Nguồn gốc của chiếc iPhone

Tháng 6/2017 đánh dấu 10 năm ngày Apple tung ra chiếc iPhone đầu tiên, một thiết bị đã biến đổi cơ bản cách chúng ta tương tác với công nghệ, với văn hóa và với nhau. Trước ngày kỷ niệm này, biên tập viên Brian Merchant của tạp chí Motherboard đã bắt tay vào một cuộc điều tra khám phá nguồn gốc chưa được biết đến của chiếc iPhone. Cuốn sách “The One Device: The secret history of the iPhone”, ra mắt vào ngày 20/6, đã theo dấu chuyến hành trình này từ những khu mỏ ở Kenya cho tới các nhà máy ở Trung Quốc và cuối cùng là số 1 đường Infinite Loop – địa chỉ trụ sở của Apple. Trích đoạn dưới đây đã được thu gọn và biên tập.

Nếu bạn từng làm việc ở Apple vào giữa những năm 2000, bạn có thể đã để ý thấy một hiện tượng kỳ lạ: nhân viên công ty dần biến mất.

Ban đầu, hiện tượng này xảy ra rất từ từ. Một ngày nọ, sẽ có một chiếc ghế trống, nơi một kỹ sư hạng “sao” từng ngồi. Một thành viên then chốt của nhóm đột ngột biến mất. Chẳng ai biết chính xác họ đã đi đâu.

“Tôi đã nghe được những lời xì xào về… một thứ gì đó, khi đó người ta cũng không rõ họ đang tạo ra thứ gì, nhưng rõ ràng rất nhiều người trong số những kỹ sư giỏi nhất từ những nhóm giỏi nhất đã bị rút sang nhóm bí ẩn này,” Evan Doll, khi đó là một kỹ sư phần mềm của Apple, kể lại.

Dưới đây là những gì đã xảy ra với những kỹ sư “ngôi sao” đó. Đầu tiên, một vài quản lý xuất hiện ở văn phòng họ mà không báo trước, rồi đóng cửa phòng sau lưng họ. Hai trong số những quản lý này là Henri Lamiraux, một giám đốc kỹ thuật phần mềm, và Richard Williamson, một giám đốc phần mềm.

Andre Boule là một trong số những kỹ sư “ngôi sao”. Khi đó anh mới chỉ làm việc cho Apple được vài tháng.

Một trong những mẫu thiết kế iPhone ban đầu
Một trong những mẫu thiết kế iPhone ban đầu

“Henri và tôi bước vào văn phòng của anh ấy,” Williamson nhớ lại, “và chúng tôi nói: ‘Andre, anh không thực sự biết chúng tôi, nhưng chúng tôi đã nghe nói rất nhiều về anh, chúng tôi biết anh là một kỹ sư tài năng, và chúng tôi muốn anh tới làm việc với chúng tôi trong một dự án mà chúng tôi không thể nói cho anh biết được. Và chúng tôi muốn anh làm ngay bây giờ. Ngay hôm nay.’”

Boule tỏ ra hoài nghi, sau đó là ngờ vực. “Anh ấy nói, ‘Tôi có thể dành chút thời gian nghĩ về điều đó không?’” Williamson kể tiếp. “Và chúng tôi nói, ‘Không.’” Họ không thể và sẽ không cho anh ấy biết thêm bất kỳ chi tiết nào khác. Tuy vậy, đến cuối ngày, Boule đã đồng ý tham gia. “Chúng tôi đã làm việc này rất nhiều lần khắp nơi trong công ty,” Williamson cho biết. Một số kỹ sư yêu công việc hiện tại của họ và đã từ chối – họ ở lại Cupertino. Những người đồng ý, giống như Boule, đã bắt tay vào xây dựng chiếc iPhone.

Và cuộc sống của họ đã thay đổi vĩnh viễn – hay ít nhất là trong hai năm rưỡi sau đó. Họ không chỉ làm thêm giờ để tạo ra sản phẩm công nghệ tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn nhất trong thế hệ của họ, mà họ còn gần như không được làm gì khác. Đời sống cá nhân của họ biến mất, và họ không được phép nói về việc họ đang làm. Steve Jobs “không muốn bất kỳ ai làm rò rỉ thông tin nếu họ rời khỏi công ty,” Tony Fadell, một trong số những giám đốc cấp cao nhất của Apple đã giúp tạo nên chiếc iPhone, cho biết. “Ông ấy không muốn bất cứ ai nói bất cứ điều gì. Ông ấy chỉ không muốn như vậy – ông ấy vốn là người hoang tưởng.”

Jobs nói với Scott Forstall, người sau này sẽ trở thành nhân vật đứng đầu bộ phận phần mềm iPhone, rằng ngay cả ông cũng không được hé răng một lời về chiếc điện thoại cho bất cứ ai, trong cũng như ngoài Apple, nếu họ không thuộc đội ngũ đặc biệt. “Vì lý do đảm bảo bí mật, ông ấy không muốn tôi thuê bất cứ ai bên ngoài Apple để làm phần giao diện người dùng,” Forstall cho biết. “Nhưng ông ấy nói tôi có thể đưa bất cứ ai trong công ty vào đội ngũ này.” Do đó ông đã phái các quản lý như Henri và Richard đi tìm những ứng cử viên phù hợp nhất. Và ông cũng đảm bảo rằng những người có tiềm năng được tuyển chọn biết rõ những rủi ro trước khi tham gia. “Chúng tôi đang bắt đầu một dự án mới,” ông nói với họ. “Nó bí mật đến mức tôi thậm chí không thể nói với anh dự án đó là gì. Tôi không thể nói anh sẽ làm việc cho ai. Điều tôi có thể nói với anh là nếu anh đồng ý lựa chọn vai trò này, anh sẽ làm việc vất vả hơn bất cứ khi nào trong đời anh. Anh sẽ phải bỏ ra nhiều đêm, nhiều dịp cuối tuần trong vòng có lẽ là khoảng vài năm khi chúng ta làm ra sản phẩm này.”

Họ không chỉ làm thêm giờ để tạo ra sản phẩm công nghệ tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn nhất trong thế hệ của họ, mà họ còn gần như không được làm gì khác. Đời sống cá nhân của họ biến mất, và họ không được phép nói về việc họ đang làm.

Và “thật tuyệt vời”, như Forstall đã nói, một số tài năng hàng đầu của công ty đã tham gia. “Thành thực mà nói, tất cả mọi người trong đội đều rất tuyệt vời,” Williamson nói. Đội ngũ đó – các nhà thiết kế kỳ cựu, những nhà lập trình đang thăng tiến, những người quản lý đã làm việc với Jobs suốt nhiều năm, những kỹ sư chưa từng gặp ông – sẽ trở thành một trong những lực lượng sáng tạo lớn nhất, bất ngờ nhất của thế kỷ 21.

Một trong những thế mạnh lớn nhất của Apple là họ khiến cho các sản phẩm công nghệ có ngoại hình và cảm giác dễ sử dụng. Làm ra chiếc iPhone không hề dễ dàng chút nào, tuy nhiên những người đầu tư vào nó cho biết quá trình làm ra nó thường mang lại cảm giác hứng khởi.

Những gì Forstall đã dự đoán về “đội iPhone” đã trở thành hiện thực.

“Chiếc iPhone là lý do tôi ly dị,” Andy Grignon, một kỹ sư cấp cao trong đội iPhone cho biết. Tôi đã nghe những câu tương tự không ít lần trong vài chục cuộc phỏng vấn với các kỹ sư chủ chốt của Apple. “Đúng thế, chiếc iPhone đã phá hoại không ít cuộc hôn nhân,” một người khác cho biết.

“Rất căng thẳng, có lẽ là một trong những khoảng thời gian tồi tệ nhất đời tôi, về mặt công việc,” Grignon chia sẻ. “Vì bạn tạo ra một kiểu ‘nồi áp suất’ gồm một nhóm người cực kỳ thông minh với một thời hạn bất khả thi, một nhiệm vụ bất khả thi, rồi bạn nghe nói tương lai của toàn bộ công ty đang dựa vào đó. Thế nên nó giống như một ‘bát súp khổ sở’ vậy,” Grignon nói. “Bạn thực sự không có thời gian để gác chân lên bàn và nói, ‘Một ngày nào đó thứ này sẽ rất tuyệt cú mèo đấy’. Nó là kiểu, “Mẹ kiếp, chúng ta tiêu rồi.’ Mỗi khi bạn quay đầu lại, lại có một vấn đề sống còn sắp xảy đến với chương trình đang chờ đợi bạn.”

Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007
Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007

Chế tạo iPhone

Điểm khởi đầu của điện thoại iPhone là một dự án ở Apple được Steve Jobs thông qua vào khoảng cuối năm 2004. Nhưng ý tưởng gốc của nó đã bắt đầu được hình thành từ trước đó rất lâu.

“Tôi nghĩ nhiều người nhìn vào chỉ số hình dáng và họ nghĩ rằng nó đơn giản là không giống như các máy tính khác, nhưng thực ra nó cũng giống như bất kỳ máy tính nào khác,” Williamson nói. “Trên thực tế, nó phức tạp hơn, nếu nói về phần mềm, so với nhiều máy tính khác. Hệ điều hành của nó cũng tinh tế như hệ điều hành của bất kỳ chiếc máy tính hiện đại nào. Nhưng điều mà chúng tôi đã phát triển trong 30 năm qua chính là một sự tiến hóa của hệ điều hành.”

Giống như nhiều loại hình công nghệ được thích ứng cho phù hợp với công chúng, iPhone không chỉ có một câu chuyện về nguồn gốc. Đã có tới khoảng 5 dự án về điện thoại hoặc liên quan đến điện thoại khác nhau – từ những công việc nghiên cứu quy mô siêu nhỏ đến những mối quan hệ hợp tác kinh doanh thực sự – được nung nấu ở Apple vào giữa những năm 2000. Nhưng nếu có một điều tôi học được từ những nỗ lực của mình nhằm “mổ xẻ” chiếc iPhone, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thì đó là: Hiếm khi một sản phẩm hoặc công nghệ cụ thể có được sự khởi đầu rõ rệt – chúng tiến hóa từ vô số ý tưởng, hình dung và phát minh đa dạng trước đó, được kích động và lặp đi lặp lại để trở thành cái mới, bởi những bộ óc không ngừng nghỉ và những động cơ tạo ra lợi nhuận. Ngay cả khi các giám đốc công ty phải tuyên thệ trước tòa, họ cũng không thể gọi tên một điểm khởi đầu duy nhất.

“Đã có rất nhiều thứ dẫn tới sự phát triển của chiếc iPhone ở Apple,” Phil Schiller, phó giám đốc cấp cao về marketing toàn cầu đã nói vào năm 2012. “Đầu tiên, Apple đã được biết tới nhiều năm với tư cách người tạo nên chiếc máy tính Mac, và điều đó rất tuyệt, nhưng công ty có thị phần nhỏ,” ông nói. “Và sau đó chúng tôi có một sản phẩm lớn là chiếc iPod. Đó là phần cứng iPod và phần mềm iTunes. Và điều này đã thực sự thay đổi quan điểm của tất cả mọi người về Apple, cả trong và ngoài công ty. Và người ta bắt đầu đặt câu hỏi: Nếu anh có thể thành công với chiếc iPod, anh còn có thể làm điều gì khác nữa? Và người ta đề xuất đủ mọi ý tưởng, như máy ảnh, xe hơi và những thứ điên rồ khác.”

