UNESCO

unesco1-1503631636-94.jpg

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) được thành lập ngày 16/11/1945 với mục đích “Góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng của tất cả các nước về công lý, pháp luật, quyền con người và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo mà Hiến chương Liên hợp quốc đã công nhận đối với tất cả các dân tộc.”

UNESCO có 5 chức năng chính như sau:

– Là cơ sở thử nghiệm các ý tưởng đã được dự đoán và xác định về những vấn đề quan trọng nhất đang phát sinh trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của mình, từ đó định dạng những chiến lược và chính sách thích hợp để giải quyết.

– Là tổ chức soạn thảo và xác lập các quy chuẩn như xây dựng những thỏa thuận chung về đạo đức, chuẩn mực và tri thức cơ sở trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Chức năng này đã đưa UNESCO tham gia vào những tiến trình trao đổi tri thức liên ngành phức tạp và vào quá trình trao đổi với các chuyên gia và các quốc gia thành viên.

– Là trung tâm hướng dẫn, tập hợp, chuyển giao, truyền bá và chia sẻ các thông tin, tri thức và những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất.

– Là tổ chức tạo dựng năng lực cho các quốc gia thành viên, UNESCO giúp các nước thành viên xây dựng năng lực về thể chế và nguồn nhân lực trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, Văn hóa, truyền thông và thông tin.

– Là nhân tố xúc tác trong quan hệ hợp tác quốc tế. Chức năng này được thực hiện thông qua các hoạt động của tất cả bốn chức năng trên.

Trụ sở UNESCO. (Nguồn: UNESCO)
Trụ sở UNESCO. (Nguồn: UNESCO)

Cơ cấu tổ chức của UNESCO

Đại hội đồng

Đại hội đồng là cơ quan quyền lực cao nhất, gồm đại diện của các nước thành viên (195 thành viên chính thức và 10 thành viên liên kết), họp hai năm một lần.

Đại hội đồng quyết định đường lối, chính sách, kết nạp thành viên mới, bầu Hội đồng Chấp hành và Tổng Giám đốc, thông qua chương trình và ngân sách. Ngôn ngữ làm việc tại Đại hội đồng là ngôn ngữ của Liên hợp quốc gồm 6 thứ tiếng: Arab, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha.

Hội đồng Chấp hành

Hội đồng Chấp hành là cơ quan thay mặt Đại hội đồng trong thời gian giữa hai kỳ họp của Đại hội đồng, giám sát việc thực hiện chương trình và quản lý ngân sách; duy trì quan hệ tham khảo ý kiến với Liên hợp quốc, Tòa án quốc tế và các tổ chức quốc tế khác thuộc hệ thống Liên hợp quốc; lập chương trình nghị sự và chuẩn bị cho họp Đại hội đồng; nghiên cứu dự thảo chương trình và ngân sách do Tổng Giám đốc đệ trình và đóng góp ý kiến trước khi đưa dự thảo này ra Đại hội đồng xem xét thông qua; đề nghị kết nạp thành viên mới và giới thiệu người ứng cử vào chức vụ Tổng Giám đốc.

Hội đồng Chấp hành gồm đại diện của 58 thành viên với nhiệm kỳ 4 năm. Để bảo đảm tính liên tục của Hội đồng Chấp hành, Đại hội đồng bầu lại một nửa số thành viên Hội đồng Chấp hành trong mỗi kỳ họp thường lệ của Đại hội đồng.

Việc bầu thành viên Hội đồng Chấp hành có tính đến sự đa dạng Văn hóa cũng như khu vực địa lý mà ứng viên đó đại diện. Các thành viên Hội đồng Chấp hành có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược và xây dựng chương trình hành động của UNESCO.

Ban Thư ký

Ban Thư ký là cơ quan thực hiện, bảo đảm hoạt động thường xuyên của UNESCO, thi hành nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng Chấp hành, nhất là thực hiện các chương trình đã được Đại hội đồng thông qua.

Về nguyên tắc, Ban Thư ký được tuyển chọn trên cơ sở địa lý rộng rãi và gồm những người có năng lực và hiệu suất công tác cao.

Các nước thành viên có quyền đề cử công dân nước mình để được tuyển lựa làm viên chức trong Ban Thư ký theo số lượng quy định theo tỷ lệ đóng góp niên liễm của mỗi nước.

