ngoại Trung ương (5/2017), Ủy viên Trung ương, Chủ tịch Hội Nông dân (7/2017), Bí thư Tỉnh Hải Dương (8/2017)…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp Thủ tướng Ai Cập bên lề Hội nghị cấp cao Á-Phi và Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung tại Indonesia (4/2015) và Tổng thống Ai Cập tại nhân dịp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Phátxít tại Moskva (5/2015).

Các đoàn Ai Cập thăm Việt Nam: Bộ trưởng Giáo dục (7/1996); Thứ trưởng Ngoại giao (6/1996); Đoàn đại biểu Đảng dân tộc dân chủ Ai Cập (12/1997); Chủ tịch Cơ quan giám sát hành chính quốc gia (3/1999); Tham mưu trưởng quân khu miền Tây (7/2004); Thứ trưởng Ngoại giao (10/2004); Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất (12/2004), Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế (4/2007 kết hợp họp Ủy ban hỗn hợp); Thứ trưởng Ngoại giao (3/2008); Thứ trưởng Ngoại giao (6/2009); Thứ trưởng Nông nghiệp (12/2009); Bộ trưởng Đầu tư (1/2010); Thứ trưởng Ngoại giao (4/2011); Trợ lý Ngoại trưởng Ai Cập vào Việt Nam dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi và họp Tham vấn Chính trị (11/2013); Bộ trưởng Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Ai Cập (8/2017).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahlab ngày  23/4/2015. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahlab ngày 23/4/2015. (Nguồn: TTXVN)

Các Hiệp định/thỏa thuận đã ký

Hai bên đã ký các Hiệp định: Thương mại (5/1994), Hợp tác Kinh tế-Kỹ thuật (9/1997), Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (9/1997), Hàng không (4/1999), Hợp tác thanh tra (3/1999), Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (3/2006). Hai bên quyết định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, đặc biệt và công vụ (8/2010); Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ ngoại giao (6/1996); các MoU hợp tác về: Du lịch (3/2006), giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam và Cơ quan Hội chợ triển lãm quốc tế Ai Cập (3/2006), Thăm dò, khai thác dầu khí giữa PVN và Công ty dầu khí Ai Cập (11/2008), Hội chợ và triển lãm (11/2008), Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (11/2008).

Hai bên đã thành lập Hội đồng kinh doanh hỗn hợp Việt Nam-Ai Cập (7/2009), Hợp tác xúc tiến đầu tư (1/2010); Chương trình hợp tác văn hóa và xã hội giai đoạn 2006-2010 (3/2006), Chương trình hành động về hợp tác du lịch (11/2008).

Một tiết mục múa đặc sắc do các nghệ sỹ Đoàn nghệ thuật dân gian Ai Cập Nuba  Drums, biểu diễn tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)
Một tiết mục múa đặc sắc do các nghệ sỹ Đoàn nghệ thuật dân gian Ai Cập Nuba Drums, biểu diễn tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Trang sử mới trong quan hệ Việt Nam-Ai Cập

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai Cập thể hiện Ai Cập mong muốn phát triển và nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam, cũng như tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục…

Đại sứ Đỗ Hoàng Long khẳng định hai nước có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh. Đặc biệt, Việt Nam và Ai Cập có rất nhiều điểm tương đồng. Hai nước có quy mô dân số và trình độ phát triển tương đương nhau.

Tuy nhiên, theo Đại sứ, kết quả hợp tác thực tế trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư… thời gian qua còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai nước. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập mới đạt trên 350 triệu USD năm 2016. Trong khi đó, hợp tác đầu tư hầu như chưa có gì.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống El-Sisi là một dấu mốc vô cùng quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao nhất của Ai Cập đến thăm Việt Nam. Điều này cho thấy Ai Cập rất coi trọng Việt Nam và xem Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại hướng Đông của mình.

Chuyến thăm của Tổng thống sẽ mang lại nhiều kết quả và tạo ra một nền tảng tốt, mở ra cơ hội để hai bên hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như thương mại, đầu tư, văn hóa và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Theo Đại sứ Đỗ Hoàng Long, nhân chuyến thăm của Tổng thống El-Sisi, hai nước đã chuẩn bị nhiều văn kiện để ký kết. Những văn kiện này đã được cấp chuyên gia kỹ thuật bàn thảo chi tiết và thống nhất vào ngày 22/8 vừa qua nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Đầu tư và hợp tác quốc tế Ai Cập Sahar Nasr.

Việt Nam và Ai Cập đã hoàn thiện dự thảo 20 văn bản khác nhau và dự kiến sẽ ký trong chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi

Đến thời điểm này, hai bên đã hoàn thiện dự thảo 20 văn bản khác nhau và dự kiến sẽ ký trong chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập.

Về những lĩnh vực ưu tiên mà Việt Nam và Ai Cập có thể tăng cường hợp tác trong thời gian tới, Đại sứ Đỗ Hoàng Long cho rằng hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác, nhưng chưa có nền tảng, cơ sở đầy đủ để khai thác những tiềm năng này, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và đầu tư.

Theo Đại sứ, hai nước cần giải quyết một số vấn đề, như cơ chế tạo điều kiện cho hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên. Điều này phải được giải quyết bằng những nền tảng cơ bản, như hành lang pháp lý, hệ thống thanh toán. Mối quan hệ trực tiếp giữa các doanh nghiệp cũng cần được phát triển. Ngoài ra, đầu tư cũng là lĩnh vực tiềm năng cần được khai thác, vì hai bên có những thế mạnh đầu tư khác nhau.

Ai Cập và Việt Nam cần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên thông qua các cơ quan như Phòng Thương mại và công nghiệp hai nước, các hiệp hội doanh nhân hai nước, đặc biệt là hiệp hội doanh nhân ở những thành phố lớn.

Đại sứ Đỗ Hoàng Long cho biết một ưu tiên nữa mà Việt Nam và Ai Cập có thể khai thác là hợp tác về văn hóa. Hai nước đã hợp tác tốt trong lĩnh vực văn hóa, nhất là trong những năm vừa qua. Nhưng để hợp tác tốt hơn, cần có một thỏa thuận khung về hợp tác văn hóa. Tới đây, Bộ Văn hóa hai nước sẽ ký một số hiệp định hợp tác văn hóa.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã đề xuất tạo điều kiện cho hoạt động giao lưu văn hóa giữa các nghệ sỹ hai nước, tăng cường hợp tác hữu nghị giữa các thành phố lớn của hai bên, thành lập các hội hữu nghị giữa các thành phố lớn.

Đại sứ quán cũng đang đề xuất với phía bạn một chương trình quảng bá hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ai Cập bởi Bác từng đặt chân tới Ai Cập 3 lần và là người đặt nền móng cho mối quan hệ hai nước.

Ngoài ra, để phát triển một cách lâu dài và bền vững hơn nữa, hai nước tiếp tục tính đến những lĩnh vực hợp tác quan trọng như chính trị, an ninh-quốc phòng, chống khủng bố… Đại sứ Đỗ Hoàng Long nhấn mạnh đây là những lĩnh vực mà Việt Nam và Ai Cập cần quan tâm và ưu tiên./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)