Và dĩ nhiên là làm một chiếc điện thoại nữa.

Từ iPod đến iPhone?

Khi Steve Jobs trở lại “cầm cờ” một Apple đang xuống dốc vào năm 1997, ông đã nhận được những lời tán dương và thu được chút ít lợi nhuận bằng việc cắt giảm các dòng sản phẩm và đưa công việc kinh doanh máy Mac trở lại guồng. Nhưng Apple vẫn chưa nổi lên một lần nữa với tư cách một lực lượng văn hóa và kinh tế lớn, cho tới khi họ ra mắt chiếc iPod, sản phẩm đánh dấu bước đi đầu tiên có lợi nhuận trong ngành điện tử tiêu dùng, và đồng thời trở thành một hình mẫu cũng như bước đệm cho chiếc iPhone.

“Sẽ chẳng có chiếc iPhone nếu không có chiếc iPod,” Tony Fadell, người đã giúp tạo ra cả 2 sản phẩm này. Đôi khi được giới truyền thông gọi là “the Podfather”, Fadell là một động lực thúc đẩy việc tạo ra thiết bị đột phá thực sự của Apple sau nhiều năm, và ông đã giám sát việc phát triển phần cứng cho chiếc iPhone. Do vậy, ít người có thể giải thích được chiếc cầu nối giữa hai sản phẩm đột phá này tốt hơn Fadell. Chúng tôi đã gặp nhau ở Brasserie Thoumieux, một quán ăn “sang chảnh” ở quận 7 hào nhoáng của Paris, nơi ông đang sống khi đó.

Hiếm khi một sản phẩm hoặc công nghệ cụ thể có được sự khởi đầu rõ rệt – chúng tiến hóa từ vô số ý tưởng, hình dung và phát minh đa dạng trước đó, được kích động và lặp đi lặp lại để trở thành cái mới, bởi những bộ óc không ngừng nghỉ và những động cơ tạo ra lợi nhuận.

Fadell là một nhân vật thường hiện diện trong những câu chuyện ở Thung lũng Silicon, và trong quá trình phát triển của Apple, ông là một nhân tố gây chia rẽ. Brian Huppi và Joshua Strickon, 2 thành viên then chốt của đội ngũ kỹ sư đầu vào của Apple, những người thiết kế nên những nguyên mẫu, những bản nháp đầu tiên của chiếc iPhone, đã ca ngợi phong cách quản lý táo bạo, “kết quả là trên hết” của ông, và vì ông là một trong số ít những người có ý chí đủ mạnh để chống lại Steve Jobs. Những người khác thì không hài lòng với cái cách ông giành công trạng trong việc đưa iPod và iPhone vào thị trường; ông từng bị gọi là “Tony Baloney”, và một cựu giám đốc của Apple đã khuyên tôi “đừng tin một chữ nào Tony Fadell nói.” Sau khi rời khỏi Apple vào năm 2008, ông đã đồng sáng lập nên Nest, một công ty làm ra các món đồ dùng thông minh cho gia đình, chẳng hạn như bộ điều chỉnh nhiệt độ thông minh, mà sau này được Google mua lại với giá 3,2 tỷ USD.

Rất đúng giờ, Fadell bước vào; đầu cạo trọc chỉ để lại chút râu, đôi mắt xanh lạnh băng, áo len bó. Ông đã từng nổi tiếng với phong cách cyberpunk, tính ưa nổi loạn và cái đầu nóng vốn thường được so sánh với Steve Jobs. Fadell vẫn tràn đầy nhiệt huyết, nhưng ở đây, khi nói những câu tiếng Pháp nhẹ nhàng với nhân viên nhà hàng, ông thuộc vào khoảng giao nhau trên biểu đồ Venn giữa Giới tinh hoa lịch sự ở Paris và Người khổng lồ công nghệ thô lỗ.

“Xuất phát điểm của chiếc iPhone là – chà, hãy bắt đầu bằng – sự thống trị của chiếc iPod,” Fadell nói. “Nó đã chiếm 50% doanh thu của Apple.” Nhưng khi những chiếc iPod lần đầu tiên được bán ra, gần như chẳng có ai để ý đến chúng. “Phải mất 2 năm,” Fadell nói. “Nó được làm ra chỉ để dành cho máy Mac. Nó chiếm ít hơn 1% thị phần ở Mỹ. Họ thường nói là ‘con số 1 chữ số ở mức thấp.’” Người tiêu dùng cần có phần mềm iTunes để tải và quản lý các bài hát và danh sách phát nhạc, và phần mềm đó chỉ chạy trên máy Mac.

“Muốn đưa iTunes sang máy PC thì hãy bước qua xác tôi,” Steve Jobs từng nói với Fadell như vậy, theo lời kể của ông, khi ông đề xuất ý tưởng cho phép iTunes chạy trên Windows. Tuy vậy, Fadell vẫn cho một nhóm bí mật xây dựng phần mềm để iTunes tương thích với Windows. “Phải mất 2 năm với những con số lao dốc, Steve cuối cùng mới tỉnh ngộ. Và rồi chúng tôi bắt đầu cất cánh, rồi cửa hàng âm nhạc đã có thể thành công.” Thành công đó đã đưa chiếc iPod tới tay hàng trăm triệu người – nhiều hơn số người từng sở hữu những chiếc Mac trước đó. Hơn nữa, chiếc iPod đã trở nên thời thượng theo kiểu phổ biến nhưng hợp thời trang, điều đã mang lại hình ảnh “sành điệu” cho cả công ty Apple. Fadell đã vươn lên vị trí cao trong hàng ngũ các giám đốc và được giao giám sát bộ phận sản phẩm mới.

Được tung ra năm 2001, trở nên thịnh hành năm 2003, nhưng đến năm 2004 chiếc iPod đã bị coi là thiếu sót. Điện thoại di động được coi là một mối đe dọa, vì chúng có thể phát được nhạc định dạng MP3. “Vậy nếu bạn chỉ có thể mang theo một thiết bị, bạn sẽ phải chọn thiết bị nào?” Fadell nói. “Và đó là lý do vì sao chiếc Motorola Rokr ra đời.”

Những chiếc máy nghe nhạc iPod lịch sử của Apple
Những chiếc máy nghe nhạc iPod lịch sử của Apple

Con dốc mang tên Rokr

Năm 2004, Motorola đang sản xuất một trong số những chiếc điện thoại phổ biến nhất trên thị trường, chiếc điện thoại gập siêu mỏng Razr. CEO mới của công ty này, Ed Zander, khá thân với Jobs. Jobs cũng thích thiết kế của chiếc Razr, và hai người đã bắt tay vào thăm dò xem Apple và Motorola có thể hợp tác với nhau như thế nào. (Năm 2003, các giám đốc của Apple đã xem xét việc mua lại Motorola, nhưng sau đó quyết định rằng làm như vậy quá tốn kém.) Do đó, chiếc “điện thoại iTunes” đã ra đời. Apple và Motorola đã hợp tác với nhà mạng không dây Cingular, và chiếc Rokr đã được công bố vào mùa hè năm đó.

Jobs đã công khai tỏ rõ thái độ phản đối việc Apple chế tạo một chiếc điện thoại. “Vấn đề với điện thoại,” Steve Jobs nói vào năm 2005, “là chúng tôi không giỏi lắm trong việc vượt qua những lỗ hổng để tới được người dùng cuối.” “Những lỗ hổng” mà ông nói tới ở đây là các nhà mạng như Verizon và AT&T, những người có tiếng nói quyết định trong việc những loại điện thoại nào có thể tiếp cận mạng lưới của họ. “Các nhà mạng giờ đây đã “trên cơ” về quyền lực trong mối quan hệ với các nhà sản xuất thiết bị cầm tay,” ông nói tiếp. “Và các nhà sản xuất thiết bị cầm tay đang thực sự nhận được những cuốn sách to, dày từ phía các nhà mạng, trong đó viết rõ chiếc điện thoại của họ sẽ phải như thế nào. Chúng tôi không giỏi việc đó.”

Trong suy nghĩ riêng, Jobs lại có những ngần ngại khác. Một cựu giám đốc của Apple, từng họp hàng ngày với Jobs đã cho tôi biết rằng vấn đề về nhà mạng không phải là lý do lớn nhất của ông. Jobs lo ngại về sự thiếu tập trung trong công ty, và ông “không tin rằng smartphone sẽ là sản phẩm dành cho bất kỳ ai ngoài những người trong giới ‘bút cắm túi ngực’ (ám chỉ giới kỹ sư, sinh viên công nghệ hoặc kỹ thuật).”

Phát biểu của Steve Jobs vào năm 2005

Hợp tác với Motorola là một cách dễ dàng để cố gắng vô hiệu hóa một mối đe dọa đối với chiếc iPod. Motorola sẽ chế tạo thiết bị cầm tay, Apple sẽ thiết kế phần mềm iTunes. “Tình hình khi đó là: Làm thế nào để nó chỉ là một trải nghiệm rất nhỏ, để họ vẫn phải mua chiếc iPod? Cho họ nếm thử iTunes, rồi về cơ bản biến nó thành một chiếc iPod Shuffle để họ muốn nâng cấp lên chiếc iPod. Đó là chiến lược ban đầu,” Fadell cho biết. “Đó là: Hãy đừng ‘làm thịt’ chiếc iPod vì nó vẫn đang bán chạy.”

Ngay khi việc hợp tác này được công bố, “nhà máy tin đồn” của Apple bắt đầu hoạt động. Với một chiếc điện thoại iTunes sắp ra đời, các trang blog bắt đầu hâm nóng kỳ vọng cho một thiết bị di động làm thay đổi thế giới, vốn đã nảy sinh và phát triển trước đó một thời gian.

Tuy nhiên, ở Apple, kỳ vọng dành cho chiếc Rokr lại thấp hơn bao giờ hết. “Chúng tôi đều biết nó tồi tệ đến mức nào,” Fadell nói. “Chúng chậm chạp, chúng không thể thay đổi nhiều thứ, chúng sẽ giới hạn các bài hát.” Fadell cười lớn khi nói về chiếc Rokr ngày nay. “Tất cả những điều đó hội tụ với nhau để đảm bảo rằng nó sẽ là một trải nghiệm thực sự tệ hại.”

Nhưng có thể còn một lý do khác khiến các giám đốc của Apple chịu đựng sự tệ hại sắp được hé lộ của chiếc Rokr. “Steve đã thu thập thông tin trong những cuộc họp” với Motorola và Cingular, Richard Williamson cho biết. Khi đó Jobs đang tìm cách làm thế nào để ông có thể theo đuổi một thỏa thuận sao cho Apple nắm quyền kiểm soát thiết kế chiếc điện thoại của mình. Ông đã xem xét việc để Apple mua băng thông cho riêng mình và trở thành nhà cung cấp mạng di động của chính mình. Apple đã tiếp cận Verizon, nhưng 2 công ty này đã không ký kết được thỏa thuận; các nhà mạng vẫn muốn quá nhiều quyền kiểm soát thiết kế của thiết bị cầm tay. Trong khi đó, một giám đốc ở Cingular đã bắt đầu nung nấu một thỏa thuận thay thế mà Jobs thực sự có thể tiếp nhận: Cho Cingular độc quyền, và chúng tôi sẽ cho ông quyền tự do tuyệt đối với thiết bị của ông.

