Dấu ấn Việt Nam

coverolympi-1474343745-41.jpg

Trần Hiếu Ngân

Người khai mở cho Việt Nam ở Olympic

Minh Chiến

Bán kết Taekwondo hạng 57 kg, Olympic Sydney 2000, cả thế giới ngỡ ngàng khi nhà đương kim vô địch châu Âu Virginia Lourens bị đánh bại chỉ sau 30 giây. Trần Hiếu Ngân đi vào lịch sử, thể thao Việt Nam lần đầu tiên bước tới ánh sáng Olympic.

Nửa thế kỷ chờ đợi và 30 giây định mệnh

Trước khi Trần Hiếu Ngân xuất hiện, lịch sử thể thao Việt Nam tại Olympic là một trang giấy trắng. Tính từ khi Việt Nam Cộng hòa dự kỳ Thế vận hội đầu tiên tại Helsinki 1952, thể thao hai miền Nam – Bắc đã trải qua tổng cộng 11 kỳ Thế vận hội. Riêng thể thao miền Bắc có năm lần dự Olympic.

Hàng trăm vận động viên Việt Nam đã đến Olympic. Kết quả: không một tấm huy chương. Lịch sử thể thao Việt Nam vẫn mòn mỏi đợi ngày lá quốc kỳ đỏ thắm được kéo lên tại Thế vận hội.

Ngày 28/9/2000, Trần Hiếu Ngân bước vào sân State Aports Center dự thi hạng cân 57 kg. Với Taekwondo, Hiếu Ngân không phải người được kỳ vọng nhất. Nội dung của cô có quá nhiều vận động viên giỏi. Người được đoàn Việt Nam đặt hy vọng khi ấy là Nguyễn Thị Xuân Mai ở nội dung 49 kg. Sự có mặt của Hiếu Ngân ở Olympic vốn đã được xem là một thành tích tuyệt vời. Rất ít người dám tin rằng cô gái 26 tuổi có thể gây được bất ngờ.

Hiếu Ngân đến Olympic và tạo nên huyền thoại của riêng cô. Một huyền thoại khởi đầu cho những kỳ tích khác của thể thao Việt Nam ở đấu trường lớn nhất địa cầu.

Thể thao Việt Nam không tin Ngân. Và thế giới cũng nghĩ vậy. Trần Hiếu Ngân nằm trong nhóm những vận động viên phải dự vòng sơ loại ở Sydney.

Đối thủ đầu tiên của Hiếu Ngân là Cheryl Ann Sankar. Trước vận động viên vô danh của Trinidad & Tobago, Hiếu Ngân vẫn phải chật vật. Sang tới hiệp đấu thứ ba, cô mới giành được 1 điểm đầu tiên trước khi ấn định tỷ số 2-0 trong 30 giây cuối cùng.

Thử thách thực sự đến với Hiếu Ngân ở Tứ kết. Đối thủ Jasmin Strachan (Philippines) sở hữu đẳng cấp cao, là một trong bốn cái tên được đặc cách miễn thi đấu vòng loại. Nhưng trước đối thủ mạnh hơn, Hiếu Ngân đã có một trận xuất sắc. Cô chơi ăn miếng trả miếng với địch thủ trước khi dứt điểm với tỷ số sát nút 5-3. Chiến thắng ấy đã mang tới sự tự tin cho Hiếu Ngân.

Vào bán kết, vận động viên người Phú Yên phải đối mặt với nhà đương kim vô địch châu Âu, ứng cử viên giành huy chương Virginia Lourens. Đối thủ người Hà Lan đã chơi hay hơn trong phần lớn thời gian và dẫn trước 2-1. Khi trận đấu chỉ còn 30 giây, Hiếu Ngân quyết định liều lĩnh. Cô từ bỏ thế thủ, chủ động lao vào tấn công. Trong “30 giây định mệnh” – như Hiếu Ngân thừa nhận, Lourens và Hiếu Ngân lao vào nhau, liên tục ghi điểm. Trận đấu kết thúc với tỷ số 9-6 dành cho vận động viên Việt Nam.

Chiến thắng ấy khiến cả làng Taekwondo ngỡ ngàng. Bởi Lourens đang là nhà vô địch tuyệt đối của châu Âu, người đã thống trị nội dung 57 kg suốt 3 năm gần nhất.

Huy chương Bạc của Hiếu Ngân là thành quả tới sau 11 lần tham dự Thế vận hội của Việt Nam.
Huy chương Bạc của Hiếu Ngân là thành quả tới sau 11 lần tham dự Thế vận hội của Việt Nam.

Thất bại nhưng vẫn đi vào lịch sử

Nhưng bản thân Hiếu Ngân cũng phải trả giá cho chiến thắng. Trước chung kết, cô đã dính 9 đòn sau ba lượt trận, là một trong những vận động viên phải thi đấu nhiều nhất và dính đòn nhiều nhất. Ở chiều ngược lại, đối thủ Jung Jae Eun của Hàn Quốc mới để mất đúng 3 điểm từ đầu giải. Cô được đánh ít hơn Hiếu Ngân một trận và là vận động viên có chỉ số phòng ngự tốt nhất giải.

Thất bại 0-2 là điều được dự báo trước. Hiếu Ngân thua tuyệt đối. Lần đầu tiên tại giải, cô không một lần đánh trúng đối thủ. Sau Olympic, nhiều ý kiến chỉ trích Hiếu Ngân đã không chơi hết mình. Một số người cho rằng cô đã thỏa mãn với tấm huy chương bạc và quyết định dừng lại.

Hiếu Ngân đã nghĩ gì lúc ấy? Không ai biết được. Chỉ có một sự thật: nội dung 57 kg bắt đầu thi đấu từ 9 giờ sáng tới hơn 21 giờ đêm. Hơn 12 tiếng liên tục, bốn trận đánh, Hiếu Ngân phải ăn nghỉ ngay trong nhà thi đấu. Và xin nhắc lại, cô đã chơi nhiều hơn Jung Jae Eun một trận. Những cuộc đấu ấy, đặc biệt là trận bán kết đầy kịch tính với Lourens, đã khiến Hiếu Ngân kiệt sức.

Trước đó, Hiếu Ngân từng đánh bại Jung Jae Eun ở Giải vô địch châu Á năm 1998. Hai năm đã qua, trong khi Jung tiếp tục được đầu tư mạnh thì Hiếu Ngân phải hài lòng với điều kiện tập luyện ở Việt Nam.

Tấm huy chương bạc của Hiếu Ngân là thành tích đầu tiên của thể thao Việt Nam trong lịch sử tham dự Olympic. Lần đầu tiên, Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia đã giành huy chương Olympic. Riêng ở nội dung Taekwondo, Việt Nam đứng trên Nhật Bản, Pháp.

Hình ảnh Hiếu Ngân khoác lên vai quốc kỳ Việt Nam, chạy vòng quanh khán đài mãi mãi khắc ghi vào trong trái tim người hâm mộ Việt Nam. Đó là là tấm huy chương mở đường cho thể thao Việt Nam ở Olympic, là bằng chứng khẳng định người Việt Nam có đủ khả năng vươn tới đỉnh cao thế giới.

Hiếu Ngân và huấn luyện viên Trương Ngọc Để (trái) - người góp công rất lớn trong thành công của cô.
Hiếu Ngân và huấn luyện viên Trương Ngọc Để (trái) – người góp công rất lớn trong thành công của cô.

