Ngay từ khi ngồi trong ghế nhà trường, truyện ngắn “Người ngựa, ngựa người” của nhà văn Nguyễn Công Hoan hay phóng sự “Tôi kéo xe” của nhà văn Vũ Đình Chí đã khắc họa về người phu và chiếc xe kéo tay-một loại hình vận tải thời sơ khai đồng thời cũng phân chia giai cấp giàu-nghèo trong giai đoạn phong kiến.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, guồng quay lịch sử của xe kéo tay đã nhường chỗ cho các loại hình tân tiến, hiện đại hơn như xe đạp lai, xích lô, xe ôm cho đến taxi. Và hiện nay, chỉ cần một cuộc gọi điện hay một cái nhấp tay vào phần mềm gọi xe, mọi người dân đều có thể chễm chệ ngồi trong xe taxi với điều hòa và dịch vụ chất lượng cao.
Và, hiện tại, xe taxi cũng đang đối diện với nhiều thách thức của các loại hình vận tải khác như Uber, Grab, sắp tới là tàu điện ngầm, đường sắt đô thị trên cao… Tuy nhiên, vị thế của taxi ít nhất sẽ vẫn còn chỗ đứng trong một thời gian dài dài tới.
Ước ao được đi “taxi sơ khai”
Năm nay 80 tuổi, ông Phùng Quý (ngõ 464, đường Âu Cơ, Hà Nội) vẫn bồi hồi nhớ lại khung cảnh xe kéo tay những thập niên trước năm 1945.
Lật từng ký ức hoài cổ, ông Quý bảo, hồi nhỏ, đám trẻ con trong làng mỗi khi nhìn thấy người ngồi trên xe kéo và cảnh phu xe chạy loanh quanh qua các con đường, ngõ nhỏ vốn là niềm ước ao được đi xe kéo một lần nhưng không được vì gia đình nghèo, miếng ăn còn không đủ thì lấy đâu trả tiền để được ngồi xe?
Theo ông Quý, ngày xưa, mỗi lần xe kéo chạy qua một đoạn phố là tạo nên cảnh huyên náo. Mọi người xung quanh đều hiếu kỳ nhìn theo vì ngồi trên xe thường là quan lớn hoặc người nhà giàu, những người Pháp… Khi chạy nhanh, phu xe vừa phải chạy vừa phải kêu to để những người phía trước tránh đường.
“Khi đó, xe kéo chỉ dành cho nhà giàu và quan lại. Xe kéo thời ấy giống taxi bây giờ, khi đầu thì hiếm nhưng sau cũng phổ biến hơn. Taxi cũng vậy. Thời gian đầu không nhiều, người ta còn đi xe ôm. Nhưng bây giờ, xe ôm ít hơn hẳn. Taxi phổ biến hơn nhiều và giá cả hợp lý hơn. Những người bình dân cũng đều có thể gọi xe để đi,” ông Quý thành thật nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, xe kéo hay còn gọi là xe tay, một loại phương tiện vận tải bằng sức người, tồn tại trong lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20. Đó là phương tiện du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.
“Người Pháp quản lý loại hình phương tiện này rất chặt, họ quy định mật độ hợp lý trên cơ sở một đô thị có diện tích bao nhiêu? có bao nhiêu km đường bộ? để từ đó đưa ra số lượng xe kéo được lưu hành tương ứng với quy định về diện tích mặt đường.”
Vào thời gian xe kéo thịnh hành ở Hà Nội hay Sài Gòn và một vài đô thị lớn khác (sau chiến tranh Thế giới thứ nhất 1914-1918), phu kéo xe là một nghề, giống như nghề đạp xích lô hay lái taxi bây giờ. Thông thường, mỗi chiếc xe kéo sẽ do một phu xe kéo. Thỉnh thoảng, có thêm hai người phụ đẩy phía sau.
Đề cập đến việc quản lý số lượng và lộ trình tuyến đường của xe kéo tay này, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, người Pháp quản lý loại hình phương tiện này rất chặt, họ quy định mật độ hợp lý trên cơ sở một đô thị có diện tích bao nhiêu? có bao nhiêu km đường bộ? để từ đó đưa ra số lượng xe kéo được lưu hành tương ứng với quy định về diện tích mặt đường.
“Ngoài ra, phía Pháp cũng cho các công ty đấu thầu xe kéo, gần giống với các hãng taxi thịnh hành hiện nay và thông qua đó Nhà nước có thể thu thuế. Tuy nhiên, sau năm 1945, theo chính sách mới của chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa, loại hình phương tiện vận tải này không tồn tại,” Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về quá trình mai một của xe kéo.
Theo ông Quốc, xích lô là hình thức phát triển cao hơn của xe kéo. Xích lô xuất hiện sớm nhất ở Sài Gòn vào năm 1934-1935, dần thay thế cho các phương tiện giao thông nội đô, cùng với các loại hình khác như tàu điện, xe ôtô, xe đạp.

