Ca sỹ Tấn Minh: “Hát event như con dao hai lưỡi” 

7b-1488817240-39.jpg

“Hát event cần chứ! Nói thẳng ra, còn event thì chúng ta còn mừng vì nhờ thế nghệ sỹ sống được bằng nghề. Nhưng có điều, hát event nếu không tỉnh táo thì coi chừng. Event là con dao hai lưỡi…”

“Concept” hay “concert” hiện nay đa phần là vỏ!

Phóng viên: Hơn mười chương trình ca nhạc lớn nhỏ dịp 8/3, đúng là Hà Nội chưa bao giờ nhiều show hát đến thế! Từng ấy cái tên từng ấy mặt người, đến hẹn lại lên, một đêm hát mấy show. Ngay cả Tấn Minh cũng có tên trong 3, 4 chương trình đợt này, chưa kể còn “gánh” trọng trách đạo diễn âm nhạc hai đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Ru em” ở Cung Văn hóa Hà Nội (7, 8/3). Lẽ thường, lượng đã thừa thì chất đành thiếu thôi?

“Tôi cũng giật mình và cảm thấy khó hiểu tại sao năm nay show ca nhạc lại tăng đột biến như thế.” (Ca sỹ Tấn Minh)

Tấn Minh: Đúng là một năm hoang mang. Tôi cũng giật mình và cảm thấy khó hiểu tại sao năm nay show ca nhạc lại tăng đột biến như thế. Thậm chí mỗi nhà tổ chức ôm hai đến ba chương trình. Như chị nói thì lượng nhiều chất đành thiếu, điều đó là hiển nhiên.

Nhưng tôi thấy mặt tích cực là đáp ứng nhiều thị phần khán giả. Khán giả Hà Nội rất phong phú, nhạc gì cũng có khách. Chính sự sôi động này thúc đẩy thị trường âm nhạc Hà Nội phát triển hơn khu vực phía Nam.

Bản thân tôi thấy, nếu chúng ta lên án những kiểu chương trình được làm kiểu “đến hẹn lại lên” cũng không thỏa đáng đâu. Âm nhạc xuất phát từ nhu cầu thưởng thức của công chúng và chúng ta vẫn còn một đại bộ phận khán giả thích thường thức những giá trị quen thuộc, gần gũi, ôn lại kỷ niệm. Thậm chí họ không có nhu cầu làm mới.

Phóng viên: Nhiều chương trình, nhiều ngôi sao đúng là đáp ứng được nhiều thị phần khán giả. Ngược lại, khi mà chương trình nào hễ có tên ngôi sao thì ngay lập tức được “gắn mác” chất lượng nghệ thuật như “concert,” “concept,” “đẳng cấp,” “đỉnh cao”… thì khán giả biết đường nào mà lần?

Tấn Minh được xem là một trong những giọng hát trữ tình hàng đầu của nhạc nhẹ Việt Nam (Ảnh: Đẹp)
Tấn Minh được xem là một trong những giọng hát trữ tình hàng đầu của nhạc nhẹ Việt Nam (Ảnh: Đẹp)

Tấn Minh: Quan điểm của tôi là dù là nhạc gì thì cũng phải nâng cao chất lượng lên. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát chất lượng chương trình hiện nay là rất khó. Tôi thấy, sân khấu âm nhạc hiện nay cần phải kiểm soát về tên gọi đã, như chị nói. Vẻ như chúng ta đang lạm dụng hai chữ “concept” và “concert” như một ám chỉ về đẳng cấp. Concept là không gian âm nhạc độc lập, xuyên suốt, được hòa âm hoàn toàn mới hay concert là buổi hòa nhạc, đẳng cấp. Không phải cứ mời ngôi sao hải ngoại về, tổ chức ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì lập tức trở thành chương trình nghệ thuật đỉnh cao? Tôi thấy rất buồn cười và lố bịch. Bản chất đó chỉ là cái vỏ, “treo đầu dê bán thịt chó” và người thiệt nhất chính là khán giả.

Tấn Minh tập trước đêm nhạc “Ru em”

Thành ra, hiện tượng show hát “đổ bộ” về Hà Nội dịp này cũng có cái hay. Thà cứ bày hết một lần vẫn hơn ngấm ngầm, rải rác. Để chính nhà tổ chức, ca sỹ và khán giả đều có bài học nhãn tiền. Xấu đều thì không thể hơn tốt lỏi. Bài học này hoàn toàn có tính thực tế, sẽ thúc đẩy đầu tư về tinh hoa và đi vào con đường làm tử tế. Nếu năm sau, tôi vẫn được mời làm đạo diễn âm nhạc, tôi sẽ mạnh dạn hơn trong việc thêm các nhân tố mới.

Phóng viên: Năm nay tôi cũng thấy nhà tổ chức mạnh dạn mời những nhân tố mới như Sơn Tùng M-TP? Hay như chương trình “Ru em,” anh cũng mời Hà Trần, Mỹ Tâm hát Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, nói thẳng ra, cái mới vẫn chỉ dừng lại ở việc góp mặt, nhấn nhá về phần vỏ…

Tấn Minh: Tôi nghĩ chúng ta không cực đoan được, cơm áo không đùa với nhà tổ chức (cười). Những cái tên đưa ra thì mục đích đầu tiên là đảm bảo bán được vé. Đó là thói quen mua vé của khán giả hiện nay. Bán được vé rồi thì mới đến sứ mệnh của đạo diễn âm nhạc là đảm bảo chất lượng chương trình. Khi hài hòa được hai sứ mệnh đó, thì chương trình mới có thể tồn tại được. Cách tân nhưng quá mới, quá lạ đến nỗi không bán được vé thì cũng là thất bại. Sự đổi mới phải từ từ và nhen nhóm, mỗi nghệ sỹ tham gia đều có sứ mệnh của mình. Có người giữ vai trò giữ giá trị nguyên bản, nhưng có người khác sẽ thổi sự tươi mới. Nhiều màu sắc thì một đêm không bị nhàm, đơn điệu.

