Chủ nghĩa dân túy

populism-1490373475-74.gif

Brexit, Donald Trump đắc cử tổng thống, “Ai sẽ là người tiếp theo?” của nước Pháp? Lẽ tất nhiên, các bối cảnh quốc gia mang tính đặc thù và khác nhau giữa các nước; song không thể không liên hệ cuộc bầu cử ở Mỹ ngày 8/11/2016 với cuộc trưng cầu ý dân ở Anh ngày 23/6/2016. Tất nhiên, cũng tồn tại những nét đặc thù chung giữa Mỹ và Anh, khiến hai nước này khác biệt với châu Âu: Hai nước đều chứng kiến sự ra đời của cuộc cách mạng tân tự do vào những năm 1980 cùng với việc Ronald Reagan và Margaret Thatcher lên nắm quyền; đều chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính làm rung chuyển Trung tâm tài chính Phố Wall và Trung tâm tài chính London; ngoài ra, hai nước đều hứng chịu các cú sốc xã hội nặng nề hơn nhiều so với những nơi khác nói chung và so với các nước châu Âu lục địa nói riêng.

Tuy nhiên, từ hơn 25 năm qua, công dân của các nền dân chủ phương Tây nhìn chung đã bày tỏ sự ngờ vực ngày càng tăng đối với các thể chế và giới tinh hoa chính trị của nền dân chủ quốc gia của họ, và một cách khái quát hơn, đối với giới lãnh đạo hay hệ thống của họ (dù trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, truyền thông hay tri thức); cảm giác bị gạt ra ngoài lề xã hội (nghèo đói, bị sa thải…) của “những người thua thiệt” trong tiến trình mở cửa kinh tế quốc tế đã không chỉ giới hạn ở Vành đai công nghiệp Rust Belt của Mỹ và Vành đai công nghiệp West Midlands của Anh, và cũng tồn tại trong nhiều nước trên lục địa Âu; cảm giác đó không chỉ tồn tại ở các tầng lớp bình dân ở những vùng ngoại vi nghèo khổ nhất, nó còn là nỗi sợ bị tụt hạng của những tầng lớp trung lưu lo lắng cho tương lai của họ và con cái họ; cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, vấn đề kiểm soát các luồng di cư là trọng tâm của cuộc thảo luận công khai về chủ đề an ninh và bản sắc của nhiều nước châu Âu.

Phương Tây đang chứng kiến một “thời kỳ dân túy” và châu Âu lục địa cũng không thoát khỏi quy luật này. Lập luận trọng tâm của bài viết này là các hình thức dân túy khác nhau – nuôi dưỡng một giọng điệu hoài nghi châu Âu, thậm chí chống châu Âu – đều dẫn tới một cuộc khủng hoảng chủ nghĩa tự do mà chúng ta cần phải vượt qua nó nếu không muốn các xã hội của chúng ta khép lại với thế giới hiện đại.

Lãnh đạo đảng độc lập của Anh Nigel Farage mang tấm biển kêu gọi rời Liên minh Châu Âu
Lãnh đạo đảng độc lập của Anh Nigel Farage mang tấm biển kêu gọi rời Liên minh Châu Âu

Chủ nghĩa dân túy và cuộc khủng hoảng chủ nghĩa tự do

“Chủ nghĩa dân túy” là gì: chống giới tinh hoa, chống dân chủ hay chống tự do?

Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và tư tưởng bài châu Âu tồn tại dưới nhiều hình thái khác nhau, phát triển ở nhiều nhà nước thành viên EU, song chúng đều được gọi với ngôn từ hoa mỹ là “dân túy”. Những người bị cáo buộc có tư tưởng dân túy nói rằng chủ nghĩa dân túy không chỉ là một thuật ngữ hay một cách nói hoa mỹ được giới tinh hoa sử dụng để bác bỏ với sự miệt thị tiếng nói của người dân. Nó phù hợp với một thực tế lịch sử và đương thời với những nét đặc trưng phổ biến đã được biết tới.

Chủ nghĩa dân túy trước hết khiến chúng ta nghĩ tới việc lên án giới tinh hoa – trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, truyền thông và tri thức – vì đã tước đoạt quyền lợi và phản bội ý chí của người dân, nền tảng duy nhất có giá trị của một chính quyền hợp pháp. Nhưng người dân được nói tới ở đây cụ thể là ai? Theo ngôn từ dân túy, người dân được xác định hoặc dựa trên cơ sở xã hội học so với một số nhóm xã hội đặc thù, hoặc dựa trên cơ sở dân tộc chủ nghĩa, và dù dựa trên cơ sở nào, việc xác định đó cũng diễn ra trong xu hướng cực đoan hóa và trầm trọng hóa những khác biệt vốn được xem như là xa lạ với người dân: Về mặt đạo đức, đó là những người chống lại những kẻ tham nhũng; về mặt chính trị và kinh tế-xã hội, đó là những người cáo buộc giới tinh hoa; và về mặt sắc tộc, đó là những người chống lại người nước ngoài. Cuối cùng, từ đó người dân được huy động để làm sống lại một tình cảm suy tàn về sự đại diện và bản sắc.

