Những đốm sáng tình người

Trong những ngày miền Trung chìm trong mưa lũ, giữa đau thương mất mát vẫn có nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người, làm ấm lòng và khích lệ những ai đang ở trong hoàn cảnh khó khăn.

Thiệt hại khổng lồ về sinh mạng và kinh tế

Mấy tháng cuối năm, tin xấu về mưa lũ liên tiếp đổ về từ miền Trung. Ngay từ giữa tháng 9 năm nay, mưa lũ đã gây ra những thiệt hại nặng nề về cả sinh mạng lẫn tài sản của người dân. Cụ thể, ở Nghệ An đã có 8 người chết và mất tích, tập trung chủ yếu tại huyện Nghi Lộc, Quế Phong, Quỳ Châu. Hầu hết các nạn nhân thiệt mạng do bị lũ dữ cuốn đi.

Mưa lũ cũng gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, nhà ở, công trình hạ tầng. Riêng nông nghiệp, có 7.400 ha lúa, 4.100 ha ngô và các loại hoa màu bị đổ, ngập nước, hư hỏng; hơn 9.400 con gia cầm, 143 con gia súc bị chết; trên 1.300 ha ao hồ đang nuôi thủy sản bị ngập…

“Mưa, lũ đã làm 31 người chết, 348 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, nhiều nhà ngập nước, giao thông nhiều nơi bị chia cắt”.(Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)

Ngay sau đó, mưa lũ đã tiếp tục để lại hậu quả nặng nề ở Hà Tĩnh. Chỉ trong vỏn vẹn mấy ngày, từ 12 đến 16/10, mưa lũ đã làm cho 108 xã, phường với 30.111 hộ dân của tỉnh Hà Tĩnh bị ngập, có nơi ngập sâu từ 2 đến 3m. Diện tích lúa mùa bị ngập hơn 700 ha; hoa màu bị ngập, hư hỏng trên 600 tấn; gần 2.072 con gia súc, hơn 172.000 con gia cầm bị chết; hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập 1.306 ha… Tổng cộng thiệt hại kinh tế ước tính trên 994 tỷ đồng. Ngoài ra, mưa lũ còn làm 6 người chết.

Bước sang tháng 11 và 12, mưa lũ đã tàn phá các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa. Bình Định là địa phương chịu thiệt hại lớn về sinh mạng. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết mưa, lũ đã làm 31 người chết (trong đó 5 người chưa tìm thấy), 348 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, nhiều nhà ngập nước, giao thông nhiều nơi bị chia cắt.

Trong khi đó, Quảng Nam thông báo sau hai đợt lũ đã có 7 người chết, 33 người bị thương; 18 nhà bị thiệt hại trên 70%, 19 nhà bị thiệt hại từ 30-70%. Toàn tỉnh bị thiệt hại 823 ha lúa, 3.696 ha hoa màu, 244 con gia súc và hơn 6.600 con gia cầm bị chết; 126 ha ao nuôi cá nước ngọt, 332 ha ao nuôi tôm và 188 lồng nuôi cá bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại qua hai đợt lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khoảng 473 tỷ đồng.

Đáng chú ý là nhiều khu vực trũng thấp tại Hội An như Cẩm Kim, Cẩm Phô, Cẩm Nam, Cẩm Châu bị ngập nước, nơi ngập sâu nhất khoảng 0,5m. Trong khu phố cổ, toàn bộ tuyến đường Bạch Đằng dọc sông Hoài xuống đến chợ Hội An bị ngập hơn 0,5m.

Tổng mức thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra từ 2010 tới 2016. (Dữ liệu từ báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai)

,

Thừa Thiên – Huế cũng chịu những thiệt hại nặng nề với 5 người chết, gần 8.200 ngôi nhà bị ngập, thiệt hại 3.000 ha giống đã gieo vụ Đông Xuân, 854 ha rau màu. Tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông xảy ra nghiêm trọng. Bờ sông Hương bị sạt lở trên tổng chiều dài 5,8 km; hơn 10,5km bờ biển qua địa bàn các xã Phong Hải (huyện Phong Điền), Quảng Công (huyện Quảng Điền), Phú Thuận (huyện Phú Vang), Vinh Hải, Tư Hiền (huyện Phú Lộc) bị sạt lở nghiêm trọng. Thống kê bước đầu, tổng thiệt hại do các đợt mưa lũ gây ra đối với Thừa Thiên – Huế là 356 tỷ đồng.