Sửa chữa những thứ bị ghét bỏ

Từ Steve Jobs, Jony Ive, Tony Fadell tới các kỹ sư, nhà thiết kế, quản lý của Apple, tất cả thường nhất trí về một điều trong câu chuyện thần thoại về chiếc iPhone: Trước iPhone, mọi người ở Apple đều nghĩ rằng điện thoại di động là “vớ vẩn.” Chúng thật “kinh khủng.” Chỉ là “một đống rác.”

“Apple giỏi nhất trong việc sửa chữa những thứ bị người ta ghét bỏ,” Greg Christie, người đứng đầu nhóm Giao diện người dùng của Apple vào thời điểm đó, đã nói với tôi. Trước chiếc iPod, chẳng ai biết cách dùng một chiếc máy nghe nhạc kỹ thuật số; khi Napster bùng nổ, người ta tìm cách mang theo chiếc máy nghe đĩa CD và những album đã được chuyển sang đĩa CD. Trước chiếc Apple II, máy tính chủ yếu bị coi là quá phức tạp và khó dùng đối với người không thành thạo về công nghệ.

“Trong suốt ít nhất 1 năm trước khi bắt đầu thứ mà sau này sẽ trở thành dự án iPhone, thậm chí từ rất lâu rồi ở Apple, chúng tôi đã phàn nàn về việc tất cả các mẫu điện thoại trên thị trường đều tệ hại,” Nitin Ganatra, người đã quản lý đội ngũ về e-mail của Apple trước khi bắt tay vào chế tạo chiếc iPhone. Đó chỉ là những câu chuyện phiếm trong lúc giải lao. Nhưng điều đó phản ánh một cảm giác đang lớn dần lên trong nội bộ Apple rằng vì công ty đã sửa chữa thành công – biến đổi, sau đó thống trị – một loại hình sản phẩm, họ có thể làm điều tương tự với một loại hình khác.

“Vào thời điểm đó,” Ganatra nói, “người ta nói, ‘Chúa ơi, chúng ta cũng cần thâm nhập và dọn dẹp thị trường này nữa – tại sao Apple lại không làm một chiếc điện thoại?’”

Tổng động viên

Andy Grignon cảm thấy bồn chồn. Kỹ sư đa tài này đã làm việc cho Apple vài năm, ở nhiều bộ phận khác nhau trong nhiều dự án khác nhau. Ông là một người bệ vệ nhưng vui tính – đầu cạo trọc, luôn tươi cười, thân hình đồ sộ như một con gấu thân thiện. Ông nhúng tay vào mọi việc, từ xây dựng phần mềm cho iPod tới phần mềm cho chương trình hội thảo trực tuyến và iChat. Ông đã kết bạn với ngôi sao đang lên Tony Fadell khi họ cùng nhau thiết kế chiếc máy ảnh iSight.

Sau khi kết thúc một dự án lớn khác – lập trình tính năng Dashboard của chiếc Mac, tính năng mà Grignon đã âu yếm gọi là “đứa con” của ông (đó là màn hình gồm các công cụ như máy tính, lịch và nhiều công cụ khác) – ông đang tìm kiếm một việc gì đó mới mẻ. “Fadell đã tìm đến và nói, ‘Anh có muốn đến tham gia vào iPod không? Chúng tôi có mấy thứ hay lắm. Tôi có một dự án này rất muốn làm, nhưng chúng ta cần chút thời gian trước khi có thể thuyết phục Steve làm nó, và tôi nghĩ anh là người rất thích hợp với nó.’”

Grignon là người hăng hái và chăm chỉ. Ông cũng chửi thề nhiều như một thủy thủ thung lũng Silicon vậy. “Và tôi đã rời khỏi đó,” Grignon nói, “để tới làm thứ bí ẩn này. Ban đầu chúng tôi chỉ nghiên cứu mấy cái loa không dây và những cái khác tương tự thế, nhưng rồi dự án bắt đầu thành hình. Dĩ nhiên cái mà Fadell đã nói chính là chiếc điện thoại.” Fadell biết Jobs đang bắt đầu thay đổi ý kiến về ý tưởng điện thoại, và ông muốn sẵn sàng cho điều đó. “Chúng tôi có ý tưởng này: Chẳng phải sẽ rất tuyệt sao nếu đưa WiFi vào một chiếc iPod?” Grignon nói. Trong suốt năm 2004, Fadell, Grignon và những người còn lại trong đội đã nghiên cứu một số cách để kết hợp chiếc iPod với một thiết bị kết nối Internet.

“Đó là một trong những nguyên mẫu đầu tiên tôi cho Steve xem. Chúng tôi đã mổ một chiếc iPod ra, yêu cầu đội phần cứng cho thêm bộ WiFi, biến nó thành một cục rác lớn bằng nhựa, rồi biến đổi phần mềm.” Đã có những chiếc iPod dùng phím kiểu bánh xe và click được để lướt web một cách vụng về vào năm 2004. “Bạn sẽ bấm vào bánh xe, kéo thanh cuộn trang web, và nếu có đường link trên trang web, máy sẽ hiển thị nó bằng màu khác, và bạn có thể click vào đó và tới trang khác,” Grignon nói. “Đó là lần đầu tiên chúng tôi bắt đầu thử nghiệm với vô tuyến về hệ số hình dạng.”

Đó cũng là lần đầu tiên Steve Jobs nhìn thấy mạng Internet vận hành trên một chiếc iPod. “Và ông ấy tỏ thái độ theo kiểu, ‘Thứ này thật nhảm nhí.’ Ông ấy phản ứng ngay lập tức… ‘Tôi không muốn cái này. Tôi biết là nó hoạt động, tuyệt lắm, cảm ơn, nhưng đây là một trải nghiệm tồi tệ,’” Grignon nói.

Trong khi đó, Grignon nói, “Đội ngũ giám đốc đang cố gắng thuyết phục Steve rằng làm ra một chiếc điện thoại là một ý tưởng tuyệt vời cho Apple. Ông ấy không thực sự nhận thấy con đường thành công.”

Đó cũng là lần đầu tiên Steve Jobs nhìn thấy mạng Internet vận hành trên một chiếc iPod. Và ông tỏ thái độ theo kiểu, ‘Thứ này thật nhảm nhí.’

Một trong số những người cố gắng thuyết phục Jobs là Mike Bell. Một “ma cũ” ở Apple, nơi ông dành 15 năm làm việc, cũng như ở bộ phận không dây của Motorola, Bell tin chắc rằng máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại đang hướng tới một điểm hội tụ không thể tránh khỏi. Trong nhiều tháng, ông đã vận động Jobs làm một chiếc điện thoại, cũng như Steve Sakoman, một phó chủ tịch từng tham gia dự án “chết yểu” Newton.

“Chúng tôi đã dành hết thời gian đưa các tính năng của iPod vào điện thoại Motorola,” Bell cho biết. “Điều đó có vẻ ngược đời đối với tôi. Nếu chúng tôi chỉ chọn ra trải nghiệm người dùng của chiếc iPod và một vài thứ khác chúng tôi đang nghiên cứu, chúng tôi có thể chiếm lĩnh thị trường.” Việc tranh cãi với logic đó càng trở nên khó khăn. Loạt điện thoại MP3 mới nhất khi đó ngày càng giống như các đối thủ cạnh tranh của chiếc iPod, và những lựa chọn thay thế mới trong việc đối phó với các nhà mạng cũng đang xuất hiện. Khi đó, Bell đã nhìn thấy thiết kế iPod mới nhất của Jony Ive.

Ngày 7/11/2004, Bell đã gửi cho Jobs một bức e-mail vào đêm muộn. “Steve, tôi biết anh không muốn làm một chiếc điện thoại,” ông viết, “nhưng đây là lý do vì sao chúng ta nên làm vậy: Jony Ive có một vài thiết kế rất tuyệt, chưa từng thấy cho những chiếc iPod tương lai. Chúng ta phải dùng một trong những số đó, cho phần mềm Apple vào, và tự biến nó thành một chiếc điện thoại của riêng mình thay vì đưa đồ của chúng ta vào điện thoại của người khác.”

Jobs gọi cho ông ngay. Họ tranh luận hàng giờ, kẻ đưa người đẩy. Bell nói chi tiết về giả thuyết hội tụ của ông – chắc chắn đã nhắc tới việc thị trường điện thoại đang bùng nổ trên toàn thế giới – và Jobs mổ xẻ từng luận điểm của ông. Cuối cùng, Jobs đã chấp nhận.

“Được rồi, tôi nghĩ chúng ta nên làm điều đó,” ông nói.

“Vậy là Steve, tôi và Jony và Sakoman đã ăn trưa với nhau sau đó 3 hay 4 ngày và khởi động dự án iPhone.”

Hồi sinh máy tính bảng Apple

Ở địa chỉ số 2 Infinite Loop, một dự án cũ về nghiên cứu máy tính bảng màn hình cảm ứng vẫn đang tiến từng bước một. Bas Ording, Imran Chaudhri và các đồng sự vẫn đang khám phá những ngóc ngách của một giao diện người dùng căn bản tập trung vào cảm ứng.

Một ngày nọ, Bas Ording nhận được một cuộc gọi từ Steve. Ông nói, “Chúng ta sẽ làm một chiếc điện thoại.”

Nhiều năm trước, một nhóm kỹ sư đầu vào và các nhà thiết kế chủ chốt đã tạo nên nguyên mẫu cho một số bản thử nghiệm tương tác tập trung vào cảm ứng đa điểm, sau đó là dự án tablet Q79 – một nỗ lực thử nghiệm ban đầu nhằm chế tạo một thiết bị giống như chiếc iPad ngày nay. Nhưng nhiều chướng ngại vật chồng chéo, trong đó một phần không nhỏ là giá thành sản xuất quá cao, đã khiến dự án bị tạm ngừng vô thời hạn. (“Anh phải cho tôi cái gì đó mà tôi có thể bán được,” ông nói với Imran.) Nhưng với màn hình nhỏ hơn và hệ thống được thu gọn lại, Q79 có thể hoạt động như một chiếc điện thoại.

“Nó sẽ có một màn hình nhỏ, đó sẽ là màn hình cảm ứng, sẽ không có nút nào cả, và tất cả phải hoạt động như vậy,” Jobs nói với Ording. Ông đã yêu cầu “tay phù thủy” về giao diện người dùng này thiết kế một bản thử nghiệm tương tác kéo rê trong danh bạ ảo bằng cảm ứng đa điểm. “Tôi đã hết sức hào hứng,” Ording nói. “Tôi đã nghĩ, ‘Đúng là nó có vẻ bất khả thi, nhưng cứ thử làm xem, sẽ rất vui.” Ông đã ngồi xuống, mày mò một khoảng có kích thước bằng chiếc điện thoại trên màn hình chiếc Mac của ông, và dùng nó làm mẫu cho bề mặt của chiếc iPhone. Ông và vài nhà thiết kế khác đã dành nhiều năm thử nghiệm với giao diện người dùng dựa trên cảm ứng – và những năm “mò mẫm” trong lĩnh vực cảm ứng đã đem lại kết quả.

