Từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/1 đến nay, ngay trong tháng đầu tiên ông đã thể hiện rõ hình ảnh của một tổng thống quyết đoán, có một loạt hành động mạnh mẽ trong các công việc nội bộ và ngoại giao nhằm thực hiện các chính sách mới của mình, khiến Mỹ và các nước trên thế giới phải nhìn ông bằng con mắt hoàn toàn khác.
Nhưng cùng với các chính sách mới tiếp tục được thực hiện, thanh thế của ông dường như dần dần suy yếu, dù sẽ không nhanh chóng kết thúc. Những tác động của nó đối với Mỹ và thế giới cũng sẽ dần nổi lên, cần quan tâm chặt chẽ và có sự đối phó.
1. “Sự đổi mới trong 100 ngày cầm quyền” của Trump
Donald Trump là tổng thống Mỹ có nhiều hành động nhất, cải cách mạnh mẽ nhất, gây tranh cãi nhiều nhất ngay khi bắt đầu lên cầm quyền trong hơn 70 năm qua tính từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt, cũng là tổng thống mới thực hiện được nhiều cam kết nhất trong chiến dịch tranh cử ngay thời kỳ đầu cầm quyền.
Chỉ trong hai tháng, ông đã lần lượt đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, thay đổi hoặc chấm dứt các biện pháp, chính sách của người tiền nhiệm, hoặc có những hành động lớn mới trong chính sách đối nội và đối ngoại, chủ yếu như sau:
Từ khi lên cầm quyền tới nay, đúng như cam kết trong chiến dịch tranh cử, Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được người tiền nhiệm Obama gây dựng với lý do nó làm tổn hại lợi ích quốc gia Mỹ; tuyên bố xây dựng bức tường ngăn cách ở biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ Latinh vào Mỹ, và nói rằng Mexico phải chịu chi phí đó; tuyên bố dừng các biện pháp về mặt hành chính trong chương trình chăm sóc sức khỏe của Obama, muốn Quốc hội nhất trí hủy bỏ “Obamacare”; lần lượt ký hai sắc lệnh cấm công dân một số nước Trung Đông nhập cảnh vào Mỹ; trong cuộc trò chuyện với Thủ tướng Australia, hai người còn xảy ra tranh cãi do vấn đề người tị nạn.
Chỉ trong hai tháng, ông đã lần lượt đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, thay đổi hoặc chấm dứt các biện pháp, chính sách của người tiền nhiệm, hoặc có những hành động lớn mới trong chính sách đối nội và đối ngoại
Nhiều lần Donald Trump lên án kịch liệt các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ, tuyên bố đó là “kẻ thù chung của người dân Mỹ”, ngăn cấm một số phóng viên của các phương tiện truyền thông chính thống vào Nhà Trắng phỏng vấn, chỉ cho phép phóng viên một tờ báo nhỏ đi cùng Ngoại trưởng Rex Tillerson trong chuyến công du châu Á; nhiều lần cáo buộc các nước như Đức, Nhật Bản và Trung Quốc “thao túng tiền tệ” để giành ưu thế thương mại trước Mỹ, khiến thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh; trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) văn bản chỉ trích chính sách bảo hộ không công bằng của Nhật Bản về các sản phẩm nông nghiệp. Tổng thống Mỹ phê phán Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là lỗi thời, sau đó mặc dù nhấn mạnh tiếp tục ủng hộ NATO nhưng tiếp tục yêu cầu các nước đồng minh trong NATO tăng chi tiêu quân sự, gánh vác nhiều trách nhiệm hơn; trình lên kế hoạch ngân sách liên bang mới, tăng 10% ngân sách quốc phòng, đồng thời cắt giảm trên quy mô lớn chi tiêu cho ngoại giao, viện trợ phát triển quốc tế, tài trợ Liên hợp quốc, bảo vệ môi trường, nghiên cứu y học và văn hóa; lần lượt điện đàm với lãnh đạo hơn 30 quốc gia; phó tổng thống, thứ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng trong Chính quyền Trump đã có các chuyến công du châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

2. “Các chính sách gây hỗn loạn” của Trump
Trong hơn 2 tháng cầm quyền, Trump đã gây ra những sự kinh ngạc lớn và phản ứng mạnh mẽ ở trong và ngoài nước Mỹ, đồng thời cũng gây những tranh cãi và hỗn loạn lớn ở Mỹ và trên thế giới. Khá nhiều người cho rằng không phải Trump đang thực hiện “chính sách mới” mà là “chính sách gây hỗn loạn”, làm cho nước Mỹ và thế giới xuất hiện tình trạng rối ren và đầy tính khó đoán định.
