Phạm Thu Hà

22-1497591633-55.jpg

1. Sau hai năm dày công thực hiện, tháng Năm vừa rồi, giọng hát bán cổ điển Phạm Thu Hà đã cho ra mắt đĩa than có tên gọi “Đường em đi” – gồm 8 tình khúc Phạm Duy.

Hiện diện trong làng nhạc từ năm 2012, Phạm Thu Hà gây chú ý và dần thiết lập được chỗ đứng riêng trong bản đồ nhạc Việt nhờ theo đuổi phong cách classical crossover (cổ điển giao thoa) khi lần lượt ra mắt bốn sản phẩm thu âm, tính đến thời điểm này. Mặc dù không phải là người tiên phong và duy nhất ở Việt Nam, nhưng bản thân sự kết hợp này trước nay ít người dám làm, và làm bài bản, xuyên suốt như Phạm Thu Hà.

Trong nghệ thuật, cũng như âm nhạc, số lượng không phải là điều quan trọng, mà quan trọng là sự đặc sắc và khai phá trong từng sản phẩm. Có những ca sỹ ra hàng chục album, mà khán giả vẫn không thực biết họ là ai thì cũng lại có những giọng ca nhờ mải miết, bền bỉ theo con đường đã chọn và đến lúc nào đó đủ để có chỗ đứng trong làng nhạc.

Có thể thấy rõ, ở vệt ba sản phẩm thu âm trước: từ “Classic meets chillout” (phong cách hát cổ điển trên nền nhạc điện tử) do nhạc sỹ Võ Thiện Thanh sản xuất đạt luôn giải âm nhạc Cống hiến 2012 cho hạng mục “Album của năm”; sang sản phẩm “bắt tay” với nhạc sỹ Đức Trí – “Tựa như gió phiêu du” (pop hóa cổ điển) giữa mùa Hè 2014 và album “Hà Nội…Yêu!” (phong cách hát cổ điển trên nền nhạc jazz) vào năm 2015 – thì đến đĩa than “Đường em đi” (hát bán cổ điển nhạc phẩm Phạm Duy) trên nền hòa âm đậm đầy thính phòng của nhạc sỹ Duy Cường cho thấy nấc phát triển đáng kinh ngạc cùng khả năng khai phá ngày một dạn dày của Phạm Thu Hà.

Mặc dù không phải là người tiên phong và duy nhất ở Việt Nam, nhưng bản thân sự kết hợp này trước nay ít người dám làm, và làm bài bản, xuyên suốt như Phạm Thu Hà.

Việc sử dụng ít nhiều các phong cách biểu diễn cổ điển, từ cách hát, tới hòa âm, cho các bài hát Việt Nam có thể mang trong đó chút sắc thái nhạc cổ điển trên nền nhạc đương đại như chillout, pop, jazz, đến không gian đậm đầy thính phòng trong đĩa than “Đường em đi” – công chúng như được nghe một thứ âm nhạc cổ điển mới – vừa là sự pha trộn vừa như cầu kỳ hơn là giao thoa.

Đến đây, người viết bài trộm nghĩ, việc dùng tiêu đề một bài hát trong đĩa nhưng không phải ca khúc ấn tượng nhất là “Đường em đi” để đặt tên cho sản phẩm thu âm thứ tư lần này hẳn không phải là vô tình, trái lại hàm chứa nhiều dụng ý của Phạm Thu Hà như một xác tính về đường hướng âm nhạc mà cô đang theo đuổi.

Bìa đĩa than “Đường em đi” của Phạm Thu Hà. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Bìa đĩa than “Đường em đi” của Phạm Thu Hà. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

2. Nghe hết bốn sản phẩm mà sáu năm qua Phạm Thu Hà cùng các cộng sự dày công đào sâu, tìm tòi để khai phá hướng đi classical crossover, đặc biệt đến đĩa than “Đường em đi” không thể phủ nhận giọng hát thính phòng này đã làm được một việc đáng kinh ngạc là diễn tiến từ tư duy “chơi khác” lên “chơi sang” trong phong cách hát bán cổ điển ở Việt Nam.

Thế giới âm nhạc của Phạm Duy hết sức rộng lớn, từ chủ đề âm nhạc cho đến ngôn ngữ âm nhạc nên nhạc Phạm Duy hay vào hàng đầu bảng nhưng muốn hát hay nhạc của ông thì không dễ. Chưa kể, tham vọng hát vượt qua những cái bóng đã thành tượng đài trong cõi nhạc Phạm Duy thì quả là không tưởng.