Cạnh tranh từ… chiếc di động
Trong thời gian từ khoảng năm 2008 trở lại đây, taxi đã bùng nổ tại các đô thị lớn và chiếm được thị phần của xe ôm, xích lô. Với nhu cầu đi lại gia tăng cùng với điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, taxi đã trở thành phương tiện đi lại quen thuộc của nhiều người.
Tuy nhiên, thị trường taxi Việt Nam cạnh tranh khốc liệt hơn kể từ khi Grab, Uber tham gia với những đổi về ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải để có chất lượng dịch vụ tốt nhất và đây là động lực để ngành vận tải taxi tự làm mới mình.
Nhiều chuyên gia giao thông, thậm chí cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã nhiều lần cảnh báo, taxi truyền thống nếu không tự thay đổi thì sẽ được báo trước “cái chết” bởi khách hàng hiện nay đều là những người tiêu dùng thông thái khi chi phí, tiện ích và chất lượng dịch vụ luôn được đặt lên hàng đầu.

Đặc biệt, thời gian qua, cả Grab và Uber đều thực hiện việc khuyến mại cho lái xe, giảm giá cước cho hành khách nhằm quảng cáo thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Hai đơn vị này đã và đang gây nên những xáo trộn nhất định cho thị trường vận tải khách taxi.
Là người thường xuyên sử dụng Grab, Uber, chị Phan Thùy Trang, ở Ngọc Hà (Hà Nội) cho biết, chỉ cần cài đặt phần mềm và bằng các thao tác đơn giản thông qua phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động, hành khách có nhu cầu sử dụng taxi sẽ được người lái xe liên hệ và đến đón, mà không phải gọi điện thông qua tổng đài và chờ đợi điều phối xe.

Theo chị Trang, các ứng dụng này hoạt động dựa trên kết nối internet, xác định vị trí từ hệ thống định vị toàn cầu GPS tích hợp trong thiết bị di động. Nhờ đó, ứng dụng sẽ cho người sử dụng biết đang ở đâu, bản đồ thành phố, thông báo các xe taxi đang ở gần vị trí, xe chưa có khách. Đồng thời, ứng dụng cũng giúp cả hành khách và tài xế xe biết được tên, số điện thoại, vị trí, và quãng đường đi để gửi tin nhắn hay gọi điện trực tiếp.
Sự tham gia của Grab, Uber thực tế đã tạo ra sự đối đầu nhưng cũng chính là “cú hích” mạnh mẽ giúp các hãng taxi truyền thống tự nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư công nghệ, mua sắm xe mới…
“Hành khách có thể biết được quãng đường đi cũng như chi phí phải trả cho lộ trình đó. Điều này rất hữu ích cho người đi du lịch khi không thuộc đường phố, sẽ không lo gặp taxi dù, bị ‘chặt chém’,” chị Trang nhìn nhận.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, ngoài chi phí xăng dầu, khấu hao xe, công lái xe… taxi truyền thống đang tiêu tốn một lượng lớn chi phí cho khoảng 40 -50 % tổng số quãng đường di chuyển không có khách. Trong khi đó, nhờ áp dụng công nghệ (khách và lái xe biết rõ vị trí của nhau, khách chỉ gọi đích danh các xe gần vị trí mình), dịch vụ gọi xe qua mạng đưa số km chạy rỗng giảm xuống 20%.
Theo ông Hùng, các ứng dụng gọi xe qua điện thoại thông minh sẽ giúp tối ưu hóa hành trình, giảm lượng xe chạy lòng vòng đón khách, tránh ùn tắc trong thành phố. Hành khách sẽ được hưởng lợi vì giá rẻ hơn.
Qua một thời gian Uber và Grab có mặt ở nước ta, cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia và người dân thừa nhận, sự tham gia của Grab, Uber thực tế đã tạo ra sự đối đầu nhưng cũng chính là “cú hích” mạnh mẽ giúp các hãng taxi truyền thống tự nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư công nghệ, mua sắm xe mới… Các hãng taxi phải tự nâng cấp mình, nhu cầu cấp thiết thì phải ứng dụng công nghệ thông tin vào để phát triển phù hợp với riêng từng hãng, phải làm hài lòng khách hàng bằng những giải pháp công nghệ, giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tự đào thải vì khoa học kỹ thuật
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, trong lịch sử phát triển giao thông đường bộ, các phương tiện thô sơ lần lượt được đào thải theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và nhu cầu xã hội.
“Quy luật chung phương tiện về sau chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu người dân thì sẽ phát triển. Phương tiện giao thông phát triển dựa trên cơ sở của khoa học, tự loại bỏ và thậm chí có sự can thiệp từ phía Nhà nước,” ông Liên khẳng định.
Dẫn chứng, theo ông Liên, đề án hạn chế xe cá nhân tại các đô thị lớn cho thấy, khi phương tiện giao thông công cộng phát triển thì taxi sẽ hạn chế, giá taxi đắt và không thể cạnh tranh với loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn. Hơn nữa, các loại phí lưu thông trong giờ cao điểm sẽ rất cao điều đó đồng nghĩa với việc phương tiện này sẽ phải giảm bớt số lượng giống như ở các nước phát triển.
“Hạn chế xe cá nhân chỉ thực hiện được khi người dân tự nguyện từ bỏ xe và muốn làm được thì phải có phương tiện thay thế, phù hợp, rẻ tiền đó chính là tàu điện ngầm, đường sắt đô thị sẽ dần dần thay thế taxi,” ông Liên quả quyết.
Và đến một lúc nào đó, xe taxi cũng sẽ phải ngậm ngùi hoài cổ như thân phận chiếc xe kéo tay một thời vàng son sẽ phải lùi vào dĩ vãng khi khoa học công nghệ đang phát triển không ngừng. Thế nhưng, đó là quy luật phát triển tất yếu của lịch sử loài người…/.