“Chúng tôi đã có sẵn một vài bản thử nghiệm khác, một trang web chẳng hạn – đó chỉ là một bức ảnh mà bạn có thể kéo lên xuống với quán tính,” Ording nói. “Nó đã bắt đầu kiểu như vậy đấy.” Hiệu ứng nổi tiếng khi màn hình của bạn hơi nảy một chút khi chạm tới phần đầu hoặc cuối trang đã được hình thành vì Ording đã không nhận biết được khi ông lên đầu trang. “Tôi tưởng chương trình của mình không chạy vì tôi đã thử kéo nhưng chẳng có gì xảy ra,” ông nói, và khi đó ông đã nhận ra rằng mình đang kéo sai hướng. “Và đó là lúc tôi bắt đầu nghĩ: Tôi có thể làm nó như thế nào để người ta có thể nhìn thấy hoặc cảm thấy rằng mình đã kéo hết rồi? Đúng không? Thay vì thấy nó ‘chết,’ như thể nó không phản ứng vậy.”

Những chi tiết nhỏ mà chúng ta giờ đây coi là bình thường, là sản phẩm của một quá trình tinh chỉnh đến kiệt sức.

Những chi tiết nhỏ này, điều mà chúng ta giờ đây coi là bình thường, là sản phẩm của một quá trình tinh chỉnh đến kiệt sức, của sự thử nghiệm “bằng chứng khái niệm”. Giống như kéo có quán tính, hiệu ứng dường như nhỏ nhặt nhưng giờ đã trở nên phổ biến này khiến cho việc kéo danh sách tên trong danh bạ của bạn có cảm giác “thật” một cách đầy thỏa mãn; những cái tên lướt qua nhanh chóng sau khi bạn kéo xuống, rồi chậm dần còn từng tên một như thể chịu tác động của quy luật vật lý trong thế giới thực.

“Tôi đã phải thử đủ thứ và có tư duy toán học một chút,” Ording nói. “Không phải phần nào của nó cũng phức tạp, nhưng bạn phải có sự kết hợp chính xác, và đó là điều khó khăn nhất.” Cuối cùng, Ording đã khiến cho nó có cảm giác tự nhiên.

“Anh ấy đã gọi lại cho tôi vài tuần sau, và đã xử lý thành công phần kéo quán tính,” Jobs nói. “Và khi tôi nhìn thấy hiệu ứng dây chun, quán tính và vài thứ nữa, tôi đã nghĩ, ‘Chúa ơi, chúng ta có thể làm ra một chiếc điện thoại từ thứ này.’”

Scott Forstall bước vào văn phòng của Greg Christie vào khoảng gần cuối năm 2004 và báo tin cho ông: Jobs muốn làm một chiếc điện thoại. Ông đã đợi khoảng một thập kỷ để nghe được những lời đó.

Christie là người giàu nhiệt huyết và hơi thô lỗ; dáng người chắc nịch và đôi mắt sắc sảo của ông dường như chứa đầy năng lượng. Ông gia nhập Apple vào những năm 1990, khi công ty đang trượt dốc, chỉ để tham gia chế tạo chiếc Newton – lúc ấy là một trong những thiết bị di động đầy hứa hẹn nhất trên thị trường. Khi đó, ông thậm chí đã cố gắng thúc đẩy Apple làm một chiếc điện thoại Newton. “Tôi chắc chắn mình đã đề xuất việc đó hàng chục lần,” Christie nói. Mạng Internet khi đó cũng đang bùng nổ – đó sẽ là một sự vụ lớn: di động, Internet, điện thoại.”

Nhóm Giao diện Con người của ông khi đó đang chuẩn bị bắt tay vào giải quyết thách thức quyết liệt nhất họ từng gặp phải. Các thành viên của đội tập hợp trên tầng 2 của số 2 Infinite Loop, ngay trên phòng thí nghiệm thử nghiệm người dùng cũ, và bắt đầu nghiên cứu việc mở rộng các tính năng, chức năng và hình thức của dự án cũ về máy tính bảng ENRI. Nhóm vài nhà thiết kế và kỹ sư này đã mở phân xưởng trong một văn phòng xám xịt, thảm trải sàn ố bẩn, nội thất cũ kỹ, một nhà vệ sinh rỉ nước bên cạnh, trên tường gần như chẳng có gì ngoài một tấm bảng trắng và, vì một lý do nào đó, một tấm ápphích in hình một con gà.

Jobs thích căn phòng này vì nó an toàn, không có cửa sổ, tránh khỏi những con mắt tò mò. Ngài CEO đã phủ kín từ trên xuống dưới dự án iPhone mới hình thành bằng một tấm màn bí mật. “Bạn biết đấy, đội vệ sinh không được phép vào phòng này vì trên tường có những tấm bảng trắng trượt,” Christie nói. Đội sẽ phác thảo ý tưởng lên đó, và những ý tưởng tốt sẽ được để nguyên. “Chúng tôi không xóa chúng. Chúng trở thành một phần của câu chuyện thiết kế.”

Nội dung của câu chuyện đó là làm thế nào để pha trộn một giao diện người dùng dựa trên cảm ứng với các tính năng của điện thoại thông minh.

May thay, họ đã có một khởi đầu sớm. Trong đội đương nhiên có sự tham gia của đội thử nghiệm đa điểm của ENRI. Nhưng Imran Chaudhri cũng đã chỉ đạo mảng thiết kế của Dashboard, vốn chứa đầy các công cụ – thời tiết, chứng khoán, máy tính, ghi chú, lịch – lý tưởng đối với một chiếc điện thoại. “Ý tưởng ban đầu cho chiếc điện thoại tập trung vào việc sở hữu những công cụ đó ngay trong túi bạn,” Chaudhri nói. Và họ đã đưa chúng sang.

Thiết kế ban đầu của nhiều biểu tượng trong số này thực ra được tạo ra trong một đêm, trong thời gian phát triển Dashboard. “Đó là một trong những thời hạn công việc điên rồ của Steve,” Imran nói, “khi mà ông ấy muốn xem bản thử nghiệm của mọi thứ.” Vậy là ông và Freddy Anzures, một “ma mới” trong đội Giao diện con người (HI), đã dành một đêm dài để nghĩ ra các khái niệm thiết kế “thẳng” cho các công cụ – điều mà nhiều năm sau đã trở thành thiết kế cho các biểu tượng của iPhone. “Thật buồn cười, hình thức của biểu tượng trên smartphone trong suốt một thập kỷ sắp tới lại được vội vàng chuẩn bị chỉ trong vài giờ.”

Và họ phải thiết lập những điều cơ bản khác; chẳng hạn như trông nó sẽ ra sao khi bạn bật điện thoại lên? Một bảng ứng dụng là lựa chọn “khỏi phải nghĩ” để sắp xếp các tính năng của một chiếc smartphone ngày nay – khi giờ đây nó hiển nhiên như nước vậy, theo cách nói của Chaudhri – nhưng khi đó, quyết định không dễ dàng như vậy. “Chúng tôi đã thử một số thứ khác,” Ording nói. “Chẳng hạn, có thể là một danh sách các biểu tượng kèm theo tên ứng dụng.” Nhưng thứ mà sau này được gọi là Springboard đã được đưa ra ngay từ đầu như một tiêu chuẩn. “Về cơ bản chúng giống như những Chiclet nhỏ vậy,” Ording nói. “Đó cũng là sản phẩm của Imran, là một ý tưởng hay, và trông nó rất đẹp.”

Chaudhri yêu cầu đội Thiết kế công nghiệp làm một số bản mô hình iPhone bằng gỗ để họ có thể tìm ra kích thước tối ưu của các biểu tượng để ngón tay chạm vào.

Những bản thử nghiệm đa điểm đều rất hứa hẹn, và phong cách chiếc điện thoại cũng đang thành hình. Nhưng điều mà đội thiếu là sự cố kết – một ý tưởng thống nhất về một chiếc điện thoại dựa trên cảm ứng.

“Chúng thực ra chỉ là những phác thảo,” Christie nói. “Những mảnh ý tưởng nhỏ, giống như mấy món ăn vặt vậy. Một ít cái này, một ít cái kia. Có thể là một phần Danh bạ, một mẩu Safari.” Đồ ăn vặt đương nhiên không thể khiến Jobs thỏa mãn; ông muốn có một bữa ăn có đầy đủ từ khai vị đến tráng miệng. Vì vậy, Jobs ngày càng tỏ ra khó chịu với các bài thuyết trình.

“Tháng 1, vào ngày đầu năm mới, ông ấy đã nổi đóa lên và nói rằng chúng tôi đang không hiểu,” Christie nói. Các mảnh ghép có thể là ấn tượng, nhưng không có sự liền mạch nào kết nối các phần rời rạc với nhau. Đó chỉ là một mớ lộn xộn những ứng dụng và ý tưởng nửa chừng. Không có câu chuyện nào giữa chúng cả.

“Nó giống như khi bạn chuyển một bài báo đến cho biên tập, và đó chỉ là một vài câu trong đoạn mở, vài câu ở thân bài, và một cái gì đó ở giữa đoạn kết bài – nhưng không phải là câu kết bài.”

Như vậy đơn giản là chưa đủ. “Steve đã đưa ra cho chúng tôi một tối hậu thư,” Christie nhớ lại. “Ông ấy nói: Các anh có 2 tuần. Khi đó là tháng 2/2005, và chúng tôi đã bắt đầu chuyến hành quân chết chóc kéo dài 2 tuần này.”

“Steve đã đưa ra cho chúng tôi một tối hậu thư. Ông ấy nói: Các anh có 2 tuần. Khi đó là tháng 2/2005, và chúng tôi đã bắt đầu chuyến hành quân chết chóc kéo dài 2 tuần này.”

Và Christie đã tập hợp đội HI để thuyết phục rằng tất cả nên cùng tiến bước với ông.

“Một chiếc điện thoại là điều tôi luôn muốn làm,” ông nói. “Tôi nghĩ các bạn cũng muốn làm nó. Nhưng chúng ta chỉ có 2 tuần cho cơ hội cuối cùng để làm nó. Và tôi thực sự muốn làm nó.”

Ông không nói đùa. Suốt một thập kỷ, Christie đã tin rằng công nghệ máy tính di động có sứ mệnh hội tụ với điện thoại di động. Đây là cơ hội không chỉ để ông chứng minh rằng mình đúng, mà còn để đi tiên phong trong ý tưởng ấy.

Đội ngũ nhỏ bé này đã ủng hộ ông: Bas, Imran, Christie, 3 nhà thiết kế khác – Stephen LeMay, Marcel van Os và Freddy Anzures – và một quản lý dự án, Patrick Coffman. Họ đã làm việc không ngừng nghỉ để gắn kết những mảnh rời rạc đó với nhau, tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh.

“Về cơ bản chúng tôi đã chuẩn bị như đi đánh trận,” Christie nói. Mỗi nhà thiết kế được giao cho một mảnh nhỏ để hiện thực hóa – một ứng dụng để hoàn thiện – và đội đã dành 2 tuần không ngủ để hoàn thiện hình dáng và cảm nhận của một chiếc iPhone. Và đến cuối cuộc hành quân chết chóc đó, một thứ gần giống như một thiết bị đã thành hình trên sự kiệt sức của đội HI.