Phải vì thế chăng mà bằng giọng hát, lối hát thính phòng 8 tuyệt phẩm Phạm Duy trong “Đường em đi” khiến Phạm Thu Hà lay động và chinh phục người nghe bằng một cảm thức hát-khác với những Thái Thanh, Lệ Thu hay Nguyên Thảo mãi sau này… Thế mới thấy, trong âm nhạc, hát-khác cũng đã là một thành công.

Đặc biệt qua hai bản thu “Chiều về trên sông”“Đường chiều lá rụng” cho thấy Phạm Thu Hà tiến một nấc về kỹ thuật, nghệ thuật và cảm xúc trong tiếng hát. Trong đó ở “Chiều về trên sông,” Phạm Thu Hà – theo quan điểm của người viết – đã hát xuất thần như “cá về với nước.”

Trong các tài liệu, Phạm Duy cho biết ông ngẫu hứng soạn ra “Chiều về trên sông” do cảm khái bài thơ tả tình tả cảnh sông nước của Huy Cận. “Tràng giang” là bài thơ về sông Hồng, là tâm trạng kẻ tha hương, lưu lạc ngay trên đất nước mình. “Chiều về trên sông” là bài nhạc về sông Cửu Long, là nỗi “ám ảnh” triền miên, là nỗi buồn song nước dằng dặc, một mối sầu cô quạnh, một thân phận nhỏ nhoi của kiếp người những muốn “quá giang” theo đò ngang trôi đi trong chiều.

Ở “Chiều về trên sông,” Phạm Thu Hà – theo quan điểm của người viết – đã hát xuất thần như “cá về với nước.”

Nỗi niềm hoài hương mang nhiều âm hưởng ngũ cung dân gian, và tràn đầy tình quê hương trong dáng nhạc của Phạm Duy được cất lời ca không kém phần mỹ miều, như được mài giũa để trở nên đài các của Phạm Thu Hà dẫu gây cảm giác buồn, nhưng là nỗi buồn sang trọng và thanh thản đã khiến người nghe lay động.

Nốt nhạc cuối rướn lên, cùng tiếng hát như lời giải bày thiết tha của Phạm Thu Hà:

“Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn!

Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo!…”

Nghe những câu hát như thế cần chút tĩnh lặng, cần nhắm mắt lại, để nghe chiều đi thật khẽ, lặng lẽ, để nghe nỗi buồn trôi đi chầm chậm trong ẩn ức thương nhớ làng quê, xứ sở.

Nỗi buồn trôi đi chầm chậm ấy cũng lặp lại lần nữa trong bài “Đường chiều lá rụng.” Đây là một trong những bản nhạc thách thức về nhạc thuật, kén cả người hát và người nghe. Đến mức, chính tác giả phải thừa nhận “bài ‘Đường chiều lá rụng’ rất khó hát so với các ca khúc khác của tôi, nét nhạc và chuyển điệu của nó khá mới lạ, cho tới nay, chỉ có Thái Thanh, Kim Tước và Quỳnh Giao hát nó mà thôi…” (Phạm Duy – Một Đời Nhìn Lại)

Hình ảnh chiều tàn và lá rụng cứ như cơn mộng du “Hoàng hôn mở lối… Rừng khô thở khói…. Trời như biển chói…” Tất cả hình ảnh ấy được Phạm Duy sử dụng như ảo và như thật… Với tiếng hát biến hóa, không vội vàng nhưng không níu kéo, lúc nhẹ lúc vút cao, lúc kéo ra xa, lúc đẩy lại gần, kịch tính nhưng cũng êm ả đến tận cùng theo sự uốn lượn của giọng hát kỹ thuật, uyển chuyển, quý phái của Phạm Thu Hà.

Giai điệu phức tạp, khó hát khó thâu đòi hỏi người hát phải có một khả năng xử lý về kỹ thuật cao, thậm chí là phải đạt đến một cấp độ siêu thực. Nhưng, phần thưởng của người nghệ sỹ khắc phục được những khó khăn kỹ thuật của “Đường chiều lá rụng” đã mang đến cho Phạm Thu Hà cơ hội khai phá giọng hát vẫn được cho là chưa chạm tới chuẩn mực academic này.