Từng năm lần muốn từ bỏ Taekwondo

Ít ai biết rằng, người Việt Nam đầu tiên giành huy chương Olympic từng… năm lần muốn chia tay Taekwondo.

Hiếu Ngân sinh ngày 26/6/1974 trong một gia đình 8 con, theo nghề làm bánh ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Bố Hiếu Ngân yêu thích võ thuật và có tập Thiếu Lâm Tự. Ông muốn những đứa trẻ trong nhà phải biết võ để chăm sóc sức khỏe và bảo vệ bản thân.

Bản thân Hiếu Ngân chưa bao giờ quá hứng thú với võ thuật. 13 tuổi, cô mới lần đầu tiên vào lò võ cùng bốn anh chị em khác trong gia đình. Nhưng vì không đủ đam mê, cả bốn người anh em của Hiếu Ngân đều bỏ dở việc học.

Bản thân Hiếu Ngân đã ba lần xin thôi học. Taekwoondo ở Phú Yên còn quá khó khăn. Kinh phí thi đấu, tập luyện phần nhiều tới từ vận động viên. Võ sư Nguyễn Ngọc Hùng vẫn nhớ kỷ niệm về những lần phải thuyết phục Hiếu Ngân ở lại võ đường.

Dằn vặt giữa đi và ở, luôn phải lo lắng chuyện tiền bạc và tương lai, Hiếu Ngân vẫn tập luyện và tiến bộ kỳ lạ. 16 tuổi (1990), cô đã giành tấm Huy chương Bạc nội dung quyền toàn quốc lần đầu tiên. Kể từ năm 1993, Hiếu Ngân vô đối nội dung 55 kg ở Việt Nam. Đây chính là bàn đạp đầu tiên cho Hiếu Ngân tiến tới tấm Huy chương bạc Olympic nội dung 57 kg sau này.

Ba tháng trước SEA Games 1995, Hiếu Ngân dính chấn thương đầu gối nghiêm trọng. Cô phải phẫu thuật, liên tục bị những cơn đau dai dẳng hành hạ. Một lần nữa, ý định bỏ cuộc quay trở lại. Được bạn bè, thầy cô hết lời động viên, Hiếu Ngân cắn răng tập lại. Phần thưởng là tấm Huy chương Vàng SEA Games 1995.

Từ đó tới năm 2000, Hiếu Ngân liên tục chinh chiến và lập chiến công ở các Giải châu lục. Những tấm Huy chương Vàng vô địch Đông Nam Á 1996, Huy chương Vàng vô địch châu Á 1998, Huy chương Đồng ASIAD 1998, Hạng I vòng loại Sydney 1999 đã đưa Hiếu Ngân đến với Olympic. Xen giữa đó là một lần định chia tay Taekwondo nữa vào năm 1997.

Phần còn lại của câu chuyện đã trở thành lịch sử. Hiếu Ngân đến Olympic và tạo nên huyền thoại của riêng cô. Một huyền thoại khởi đầu cho những kỳ tích khác của thể thao Việt Nam ở đấu trường lớn nhất địa cầu.

Hạnh phúc giản dị của nhà vô địch

Chia tay Olympic, Hiếu Ngân cũng nói lời tạm biệt Taekwondo. Lần này, không ai cản được cô gái 26 tuổi. Với khoản thưởng hơn 100 triệu đồng, Hiếu Ngân lập gia đình với người bạn đời Nguyễn Phan Duy Phương. Hai vợ chồng sống trong một căn nhà nhỏ ở Lý Thường Kiệt tại Quận 10. Hiếu Ngân tiếp tục theo đuổi công việc huấn luyện ở Trung tâm đào tạo Võ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Với một bé trai và một bé gái, Hiếu Ngân đang hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình.

Trần Hiếu Ngân là vận động viên Việt Nam đầu tiên giành Huy chương ở một kỳ Thế vận hội.
Trần Hiếu Ngân là vận động viên Việt Nam đầu tiên giành Huy chương ở một kỳ Thế vận hội.

Khoảng trắng sau lưng Trần Hiếu Ngân

Có một sự thật ít người biết: Sydney 2000 là lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban Olympic (IOC) công nhận Taekwondo là một môn thi đấu chính thức. Trước đó, môn thể thao này chỉ được xem là môn biểu diễn ở hai kỳ Thế vận hội 1992 và 1996.

Sydney 2000 là kỳ Taekwondo đầu tiên với 103 vận động viên tới từ 51 quốc gia. Việt Nam có hai suất tham dự. 16 năm sau ngày Hiếu Ngân giành huy chương, Taekwondo Việt Nam vẫn không giành được thêm bất kỳ thành tích nào ở đấu trường này. Olympic Rio 2016 là đỉnh cao thất vọng khi không có một vận động viên Taekwondo Việt Nam nào giành được vé tới Brazil. Đó là nỗi đau của Taekwondo. Hãy nhớ rằng tấm huy chương vàng đầu tiên ở ASIAD (1994) và Huy chương đầu tiên ở Olympic (2000) của thể thao Việt Nam đều tới từ Taekwondo.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đã tới lúc gạt Taekwondo khỏi danh sách 10 môn thể thao được đầu tư trọng điểm. Tình hình Taekwondo trên thế giới cũng không khá hơn. Trong các nội dung đối kháng, Taekwondo bị xem nhẹ nhất. Giải vô địch Taekwondo thế giới có tám hạng cân song Olympic hiện tại chỉ cho tổ chức bốn hạng cân. Cách đây vài tháng, Liên đoàn Taekwondo cũng mới thành công trong việc bảo đảm cho môn thể thao này được xuất hiện ở Olympic Nhật Bản 2020.

Hoàng Anh Tuấn

Người hùng Olympic và đoạn kết bình yên của gã “trai hư”

Minh Chiến

Hai năm sau ngày giành Huy chương Bạc Olympic Bắc Kinh 2008, Hoàng Anh Tuấn dính án phạt cấm thi đấu hai năm vì doping. Một sự nghiệp vĩ đại vừa bắt đầu đã vội vụt tắt.

Sinh ra để chinh phục đỉnh cao

Ngày 10/8/2008 tại Olympic Bắc Kinh, Hoàng Anh Tuấn trở thành vận động viên Việt Nam thứ hai trong lịch sử giành Huy chương tại Olympic. Ở nội dung cử tạ hạng cân 56 kg, Tuấn giành Huy chương bạc với tổng cử 290 kg, chỉ kém người chiến thắng Long Qingquan bên phía Trung Quốc 2 kg. 8 năm sau ngày Hiếu Ngân giành Huy chương Bạc ở Sydney, quốc kỳ Việt Nam lại được kéo lên trên nền trời Olympic.

Nhưng khác Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn là một tài năng đặc biệt.

Điều đặc biệt đầu tiên là cách Anh Tuấn giành huy chương. Ở Sydney 2000, Hiếu Ngân bị đánh giá thấp, phải khởi đầu giải từ vòng loại. Mỗi chiến thắng là một lần vượt qua chính mình, là một cuộc đánh cược với vận may. Còn Anh Tuấn đã sớm nằm trong tốp ứng cử viên tranh chấp huy chương từ đầu giải. Thành công của anh là điều đã được dự báo trước.

