Văn Toàn

Một ngày Hè 2006 oi ả tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hải Dương. Trên sân tập, có một đứa nhóc đang đứng gãi đầu. Nó là đứa bé nhỏ nhất, gầy gò nhất trên sân. Nó đang suy nghĩ. Bên kia sân là đối thủ – một đứa bé to con. Trước khi ra sân tập, thằng bé kia đã nhắc đi nhắc lại: “Nếu còn dắt bóng qua người, tối về phòng sẽ cho ăn đòn.”

Đứa nhỏ gày gò biết, thằng bé kia không nói chơi vì chuyện này đã diễn ra nhiều lần. Dù vậy, nó vẫn làm. Ông trời đã cho thằng nhóc nhỏ bé một đôi chân nhanh như sóc. Nó chạy qua cả đội đối phương, chạy qua thằng bé béo. Đôi chân nó tự nhấc lên khỏi mặt đất, vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Nó lại ghi bàn rồi. Nó quay lại và nhìn thấy thằng bé béo đứng cắn môi, hằn học giơ nắm đấm làm dấu. Tối hôm đó, nó lại ăn đòn. Đó là một mảnh ký ức đã lặp đi lặp lại suốt những năm tháng thơ ấu của cậu bé gày gò ở Hải Dương. Nói về đứa con trai yêu dấu, ông Nguyễn Văn Tạo hồi tưởng: “Ngày ấy, Toàn còn bé lắm và bị thằng kia bắt nạt suốt. Lúc đi tập, Toàn cứ cầm bóng đi qua là nó đánh. Buổi tối, các thầy rời khỏi là nó đánh, đánh vì thằng Toàn dám đi bóng qua nó.” “Nó còn lấy hết tiền của thằng Toàn mà thằng này về nhà không dám kể lại. Thằng kia lấy của Toàn nhiều tiền đến nỗi nó có đủ tiền gửi lại cho bố mẹ. Mãi sau này, chúng tôi thấy Toàn hết tiền thì hỏi dồn. Lúc đó, cu cậu mới chịu nói.”

Văn Toàn (giữa) đoạt cú đúp Cầu thủ xuất sắc nhất và Vua phá lưới Giải U11 quốc gia 2007. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Văn Toàn (giữa) đoạt cú đúp Cầu thủ xuất sắc nhất và Vua phá lưới Giải U11 quốc gia 2007. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Người cha không giấu được niềm hạnh phúc khi kể về cậu con trai của mình. Văn Toàn là niềm tự hào của ông. Cậu cũng là niềm tự hào của cả mảnh đất Thạch Khôi (Hải Dương) này. Chính Thạch Khôi đã chứng kiến những bước chập chững đầu tiên của chàng tiền đạo này. Bản thân ông Tạo vốn là một cầu thủ nghiệp dư, từng lăn lộn khắp các sân bóng địa phương. Văn Toàn thừa hưởng tình yêu trái bóng từ cha. Suốt những ngày thơ ấu, ông Tạo đã dắt Toàn theo trong mỗi trận đấu. Bố đá bóng, con ngồi xem. Sau trận, bố uống bia, con tu nước ngọt. Nhiều năm sau này, khi nhắc lại kỷ niệm cũ, Văn Toàn cười bảo: “Bố tôi ngày xưa chỉ đá nhì nhằng.” Năm 2005, lúc lên 9 tuổi, Văn Toàn cùng đội nhi đồng Thạch Khôi vô địch giải huyện Gia Lộc. Huấn luyện viên Trần Hữu Hùng của Trung tâm bóng đá Hải Dương về tận nhà xin cho Văn Toàn lên tỉnh tập. Cả gia đình chia làm hai phe. Bố Tạo ủng hộ còn ông bà phản đối. Những ngày ấy, mỗi khi đi học về, Toàn đều hỏi: “Hôm nay có ai tới đón con không?” Ông Tạo gắng thuyết phục: “Thôi con ạ, con còn bé quá, đi làm sao được.”

Ông Nguyễn Văn Tạo (áo vest) là người có ảnh hưởng lớn nhất tới việc lựa chọn sự nghiệp của Văn Toàn.(Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Ông Nguyễn Văn Tạo (áo vest) là người có ảnh hưởng lớn nhất tới việc lựa chọn sự nghiệp của Văn Toàn.(Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Cậu bé 9 tuổi không thể cãi lại lời cha, cậu ngồi thụp xuống khóc. Thế rồi cả gia đình cũng phải đồng ý. Văn Toàn chuyển lên thị xã. Khoảng cách từ nhà tới trung tâm chỉ vài cây số nhưng với Toàn, đó là hai thế giới. Những ngày đầu tiên, Toàn khóc rất nhiều. Ngày ấy, bóng đá trẻ Hải Dương chưa phải là một thế lực như bây giờ. Bóng đá trẻ Hải Dương mới được xây dựng lại dựa trên nhiệt huyết của Giám đốc Vũ Đình Thịnh. Cậu bé 9 tuổi Văn Toàn là hạt nhân của kế hoạch ấy. Năm 2007, U11 Hải Dương vô địch quốc gia lần đầu tiên.

