“Phượt” cùng Tây balô 

Nicholas Bergamini, một chuyên gia quan hệ công chúng người Canada, đã xin nghỉ việc một năm để đi du lịch khắp các nước châu Á với tuyên bố rằng anh có thể đi bất cứ nơi đâu, miễn không phải bằng xe khách.

Trong một bài viết về trải nghiệm khi đến Việt Nam, Nicholas Bergamini ví von rằng Việt Nam chính là mối tình đầu của anh.

Những cảm xúc của một ông “Tây ba lô” khi đi du lịch Việt Nam cùng những cảm nhận của anh về người dân địa phương được Nicholas Bergamini ghi lại hết sức chân thực.

VietnamPlus xin giới thiệu cùng bạn đọc

Tôi nằm trên bàn mổ của một bệnh viện nhỏ tại một ngôi làng ở Việt Nam. Căn phòng có ánh sáng lờ mờ, bên tay trái của tôi là bức tường với những đốm máu màu đỏ sậm. Cô y tá trẻ cố gắng khâu vết thương trên cánh tay phải của tôi. Tiếng Anh của cô ấy bập bẹ, cũng như trình độ tiếng Việt của tôi.

Khi chạy ở tốc độ cao, dường như chiếc xe máy của tôi đã đâm chết một con chó đi lạc. “Anh chàng” này chắc cũng có ý định tự tử. Trên người tôi khi đó chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 20 USD, chiếc điện thoại cũng hết pin. Tôi vứt lại chiếc balô chứa tất cả tài sản và một người qua đường đã đưa tôi đến bệnh viện bằng chiếc xe tay ga.

Tôi rất muốn thương hại cho mình nhưng lúc đó tôi thực sự không thể dừng suy nghĩ về việc chú chó tôi đâm phải sống chết ra sao.

“Tất cả mọi người đều không thể quên mối tình đầu của mình. Và mối tình đầu của tôi là Việt Nam” 

Những người “nghiện” du lịch thường ngây ngất khi kể lại chuyến du lịch gần đây nhất của họ, tựa như đang kể về những mối tình. Đối với một số người, du lịch đã trở thành thứ thay thế cho những khát vọng về một mối quan hệ lãng mạn. Mỗi lần đến thăm một quốc gia mới cũng giống như trải qua một cuộc tình ngắn ngủi nhưng mãnh liệt, nhưng tất cả mọi người đều không thể quên mối tình đầu của mình. Và mối tình đầu của tôi là Việt Nam.

Ba năm trước, lần đầu tiên tôi đến Sài Gòn và ngay lập tức phải lòng Việt Nam. Tôi đắm chìm trong tình yêu với các món ăn ở đây, người dân nơi đây, và điều tôi yêu nhất lại chính là sự ồn ào nơi đây. Lần đầu đặt chân đến đây, tôi vừa vui mừng và sợ hãi, tuy nhiên, trong mối quan hệ lãng mạn như vừa đang nảy mầm này, người làm chủ không phải là tôi mà là “người yêu” của tôi – Việt Nam.

Lúc đó, tôi thề một ngày nào đó, nhất định tôi sẽ trở lại, cưỡi xe máy đi khắp Việt Nam.

Và 3 năm sau ngày đó, tôi đã làm như vậy.

Ảnh: Michel Vo
Ảnh: Michel Vo

Tôi tới Hà Nội. Tôi đã mua một chiếc xe máy với giá chỉ 250 USD. Đôi bàn tay vụng về của tôi nắm lấy tay lái, tay trái giữ tay côn, giậm phanh nhẹ nhàng.

Đây là lần đầu tiên của tôi cưỡi trên một chiếc xe máy, trong khi tôi biết Hà Nội là nơi không thích hợp cho việc học lái xe. Thủ đô của Việt Nam có tới hơn 5 triệu chiếc xe máy.

Tôi bật ra khỏi bãi đậu xe và trong giây lát, tôi bị bao vây bởi bầu không khí quay cuồng của đường phố Hà Nội. Nếu nhìn từ trên cao, chắc chắn nó trông giống như một cuộc diễu hành xe máy, các xe vượt qua nhau và trong suy nghĩ của tôi, hình ảnh đó có thể minh họa hoàn hảo cho cụm từ “tiến thoái lưỡng nan.”

Bạn có tin không, tại Việt Nam, xe máy là sự kết hợp của một chiếc SUV một chiếc xe bán tải, xe tải và nhiều thứ khác nữa. Bạn có thể nhìn thấy cảnh tượng một gia đình cùng ngồi trên một chiếc xe hay cảnh những con lợn được vận chuyển từ lò mổ đến nơi tiêu thụ bằng xe máy. Thậm chí, người ta có thể chất 4 chiếc bồn cầu cùng trên một chiếc xe máy nhỏ.