Ban Thư ký do Tổng Giám đốc lãnh đạo, tổ chức và tuyển dụng.

Phòng họp của UNESCO.
Phòng họp của UNESCO.

Tình hình tổ chức UNESCO hiện nay

Tổ chức UNESCO đứng trước nhiều thách thức diễn ra trong suốt nhiều năm qua do việc cùng một lúc phải giải quyết các vấn đề nội tại như sự cắt giảm về nhân lực do sự eo hẹp về tài chính trong khi vẫn phải đẩy mạnh việc triển khai các chương trình, ưu tiên theo nhiệm vụ của một tổ chức chuyên môn trong hệ thống Liên hợp quốc.

Tại UNESCO, xu thế đưa các vấn đề chính trị nhạy cảm vào chương trình nghị sự của UNESCO và các tổ chức trực thuộc UNESCO ngày càng rõ hơn. Một số vấn đề như khủng bố, tình hình bán đảo Crimea, quan hệ giữa Israel-Palestine, các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo tiếp tục chi phối chương trình nghị sự của UNESCO.

Tại UNESCO, xu thế đưa các vấn đề chính trị nhạy cảm vào chương trình nghị sự của UNESCO và các tổ chức trực thuộc UNESCO ngày càng rõ hơn

Mâu thuẫn trong các nước, nhóm nước đẩy lên mức cao cùng với tình hình ngân sách thâm hụt cũng dấy lên mối lo ngại của các nước thành viên. Năm 2016 chứng kiến những dấu hiệu bất bình lên cao: nhận thấy tình trạng công việc chuyên môn nhiều lần bị tắc nghẽn bởi các vấn đề chính trị hóa nhiều nước đã công khai lên tiếng phản đối.

Trong hai năm qua, UNESCO tiếp tục cải cách tổ chức về quản trị và tài chính nhằm tối ưu hóa nguồn lực huy động cho các chương trình và ưu tiên của tổ chức. Các nhóm triển khai công tác đã nỗ lực và làm việc và có chất lượng hơn với việc chú tâm tìm ra phương hướng mới, các điểm cần đổi mới trong hoạt động.

Các quốc gia vẫn coi UNESCO là diễn đàn để tận dụng các ý tưởng, sáng kiến phục vụ phát triển đất nước. Đồng thời, đây cũng là nơi để tập hợp lực lượng và phát huy vai trò ảnh hưởng của các nước.

Tháng 12/1999, UNESCO công nhận khu phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới.(Nguồn: TTXVN)
Tháng 12/1999, UNESCO công nhận khu phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới.(Nguồn: TTXVN)

Việt Nam – đối tác tích cực và năng động của UNESCO

Bắt nguồn từ khát vọng hòa bình của nhân dân, Việt Nam đã tuyên bố kế thừa vị trí thành viên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vào tháng 7/1976, thực hiện một trong những bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập của mình.

Trải qua thời gian 40 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước.

Giai đoạn 1976-1986: Những bước khởi đầu

Ngay sau khi hoàn thành thống nhất đất nước, Việt Nam bước vào một trong những giai đoạn lịch sử khó khăn về nhiều mặt. Quan hệ Việt Nam-UNESCO thời kỳ này góp phần giúp Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn trên.

Thông qua việc tham gia tích cực vào các chương trình của UNESCO, cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam hòa bình và tươi đẹp.

Đại hội đồng UNESCO lần thứ 21, năm 1980, ra Nghị quyết kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, khẳng định truyền thống, lịch sử lâu đời của Việt Nam.

Những thành công trong công tác xóa mù chữ đã cho thế giới thấy một Việt Nam dù đang trong tình trạng khó khăn nhưng vẫn quan tâm đến giáo dục, nâng cao chất lượng dân trí.

Nhờ vậy, thiện cảm về Việt Nam trong phần lớn các quốc gia thành viên UNESCO không ngừng tăng lên và tới nhiều diễn đàn đa phương khác.

Thiện cảm về Việt Nam trong phần lớn các quốc gia thành viên UNESCO không ngừng tăng lên và tới nhiều diễn đàn đa phương khác

Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO, cơ quan hoạch định chính sách và tài chính (1978-1983), đặt cơ quan đại diện tại UNESCO (1982).

