Ngày 5/6, Qatar – một nước nhỏ ở Trung Đông với diện tích chưa đầy 12.000 km2, dân số hơn 2 triệu người – đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế khi bị 7 quốc gia tuyên bố chấm dứt quan hệ.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao khu vực Trung Đông lại bùng phát làn sóng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và cuộc khủng hoảng lần này sẽ đi về đâu?
Trang mạng ThePaper.cn đã có một bài viết đáng chú ý giúp trả lời những băn khoăn nêu trên.
Làn sóng cắt quan hệ ngoại giao bùng phát nhanh chóng
Ngày 5/6, Bahrain đột ngột tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Sau đó sự việc này tiếp tục lan nhanh, các nước ở khu vực Trung Đông như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Ai Cập, Libya, Yemen cũng lần lượt tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Maldives cũng nhanh chóng gia nhập “đội quân” cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, khiến nước này tạm thời bị cô lập.
Ngày 5/6, Bahrain đột ngột tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Sau đó, các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Ai Cập, Libya, Yemen, Maldives cũng lần lượt tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar
Cuộc khủng hoảng ngoại giao kể trên đã lập tức nhận được sự quan tâm cao độ của cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang có chuyến thăm Australia đã bày tỏ mong muốn các quốc gia vùng Vịnh duy trì quan hệ đoàn kết, khuyến khích các bên ngồi lại cùng giải quyết bất đồng. Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi Saudi Arabia và Qatar giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng kêu gọi giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và cảm thấy đau lòng trước tình hình hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ coi sự ổn định ở vùng Vịnh là sự ổn định của chính nước mình. Người phát ngôn của Chính phủ Nga thì nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở vùng Vịnh phù hợp với lợi ích của Nga, khủng hoảng ngoại giao sẽ không ảnh hưởng đến liên minh chống khủng bố quốc tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại bày tỏ mong muốn các nước liên quan giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, thương lượng và thỏa hiệp, duy trì đoàn kết, cùng thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực.
Đối mặt với cục diện bị động, Qatar cũng tự biện hộ cho mình. Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh Qatar là nước thành viên tích cực của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), hoàn toàn tuân thủ điều lệ của GCC, Qatar tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, thực hiện trách nhiệm chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan quốc tế. Cách làm của các nước như Saudi Arabia là thiếu tính hợp lý, không hề có căn cứ, sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân Qatar.
Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này có đặc điểm sau: Một là tốc độ lan tỏa nhanh chóng, trong 1 ngày có đến 7 nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cho thấy vai trò dẫn đầu của Saudi Arabia trong các nước vùng Vịnh.
Hai là làn sóng cắt đứt quan hệ ngoại giao lần này có tính tổ chức, mang tính chất móc nối nhất định, do vậy xuất hiện tình trạng nhiều nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar trong cùng một ngày.
Ba là các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar rất đa dạng, có nước là thành viên của GCC, có nước lớn ở Bắc Phi, còn có cả nước ở ngoài khu vực Trung Đông.
Sự thay đổi đột ngột trong quan hệ giữa các nước Trung Đông khiến cộng đồng quốc tế rất bất ngờ. Bởi thông thường trong các nước Trung Đông, Israel hay Iran là đối tượng thường xuyên bị “bao vây công kích”, nhưng lần này đối tượng bị “bao vây công kích” lại là Qatar – quốc gia Arập, quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni, quốc gia vùng Vịnh, đồng thời cũng là quốc gia theo chế độ quân chủ. Điều này đã tăng thêm nhiều tính bất ổn cho tình hình Trung Đông vốn phức tạp và khó giải quyết.

Qatar bị “bao vây công kích” vì đâu?