Tôi nhìn vào gương rồi tăng tốc, sau đó hòa vào dòng xe trên đường cao tốc, trong đầu nghĩ giấc mơ trong suốt 3 năm qua của mình đang được thực hiện. Nhưng ở một khoảng trống khác trong não, những con số thống kê về tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông khiến tôi lạnh gáy. Tôi lau mồ hôi trên khuôn mặt của mình, tiếp tục tăng tốc. Dù sao tôi cũng chẳng phải là một nhà thống kê!

Mike, một người bạn mang dòng máu Na Uy và Việt Nam trở thành bạn đồng hành của tôi. Chúng tôi đã có hai tuần ở khu vực miền núi phía Bắc.

Tìm một chiếc xe là chuyện tương đối dễ dàng ở đây. Hầu như tất cả du khách balô lựa chọn một chiếc Win Tàu vì nó rất dễ điều khiển và dễ sửa chữa khi gặp sự cố.

Ý tưởng về chuyến “phượt” này nảy nở khi tôi gặp một người Montreal trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam. Anh ấy nói với tôi về ý định lái xe máy qua Hà Giang, tỉnh cực Bắc của Việt Nam. Khu vực này là nơi có cảnh quan kỳ lạ với những ngọn núi hình nón và những con đường ngoằn ngoèo, quanh co.

“Đối với người dân địa phương, du khách phương Tây là một nhóm người xa lạ nhưng họ hứng thú với chúng tôi cũng giống như chúng tôi hiếu kỳ về họ”

Sau bảy ngày cưỡi trên xe máy với giấy phép trong tay, Mike và tôi tiến vào Hà Giang, đi qua một biển báo hiệu khu vực biên giới. Với ánh nắng Mặt Trời trên lưng, chúng tôi lái xe trên một con đường vắng bao quanh bởi vách đá. Khoảng 500m bên dưới, con sông uốn khúc qua một thung lũng hẹp.

Một đàn chim bay trên thung lũng đột nhiên dừng lại ở bên cạnh tôi. Chúng bay cùng tôi, hoàn toàn phù hợp với tốc độ và cao độ của tôi, cơ thể trắng tinh khôi của chúng lướt nhẹ nhàng qua tôi. Và chúng cũng nhanh chóng biến mất. Tôi không thể kiểm soát cảm xúc của mình. Hình ảnh anh chàng kị sỹ mà tôi cất công tạo ra đã tan thành mây khói nhưng dù gì tôi đã có một trải nghiệm gần như bay.

Đối với người dân địa phương, du khách Phương Tây là một nhóm người xa lạ nhưng họ hứng thú với chúng tôi cũng giống như chúng tôi hiếu kỳ về họ. Họ không biết nói tiếng Anh nhưng bạn đồng hành của tôi lại có thể nói tiếng Việt lưu loát, bởi vậy mà chúng tôi có một số trải nghiệm riêng mà người khác khó có thể có được.

Ảnh: Michel Vo
Ảnh: Michel Vo

Chúng tôi băng qua các thung lũng đúng vào lúc bọn trẻ tan học. Chúng ào ra các con đường, chúng nói “Hello” với chúng tôi. Một vài chàng trai còn học được cách giao lưu, vốn đã lưu hành ở khắp năm châu bốn bể, đó là dùng rượu. Họ bán cho chúng tôi loại rượu 10 USD. Loại rượu địa phương này được làm từ gạo.

Hai chiếc xe máy của chúng tôi lại một lần nữa “tâm đầu ý hợp,” chúng hỏng cùng một lúc. Những chuyện thế này xảy ra như cơm bữa. Kim, một người dân tộc Hmông sống gần đó, mời chúng tôi đến nhà anh ta lánh nạn.

Khi chúng tôi nhấm nháp loại rượu từ một chiếc bình rất bụi, anh ta thề rằng loại rượu dân tộc của anh ta có thể chữa được cơn đau lưng. Tôi đùa rằng rượu của anh ta chứa dược liệu hay do anh ta uống đến nỗi bất tỉnh nhân sự mà quên đi cả nỗi đau.

“Như vậy thì khác nhau ở chỗ nào?,” anh đáp.

Mỗi khi uống một ngụm, tôi lại càng rõ ràng rằng mình không thể tiếp tục lái xe nữa. Vậy là lời nói của anh ta càng ngày càng thuyết phục.

Sau khi chia tay Mike, tôi một mình hướng về phía Sài Gòn. Lúc này, tôi mới thấy sự hiện diện của Mike quan trọng tới chừng nào. Khi xe bị hỏng giữa đường, dù gì thì Mike cũng có thể phóng xe đi để kêu gọi sự giúp đỡ, nhất là anh ta còn biết nói tiếng Việt.

Chuyện xe hỏng cứ xảy ra hết lần này đến lần khác. Có lần tôi đã may mắn và có thể xuống một ngọn đồi ở trung tâm thành phố tiếp theo khi đêm đến gần. Lần khác, tôi đã phải đẩy chiếc xe trong ánh nắng rực rỡ cho đến khi tôi tìm được một thợ sửa xe.