Còn theo Báo cáo nhanh số 5 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến ngày 17/12, mưa lũ đã làm 54 xã, phường của 7 huyện, thành phố gồm Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Mộ Đức, Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi ngập sâu trong nước từ 1-1,5m với số nhà bị ngập ước tính khoảng 17.555 nhà.

Mưa lũ làm hơn 25 ha diện tích lúa bị thiệt hại, 367ha hoa màu và rau màu bị ngập úng; hơn 80 ha diện tích đất canh tác bị sa bồi thủy phá; trên 10.000m mét bờ sông, bờ suối bị sạt lở. Cùng với đó, mưa lũ gây sạt lở, chia cắt 15 tuyến đường với khối lượng sạt lở 9.800m3, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long; làm 2 cầu dân sinh bị hư hỏng…

Ở Khánh Hòa, đến sáng 17/12, do ảnh hưởng của mưa lũ, toàn tỉnh có 2 người chết, 33 ngôi nhà bị sập; 6.080 ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập nặng; 1.400 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi; 29 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; nhiều diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị ngập… Thiệt hại ước tính khoảng 120 tỷ đồng.

Nước lũ dâng cao, chảy xiết nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm vượt qua đập tràn Phước Thuận. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Nước lũ dâng cao, chảy xiết nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm vượt qua đập tràn Phước Thuận. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Tình người ấm áp xua tan đau thương

Đằng sau những con số khô khan nêu trên là những câu chuyện hết sức thương tâm. Tại Quảng Nam, chị Trần Thị Vũ, trú tại thôn Tây Yên, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh khi chở con trai đi gửi trẻ đã bị nước lũ cuốn trôi khoảng 100m. Chị Vũ với tay vịn được ngọn tre, còn tay kia giữ chặt con. Nhưng do bị đuối trong nước khoảng thời gian dài nên khi được đưa lên bờ, bé trai đã tử vong.

Chị Đỗ Thị Miên, thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, Bình Định cho biết, chồng chị là anh Trần Văn Hương 52 tuổi đã bị nước lũ cuốn trôi vào ngày 15/12 khi giúp người dân gặt lúa và đang trên đường về nhà. Đến nay gia đình có 3 người con đang ở tuổi ăn học, thuộc diện hộ nghèo nên đời sống càng khó khăn hơn.

Không ít nạn nhân của mưa lũ là các em học sinh. Trưa ngày 8/12, hai học sinh lớp 8A2, Trường THCS Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định trên đường đi học về băng qua bờ tràn thì bị nước cuốn. Gần một ngày sau, thi thể của hai em mới được tìm thấy.

Không ít nạn nhân bị lũ cuốn là các em học sinh. (Nguồn: VNEWS)

Trước đó, vào chiều ngày 6/12, một học sinh lớp 4A, Trường tiểu học số 1 Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) trên đường đi học về nhà, khi qua đoạn cầu tràn Ông Vịnh (thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) thì bất ngờ bị nước lũ chảy xiết, cuốn trôi. Lực lượng chức năng phải huy động người và phương tiện tìm kiếm trong suốt nhiều giờ đồng hồ liền mới vớt được thi thể em đưa về mai táng. Tại Quảng Ngãi, hai học sinh cùng học lớp 6 ở trường THCS Phổ Cường (huyện Đức Phổ) cũng bị lũ cuốn xuống hố sâu chết đuối.

Bàng hoàng và bất ngờ vì lũ lớn là cảm giác chung của nhiều nạn nhân. Bà Phạm Thị Nhi, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Do nhà ở gần sông nên từ trưa ngày 15/12, nước lũ dâng lên thì gia đình tôi đã di chuyển đồ đạc lên các khu vực cao, còn 2 con thì gửi đến nhà bà con. Chỉ còn vợ chồng tôi cố bám lại để bảo vệ tài sản. Cũng may có lực lượng bộ đội mang nước, mì tôm đến cứu trợ, chứ giờ nhà ngập gần 3 mét nên không còn chỗ để nấu ăn”.