Sự khác biệt về thực lực cũng dẫn tới sự khác biệt về tinh thần. Những chuyên gia cử tạ vẫn nhớ hình ảnh của Hoàng Anh Tuấn mỗi khi bước ra sân đấu. Nụ cười rạng rỡ, cánh tay giơ cao, Anh Tuấn sở hữu sự đường hoàng và tự tin của một vận động viên hàng đầu, người chưa từng nghi ngờ năng lực của bản thân. Với một nền thể thao nhỏ bé thường bị gắn mác “tâm lý kém” như Việt Nam, trường hợp của Anh Tuấn rất hiếm gặp.

Đối đầu với huyền thoại Trung Quốc

Trở lại với ngày 10/8, Hoàng Anh Tuấn là một trong 19 vận động viên tham gia nội dung 56 kg. Hạng cân lần này có rất nhiều vận động viên giỏi, trong đó nổi bật lên đô cử 18 tuổi người Trung Quốc Long Qingquan – người sau này sẽ trở thành huyền thoại của cử tạ Trung Quốc.

Bước vào nội dung cử giật, Anh Tuấn khởi đầu với mức tạ 126 kg. Anh thực hiện thành công và vượt lên trên Long Qingquan 1 kg. Nhưng đó cũng là lần duy nhất Anh Tuấn vượt qua đối thủ. Trong khi vận động viên Việt Nam thất bại ở lần cử thứ hai với mốc 130 kg thì Long chinh phục thành công con số tương tự. Đến lần cử thứ ba, Long đạt mốc 132 kg còn Anh Tuấn có 130 kg. Kể từ đây, đô cử Trung Quốc duy trì cách biệt 2kg cho tới chiến thắng sau cùng.

Sang nội dung cử đẩy, kịch bản tiếp tục lặp lại khi Anh Tuấn thất bại ở lần cử thứ hai với 160 kg (Long thành công). Đô cử Trung Quốc thậm chí đã đặt mục tiêu chinh phục mốc 164 kg trong lần cử đẩy cuối cùng nhưng thất bại.

Chung cuộc, Long giành Huy chương Vàng với mức tổng cử 292 kg, hơn Hoàng Anh Tuấn 2 kg. Trận chung kết nội dung 56 kg đã diễn ra thực sự quyết liệt khi khoảng cách giữa năm người dẫn đầu chỉ là 9 kg.

Dù không thể giành Huy chương Vàng, Hoàng Anh Tuấn vẫn đã vượt qua chính mình. Anh buộc nhà vô địch thế giới 2007 Cha Kum-chol (Triều Tiên) phải về đích thứ năm. Anh đẩy Eko Yuli Irawan (Indonesia) xuống vị trí thứ ba. Eko chính là người đã giành Huy chương Vàng SEA Games của Hoàng Anh Tuấn một năm trước đó.

Khi Olympic tới gần, chuyên gia người Bulgaria luôn theo sát Tuấn bất ngờ đổ bệnh. Anh buộc phải tự mình tới Bắc Kinh, tự đề ra giáo án, tự tập luyện, tự chăm sóc bản thân, quan tâm tới các vấn đề thủ tục, trong sân và ngoài sân. Ngay cả khi tập ép cân, Anh Tuấn cũng phải tập một mình.

Cử tạ Bắc Kinh 2008 cũng chứng kiến sự thống trị tuyệt đối của Trung Quốc. Đoàn Trung Quốc giành tám huy chương trong 15 nội dung cử tạ. Bản thân Long sau này trở thành huyền thoại của cử tạ Trung Quốc. Tại Olympic Rio 2016 vừa qua, Long tiếp tục giành Huy chương Vàng nội dung 56 kg đồng thời thiết lập kỷ lục thế giới mới với tổng cử 307 kg. Trước Long, thất bại của Anh Tuấn không phải điều gì quá xấu hổ.

Bản thân Hoàng Anh Tuấn cũng đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan tại Olympic 2008. Giống như nhiều vận động viên Việt Nam khác, Anh Tuấn cũng phải một mình tới Bắc Kinh. Khi Olympic tới gần, chuyên gia người Bulgaria luôn theo sát Tuấn bất ngờ đổ bệnh. Anh buộc phải tự mình tới Bắc Kinh, tự đề ra giáo án, tự tập luyện, tự chăm sóc bản thân, quan tâm tới các vấn đề thủ tục, trong sân và ngoài sân. Ngay cả khi tập ép cân, Anh Tuấn cũng phải tập một mình.

Nếu không có sự cố ấy, Anh Tuấn đã có thể tập trung thi đấu và đạt thành tích cao hơn. Bởi ngay trước thềm Olympic, chàng trai người Bắc Ninh đã trải qua 90 ngày tập luyện chất lượng ở Bulgaria – cường quốc cử tạ hàng đầu thế giới.

Sự xuất sắc của Anh Tuấn là tiền đề cho việc ra đời hàng loạt vận động viên cử tạ đẳng cấp ở thế hệ sau.
Sự xuất sắc của Anh Tuấn là tiền đề cho việc ra đời hàng loạt vận động viên cử tạ đẳng cấp ở thế hệ sau.

Bóng tối sau ánh sáng

Tấm Huy chương Bạc Olympic đưa Hoàng Anh Tuấn vào hàng ngũ những vận động viên lừng lẫy nhất lịch sử thể thao Việt Nam. So với Taekwondo, Cử tạ là một trong những môn Olympic lâu đời và được tôn trọng nhất. Tấm huy chương ở môn cơ bản như cử tạ có ý nghĩa rất nhiều so với môn thể thao hạng hai như Taekwondo – mới được đưa vào chương trình Olympic từ năm 2000.

Lãnh đạo ngành cử tạ vẫn nói về Hoàng Anh Tuấn với một sự tự hào. Nhưng sau vinh quang, bóng tối bắt đầu xuất hiện, từng bước đẩy Anh Tuấn lún sâu vào vũng bùn thất bại.

Làng thể thao rung chuyển khi thông tin chính thức được công bố: Vận động viên từng giành Huy chương Bạc Olympic dương tính với doping.

Tháng 9/2010, các quan chức thể thao bàng hoàng khi nhận tin Hoàng Anh Tuấn dương tính với kết quả kiểm tra doping tại Giải vô địch thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chất Oxilofrine mà Anh Tuấn sử dụng không phải chất kích thích nhưng nó nằm trong nhóm chất bị cấm. Tháng 11/2010, sau rất nhiều những tranh luận nội bộ, ngành thể thao buộc phải gạch tên Hoàng Anh Tuấn khỏi danh sách dự ASIAD 2010. Án phạt được đưa ra lặng lẽ với mục đích giấu kín giới truyền thông.

Nhưng một sự việc, một tên tuổi ở tầm cỡ như vậy không thể che giấu lâu được. Nhìn danh sách Đoàn Việt Nam tới ASIAD Thượng Hải, giới truyền thông đã nhận ra. Làng thể thao rung chuyển khi thông tin chính thức được công bố: Vận động viên từng giành Huy chương Bạc Olympic dương tính với doping.

Tháng 1/2011, Liên đoàn cử tạ thế giới bồi thêm một đòn vào nỗi đau Việt Nam: Hoàng Anh Tuấn bị phạt 5000 USD, cấm thi đấu hai năm – mức án phạt cao nhất của tổ chức này.