Sự việc của Qatar có vẻ như đường đột, thực tế là đều có lý do của nó, trong cái ngẫu nhiên ẩn chứa cái tất nhiên. Đằng sau làn sóng cắt đứt quan hệ ngoại giao lần này còn có nguyên nhân sâu xa hơn, lý do cơ bản là Qatar đã chạm vào điểm giới hạn cuối cùng của các nước như Saudi Arabia, họ nhận định Qatar đã “ủng hộ tổ chức khủng bố”, có quan hệ mập mờ với Iran, nên muốn thông qua đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao để cảnh cáo, ràng buộc các hành vi ngoại giao của Qatar.
Qatar đã chạm vào điểm giới hạn cuối cùng của các nước như Saudi Arabia, họ nhận định Qatar đã “ủng hộ tổ chức khủng bố”, có quan hệ mập mờ với Iran, nên muốn thông qua đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao để cảnh cáo, ràng buộc các hành vi ngoại giao của Qatar.
Làn sóng đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao lần này nhìn bề ngoài có vẻ như nhiều nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, trên thực tế là mâu thuẫn giữa Saudi Arabia với Qatar đã được công khai, là hình ảnh thu nhỏ của mâu thuẫn giữa Saudi Arabia với Qatar.
Khủng hoảng ngoại giao xảy ra giữa các nước vùng Vịnh không phải là lần đầu tiên. Tháng 3/2014, Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã ra tuyên bố chung, tuyên bố ngay lập tức triệu hồi các đại sứ ở Qatar để phản đối việc nước này can thiệp vào công việc nội bộ của GCC.
Làn sóng cắt đứt quan hệ ngoại giao ngày 5/6, cùng một chủ thể cùng một nguyên nhân, chẳng qua là phạm vi của khủng hoảng ngoại giao mở rộng hơn, mức độ khủng hoảng cũng lớn hơn. Vì vậy, cắt đứt ngoại giao không phải bỗng dưng xảy ra, mà có nguồn gốc lịch sử. Và sự kiện tin tặc tấn công hồi cuối tháng 5 đã mở ra chiếc hộp pandora giữa Saudi Arabia với Qatar.
Sự kiện tin tặc tấn công là ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này. Cái gọi là sự kiện hacker chính là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm các nước Trung Đông, Hãng thông tấn quốc gia Qatar (QNA) đã dẫn lời phát biểu của Quốc vương nước này tại một buổi lễ của quân đội, cho biết Iran là “nước lớn Hồi giáo không thể xem nhẹ”, và “giữ thái độ thù địch với Iran là thiếu khôn ngoan”. Từ ngày 24/5, một số nước như UAE, Saudi Arabia bắt đầu chặn các kênh truyền thông chính thức của Chính phủ Qatar. Sau đó, Doha ngay lập tức bác bỏ tin đồn, cho biết trang web chính thức của QNA bị hacker tấn công. Cho dù Qatar đã làm sáng tỏ mọi việc, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục lây lan.

Cho đến nay, những bình luận lan truyền trên mạng đối với việc ủng hộ Iran, rốt cuộc là do tin tặc tấn công hay chính là sự khắc họa chân thực về lập trường của Qatar đối với Iran, vẫn là vụ việc không có manh mối, vẫn chưa thể kết luận. Nhưng trong mắt của Saudi Arabia, việc Qatar ngang nhiên làm ngược lại chủ trương của Saudi Arabia đã chạm vào giới hạn cuối cùng.
Ngày 27/5, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani đã điện đàm chúc mừng Tổng thống tái cử Iran Rouhani. Theo quan điểm của Saudi Arabia, việc làm này đã công khai “lạc điệu” với lập trường đối với Iran của Saudi Arabia bởi vì thời gian xảy ra sự kiện tin tặc tấn công tương đối đặc biệt – ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Saudi Arabia.
Thái độ thân Iran của Qatar đã phá vỡ cục diện chống Iran đang từng bước hình thành, ảnh hưởng đến việc tranh giành quyền chủ đạo khu vực giữa Saudi Arabia với Iran.