Một là sắc lệnh cấm người Hồi giáo nhằm ngăn chặn công dân 7 nước Trung Đông nhập cảnh vào Mỹ, gây ra tình trạng hỗn loạn ở rất nhiều sân bay của Mỹ và thế giới. Nhiều người đã nhận được visa của Mỹ, mua vé máy bay, thậm chí chuẩn bị lên máy bay bị cấm quay trở về Mỹ, các công ty hàng không, sân bay, cơ quan kiểm tra ở biên giới Mỹ xảy ra tình trạng hỗn loạn, làm dấy lên sự chỉ trích và bất mãn rộng rãi.
Hai là các biện pháp, chính sách về công việc nội bộ và ngoại giao của Trump vấp phải sự chỉ trích và phản đối tương đối gay gắt ở trong và ngoài nước, dẫn đến sự căng thẳng thậm chí đối lập trong quan hệ với một số nước. Hành động xây dựng “bức tường ngăn cách”, đồng thời yêu cầu Mexico phải chịu chi phí của Trump đã vấp phải sự chỉ trích và phản đối của chính phủ và người dân Mexico, tổng thống nước này đã hủy chuyến thăm Mỹ. Những phát ngôn phê phán NATO lỗi thời đã gây ra nỗi lo ngại ở các nước đồng minh, chủ trương yêu cầu các nước đồng minh tăng chi tiêu quân sự đã vấp phải sự tẩy chay của các nước này. Chủ trương bảo hộ thương mại làm cho cả thế giới lo ngại về triển vọng phát triển kinh tế và trật tự kinh tế thế giới và “cuộc chiến thương mại” với Mỹ có thể là khó tránh khỏi.
Khá nhiều người cho rằng không phải Trump đang thực hiện “chính sách mới” mà là “chính sách gây hỗn loạn”, làm cho nước Mỹ và thế giới xuất hiện tình trạng rối ren và đầy tính khó đoán định.
Ba là gây ra tình trạng hỗn loạn ở trong nước, nội bộ chính phủ. Các chính sách, biện pháp đối với Obamacare, lệnh cấm Hồi giáo, dự toán ngân sách và các phương tiện truyền thông chính thống không những vấp phải sự phản đối và tẩy chay của các nghị sỹ đảng Dân chủ mà còn vấp phải sự chỉ trích của các nhà lãnh đạo và thành viên chủ chốt trong đảng Cộng hòa. Quan chức chủ chốt đầu tiên, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn được Trump lựa chọn sau khi trúng cử đã từ nhiệm sau chưa đầy một tháng, trở thành quan chức cấp cao có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ cho đến nay.
Bốn là mối quan hệ cực kỳ căng thẳng, thậm chí đối lập giữa Chính quyền Trump và các phương tiện truyền thông chính thống, tạo thành bầu không khí chỉ trích, đổ lỗi và công kích lẫn nhau, đây là điều rất hiếm trong lịch sử Mỹ.
Ngay ngày đầu tiên sau khi Trump trúng cử, người dân Mỹ liên tục biểu tình, tuần hành, phản đối Trump và các biện pháp, chính sách của ông trên khắp đất nước.
Ngay khi chưa chính thức lên cầm quyền mà đã có nhiều người dân phản đối như vậy là điều ít thấy trong lịch sử Mỹ, tỷ lệ ủng hộ của người dân khi tổng thống vừa lên cầm quyền cũng dường như thấp nhất trong lịch sử.

