Tìm sự sống dưới lòng đất
Câu chuyện của Nhân cũng là câu chuyện về phận đời của hàng chục gã “phu giếng” phải cả bán máu và mồ hôi để mưu sinh trên mảnh đất cao nguyên nghèo xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng.
Chênh vênh
Lùa vội bát cơm nguội buổi sáng, Nguyễn Văn Nhân (32 tuổi) lỉnh kỉnh đồ nghề, chạy chiếc xe cà tàng đã vỡ hết yếm vào trong làng. Đã lâu lắm rồi, gã mới lại được người dân thuê đào giếng lấy nước ăn. Lúc này, nắng tháng 4 trên cao nguyên Lâm Hà bắt đầu gay gắt, hầm hập phả hơi nóng trên đầu.
Đến trước một miệng giếng rộng chừng 80 cm đã được đào sẵn, Nhân thủng thẳng ngồi trên đống đất đá ngổn ngang, bập bập hơi thuốc đợi đồng nghiệp.
Chỉ tay xuống miệng hố sâu hun hút, Nhân bảo, ngày đầu từ Phan Rang lên Lâm Đồng, do không có tiền, gã đành phải nhắm mắt đánh liều đi theo người dân địa phương làm nghề đào giếng.
“Thế mà cũng được hơn 10 năm rồi. Giờ muốn bỏ cũng khó vì cứ ráo mồ hôi là tiền cũng hết,” gã nhăn nhó, vết sẹo trên đỉnh đầu vốn là “di sản” những ngày đầu vào nghiệp lại rúm ró lại, giật giật không ngừng.
Được một lát, đồng sự của gã, Nguyễn Công Đạo (30 tuổi) cũng trờ tới bãi trên chiếc xe cũ kỹ bốc khói mù mịt. Rất nhanh, hai người trao đổi với nhau vài câu rồi vào việc. Đạo lật đật khởi động chiếc máy thổi khí gắn với hơn chục mét ống nhựa chạy từ trên xuống thẳng lòng giếng cạn đang đào dở. Trong tiếng máy rì rì, người “phu giếng” gốc Sơn Tây (Hà Nội) giải thích: “Dưới đáy giếng, khí độc rất nhiều. Nên trước khi xuống bắt buộc phải bật quạt gió. Không hiếm trường hợp thợ đã bị ngộp khi đang đào.”

Chừng 10 phút sau, áng chừng phía dưới đã thoáng hơn, Nhân giục Đạo bật đèn điện rồi mau mắn tụt xuống. Chân trần, không dây bảo hiểm, gã đạp vào những hốc đất đã được khoét nông vào thân giếng, từ từ biến mất. Nhìn từ trên xuống, chỉ còn thấy tấm lưng ướt đầm mồ hôi cùng ánh đèn lúc sáng lúc tối hắt lên từ hơn chục mét dưới đáy. Thi thoảng, đất đỏ lại trượt lở, rơi lõm bõm.
Thấy chúng tôi mắt tròn mắt dẹt, Đạo cười bảo: “Chúng tôi trèo quen rồi, có những giếng sâu tới hơn 30m, cũng chỉ khoét các bậc vào thành đất mà xuống thôi, dây dợ bảo hiểm vướng víu lắm.”
Lúc này, ở dưới đã bắt đầu vọng lên tiếng cuốc đất và tiếng chân lội bùn lõm bõm của Nhân. Chiếc thùng dòng xuống nhanh chóng được chất đầy đất đá, được móc vào dây cáp. Giọng Nhân vọng từ dưới: “Kéo lên”. Đạo đứng chờ sẵn phía trên nghe thấy liền đóng cầu dao điện, cuộn dây tời từ từ nặng nhọc kéo lên, chiếc xô tự chế nặng hàng chục kg lắc qua lắc lại dọc thành giếng, từ từ lộ dần ra lớp đá ong óng ánh đen thùi lùi như than cốc. Gã phu giếng ở trong lòng đất đứng nép sát vào khoảng đáy được mở rộng.
“Phải đứng như vậy để tránh trường hợp tuột thùng, đá rơi xuống là mất mạng,” Đạo thủng thẳng nói.