Tôi cũng bị va chạm không ít lần, dù cho đó là với một chiếc xe tải đang lăn trên làn đường hay với một con gia súc chạy như đang trốn lò mổ. Tôi nắm chặt tay lái, quyết tâm phải thật an toàn trên hành trình này.

Khung cảnh bình yên ở Việt Nam. (Ảnh: Michel Vo)
Khung cảnh bình yên ở Việt Nam. (Ảnh: Michel Vo)

Vào ngày thứ 28 của cuộc hành trình, tôi đã lần đầu được lướt qua con đường ven biển tuyệt đẹp của Việt Nam. Tôi men theo con đường này trong 3 ngày. Mặt Trời đã dần tắt trên con đường phía trước, còn biển thì ở bên phía tay trái của tôi.

Ngay lúc này, một chú chó lao ra trước mặt tôi, tôi chẳng thể phản ứng kịp và đã đâm vào nó. Tôi đâm sầm xuống đường, lăn một vòng và trượt một đoạn, dường như trượt rất lâu, rất lâu. Sau đó, tôi ngồi dậy trong cơn sốc và vẫn chưa thể vượt qua cảm giác đó. Khửu tay của tôi bị rách, sâu đến nỗi có thể nhìn thấy xương.

Tôi chắc chắn rằng chú chó đã bị tôi đâm chết, tôi ôm đầu và nhìn dáo dác khắp các phía, muốn xác của nó nhưng tôi chẳng nhìn thấy gì cả.

May mắn thay, nơi xảy ra tai nạn vốn là nơi đông đúc. Có một người phụ nữ giúp tôi trông đồ còn một người đưa tôi đến bệnh viện. Sau khi khâu xong, họ đưa tôi về hiện trường vụ tai nạn, giúp tôi lắp cái lốp vào bánh xe, trong khi tôi tiếp tục đi thêm 20km trong tình cảnh không có đèn. Cuối cùng, tôi cũng tìm được một khách sạn.

Tôi ngồi trong căn phòng đó và chưa bao giờ cảm thấy cô độc như lúc này. Tôi thề sẽ không làm trái lại nguyên tắc cơ bản của những kẻ du lịch bằng xe máy nữa: không bao giờ được đi một mình.

Ngày hôm sau, tôi cố gắng trong yếu ớt để tiếp tục hành trình của mình nhưng cánh tay của tôi đã sưng lên vì vết thương bị nhiễm trùng. Tôi nghĩ rằng tôi không thể kịp chuyến bay vào tuần sau để đến Sài Gòn. Sau khi nghỉ ngơi 4 ngày, tình hình vẫn không khá hơn, tôi đành phải đặt vé xe khách vào Sài Gòn, và thêm một vé cho chiếc xe máy ở khoang hành lý.

Bốn giờ sáng và tôi vẫn còn cách Sài Gòn một giờ đi xe. Nhưng tôi nghĩ mình không thể kết thúc chuyến đi của mình như thế này. Tôi nhờ anh lái xe kéo tôi đứng dậy, đưa xe của tôi ra khỏi khoang. Tôi chỉ cách khách sạn 40km. Bạn có thể đoán được điều gì sau đó.

“Sau khi trải qua những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời, tôi đã hiểu tại sao tôi lại yêu đất nước này ngay từ những ngày đầu” 

Giống như một cảnh trong bộ phim “Cool Runnings,” tôi vội vã vào Sài Gòn khi Mặt Trời vừa ló ra. Tôi trở về thành phố đã sinh ra tình yêu du lịch của tôi vào ba năm trước đó.

Các quán hàng vỉa hè đang chuẩn bị cho một ngày làm việc của họ còn những du khách say xỉn đang liêu xiêu trở về khách sạn. Tôi lướt nhẹ qua trung tâm thành phố. Ba năm trước, những con phố huyên náo khiến tôi hoảng sợ nhưng hiện giờ, tất cả đang chào đón tôi. Tôi tăng tốc độ, chiếc xe cũ kỹ của tôi vẫn trong trạng thái rất tốt. Đây là lần đầu tiên sau vụ tai nạn, tôi không thấy đau khi lái xe. Sau khi trải qua những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời, tôi đã hiểu tại sao tôi lại yêu đất nước này ngay từ những ngày đầu.

Tôi quên chưa kể là khi tôi trở lại hiện trường vụ tai nạn từ bệnh viện, những người dân địa phương đã rất nhiệt tình giúp đỡ tôi. Khi đó, tôi đã nhìn thấy chú chó màu xám. Tôi nhìn chằm chằm vào nó, cảm thấy nhẹ nhõm khi biết nó vẫn còn sống. Nó cũng nhìn tôi một cách an toàn từ bên kia đường./.

Ảnh: Michel Vo
Ảnh: Michel Vo