3. Xu hướng cầm quyền của Trump
Dựa vào ý chí, tư tưởng, xu hướng chính sách và phong cách cá nhân của Trump, ông chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục có các chính sách mới. Tuy nhiên cùng với các chính sách mới liên tục được triển khai, sự kiềm chế đối với Chính quyền Trump ở trong và ngoài nước cũng sẽ tăng lên, các chính sách mới của Trump có thể đi bao xa vẫn là điều rất khó đoán định, cũng không lạc quan, nhưng nó đã gây những ảnh hưởng rất lớn đối với Mỹ và thế giới, trong thời gian tới vẫn có thể tiếp tục tăng mạnh.
Thứ nhất, Chính quyền Trump chịu sự ràng buộc về mặt chế độ nghiêm ngặt ở trong nước. Mỹ là một quốc gia và xã hội rất hoàn thiện và ổn định, có chế độ hoàn chỉnh, nghiêm ngặt trong các phương diện chính trị, kinh tế, nội chính và ngoại giao, tất cả mọi người kể cả tổng thống và các thành viên chính phủ đều không thể phá vỡ. Chế độ và sự kiềm chế này đến từ thể chế “tam quyền phân lập, đối trọng lẫn nhau” giữa quốc hội, hệ thống tư pháp và các cơ quan hành pháp, cũng đến từ sự kiềm chế về mặt xã hội như phương tiện truyền thông, nhóm lợi ích và công chúng. Tổng thống Trump và chính phủ cầm quyền điều hành chính phủ trong khuôn khổ chế độ có lịch sử lâu đời, hệ thống hoàn chỉnh và hoàn thiện, quyền tự do có hạn, các hành động cũng chịu sự hạn chế.
Trump đã chịu sự ràng buộc nghiêm ngặt của thể chế này, thậm chí vấp phải trắc trở. “Lệnh hạn chế người Hồi giáo” đầu tiên đã bị thẩm phán toà án liên bang ở Seattle phủ quyết. Trump và chính phủ rút kinh nghiệm, thận trọng hơn trong sửa đổi nội dung của lệnh cấm nhập cư đầu tiên. Nhưng sau khi công bố “lệnh cấm người Hồi giáo” lần thứ hai, lại vấp phải sự phủ quyết của hai thẩm phán tòa án liên bang ở Hawaii và Maryland, sắc lệnh tổng thống không được thực hiện đầy đủ.
Các chính sách mới của Trump có thể đi bao xa vẫn là điều rất khó đoán định, cũng không lạc quan, nhưng nó đã gây những ảnh hưởng rất lớn đối với Mỹ và thế giới.
Thẩm phán tòa án liên bang có thể chống lại sắc lệnh tổng thống, đây chính là chế độ của Mỹ. Trump vô cùng tức giận, chỉ thị cho Bộ Tư pháp liên bang gửi đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang/tòa án lưu động, nhưng lại bị tòa án bang San Francisco/tòa án lưu động bác bỏ.
Chính quyền Trump quyết định trình lên toà án tối cao liên bang, nhưng triển vọng không mấy lạc quan. Sự việc này chịu sự kiềm chế của ba yếu tố: Một là tòa án tối cao có quyết định thụ lý hay không; hai là cho dù tòa án tối cao cuối cùng quyết định thụ lý, thời gian sẽ kéo dài; ba là phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao chưa chắc có lợi cho Chính quyền Trump.
Sự kiềm chế của Quốc hội Mỹ chỉ mới vừa bắt đầu. Lưỡng viện Mỹ hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, nhưng trong chiến dịch tranh cử, lãnh đạo và các thành viên chủ chốt của đảng này đều tẩy chay Trump, có người thậm chí yêu cầu ông rút lui. Trump và các thành viên của đảng Cộng hòa vừa có lập trường chung vừa có khá nhiều bất đồng lớn trong phương diện tăng cường trang bị quân sự, cắt giảm thuế, thay đổi những cải cách y tế của Obama, thúc đẩy doanh nghiệp và kinh tế phát triển.
Chẳng hạn như các thành viên của đảng Cộng hòa đều nhất trí cắt giảm thuế, giảm chi tiêu chính phủ, nhưng cụ thể giảm, tăng thêm cái gì trong ngân sách vì nó còn liên quan đến lợi ích của khu vực bầu cử mà họ đại diện. Đảng Cộng hòa cũng chủ trương tăng cường kiểm soát an ninh và biên giới, nhưng nhiều thành viên của đảng này không ủng hộ việc công khai hạn chế người dân một số quốc gia Hồi giáo.