Cánh cửa tới ASIAD 2010, hy vọng đến Olympic London 2012 đóng lại. Hình ảnh thể thao Việt Nam suy giảm nghiêm trọng còn cá nhân Hoàng Anh Tuấn không bao giờ trở lại được đỉnh cao.

Giai đoạn cuối sự nghiệp, Hoàng Anh Tuấn dính nhiều rắc rối cả trong thi đấu và cuộc sống.
Giai đoạn cuối sự nghiệp, Hoàng Anh Tuấn dính nhiều rắc rối cả trong thi đấu và cuộc sống.

Đi tìm sự bình yên và lời khẳng định sau cùng

Thực ra, trước án phạt của Liên đoàn cử tạ thế giới, Hoàng Anh Tuấn đã dính nhiều “phốt” khác. Ngay trước Olympic 2008, nhiều thành viên trong đội tuyển cử tạt ở Bulgaria bị phát hiện doping. Một mình Anh Tuấn trong sạch trước khi giành Huy chương.

Trở về từ Olympic, Anh Tuấn ra yêu sách tăng lương với lãnh đạo tỉnh Đà Nẵng dù trước đó, anh đã nhận lương cứng 10 triệu và hàng loạt sự đãi ngộ.

SEA Games 2009 chứng kiến Hoàng Anh Tuấn tệ nhất trong sự nghiệp. Nhà Á quân Olympic chỉ về thứ tư ở nội dung sở trường, kém xa những người đồng nghiệp ở đẳng cấp thấp hơn hẳn. Chỉ cách anh bước ra sân cũng khiến tất cả thất vọng: phát biểu kiêu ngạo, tự tin thái quá, không thèm khởi động. Sau giải, Anh Tuấn đầu cúi gằm, nghêu ngao tuyên bố mình sẽ giải nghệ. Hình ảnh gã “trai hư” của thể thao Việt Nam hiện lên rõ ràng.

Hoàng Anh Tuấn của hiện tại đã là giảng viên, là huấn luyện viên, là một người thầy. Bộ đồ âu, áo sơ mi, chiếc kính gọng trắng khiến Tuấn trông như một trí thức thành thị điển hình. 

Sự nghiệp của Anh Tuấn tưởng như sẽ tiếp tục đi xuống nếu không có sự xuất hiện của một người phụ nữ. Giữa lúc Anh Tuấn thất bại trong sự nghiệp, bị cấm thi đấu 2 năm, tất cả bạn bè xa lánh, người hâm mộ coi thường, Hồ Thị Kim Oanh đã xuất hiện.

Chị Oanh khi ấy đang là thạc sỹ ở Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng – nơi Anh Tuấn học Đại học. Sự dịu dàng của chị Oanh đã đánh thức những phần tốt đẹp trong Anh Tuấn. Anh tu chí học hành, luyện tập trở lại. Cuối tháng 12, Anh Tuấn xin đi dự Giải vô địch quốc gia – giải đấu đầu tiên sau hai năm bị treo giò.

Tại giải đấu đó, Anh Tuấn giành Huy chương Vàng và đánh bại đàn em Trần Lê Quốc Toàn – người vừa đại diện cho cử tạ Việt Nam ở Olympic 2016. Chiến thắng ấy như một lời khẳng định rằng Anh Tuấn đã trở lại, rằng chàng “trai hư” đã trở thành người đàn ông thực sự. Sau giải, Anh Tuấn nhẹ nhàng nói câu từ giã. Lần này là lời nói thật.

Những ai gặp Anh Tuấn trong những năm tháng sau này sẽ thấy một hình ảnh khác. Không phải là tay đô cử lực lưỡng, tài năng nhưng kiêu ngạo và phá phách, Hoàng Anh Tuấn của hiện tại đã là giảng viên, là huấn luyện viên, là một người thầy. Bộ đồ âu, áo sơ mi, chiếc kính gọng trắng khiến Tuấn trông như một trí thức thành thị điển hình.

Người đàn ông ấy giờ là bố của một bé gái xinh xắn, một người chồng trách nhiệm, một người thầy tận tụy. Sau tất cả, Hoàng Anh Tuấn đã tìm được bến đỗ bình yên cho cuộc đời mình.

Hoàng Anh Tuấn là niềm hy vọng và tự hào lớn nhất của thể thao Việt Nam trong thập kỷ trước.
Hoàng Anh Tuấn là niềm hy vọng và tự hào lớn nhất của thể thao Việt Nam trong thập kỷ trước.

Hoàng Xuân Vinh

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

Minh Chiến

Tấm Huy chương Vàng Olympic Rio 2016 đã làm nên tên tuổi của Hoàng Xuân Vinh. Nhưng thất bại ở ASIAD 2010 mới là thứ làm nên bản lĩnh của anh.

Bây giờ, Hoàng Xuân Vinh là huyền thoại số một của thể thao Việt Nam với một Huy chương Vàng 10m súng ngắn hơi và một Huy chương Bạc 50m súng ngắn tại Olympic. Để có thành công, tay súng sinh năm 1974 đã phải trải qua rất nhiều lần thất bại, đã không ít lần tuyệt vọng, thậm chí từng có ý định giải nghệ. Chính những trải nghiệm đau thương ấy đã hun đúc nên một Hoàng Xuân Vinh mạnh mẽ và bản lĩnh.

Những thất bại đau thương

ASIAD 2010 tại Thượng Hải là nỗi thất vọng lớn nhất trong sự nghiệp của Hoàng Xuân Vinh. Tại nội dung 25m súng ngắn ổ quay, sau năm lượt bắn đầu tiên, Xuân Vinh dẫn dầu, hơn người đoạt Huy chương Vàng sau đó Park Byung-taek tới 4 điểm. Lợi thế quá lớn ấy khiến mọi người tin rằng Vinh chắc chắn sẽ giành huy chương.

Nhưng ở lượt bắn cuối cùng, do căng thẳng tâm lý, Vinh để súng cướp cò. 86 điểm là điểm số của viên đạn ấy, thấp nhất trong số 39 vận động viên tham dự chung kết nội dung này, thấp nhất trong toàn bộ sáu viên đạn của Xuân Vinh. Trước đó, Xuân Vinh chưa từng bắn dưới 97 điểm.

Viên đạn 86 điểm khiến Xuân Vinh tụt từ vị trí số 1 xuống 14. Trưởng đoàn bắn súng Lê Quý Phượng đứng chết lặng, thất thần hồi lâu. Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung tái mặt còn Xuân Vinh đầu cúi gằm. Nhục nhã ê chề. ASIAD ấy, Xuân Vinh tay trắng còn bắn súng Việt Nam bị cả châu Á chê cười.

Liên tiếp trong các giải đấu lớn từ 2010 tới 2014, Xuân Vinh đã thất bại như thế. Ở chung kết 50m súng ngắn Olympic London 2010, Vinh tiếp tục có mặt trong tốp ba suốt phần lớn thời gian thi đấu. Đến phát đạn thứ 9/10, sự căng thẳng khiến anh chỉ có được 7,3 điểm. Cơn ác mộng ở Thượng Hải ùa về. Vinh về thứ 4 chung cuộc, kém người giành Huy chương Đồng chỉ 0,1 điểm.

Những thất bại sát nút, sự thiếu tự tin ở các khoảnh khắc quyết định đã đeo bám dai dẳng Xuân Vinh suốt những năm tháng ấy. Như nhiều vận động viên Việt Nam khác, anh cũng bị liệt vào nhóm “tâm lý yếu”.