Vậy giới tinh hoa được nói tới ở đây là ai? Phải chăng 16 triệu người dân Vương quốc Anh đã bỏ phiếu để ở lại EU đều thuộc về cái gọi là giới tinh hoa này? Nếu là như vậy thì tiến bộ của xã hội Anh quả là ngoại lệ! Ở Mỹ, đa số người dân Mỹ đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton – vậy phải chăng họ cũng thuộc giới tinh hoa? Còn đa số cử tri da đen và gốc Tây Ban Nha bỏ phiếu cho nữ ứng cử viên đảng dân chủ không phải là một bộ phận nhân dân hay sao? Phải chăng Donald Trump không nằm trong giới tinh hoa kinh tế? Phải chăng một số đông đảo những người tự nhận là ứng cử viên của nhân dân thực sự ở Pháp không thuộc giới tinh hoa mà chính họ lên án?

Nói lên điều đó không có nghĩa là giới tinh hoa đang nắm quyền không cần tính đến những mối bận tâm và đáp ứng một cách hiệu quả những mong đợi của các công dân và đặc biệt của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị bỏ quên, mà cũng còn cả những người thuộc tầng lớp trung lưu vốn lo sợ bị đẩy xuống tầng lớp dưới của xã hội. Điều đó cũng không có nghĩa là không cần đáp ứng đòi hỏi mạnh mẽ về uy tín và năng lực trong các nền dân chủ của chúng ta. Cuối cùng, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không có quyền yêu cầu giới tinh hoa và tất cả những người quyết định và hành động nhân danh chúng ta phải trở thành những tấm gương.

Chủ nghĩa dân túy khiến người ta liên tưởng tới một trong những mâu thuẫn chủ yếu trong lòng chế độ dân chủ giữa nguyên tắc quyền tối cao thuộc về nhân dân và nguyên tắc tự do.

Ngoài đặc tính chống chủ nghĩa tinh hoa này, chủ nghĩa dân túy còn là một trào lưu chống đa nguyên. Thực vậy, kèm theo sự phê phán chủ nghĩa dân túy của tầng lớp tinh hoa là ý đồ giữ độc quyền đại diện cho ý chí của người dân “đích thực” (Trump tuyên bố: “Tôi là tiếng nói của các bạn”). Vậy mà, quyền tự do của người dân chính là họ không bị bắt làm con tin trước khi được phát biểu ý kiến, và nền dân chủ đòi hỏi chế độ đa nguyên; từ đó, một số người kết luận rằng “chủ nghĩa dân túy thậm chí còn có xu hướng chống dân chủ” và nó không nhất thiết được đề cập đến như một “yếu tố điều chỉnh hữu ích” đối với nền dân chủ tự do.

Cuối cùng, chủ nghĩa dân túy khiến người ta liên tưởng tới một trong những mâu thuẫn chủ yếu trong lòng chế độ dân chủ giữa nguyên tắc quyền tối cao thuộc về nhân dân và nguyên tắc tự do. Chính vì sự kết nối gây tranh cãi và luôn bất ổn này mà các nhà dân túy đã rút ra được những chỉ trích từ những đối trọng quyền lực ở ngay trong lòng chủ nghĩa tự do chính trị. Chẳng hạn, tờ The Daily Mail ngày 4/11/2016 đã gọi ba thẩm phán của Tòa án tối cao London là “kẻ thù của nhân dân” sau phán quyết được đưa ra về sự chấp thuận cần thiết của Nghị viện Anh để khởi xướng tiến trình Anh ra khỏi EU.

Thế nhưng, cần phải nhắc lại rằng nền dân chủ không chỉ dựa trên tính chính đáng của người dân, mà còn dựa trên các tính chính đáng khác. Thậm chí các thể chế có tính hợp pháp dân chủ trực tiếp hay gián tiếp không thể nắm độc quyền về tài sản công trong các nền dân chủ lập hiến. Tương tự, cho rằng chỉ có trưng cầu ý dân mới là biểu hiện của dân chủ sẽ dẫn đến việc đơn giản hóa quá mức cái được gọi là dân chủ. Thật vậy, phục tùng công luận có thể khiến chính phủ thông qua các quyết định ngắn hạn, đi ngược lại lợi ích chung. Nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa lập hiến tự do trong các nền dân chủ ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc là các thể chế độc lập phải là những rào cản chống lại sự lạm dụng quyền lực của một chính quyền dù được bầu ra một cách dân chủ để bảo vệ quyền lợi của thiểu số. Lịch sử đã dạy chúng ta không nên cho rằng bất cứ hành động nào của chính quyền dân bầu đều chính đáng. Các thể chế độc lập là một bộ phận cấu thành nên các nền dân chủ của chúng ta và của nhà nước pháp quyền.

Hàng trăm người tham gia biểu tình phản đối các chính trị gia tham nhũng tại Paris, Pháp ngày 19/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàng trăm người tham gia biểu tình phản đối các chính trị gia tham nhũng tại Paris, Pháp ngày 19/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự đa dạng của các chủ nghĩa dân túy quốc gia

Sự hồi sinh của chủ nghĩa dân túy là một biểu hiện rất mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng chính trị ở châu Âu và đặc biệt của cuộc khủng hoảng chủ nghĩa tự do. Các cuộc bầu cử quốc gia ở Đan Mạch, Phần Lan, Hungary, Ba Lan, Áo, Pháp, Italy và Vương quốc Anh khẳng định sức mạnh của các đảng cực hữu và của các chủ nghĩa dân túy vốn áp đặt trong cuộc thảo luận công khai một giọng điệu mang màu sắc của chủ nghĩa bảo hộ về kinh tế, văn hóa và bản sắc.