“Tôi chắc chắn rằng nếu tôi có thể lấy lại bản thử nghiệm đó và cho bạn xem vào lúc này, bạn sẽ chẳng gặp khó khăn gì để nhận ra nó là một chiếc iPhone,” Christie nói. Trên đó có một nút Home – ở thời điểm đó vẫn dựa trên phần mềm – có thể kéo thả cũng như các thao tác đa điểm khác.

“Chúng tôi đã cho Steve xem dàn ý của cả câu chuyện. Cho anh ấy xem màn hình chính, cho anh ấy xem nếu có cuộc gọi đến thì ra sao, cách truy cập Danh bạ, và ‘đây là hình thức của Safari.’ Nó không chỉ là một cách nói khôn khéo thông minh nào đó, nó đã kể một câu chuyện.”

Và Steve Jobs rất thích một câu chuyện hay.

“Đó là một thành công lớn,” Christie nói. “Ông ấy muốn nghe giới thiệu thêm một lần nữa. Ai xem phần giới thiệu ấy cũng cho rằng nó rất tuyệt. Nó thực sự rất tuyệt.”

Một trong những mẫu thiết kế iPhone ban đầu
Một trong những mẫu thiết kế iPhone ban đầu

Điều đó có nghĩa là dự án đã ngay lập tức được coi là tuyệt mật. Sau bản thử nghiệm vào tháng 2, máy đọc thẻ đã được lắp đặt ở hai đầu hành lang của nhóm Giao diện Con người, trên tầng 2 tòa nhà số 2 Infinite Loop. “Nó đã bị phong tỏa,” Christie nói. “Đó là từ người ta dùng để nói về tình trạng khi có bạo loạn trong nhà tù đúng không? Đúng đấy. Chúng tôi đã ở trong tình trạng phong tỏa.”

Điều đó cũng có nghĩa là họ còn phải làm rất nhiều việc nữa. Nếu những buổi họp nghiên cứu giao diện cảm ứng là màn giới thiệu, chế tạo nguyên mẫu máy tính bảng là màn mở đầu, thì đây là màn 2 của “vở diễn” iPhone, và vẫn còn nhiều điều nữa cần được viết. Nhưng giờ đây khi Jobs đã đầu tư vào câu chuyện, ông ấy muốn khoe nó, một cách thật phong cách, cho phần còn lại của công ty. “Chúng tôi có ‘bản thử nghiệm lớn’ này – chúng tôi gọi nó như vậy,” Ording nói. Steve muốn giới thiệu nguyên mẫu chiếc iPhone trong cuộc họp nội bộ Top 100 của Apple. “Cứ cách một thời gian họ lại tổ chức cuộc họp này, với sự tham gia của mọi nhân vật quan trọng, nói về hướng đi của công ty,” Ording cho biết. Jobs sẽ mời những người ông coi là thuộc nhóm 100 nhân viên hàng đầu tới một địa điểm bí mật, nơi họ sẽ trình bày và thảo luận về các sản phẩm và chiến lược trong tương lai gần. Đối với những nhân viên Apple đang lên, đây là một cơ hội nghề nghiệp “được ăn cả, ngã về không”. Đối với Jobs, những bài thuyết trình phải được điều chỉnh thật cẩn thận, không khác gì những buổi ra mắt sản phẩm trước công chúng.

“Từ đó cho tới tháng 5 lại là một cuộc chạy đua khủng khiếp nữa, để… nghĩ ra những đoạn văn kết nối,” Christie nói. “Được rồi, chúng ta sẽ có những ứng dụng gì? Một cuốn lịch trong tay bạn nên trông như thế nào đây? E-mail thì sao? Mỗi bước trên hành trình này đều khiến nó trở nên cụ thể hơn, thật hơn. Chơi nhạc trên iTunes của bạn. Trình phát đa phương tiện. Phần mềm iPhone khởi đầu là một dự án thiết kế ở hành lang của tôi, với đội ngũ của tôi.” Christie đã hack model mới nhất của chiếc iPod để các nhà thiết kế có thể cảm nhận được các ứng dụng trông sẽ ra sao trên một thiết bị. Bản thử nghiệm bắt đầu thành hình. “Bạn có thể nhấn vào ứng dụng e-mail và nhìn thấy cách nó hoạt động, và trình duyệt web,” Ording nói. “Nó không hoạt động đầy đủ, nhưng đủ để bạn có thể biết được ý tưởng là gì.”

Christie đã dùng một từ để miêu tả cách mà nhóm iPhone làm việc quên giờ giấc, nhiều hơn hẳn những từ khác, nếu bạn để ý. Đó là “công việc khủng khiếp, vất vả. Tôi cho người trong nhóm ở khách sạn vì tôi không muốn họ lái xe về nhà. Người ta đến và ngủ nhờ nhà tôi,” ông nói, nhưng “nó cũng mang lại cảm giác rất tươi mới.”

Steve Jobs đã thực sự bị thuyết phục bởi kết quả làm việc của đội. Và tất cả những người khác cũng sớm cảm thấy điều đó. Bài thuyết trình ở Top 100 là một thành công vang dội nữa.

Hồn smartphone, da iPod

Khi Fadell nghe nói một dự án điện thoại đang thành hình, ông ấy đã mang theo thiết kế nguyên mẫu từ các dự án sáng tạo của mình về chiếc điện thoại iPod trước khi tới dự họp ban giám đốc.

“Đã có một cuộc họp mà trong đó họ nói về việc hình thành một dự án điện thoại trong đội,” Grignon nói. “Tony có nó trong túi sau, một nhóm đã và đang làm về phần cứng và giản đồ, toàn bộ thiết kế cho nó. Và một khi có được sự cho phép của Steve, Tony đã nói, ‘Ồ đợi chút, thực ra’ – xoẹt! Như thể ông ấy phóng tác ra nó vậy, “đây là nguyên mẫu mà chúng tôi đã nghiên cứu,” và đó về cơ bản là một thiết kế hoàn chỉnh.”

Trên giấy, logic này dường như không thể tranh cãi: Chiếc iPod là sản phẩm thành công nhất của Apple, những chiếc điện thoại sắp sửa ăn lấn sang thị phần của iPod, vậy tại sao không phải là một chiếc điện thoại iPod? “Lấy chiếc iPod tốt nhất và cho một chiếc điện thoại vào đó,” Fadell nói. “Vậy là bạn có thể liên lạc di động mà vẫn có thư viện nhạc của bạn trong tay, và chúng tôi không mất đi toàn bộ sự nhận diện thương hiệu mà chúng tôi đã xây dựng trong chiếc iPod, nửa tỷ USD chúng tôi đã dành ra để người ta biết tới nó trên toàn thế giới.” Đơn giản vậy thôi.

Hãy nhớ rằng mặc dù trong nội bộ Apple người ta ngày càng thấy rõ rằng họ sẽ theo đuổi một chiếc điện thoại, nhưng không hề có gì chắc chắn về hình thức hay cảm giác của nó. Hay cách nó hoạt động ở gần như mọi cấp độ.

“Đầu năm 2005, trong khoảng thời gian đó, Tony bắt đầu nói rằng người ta bàn tán rằng họ sẽ làm một chiếc điện thoại,” David Tupman, người khi đó đang đứng đầu phần cứng iPod cho biết. “Và tôi nói, ‘Tôi rất muốn làm một chiếc điện thoại. Tôi muốn dẫn dắt dự án đó.’ Ông ấy nói, ‘Không.’” Tupman cười lớn. “‘Anh không thể làm vậy.’ Nhưng họ đã tổ chức một loạt phỏng vấn, và tôi đoán là họ chẳng tìm được ai, và tôi thì kiểu như, ‘Này, tôi vẫn ở đây nhé!’ Tony đã nói, ‘Được rồi, anh làm đi.’”

Nhóm iPod không hề biết gì về những điều đang diễn ra ở nhóm HI.

“Chúng tôi sẽ xây dựng cái mà tất cả đều cho rằng chúng tôi nên xây dựng vào thời điểm đó: Hãy cho một chiếc điện thoại vào trong chiếc iPod,” Andy Grignon nói. Và đó chính là điều họ đã bắt tay vào làm.

Mọi chuyện sẽ ra sao?

Richard Williamson xuất hiện trong phòng làm việc của Steve Jobs. Ông đến đây là để thảo luận chính cái việc mà không ai muốn nói với Steve Jobs – đó là rời khỏi Apple.

Trong nhiều năm, ông đã phụ trách một nhóm, nhóm này đã phát triển khuôn khổ cho Safari, được gọi là WebKit. Một lưu ý nhỏ về WebKit: Không giống như hầu hết các sản phẩm được Apple phát triển và triển khai, WebKit có mã nguồn mở. Một lưu ý khác: Trước năm 2013, chính trình duyệt Chrome của Google cũng dựa trên WebKit. Nói cách khác, đó là một phần mềm “hàng khủng.” Và Williamson từng là “nhân vật thường được gọi là ‘ngôi sao nhạc rock’ ở Thung lũng Silicon,” theo cách nói của Forbes. Nhưng ông cảm thấy kiệt sức trong việc cập nhật mãi cùng một nền tảng.

“Chúng tôi đã phát triển qua 3, 4 phiên bản của WebKit, và tôi đang nghĩ đến việc chuyển sang Google,” ông nói. “Đó là lúc Steve gọi cho tôi.”

Và Steve không hề vui.

Khi bạn mường tượng ra hình ảnh một “kỹ sư máy tính thành công,” hình ảnh hiện ra trong đầu bạn về cơ bản chính là ngoại hình của Williamson – đeo kính, kiểu “đầu to mắt cận” không lẫn vào đâu được, trên người mặc một chiếc áo sơmi. Chúng tôi đã gặp nhau để phỏng vấn tại một nhà hàng sushi ở Palo Alto; họ thay thế những người phục vụ bằng dịch vụ tự động thông qua những chiếc iPad được gắn trên bàn. Một địa điểm thật thích hợp.

Williamson ăn nói điềm đạm, với một chút giọng Anh. Ông có vẻ hòa nhã nhưng rụt rè – có một chút lo lắng gì đó trong giọng nói của ông – và rất thông minh sắc sảo. Ông có khuynh hướng nói lướt qua những ý tưởng được rút ra từ một sự hiểu biết sâu sắc về lập trình, sự nhạy bén trong ngành và triết lý công nghệ, đôi khi chỉ trong một câu nói.

Vào giữa những năm 1980, một người bạn đã thuyết phục Williamson mở một công ty viết phần mềm cho Commodore Amiga, một chiếc PC thời kỳ đầu. “Chúng tôi đã viết một chương trình có tên là Marauder, đó là một chương trình làm ra các bản backup lưu trữ cho các ổ đĩa được bảo vệ sao chép.” Ông cười lớn. “Đó là cách mô tả kiểu ngoại giao cho chương trình đó.” Về cơ bản, họ đã tạo ra một công cụ cho phép người dùng sao chép bất hợp pháp phần mềm. “Do đó chúng tôi có thể coi là có một dòng doanh thu ổn định,” ông nói một cách tinh quái.