Đã đến lúc phải làm điều gì đó cho Vinh.

Xuân Vinh đánh bại hai vận động viên rất mạnh của Trung Quốc và Brazil bằng viên đạn quyết định 10,7 điểm.
Xuân Vinh đánh bại hai vận động viên rất mạnh của Trung Quốc và Brazil bằng viên đạn quyết định 10,7 điểm.

Nếm mật nằm gai

Những thất bại tại ASIAD 2010 và Olympic 2012 đã ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của Hoàng Xuân Vinh. Tay súng Quân đội dần trở nên thiếu tự tin và từng có ý định giải nghệ. Chính lúc ấy, vai trò của huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung được thể hiện. Khi không ai tin Vinh, khi Vinh không còn tin chính mình, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung vẫn tin anh.

Suốt hơn 1400 ngày kể từ sau Olympic London, chị Nhung cho Vinh tập nói đi nói lại câu “Tôi là vận động viên giành Huy chương Vàng Olympic” trước mỗi buổi tập. Bài tập kỳ lạ ấy như một sự tự kỷ ám thị, đã từng bước đánh thức trở lại khát khao chiến thắng và ý chí của Hoàng Xuân Vinh.

Nhiều năm dài, cuộc sống của Xuân Vinh là sự khổ luyện. Mỗi ngày, anh dành từ 10 tới 12 giờ tập luyện. Vinh gần như không dùng internet, điện thoại, hạn chế tối đa xem truyền hình hay chơi điện tử.

16 năm kể từ ngày lên đội tuyển là 16 năm anh xa gia đình. Vinh đi biền biệt, mỗi năm chỉ về nhà có ba tuần. Khi hai bé Tuệ Minh (2000) và Nam Trung (2009) ra đời, Vinh đều không thể dành nhiều thời gian cho con. Trong tâm trí hai đứa trẻ, bố là một mảng ký ức mờ mịt. Chị Phan Hương Giang – vợ Xuân Vinh, từng nói về anh: “Anh Vinh đi thì nhà sống nề nếp, anh về thì mọi thứ bị đảo lộn”. Cả gia đình đã quen với sự vắng mặt của người đàn ông.

Chị Giang phải thay anh gánh vác tất cả. Từ họ hàng hai bên tới đối nội, đối ngoại, một tay chị phải làm hết. Hai con anh ít được đi chơi. Cả gia đình chỉ mong một lần được đi chơi xa cùng nhau nhưng khó quá. Hình ảnh Xuân Vinh ôm chặt vợ trong ngày trở về Nội Bài đã làm lay động biết bao trái tim.

Sau những hy sinh gia đình bản thân Vinh cũng phải đối mặt với điều kiện tập luyện còn nhiều khó khăn. Mỗi ngày, tay súng Việt Nam chỉ được cấp 50 viên đạn để tập. Con số tương tự của các xạ thủ nước ngoài là 300 viên. Vinh phải tập ở trường bắn cũ, xuống cấp tại Nhổn. Anh chủ yếu tập với bia giấy, nhiều lần phải bắn súng không có đạn trong khi cả thế giới đã chuyển sang bia điện tử. Sự thiếu thốn khiến Vinh phải liên tục tập huấn Trung Quốc, Hàn Quốc để cải thiện trình độ.

Cuối cùng, thành công đã mỉm cười với anh.

Thế giới ngưỡng mộ Xuân Vinh

Năm 2014, Hoàng Xuân Vinh lần đầu tiên giành Huy chương Vàng Cúp bắn súng thế giới – giải đấu quy tụ những tay súng hàng đầu. Chiến thắng ấy như là dấu hiệu báo trước cho một Hoàng Xuân Vinh mới: bản lĩnh hơn, tự tin hơn.

Tay súng sinh năm 1974 nhận được sự ngưỡng mộ từ đông đảo bạn bè quốc tế.
Tay súng sinh năm 1974 nhận được sự ngưỡng mộ từ đông đảo bạn bè quốc tế.

Xuân Vinh đến Olympic trong sự thừa nhận về chuyên môn của làng bắn súng thế giới. Anh là một trong những ứng cử viên hàng đầu. Chiến thắng, nếu có, sẽ không phải là một kết quả may mắn.

Phần còn lại của câu chuyện đã trở thành lịch sử. Xuân Vinh chơi cực hay tại nội dung 10m súng ngắn hơi và 50m súng ngắn để giành hai Huy chương Olympic.

Điều đáng nói: Olympic 2016 là lần đầu tiên bắn súng thay đổi thể thức thi đấu. Thay vì để tất cả các vận động viên cùng thi đấu, thể thức mới sẽ loại đi vận động viên có điểm số thấp nhất sau mỗi lượt bắn. Thể thức này đã tạo nên cuộc đấu cân não thực sự. Mỗi viên đạn sẽ là một lần đánh cược.

Từ một vận động viên bị đánh giá tâm lý kém, Xuân Vinh đã thể hiện bản lĩnh ở những thời điểm cuối cùng. Viên đạn quyết định có điểm số 10,7 ở nội dung 10m súng ngắn hơi đã khiến khán giả và chính đối thủ Brazil phải ngả mũ bái phục.

Ở nội dung 50m súng ngắn, Xuân Vinh thua cuộc trước huyền thoại Hàn Quốc Jin Jong Oh. Nhưng chính Jin và báo chí Hàn Quốc cũng phải thừa nhận Xuân Vinh. Xin mượn lời hai tờ báo Hàn Quốc Korea Times và Yeongnam để làm lời kết bài viết này: “Bốn lần tham dự Olympic, giành ba Huy chương Vàng nhưng chưa bao giờ Jin Jong Oh run tay đến nỗi chỉ bắn được 6,6 điểm. Cậu ta thực sự bị tâm lý vì Hoàng Xuân Vinh bắn quá hay.”

“Xuân Vinh không bắn phát nào trước 10 giây. Sự chắc chắn và điềm tĩnh của xạ thủ Việt Nam khiến Jin Jong Oh bị tâm lý thực sự ở lượt bắn thứ 9. Thành tích tưởng như tệ nhất mà cậu ta gặp là ở Olympic Athens 2004, với một lượt bắn chỉ có 6,9 điểm, khiến Jin chỉ giành được Huy chương Bạc năm đó.”

“Cuộc chiến giành huy chương là không hề dễ dàng. Huy chương Vàng 10m súng ngắn Hoàng Xuân Vinh đã chơi cực kỳ xuất sắc và dẫn trước trong phần lớn thời gian. Jin Jong Oh chỉ lật ngược thế cờ ở những phát bắn quyết định.”

Hai lần mất mẹ

Hoàng Xuân Vinh sinh ngày 6/10/1974 tại Sơn Tây thuộc Hà Tây cũ. Anh tốt nghiệp Trường Sỹ quan công binh năm 1994. Năm 1998, Xuân Vinh vô địch Giải bắn súng toàn quân trước khi được gọi vào Đội tuyển quốc gia vào năm 2000. Được sự cho phép của lãnh đạo, anh chia tay chức chỉ huy công binh ở Thường Tín, chuyên tâm theo nghiệp bắn súng.