Cần nhận rõ rằng những diễn biến này có những lý do khác nhau ở mỗi nước và chủ nghĩa dân túy tồn tại dưới nhiều hình thức: Giữa sự trở lại của những thực tại và những khát vọng mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa ở Trung Âu, đôi khi dưới hình thái của một chủ nghĩa dân túy quốc gia độc đoán và “tự do”, như trường hợp hiện tại ở Hungary, Ba Lan, hay những tác động của sự phát triển dân số của các xã hội ngày càng già hóa ở Bắc Âu, dường như khó có thể tìm thấy những sự đồng nhất.

Còn ở các nước Nam Âu sở dĩ phe cực hữu yếu ớt hơn chính là vì các nước này được bảo vệ bởi ký ức về những thử nghiệm độc tài – chúng biến cử tri đoàn thành những công cụ của các thế lực độc tài kìm hãm sự phát triển cho dù các đảng dân túy cánh tả (như Đảng Podemos ở Tây Ban Nha, đảng Syriza ở Hy Lạp) đã thắng cử trong bối cảnh những khó khăn xã hội gắn với khủng hoảng kinh tế.

Như vậy, ký ức chính trị là một hiện tượng đáng kể cho dù trường hợp của Hy Lạp dường như chỉ ra rằng ký ức này không phải là một sự đảm bảo đầy đủ.

Nền dân chủ tự do trước nguy cơ chủ nghĩa dân túy

Xét trên khía cạnh kinh tế, sự trở lại của chủ nghĩa dân túy gắn liền với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 2008, trong bối cảnh các đảng cực hữu ở châu Âu ngày càng trở thành “người phát ngôn” cho sự bất mãn và nổi giận xã hội vốn không được chú ý tới trong một thời gian dài, điều này giải thích sự phát triển mạnh mẽ cử tri đoàn của họ.

Xa hơn nữa, sự trở lại của chủ nghĩa dân túy đi liền với cảm giác bất ổn về kinh tế và nỗi lo sợ tiến trình toàn cầu hóa cũng như sự xáo trộn bản sắc mà công luận đã cảm nhận thấy trong bối cảnh mở cửa quốc tế và phát triển xã hội hội “hậu công nghiệp” kể từ 25 năm qua. Toàn cầu hóa kinh tế đã gây ra những tác động đi theo hướng thu mình lại – một xu hướng được tăng cường trong các giai đoạn khủng hoảng: trên lĩnh vực đối nội, đó là thái độ thù địch với người nước ngoài và sự trở lại giọng điệu bài ngoại ở một số nước muốn tìm “vật hy sinh”, đổ lỗi cho những người nước ngoài gây ra những căn bệnh kinh tế và xã hội, kể cả tình trạng mất an ninh; về đối ngoại, đó là sự trở lại của việc kiểm soát các biên giới quốc gia, được cổ vũ bởi cuộc khủng hoảng người di cư, và hơn nữa bởi các cuộc tấn công khủng bố, sự trở nên cứng rắn của các xã hội biểu hiện qua ý chí chống lại các làn sóng nhập cư từ phía Đông và phía Nam.

Tiếp đó, trên khía cạnh văn hóa, sự trở lại của chủ nghĩa dân túy ở các nước có nền kinh tế phát triển thịnh vượng (chẳng hạn các nước Bắc Âu) được thể hiện dưới hình thức di sản và điều này có thể được lý giải bởi những biểu hiện đầu tiên của các xã hội ngày càng già hóa với nét đặc trưng không chỉ là những nỗi lo sợ về kinh tế, mà nói đúng hơn còn về văn hóa gắn với sự thay đổi một môi trường trong đó họ không nhất thiết được thừa nhận, điều này một lần nữa giải thích tầm quan trọng của đề tài tranh luận về vị trí của các tôn giáo, đặc biệt là đạo Hồi, và của việc thực hành các tín ngưỡng trong các xã hội châu Âu.

Sự trở lại của chủ nghĩa dân túy đi liền với cảm giác bất ổn về kinh tế và nỗi lo sợ tiến trình toàn cầu hóa cũng như sự xáo trộn bản sắc mà công luận đã cảm nhận thấy trong bối cảnh mở cửa quốc tế và phát triển xã hội hội “hậu công nghiệp” kể từ 25 năm qua.

Cuối cùng, về mặt chính trị, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều triệu chứng của một cuộc khủng hoảng các nguyên tắc của nền dân chủ tự do và của nhà nước pháp quyền: Sự bất mãn của nhiều công dân trước các vụ tai tiếng về tài chính và thuế cũng như các vụ tham nhũng, điều này góp phần làm tăng thêm giọng điệu dân túy trong những lời chỉ trích chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế truyền thống của xã hội; sự phát triển những quan điểm theo đó vấn đề an ninh là điều quan trọng nhất và nhân danh nó người ta đã hy sinh những nền tảng của các quyền tự do khác và các quyền căn bản bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Nói rõ hơn, sự trở lại của các chủ nghĩa dân túy cho thấy một cuộc khủng hoảng tính đại diện thể hiện dưới ít nhất hai hình thức khác nhau. Một mặt, “hệ thống” đại diện truyền thống không phản ánh được sự rạn nứt cũ và mới thể hiện trong xã hội, nhưng không nhất thiết bộc lộ ra trong các cuộc bầu cử. Trong bối cảnh này, khi nhiều công dân có cảm tưởng rằng sự luân phiên cổ điển, thậm chí sự liên danh lưỡng đảng giữa các đảng cánh hữu và cánh tả đã không thể làm thay đổi một nguyên trạng bị cho là không thể chấp nhận được, thì các đảng dân túy, thậm chí cực đoan, xuất hiện như một nhân tố phá vỡ hệ thống lưỡng đảng và hệ thống chính trị truyền thống và tỏ ra là giải pháp chính trị duy nhất có thể.