Năm 1981, Tổng Giám đốc M’Bow đã thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Cùng với việc giúp bạn bè quốc tế hiểu biết rõ hơn về Việt Nam, quan hệ hợp tác với UNESCO cũng giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn hỗ trợ quốc tế về tài chính, kỹ thuật của quốc tế để phục vụ công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước.

Những nguồn hỗ trợ trên đã góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu của thời kỳ hậu chiến để bước vào thời kỳ phát triển mới.

Cù Lao Chàm, địa danh thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. (Nguồn: TTXVN)
Cù Lao Chàm, địa danh thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. (Nguồn: TTXVN)

Giai đoạn 1986-2000: Hợp tác phát triển

Trong quá trình đổi mới, quan hệ UNESCO-Việt Nam không ngừng phát triển và bền chặt.

Năm 1987, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 1972 về Bảo vệ các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Một năm sau đó, Việt Nam tiếp tục tham gia hưởng ứng Thập kỷ Quốc tế Phát triển Văn hóa (1988-1997) do UNESCO phát động.

Năm 1992, Tổng Giám đốc Federico de Mayor đã sang thăm chính thức Việt Nam.

Năm 1999, UNESCO đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Việt Nam cũng đón Tổng Giám đốc UNESCO khác thời kỳ này là ông Koichiro Matsuura (2000).

Thông qua các hoạt động trên, Việt Nam tiếp tục nâng cao sự hiểu biết về truyền thống dân tộc, lịch sử hào hùng, hình ảnh đất nước với nhiều giá trị nhân văn, ủng hộ tích cực cho các tư tưởng hòa bình đối với cộng đồng quốc tế và đập tan những luận điệu chống phá của các lực lượng thù địch.

Năm 1990, UNESCO ra Nghị quyết 24C/18.65 kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.

Những di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận như Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994), Khu đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (1999) và danh hiệu Thành phố Hòa bình của Hà Nội (1999) đã góp phần nâng cao giá trị trên.

Thông qua quan hệ với UNESCO, Việt Nam tiếp tục nhận được những hỗ trợ quan trọng, mang tính chiến lược cho phát triển bền vững

Cũng thông qua quan hệ với UNESCO, Việt Nam tiếp tục nhận được những hỗ trợ quan trọng, mang tính chiến lược cho phát triển bền vững. Không phải là tổ chức cung cấp tài chính nhưng những ý tưởng, kinh nghiệm của UNESCO góp phần thay đổi nhận thức, tư duy để sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất.

Một trong những trường hợp điển hình là sự thay đổi trong nhận thức và lý luận cũng như chủ trương, chính sách về văn hóa của Việt Nam sau khi tham gia hưởng ứng “Thập kỷ Quốc tế Phát triển Văn hóa.” Đó là nhận thức mới về tầm quan trọng của xây dựng nền văn hóa toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, từ đó chấn hưng nền Văn hóa dân tộc và tăng cường giao lưu với các quốc gia khác.

Nhận thức trên cũng đã trở thành tài liệu tham khảo cho việc hình thành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.”

Ngoài ra, nhiều chương trình, dự án khác trong giai đoạn này mà Việt Nam hợp tác triển khai với UNESCO như Giáo dục cho mọi người, mô hình Trung tâm Học tập Cộng đồng, Khu Dự trữ Sinh quyển, Trung tâm Đào tạo và ứng dụng máy tính… cũng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao trình độ của các cấp quản lý cũng như phát triển nhân lực tại Việt Nam, vốn là nhân tố bền vững của phát triển.

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã trở thành Di sản tư liệu thuộc  Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) của UNESCO. (Nguồn: TTXVN)
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã trở thành Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) của UNESCO. (Nguồn: TTXVN)

Giai đoạn 2001-2011: Thúc đẩy hội nhập

Thập niên đầu thế kỷ XXI đánh dấu nhiều bước tiến mới trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) xác định Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tăng cường hợp tác toàn diện với nhiều đối tác như ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (2000), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN-Trung Quốc (2002), trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (2006).

Việt Nam cũng tích cực đảm nhận vị trí quan trọng tại một số tổ chức quốc tế, như: ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009), Chủ tịch ASEAN (2010)… Trong quá trình này, UNESCO là một trong những nhân tố quan trọng.