Còn anh Nguyễn Phong, thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa đã chia sẻ: “Mặc dù đã được cảnh báo lũ từ trước nhưng chúng tôi vẫn khá bất ngờ vì đây là đợt lũ thứ 4 từ đầu tháng 12 đến nay, không nghĩ đợt này lũ lại lớn đến vậy. Những đợt trước hơn 500 chậu cúc của gia đình tôi không bị ảnh hưởng, nhưng đợt này tôi phải di chuyển đến lần thứ 2 rồi mà vẫn sợ bị ngập nước. Đây là hy vọng để gia đình có tiền tiêu tết, nếu hoa chết thì coi như năm nay đói,” anh Phong chia sẻ.

Tổng số người chết do thiên tai gây ra từ 2010 tới 2016. (Dữ liệu từ báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai)

Trong đau thương và mất mát, vẫn có những con người sẵn sàng quên đi lợi ích và sự an toàn của bản thân để giúp đỡ người đang lâm cảnh hoạn nạn. Dư luận hẳn vẫn chưa thể quên câu chuyện cảm động xảy ra tại Trường mẫu giáo An Hiệp (thôn Phú Mỹ 2, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vào ngày 13/12. Ngày hôm đó, nước lũ đổ về rất mạnh sau trận mưa lớn suốt đêm hôm trước. Xã An Hiệp nằm ven quốc lộ ở hạ du sông nên nước lên rất nhanh. Trường mầm non An Hiệp vẫn mở cửa đón học sinh vì chưa có thông báo nghỉ lũ từ cấp trên và có 35 em được phụ huynh đưa đến trường.

Đến hơn 10g sáng, mưa càng ngày càng lớn, nước đã ngập đường cái nên 1 số phụ huynh đến đón con về, chỉ còn 20 em ở lại. Sau đó nước lũ lên rất nhanh khiến tất cả 20 học sinh còn lại cùng 5 giáo viên bị mắc kẹt trong trường. Khoảng 12g30, nước trong trường bắt đầu lên quá bụng. Các cô giáo phải kê bàn, ghế lên cao rồi cho các em ngồi trên còn các cô ngâm mình dưới nước để giữ bàn ghế.

“Nước ngập quá đầu chúng tôi nên mọi người đứng lên bàn ghế kê sẵn. 5 cô giáo, 20 học sinh. Mỗi cô có 4 cháu ôm vào cổ. Các cô giữ tay thật chắc để không em nào buông tay,” cô Nguyễn Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, kể lại với báo chí. Các cô kiên trì dầm nước lũ như vậy đến 15g cùng ngày thì tất cả được các lực lượng chức năng cứu đưa ra ngoài. “May mắn là nước lũ không lên nữa. Tôi và các cô giáo khác chỉ biết cầu nguyện đừng có em nào bị làm sao”, cô Hòa chia sẻ.

  • 1-1483759012-66.jpg
  • 3-1483759019-14.jpg
  • 5-1483759033-34.jpg
  • 7-1483759052-75.jpg
  • 12-1483759126-97.jpg
  • 11-1483759130-66.jpg
  • 9-1483759137-66.jpg
  • 15-1483759153-74.jpg
  • 17-1483759189-96.jpg
  • 19-1483759488-36.jpg

Những người lính cũng có nhiều hành động đặc biệt dũng cảm. Trong hai ngày 15 và 16/12 khi làm nhiệm vụ giúp dân tại vùng lũ lớn thị xã An Nhơn, Bình Định, phát hiện ô tô 7 chỗ bị lũ cuốn trôi, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh đã dũng cảm cứu hộ thành công cho 7 người mắc kẹt trong xe.

Cán bộ chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự thị xã An Nhơn đã không ngại hiểm nguy, vượt lũ dữ để đưa hàng trăm gia đình lên vùng cao an toàn. Các anh đưa người dân lên ca nô, chỉ để 1 đến 2 chiến sĩ đưa ca nô vào bờ, số còn lại phải trèo lên cây tạm trú để giành chỗ chở được nhiều người dân hơn.