Nếu như EU không nhất thiết là một điều kiện tồn tại của các chủ nghĩa dân túy này, thì ngược lại nó lại làm trầm trọng thêm những khó khăn mang trong nó: mối quan hệ với nền dân chủ đại diện, bản sắc và cộng đồng, mối quan hệ biện chứng giữa mở cửa và đóng cửa, giữa tự do và an ninh… Từ quan điểm này, những yếu kém của châu Âu hiện nay có thể được xem không phải như là những yếu tố khởi động mà như là những yếu tố làm tăng những đòi hỏi trong các nền dân chủ, đặc biệt việc tìm kiếm bản sắc, yêu cầu bình đẳng và công bằng xã hội, bảo trợ kinh tế và đảm bảo an ninh.

Xem xét lại chủ nghĩa tự do

Nền dân chủ tự do: một chế độ mở cho sự phê bình

Nếu tiếp tục logic này, việc xác định lại một dự án chính trị châu Âu dài hạn là cấp thiết. Sự trỗi dậy của các trào lưu dân túy cấp tiến thậm chí cực đoan, mang tư tưởng hoài nghi Châu Âu và chống châu Âu, thuộc cánh hữu cũng như cánh tả, từ nhiều năm nay đã phơi bày một sự khủng hoảng của nền dân chủ tự do cả về kinh tế lẫn chính trị, gắn với thảm họa của cuộc khủng hoảng tài chính và các vụ tai tiếng về thuế (hồ sơ Luxleaks, hồ sơ Panama…).

Mặt khác, chủ nghĩa tự do chính trị ngày càng được xem như đồng nghĩa với sự không hiệu quả, thậm chí bất lực đặc biệt trước các mô hình khác trên thế giới: người ta vừa bị lôi cuốn vừa lo sợ trước mô hình Trung Quốc; hay bị lối cuốn trước chế độ Nga và mô hình một “người hùng” có khả năng lập lại trật tự và mang lại an ninh. Dù ở đây người ta nhớ lại lịch sử của thế kỷ trước và những dự án chính trị, dựa trên học thuyết bảo hộ, đã đưa tới “các xã hội đóng cửa”, hay các nhà nước cảnh sát đối lập hoàn toàn với các giá trị của các xã hội dân chủ và tự do. Sự sụp đổ của bức tường Berlin đã tượng trưng cho chiến thắng của các xã hội tự do. Có lẽ người ta đã lầm khi cho rằng chúng ta tránh được sự tụt hậu. Chúng ta muốn sống theo kiểu xã hội nào?

Như vậy, sự khủng hoảng của chủ nghĩa tự do đã biểu hiện qua một cuộc khủng hoảng chính trị, với triệu chứng rõ rệt là sự hồi sinh của các chủ nghĩa dân túy và các chủ nghĩa cực đoan ở nhiều nhà nước. Tuy nhiên, sức mạnh của nền dân chủ tự do lại ở chỗ nó là một chế độ cởi mở với chính những khiếm khuyết của nó.

Trước cuộc khủng hoảng về tính chính đáng dân chủ, về cơ bản, đó là việc đưa ra một tầm nhìn chung về tương lai của tiến trình xây dựng châu Âu để bù lấp sự thiếu mục đích đang hủy hoại nó: một cộng đồng công dân không chỉ sống với pháp luật, kinh tế hay sự điều chỉnh; mà đặc biệt cần sống bằng tình cảm thuộc về một cộng đồng chính trị. Vậy mà từ nay, người ta dường như thấy rõ rằng kết quả các cuộc bầu cử mới đây ở Anh (và ở Mỹ) phần nào được lý giải bởi một chính sách “tẩy chay” hơn là bởi sự lựa chọn một dự án tích cực cho tương lai.

Trước cuộc khủng hoảng kinh tế, những người bảo vệ “xã hội cởi mở” cần thừa nhận rằng việc tìm kiếm sự công bằng và tình đoàn kết trong một thế giới mở cửa cho những trao đổi là những yêu cầu cơ bản của loài người như đã được chỉ ra trong cuốn sách rất thành công của Thomas Piketty viết về các quyền bình đẳng và cũng chính đáng như những khát vọng tự do. Và cuối cùng, trước cuộc khủng hoảng về người tị nạn, việc tiếp nhận những người chạy trốn khỏi những nước đang có chiến tranh là một yêu cầu cấp bách mang tính đạo lý và là một quyền cơ bản; đồng thời, việc đảm bảo an ninh cũng phải được tính đến.

Nhà nước và thị trường

Xuất phát từ nhận định trên, dường như cần thiết xem xét lại chủ nghĩa tự do châu Âu với mục đích chủ yếu là bảo vệ các công dân chống lại sự lạm quyền hay những khiếm khuyết của các hệ thống chính trị và kinh tế. Và điều này phải dựa trên sự thừa nhận mang tính phê phán những hạn chế của các nguyên tắc tổ chức của các xã hội chúng ta, đặc biệt liên quan tới nhà nước và thị trường, tự do và an ninh.

