Khi đoàn thám hiểm Mỹ bắt đầu tiến vào vùng trời trên Đảo Đầu lâu, từ trên trực thăng phóng tầm mắt xuống mặt đất với những hòn đảo nhỏ dần hiện ra sau làn mây mờ, một người lính thốt lên: “Wow, đẹp không tưởng tượng nổi. Giống như thiên đường vậy.”
Cảnh phim đầu tiên trong “Kong: Skull Island” về hòn đảo được coi nơi duy nhất trên Trái đất mà con người “văn minh” chưa từng đặt chân đến đã diễn ra như thế. Nên người ta có cảm giác, đây là một bộ phim quảng bá du lịch, hơn là bom tấn về nhân vật biểu tượng của điện ảnh thế giới có tuổi đời hơn 80 năm.
“Quê hương” của Kong
Câu nói trên của người lính Mỹ nằm trong kịch bản, nhưng nó cũng hoàn toàn có thể diễn ra ngoài đời thực khi các nhà làm phim Hollywood đặt chân đến Việt Nam để tìm bối cảnh cho bom tấn có kinh phí lên tới 190 triệu USD. Theo lời kể của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts thì trong lần đầu tới Quảng Bình, anh đã quyết định ngay tắp lự rằng đây chính là “quê hương” của Kong!

Nhưng không chỉ có Quảng Bình, đi tới đâu, từ Hạ Long cho tới Ninh Bình, đoàn làm phim đều trầm trồ như thể họ đang được đặt chân tới hòn đảo mà trước đó chưa có vệ tinh hiện đại nào soi chiếu tới, giống với chi tiết trong phim. Mỗi hình ảnh được các ngôi sao Brie Larson hay Samuel L.Jackson đăng lên Instagram dịp đó đều nhận được hàng chục ngàn lượt like, kèm những lời trầm trồ, suýt xoa về cảnh đẹp Việt Nam.
Vậy mà đất nước xinh đẹp ấy mới lần đầu tiên trở thành bối cảnh chính cho một bộ phim bom tấn của Hollywood (như dòng quảng cáo xuất hiện trên các poster “Kong: Skull Island”). Phải chăng, Việt Nam cũng là miền đất bị quên lãng trên bản đồ phim ảnh thế giới? Giờ mảnh đất bị quên lãng đấy đã được khai phá với người đi tiên phong là Kong. Nhưng sau Kong, sẽ còn những bộ phim bom tấn nào nữa chọn Việt Nam làm bối cảnh.
Từ lâu rồi, theo giới làm phim thì Việt Nam cũng từng được nhiều nhà sản xuất phim Hollywood để mắt đến, song chúng ta đã để vuột mất cơ hội vì nhiều lý do, gần nhất là dự án “Jason Bourne 4.” Tác phẩm với sự góp mặt của tài tử Jerremy Renner sau đó đã được chuyển sang nước láng giềng Philippines, nơi trong quá khứ cũng từng được sử dụng làm bối cảnh cho nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam mà đạo diễn Jordan Vogt-Roberts tri ân trong nhiều cảnh quay của “Kong: Skull Island”.
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chia sẻ về Quảng Bình (Nguồn: CGV)
Nhưng dù sao, đó cũng là chuyện quá khứ, điều đáng quan tâm là liệu sau “Kong”, chúng ta có tận dụng được cơ hội lôi kéo các nhà làm phim Hollywood đến Việt Nam nữa hay không. Những dự án đó không chỉ góp phần quảng bá du lịch, mà còn tạo ra nhiều việc làm cũng như là cơ hội học hỏi cho các nhà làm phim trong nước.
Bao giờ vượt người Thái?
Theo ông Trần Nhất Hoàng, phó Cục trường Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, người theo sát quá trình làm phim của “Kong: Skull Island”, vấn đề là ở chỗ chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không mà thôi.
“Hollywood hàng năm sản xuất rất nhiều phim. Họ nắm rất vững tình hình thế giới, ở đâu có chính sách tốt thì họ ưu tiên đến đó quay. Ví dụ chính sách hoàn thuế, nếu một đoàn phim mang vào 10 triệu USD để quay thì khi xuất cảnh họ được hoàn lại 25%. Tức nếu nhà sản xuất chọn được địa điểm tốt là lập tức tiết kiệm được 2,5 triệu USD. Mà điều này chúng ta đang thiếu vì chưa có chính sách như vậy riêng cho lĩnh vực phim ảnh,” ông Hoàng cho biết.