Còn trong ngày 18/12, tại huyện Tuy Phước, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện đã dũng cảm cứu sản phụ là Nguyễn Thị Mỹ Huy, 30 tuổi, thường trú tại thôn Hữu Thành, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước. Chị Huy được kịp thời đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh để mổ sinh an toàn, “mẹ tròn con vuông”. Đặc biệt, có những người dù đã tuổi cao những vẫn không quản ngại nguy hiểm để cứu người.

Đó là trưởng hợp của ông Nguyễn Thanh Phước (73 tuổi, ở thôn Thanh Tuyền, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế.) Trưa 15/12, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (19 tuổi, thường trú xã Thủy Thanh, sinh viên trường Cao đẳng Y Dược Huế) đi xe máy trên đường đi học về đến gần nhà, đoạn ngã ba đường thôn Thanh Tuyền (gần nhà ông Nguyễn Thanh Phước) đã bị nước lớn và chảy mạnh cuốn trôi cả người và xe.

Bà Phan Thúy Nguyệt, 68 tuổi (vợ ông Nguyễn Thanh Phước) nghe thấy tiếng kêu cứu đã gọi ông Nguyễn Thanh Phước chạy ra cứu người, bất chấp nguy hiểm. Sau đó, mọi người đến cùng ông Phước đưa nạn nhân lên ghe vào nhà sơ cứu.

Câu chuyện về các tấm gương như thế đã làm ấm lòng những con người đang phải chật vật chống chọi với mưa lũ và hậu quả do lũ lớn gây ra.

Chị Nguyễn Thị Phượng ở xóm 4, xã Hà Linh , Hương Khê, Hà Tĩnh, ngồi trông chờ nước lũ rút. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Chị Nguyễn Thị Phượng ở xóm 4, xã Hà Linh , Hương Khê, Hà Tĩnh, ngồi trông chờ nước lũ rút. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Các giải pháp khả thi để hạn chế thiệt hại

Việc mùa lũ năm nay gây thiệt hại lớn về người và của đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm, mong muốn tìm hiểu nguyên nhân. Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, đánh giá vừa qua đợt El Nino mạnh và kéo dài gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở nhiều vùng, đặc biệt là Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Theo quy luật khí hậu, khi El Nino kết thúc thường sẽ có hiện tượng La Nina xuất hiện.

Thực tế cho thấy những năm có La Nina, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Việt Nam thường nhiều hơn 38%. Bão, áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn, gió mùa Đông Bắc hoạt động sớm và mưa lũ xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015, đặc biệt ở khu vực miền Trung.

Tổng số thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra từ 2010 tới 2016. (Dữ liệu từ báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai)

Còn theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, đến cuối năm 2016 sẽ còn nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm ở khu vực Trung Bộ, nhất là Trung Trung Bộ – Nam Trung Bộ, kèm theo mưa lớn do bão và áp thấp nhiệt đới gây ra ở các khu vực này là rất cao, đòi hỏi chính quyền cần có các giải pháp kịp thời và chủ động phòng tránh bão, lũ, điều tiết hồ thủy điện phù hợp, tránh trường hợp “lũ chồng lũ” gây thiệt hại lớn cho cộng đồng.

Hiện chính quyền các địa phương chịu thiệt hại vì mưa lũ đang nỗ lực khắc phục hậu quả. Bước đầu các địa phương này đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp 5.850 tấn gạo và 5 tấn lương khô; 8 tấn Cloruamin B và một số chủng loại khác; 300 tấn lúa giống, 20 tấn ngô giống và 5 tấn rau, đậu các loại cùng 102 tỷ đồng kinh phí hỗ lúa giống, hoa màu, cây trồng, vật nuôi và thủy sản; 1.282 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục cấp bách về hạ tầng, giao thông, thủy lợi.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan và địa phương khu vực miền Trung tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ phải chủ động, quyết liệt với tinh thần “tự lực tự cường” là chính, “tương thân tương ái”, tránh tư tưởng chủ quan; huy động mọi lực lượng, phương tiện, nguồn lực tham gia ứng phó với mục tiêu là bảo đảm an toàn tối đa cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; tuyệt đối không để người dân bị thiếu đói, rét trong mưa lũ.