Ngoài ca hát, thời gian gần đây Tấn Minh còn đảm nhận vị trí đạo diễn âm nhạc một số chương trình của nhà tổ chức Media Max. (Ảnh: Nhân vật cũng cấp)
Ngoài ca hát, thời gian gần đây Tấn Minh còn đảm nhận vị trí đạo diễn âm nhạc một số chương trình của nhà tổ chức Media Max. (Ảnh: Nhân vật cũng cấp)

“…một trăm lần, cứ thế họ trở thành thợ hát”

Phóng viên: Nói đi phải nói lại, trách bầu sô vì mục đích thương mại, bán vé đành chạy theo lượng, theo sao thì cũng nên trách cả ca sỹ dễ dàng thỏa hiệp, chất ít miễn đắt sô, tiền nhiều?

Tấn Minh: Cũng tùy người. Tôi cho rằng, đẳng cấp và sức hút của người nghệ sỹ ở chỗ họ biết giữ mình. Hát event cần chứ! Nói thẳng ra, còn event thì chúng ta còn mừng vì nhờ thế nghệ sỹ còn sống được bằng nghề. Nhưng có điều là, hát event nếu không tỉnh táo thì coi chừng. Event là con dao hai lưỡi, đảm bảo cuộc sống đấy nhưng cũng là vũng lầy. Rất nhiều người nhầm tưởng rằng hát event thì chẳng ai nghe nên không đầu tư, nắn nót. Một lần, hai lần, một trăm lần, cứ thế họ trở thành thợ hát.

“Mất mát lớn nhất của người nghệ sỹ theo tôi là không giữ được mình, không dám làm làm điều mình thích, không dám nói lời từ chối…” (Ca sỹ Tấn Minh)

Phóng viên: Anh đã và đang vượt qua cám dỗ mời chào của bầu sô thế nào để giữ được mình?

Tấn Minh: Không phải bây giờ đâu mà nhiều năm nay rồi, tôi không đến những sân khấu không phù hợp. Tiền ai mà chả cần, còn nuôi vợ, nuôi con, nhà cửa đuề huề, chưa kể còn lo cho đời sống anh em nhà hát. Cám dỗ đồng tiền là một trong những cuộc đấu tranh khủng khiếp nhất. Nhưng bảo tôi ra sân bãi “các bạn ơi, các bạn à” nhún nhảy, hú hét thì tiền nhiều mấy cũng chịu. Bạn thấy đấy, tôi vẫn đi hát đều đặn, không quá hối hả cũng không quá kén show. Trước bất cứ lời mời nào, tôi đều lựa chọn trên tiêu chí phải phù hợp với phong cách, hình ảnh và giọng hát.

Các chương trình luôn yêu cầu tôi hát lại các “bản hit” nhưng chị cứ theo dõi chẳng lần nào tôi hát giống lần nào, ngoài nghiêm túc tập luyện và tìm tòi, tôi luôn đầu tư bản phối mới để mang đến xúc cảm mới mẻ cho khán giả. Hình thức cũng vậy, không một đêm nhạc bán vé nào tôi cho phép mình mặc lặp lại đồ.

Tấn Minh hát ca khúc “Phôi pha”

Hát đám cưới

Phóng viên: Theo anh nghệ sỹ có nên đi hát đám cưới không?

Tấn Minh: Hát đám cưới tôi cũng hát rồi và sẽ còn tiếp tục hát nếu nó đáng. Bản chất hát đám cưới và hát event có khác gì nhau đâu? Nhưng hát đám cưới ở đâu, chỗ nào, của ai? Nhiều người không hát đám cưới vì hai chữ đám cưới. Quan điểm của tôi thì mình làm nghề mang tiếng hát phục vụ cho mọi người, ở đâu tôn trọng mình, người ta lắng nghe và yêu mến thì mình nhận lời.

Phóng viên: Như anh nói, “hát event không tỉnh táo thì coi chừng.” Hẳn anh có những bài học đắt giá về việc mải chạy sô mà đánh mất mình?

Tấn Minh: Tôi đã trải qua bao đắng cay và cả ngọt bùi nghề hát, những được mất của nghề, đủ tỉnh táo chọn lọc và cả nói lời từ chối. Từ cái thời sinh viên, hát hăm hở, chỗ nào cũng có thể hát mà còn chả đủ lo toan cuộc sống, chẳng dám mơ có ngày đủ tiền làm đĩa. Tôi cũng đã từng va vấp. Ai trong nghề này mà chẳng nếm trải qua, chỉ là biết sớm biết muộn. Có người đi qua được, có người biết mà vẫn chấp nhận, nói thẳng ra là vì tham tiền, vì sinh nhai.

Mất mát lớn nhất của người nghệ sỹ theo tôi là không giữ được mình, không dám làm làm điều mình thích, không dám nói lời từ chối. Giữ mình cũng là giữ thái độ làm nghề chuyên nghiệp, không hát thì thôi, đã đứng trước khán giả dù ở bất cứ sân khấu nào cũng phải hát hết lòng, và đắm đuối. Nhưng khó nhất là biết chọn lọc những gì xứng đáng và phù hợp./.

Tấn Minh luôn đầu tư bản phối mới để mang đến xúc cảm mới mẻ cho khán giả.
Tấn Minh luôn đầu tư bản phối mới để mang đến xúc cảm mới mẻ cho khán giả.