Trump lên cầm quyền vẫn chưa lâu, lãnh đạo đảng Cộng hòa và các nghị sĩ tạm thời vẫn còn khá khách khí, kiềm chế đối với tổng thống mới, nhưng thời gian qua đi, quốc hội sẽ phải thảo luận, tranh luận nhiều hơn về các dự luật lớn như ngân sách, chi tiêu, sự “chăm sóc” như vậy của thành viên đảng Cộng hòa đối với Trump sẽ không kéo dài. Ngày 24/3, Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Paul Davis Ryan gặp nhau, đã buộc phải tạm thời từ bỏ việc thông qua “Luật bảo hiểm y tế mới” tại quốc hội để thay thế Obamacare, nguyên nhân là tất cả thành viên của đảng Dân chủ tại Hạ viện kiên quyết phản đối, 32 nghị sĩ đảng Cộng hòa bày tỏ phản đối hoặc không tham gia bỏ phiếu, như vậy Hạ viện không thể giành được đa số phiếu để thông qua dự luật. Nghị trình lập pháp lớn đầu tiên của Trump và đảng Cộng hòa trong phương diện chính sách đối nội đã vấp phải thất bại.
Ngoài ra, đảng Dân chủ chiếm thiểu số trong quốc hội cũng không phải là hoàn toàn không thể làm gì. Đặc biệt tại Thượng viện, tỷ lệ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là 42:48, đảng Cộng hòa cần trên 60 số phiếu ủng hộ khi đưa ra biểu quyết về những vấn đề lớn. Vì vậy, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện có khả năng phủ quyết những sáng kiến lớn của Trump.
Thứ hai, Trump chịu sự kiềm chế của giới tinh hoa và dư luận xã hội Mỹ. Trump trúng cử và lên cầm quyền với khẩu hiệu “chống lại thể chế, chống lại giới tinh hoa”, có vẻ như hiện nay ông vẫn đang tiếp tục đường hướng này. Phần đông giới chính trị và tinh hoa Mỹ vẫn phản đối Trump và nhiều chủ trương chính sách của ông, khi họ một đối một thì quyền lực không bằng tổng thống nhưng khi kết hợp với nhau thì vai trò và ảnh hưởng vẫn rất lớn. Những tinh hoa trong thể chế này bao gồm nghị sĩ quốc hội, thẩm phán, nhân viên chính phủ, các nhà doanh nghiệp lớn và chuyên gia, học giả.
Trump có thể gây một số bất lợi cho các phương tiện truyền thông chính thống, nhưng họ cũng có thể liên tục bôi nhọ, bới móc, tiết lộ các bê bối của ông.
Giới tinh hoa trong chính phủ bao gồm cơ quan điều tra liên bang, cơ quan an ninh quốc gia, cơ quan tình báo trung ương, đều có đủ khả năng, biện pháp gây trở ngại cho tổng thống, Trump đã nếm đủ cay đắng của điều này và vô cùng tức giận, nhưng không thể làm gì cả.
Ví dụ như các tin tức về “vụ bê bối liên quan tới Nga” trong thành viên nội các của Trump, các cố vấn chủ chốt và bản thân tổng thống được cơ quan tình báo, an ninh liên tục tiết lộ, các cuộc điều tra liên tục của cơ quan an ninh và quốc hội đối với vấn đề này là một đòn giáng và thất bại lớn đối với Chính quyền Trump.
Trump luôn ở trong tình trạng đối lập, đối kháng với các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ. Sau khi lên cầm quyền, ông cáo buộc các phương tiện truyền thông chính thống là “kẻ thù của người dân”. Trump có thể gây một số bất lợi cho các phương tiện truyền thông chính thống, nhưng họ cũng có thể liên tục bôi nhọ, bới móc, tiết lộ các bê bối của ông. Vị trí, vai trò và ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông chính thống không biến mất, vẫn có thể tiếp tục gây phiền phức cho Chính quyền Trump.