Đại tá Xuân Vinh là người phải hai lần đối diện với nỗi đau mất mẹ. Mẹ ruột của anh mất năm Vinh mới ba tuổi. Sự ra đi của mẹ khiến bố con Xuân Vinh và em trai phải rau cháo nuôi nhau. Thương con, bố Vinh đi bước nữa. Nhưng người mẹ kế dịu dàng cũng sớm ra đi trước khi Vinh lập gia đình.

Lê Văn Công

Vượt lên số phận

Minh Chiến

Ngày 9/9, tấm huy chương vàng Paralympic môn cử tạ hạng cân 49kg đã đưa Lê Văn Công trở thành huyền thoại mới của thể thao Việt Nam. Sau rất nhiều sóng gió, số phận đã mỉm cười với anh.

Thần chiến thắng đã mỉm cười ở Brazil

Trước khi nói về cuộc đời của Văn Công, chúng ta hãy trở về với khoảnh khắc lịch sử tại Paralympic. Ít ai biết rằng vận động viên của Việt Nam đã may mắn đến thế nào trong ngày thi đấu hạng cân 49kg của cử tạ.

Bởi đối thủ lớn nhất của anh, nhà đương kim vô địch thế giới và Paralympic Yakubu Adesokan đã không thể góp mặt vì chấn thương. Vận động viên người Nigeria chính là kẻ chiến thắng ở Paralympic London 2012 và Giải vô địch thế giới 2014. Tại giải thế giới 2014, Yakubu đã đánh bại chính Lê Văn Công.

Đến Afrian Games 2015, thành tích của Yakubu ở hạng cân 49kg đã là 182,5kg, tức là chỉ kém thành tích tốt nhất của Lê Văn Công tại Paralympic vừa rồi 0,5kg. Trong những lần đối đầu ở quá khứ, Yakubu chưa từng thất bại trước vận động viên Việt Nam. Thể thao Việt Nam và Văn Công phải “cảm ơn” sự vắng mặt của Yakubu.

Sự vắng mặt của Yakubu khiến Omar Qarada trở thành đối thủ xứng tầm duy nhất của Lê Văn Công. Những gì diễn ra sau đó đã trở thành lịch sử. Mức tạ 181kg ở lần cử thứ ba và 183kg ở lần cử cuối cùng của Văn Công đã bỏ xa mức tạ 177kg của Qarada. Anh cũng phá luôn kỷ lục của chính mình, xác lập kỷ lục mới tại Paralympic. Sau Hoàng Xuân Vinh, huyền thoại kế tiếp của thể thao Việt Nam đã xuất hiện.

Hành trình đến với cử tạ

Trước khi giành được vinh quang ở Paralympic, cuộc đời Lê Văn Công là một hành trình dài đấu tranh với cuộc sống.

Vận động viên người Hà Tĩnh sinh ngày 20/6/1984. Khi mang bầu, Mẹ Văn Công bị sốt xuất huyết. Căn bệnh hiểm nghèo khiến Văn Công ra đời với đôi chân teo tóp ngay từ lúc mới lọt lòng. Nhà nghèo, gia đình cũng không có tiền chạy chữa cho Văn Công. Đôi chân anh không phát triển được, hai bàn chân cong vẹo hướng vào nhau, teo tóp như chân một đứa trẻ. Sức hai bàn chân không nâng nổi cơ thể nên Văn Công phải ngồi xe lăn từ nhỏ.

Mảnh đất của gia đình Văn Công hiện nằm ở xã Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa (Long An). Để đến địa điểm tập, anh Công nhiều khi phải di chuyển hơn 2 giờ bằng xe máy. Sau khi sinh bé Trâm Anh, chị Tám phải nghỉ làm để chăm sóc hai con. Thu nhập hiện tại chỉ trông vào anh Công. Ngoài cử tạ, anh Công còn một cửa hiệu sửa chữa đồ điện tử nhỏ mở cùng một người bạn ở Thành phố. Tuy nhiên, do bận rộn tập luyện, thu nhập của cửa hàng cũng không ổn định.

Không chịu trở thành kẻ ăn bám gia đình, Văn Công xin vào Nam lập nghiệp năm 19 tuổi (2005). Nhà vô địch tương lai đã làm nhiều nghề khác nhau trước khi tìm được công việc phù hợp là nghề điện tử. Sửa chữa điện tử cũng trở thành công việc chính của Văn Công sau này. Nhờ có nó, anh mới tự lo được cho cuộc sống của mình, có tiền theo đuổi việc tập luyện và xây dựng hạnh phúc riêng.

Trong khoảng thời gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, Văn Công tham gia sinh hoạt với một Câu lạc bộ hướng nghiệp ở Tân Bình. Anh tình cờ gặp một huấn luyện viên thể thao khuyết tật và nhận được đề nghị chuyển qua tập cử tạ. Cuộc đời Lê Văn Công thay đổi từ đây.

Chỉ sau chưa đầy hai năm tập luyện, Văn Công đã cho thấy cái duyên của mình với môn cử tạ.

Năm 2007, Văn Công đoạt Huy chương Vàng ASEAN Para Games với mức tổng cử 152,2kg. Anh liên tiếp giành các thành tích cao tại giải châu Á và khu vực. Sự tiến bộ thần tốc của Văn Công khiến thể thao Việt Nam có nhiều hy vọng ở Paralympic Rio.

Nhưng một lần nữa, số phận lại đùa cợt với anh. Một tai nạn xe máy nghiêm trọng vào năm 2011 khiến Văn Công phải nghỉ thi đấu dài hạn. Suốt hai năm sau đó, Văn Công không thể chạm vào cái tạ. Paralympic London trở thành một ảo ảnh xa vời.

Văn Công trở lại mạnh mẽ sau chấn thương.
Văn Công trở lại mạnh mẽ sau chấn thương.

Hai năm vật lộn với khó khăn, vừa mưa sinh, vừa điều trị chấn thương, cuối cùng Văn Công đã trở lại. Ở hạng cân 49kg tại Giải vô địch châu Á 2013, lực sỹ Lê Văn Công xuất sắc giành huy chương vàng. Kể từ đây, sự nghiệp của Văn Công thăng tiến chóng mặt.

Năm 2014 là “năm vàng” của Văn Công. Anh chiến thắng hạng cân 49kg tại ASEAN Para Games với tổng cử 176kg, phá kỷ lục châu Á. Sau đó ít tháng, anh tiếp tục giành huy chương bạc giải vô địch thế giới ở Dubai (UAE) với tổng cử 180kg – vượt qua thành tích trước đó vài tháng tới 4kg.

Vận động viên quê Hà Tĩnh lập tức được đưa vào danh sách đầu tư trọng điểm hướng tới Paralympic 2016 tại Rio – giải đấu mà anh đã một lần lỡ hẹn.

“Tôi có niềm tin rằng anh ấy sẽ chiến thắng”

“Tôi có niềm tin rằng anh ấy sẽ chiến thắng bởi nghị lực của anh Công lớn lắm”, đó là những lời chia sẻ đầy tin tưởng của chị Chu Thị Tám gửi tới chồng minh sau kỳ tích tại Rio 2016. Còn hơn cả tấm huy chương Paralympic, mối tình sâu đậm giữa hai người có lẽ mới là niềm hạnh phúc nhất cuộc đời Văn Công.