Trước sự khích lệ của Mỹ trong việc đối phó với Iran, đường lớn đã được mở rộng trước mắt Saudi Arabia. Thái độ thân Iran của Qatar đã phá vỡ cục diện chống Iran đang từng bước hình thành, ảnh hưởng đến việc tranh giành quyền chủ đạo khu vực giữa Saudi Arabia với Iran. Saudi Arabia coi Iran là đối thủ cạnh tranh chủ yếu trong khu vực, đương nhiên không thể chấp nhận sự mập mờ của Qatar trong vấn đề Iran.
Một lý do khác của sự kiện lần này là Qatar bị các nước như Saudi Arabia nhận định là quốc gia “ủng hộ tổ chức khủng bố”, đây cũng là lý do chung khiến các nước như Saudi Arabia tuyệt giao với Qatar. Tiêu diệt các tổ chức khủng bố là nhận thức chung lớn nhất của khu vực Trung Đông, cũng là “con át chủ bài” hữu hiệu nhất để tập hợp các lực lượng. Cần biết rằng Saudi Arabia, UAE phải đối mặt với mối đe dọa từ tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS) và Al-Qeada, còn Ai Cập đối mặt với mối đe dọa an ninh từ tổ chức Anh em Hồi giáo.

Cuộc khủng hoảng gây ra nhiều tác động
Cuộc khủng hoảng ngoại giao với quy mô lớn như vậy chăc chắn sẽ gây ra tác động ở nhiều phương diện:
Một là ảnh hưởng đến mức độ gắn kết của GCC. Dưới trào lưu thời đại toàn cầu hóa và nhất thể hóa khu vực, Trung Đông vẫn ở trong trạng thái chia rẽ. GCC là một trong những thành quả hiếm có của nhất thể hóa khu vực Trung Đông, việc các nước thành viên GCC như Saudi Arabia, UAE và Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar sẽ dẫn đến nội bộ GCC chia rẽ, chia thành hai phe: một phe do Saudi Arabia trong đó có UAE và Bahrain, phe kia chỉ có Qatar, trong khi đó Kuwait và Oman trở thành những nước đứng ngoài. Làn sóng cắt đứt quan hệ ngoại giao này sẽ khiến những mâu thuẫn trong nội bộ GCC trở nên công khai, và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức hội tụ trong nội bộ GCC.
Hai là ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với Trung Đông. Đối với Mỹ, các nước Trung Đông đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar là việc không ngờ tới. Tổng thống Donald Trump vừa rời khỏi khu vực Trung Đông, các đồng minh của Mỹ ở khu vực này đã cắn xé lẫn nhau, đây rõ ràng là điều Chính quyền Trump không muốn nhìn thấy.

Cho dù một bên trong cuộc khủng hoảng là Saudi Arabia, UAE và Ai Cập hay là bên kia chỉ có Qatar, đều là đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Bộ Tư lệnh của Mỹ ở Trung Đông được đặt ở Qatar, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông cũng được đặt tại Qatar. Chính sách Trung Đông của Mỹ sau khi Trump lên cầm quyền là khôi phục và củng cố mối quan hệ với các đồng minh Trung Đông. Các cuộc đấu đá trong nội bộ liên minh chắc chắn sẽ làm giảm những nỗ lực của Chính quyền Trump trong việc tập hợp các đồng minh. Tính ổn định trong nội bộ các nước đồng minh giảm sút cũng sẽ làm suy yếu hệ thống đồng minh của Mỹ ở khu vực này.
Ba là ảnh hưởng đến các cuộc đấu đá giáo phái ở khu vực Trung Đông. Từ xu thế hiện nay cho thấy Iran chính là nước được lợi nhất trong cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này vì các nước bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ngoại giao này đều có thể được tính là quốc gia thù địch với Iran, các nước chống đối Iran bị hao tổn sinh lực thì chắc chắn sẽ làm phân tán hoặc suy yếu sức lực trong việc đối phó với Tehran. Có thể nhận thấy nhóm các nước phản đối Iran ở khu vực Trung Đông không phải là một khối vững chắc. Các nước theo dòng Sunni luôn xảy ra đấu đá trong nội bộ, các nước theo dòng Shiite do Iran đứng đầu lại tỏ ra vui mừng khi nhìn thấy cảnh tượng này.