“Tuyệt đối không để người dân bị thiếu đói, rét trong mưa lũ.” (Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc)

Trước mắt, các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn; tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn đang bị mất tích.

Bằng mọi biện pháp phải tiếp cận cho được các khu dân cư còn đang bị ngập sâu, chia cắt, cô lập để hỗ trợ lương thực, thực phẩm (lương khô, bánh mỳ, mỳ tôm, gạo,…) cho người dân; chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm không bảo đảm an toàn, nhất là các hộ ở ven sông, suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất”, Thủ tướng yêu cầu.

Đi liền với đó, cần bố trí lực lượng chốt chặn, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực bị ngập sâu nước chảy xiết; kiên quyết ngăn chặn người và phương tiện đi qua các khu vực nước ngập sâu không bảo đảm an toàn nhằm tránh thiệt hại đáng tiếc do lũ cuốn. Các địa phương căn cứ vào tình hình mưa lũ cụ thể của địa phương mình chỉ đạo, quyết định cho học sinh ở các vùng bị ngập sâu, chia cắt nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Thủ tướng đề nghị các địa phương chỉ đạo, vận hành an toàn các hồ chứa nước (thủy lợi, thủy điện) góp phần giảm lũ cho hạ du nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình. Các tỉnh chịu thiệt hại cũng cần chuẩn bị sẵn phương án, để ngay sau lũ rút đến đâu huy động lực lượng vũ trang, thanh niên và các lực lượng khác hỗ trợ: dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường; chỉ đạo lực lượng y tế dự phòng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Chia sẻ với những khó khăn mà các tỉnh miền Trung đang phải hứng chịu bởi mưa lũ, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị thiệt hại về người, mất nhà, hộ nghèo, gia đình chính sách; rà soát các hộ có nguy cơ thiếu đói, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.

Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. (Nguồn: VNEWS)

Nhấn mạnh đến tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam trong khó khăn, Thủ tướng lưu ý cần phát huy và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong việc giúp người dân phòng tránh và gặp nạn bởi mưa lũ. Tiêu biểu như các giáo viên của Trường mẫu giáo An Hiệp, tỉnh Phú Yên dầm mình dưới mưa lũ suốt nhiều giờ, nỗ lực tìm mọi cách để đảm bảo tuyệt đối tính mạng cho học sinh trong những ngày vừa qua. Đó là một hành động phi thường, một hình ảnh đẹp về người giáo viên nhân dân, về tinh thần, trách nhiệm, sự tương thân tương ái.

Về lâu dài, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, địa phương nghiên cứu, đánh giá toàn diện về thực trạng mưa lũ, ngập lụt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý, khắc phục.

Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, xử lý công trình chưa phù hợp, cản lũ, ảnh hưởng đến an toàn dân cư, không để tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng cản lũ của các công trình giao thông.

Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn, tiếp tục đầu tư mua sắm theo kế hoạch, trong đó cần tập trung mua sắm các chủng loại phù hợp, cần thiết phục vụ tốt nhất cho công tác cứu hộ cứu nạn tại chỗ để trang bị tới cơ sở (như xuồng cao su), cũng như một số thiết bị chuyên dùng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương khẩn trương triển khai các Đề án, dự án nhằm tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; các trạm đo mưa tại cộng đồng. Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát các quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa để vận hành phù hợp, tránh tác động tiêu cực do công tác vận hành./.

Đại tá Nguyễn Hùng Anh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định (bên phải) thăm hỏi, tặng quà gia đình hộ người cao tuổi bị thiệt hại do mưa lũ gây ra tại xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, Bình Định. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Đại tá Nguyễn Hùng Anh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định (bên phải) thăm hỏi, tặng quà gia đình hộ người cao tuổi bị thiệt hại do mưa lũ gây ra tại xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, Bình Định. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)