Một trong những mẫu thiết kế iPhone ban đầu
Một trong những mẫu thiết kế iPhone ban đầu

Năm 1985, công ty “hậu Apple” của Steve Jobs, NeXT, khi đó vẫn còn hoạt động với quy mô nhỏ và đang “khát” những kỹ sư giỏi. Ở đó, Williamson đã gặp Steve Jobs và 2 người khác. Ông đã cho họ xem những gì ông đã làm cho chiếc Amiga, và họ đã thuê ông ngay tại đó. Lập trình viên trẻ Williamson đã dành 25 năm sau đó trong “quỹ đạo” của Jobs và của đội ngũ ở NeXT, làm nên những phần mềm mà sau này sẽ tạo thành cốt lõi của chiếc iPhone.

“Đừng đi,” Jobs nói, theo lời kể của Williamson. “Chúng tôi có một dự án mới này mà tôi nghĩ anh sẽ thấy hứng thú.”

Và Williamson đã yêu cầu được xem nó. “Vào thời điểm đó, vẫn chưa có ai trong dự án theo góc nhìn phần mềm, tất cả gần như chỉ là một ý tưởng trong đầu Steve.” Nó dường như không phải là một lý do thuyết phục để Williamson bỏ qua một đề nghị mới rất hấp dẫn khác. “Google đã sẵn sàng cho tôi một số công việc rất thú vị khác, nên đó là một thời khắc mang tính quyết định,” ông nói.

“Vậy là tôi nói, ‘Thực ra thì vẫn chưa có màn hình, công nghệ hiển thị cũng không hẳn đã có.’ Nhưng Steve đã thuyết phục tôi rằng tất cả đã sẵn sàng. Rằng sẽ có đường đi.” Williamson ngừng lại một giây. “Tất cả đều đúng, về Steve ấy,” Williamson nói, một nụ cười thoáng qua trên môi. “Tôi đã làm việc với ông ấy từ hồi NeXT, và tôi đã bị tia nhìn của ông ấy thuyết phục nhiều lần.”

Vậy mọi chuyện sẽ ra sao? Đương nhiên là Williamson ở lại. “Vậy là tôi đã trở thành một người ủng hộ, ở thời điểm đó, việc xây dựng một thiết bị để lướt web.”

Điện thoại nào?

“Steve muốn làm một chiếc điện thoại, và ông ấy muốn làm nó nhanh nhất có thể,” Williamson nói. Nhưng điện thoại nào?

Có 2 lựa chọn: (a) Lấy chiếc iPod được nhiều người biết đến và yêu mến, hack nó để nó có thể dùng làm điện thoại (về mặt kỹ thuật, đó là lựa chọn dễ dàng hơn, và Jobs không hình dung chiếc iPhone là một thiết bị máy tính di động mà là một thiết bị nâng cấp thêm tính năng điện thoại), hoặc (b) biến một chiếc Mac thành một thiết bị dạng bảng cảm ứng nhỏ xíu có thể gọi điện được (một ý tưởng rất thú vị nhưng tràn đầy sự mơ hồ viễn tưởng).

“Sau bản thử nghiệm lớn,” Ording nói, “các kỹ sư bắt đầu suy nghĩ xem sẽ cần tới những gì để thực sự biến nó thành hiện thực? Về phần cứng, và cả phần mềm nữa,” Ording nói. Nói rằng những kỹ sư đầu tiên nghiên cứu nó đã tỏ ra hoài nghi về khả năng nó được hiện thực hóa, thì sẽ là nói giảm nhẹ. “Họ đã nói, ‘Ôi Chúa ơi, thứ này – chúng tôi không biết, nó sẽ cần tới rất nhiều công sức. Chúng tôi thậm chí không biết cần tới bao nhiêu công sức.”

Có quá nhiều việc cần làm để chuyển một khối Mac đa điểm vào một sản phẩm, và lại là một sản phẩm với nhiều công nghệ mới, chưa được kiểm chứng như vậy, đến mức khó có thể đưa ra một lộ trình, hay thậm chí hình dung tất cả các mảnh của nó sẽ được ghép lại với nhau như thế nào.

Chiếc điện thoại Rokr tệ hại

Việc phát triển điện thoại Rokr đã được tiếp tục xuyên suốt năm 2005. “Chúng tôi đều nghĩ chiếc Rokr là một trò đùa,” Williamson nói. Vị CEO nổi tiếng sát sao của Apple thậm chí tới đầu tháng 9/2005 mới nhìn thấy chiếc Rokr hoàn chỉnh, đó là ngay trước khi ông phải giới thiệu nó trước toàn thế giới. Và ông đã tỏ ra kinh hãi. “Ông ấy nói, ‘Chúng ta có thể làm gì nữa, chúng ta có thể chữa nó như thế nào?’ Ông ấy biết nó không đủ tiêu chuẩn nhưng không biết nó tồi tệ đến mức nào. Khi nó cuối cùng cũng được đưa tới, ông ấy thậm chí không muốn giới thiệu nó trên sân khấu vì ông ấy quá xấu hổ vì nó,” Fadell nói.

Trong buổi giới thiệu, Jobs cầm chiếc điện thoại như một chiếc tất chưa giặt. Đã có lúc chiếc Rokr không chuyển được từ gọi điện thoại sang phát nhạc, khiến ông khó chịu ra mặt. Vậy là, khi Jobs giới thiệu về “chiếc điện thoại di động có iTunes đầu tiên trên thế giới” cho giới truyền thông, đó cũng là lúc ông quyết tâm làm cho nó trở nên lỗi thời. Ông góp phần làm điều này bằng việc dành tặng cho chiếc iPod Nano mới vô số lời khen, đẩy nó lên làm ngôi sao của chương trình một cách rõ ràng và được cho là đã khiến các giám đốc điều hành của Motorola đùng đùng nổi giận.

Steve Jobs giới thiệu iPod Nano và Motorola Rokr

“Khi xuống khỏi sân khấu, ông ấy tỏ rõ thái độ khó chịu,” Fadell nói. Chiếc Rokr thê thảm đến mức đã được lên trang bìa tạp chí Wired với dòng tít “Bạn gọi đây là chiếc điện thoại của tương lai ư?” và chẳng bao lâu sau đã bị gửi trả với tỷ lệ cao hơn 6 lần so với tỷ lệ trung bình của ngành. Sự tệ hại của nó đã khiến Jobs phải ngạc nhiên – và cơn giận của ông đã giúp ông có động lực “kéo cò” mạnh hơn nữa cho một chiếc điện thoại do Apple làm ra. “Không phải lúc nó thất bại, mà chính là lúc sau khi nó được tung ra,” Fadell nói. “Thứ này không thể bán được. Tôi đã chán ghét và mệt mỏi với việc đối phó với mấy gã thiết bị cầm tay nhàng nhàng đó rồi,” Jobs nói với Fadell sau buổi thuyết trình.

“Đó chính là giọt nước tràn ly,” Fadell nói. “Đó là, ‘Cái thứ này thật là khốn kiếp, chúng ta sẽ làm chiếc điện thoại của riêng mình.’”

“Steve triệu tập một cuộc họp lớn,” Ording nói. “Tất cả đều ở đó, Phil Schiller, Jony Ive và tất cả mọi người.” Ông nói, “Nghe này. Chúng ta sẽ thay đổi kế hoạch… Chúng ta sẽ làm một thứ dựa trên iPod, biến nó thành một chiếc điện thoại vì nó là một dự án khả thi hơn nhiều. Dễ đoán hơn.” Đó là dự án của Fadell. Nỗ lực dành cho màn hình cảm ứng không bị bỏ rơi, nhưng trong khi các kỹ sư nghiên cứu cách hoàn thiện nó, Jobs đã chỉ đạo cho Ording, Chaudhri và các thành viên của nhóm Giao diện Người dùng thiết kế một giao diện cho một chiếc điện thoại iPod, một cách để quay số điện thoại, chọn liên lạc trong danh bạ và lướt web bằng chiếc bánh xe click-wheel quen thuộc.

Giờ đây có 2 dự án cạnh tranh với nhau để trở thành chiếc iPhone. Hai dự án điện thoại được chia thành 2 con đường với mật mã lần lượt là P1 và P2. Cả hai đều tuyệt mật. P1 là chiếc điện thoại iPod. P2 là đứa con lai vẫn đang được thử nghiệm của công nghệ đa điểm và phần mềm Mac.

Nếu có sự kiện nào khơi mào cho cuộc đối đầu chính trị sau này sẽ xảy đến và nuốt trọn dự án, thì nhiều khả năng chính là đây, trong quyết định phân chia 2 đội – bộ phận iPod của Fadell, vốn đang quản lý việc nâng cấp dòng sản phẩm này đồng thời chế tạo nguyên mẫu điện thoại iPod, và những nhân vật kỳ cựu về phần mềm Mac OS của Scott Forstall – và thúc đẩy họ cạnh tranh với nhau. (Trong khi đó, các nhà thiết kế của đội Giao diện Con người làm việc với cả P1 lẫn P2.)

Cuối cùng, các giám đốc giám sát những yếu tố quan trọng nhất của chiếc iPhone – phần mềm, phần cứng và thiết kế kiểu dáng công nghiệp – đã phải cố gắng lắm mới chịu được việc ngồi trong cùng một phòng. Người này bỏ việc, người kia bị sa thải, và người khác nữa lại nổi lên một cách chắc chắn – và có lẽ là duy nhất – với tư cách gương mặt mới của sự thông thái của Apple trong thời đại “hậu Jobs.” Trong khi đó, các nhà thiết kế, kỹ sư và lập trình viên vẫn làm việc không biết mệt mỏi, bên dưới sự ganh đua chính trị đó, để biến những chữ P thành những thiết bị hoạt động được bằng mọi cách có thể.

“Nhà lãnh đạo” tím

Mỗi dự án tuyệt mật có giá trị và khơi gợi trí tò mò đều có một mật hiệu. Mật hiệu của chiếc iPhone là Purple (màu tím).

“Một trong số những tòa nhà của chúng tôi ở Cupertino, chúng tôi đã phong tỏa nó,” Scott Forstall, người từng quản lý phần mềm Mac OS X và sau đó điều hành toàn bộ chương trình phần mềm của iPhone cho biết. “Chúng tôi bắt đầu với một tầng” – nơi đội Giao diện Con người của Greg Christie làm việc – “Chúng tôi phong tỏa toàn bộ tầng đó. Chúng tôi lắp đặt cửa có máy đọc thẻ, tôi nghĩ là có cả camera nữa, để đến một số phòng thí nghiệm của chúng tôi, bạn phải quẹt thẻ 4 lần mới tới.” Ông ấy gọi đó là Ký túc xá tím, vì “giống như ký túc xá, lúc nào cũng có người ở đó.”

Họ đã “treo một tấm biển viết chữ ‘Fight Club’ vì luật đầu tiên của Fight Club trong bộ phim cùng tên là không được nói về Fight Club, và luật đầu tiên của Dự án Tím là không được nói về nó bên ngoài những cánh cửa ấy,” Forstall nói.

Tại sao lại là Tím? Chẳng mấy ai còn nhớ. Có một giả thuyết là nó được đặt tên theo món đồ chơi hình một con kangaroo màu tím mà Scott Herz – một trong những kỹ sư đầu tiên tới làm việc cho dự án iPhone – đã dùng làm linh vật cho Radar, hệ thống mà các kỹ sư Apple sử dụng để theo dõi các lỗi phần mềm ở khắp công ty. “Mọi lỗi bug đều được theo dõi trong Radar ở Apple, và rất nhiều người có quyền truy cập Radar,” Richard Williamson cho biết. “Vậy nên nếu bạn là một kỹ sư tò mò, bạn có thể đi lục lọi hệ thống theo dõi lỗi bug và xem xem mọi người đang làm về cái gì. Và nếu bạn đang thực hiện một dự án bí mật, bạn sẽ phải nghĩ xem làm thế nào để xóa dấu vết trên đó.”