Cũng theo ông Hoàng, những dự án lớn như “Kong: Skull Island” còn liên quan đến rất nhiều bộ ban ngành, nhất là với những phim có cảnh cháy nổ, hay quay từ trên cao. “Ví dụ các nhà làm phim muốn mang máy nổ nhưng chúng ta lại quy chúng vào dạng hàng ‘second-hand’ không được phép nhập vào Việt Nam. Cuối cùng chúng ta phải nhập vào theo cơ chế đặc biệt phục vụ đoàn phim” – ông Hoàng chia sẻ. “Hay như xuồng, nếu là đạo cụ thì không được có máy, nếu có máy thì là phương tiện giao thông, phải có giấy phép của Bộ Giao thông Vận tải.”
Ông Hoàng cũng kể một câu chuyện vui là khi đoàn đem 1 chai nước vào thì phải có giấy kiểm dịch an toàn thực phẩm: “Tôi nói với họ hay thay bằng chai nước sẵn có ở Việt Nam thì họ nói chai đó đã xuất hiện tại một cảnh quay ở nước khác, vào phim phải đúng chai với hình dáng như thế!”
Thế nên, ông Hoàng trăn trở, con đường để Việt Nam trở thành phim trường thế giới là rất dài, trong khi cạnh tranh trong khu vực là rất lớn. Chẳng nói đâu xa, Thái Lan đón rất nhiều đoàn làm phim Hollywood tới quay, gần nhất có bộ phim “Mechanic” với ngôi sao Jason Statham cũng mới được chiếu ở Việt Nam.
Cảnh quay tuyệt đẹp về Việt Nam trong Kong: Skull Island
“Tôi từng thuyết phục đoàn làm phim Kong thuê người Việt chế tạc mô hình, đạo cụ, nhưng do là lần đầu làm ở Việt Nam nên họ không thể mạo hiểm. Một nhà sản xuất khác nói với tôi rằng công việc này ở Thái có tới 7 đơn vị đáp ứng được!” – ông Hoàng tiết lộ.
Đó liệu có phải là một trong những lý do khiến du khách quốc tế vẫn ùn ùn đổ về Thái Lan, cho dù nhiều người thừa nhận chúng ta có nhiều thắng cảnh đẹp vào loại nhất thế giới?
Và nữa, liệu chúng ta có tận dụng được hình ảnh của Kong, của Tom Hiddleston, của Brie Larson hay Samuel L.Jackson để quảng bá du lịch cho một đất nước có quá nhiều tiềm năng, nhưng lại chỉ đón một lượng khách không hề tương xứng?
Bài học từ người New Zealand
Dĩ nhiên, đóng góp vào thành công của “Kong: Skull Island” còn phải nhắc đến sự ủng hộ rất lớn từ chính phủ, cũng như các bộ ban ngành, địa phương. Trong thời gian quay phim ở Ninh Bình, Thủ tướng chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đến tận nơi động viên đoàn làm phim.

Rồi ngay trước khi bộ phim được công chiếu toàn thế giới, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cũng đã có động thái khá nhanh chóng, khi mời luôn đạo diễn Jordan Vogt-Roberts làm đại sứ du lịch cho Việt Nam. Sau Kong, Roberts chắc chắn sẽ được nhiều studio tín nhiệm, chí ít là cho phần tiếp theo của bom tấn này (được hé lộ trong phần after credit). Voigt-Roberts cũng sẽ dùng uy tín của mình thuyết phục nhiều hãng phim chọn Việt Nam làm bối cảnh cho phim.
Mà thế giới thì đã có quá nhiều ví dụ về sự bùng nổ du lịch nhờ những bộ phim bom tấn của Hollywood, điển hình là bộ ba siêu phẩm “Lord of The Rings” và “The Hobbit” của Peter Jackson, nhà làm phim cũng từng dàn dựng một phiên bản King Kong khác trước “Kong: Skull Island”.
Cả hai tác phẩm trên của nhà văn Tolkien đều có bối cảnh tại vùng đất Middle Earth thần thoại và vẻ đẹp tự nhiên của New Zealand khiến cho độc giả của bộ sách gốc tưởng như đang được chiêm ngưỡng vùng đất Trung Địa thực sự.

Có tổng cộng sáu tập phim “Lord of the Rings” và “The Hobbit” được ra mắt kể từ năm 2001, và nhiều người đã chuyển trạng thái suy nghĩ “New Zealand là nơi đã quay các siêu phẩm thần thoại này” thành “New Zealand là nơi mình đã đi du lịch”.
Theo chuyên gia du lịch Gregg Anderson thì loạt phim của đạo diễn Peter Jackson đã thay đổi cả nền du lịch của New Zealand: “Kể từ khi phần đầu Lord of the Rings: The Fellowship of the Ring được ra mắt năm 2001, lượng khách du lịch tới New Zealand đã tăng lên đến 50%!”