Đánh cược với tử thần
Đào suốt cả buổi sáng, xuyên qua hơn 3 mét đất, đội của Nhân và Đạo mới gặp được mạch nước ngầm. Đến tận lúc này, hai gã trai nhuốm đầy bùn mới thở phào.
Chỉ ra một miệng giếng bỏ hoang cách đó chỉ hơn 10m, Nhân thở dài: “Hai anh em tuần trước đào bên kia, được mười mấy mét thì gặp đá tảng, không phá được nên phải bỏ, chuyển sang bên này. May mà còn có nước.”
Nhắc tới nguy hiểm, mặt Nhân nhăn lại. Gã đưa tay lên xoa vết sẹo trên đỉnh đầu kể: “Năm 2007, tôi cũng xuống đào ở đáy. Lúc tời cáp kéo đất lên thì tay quay bị tuột. Xô đất đá rơi thẳng từ trên xuống thẳng vào đỉnh đầu.”
Gã trai to khỏe khi ấy chỉ kịp đưa cánh tay phải lên đỡ. Trời đất tối sầm lại. Gã ngất đi không còn biết gì. Đến khi tỉnh lại, xương tay đã gãy, đầu lênh láng máu phải khâu hơn chục mũi.
Thông thường, một kíp hai người sẽ được chủ nhà trả công 400.000 đồng cho một mét sâu của giếng. Để chạm “mạch nước”, cả nhóm mất từ 4-5 ngày, đào ở độ sâu 18-20m. Công tuy cao, nhưng những người phu giếng ấy lúc nào cũng phải đánh cược với chính mạng sống của mình.
“May mà trời còn thương nên không chết,” gã lẩm nhẩm như tự nói một mình.
Nhưng với cái nghề cứ ráo mồ hôi là cạn tiền này, Nhân cũng không dám cho mình nghỉ ngơi. Chỉ sau hơn 1 tuần, gã lại ôm cánh tay gãy đi đào. Thậm chí, vợ gã, những ngày rảnh rỗi, cũng cùng chồng đi làm phu giếng để kiếm tiền nuôi cậu con trai năm nay đã vào cấp 1.
“Nghề này cũng chỉ có sống và chết thôi. Cả đất Lâm Hà này, không biết đã có bao nhiêu người chết dưới giếng rồi,” Đạo ngồi bên cạnh thở dài góp chuyện.
Anh Nguyễn Công Đức, người có thâm niên làm phu giếng lâu nhất của xã Tân Văn từ hơn 2 năm nay đã buộc phải “giải nghệ” vì không còn đủ sức khỏe để làm. Trên người anh có tới hàng chục vết thương, dấu tích không thể che đậy được từ những cuộc mưu sinh bên miệng tử thần ngày nào.
Tháng 9/2010, khi đang đào ở độ sâu hai chục mét, tời cáp phía trên bất ngờ bị tuột. Thanh xà beng rơi thẳng đứng xuống dưới. May mắn, anh kịp tránh sang một bên, cây sắt lớn chỉ sượt qua một bên lưng. Một năm sau, Đức không còn tránh được nghiệp của nghề phu giếng nữa. Hơn chục kg đá đổ thẳng vào người từ độ cao hàng chục mét, đánh gãy lưng người đàn ông nhỏ thó.
Nguy hiểm nhất là khi đang đào mà gặp mưa lớn. Anh tâm sự: Cả đời anh sẽ không thể quên được lần suýt mất mạng dưới đáy giếng này.
“Lúc ấy, tôi đang vét bùn dưới đáy thì bỗng thấy nước ồng ộc từ trên đổ xuống, kéo theo đất đá. Nước dâng nhanh, tôi chỉ còn biết cuống cuồng bám theo thành giếng mà lên. Tới được mặt đất thì đất đá cũng lở lấp lưng giếng,” anh Đức nhớ lại.
May mắn, lần đó, hệ thống dây điện không bị hở, nếu không người phu giếng kì cựu này đã không thể trở về.
Chuyện những người nằm xuống dưới đáy đất sâu cũng không phải hiếm gặp ở Lâm Đồng. Người bị đá đè chết. Kẻ bị ngạt khí nên không bao giờ còn nhìn thấy mặt trời. Đến tận bây giờ, chỉ nghĩ tới, anh Đức đã rùng mình.
Nguy hiểm là thế, nhưng những gã phu giếng như Đạo và Nhân đều có lý do để không thể giải nghệ. Như Nhân, vốn từ Phan Rang lên Lâm Đồng mưu sinh, rồi lập gia đình trên cao nguyên khát. Toàn bộ tài sản của gã chỉ là căn nhà bé tẹo trên đỉnh đồi Tân Hà. Không nương rẫy, không đất trồng càphê, gã và vợ buộc phải quăng mình vào những cuộc mưu sinh bên miệng tử thần.
Trầm ngâm một lúc, gã trai đen nhẻm, trụ cột của cả một gia đình nhỏ bỗng thở hắt ra. Phía ngoài, gió cao nguyên lồng lộng, thổi thốc vào gian nhà tuềnh toàng loang lổ bóng tối…
Ngày mai, Nhân lại xuống giếng, gánh đất vá đời…./.

Mưu sinh bên miệng hố tử thần