Những chương tiếp theo của bóng đá Hải Dương đã trở thành lịch sử. Họ vào tới bảy trận chung kết U11 quốc gia, vô địch bốn lần trong chín năm kế tiếp. Lò đào tạo này cũng chính là nơi sản sinh những Văn Thanh, Trọng Đại, Hoàng Đức – các tuyển thủ quốc gia và tuyển thủ U20 Việt Nam tại World Cup 2017.

Sân Quân khu 7 một ngày giữa năm 2007, tại vòng bán kết Giải U11 quốc gia, những nhà tuyển trạch của Viettel đang dán mắt vào một cậu bé áo trắng, mang áo số 9. Giải đấu ấy, Văn Toàn giành giải Vua phá lưới và Cầu thủ hay nhất. Khi trận bán kết còn đang diễn ra, đại diện Viettel đã gọi cho ông Tạo lúc ấy đang ở Hà Nội. Nhưng họ đã chậm chân.

Văn Toàn (thứ tư từ phải sang) cùng dàn cầu thủ khóa I học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG hồi năm 2007. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Văn Toàn (thứ tư từ phải sang) cùng dàn cầu thủ khóa I học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG hồi năm 2007. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Cũng trên sân Quân khu 7 hôm ấy, ở một góc khác, Giám đốc điều hành Huỳnh Mau và ông Nguyễn Văn Vinh đang lặng lẽ quan sát. Họ tới từ Hoàng Anh Gia Lai và đang đi tìm những “hạt giống đỏ” cho lứa cầu thủ mà sau này, người Việt Nam nào cũng biết tới. Họ bị thôi miên bởi những cậu bé Hải Dương và đã tiếp cận mẹ Văn Toàn từ trước đấy. Rất nhiều lò đào tạo đã có mặt trong trận đấu đó. Ai cũng muốn sở hữu những “hòn ngọc thô” của Hải Dương. Năm 2007 cũng là khoảng thời gian nhạy cảm với sự nghiệp của Văn Toàn. Mọi bậc cha mẹ có con chơi bóng ở Hải Dương đều biết rằng lò đào tạo này không có lứa U11. Những đứa trẻ Hải Dương ở giải U11 quốc gia biết rằng chúng phải thể hiện thật tốt để thuyết phục một lò đào tạo khác nhận mình. Nếu không, chúng phải giải nghệ. Trước giải, ông Tạo từng tới lò Hà Nội ACB và Viettel nhưng không nơi nào đồng ý nhận Toàn. Nhưng sau 40 phút ở sân bóng Quân khu 7, tương lai của Văn Toàn đã được định đoạt.

Ở tuổi 21, Văn Toàn là ngôi sao của Hoàng Anh Gia Lai, đá chính ở tuyển quốc gia. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Ở tuổi 21, Văn Toàn là ngôi sao của Hoàng Anh Gia Lai, đá chính ở tuyển quốc gia. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Trở về từ miền Nam, các cầu thủ nhí được tổ chức lễ mừng công trong nhà thi đấu tỉnh. Cùng lúc đó, ở bên ngoài, ông Nguyễn Văn Vinh đã chờ sẵn. “Kiến trúc sư trưởng” của lò Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG nhận lệnh bầu Đức trực tiếp xuống Hải Dương. Ông Vinh trao 200 triệu cho phía Hải Dương để thu nhận ngay lập tức 4 cầu thủ trẻ. Văn Toàn là một trong số đó. Bốn cậu bé ấy là những cái tên hiếm hoi được tuyển thẳng vào lò đào tạo JMG. Những năm tháng “đội sổ” Suất đặc cách hóa ra không giúp gì nhiều cho Văn Toàn. Phải cạnh tranh với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều… Văn Toàn đuối sức nhanh chóng. Những danh hiệu ở tuổi 11 càng tạo thêm áp lực cho Toàn. Hệ thống đào tạo của JMG ưu tiên kỹ thuật, sự khéo léo trong khi tốc độ và sự lắt léo của Toàn chỉ thực sự hữu dụng trong thực đấu. Trước Toàn, một cầu thủ Hải Dương khác là Văn Anh cũng bị loại khỏi lò JMG. Văn Toàn sau đó bị đẩy xuống tập với khóa hai. Cuộc sống ở phố núi với Toàn không hề dễ dàng.