Thứ ba, sự kiềm chế về mặt quốc tế. Mỹ là siêu cường hùng mạnh nhất thế giới, chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ đương nhiên có ảnh hưởng lớn tới thế giới. Bên cạnh đó, bây giờ không phải là thời đại Mỹ có thể thao túng thế giới, các nước trên thế giới cũng có khả năng kiềm chế không nhỏ xu hướng chính sách của chính phủ mới của Mỹ. Trump đã để lại cho người ta ấn tượng rằng ông là người phản đối toàn cầu hóa, thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và các nước đồng minh, nhưng ông không thể đi quá xa trên các phương diện này.
Khuynh hướng chống lại đồng minh của ông đã buộc phải thay đổi, Mỹ không thể hoàn toàn rút khỏi các tổ chức đa phương, nước Mỹ rời bỏ thương mại tự do và toàn cầu hóa cũng không thể sinh tồn và phát triển. Vì vậy, xu hướng và chủ trương này của ông đã vấp phải sự tẩy chay và phản đối lớn ở trong và ngoài nước.

4. Những tác động từ các chính sách mới của Trump
Xu thế đưa ra các chính sách mới của Trump đã đang dần giảm nhưng sẽ không mất đi. Chính phủ mới của Mỹ vẫn có thể và khả năng áp dụng một số chính sách, biện pháp quan trọng ở một số phương diện công việc đối nội và đối ngoại, chúng chắc chắn sẽ có tác động tương đối lớn tới Mỹ và thế giới.
Về các vấn đề đối nội, chương trình nghị trình tiếp theo của Trump là đưa ra bản ngân sách mới, quy hoạch cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD, cắt giảm thuế, sửa đổi luật tài chính và Obamacare. Mỗi một nghị trình này đều không phải là việc dễ dàng, chắc chắn sẽ dẫn đến tranh cãi lớn, có thể vấp phải sự tẩy chay và phản đối kịch liệt, cuối cùng có thể có bao nhiêu phần trăm thành công, thay đổi ở mức độ nào là rất khó đoán định.
Trong những chương trình lớn, việc cắt giảm thuế có thể tương đối dễ thực hiện. Nhưng cắt giảm thuế sẽ làm giảm chi tiêu của chính phủ liên bang nên cũng không phải là việc dễ dàng. Mọi người đều nhất trí với việc chi tiền để tăng cường cơ sở hạ tầng, nhưng nguồn vốn là một vấn đề nan giải. Việc sửa đổi hai dự luật lớn về tài chính và y tế được quốc hội thông qua dưới thời Chính quyền Obama đều vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ đảng Dân chủ.
Thời gian còn lại cho Trump không nhiều, đảng Cộng hòa khó có thể duy trì đa số phiếu tại Lưỡng viện trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2018, và một khi không còn chiếm đa số tại thượng viện hay hạ viện, mức độ khó khăn trong việc điều hành chính phủ của Trump trong vài năm tới sẽ không thua kém Obama.
Xu hướng của các công việc nội bộ ngày càng gặp khó khăn hơn, chịu nhiều sự kiềm chế nên Trump chỉ có thể tập trung sức lực nhiều hơn vào vấn đề ngoại giao. Đây là con đường hầu như tất cả các đời tổng thống Mỹ đều trải qua vì tổng thống có quyền lực và ưu thế này. Hiến pháp và chế độ Mỹ quy định trao quyền phụ trách các vấn đề đối nội cho quốc hội, chứ không phải tổng thống và các cơ quan hành pháp dưới sự lãnh đạo của tổng thống, nhưng lại giao quyền điều hành các vấn đề ngoại giao cho tổng thống.
Với tư cách là nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tổng thống có quyền hạn và khả năng hành động rộng lớn trong vấn đề ngoại giao và an ninh, quốc hội, hệ thống tư pháp có một số kiềm chế, nhưng khó có thể thực sự và kịp thời thực thi. Do đó có thể dự đoán rằng cùng với mức độ khó khăn khi điều hành các vấn đề trong nước tăng lên, nếu Tổng thống Trump muốn phát huy vai trò hơn nữa thì nhiều khả năng nó chỉ được thể hiện trên phương diện an ninh và ngoại giao.