Bốn là ảnh hưởng đến giá dầu quốc tế. Trong thời gian diễn ra khủng hoảng, do nỗi lo ngại trước việc cung ứng dầu thô gián đoạn gia tăng, giá dầu thế giới đã tăng 1,24%, lên 50,57 USD/thùng.
Ngoài ra, tác giả bài viết cho rằng cuộc khủng hoảng lần này sẽ không có những tác động quá lớn tới tiến trình chống khủng bố của khu vực Trung Đông. Mỹ là nước giữ vai trò chủ đạo trong tiến trình chống khủng bố ở khu vực này, cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này chắc chắn sẽ không làm dao động mục tiêu đã định của Mỹ, các quốc gia như Saudi Arabia cũng sẽ tiếp tục đi theo Mỹ trong vấn đề chống khủng bố.

Vẫn còn cơ hội kiểm soát tình hình
Tác giả bài viết cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này có khí thế mạnh mẽ, nhưng không kéo dài. Mức độ khủng hoảng sẽ không tăng lên, nhưng do đây là sự cắt đứt ngoại giao toàn diện nên việc khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao sẽ cần một thời gian. Có những lý do sau:
Một là Qatar khó có thể đơn độc đối phó với cuộc khủng hoảng ngoại giao. Một người không thể địch lại đông người, sau cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này, Qatar có thể sẽ không và cũng không đủ khả năng tiếp tục đối đầu với các nước như Saudi Arabia.
Hai là Mỹ can thiệp hòa giải. Có thể nói Tổng thống Trump có bước mở màn không tồi ở khu vực Trung Đông, nhưng sự bất hòa trong nội bộ các nước đồng minh ở khu vực này sẽ ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ đối với Trung Đông.
Vì vậy, Mỹ chắc chắn phải can thiệp hòa giải, tránh để sự việc leo thang mở rộng. Một mặt tiếp tục thực hiện chính sách vốn có với các đồng minh, mặt khác tránh làm ảnh hưởng tới sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực. Trong thời gian ở thăm Trung Đông, Tổng thống Trump đã hội kiến với Quốc vương Qatar, cho biết Mỹ và Qatar là những người bạn hợp tác lâu dài. Những phát ngôn này chứng tỏ Mỹ sẽ không bỏ rơi Qatar.
Lần này Saudi Arabia ra tay với “người của mình” với mục đích dạy dỗ “người em nhỏ”, chứ không phải thật sự đẩy Qatar ra ngoài, điều này không có lợi cho sự phát triển của GCC.
Ba là Saudi Arabia sẽ lựa chọn có chừng mực. Lần này Saudi Arabia ra tay với “người của mình” với mục đích dạy dỗ “người em nhỏ”, chứ không phải thật sự đẩy Qatar ra ngoài, điều này không có lợi cho sự phát triển của GCC. Vì vậy, tiếp theo có thể Saudi Arabia sẽ nới lỏng tay, sẽ không làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này cho thấy sự phức tạp nhiều thay đổi của khu vực Trung Đông đã được thể hiện một cách tinh tế, phái Sunni và Shiite là đầu mối chính trong sự ganh đua và hợp tác của mối quan hệ giữa các nước Trung Đông, nhưng điều này không đại diện cho sự hòa thuận trong phái Sunni.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này còn đại diện cho sự không đoàn kết trong nội bộ các nước Arập, ý thức cộng đồng của các nước Arập vẫn chưa hình thành, đây cũng là yếu tố quan trọng kiềm chế các nước Arập nâng cao hơn nữa vị thế của mình ở khu vực Trung Đông./.