Về mặt kinh tế, chủ nghĩa tự do châu Âu đồng nghĩa với việc thừa nhận những hạn chế của thị trường và nhà nước. Không vô ích khi nhắc lại rằng nỗ lực này đã đặc biệt được John Stuart Mill khởi xướng trong cuốn “Các nguyên tắc kinh tế chính trị”. Nỗ lực này cần được tiếp tục không mệt mỏi. Thực vậy, không thể dành một niềm tin mù quáng cho thị trường mang tầm nhìn ngắn hạn và trải qua những điều chỉnh thô bạo. Sự can thiệp của nhà nước có thể được biện hộ bởi những tác nhân bên ngoài, sự phi đối xứng về thông tin, sự cần thiết phải bù đắp những bất bình đẳng ban đầu vì các lý do công bằng xã hội hay sự xác định cần thiết các luật chơi của các thể chế như các thị trường tài chính, tiền tệ và cạnh tranh. Đồng thời, cần thừa nhận rằng sự can thiệp của nhà nước không phải liên quan tới mọi lĩnh vực của đời sống và có quyền lực tuyệt đối, vì nó có thể đi đến các hình thức cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ lợi ích phe nhóm chính trị, chủ nghĩa gia đình trị và tham nhũng. Đó là những lý do để chỉ trích các tầng lớp tinh hoa và tạo thuận lợi cho sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy ở nhiều nước.

Sự phát triển của các đảng dân túy ở Châu Âu
Sự phát triển của các đảng dân túy ở Châu Âu

Tự do, an ninh và bản sắc

Tương tự, trên khía cạnh chính trị, cần thừa nhận những hạn chế riêng biệt của những đòi hỏi về an ninh, tự do hay về bản sắc. Mỗi yêu cầu chỉ chính đáng xét ở một mức nào đó. Việc muốn có một sự an toàn tuyệt đối, không còn sợ may rủi, là điều hoàn toàn nguy hiểm cho quyền tự do, vì quyền tự do mang trong nó phần nào tính mơ hồ, không thích hợp với một sự kiểm soát hoàn toàn hành động của các công dân. Nhu cầu an ninh do vậy không bao giờ có thể là một đòi hỏi tuyệt đối, vì khi đó nó sẽ dẫn tới một xã hội khép kín và chuyên quyền. Ngược lại, trên thực tế, không thể có tự do khi không có mức độ an ninh tối thiểu – sự an toàn, tức là cuộc sống của một cá nhân không bị đe dọa hay phụ thuộc vào ý muốn của người khác, và không có sự bảo trợ của xã hội, dù là nhỏ nhất. Tóm lại, có thể nói rằng mục tiêu của các xã hội của chúng ta là tìm kiếm sự an toàn và tự do ở mức lớn nhất, sự an toàn và tự do đó phải tương thích với tổng thể các quyền tự do cơ bản và những đảm bảo an ninh tối thiểu được bảo vệ một cách hợp hiến. Nguyên tắc này lý giải sự can thiệp của nhà nước trong bổn phận bảo vệ các quyền tự do công dân và, nhân danh điều đó, bảo đảm an ninh, dù là đối nội hay an ninh đối ngoại.

Chủ nghĩa phản dân túy

Như nhà chính trị học Pierre Hassner đã viết vào thời điểm Liên Xô sụp đổ: “Qua trải nghiệm cay đắng của thế kỷ 20, chúng ta biết rằng không có sự thay đổi quyền tự do, không có bất cứ hệ thống nào, liên minh nào, nhà nước nào có thể đóng cửa với thế giới hiện đại mà không bị thất bại hay sụp đổ.

Nhưng chúng ta cũng biết nhân loại không chỉ sống bằng tự do và tài sản, mà những khát vọng dẫn tới chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội, việc tìm kiếm cộng đồng và bản sắc, tìm kiếm bình đẳng và tình đoàn kết, sẽ luôn xuất hiện trở lại. Chỉ khi nào chủ nghĩa tự do có thể dung hòa chúng đồng thời với sự tự do cá nhân và sự phụ thuộc lẫn nhau của hành tinh, thì sau khi chiến thắng Chiến tranh Lạnh, người ta mới có cơ hội không đánh mất hòa bình”.

EU phải coi trọng một số đòi hỏi và khát vọng của công dân vì chúng cũng chính đáng như những khát vọng tự do: nhu cầu về cộng đồng và bản sắc, giải quyết vấn đề xã hội và sự bảo trợ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cũng còn trong lĩnh vực an ninh.

Coi trọng vấn đề biên giới

Vấn đề biên giới của EU được đặt ra một cách gay gắt và làm chúng ta nghĩ tới những thách thức mà Liên minh này phải đối mặt. Dự án châu Âu sau Brexit là gì? Thực hiện kiểm soát nhập cư ở đâu? Làm thế nào để khắc phục cuộc khủng hoảng bản sắc ở nhiều nước châu Âu? Mặt khác, một số nước châu Âu cảm thấy biên giới và nền an ninh của họ bị đe dọa (các nước vùng Baltic và các nước Đông Âu, đặc biệt là Nga), nghi ngờ về khả năng của EU bảo vệ công dân châu Âu, điều này được biểu hiện thông qua việc các nước gia tăng chi tiêu quân sự (như Ba Lan), hoặc sử dụng chiến lược tăng cường hội nhập (như việc các nước vùng Baltic thông qua đồng euro như là phương tiện đảm bảo thúc đẩy tình đoàn kết).