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

3. Ngoài tiếng hát xuất thần của Phạm Thu Hà, “Đường em đi” còn là “công trình” xuất sắc về phần hòa âm của nhạc sỹ Duy Cường (con trai của nhạc sỹ Phạm Duy). Thậm chí, sẽ không quá lời khi nhận định rằng chính nhờ cuộc hạnh ngộ nghệ thuật và bàn tay hòa âm “phù thủy” của Duy Cường đã nâng nhấc cho tiếng hát Phạm Thu Hà lay chạm từng chiều xúc cảm, lột tả hết sự đa điệu đa sắc biến ảo trong âm nhạc Phạm Duy.

Trong đó, “Chiều về trên sông”“Đường chiều lá rụng” chính là hai trong những bản hòa âm cho thấy “phù thủy hòa âm” vốn lâu nay ngọa hổ tàng long trong gia đình nghệ thuật họ Phạm chính là người có công làm “đầy” hơn cho những bản nhạc của Phạm Duy.

Tại buổi họp báo giới thiệu đĩa nhạc, Phạm Thu Hà bộc bạch; “Lối làm việc của anh Duy Cường không phải là lúc nào cũng ngồi vào đàn. Khi Hà thu, anh luôn kề cạnh chỉ dẫn từng li từng chút bản nhạc, giúp Hà nghiền ngẫm chúng, đọc những suy nghĩ do người nhạc sỹ viết ra. Anh nắn nót cho Hà từng câu hát, nói cho Hà bài hát nào thì cha anh viết trong hoàn cảnh nào, gửi gắm điều gì, câu này phải hát ra sao, chữ đó phải xử lý thế nào thì đúng tinh thần tác phẩm và lột tả hết tinh túy. Hà rất cảm ơn anh đã cùng thai nghén những đứa con tinh thần của cha anh cùng Hà, giúp Hà tìm một ngôn ngữ âm nhạc của riêng mình khi hát Phạm Duy.”

Ngoài hòa âm, thì phần biên tập của sản phẩm này cũng mang đậm dấu ấn “hậu sinh” Phạm Gia khi tinh tuyển 8 ca khúc vào hàng tuyệt phẩm về sự tầm cỡ trong di sản âm nhạc của Phạm Duy.

Thế nên nếu còn điều tiếc nuối khi nghe sản phẩm thu âm thứ tư của Phạm Thu Hà thì đó chính là ước muốn giá mà cố nhạc sỹ Phạm Duy vẫn còn sống để được nhìn thấy âm nhạc của mình được chắp cánh và khai phá đáng ngưỡng mộ như vậy. Ngoài ra, dù là một trong những sản phẩm thu âm xuất sắc (xét cả hình lẫn tiếng) hát Phạm Duy và thời gian gần đây của nhạc Việt khi cộng hưởng ba yếu tố xuất thần từ nhạc khúc, hòa âm và giọng hát thì đây vẫn là sản phẩm âm nhạc “kén” khán giả vì khá “nặng đô” khi nhạc Phạm Duy được thể hiện bằng ngôn ngữ đậm đầy thính phòng từ giọng hát, cách hát và hòa âm.

Trong mọi bộ môn nghệ thuật, có âm nhạc, thị hiếu của công chúng không bao giờ là thước đo của giá trị nghệ thuật. Sự cảm nhận âm nhạc, nói cho cùng, dựa vào sự quen tai. Những tác phẩm thực sự độc đáo về khai phá và tầm cỡ thường khó làm quen, và cần thời gian thẩm thấu để khơi óc tò mò của công chúng và dần dẫn dắt họ đi vào tác phẩm.

Mặc dù, hành trình tiệm cận đại chúng của Phạm Thu Hà vẫn còn dài, nhưng tin tưởng rằng, từ đây “Đường em đi” sẽ tiếp tục xác lập mạnh mẽ và chắc chắn lối đi riêng chính là nơi-mình-có-thế-mạnh-nhất mang lại dung tưởng Phạm Thu Hà ở thì hiện tại như “cá về với nước” trong thử nghiệm classical crossover. Thậm chí, Hà đang dần bỏ xa danh xưng “họa mi nhạc cổ điển” mà trước đây được xem là một chiếu cố với cô./.

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)