Trump luôn muốn cải thiện quan hệ với Nga, nhưng liệu có thể vượt qua sự hạn chế của tư duy chống Nga phổ biến, tồn tại trong thời gian dài và lớn mạnh ở trong nước hay không là một vấn đề lớn, cộng với trên đầu ông vẫn treo lơ lửng thanh gươm của Damocles do dính vào bê bối liên quan đến Nga nên Trump phải rất thận trọng trong quan hệ với Nga.

Quan hệ kinh tế-thương mại với bên ngoài là lĩnh vực Trump có khả năng phát huy vai trò của mình trong thời gian cầm quyền. Tổng thống có quyền chấm dứt một số cuộc đàm phán và hiệp định thương mại, có quyền thực hiện các cuộc đàm phán mới, ký kết thỏa thuận mới, tất nhiên, có một số cuối cùng phải được thượng viện phê chuẩn. Trump bày tỏ ông phản đối các hiệp định và cuộc dàn xếp thương mại đa phương, có hứng thú hơn với các cuộc đàm phán và hiệp định song phương vì Mỹ có thế mạnh nhất, có thể đặt ra nhiều yêu cầu hơn để buộc đối phương nhượng bộ trong các mối quan hệ song phương.
Do đó có thể dự đoán cùng với việc Chính quyền Trump từ bỏ, sửa đổi một số sự sắp đặt thương mại đa phương, Mỹ sẽ tiến hành nhiều cuộc đàm phán thương mại song phương, trong đó có với Anh, Nhật Bản, Trung Quốc; và trong các cuộc đàm phán, Mỹ sẽ kiên định lợi ích và yêu cầu của mình, gây áp lực và mối đe dọa cho các nước khác, buộc các nước khác phải có những nhượng bộ nhiều hơn và lớn hơn.
Trong vấn đề Trung Đông và Triều Tiên, Trump muốn có lập trường và chính sách cứng rắn hơn, nhưng vẫn có thể phải chịu hạn chế. Trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc xung đột Palestine-Israel, lập trường của Chính quyền Trump đã dịu đi. Trump tuyên bố sẽ giáng đòn nặng nề vào các thế lực khủng bố Hồi giáo, nhưng liệu Mỹ sẽ trực tiếp tấn công hay gửi lực lượng bộ binh đến? E rằng cuối cùng chỉ là tăng cường hỗ trợ cho “các nước ở tuyến đầu” như Iraq mà thôi.
Đối với Triều Tiên, Ngoại trưởng Tillerson nói rằng chính sách của Mỹ trong 20 năm qua đã thất bại, nhưng liệu Chính quyền Trump có thể có bất kỳ chính sách mới nào? Có lẽ không ngoài gia tăng biện pháp trừng phạt và răn đe quân sự, và yêu cầu Trung Quốc trừng phạt Triều Tiên toàn diện, đầy đủ. Đồng thời, không loại trừ khả năng Tổng thống Trump với cá tính nổi bật, muốn chơi trội có thể áp dụng hành động quân sự mạnh mẽ với Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc, Trump biết rõ việc muốn thay đổi và trao đổi “chính sách một nước Trung Quốc” là không khả thi, Trung Quốc cần giữ cảnh giác đối với việc Chính phủ Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, phát triển quan hệ chính thức với Đài Loan. Một mâu thuẫn lớn, lĩnh vực xung đột tiếp theo giữa Trung Quốc và Mỹ có khả năng là kinh tế và thương mại.
Lời hứa của Trump trong chiến dịch tranh cử, rằng vào ngày đầu tiên lên cầm quyền sẽ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, tăng thuế xuất khẩu sang Mỹ lên 45% có vẻ như rất khó trở thành chính sách. Nhưng áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại chắc chắn sẽ tăng lên, mâu thuẫn, va chạm giữa hai nước trong lĩnh vực này sẽ tăng lên.
Biển Đông – một lĩnh vực khác trong mâu thuẫn, đối lập giữa Trung Quốc và Mỹ – có thể có diễn biến căng thẳng hơn. Chính quyền Trump sẽ không tiếp tục sử dụng cụm từ “tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, nhưng không có nghĩa là không tiếp tục quan tâm tới khu vực này, không có nghĩa rằng Mỹ sẽ thay đổi sự kiềm chế và phòng ngừa Trung Quốc, Biển Đông là một lĩnh vực quan trọng để thực hiện chiến lược này./.