Vấn đề cốt lõi là: Nếu như Nga thực hiện chính sách với một nước thành viên EU, như đã làm với Ukraine, thì châu Âu sẽ phản ứng ra sao? Đó là thử thách thực sự đối với các biên giới và bản sắc châu Âu. Liệu chúng ta có sẵn sàng thực hiện các phương thức và chấp nhận rủi ro thiệt hại về người để bảo vệ các biên giới của chúng ta? Điều đáng chú ý là NATO, được sử dụng như giải pháp thay thế xét về phương diện này, không hẳn là giải pháp tuyệt vời, nhất là sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ: Điều gì sẽ xảy ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, ngày càng tỏ ra hung hăng hơn với Hy Lạp? Tình hình của đảo Síp cho thấy nguy cơ của một việc đã rồi.

Yếu tố gắn kết các quốc gia trong EU cũng là yếu tố phân biệt họ với bên ngoài. Vấn đề biên giới do vậy gắn với vấn đề bản sắc chính trị và địa chính trị của châu Âu và tác động tới cảm giác thuộc về một tập thể đa quốc gia.

Trước tiên cần khẳng định lại sự đóng góp về mặt địa lý của các đợt mở rộng EU đối với tiến trình xây dựng châu Âu xét tới khía cạnh hòa bình, hòa giải và ổn định của các nước thành viên, bất chấp những diễn biến gây lo ngại ở Trung Âu. Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng khác với các đợt mở rộng trước đó, việc kết nạp thành viên kể từ năm 2004 kèm theo những câu hỏi của công luận các nước (ở Pháp, Hà Lan, Đức và Áo), không chỉ về thể chế chính trị mà cả về kinh tế-xã hội, và đặc biệt về bản sắc.

Ngoài các lý do kinh tế (do tác động của khủng hoảng, người ta ngày càng lo sợ về hành vi phá giá xã hội và phá giá thuế) và các lý do chính trị (cảm giác bị mất ảnh hưởng), vấn đề bản sắc gắn liền với sự đoạn tuyệt về địa chính trị kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ. Một mặt, căn nguyên của cuộc khủng hoảng bản sắc này là cảm giác về một sự mở rộng không có hạn định tạo nên đặc thù của một châu Âu không giới hạn và xem nhẹ vấn đề lãnh thổ vốn đóng vai trò cốt yếu. Mặt khác, sự đoạn tuyệt về địa chính trị, dưới tác động của sự sụp đổ của Liên Xô cách đây 25 năm, đã làm xuất hiện một nội dung chưa từng có: Cần thiết phải làm sáng tỏ những giới hạn về lãnh thổ của EU.

Trong bối cảnh như vậy, cần có những nhận định chính trị chung về những giới hạn của EU. Từ lâu nay, người ta đã lẩn tránh vấn đề chính trị quan trọng này, lấy cớ rằng nó gây chia rẽ người dân châu Âu (đặc biệt về quy chế được đề xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine). Tuy nhiên, không đặt vấn đề này đồng nghĩa với việc né tránh giải đáp khúc mắc của công luận về một chủ đề đã góp phần làm suy yếu sự tham gia tiến trình xây dựng châu Âu.

Hàng nghìn người đã tham gia biểu tình tại thủ đô Belgrade của CH Serbia ngày 15/2 để yêu cầu thị trưởng Sinisa Mali từ chức (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàng nghìn người đã tham gia biểu tình tại thủ đô Belgrade của CH Serbia ngày 15/2 để yêu cầu thị trưởng Sinisa Mali từ chức (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giải đáp vấn đề xã hội

Nhà văn kiêm sử gia người Pháp, Alexis de Tocqueville, đã nhấn mạnh rằng dân chủ không chỉ là một hình thức quản trị mà còn là một “hình thái xã hội” với nguyên tắc nằm trong khát vọng “bình đẳng các thân phận”. Cùng với khủng hoảng, sự cần thiết phát triển khía cạnh xã hội của EU đã trở thành một điều hiển nhiên.

Tiến trình xây dựng châu Âu thường bị chỉ trích vì bỏ qua khía cạnh xã hội. Tuy nhiên, từ nay tiến trình đó đã trở thành một không gian đoàn kết. Việc tiếp cận thị trường nội bộ châu Âu đã trở thành phương tiện thu hẹp khoảng cách kinh tế của nhiều nước, chẳng hạn như ở Tây Ban Nha, Ireland, và cả ở Trung Âu và Đông Âu như đã được chứng tỏ qua sự tăng trưởng và tăng GDP tính theo đầu người ở những nước này kể từ khi họ gia nhập EU. Mặt khác, trong suốt tiến trình xây dựng châu Âu, sự phát triển theo chiều sâu thị trường nội bộ châu Âu đã gắn liền với các hoạt động chuyển giao tài chính chưa từng có. Chính sách nông nghiệp chung (chiếm 40% ngân sách) từng là một thành công, nhưng giờ đây không còn là như vậy và cần phải được cải cách; và cũng như cần cải cách chính sách khu vực theo hướng có lợi đối với các nước và các khu vực thiệt thòi nhất mà cho đến nay chỉ được hưởng hơn 1/3 ngân sách EU một chút.