Scott Forstall, sinh năm 1969, đã đưa Apple vào từng ngóc ngách trong tâm trí ông. Thời trung học, kỹ năng toán học và khoa học phát triển sớm của ông đã giúp ông được học khóa nâng cao và do đó được tiếp xúc với một chiếc máy tính Apple IIe. Ông đã học lập trình, và lập trình giỏi. Tuy nhiên, hình ảnh của Forstall không khớp với khuôn mẫu về một người say mê máy tính điển hình. Ông là một thành viên cừ khôi của đội hùng biện và là một diễn viên trong các vở nhạc kịch; ông đóng vai chính trong vở Sweeney Todd, vai người thợ cắt tóc ma quỷ. Forstall tốt nghiệm Stanford vào năm 1992 với bằng thạc sỹ khoa học máy tính và có được một công việc ở NeXT.

Sau khi cho ra mắt một chiếc máy tính đắt tiền nhắm vào thị trường giáo dục bậc cao, NeXT đã phải vật lộn với tư cách một công ty phần cứng, nhưng đã sống sót nhờ đăng ký bản quyền cho hệ điều hành NeXTSTEP rất mạnh của mình. Năm 1996, Apple đã mua lại NeXT và đưa Jobs trở lại, và quyết định được đưa ra là dùng NeXTSTEP để lật đổ hệ điều hành già cỗi của Mac. Nó đã trở thành nền tảng cho những chiếc Mac – và iPhone – vẫn vận hành ngày nay. Ở một Apple do Jobs dẫn dắt, Forstall vươn lên nhanh chóng. Ông bắt chước phong cách quản lý và thị hiếu đặc trưng của thần tượng. BusinessWeek đã gọi ông là “Kẻ tập sự của Phù thủy.”

Một trong những mẫu thiết kế iPhone ban đầu
Một trong những mẫu thiết kế iPhone ban đầu

Một trong những đồng nghiệp cũ của ông ca ngợi ông như một nhà lãnh đạo thông minh và hiểu biết, nhưng cho rằng ông đã đi quá xa trong việc thần thánh hóa Jobs: “Nhìn chung anh ấy rất tuyệt, nhưng đôi khi tôi cũng muốn nói rằng anh ấy hãy cứ là mình thôi.” Forstall nổi lên với tư cách một người dẫn dắt nỗ lực điều chỉnh phần mềm Mac sao cho phù hợp với một chiếc điện thoại cảm ứng. Mặc dù một số người cảm thấy không hài lòng với cái tôi và tham vọng mãnh liệt của ông – ông “rất cần nịnh hót,” theo một người đồng lứa với ông, và bị gọi là kẻ “bám dính lấy sao” bởi một người khác – ít người có thể tranh cãi về phẩm chất tư duy và đạo đức nghề nghiệp của ông. “Tôi không biết những người khác đã nói gì về Scott,” Henri Lamiraux nói, “nhưng làm việc với anh ấy rất thích.”

Forstall đã dẫn nhiều kỹ sư hàng đầu mà ông từng làm việc cùng từ những ngày còn ở NeXT – Henri Lamiraux và Richard Williamson là 2 trong số đó – tới gia nhập dự án P2. Williamson đã gọi đùa nhóm này là “mafia NeXT.” Đúng như tên gọi, đôi khi họ hành xử giống như trong một tổ chức khăng khít, bí mật (và cực kỳ hiệu quả).

P1: Hết thứ này đến thứ khác

Tony Fadell là đối thủ cạnh tranh chính của Forstall.

“Từ góc nhìn chính trị, Tony muốn sở hữu toàn bộ trải nghiệm đó,” Grignon nói. “Phần mềm, rồi phần cứng… một khi người ta bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của dự án này đối với Apple, ai cũng muốn nhúng tay vào nó. Và đó là lúc trận chiến lớn giữa Fadell và Forstall bắt đầu.”

Từng làm việc với Forstall về Dashboard, Grignon có một vị trí độc đáo để tương tác với cả hai nhóm. “Từ góc nhìn của chúng tôi, Forstall và đội của ông ấy, chúng tôi luôn coi họ là những kẻ yếm thế. Như thể họ đang cố gắng len chân vào,” Grignon nói. “Chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng dự án của chúng tôi sẽ được thực hiện vì đây là dự án của Tony, và Tony là người tạo ra nhiều, nhiều triệu doanh thu cho máy iPod.”

Vậy là đội iPod đã nghiên cứu để tạo ra một chiếc điện thoại iPod mới từ khuôn mẫu của chiếc máy nghe nhạc cực kỳ phổ biến của Apple. Ý tưởng của họ là làm ra một chiếc iPod có 2 chế độ riêng biệt: Máy nghe nhạc và điện thoại. “Chúng tôi đã thiết kế nguyên mẫu theo cách mới,” Grignon nói về thiết bị ban đầu. “Nó được làm từ một loại vật liệu thú vị… nó vẫn có bánh xe click-wheel cảm ứng, và các nút Play/Pause/Next/Previous có đèn nền màu xanh. Và khi bạn đặt chế độ điện thoại cho nó thông qua giao diện người dùng, tất cả ánh sáng đó sẽ tắt dần đi rồi bật dần lên màu da cam. Số 0 đến số 9 trên click-wheel giống như điện thoại quay số kiểu cũ, ABCDEF xung quanh viền.” Khi trong chế độ nghe nhạc, đèn nền màu xanh sẽ thể hiện các nút điều khiển của iPod trên bánh xe cảm ứng. Màn hình vẫn sẽ có chữ và danh sách theo kiểu iPod, và nếu bạn chuyển nó sang chế độ điện thoại, nó sẽ sáng màu da cam và hiển thị số giống như bàn quay số của một chiếc điện thoại cổ.

Hình ảnh từ một đơn xin cấp bằng sáng chế của Apple vào năm 2006 cho kiểu quay số điện thoại tròn bên trong một chiếc iPod.
Hình ảnh từ một đơn xin cấp bằng sáng chế của Apple vào năm 2006 cho kiểu quay số điện thoại tròn bên trong một chiếc iPod.

“Chúng tôi đưa một chiếc radio vào đó, trên thực tế là một chiếc iPod Mini với loa và tai nghe, vẫn sử dụng giao diện bánh xe cảm ứng,” Tupman nói.

“Và khi bạn nhắn tin, nó quay số – và nó đã hoạt động!” Grignon nói. “Vậy là chúng tôi làm ra khoảng vài trăm chiếc như thế.”

Vấn đề là khi ở chế độ điện thoại, chúng rất khó sử dụng. “Sau khi chúng tôi lặp lại quy trình lần 1 cho phần mềm, chúng tôi nhận thấy rõ rằng nó sẽ chẳng đi đến đâu,” Fadell nói. “Vì giao diện bánh xe của nó. Nó sẽ chẳng bao giờ thành công vì chẳng ai muốn phải nhập số bằng cách quay số trên điện thoại cả.”

Nhóm thiết kế đã nỗ lực hết sức để tìm ra giải pháp.

“Tôi đã có ý tưởng về một bàn phím có khả năng đoán trước từ,” Bas Ording nói. Sẽ có một bảng chữ cái ở phía dưới màn hình, và người dùng sẽ dùng bánh xe để chọn các chữ cái. “Và sau đó bạn có thể nhấn, click-click-click-click – ‘Hello, how are you.’ Vậy là tôi đã chế tạo một thứ thực sự có thể học ngay khi bạn gõ – nó sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu những từ thường theo sau nhau.” Nhưng quy trình đó vẫn quá cồng kềnh.

“Rõ ràng chúng tôi đã giao cho bánh xe click-wheel quá nhiều nhiệm vụ,” Grignon nói. “Rồi nhắn tin, rồi số điện thoại – một đống bừa bộn.”

“Chúng tôi đã thử đủ mọi cách,” Fadell nói. “Và chẳng có gì cải thiện được nó. Steve vẫn cố, và chúng tôi đã can ngăn, ‘Steve này,’ Ông ấy đang cố đẩy hòn đá to lên đỉnh dốc. Hãy nói thế này: Tôi nghĩ ông ấy biết, tôi nhìn vào mắt ông ấy và biết là ông ấy biết; ông ấy chỉ muốn nó hoạt động được thôi,” ông nói. “Ông ấy cứ ‘cố đấm ăn xôi’.”

“Thôi nào, chắc hẳn phải có cách gì đó chứ,” Jobs khi đó đã nói với Fadell. “Ông ấy chỉ không muốn bỏ cuộc. Vậy là ông ấy đẩy, cho tới khi chẳng còn gì ở đó nữa,” Fadell nói.

Họ thậm chí đã nộp hồ sơ xin cấp bản quyền cho thiết bị xấu số ấy, và ở một góc nào đó ở Cupertino, có những văn phòng và phòng thí nghiệm mà trong đó rải rác hàng chục chiếc điện thoại iPod hoạt động được. “Chúng tôi đã thực sự thực hiện được những cuộc gọi,” Grignon cho biết.

Hóa ra những cuộc gọi đầu tiên từ một chiếc điện thoại Apple không hề được thực hiện trên giao diện cảm ứng hiện đại của tương lai, mà trên một máy quay số kiểu steampunk. “Chúng tôi đã tới rất gần,” Ording nói. “Tình hình là chúng tôi có thể hoàn thiện nó và biến nó thành một sản phẩm… Nhưng tôi nghĩ Steve hẳn đã thức dậy vào một ngày nọ và nghĩ: ‘Thứ này không gây hứng thú như mấy thứ cảm ứng kia.’”

“Đối với chúng tôi ở đội phần cứng, đó là một trải nghiệm tuyệt vời,” David Tupman nói. “Chúng tôi đã được chế tạo bảng radio RF, nó đã ép chúng tôi phải lựa chọn nhà cung cấp, thúc đẩy chúng tôi đặt mọi thứ vào chỗ của nó.” Trên thực tế, các yếu tố của chiếc điện thoại iPod cuối cùng đã “di cư” sang chiếc iPhone thành phẩm; nó giống như phiên bản 0.1 vậy, Tupman nói. Chẳng hạn: “Hệ thống radio trong chiếc điện thoại iPod là thứ đã được chuyển vào chiếc iPhone thực sự.”

Không tham gia

Lần đầu tiên Fadell nhìn thấy cỗ máy tính bảng-cảm ứng của P2, ông đã rất ấn tượng – và cũng rất bối rối. “Steve đã kéo tôi vào một phòng, khi mọi thứ về chiếc điện thoại iPod đều đang thất bại, và nói ‘Hãy tới xem cái này.’” Jobs đã cho ông xem bản nguyên mẫu đa điểm của đội ENRI. “Trong thời gian đó, họ đã nghiên cứu chiếc Mac cảm ứng. Nhưng đó không phải là một chiếc Mac cảm ứng; theo nghĩa đen, nó là một căn phòng với một chiếc bàn chơi bóng bàn, một máy chiếu, và một đồ vật là cái màn hình cảm ứng lớn,” Fadell nói.