Những màn trình diễn của Văn Toàn trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai và tuyển quốc gia. (Nguồn: KajihuFootball)

Những năm tháng ấy, Toàn luôn nằm trong nhóm cầu thủ “đội sổ”. Chỉ cần một chút ngã lòng, Toàn sẽ bị loại và sớm kết thúc sự nghiệp bóng đá. Cậu bé Hải Dương luôn phải nỗ lực nhiều hơn mọi người. Những năm tháng ấy đã làm nên Văn Toàn của ngày hôm nay. Nhìn Toàn thi đấu, chúng ta thấy dấu ấn của sự quyết tâm vẫn còn in hằn. Có tất cả ở tuổi 21? 6 năm ở Gia Lai trôi qua nhanh như một giấc mơ. Tháng 9/2013, khóa I của lò Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG chính thức “hạ sơn” trong màu áo U19 Việt Nam. Giải U19 Đông Nam Á năm ấy, U19 Việt Nam vào tới chung kết còn Văn Toàn giành danh hiệu Vua phá lưới. Từ đó tới nay, Toàn không còn ngoảnh lại. Năm 2014, anh dự Giải U19 châu Á. Năm 2015, anh cùng đồng đội lên V-League. Năm 2016, Văn Toàn được gọi vào đội tuyển và giờ là trụ cột không thể thay thế ở biên phải. Ở tuổi 21, Văn Toàn là cái tên trẻ nhất chắc suất đá chính tại tuyển Việt Nam. Toàn đã có tất cả những gì anh muốn? Không. Khi đã giành được suất đá chính, Toàn lại phải đối mặt với một cuộc chiến khác.

Thống kê những chuỗi trận không ghi bàn của Văn Toàn trong ba mùa giải V-League từ 2015 tới 2017. (Đồ họa: Hiếu Lương)
Thống kê những chuỗi trận không ghi bàn của Văn Toàn trong ba mùa giải V-League từ 2015 tới 2017. (Đồ họa: Hiếu Lương)

V-League 2016, Văn Toàn trải qua 1.500 phút “tịt ngòi”. 17 vòng đấu không ghi bàn với một chân sút là thống kê quá thất vọng. Đến mùa giải 2017, anh tiếp tục có thêm 1.000 phút không bàn thắng. Bàn thắng, đó luôn là nỗi ám ảnh với các chân sút. Với Văn Toàn, nỗi ám ảnh ấy còn mạnh mẽ gấp bội. Nghịch lý là Toàn vẫn chơi rất tốt, vẫn có các tình huống đi bóng, kiến tạo, vẫn khiến khán giả ồ lên thích thú, vẫn khiến các chuyên gia phải gật đầu thừa nhận. Chỉ có bàn thắng là “ngoảnh mặt” với anh. 57 trận trên mọi đấu trường cùng Hoàng Anh Gia Lai, Toàn chỉ có 10 bàn (0,17 bàn/trận). 12 trận V-League mùa này, Toàn chơi đủ 90 phút, không bị thay ra một lần. Vẫn không có bàn thắng. Đá chính tại AFF Cup 2016 cùng tuyển Việt Nam, tiếp tục không ghi bàn. Không huấn luyện viên nào có thể kiên nhẫn với Toàn thêm nữa. Khởi nghiệp trong vai trò tiền đạo cắm, Toàn dần đánh mất vị trí ở cả đội tuyển và câu lạc bộ. Khi những Công Phượng, Đức Chinh từng bước khẳng định mình ở trung tâm, Toàn bị đẩy dạt ra cánh. Vốn là một tay săn bàn, Toàn giờ phải hài lòng với vị trí người kiến tạo. Từ kép chính, Toàn tập làm kép phụ. Anh lùi khỏi trung tâm sân khấu, nhường chỗ cho người khác, cách xa ánh đèn chính và những lời ca tụng. 21 tuổi, Toàn vẫn còn cả một cuộc chiến ở phía trước./.

Văn Toàn và Công Phượng là đôi bạn thân, là đồng đội từ những ngày còn thơ ấu. (Đồ họa: Hiếu Lương)
Văn Toàn và Công Phượng là đôi bạn thân, là đồng đội từ những ngày còn thơ ấu. (Đồ họa: Hiếu Lương)