Vả lại, cuộc khủng hoảng đồng euro đã khiến sự đoàn kết tài chính của các nước thành viên trở nên cần thiết, nó được xem như là một nhân tố tạo nên sự ổn định của liên minh tiền tệ: Tính cả quỹ tài trợ cho Tây Ban Nha để giúp chỉnh đốn hệ thống ngân hàng của nước này, thì toàn bộ sự can thiệp của châu Âu dưới danh nghĩa đoàn kết tài chính trong Khu vực đồng euro vào cuối năm 2012 đạt gần 430 tỷ euro.

Cuộc khủng hoảng đồng euro đã khiến sự đoàn kết tài chính của các nước thành viên trở nên cần thiết, nó được xem như là một nhân tố tạo nên sự ổn định của liên minh tiền tệ

Ngoài yêu cầu “đoàn kết tài chính” theo nghĩa hẹp này, từ nay EU phải coi trọng nhu cầu gắn kết xã hội vốn cần thiết cho một xã hội ổn định. Tính đặc thù của châu Âu là sự rất không đồng nhất về mặt xã hội. Cho dù phải thu hẹp khoảng cách giữa những biểu tượng và thực tế trong lĩnh vực này, người ta vẫn thấy sự cạnh tranh xã hội, đôi khi khốc liệt, từ nay bộc lộ rõ, đặc biệt trong lĩnh vực nông phẩm, giao thông hay xây dựng.

Mặt khác, dưới tác động của khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng mạnh ở châu Âu. Cuộc khủng hoảng cũng gợi lại tính không bền vững về mặt cơ cấu của các tầng lớp dân cư có mức độ tham gia thị trường lao động thấp nhất: thanh niên (dưới 25 tuổi), người cao tuổi (trên 50 tuổi), người lao động thời vụ, hay những bà mẹ đơn thân.

Nếu như củng cố khía cạnh xã hội của EU, đặc biệt của Khu vực đồng euro, đã trở thành điều hiển nhiên, thì cuộc tranh luận “mang khía cạnh xã hội” vẫn khó được tiến hành ở phạm vi châu Âu bởi nhiều lý do. 28 nước thành viên có các truyền thống và lịch sử khác nhau; do vậy hành động trong lĩnh vực này đòi hỏi phải tính đến nguyên tắc bổ trợ và phân chia trách nhiệm. Vả lại, tất cả các nhà nước thành viên EU không có quan niệm giống nhau về tái phân phối, quản lý và tổ chức các mối quan hệ xã hội, bảo vệ người lao động, đấu tranh chống phân biệt đối xử. Mặt khác, người ta rất ít nói đến “châu Âu xã hội”. Chẳng hạn, không chấp nhận nguyên tắc “tiền lương tối thiểu châu Âu” nhằm giảm bớt những khác biệt về tiền lương. Do đó, cần phải thông qua các biện pháp mang tính xã hội nhằm hỗ trợ người lao động phải đối mặt với những biến động mạnh mẽ về kinh tế và công nghiệp.

Sự cần thiết của một “châu Âu quyền năng tối thượng”

Nếu EU có các phương tiện để đảm bảo sự vận hành tốt của các thị trường (đặc biệt thông qua các đặc quyền về cạnh tranh, đưa ra các quy định về thị trường nội địa, hay về tiền tệ), thì cũng cần thừa nhận những yếu kém của EU trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, khả năng của EU đóng góp vào sự ổn định các chu trình kinh tế trong lĩnh vực ngân sách, hay vai trò của EU trong việc duy trì an ninh và nhà nước pháp quyền (chẳng hạn, đấu tranh chống tham nhũng, chống khủng bố, bảo vệ biên giới) đã bị hạn chế nhiều do các nước thành viên không muốn dành cho EU quyền hạn trong các lĩnh vực này.

Tiến trình xây dựng EU đã diễn ra đồng thời với việc các nhà nước thành viên từ chối trao cho EU các quyền tối thượng do mong muốn bảo vệ chủ quyền của họ. Do vậy, các thể chế châu Âu trở nên bất lực trước cuộc khủng hoảng kinh tế và trước đòi hỏi tăng cường nhà nước pháp quyền và các chính sách an ninh. Do vậy, không ngạc nhiên khi nhiều đảng đối lập lên tiếng chỉ trích hành động của châu Âu cũng như các chính sách quốc gia. Một thực trạng như vậy đã phác họa nên những nét chính của một dự án châu Âu vốn nhằm mang lại sự bảo vệ tốt hơn các công dân và dẫn tới việc đặt ra câu hỏi về các phương thức thực hiện các nhiệm vụ ở quy mô châu Âu nhằm bảo vệ các quyền tự do công cộng và bảo vệ an ninh trong và ngoài nước.

Chương trình này cũng liên quan tới khía cạnh kinh tế. Các cuộc đàm phán thương mại là một ví dụ. Trong thế giới hiện nay, phần lớn các động lực tăng trưởng nằm ngoài châu Âu do các yếu tố về dân số hay sự đuổi kịp về kinh tế, và bởi các sáng kiến công nghệ ngày càng được phổ biến rộng rãi hoặc mang lại nhiều lợi ích trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, “chủ nghĩa bảo hộ” chỉ còn là một khái niệm vô nghĩa.