“Đây là thứ tôi muốn đưa vào chiếc điện thoại,” Jobs nói.

“Steve, hẳn rồi,” Fadell trả lời. “Nó thậm chí còn lâu mới chế tạo được thành sản phẩm. Nó là một nguyên mẫu, và không phải nguyên mẫu đúng kích thước – nó là một cái bàn nguyên mẫu. Nó là một dự án nghiên cứu. Mới chỉ có khoảng 8% của sản phẩm ở trong đó thôi,” Fadell nói.

David Tupman lạc quan hơn. “Tôi nói, ‘Ồ, đúng đấy, chúng ta phải tìm ra cách để làm được việc này.’” Ông ấy tin rằng các thách thức về kỹ thuật có thể được giải quyết. “Tôi nói, ‘Hãy ngồi xuống và xem qua các số liệu và giải quyết vấn đề này.’”

Chiếc điện thoại iPod đang mất dần sự ủng hộ. Các giám đốc tranh luận với nhau về việc nên theo đuổi dự án nào, ngoại trừ Phil Schiller, người đứng đầu mảng marketing của Apple – ông đã có câu trả lời: Chẳng theo dự án nào cả. Ông muốn một bàn phím cứng. Chiếc BlackBerry có thể được coi là chiếc smartphone đình đám đầu tiên. Nó có tính năng e-mail và một bàn phím cứng nhỏ xíu. Sau khi tất cả những người khác, trong đó có Fadell, bắt đầu nhất trí rằng cảm ứng đa điểm mới là hướng đi đúng, Schiller đã trở thành người cố thủ cuối cùng.

Một trong những mẫu thiết kế iPhone ban đầu
Một trong những mẫu thiết kế iPhone ban đầu

Ông ấy “cứ ngồi đó trong tư thế ‘lăm lăm tay kiếm’ và nói, ‘Không, chúng ta phải có bàn phím cứng. Không. Bàn phím cứng.’ Và ông ấy sẽ chẳng chịu nghe giải thích, dù tất cả chúng tôi đều, ‘Không, giờ dùng thứ này là ổn rồi, Phil.’ Và ông ấy sẽ nói, ‘Phải có bàn phím cứng mới được!’” Fadell nói.

Schiller không có được sự nhạy bén về công nghệ như nhiều giám đốc khác. “Phil không phải là con người của công nghệ,” Brett Bilbrey, người từng đứng đầu Nhóm công nghệ tiên tiến của Apple cho biết. “Đã có những lúc người ta phải giải thích các thứ cho anh ấy như thể một đứa trẻ học tiểu học vậy.” Bilbrey cho rằng Jobs thích ông ấy vì ông “nhìn nhận công nghệ giống như một người Mỹ trung bình, giống như ông bà chúng ta vậy.”

Khi những người còn lại trong đội đều đã quyết định chuyển sang cảm ứng đa điểm và một bàn phím ảo, Schiller đã nổi xung. “Chúng tôi có một cuộc họp lớn, mà ở đó chúng tôi cuối cùng đã nhất trí đi theo một hướng,” Fadell nói, “và anh ấy đã nổi giận.”

“Chúng ta đang đưa ra một quyết định sai lầm!” Schiller thét lên.

“Steve nhìn anh ấy và nói, ‘Tôi chán ngấy và mệt mỏi với thứ này rồi. Chúng ta có thể không nói về nó nữa được không?’ Và Steve đuổi anh ấy khỏi cuộc họp,” Fadell nhớ lại. Sau đó, ông nói: “Steve và anh ấy đã nói chuyện thẳng thắn với nhau ngoài hành lang. Steve nói với anh ấy, hoặc nhất trí với mọi người, hoặc ra khỏi dự án. Và cuối cùng anh ấy đã nhượng bộ.”

Việc này đã làm rõ một điều: Chiếc điện thoại sẽ được dựa trên một màn hình cảm ứng. “Chúng ta đều biết rằng đây là điều chúng ta muốn làm,” Jobs nói trong một cuộc họp, chỉ tay vào màn hình cảm ứng. “Vậy nên hãy khiến nó hoạt động được.”

Vòng 2

Một cựu giám đốc Apple từng nói với tôi rằng “đã có hẳn một cuộc chiến tranh tôn giáo về chiếc điện thoại” giữa đội iPod và đội Mac OS. Khi chiếc bánh xe iPod bị loại bỏ và màn hình cảm ứng được chọn, vấn đề đặt ra lại là xây dựng hệ điều hành của chiếc điện thoại như thế nào. Đây là một bước ngoặt then chốt – nó sẽ xác định chiếc iPhone sẽ được coi như một phụ kiện hay một máy tính di động.

“Tony và đội ngũ của ông ấy lập luận rằng chúng tôi cần nâng cấp hệ điều hành và đưa nó theo hướng đi của chiếc iPod, tức là rất thô sơ,” Richard Williamson nói. “Còn bản thân tôi, Henri và Scott Forstall, chúng tôi lập luận rằng cần sử dụng OS X” – hệ điều hành chính của Apple, vốn chạy trên các loại máy tính để bàn và laptop của Apple – “và thu nhỏ nó lại.”

“Đã có những trận chiến hoành tráng, mang tính triết lý trong việc cố gắng quyết định xem nên làm điều gì,” Williamson nói.

Nhóm “mafia NeXT” đã nhận thấy cơ hội để tạo ra một thiết bị máy tính di động thực sự và muốn dồn hệ điều hành của máy Mac vào chiếc điện thoại, và hoàn thiện bằng những phiên bản của ứng dụng trong Mac. Họ biết rõ hệ điều hành này như lòng bàn tay – nó dựa trên những dòng code mà họ đã nghiên cứu suốt hơn một thập kỷ. “Chúng tôi biết chắc chắn rằng thiết bị sẽ đủ sức chạy một hệ điều hành hiện đại,” Williamson nói, và họ tin rằng có thể sử dụng một bộ vi xử lý ARM thu gọn – cấu trúc chip tốn ít năng lượng của Sophie Wilson – để tạo ra một chiếc máy tính được gọt giũa để nằm gọn trong một chiếc điện thoại.

Nhóm iPod cho rằng điều đó quá tham vọng và chiếc điện thoại nên chạy một phiên bản của Linux, hệ điều hành mã nguồn mở rất phổ biến trong giới nhà phát triển và những người ủng hộ mã nguồn mở, vốn đã chạy trên các chip ARM tốn ít năng lượng. “Giờ đây chúng tôi sẽ chế tạo một chiếc điện thoại,” Andy Grignon nói, “nhưng chúng tôi tranh cãi với nhau rất kịch liệt về việc hệ điều hành nên được xây dựng trên cái gì. Vì ban đầu chúng tôi chế tạo nó dựa trên iPod, phải không? Và chẳng ai quan tâm tới việc hệ điều hành của một chiếc iPod là gì. Đó là một dạng công cụ, một món phụ kiện. Chúng tôi nhìn nhận chiếc điện thoại cũng theo hướng này.”

Nên nhớ rằng thậm chí sau khi ra mắt chiếc iPhone, Steve Jobs vẫn mô tả nó “giống một chiếc iPod” hơn là một chiếc máy tính. Nhưng những người từng “sống trong chiến hào,” thử nghiệm với giao diện cảm ứng đều hào hứng trước những khả năng mà nó mang lại cho ngành máy tính cá nhân và cho sự phát triển giao diện giữa con người và máy móc. “Chắc chắn đã có sự thảo luận: Đây chỉ là một chiếc iPod ở dạng điện thoại. Và chúng tôi nói, không, nó là OS X dành cho điện thoại,” Henri Lamiraux nói. “Điều này đã gây ra rất nhiều xung đột với nhóm iPod, vì họ cho rằng họ là đội biết tuốt về phần mềm trên các thiết bị nhỏ. Và chúng tôi nói, không, không phải vậy, nó chỉ là một chiếc máy tính mà thôi.”

“Ở thời điểm này chúng tôi hoàn toàn không quan tâm tới chiếc điện thoại,” Williamson nói. “Chiếc điện thoại không còn quan trọng nữa. Nó về cơ bản là một chiếc modem. Vấn đề là: Hệ điều hành của nó sẽ như thế nào? Mô hình tương tác của nó sẽ ra sao?” Bạn có thể nhìn ra gốc rễ của cuộc xung đột về triết lý: Các kỹ sư phần mềm không chỉ nhìn nhận P2 như một cơ hội để chế tạo một chiếc điện thoại, mà còn như một cơ hội để sử dụng một thiết bị có hình điện thoại như một sự “trá hình” cho một dạng máy tính di động phức tạp hơn rất nhiều.

Hệ điều hành thu nhỏ siêu phàm

Thời gian đầu trong cuộc đối đầu giữa hai hệ điều hành, cách tiếp cận máy tính di động không thành công lắm.

“Ờ thì, chỉ thời gian tải thôi cũng đáng cười rồi,” Andy Grignon nói. Lựa chọn Linux của Grignon nhanh và đơn giản hơn. “Nó kêu prrrrrrt, và rồi nó khởi động.” Khi nhóm Mac xử lý hệ thống lần đầu tiên, “nó hiện ra 6 dòng hashtag, ding-ding-ding-ding-ding-ding, và rồi nó ngồi đó, đần ra một lúc, và cuối cùng nó sẽ lại hiện ra và bạn sẽ nghĩ: “Đùa nhau à? Đây sẽ là thiết bị được khởi động trong nháy mắt ư? Thật ư?”

“Ở thời điểm đó, chúng tôi có nhiệm vụ chứng minh” rằng một phiên bản của OS X có thể hoạt động trên thiết bị này, Williamson nói. Nhóm “mafia” bắt tay vào việc, và cuộc cạnh tranh càng trở nên gay gắt. “Chúng tôi muốn hình dung của chúng tôi về chiếc điện thoại mà Apple sẽ cho ra mắt trở thành hiện thực,” Nitin Ganatra nói. “Chúng tôi không muốn để cho nhóm iPod cho ra mắt trước một phiên bản điện thoại theo kiểu iPod.”

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên là thể hiện rằng tính năng kéo thả từng khiến Jobs ấn tượng sẽ hoạt động với hệ điều hành thu gọn. Williamson đã liên kết với Ording để làm phần này. “Nó hoạt động, và trông rất thật. Khi bạn chạm vào màn hình, nó sẽ theo dõi ngón tay của bạn một cách hoàn hảo, bạn kéo xuống, nó sẽ kéo xuống theo.”

Williamson cho rằng điều đó đã đóng chiếc đinh cuối cùng lên chiếc quan tài “Linux-pod.” “Khi chúng tôi thu gọn được OS X và các tương tác kéo cơ bản được hoàn thiện, quyết định đã được đưa ra: Chúng tôi sẽ không đi theo lối iPod, chúng tôi sẽ sử dụng OS X.”

Phần mềm cho chiếc iPhone sẽ được xây dựng bởi đội “mafia NeXT” của Scott Forstall; phần cứng sẽ được giao cho nhóm của Fadell. Chiếc iPhone sẽ có màn hình cảm ứng và có sức mạnh của một chiếc máy tính di động./.

CEO Tim Cook tại lễ giới thiệu iPhone 7
CEO Tim Cook tại lễ giới thiệu iPhone 7