Ngược thời gian trở về thời điểm năm 2005, khi Văn Công mới vào Thành phố Hồ Chí Minh và bén duyên với cử tạ, anh đã gặp chị Chu Thị Tám khi ấy mới 17 tuổi. Hai con người xa quê (chị Tám quê Nghệ An) đã tìm được sự đồng cảm với nhau. Sau một thời gian qua lại, Văn Công ngỏ lời yêu chị Tám.

Văn Công và người vợ Chu Thị Tám. (Ảnh: Facebook nhân vật)
Văn Công và người vợ Chu Thị Tám. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Cô gái nói có nhưng gia đình lại nói không. Gia đình chị Tám lấy lý do xa cách và anh Công là người tàn tật để ngăn cản chị. Ba năm đằng đẵng, chị Tám và anh Công phải “chiến đấu” với những định kiến để bảo vệ tình yêu của mình. Yêu thương tưởng như đã chấm dứt khi chị Tám bị gia đình bắt về Nghệ An. Nhưng họ vẫn giữ liên lạc với nhau qua điện thoại. Mãi tới Tết Âm lịch 2008, gia đình chị Tám bất ngờ đồng ý.

Cuộc điện thoại bất ngờ từ Nghi Lộc (Nghệ An) mang tới cho anh Công niềm hạnh phúc dâng trào. Chị Tám báo anh rằng gia đình đã đồng ý, anh hãy nhanh vào đây ra mắt. Một mình bắt xe ra Nghệ An, anh Công đã thuyết phục được gia đình vợ bằng nghị lực, sự quả quyết và trên hết là một tình yêu cháy bỏng. Họ đến bên nhau trong sự đồng thuận và cảm phục từ cả hai gia đình.

Chị Tám cũng chính là người đã nâng bước Văn Công, vực anh đứng dậy từ vực sâu.

Sau chấn thương hồi năm 2011, Văn Công không thể tập luyện, mất toàn bộ tiền kiếm được từ thể thao. Cả hai vợ chồng phải làm lại từ đôi bàn tay trắng. Chị Tám làm thợ may, anh Công tiếp tục nghề thợ điện. Thu nhập cả gia đình chỉ chưa đầy 6 triệu đồng, họ phải chuyển về một căn hộ rộng 10m2 ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đứa con đầu lòng Lê Tuấn Anh ra đời đúng thời điểm anh Công phải nỗ lực tập luyện để trở lại. Gánh nặng gia đình đè nặng lên chị Tám. Chị vừa phải lo chăm sóc con nhỏ, vừa hỗ trợ cho chồng, quán xuyến trong ngoài, lo toan hai nhà nội ngoại. Thành công của nhà vô địch Paralympic đong đầy sự hy sinh của vợ.

Suốt một thời gian dài, chị Tám không biết tới hoa, quà, bánh trái. Hai năm anh Công chấn thương là hai năm mưu sinh nhọc nhằn, đầy nước mắt và gian khổ.

Đến cuối năm 2014, hai người mới được hưởng trái ngọt. Tiền thưởng từ ASEAN Paragames và huy chương bạc thế giới giúp họ mua được một miếng đất rộng 100m2 ở huyện Đức Hòa, Long An. Công việc của anh chị đều ổn định hơn, gia đình bắt đầu có của để dành. Bé Tuấn Anh lớn lên mang tiếng cười tới khắp ngôi nhà. Đầu năm 2016, gia đình anh Công có thêm bé Lê Trâm Anh. Hạnh phúc viên mãn cuối cùng đã mỉm cười với họ./.

Khoảnh khắc lịch sử của Lê Văn Công và thể thao Việt Nam.
Khoảnh khắc lịch sử của Lê Văn Công và thể thao Việt Nam.

Đi 2 tiếng từ nhà tới nơi tập mỗi ngày

Mảnh đất của gia đình Văn Công hiện nằm ở xã Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa (Long An). Để đến địa điểm tập, anh Công nhiều khi phải di chuyển hơn 2 giờ bằng xe máy. Miếng đất rộng 100m2 nhưng lại ở quá xa Thành phố Hồ Chí Minh. Hai người muốn dồn tiền mua một căn nhà ở gần Thành phố hơn.

Sau khi sinh bé Trâm Anh, chị Tám phải nghỉ làm để chăm sóc hai con. Thu nhập hiện tại chỉ trông vào anh Công. Ngoài cử tạ, anh Công còn một cửa hiệu sửa chữa đồ điện tử nhỏ mở cùng một người bạn ở Thành phố. Tuy nhiên, do bận rộn tập luyện, thu nhập của cửa hàng cũng không ổn định.

Những tấm huy chương của lòng quả cảm

Paralympic

Minh Chiến

Paralympic 2016 là kỳ Thế vận hội thành công nhất của thể thao khuyết tật Việt Nam với một Huy chương vàng, một Huy chương bạc và hai Huy chương đồng. Phía sau mỗi tấm huy chương đều là một câu chuyện về lòng quả cảm, sự kiên cường và khát vọng chinh phục đỉnh cao.

Ngoài tấm Huy chương vàng vô giá của Nguyễn Văn Công cử tạ, Paralympic còn chứng kiến ba tấm huy chương khác của đoàn Việt Nam. Đó là Huy chương bạc bơi lội của Võ Thanh Tùng và hai tấm Huy chương đồng của Cao Ngọc Hùng (ném lao) và Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ)

Võ Thanh Tùng: Sinh ra cho bơi lội

Trước khi Nguyễn Văn Công ghi tên mình lên bảng vàng Paralympic, Võ Thanh Tùng mới là tên tuổi nổi tiếng và xuất sắc nhất của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Đỉnh cao của Thanh Tùng đến vào năm 2014 tại Đại hội thể thao khuyết tật châu Á. Năm ấy, kình ngư Việt Nam đoạt năm Huy chương vàng, phá một kỷ lục châu Á. Anh trở về Việt Nam trong sự ngưỡng mộ của bạn bè và các nhà chuyên môn. Cuối năm đó, Thanh Tùng được bầu là Vận động viên người khuyết tật tiêu biểu.

Thành công tại giải châu Á là bàn đạp để Thanh Tùng tiến ra thế giới. Paralympic vừa qua, Thanh Tùng dự thi hai nội dung: 50m tự do nam hạng thương tật S5 và 50m bơi ngửa hạng thương tật S5.

Ở nội dung tự do, Thanh Tùng giành Huy chương bạc với thành tích 33,94 giây, xếp sau người về nhất Daniel Dias của Brazil (32,78 giây). Tại nội dung bơi ngửa, anh thắp lên hy vọng giành huy chương thứ hai khi về thứ ba tại vòng loại với 39,62 giây. Nhưng ở vòng chung kết, thành tích 40,12 giây đã khiến Thanh Tùng chỉ xếp hạng tư.

Với kình ngư sinh năm 1985, bơi lội là một cơ duyên đặc biệt, một sự gắn bó máu thịt từ tấm bé. Không quá khi nói, Thanh Tùng sinh ra để dành cho bơi lội.

Nhà Á quân Paralympic sinh năm 1985 tại Phú Tân, An Giang. Gia đình Thanh Tùng vốn theo nghề cá, sống lênh đênh trên sóng nước. Ở nhà, anh chị em nào cũng được bố dạy bơi. Với nhà Tùng, bơi vừa để tăng cường sức khỏe nhưng cũng là để bảo vệ bản thân.