Châu Âu cần bảo vệ những lợi ích và những ưu tiên của mình, bằng sự đòi hỏi “có đi có lại”, chẳng hạn trong việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đơn đặt hàng nhà nước hay các đảm bảo cho xuất khẩu. Đồng thời, đảm bảo rằng các hiệp ước thương mại không mâu thuẫn (một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp) với các điều khoản hiện có trong quy định của châu Âu về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, dù trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, môi trường hay tài chính. Cuối cùng, châu Âu phải có các công cụ kiểm soát việc tuân thủ các quy tắc mà châu Âu đặt ra, những công cụ đó phải có tính hiệu quả ngang bằng với các công cụ của Mỹ, trong lĩnh vực thuế, tài chính hay kiểm soát các chuẩn mực kỹ thuật.

Ngoài khía cạnh thương mại hay bảo vệ người tiêu dùng, nền tảng của quyền năng tối thượng là năng lực thu thuế vốn bị thất thoát bởi hành vi trốn thuế và gian lận thuế. Những vi phạm này cũng làm ảnh hưởng tới công bằng xã hội khi tạo ra sự bất công giữa những người đóng thuế, các hộ gia đình hay các doanh nghiệp. Sự ủng hộ rất lớn dành cho Ủy ban châu Âu trong vụ Apple và việc Hội đồng châu Âu nhanh chóng thông qua các sáng kiến lập pháp của Ủy ban châu Âu đã nhấn mạnh yêu cầu châu Âu phải có một hành động mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Quả thực, dự án này đã đáp ứng yêu cầu của người dân châu Âu: 82% người dân châu Âu mong chờ EU can thiệp nhiều hơn vào cuộc chiến chống khủng bố, 72% chờ đợi EU hành động tích cực hơn trong cuộc chiến chống gian lận thuế, 74% hy vọng EU quyết liệt hơn trong vấn đề di cư, 71% mong muốn EU thể hiện sự quyết tâm trong việc bảo vệ các biên giới bên ngoài và 66% cho rằng EU cần tăng cường hành động cho lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Cuối cùng, vấn đề châu Âu quyền năng tối thượng cho phép chuyển cuộc tranh luận sang vấn đề chủ quyền. Một châu Âu có quyền năng tối thượng là một châu Âu củng cố chủ quyền của nhà nước, dù ở phạm vi quốc gia hay châu Âu. EU và các nhà nước châu Âu, trong mô hình dân chủ và tự do của chúng ta có cùng lý do tồn tại: Bảo vệ sự an toàn của các công dân, cả về tính mạng lẫn tài sản, đồng thời mang lại không gian rộng lớn nhất có thể cho quyền tự do cá nhân. Việc duy trì mở rộng biên giới và các giá trị châu Âu tự do đòi hỏi thành lập một châu Âu quyền năng tối thượng, nếu không nguy cơ thu mình dân tộc sẽ gia tăng. Vậy mà, điều này ít có khả năng mang lại những giải pháp hơn là tạo ra những vấn đề mới.

Đặc biệt, nó không thể mang lại giải pháp cho các hiện tượng vượt ra khỏi phạm vi quốc gia: không ngăn chặn được làn sóng người di cư, không giải quyết được những bất ổn kinh tế, không chấm dứt được các mối đe dọa khủng bố. Vấn đề đặt ra là cần xác định nội dung của các chính sách cần thực hiện, và những bất đồng về điểm này đã vượt ra khỏi các cuộc thảo luận ở phạm vi quốc gia.

Cuối cùng, sự thu mình quốc gia đã không trở thành giải pháp cho những bất đồng châu Âu. Thái độ gay gắt đối với EU sẽ có thể biến thành mối oán hận đối với các nhà nước châu Âu láng giềng – khiến họ trở lại vai trò là “vật hy sinh” như trước khi có tiến trình xây dựng châu Âu. Trở lại với một châu Âu mang tính quốc gia đồng nghĩa với việc nối tiếp một lịch sử với những chia rẽ chính trị mà tiến trình xây dựng châu Âu tuy không làm mất đi nhưng đã biết cách hạn chế.

***

Đấu tranh chống chủ nghĩa dân túy rốt cuộc chính là xây dựng (hoặc xây dựng lại) một tầm nhìn và một hướng đi, một dự án chính trị dài hạn. Dự án này phải là dự án tái thiết một mô hình chính trị châu Âu ở phạm vi châu lục, có thể đáp ứng được một số đòi hỏi không thể né tránh: giải quyết khủng hoảng về phương hướng, nhu cầu đoàn kết và đấu tranh chống bất bình đẳng, tạo lại một cảm giác thân thuộc, thông qua việc tìm kiếm cộng đồng và bản sắc, và cuối cùng đáp ứng yêu cầu được bảo vệ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội mà còn về an ninh. Về mặt đối ngoại ngoài phạm vi châu Âu, cần làm cho dự án chính trị này “có sức cạnh tranh” trong cuộc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu giữa các mô hình tổ chức chính trị và kinh tế-xã hội.

Chỉ bằng cách mang lại lời giải đáp cho những mong đợi của người dân châu Âu, thì họ mới có thể tìm thấy vị trí của mình trong thế giới đang biến đổi. Chỉ khi tin chắc vào những nguyên tắc của họ, họ mới có thể chấm dứt vai trò khán giả để trở thành chủ thể thực sự của tiến trình toàn cầu hóa. Đó là điều kiện để người dân châu Âu vượt qua sợ hãi và tìm thấy lại cảm giác tự do của họ./.

Bài viết này nằm trong Chuyên mục Vấn đề châu Âu, tạp chí Fondation Robert Schuman, tháng 12/2016