Để hội nhập tích cực trong UNESCO, Việt Nam đã phê chuẩn một số Công ước quan trọng như Công ước Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể-Công ước 2003, Công ước Bảo vệ và Phát huy sự Đa dạng của các Biểu đạt Văn hóa-Công ước 2005…; chủ trì nhiều hội nghị, hoạt động lớn của UNESCO (Hội nghị cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương về Đối thoại giữa các nền văn hóa, Hội nghị Tư vấn các Ủy ban Quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương…). Bên cạnh đó, Việt Nam đẩy mạnh đóng góp sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên môn như xóa mù chữ, Trung tâm học tập cộng đồng, áp dụng nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững vào mô hình Khu dự trữ sinh quyển… Những kinh nghiệm này được thế giới đánh giá cao. Một số đoàn chuyên gia nước ngoài đã đến Việt Nam tìm hiểu và học hỏi.

Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể thế giới, di sản tư liệu khu vực và thế giới…

Những hoạt động trên chứng minh một Việt Nam sẵn sàng gắn kết, chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, tuân thủ các định chế chung của quốc tế.

Việt Nam được tin tưởng bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO, nhiệm kỳ 2001-2005 với điểm nổi bật là đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch (2001-2003) và tiếp tục trúng cử vào nhiệm kỳ 2009-2013. Đối với UNESCO, Việt Nam được coi là đối tác tích cực và năng động.

Hai Tổng Giám đốc đã tiến hành thăm Việt Nam vào năm 2005 (ông Koichiro Matsuura) và 2010 (bà Irina Bokova) với nhiều thỏa thuận hợp tác mang tính chiến lược lâu dài cho sự phát triển mối quan hệ hai bên.

Quan hệ hợp tác với UNESCO trong giai đoạn này cũng góp phần tạo tính bền vững trong bước đi của Việt Nam. Hơn một thập kỷ qua, UNESCO tiếp tục công nhận 4 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 8 di sản văn hóa phi vật thể thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực và thế giới, 7 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 1 công viên địa chất thế giới.

Những di sản này không chỉ tạo nguồn thu về du lịch cho địa phương mà cũng đặt ra yêu cầu đối với các cấp quản lý và người dân phải nhận thức được việc bảo tồn theo tiêu chí và quy định quốc tế. Từ đó, nhiều chính sách phát triển mang tầm quốc gia và địa phương chú trọng tới công tác bảo tồn được ban hành.

Nhiều hoạt động bảo vệ di sản được triển khai. Không chỉ riêng trong lĩnh vực văn hóa, nhiều chương trình khác như giáo dục vì sự phát triển bền vững, xóa mù chữ, con người và sinh quyển, Hải dương học liên Chính phủ, Thủy văn Quốc tế, Quản lý biến đổi xã hội… đã đưa các lĩnh vực chuyên môn trên của Việt Nam hội nhập với thế giới, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ngày 1/12/2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 1/12/2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Nguồn: TTXVN)

Giai đoạn sau Đại hội Đảng XI: Vươn xa vào cộng đồng quốc tế

Bước vào giai đoạn mới, hợp tác Việt Nam-UNESCO có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Đại hội Đảng lần thứ XI xác định đường lối đối ngoại của đất nước là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Khác với trước kia, Việt Nam sẽ phải nỗ lực, sẵn sàng đảm nhận nhiều vai trò quan trọng mới như thành viên Ủy ban Di sản Thế giới (2013-2017), thành viên Hội đồng Chấp hành (2015-2019) cùng nhiều vị trí khác để đóng góp hiệu quả hơn nữa cho UNESCO cũng như đảm bảo lợi ích quốc gia của mình.

Nhân dịp chuyến thăm trụ sở UNESCO của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 1/12/2015, Việt Nam và UNESCO đã ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2016-2020 trên năm lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin-truyền thông.

Về giáo dục, Việt Nam và UNESCO sẽ hợp tác để thực hiện mục tiêu bao trùm là mang lại giáo dục cho mọi người vốn phù hợp với việc coi giáo dục là quốc sách của Việt Nam.