Có duyên với sóng nước là thế nhưng đường đến bơi lội của Thanh Tùng không hề dễ dàng. Cơn sốt bại liệt ác tính làm Tùng mất đi đôi chân năm lên hai tuổi. Nhưng với đam mê cháy bỏng, Tùng vẫn không từ bỏ bơi lội. Thông qua một người chú giới thiệu, Tùng tới tham dự cuộc thi bơi do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Cần Thơ tổ chức hồi năm 2005.

Giữa hàng loạt vận động viên ăn tập và bán chuyên, Võ Thanh Tùng – quần đùi, áo phông, trông như một kẻ nghiệp dư chính hiệu. Nhưng khi lao xuống làn nước, sự nghiệp dư ấy biến thành những sải tay dài mạnh mẽ. Tùng thoăn thoắt dưới bể, bơi như rái cá, đánh bại hết các đối thủ ăn tập. Khi cuộc thi kết thúc, Tùng lập tức được các huấn luyện viên của thể thao khuyết tật Cần Thơ mởi vào đội.

Giữa hàng loạt vận động viên ăn tập và bán chuyên, Võ Thanh Tùng – quần đùi, áo phông, trông như một kẻ nghiệp dư chính hiệu. 

Sau đúng 20 ngày tâp luyện kể từ đó, Thanh Tùng ra Hà Nội dự giải vô địch quốc gia. Anh giành một lèo hai Huy chương vàng và một Huy chương bạc. Từ năm 2005 tới nay, Tùng vô đối ở các nội dung của mình trong toàn quốc. Thành công ở Paralympic chỉ là chương mới nhất trong bảng vàng thành tích của anh.

Khác với các vận động viên thể thao nói chung và thể thao người khuyết tật nói riêng, Thanh Tùng là cái tên hiếm hoi có bằng đại học không thuộc chuyên nghành thể thao. Để không bị phụ thuộc gia đình, Tùng đã theo học Trung cấp điện tử sau khi hết cấp ba. Anh học tiếp lên Đại học Công nghệ thông tin phân hiệu Cần Thơ, chuyên nghành điện tử viễn thông. Ngoài việc tập luyện, Tùng còn đi dạy bơi, là ông chủ một hàng sửa điện thoại.

Đoạn kết viên mãn đến với chàng trai An Giang vào mùa Đông năm 2011. Trên chuyến xe về quê nhà miền Tây, Thanh Tùng đã gặp Trúc Phương và nên duyên đôi lứa. Năm ngoái, Thanh Tùng và Trúc Phương đã làm đám cưới. Hạnh phúc vẹn tròn đã ở lại với Tùng và người bạn đời.

Cao Ngọc Hùng: Đứa con hiếu thảo và người trở về từ thất bại

Ít ai biết rằng Cao Ngọc Hùng từng suýt trở thành vận động viên khuyết tật Việt Nam giành huy chương ở một kỳ Paralympic. Giống như Hoàng Xuân Vinh, Ngọc Hùng cũng đã rất nhiều lần thất bại, nhiều lần phải đối mặt với khó khăn trước khi mang vế tấm huy chương danh giá tại nội dung ném lao.

Paralympic 2012 mà giải đấu là Ngọc Hùng được kỳ vọng rất nhiều ở nội dung ném lao hạng F58. Nhưng do thiếu vận động viên, ban tổ chức đã quyết định ghép các vận động viên hạng F57 xuống thi chung với F58. Số đối thủ tăng lên, cơ hội đoạt huy chương cũng giảm xuống.

Trước giải, thành tích của Ngọc Hùng được nhận định chắc chắn sẽ mang về huy chương. Nhưng khi số đối thủ tăng lên, Ngọc Hùng đã gặp khó khăn. Kết quả: Cao Ngọc Hùn chi về đích thứ tư ở nội dung này, kém đúng một hạng so với vị trí giành huy chương.

Chiến thắng của Ngọc Hùng giống như một câu chuyện cổ tích. 

Giải khuyết tật châu Á 2014, Hùng tiếp tục phải cạnh tranh khốc liệt khi hai hạng F57 và F58 chính thức được gộp lại chung. Luật thi đấu được điều chỉnh, những vận động viên hạng F58 như Hùng gặp khó khăn. Đùi anh bị cố định chặt trên xe lăn, khi tập hay ném đều rất đau. Số đối thủ cạnh tranh tăng lên, cơ hội ít đi. Nhưng chính trong khó khăn, Hùng đã đứng dậy mạnh mẽ. Từ thành tích chỉ có 32,8m, Hùng tập luyện cật lực, tự nâng thành tích của mình lên 38m rồi giành Huy chương đồng.

Bây giờ, không gì cản được anh nữa. Paralympic 2016, Cao Ngọc Hùng ném được 43,27 điểm, chỉ kém Huy chương bạc của Hedari Til (Iran) 0,5 điểm.

Chiến thắng của Ngọc Hùng giống như một câu chuyện cổ tích. Đó là chiến thắng của cậu bé 6 tuổi đã phải xa xứ, theo bố mẹ vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, là thắng lợi của người đã bỏ học từ năm lớp 9, đi làm để chữa tai biến cho mẹ. Suốt những năm tháng ấy, Ngọc Hùng vừa phụ việc quán phở, vừa đi tập, vừa đi học.

Giống như Võ Thanh Tùng, Cao Ngọc Hùng cũng đã tìm được một nửa hạnh phúc của đời mình. Vợ anh chính là vận động viên khuyết tật, người đồng đội Nguyễn Thị Hải. Ca ngợi Ngọc Hùng, chúng ta cũng phải dành sự tôn trọng tuyệt đối cho vợ anh – người đã hy sinh cơ hội tới Paralympic của mình để chồng đạt đỉnh ving quang.

Ở tuổi 26, Cao Ngọc Hùng vẫn sẽ là niềm hy vọng của thể thao Việt Nam trong những kỳ Paralympic kế tiếp.

Linh Phượng: Cô gái duy nhất của mùa Hè Thế vận hội

Trong năm cái tên Việt Nam đã giành huy chương ở Thế vận hội và Thế vận hội cho người khuyết tật, Đặng Thị Linh Phượng là nữ vận động viên duy nhất. Ở nội dung cử tạ hạng cân dưới 50 kg, Linh Phượng không được đánh giá cao trước giờ khai cuộc. Soloviova (Ukraine), Rehab Ahmed (Ai Cập) và Shi Shanshan (Trung Quốc) mới là những ứng cử viên hàng đầu.

Nhưng trong ba đối thủ đó, chỉ có hai người vượt qua Linh Phượng. Đô cử Việt Nam đã có một ngày thi đấu xuất sắc vượt trên mong đợi. Ngay lượt cử đầu tiên, Linh Phượng đã đạt 98 kg, giành vị trí thứ ba. Cô thậm chí đã vươn lên vị trí giành huy chương bạc ở lượt cử thứ hai với 102 kg. Cùng thời điểm đó, Shanshan của Trung Quốc thất bại với mức cử 103 kg.

Tay cử Trung Quốc cũng thất bại nốt ở lượt cử cuối cùng. Điều đó khiến thành tích của Shi chỉ dừng lại ở 100 kg, kém Linh Phượng 2 kg. Bản thân đô cử Việt Nam cũng chỉ kém Rehab Ahmed ở vị trí giành Huy chương bạc đúng 2 kg.