“Có khoảng 1% du khách nói rằng ‘Lord of the Rings’ là lý do khiến họ tới đây du lịch. Chỉ là 1%, song nó tương đương với 33 triệu dollar New Zealand (khoảng 27 triệu USD). 6% nói rằng Lord of the Rings là một trong những lý do họ chọn New Zealand. Nhưng thứ quan trọng nhất là hơn 80% đối tượng du lịch mà chúng tôi hướng tới đều biết Lord of the Rings và The Hobbit đã được quay tại New Zealand”.
Trường quay Hobbiton được giữ gần như nguyên trạng là nơi được nhiều khách viếng thăm nhất. Kết quả là du lịch đang là nền công nghiệp lớn thứ nhì của New Zealand, chỉ sau bơ sữa.

Nhưng đó không phải là ngành duy nhất được hưởng lợi từ những bộ phim sử thi kể trên. Nhiều công việc đã được tạo ra nhờ sự xuất hiện của những xưởng phim như Weta Workshop, Stone Street Studios hay Park Road Post Production.
Ông Anderson nhận định: “Nền công nghiệp điện ảnh có giá trị khoảng 3 tỷ dollar New Zealand. Chúng tôi không phải là một ‘đại gia’ trong lĩnh vực này, nhưng nó hỗ trợ 2700 doanh nghiệp và khoảng 95% trong số đó có liên quan tới sản xuất và thực hiện hậu kỳ cho phim ảnh”. Đó là lý do tại sao khi khách du lịch đặt chân tới New Zealand, hải quan nước này sẽ đóng dấu “Chào mừng tới Middle Earth” lên hộ chiếu của họ.
Hay hãng hàng không New Zealand còn in cả hình LOTR và Hobbit lên những chiếc máy bay chở khách, điều khó hình dung nếu như ai đó có ý tưởng vẽ hình Kong lên chiếc máy bay của Vietnam Airlines hay Vietjet Air.
Việc của “Kong”
Cũng phải nói thêm rằng sở dĩ New Zealand thành công vì LOTR và Hobbit đều là những dự án phim dài hơi, bền bỉ trong nhiều năm và tạo được ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, dù King Kong cũng là một trong những biểu tượng của Hollywood, dù “Kong: Skull Island” cũng là một trong những bom tấn lớn nhất trong năm 2017, song cũng chưa ai rõ hiệu ứng của phim lớn đến đâu.

Dẫu vậy, ngoài sự quan tâm của các bộ ngành thì các địa phương cũng có phản ứng tích cực từ cú hích “Kong” Skull Island”. Chẳng hạn như Hạ Long đã chỉ đạo các đơn vị lữ hành mua vé xem phim để mời người bán lẻ sản phẩm du lịch tới xem “Kong”, phát kèm tờ rơi về Hạ Long.
Tuy nhiên, những phản ứng như vậy còn nhỏ lẻ trong khi trên mạng đã xuất hiện nhiều quảng cáo về “tour du lịch Kong: Skull Island” của các đơn vị lữ hành nước ngoài. Nó cho thấy không chỉ ước mơ trở thành phim trường thế giới, mà cả giấc mộng trở thành thiên đường du lịch của chúng ta vẫn còn rất xa vời, và phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không vì ý chí chủ quan của chính chúng ta.
Rừng vàng, biển bạc thì đã có. Việc còn lại là của “Kong”?
Các sao Kong: Skull Island chia sẻ cảm nghĩ về Việt Nam
Từ Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng tới Pan
Thực tế là cách đây 17 năm, một tác phẩm có kinh phí lớn của Hollywood là “The Quiet American” (Người Mỹ trầm lặng, phỏng theo tiểu thuyết của Graham Green) cũng được quay ở Việt Nam, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Khi ấy, đạo diễn Philipp Noyce cùng hàng loạt ngôi sao thượng thặng như Michael Caine, Brandon Fraser cũng đã tới Việt Nam trong khi nước chủ nhà cũng có diễn viên được góp mặt trong một vai xuất hiện khá nhiều là Đỗ Thị Hải Yến. Tuy nhiên, phim công chiếu đúng vào dịp nước Mỹ đang sôi sục trong vụ khủng bố 11/9 nên tác phẩm này nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Trước đó nữa phải kể tới hai bộ phim Pháp nổi tiếng là “Indochine” (Đông Dương) với nữ minh tinh Cetherine Deneuve đoạt Oscar phim nước ngoài hay nhất năm 1993 và L’Amant (Người tình) với Lương Gia Huy và Jane March.
Còn bộ phim kinh phí lớn gần nhất quay ở Việt Nam trước Kong là Pan (có “Wolverine” Hugh Jackman) song chỉ là sử dụng những hình ảnh từ hang Sơn Đoòng và gần như không hề quảng bá rằng hình ảnh đó được quay ở Quảng Bình, Việt Nam.
Một sự kiện cũng đáng được nhắc tới là việc Hang Sơn Đoòng được giới thiệu trong chương trình Good Morning America trên kênh ABC News cũng như trên nhiều kênh truyền hình nổi tiếng khác như CNN, Nat Geo, hay loạt chương trình Khám phá ẩm thực Việt Nam của đầu bếp “bún chả Obama” Anthoy Bourdain.