Những dự án được thực hiện như: Giáo dục cho mọi người; Nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp học cùng năng lực cán bộ quản lý; Đẩy mạnh phân cấp quản lý hệ thống giáo dục; Xúc tiến học tập suốt đời trong khuôn khổ Thập kỷ Xóa mù chữ của Liên hợp quốc (2003-2012); Thực hiện Thập kỷ Giáo dục vì sự Phát triển bền vững (2005-2014); Tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và các trường hợp khẩn cấp; Rà soát chương trình giảng dạy nhằm nâng cao năng lực giáo viên; Đào tạo giáo dục dạy nghề, giáo dục đối với HIV/AIDS và lồng ghép đa dạng ngôn ngữ, văn hóa vào chương trình giảng dạy.

Về khoa học, hai bên sẽ cùng nhau thúc đẩy cơ hội tiếp cận kiến thức, phương pháp cũng như thành quả khoa học nhằm phục vụ mục tiêu phát triển. Những chương trình sẽ được triển khai như quản lý nước, đẩy mạnh vai trò khu dự trữ sinh quyển trong việc bảo đảm kinh tế và an ninh ở Việt Nam; nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu; hỗ trợ cộng đồng tự chủ, sẵn sàng ứng phó với thiên tai; đẩy mạnh giáo dục khoa học như nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững; tăng cường và củng cố các hoạt động giới thiệu khoa học hiện đại và công nghệ cùng tri thức; nâng cao nhận thức, năng lực và xúc tiến du lịch địa chất đối với Công viên Địa chất và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.

Những chương trình trên đã và đang đóng góp vào chiến lược tri thức của đất nước nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Việt Nam và UNESCO cũng sẽ hợp tác để hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của giới nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách về xã hội, khoa học, trong đó, UNESCO sẽ hỗ trợ Việt Nam để thiết lập và nâng cao Chương trình Quản lý Biến đổi Xã hội; cho phép thành lập 2 Trung tâm dạng II về Toán và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO; xúc tiến cách tiếp cận thích hợp về văn hóa để hỗ trợ chính sách đô thị hòa nhập; tăng cường nhận thức về bảo tồn và phát triển đối với trung tâm đô thị có giá trị lịch sử cũng như nâng cao hiểu biết về đạo đức trong khoa học và công nghệ; nâng cao cơ hội cho thanh niên tham gia đời sống chính trị và dân sự…

Lễ ký kết thỏa thuận giữa Việt Nam và UNESCO về việc thành lập tại Việt Nam hai Trung tâm khoa học dạng 2 về Toán học và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO ngày 24/8/2017. (Nguồn: TTXVN)
Lễ ký kết thỏa thuận giữa Việt Nam và UNESCO về việc thành lập tại Việt Nam hai Trung tâm khoa học dạng 2 về Toán học và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO ngày 24/8/2017. (Nguồn: TTXVN)

Trong lĩnh vực văn hóa, UNESCO hỗ trợ công tác bảo vệ, bảo tồn di sản của Việt Nam thông qua việc tăng cường chính sách và năng lực quốc gia nhằm bảo vệ, quản lý có hiệu quả di sản vật thể và phi vật thể… và tạo cơ hội phát triển gắn với bảo tồn, tăng cường quy định về du lịch di sản. Bên cạnh đó, UNESCO cũng hợp tác với Việt Nam trong việc đưa các nguyên tắc về đa dạng văn hóa, đối thoại văn hóa vào chính sách, chương trình phát triển quốc gia; nâng cao năng lực, nhận thức về sự phát triển của bảo tàng; quảng bá tầm quan trọng của văn hóa đối với phát triển bền vững; lồng ghép di sản và đa dạng văn hóa vào nội dung trường học. Về thông tin-truyền thông, UNESCO quan tâm đến việc thúc đẩy tự do thông tin; tăng cường cơ sở hạ tầng, chuyên gia ở các nước đang phát triển. Những mối quan tâm này phù hợp với nhu cầu phát triển về thông tin truyền thông tại Việt Nam.

Quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO ngày càng tốt đẹp và bền chặt theo thời gian, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

Trong thời gian tới, UNESCO và Việt Nam sẽ hợp tác để triển khai việc mở rộng Chương trình Ký ức Thế giới; sử dụng công nghệ thông tin truyền thông vào việc bảo tồn di sản; tăng cường tiếp cận thông tin chất lượng; nâng cao năng lực cơ quan báo chí, truyền thông; mở rộng phạm vi phương tiện truyền thông tới vùng xa xôi, khó khăn cũng như khuyến khích sử dụng ngôn ngữ địa phương phát triển nội dung phục vụ bảo tồn bản sắc và đa dạng văn hóa.

Nhìn lại chặng đường đã qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO ngày càng tốt đẹp và bền chặt theo thời gian, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong những năm tiếp theo, UNESCO sẽ tiếp tục là cầu nối và diễn đàn quan trọng để Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên 5 lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO.

Các cơ quan của UNESCO mà Việt Nam là thành viên:

– Việt Nam là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017.

– Việt Nam là thành viên Hội đồng Chấp hành nhiệm kỳ 2015-2019.

– Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2014-2018.

– Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới 2015-2019.

Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam ngày 12/6/2017. (Nguồn: TTXVN)
Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam ngày 12/6/2017. (Nguồn: TTXVN)

Định hướng quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO

Ủy ban Quốc gia UNESCO quán triệt hai định hướng đối ngoại quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong nhiều năm tới mà Đại hội Đảng lần thứ 12 đã chỉ ra, đó là: “nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại” và “triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”; bám sát các nhiệm vụ mà Hội nghị Ngoại giao 29 đã xác định với chủ đề là “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế-Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” với việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ: “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương” nhằm đưa đối ngoại đa phương trở thành một trong những trụ cột của công tác đối ngoại trong thời gian tới. Một số trọng tâm công tác của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ triển khai trong năm 2017 như sau:

Ủy ban Quốc gia UNESCO xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương thông qua việc đảm nhiệm vai trò tại các cơ quan chủ chốt của UNESCO, nhất là Hội đồng Chấp hành, Ủy ban Di sản thế giới và Đại hội đồng UNESCO lần thứ 39 tại Paris.

Ngày 27/4/2017, tại thủ đô Paris, Pháp, Đại sứ Phạm Sanh Châu,  trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đã trình bày trước Hội đồng chấp hành của UNESCO và đại sứ các nước thành viên của UNESCO về chương trình hành động với tư cách là ứng cử viên chức Tổng Giám đốc của tổ chức này. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 27/4/2017, tại thủ đô Paris, Pháp, Đại sứ Phạm Sanh Châu, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đã trình bày trước Hội đồng chấp hành của UNESCO và đại sứ các nước thành viên của UNESCO về chương trình hành động với tư cách là ứng cử viên chức Tổng Giám đốc của tổ chức này. (Nguồn: TTXVN)

Tiếp tục hỗ trợ Ngoại giao Chính trị trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ nhân quyền; theo dõi chặt chẽ diễn biến có thể phát sinh trên Biển Đông và việc một số quốc gia có thể lồng ghép các vấn đề chính trị trong các lĩnh vực chuyên môn của UNESCO như văn hóa, các hồ sơ di sản, IOC…

Triển khai Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam – UNESCO giai đoạn 2016-2020. Đẩy mạnh việc tiếp thu ý tưởng, sáng kiến của UNESCO phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, nhất là cải cách và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tham gia một số chương trình lớn của UNESCO như chương trình nghiên cứu cơ bản quốc tế (IBRD), Chương trình Thông tin cho mọi người (IFAP)…

Quảng bá hình ảnh đất nước thông qua việc vận động UNESCO công nhận các loại hình danh hiệu di sản và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các khu di sản trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản đã được công nhận; Hỗ trợ nâng cao năng lực của các ban quản lý các khu di sản; hỗ trợ xây dựng các báo cáo định kỳ và đột xuất về các vấn đề liên quan đến di sản đã được công nhận.

Tăng cường thông tin về UNESCO đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là các chương trình, dự án lớn của UNESCO về giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… trên các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá hình ảnh của UNESCO đối với người dân Việt Nam Xuất bản một số ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá về di sản, tổ chức các đoàn phóng viên nước ngoài tham quan và làm phim tư liệu chuyên đề về di sản Việt Nam./.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam hội đàm với  bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO ngày 24/8/2017. (Nguồn: TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam hội đàm với bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO ngày 24/8/2017. (Nguồn: TTXVN)